Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Tự cháy

Tự cháy

1. Cha kể rằng: "Ngày xưa, khó khăn lắm cha mẹ mới lấy được nhau. Mẹ là con nhà giàu, học giỏi, một bước lên xe xuống ngựa. Còn cha, suốt ngày cặm cụi với máy móc, dầu mỡ trong công xưởng, chỉ một hành động nghĩa hiệp kiểu "Lục Vân Tiên" mà được mẹ thương. Ông ngoại biết chuyện, quấn tóc con gái cưng vào cột nhà, đánh đòn. Cha đến quỳ trước thềm hai ngày đêm ông mới xiêu lòng"... Năm tôi ba tuổi, mẹ đột ngột ra đi sau một trận cảm hàn. Cha con dắt díu nhau về quê nội rồi lại ngược lên thành phố. Cha làm đủ nghề, còn tôi như cái giẻ rách vắt trên lưng. Mấy bà cụ ở xóm nghèo khó cứ đùa kêu là "thần hộ mệnh" của anh thợ khóa. Chiều chủ nhật, cha cõng tôi đi xem đá bóng. Đó là niềm đam mê, là thứ "xa xỉ phẩm" duy nhất trong cuộc đời cha. Cửa số 8 chật và nóng như nêm cối, chỉ toàn dành cho dân lao động nghèo có một cô bán hàng rong. Tôi đồ rằng cô đã "phải lòng" cha. Lắm bữa, cha mải mê hò hét cổ vũ, bỏ tôi khóc ti tỉ một mình, cô tới gần dỗ dành, còn cho cái kẹo, múi bưởi. Bớt cơn hưng phấn, cha hốt hoảng đi tìm thì thấy tôi ngồi chễm chệ bên cô, toe toét cười. ấy thế mà cha lại làm hỏng phút giây đẹp đẽ bằng vẻ mặt thật thà: "Cháu nó ăn gì? Cô cho tôi gửi tiền!". Cô hàng tốt bụng nổi khùng bất tử. Và "a lê hấp", cả cha, cả con hô... biến Giờ gặp lại cô, tóc đã bạc quá nửa đầu, vẫn dịu dàng và đôn hậu như xưa.
2. Dù cảnh nhà chẳng phong lưu nhưng tôi được cha thương yêu, chiều chuộng hết mực. Muốn gì có nấy! Chưa bao giờ bị một roi vào mông hay một câu nói sẵng. Cả ngày bươn chải trên đường phố nhộn nhạo và bụi bặm, đêm về cha nựng nịu, ru ngủ tôi bằng những câu vọng cổ.
Tôi đã lớn lên, ban ngày - nhờ lê la nghịch ngợm cùng lũ trẻ thất học nhưng đầy mánh khóe trong xóm và ban đêm - nhờ kho cổ tích không bao giờ cạn của cha dưới mái tôn nóng hầm hập.
Năm tôi vào lớp Một, cha quyết định dọn nhà. Cha bảo "bắt chước mẹ Mạnh Tử khi xưa, đặt con vào môi trường tốt mới dễ dạy". Tôi là tài sản duy nhất của cha và tôi cố gắng làm tất cả để nhân nó lên gấp đôi, gấp ba. Cha hiểu, những nếp nhăn như giãn ra mỗi khi cầm quyển sổ liên lạc đỏ chói điểm mười. Tôi thích ôm cổ cha, thủ thỉ như lúc còn thơ dại rằng: tôi sẽ học giỏi, sẽ đi làm và nuôi cha, cha chỉ việc nghỉ ngơi. Cha cười, lúc lắc đầu trêu chọc: "ừ, thì con nuôi cha. Nhưng cha phải làm việc!". Lúc ấy, tôi chưa đủ khôn để hiểu.
3. Mùa đi qua mùa. Tôi chưa có bạn trai nhưng bạn gái thì hàng tá. Dung là đứa thân nhất, lại hao hao giống tôi. Thời học phổ thông, nó chuyên môn cho tôi copy bài kiểm tra Hóa vì tôi vốn dốt môn này. Tôi trả nợ bằng cách "gà" văn cho nó. Thế là cặp đôi với nhau tận lên Đại học. Nhà nó không khá giả nhưng ít ra còn cả cha, cả mẹ và một anh trai. Thèm được che chở, bảo vệ ai đó, nó tìm tới tôi. Tình yêu của nó giống hệt người chị đối với cô em gái, bao dung và độ lượng. Chẳng ai dị nghị, thắc mắc về việc nó đi thi lại hộ tôi vài ba môn vì nó tình nguyện và làm một cách xắng xở, hãnh diện. Cha không biết. Cả ngày cha bận bịu ngoài công trường xây dựng, tối về mệt chẳng muốn ăn. Còn tôi, vô tâm đón nhận sự giúp đỡ của Dung, xem đó là chuyện ngẫu nhiên, là "điều may mắn" mà ông thầy bói chợ Vồ đọc trong lá số tử vi.
4. Tin dữ. Giàn giáo sập. Một người thiệt mạng, ba người bị thương nặng. Tôi với Dung lao như điên lên công trường. Lạy trời! Cha vẫn bình yên. Bình yên nhưng già xọm và hốc hác. Cha ngồi nghe hết chuyện đứa con trai ba tuổi đẹp như tranh nhà hàng xóm bị điếc rồi quầy quầy xua hai đứa về. Lại còn cố dặn: "Có việc gì giúp cô chú ấy! Tội nghiệp thằng nhỏ!"...
5. "Ba điểm môn thống kê. Thi lại Mai nhé!" - tiếng thằng lớp trưởng oang oang. "Nếu giỏi, mình đã không phải nộp 1000 đồng "tiền ngu". Thi lại chắc gì đã lọt. Chi bằng nhờ Dung!" Bao nhiêu lần "chi bằng" ấy làm tôi yên tâm cả về tinh thần lẫn điểm số. Mấy ai học được chữ "ngờ"... cô giáo hỏi thi đã phát hiện ra trò tráo đổi. Tôi và Dung bị điệu lên khoa. Kiểm điểm! Tôi khóc sụt sùi, van xin người ta đừng hủy kết quả thi của nó. Rồi cha cũng biết chuyện. Trận đòn đầu tiên trong đời tôi. Chiếc thắt lưng gia quật vùn vụt xuống lưng, đau rát. Có cảm tưởng rằng nước mắt rơi nhiều lắm, đủ tụ lại thành một dòng sông. Chỉ lờ mờ thấy Dung quỳ xuống chân cha rồi nức nở chìm vào giấc mơ méo mó những hình người và không màu sắc.
6. Tôi giận cha. Nghĩ tới trận đòn mà ứa nước mắt. Tự nhiên chẳng muốn gặp Dung. Nó cứ đứng ngoài cửa buồng, léo nhéo rằng: ông anh keo kiệt của nó đồng ý cho hai đứa mượn cái radio bỏ túi. Tôi im lặng, từ chối vòng tay ân cần của cha với ý nghĩ hằn học trong đầu: "Tôi sẽ chết! Cha phải sống một mình! Rồi cha sẽ hối hận vì đã đánh tôi!". Trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy bóng cha in trên vách, bất động. Rộn rạo tiếng chó sủa. Cơn ác mộng làm tôi giật mình tỉnh dậy. Cửa khép hờ, đèn sáng. Vội vã chạy ra vườn. Cha ngồi dưới gốc xoan, mắt dõi vào màn đêm đen kịt. Cái thắt lưng da nát vụn. Người cha thòng xuống, đau đớn và bất lực. U'p mặt vào ngực áo sờn, tôi òa khóc. Chợt thấy tóc mình ướt đẫm - không biết là sương hay nước mắt cha?
7. Dung lại đến, bô lô ba la như mọi khi: "Định tuyệt thực hả? Mày chưa đủ trình độ!", rồi hạ giọng: "Đồ ngốc! Chỉ chết khi mất đi thứ quý giá cuối cùng". Lại triết lý! Sóng mũi đột nhiên cay xè: "Điều quý giá nhất? - Cha vẫn luôn đi bên cạnh cuộc đời tôi".
Tối nay tan học muộn. Dung chở tôi đạp chầm chậm trên phố Quang Trung. Bụi đường bay mù mịt sao những nhát chổi. Làm gì có chị lao công đêm đông quét rác (?)... A'nh đèn pha ô tô phía sau rọi loang loáng lên tàn cây đen thẫm. Đèn phản quang gắn trên chắn bùn xe máy đỏ rực. Có ai đó bảo rằng: "Cái đèn ấy không tự sáng. Nó chỉ sáng lên khi có ánh sáng từ nơi khác chiếu vào"...
Nguyễn Thị Thu Trang
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...