Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Nắng chiều thấp thoáng

Nắng chiều thấp thoáng

Người ta gọi ông Tư Râu vì ông có bộ râu quai nón trông thật dữ tướng. Trên khuôn mặt có hình thù như quả đu đủ. Nước da mai mái, bộ râu được kéo dài từ thái dương bên trái, đi qua má xuống đến cằm rồi lại từ cằm đi ngược lên má cho đến thái dương bên phải. Những chiếc râu đen nhánh, cứng như rễ tre trông rất trật tự, thành bốn năm hàng dọc cắm sâu xuống lớp da mặt. Ông có khổ người to cao, đầu ông lại trọc lốc nên trông ông giống như Lỗ Trí Thâm, một nhân vật trong bộ phim “Lâm Xung” mà người ta chiếu trong ti vi. Ông đã đến cái tuổi “Cổ Lai Hy” nhưng trông vẫn còn tráng kiện như một đô vật. Lẽ ra ông dữ tướng như thế, thì tính ông phải nóng như Trương Phi, nhưng ông lại rất điềm đạm. Chả thế mà có một lần, không hiểu vì say rượu hay là bởi ông buồn, mà ông đã đến nhà cô Phấn, một cô gái lỡ lứa ở trong làng. Mà cô gái này cũng lạ. Tuy tuổi chưa đến cữ “tối trời” mà trông cô như một ả nạ dòng, đã nhận khuôn mặt không phải là trái xoan, mà cũng không phải là lưỡi cày. Nửa mặt phái trên thì nhỏ tóp lại. Còn nửa mặt phái dưới lại phình ra. Hai con mắt to xếch ngược với đôi lông mày sẹm. Hai hàm răng sún gần hết. Cô có mái tóc đỏ hoe, ngắn cũn cỡn, chỉ xuống đến nửa lưng. Lúc nào người ta cũng thấy cô mặc cái áo nhung đỏ đã phai màu. Cái quần vải thô đen, chỉ đến nửa cổ chân như quần soóc lửng. Người ta bảo cô rất “ngại” đi chợ mua thức ăn mà cứ hay xuống bắt cua hay hái nắm rau tập tàng ở bờ đồng về nấu ăn cho qua bữa, còn tiền và lúa, thì cô tích cóp lại để cho vay lấy lãi. Cho nên cô sống thanh nhàn, quanh năm suốt tháng chẳng phải làm gì. Để cô khỏi chơi với hai người con dâu, ông thân sinh ra cô, đã mua ngôi nhà ngói, ở trong một cái vườn hoang để cô sống như một ẩn sĩ. Người ta không thấy cô buôn thuốc bao giờ mà có một đêm, trời đã về khuya, ông Tư Râu đã lần mò đến nhà cô, đứng ngoài hiên gọi cửa. Vì có tinh thần “tiết kiệm” cho nên cô Phán không thắp đèn mà cứ mở cửa cho ông vào nhà. Để giữ bí mật cô khẽ hỏi ông:
Có việc gì mà ông đến khuya như vậy?
Ông Tư Râu cũng trả lời rất nhỏ như giọng cô Phán:
- Tôi đến để… để… mua… mua thuốc. Chị có thuốc thì bán cho tôi một gói.
Cô Phán còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra làm sao cả thì ông đã sán đến gần và nắm lấy tay cô:
- Chị ơi! Tôi muốn… Chị vui lòng chiều tôi đi.
Cô Phán hốt hoảng và sợ bag lang Ngô ở nhà bên nghe. Người ta gọi là bà lang Ngô vì bà chuyên hái các thứ lá như: hương nhu, mã đề, bồ công anh, cam thảo đất về băm nhỏ phơi khô đóng gói đem xuống Nga Sơn để chữa bệnh cho các bà các chị, bà con không tạ ơn bằng tiền mà tạ ơn bằng khoai lang và ngô bắp nên người ta gọi bà là bà lang ngô, cô Phán vội nói nhỏ với ông.
- Tôi không có thuốc bán cho ông đâu. Ông về đi không có tôi la lên đây này.
Ông còn đang do dự thì cô Phán đã đẩy ông ra ngoài hiên rồi đóng cửa lại. Ông thở dài thất vọng rồi lần mò trong đêm tối mịt mùng trở về nhà. Nhưng ông chưa cam chịu thất bại. Ông đặt kế hoạch để chinh phục bằng được cô Phán. Không biết có phải là do “tơ duyên trời se xấp” cô Phán vào với ông hay không mà hôm ấy ông đi chợ Lâm thì cô Phán cũng đi. Vì không biết đi xe đạp nên cô quảy gánh đi bộ. Ông tự mua một túi xách đến hơn một cân thịt lợn, năm thanh đậu phụ, nửa cân măng, đổ đầy túi. Chưa hết, ông còn mua năm cái bánh rán tẩm mật trông rất ngon. Thấy cô Phán đang ngồi nhai loại mía nhỏ như cây tăm xỉa răng, ông nói với cô giọng xởi lởi:
- Cho tôi gửi cái đó vào túi xách.
Cô phán lúc đầu nguýt ông một cái rõ dài, nhưng sau nghĩ thế nào cô lại bảo:
- Để vào bên thúng rau đấy.
Ông nhìn cô Phán với đôi mắt thân tình rồi nói:
- Cô cứ đem cái túi về mà dùng. Tôi không lấy túi nữa đâu.
Nói xong ông đi vội vã như chạy vì sợ cô Phán trả lại. Lúc đầu cô Phán ngạc nhiên nhưng sau thì cô cũng hiểu ra và nghĩ thầm: “Chắc là ông ta hối lộ mình đây. Thôi được, của trời mà lo gì. Người ta cho thì cứ ăn đã, sau thế nào hãy hay”. Ăn xong mấy đoạn mía nhỏ như lau sậy, cô vội vã xếp gánh ra về. Cô đi mãi mà chưa hết con đường vòng Bình Lâm, cô lại nghĩ: “Con đường này dài quá không trách ngày xưa ông bà nói “Gái lộn chồng đi đường vòng Bình Lâm” đi mãi không hết phải quay về. Bỗng cô nghe tiếng chuông xe đạp “kính coong, kính coong” cô quảy gánh đi nép về bên tay phải. Đầu thúng cồng kềnh, đụng vào con chạch ở trên đê bắn ra va vào bánh xe đạp. Ông Tư Râu đi chậm lại rồi nói với cô:
- Đã về đến đây rồi à? Đi nhanh thế! Có ngồi được tôi lai cho một đoạn nào?
Cô Phán nguýt dài một cái rồi bĩu môi:
- Mắc gánh thì ngồi làm sao. Thôi tránh đi cho rảnh.
Ông Tư biết là chưa chinh phục được trái tim rắn như đá của cô nàng nên đạp xe dấn lên rồi đi thẳng.
Lại một hôm ông Tư đi chợ huyện để bán gà. ông vừa xuống đến chợ, bọn con buôn xúm lại, ông bán ngay cho họ cả một lồng mười con gà. Tính ông cũng lạ. Đi bán thì sợ ế phải đem về nên bán vội. Đi mua thì lại sợ ngừơi ta mua hết không mua được phải về không nên cũng phải mua vội. Người ta mới trả ba ngàn, đợi người ta đứng lên, ông chen vào trả ba ngàn rưỡi. Đến giá rồi nhưng người bán thấy ông háu mua nên chưa vội bán. Ông trả năm ngàn rồi năm ngàn rưỡi. Khi mua được thì ông phấn khởi nhưng sau đó thì ỉu xìu như kẹo gặp nồm. Nhưng rồi ông cũng tặc lưỡi tự động viên mình “Đắt nhưng cắt nên miếng” còn cắt có nên miếng hay không có trời mà biết. Hôm ấy cô Phán cũng đi chợ bán gà nhưng vì cô đi bộ nên mãi tám giờ mới đến chợ. Cô bán đi ba ổ gà để mua một cái áo len. Mùa lạnh đến rồi mà cô chưa có áo len. Tính cô cũng khá chặt chịa nên cô bán đến trưa mới hết gà. Khi gửi gánh cho ông Tư Râu, cô chen vào cửa hàng để mua áo. Chọn mãi mới được một cái áo ưng ý. Cô cò kè bớt một thêm hai mãi rồi cũng ngã giá. Cô gấp cái áo lại cẩn thận. Cái áo màu đỏ tươi rực rỡ. Cô vui như mở cờ trong bụng. Cô đưa tay vào túi để lấy tiền; nhưng bốn chục ngàn bạc bán gà cô bỏ ở túi áo trong cài kim băng cẩn thận mà bây giờ kim mất, bạc cũng không còn. Người cô nóng ran, hai bên thái dương rần rật rồi cô đi như kẻ mộng du, trở lại chỗ ông Tư ngồi coi gánh cho cô. Thấy cô, ông Tư cười và hỏi:
- Mua được áo chưa, sao lâu thế?
Cô nói như người mất hồn!
- Mất hết tiền rồi còn đâu mà mua.
Ông Tư Râu sửng sốt hỏi lại cô:
- Sao mất hết tiền rồi à? Cô nói đùa?
Cô lại nguýt ông một cái nhưng không dài, nói:
- Kẻ cắp nó tài hơn thánh, bỏ vào túi áo bên trong, lại cài kim băng cẩn thận. Thế mà… - Kẻ cắp chợ Huyện mà!
Nói xong ông lại nhìn cô, thấy mặt cô buồn, ông nghĩ nhanh: “Lúc này mà tung tiền ra thì đồng tiền mới có giá trị đây”. Nghĩ thế rồi ông nói với cô:
- Tôi vừa có tiền bán gà đây, cô lấy mà mua áo!
Lúc đầu cô Phán còn ngần ngại. Cô nghĩ “Đồng tiền liền khúc ruột ai người ta cho vay không”. Chắc là có âm mưu gì đây. Nhưng nếu không vay thì bao giờ mới có tiền. Rồi lại đi bộ từ nhà xuống đến chợ. Thôi thì hãy cứ vay mua đã. Sau trả lại cho người ta. Nếu không trả được thì hãy cù lần, cô nói:
- Ông cho tôi vay, về nhà tôi trả ông.
Với vẻ quan tâm đặc biệt ông nói với cô:
- Thôi, chị cứ lấy mà mua cho được đi đã, còn trả hay là không sẽ tính sau. Tiền của tôi cũng như của chị, lo gì.
Bây giờ, ông xưng hô bằng chị với cô Phán là có sự tính toán cả đấy. Gọi bằng chị, để bớt đi sự chênh lệch tuổi tác giữa cô và ông. Thấy ông có thái độ mặn mà thân mật như vậy, cô Phán bớt đi nỗi lo ngại. Cô cầm lấy nắm tiền ông Tư đưa cho rồi trở lại nói với chị bán hàng để lấy áo. Ông Tư thấy cô cầm áo đi lại liền bảo cô:
- Mặc thử xem áo có vừa và đúng mốt mới không. Nếu không vừa thì đem đổi lại lấy cái khác.
Cô Phán cởi bớt chiếc áo ngoài, mặc chiếc áo len vào rồi ngắm bên nọ, ngắm bên kia. ông Tư cũng giúp cô kéo cái gấu áo ở đường sau xuống. Cái áo vừa vặn. Ông ngắm rồi đưa tay vuốt trên ngực cô một cái rất nhanh. Thấy cử chỉ lạ của ông như vậy, nếu như lúc khác, cô sẽ nguýt ông một cái thật dài cho bõ ghét, mà lần này thì không thể. Vì có sự quan tâm của ông, cô mới có được cái áo đẹp như thế này, nên cô yên lặng mà chỉ nhìn ông với cái nhìn ngầm cảm ơn mà thôi. nhưng không hiểu sao lúc bàn tay của ông vuốt lên bộ ngực căng phồng của cô thì các mạch máu trong người cô nóng ran và chạy rần rật như có một làn sóng điện truyền vào bên trong cơ thể của cô. Thế nhưng bàn tay ông Tư mới vuốt bên ngoài, còn những hai lần áo nữa mới tới bên trong da thịt của cô. Vì là một người rất khó tính, cho nên từ khi cô lớn đến nay, chưa có một người đàn ông nào dám chạm vào người cô, thế mà nay ông Tư là người đầu tiên đã mạnh dạn thăm dò, tuy rằng nó mới ở bên ngoài hai lần áo. Thấy chợ đã vãn người, ông nói với cô Phán bằng một giọng rất thân mật:
- Có ai gửi được cái gánh, tôi lai về đến đầu làng khỏi đi bộ.
Cô Phán còn dùng dằng thì may sao có bà Chư lé đi đến nên cô Phán mừng rỡ nói với bà Chư:
- Bà làm ơn cho tôi gửi cái gánh, về nhà tôi lấy.
Vì là con người nhẹ tính, lại hay giúp đỡ mọi người nên bà đồng ý ngay. Bà dồn đôi quang gánh của bà lại một đầu còn một đầu để quảy đôi quang của cô Phán. Trong khi hai người đang lo dồn quang gánh thì ông Tư đạp xe ra ngoài cổng chợ đứng chờ. Thấy cô cầm cái đòn gánh vội vàng đi tới thì ông lên xe đạp đi và bảo cô Phán nhảy lên xe. Cô Phán lạch bạch, chạy theo một đoạn đến năm sáu mét rồi mới nhảy đại, dằn cái đít to như cái thúng lên gác ba ga đánh sầm một cái, làm cho ông Tư loạng choạng không thể cưỡng lại được. Cái xe lạng đi rồi đâm sầm xuống ruộng. May đó là cánh đồng cạn. Cô Phán và ông Tư bị hất xuống đất. Ông Tư nằm chồng lên cô Phán. Đáng lẽ ông Tư có thể đứng dậy ngay được vì ngã xuống ruộng đất cát mềm, người ta vừa bừa xong để chuẩn bị trồng khoai nên chả đau đớn gì. Thế nhưng được nằm trên cô Phán nên ông khoái chí không chịu dậy ngay mà cứ nằm đè lên cô Phán có đến năm phút rồi mới lồm cồm bò dậy. Lúc đó cô Phán mới ngồi lên, phủi sạch quần áo đứng dậy và không hiểu sao lúc bị ông Tư đè nặng như thế, cô lại thấy không nặng chút nào mà lại còn cảm giác đê mê dễ chịu. Từ đó cô thấy có cảm tình với ông Tư. Lần này thì ông Tư không để cho cô nhảy nữa. Vì ông biết các bà, các chị không biết đi xe, thì không biết cả nhảy xe. Ông ngồi sẵn trên bàn yên, hai tay giữ ghi đông; một chân để trên bàn đạp, một chân chống xuống đất. Đợi cho cô Phán ngồi vững trên gác ba ga rồi ông mới thong thả đạp xe đi. Chẳng mấy chốc xe đã về tới chợ ngã tư xã Nga Thắng. Ông dừng xe bảo cô Phán xuống. Hai người vào quán ăn. Ông Tư mua hai bát phở gà một đĩa lòng lợn và một đĩa thịt gà luộc đầy tú ụ, một nửa chai rượu trắng. Cầm chai rượu, ông rót đầy hai cốc lớn. Ông để sang cô Phán một cốc còn một cốc để cho mình. Cô Phán chưa uống rượu bao giờ nhưng thấy ông nhiệt tình như vậy cô cũng nể nên cô cũng uống. Ông Tư gắp bỏ vào bát cho những miếng tim gan lợn, những miếng thịt gà luộc toàn nạc trông thật ngon lành. Còn ông thì nhắm toàn ruột non, đầu cổ cánh gà. Cô Phán uống hết nửa cốc rượu thì đã loáng choáng. Ông Tư cầm chai rượu định rót nữa nhưng cô đưa tay bịt miệng cốc rồi nói:
- Thôi em không uống nữa đâu. Em say rồi.
Chả hiểu sao lúc đó cô lại xưng em với ông Tư ngọt xớt như vậy. Có lẽ rượu đã làm cô không còn tự chủ được nữa. Ông Tư lại gắp mấy miếng lòng lợn và thịt gà bỏ vào bát và bắt cô ăn kỳ hết. Thấy cô đã ăn hết bát phở và thức ăn, còn lại nửa cốc rượu ông bảo cô uống hết. Cô Phán ngần ngại vì đã chán rượu rồi, rượu pha cồn uống vào mồm đắng ngoét chứ có ngon lành gì, ông tư bảo cô:
- Đã trót uống rồi thì phải uống hết, chứ bây giờ ai uống cho, mà trả lại cho nhà hàng thì không được.
Nể lời ông Tư, ngửa cổ đổ nửa cốc rượu vào mồm rồi nhắm mắt lại mà nuốt cho trôi qua cuống họng. Lúc đó cô thấy choáng váng. Trong đầu cô nó kêu ù ù ong ong như người xay lúa. Cô không thể ngồi vững trên ghế được nữa mà nằm vật xuống cái ghế dài. Lúc đó đã quá trưa nên quán ăn vắng khách. Ông Tư lần vào túi lấy ra lọ dầu xoa vào ngực cho cô. Thế rồi nhân lúc ông chủ quán đi vào nhà trong ông xoa cả vào rốn cho cô. Lúc đó tuy say nhưng cô cũng biết được ý đồ của ông. Cô khẽ nguýt ông một cái rồi kéo áo che bụng lại. Ông Tư xin một bát nước lạnh, bắt cô uống hết cho giã rượu. Nằm nghỉ ngơi gần một giờ đồng hồ cô mới thấy tỉnh táo và dễ chịu. Lúc đó ông Tư mới hỏi cô:
- Bây giờ đã về được chưa?
- Về được rồi!
Ông Tư dắt xe ra để tựa vào gốc cây ở cửa quán, ông bảo cô ngồi lên gác ba ga. Nhưng cô không làm sao nhấc nổi cái đít để ngồi vào chỗ đã dành cho cô. Ông Tư phải bế cô như một đứa trẻ đặt lên gác ba ga.
Ông bảo cô phải ngồi dọc cho nó vững, chớ ngồi ngang là ngã. Tuy đã tỉnh rượu nhưng trong người cô vẫn còn lâng lâng nên cô phải nghe lời ông Tư ngồi dọc trên gác ba ga. Hai tay cô vòng ra ôm chặt lấy cái bụng to bè của ông Tư. Xe về đến đầu làng thì đã ba giờ chiều. Ông Tư ở đầu làng. Vì không có con trai nên ông ở một mình. Bà Tư xấu số đã qua đời bốn năm nay. Còn các con gái ông thì đã đi lấy chồng, mỗi bà đã có hai ba đứa con. Bà Khấp và bà Khểnh năm nay cũng đã năm mươi tuổi rồi. Chỉ có chị Khệnh và chị Khạng là mỗi người mới có một cháu. Nhiều người khuyên ông “tục huyền” để lấy người làm bạn vì các cụ đã nói: “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Nhưng bà Khấp và bà Khểnh thì bảo:
“Ông già rồi, đã gấp ghé miệng lỗ rồi còn đa mang làm chi cho khổ”. Ông Tư không nghe lời khuyên can của các bà. Có điều là ông chưa tìm được ai nên vẫn còn lẻ loi một mình một bóng. Mãi tới nay mới tìm được cô Phán, một cô gái lỡ lứa và không có nghề nghiệp. Ông lập kế hoạch để chinh phục cô bằng được.
Ông nói với cô Phán bằng một giọng tha thiết:
-Thôi đi vào nhà tôi nghỉ. Đến chiều tối khoẻ rồi hãy về. Nhà tôi ở đấy khuất nẻo, không có ai vào đâu mà lo. Về bây giờ còn mệt. Nhỡ ra thì khổ. Lúc đầu cô Phán còn ngần ngại vì sợ tai tiếng. Nhỡ ra có ai vào bắt gặp thì biết ăn nói làm sao. Nhưng thấy người hãy còn mệt, đi đường còn loạng choạng. Thôi thì cũng liều, vào đây nghỉ một lúc chiều tối về cũng được.
Ông Tư đưa cô vào ngồi tạm trên bộ ván. Ông lấy ấm trà và phích nước pha cho cô uống rồi đưa cô lại nằm nghỉ trên chiếc giường đôi ở gian bên. Bên trên giường mắc một màn đôi vì ám khói nên đã trở thành màu cháo lòng. Một cái chăn chiên gấp đôi để đầu giường. Cô Phán nằm gối đầu lên chiếc chăn chiên. Ông Tư bỏ màn xuống cho cô rồi đi vào xóm. Cô cố nhắm mắt ngủ đi cho quên hết mọi sự trên đời. Trong đầu cô vẫn còn có tiếng ong u u, nhưng rồi cô cũng ngủ quên đi lúc nào không biết. Tiếng ngáy của cô đã ran lên trong chiếc màn đôi ám khói. Trong lúc ông Tư vào xóm, đi mua đường về nấu cháo cho cô thì có hai chàng và hai cô gái đi làm đồng vào nhà ông Tư để xin nước uống. Thấy cửa mở, lại nghe tiéng ngáy pho pho họ bước vào nhà. Một anh tinh nghịch vén cái àn lên xem. Cả bọn ngạc nhiên hết mức khi thấy cô Phán lại nằm ngủ ở nhà ông Tư Râu. Họ đi ra ngoài nhìn thấy ông Tư cầm một cái gói giấy trắng đi có vẻ vội vàng. Họ rút lui lặng lẽ ra cánh đồng cạn ở sau nhà ông Tư và sau đó họ làm một bài thơ rất tếu:
Một chiếu chớm lạnh năm chín mươi Được thấy dung nhan của một người Má nhăn, mắt xếch, đôi mày xẹm Răng sún má hồng dáng xinh tươi Mình cô nằm giường đôi Tiếng ngáy pho pho ngủ say rồi Hỡi người thục nữ từ đâu tới Mà lại ngủ say thế hỡi trời Nhân duyên đưa lại bởi từ đâu Để cho cô gái với Tư Râu Hay là bởi tại trời se sắp Cô đến nhà này để làm dâu Ở trong cái làng này, không cần giới thiệu tên người ta cũng thừa biết ai, ai là người có đôi mắt xếch lông mày xẹm và hàm răng sún. Chỉ ba ngày sau bài thơ lan nhanh ra khắp làng như một làn sóng điện, làm cho cô Phán chết điếng cả người.
Ông Tư Râu về đến nhà thấy cô Phán còn đương ngủ và ngáy đều đều. Ông kháp một nắm đậu xanh bỏ vào một ống gạo nấu cháo. Khi cháo gần được ông bỏ cả năm lạng đường vào đánh cho sôi đều bắc ra múc vào bốn cái bát lớn. Làm xong công việc bếp núc, ông đi lại giường, thấy cô Phán vẫn còn ngủ. Ông chui vào màn, giả làm bác sĩ khám bệnh cho cô Phán. Chẳng hiểu ông khám bệnh như thế nào mà làm cho cô Phán giật mình tỉnh giấc. Cô ngồi dậy, cài lại cúc áo, vuốt lại mái tóc rồi ra ngồi ở bộ ván kê giữa nhà. Ông Tư Râu nâng mâm cháo đặt lên bộ ván nói với cô:
- Chị ăn bát cháo cho nó tỉnh người. Cháo tôi bỏ đường, gạo nếp và đậu xanh. Ăn vào là khoẻ ngay thôi mà.
Cô Phán nhìn bốn bát cháo lớn đặt ở mâm rồi lại nhìn ông Tư, lòng còn phân vân chưa quyết định thì ông Tư đã cắm cái thìa con bằng sắt tây, ấn vào tay cô rồi nói:
-Ăn đi chị, cứ ăn đi với tôi bát cháo, cho nó lại sức rồi hãy về.
Cô Phán còn ngần ngại một chút rồi sau cũng nâng bát cháo lên ăn. Lúc đầu cô có vẻ uể oải nhưng sau mềm môi cô ăn mạnh dần. Hết một bát, ông Tư lại nâng một bát nữa trút vào bát cho rồi mời cô ăn cho bằng hết. Sau khi ăn hết hai bát lớn đường nấu lẫn gạo nếp với đỗ xanh cô cảm thấy khoẻ hẳn lên. Người cô tỉnh như sáo. Cô nói với ông Tư bằng một giọng âu yếm.
- Thôi, tôi về đây, trời sắp tối rồi.
Ông Tư nài.
- Cô ở rốn lại cho tôi mói vài lời.
Cô Phán nửa muốn nán lại xem ông Tư nói gì nhưng nửa muốn về. Cô sợ con lợn nó đói. Cô cũng có một con lợn tuy chưa lớn lắm nhưng trông đẹp như tranh. Cô không cần phải lấy rau bèo gì nấu cho nó ăn. Cô ăn gì nó ăm nấy. Mỗi bữa cô xới cho nó vài bát cơm hoà với canh cua hay canh rau tập tàng thế mà nó lăn ra nó ăn. Con lợn ăn tạp thiệt. Vì nó ăn tạp như thế nên nó lớn nhanh như thổi. Lúc mới mua chỉ bằng củ khoai lang, thế mà nay đã lớn bằng con mèo nhà bà Lang Ngô rồi đấy. Mới có năm sáu tháng trời có lâu la gì đâu. Đúng là con lợn hay ăn chóng lớn thật. Mỗi khi cho nó ăn cô thường nói với nó:
“Cố mà ăn đi, tao nuôi mày rồi mày lại nuôi tao. Chỉ có người mới ăn mất, chứ lợn ăn rồi nó sẽ trả lại cho người”. Cô nhất quyết ra về nhưng khi cô ra đến hiên còn quay lại nói với ông Tư:
- Tôi về nghe ông Tư! Một ngày gần đây tôi sẽ nói với ông. Tôi đã thừa biết ông muốn nói gì rồi. Nhưng ông đừng vội, hãy cứ chờ đã.
Nói xong cô cắp nón đi vội vàng, như bị ma đuổi vì cô sợ có người trông thấy cô ở nhà ông Tư đi ra. Ông Tư nhìn theo bóng cô đi ra đến cổng mà lòng rộn lên niềm vui khó tả. Ông nghĩ: “Như vậy là công việc đã được sáu mươi phần trăm rồi đây”.
Bên ngoài bức tường, cạnh sân kho của hợp tác xã có một cái vườn bạch đàn của các cụ trồng nay đã cao lớn; mùa hè toả bóng mát rượi nhưng vì trồng dày quá nên cây chỉ có chiều cao, ở dưới gốc cỏ mọc ken dày như một tấm thảm. Bọn trẻ con có thể nằm mà lăn cũng không sợ lấm quần áo. Trăng mười chín đã treo lơ lửng ở ngọn núi Chúa xã Quang Lộ. Ông Tư ra đây ngồi từ lúc trăng chưa lên. Thế mà bây giờ trăng đã lên cao đến hơn một cây sào rồi mà chưa thấy cô Phán ra. Bụng ông nóng như có lửa đốt. Hay là cô ta đánh lừa, để cho mình mất công đợi. Thôi hãy chờ thêm một chút. Về nhà bây giờ cũng chưa ngủ được. Từ nhà cô đi ra đây, chỉ đi qua sân bà Lang Ngô. Đi bên cạnh cái nhà mái bằng, có giàn hoa giấy màu tím nhạt. Vượt qua cánh đồng gieo mạ rồi đi một đoạn ngắn là đến mà lâu như thế. Ông nhổm người lên để nhìn vào cái nhà mái bằng. Bỗng ông nhẹ cả người. Kia rồi cái dáng thấp lùn chùn, ngắn ngủn. Bên ngoài mặc cái áo nhung đỏ đã nhạt màu, chân đi đất, đang bước đi lầm lũi dưới ánh trăng. Còn cách điểm hẹn chừng hai mươi mét, cô nàng đứng lại định góc phương vị. Ông Tư khẽ “e hèm” như đánh tiếng “tôi đang ở đây rồi”. Khi đã bắt được mục tiêu, cô đi lại chỗ ông Tư ngồi. Ông Tư lên tiếng trước:
- Chị còn làm gì mà lâu như thế, đợi sốt cả ruột.
- Phải chờ thời cơ thuận tiện mới đi ra đây được. Vượt qua một đoạn đường trống trải, dưới ánh trăng sáng như ban ngày, nên phải đợi có đám mây che kín mặt trăng, mới vượt nhanh qua đoạn đường trống trải mà ra đây được chứ.
Nói xong cô ngồi xuống cách chỗ ông Tư độ một bước chân. Ông Tư ngồi dịch gần lại một chút rồi nói:
- Hôm trước tôi định nói câu chuyện mà chưa kịp nói. Hôm nay tôi hẹn chị ra đây nói với chị câu chuyện đã định mà chưa nói được.
- Thì chuyện gì ông cứ nói trắng ra đi, cần gì phải rào đón.
Ông Tư Râu e hèm một lần nữa để gại giọng rồi nói:
- Tôi muốn nói với chị rằng, tôi thì ở một mình, cô đơn lạnh lẽo, lúc tối lửa tắt đèn, không có người bầu bạn mà cô thì hoàn cảnh cũng như tôi. Vậy nên tôi muốn, hai chúng ta cùng chung sống với nhau, cho có bầu bạn, sớm tối đi về có nhau và dựa vào nhau mà sống; chả hơn là mỗi người một nơi, chịu cảnh cô đơn buồn tẻ, rồi lúc khoẻ mạnh, còn lúc ốm đau. Chị đồng ý không?
Cô Phán ngồi yên không trả lời. Có lẽ cô còn đương đắn đo suy nghĩ nên chưa quyết định. Hai người yên lặng có đến mười phút. Không thấy cô Phán lên tiếng ông lại nói bằng giọng khẩn khoản:
- Ý kiến của chị thế nào chị cho biết luôn đi, còn đắn đo gì nữa. Tôi thấy bọn thanh niên họ thường hay hát:
… Hai người sống giữa cô đơn Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi… Thế mà lại hợp hoàn cảnh của chúng ta đấy cô Phán ạ! Giữa lúc ông đang nài nỉ cô Phán thì từ trong sân kho của hợp tác xã có bốn năm cái bao gai nặng ném bình bịch qua bờ tường ra bên ngoài. Hai người ngồi im không dám nói gì nữa. Ông Tư rón rén đi lại, vần thử một bao “toàn lúa”. Ông kéo cô Phán bí mật lẻn ra khỏi khu vực nhà kho, chạy băng qua ruộng mạ. Cô Phán về nhà còn ông Tư thì chạy nhanh đến nhà ông trưởng công an xã. Sau khi nghe ông Tư nói rõ. Ông công an xã chạy đến nhà ông đội trưởng lấy một tổ dân quân và hai công an xóm, cấp tốc chạy ra kho. Họ kịp thời bắt quả tang bọn trộm đang còn vác bao tải lúa. Sau khi giữ tang nhân, cặp tang vật, họ đi mời ban chủ nhiệm và uỷ ban đến lập biên bản rồi giải kẻ gian về công an huyện và để dân quân vác các bao lúa trả vào kho. Nhờ có ông Tư Râu, hợp tác xã không bị mất đi mấy tấn lúa.
… Trời mùa đông gió bấc thổi từng đợt, buốt như kim châm. Nằm một mình trên cái giường chăn bông không có, đắp bằng hai cái chăn chiên, nó như người nằm trên đống tuyết. Lạnh tê tái, nằm co quắp mà vẫn cứ lạnh giá như băng. Biết như thế này thì nhận lời lấy béng cái lão già ấy cho rồi, chứ một thân một mình, nằm trong ba gian nhà nhỏ hoang vắng như nằm giữa bãi tha ma này thì chịu làm sao nổi. Nhưng mà lấy lão ấy thì có được dài lâu không. Mình thì còn trẻ, chưa đến ba mươi tuổi còn lão già, ít ra lão cũng trên bảy mươi tuổi rồi. Chênh lệch nhau quá nhỉ. Người trẻ hơn lão thì chẳng còn ai. Ước gì có một anh chàng độ ba bốn mươi tuổi, mà cũng bị ế như mình, thì hợp gu quá nhưng nhìn đi nhìn lại thì chả có ai. Ai người ta cũng “nồi tròn thì úp vung tròn” cả rồi. Chỉ còn mình là nồi méo đang còn đợi vung mà thôi. Nằm nghĩ ngợi mông lung mãi rồi cô cũng ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Khi cô tỉnh dậy thì trời đã sáng tự lúc nào. Bên nhà bà Lang Ngô đã ăn uống xong, đang chuẩn bị ra đồng làm việc. Cô lại ngồi chống hai tay lên má để nghĩ ngợi. Ai cũng bảo mình nhác, mà nào mình có nhác đâu. Mình chỉ có, thấy việc thấy việc thì hơi ngài ngại một chút, chứ có phải nhác gì đâu, mà họ cứ nói oan cho mình. Cô lại nghĩ đến ông Tư râu. Lão già có sống lâu thì chỉ được mười lăm năm nữa là cùng. Nhưng mà ở một mình nước lọ cơm niêu, nằm co như con tôm suốt cả mùa đông cũng chẳng ích gì. Thôi thì, mưa cơn nào mát mặt cơn đó. Lão già còn sống ngày nào thì ở với lão ngày ấy. Khi lão chết rồi thì cũng như câu người ta hát:
… Trời mưa nước chảy qua sân Lấy quách ông lão qua lần mà thôi Bao giờ ông lão chầu trời Thì tôi lại lấy một người trai tơ… Mặt trời lên cao, ánh nắng mùa đông, không đủ để xua tan cái lạnh tê tái của gió bấc hun hút thổi. Cô Phán uể oải với tay lên chạn bếp, lấy cái giỏ rồi quấn một nắm rơm đút vào miệng giỏ làm ton. Xắn quần móng lợn, cô đi ra đồng. Lội một vòng, từ gò Sóng sang Đám lác, xuống đến Lài quạt rồi ra cống mới của Đường Kênh. Trong giỏ mới có chục con cua, hai con cáy với ba con rạm. Cô đang cặm cụi bươi móc một cái lỗ cua thì có người chạm cái móng vào mông. Cô quay lại nhìn giật mình “Ông Tư Râu”. Ông Tư Râu nhìn cô đăm đắm rồi nói trong hơi thở:
- Đi bắt cua hả? Bắt được nhiều chưa?
Cô Phán liếc nhìn ông một cái thật nhanh rồi quay mặt nhìn sang phía làng Yên Lược hỏi:
- Ông đi đâu ra đây?
Ông Tư giơ cái móng lấm bùn đất rồi nói:
- Tôi đi đào ếch và săn chuột.
- Thế đã được con nào chưa?
Ông Tư Râu chìa cái đụt cũng đút nút bằng một nắm rơm như cái giỏ của cô Phán rồi nói:
- Được ba con ếch và ba con chuột cống.
Lúc này ở đây vắng vẻ một cách lạ thường, không có một bóng người qua lại. Bà con xã viên đang tập trung trồng khoai ở trên cánh đồng Rọc và vườn Rừa, nên chả có ai ra đây để làm gì. Ông Tư để cái móng nắm dày ra bờ đường rồi ngồi lên trên, kéo cô Phán ngồi xuống bên cạnh. Ông nói vội vàng:
- Cô ngồi xuống đây tôi nói nốt câu chuyện đang còn bỏ dở hôm trước.
Nhìn trước nhìn sau không thấy có ai, cô Phán mạnh dạn ngồi xuống cái móng bên cạnh ông Tư. Ông Tư ngồi dịch lại gần cô Phán rồi hỏi:
- Hôm trước tôi hỏi, cô chưa kịp trả lời thì đụng bọn trộm lấy lúa của hợp tác xã nên phải bỏ về. Hôm nay có điều kiện tốt như thế này cô hãy trả lời tôi đi. Có ưng hay không thì nói một nhời cho tôi biết đường. Cô Phán vẫn yên lặng nhìn ra chốn xa.
Cô đang có một cuộc đấu tranh quyết liệt ở trong lòng, trước lúc đi đến một quyết định quan trọng. Thấy cô ngồi trầm ngâm ông Tư ngồi yên chờ đợi. Năm phút rồi mười phút trôi qua. Một lúc lâu cô mới nói:
- Nhưng còn bà Khệnh, bà Khạng, tôi sợ hai bà ấy không đồng ý, làm ầm lên thì xấu hổ chết.
Ông Tư mừng rỡ như người bắt được một nén vàng. Ông nói để cô Phán yên lòng:
- Chị cứ yên tâm, tôi đẻ ra hai bà ấy, chứ không phải hai bà ấy đẻ ra tôi. Quyền quyết định là ở như tôi. Tôi nói gì hai bà ấy chả phải nghe.
Nghĩ đến cái giá buốt của đêm qua nằm co quắp một mình nên cô Phán quyết định luôn:
- Hễ ông thu xếp ổn thoả thì tôi đồng ý.
Nghe cô nói thế, ông Tư mừng rơn. Ông ngồi dịch lại một tí nữa thật gần rồi bất ngờ ông quàng tay qua vai cô Phán, kéo đầu cô ngả về phía mình và đưa cái miệng đầy râu, cứng như bàn chải hôn vào má cô Phán. Ông thơm cô. Bị một cú bất ngờ, cô Phán đau như người bị xát lá han vào má. Thật vậy, những sợi râu cứng như thép nguội của ông mà cọ vào má thì khác gì đem kim mà châm. Cô Phán phải vân dụng “khí công” ra để đánh “một chiêu” mãnh liệt vào ông Tư. Khi đã vùng chạy ra khỏi ông Tư độ năm bước, cô quay lại nói:
- Lấy ông thì lấy, nhưng từ nay tôi cấm ông, không được làm thế nữa. Đau chết người, ai mà chịu được.
… Trong nhà cụ Hạng đương có một cuộc họp gia đình. Anh Trân là con út thì tính tình củ mỉ, cù mì, ai nói sao nghe vậy. Anh vào cái dạng “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, nên anh chẳng nói gì. Cứ mặc cho ông bà bàn cãi chán. Ông cụ đẻ ra cô Phán thì bảo với bà Phán rằng:
- Tôi cũng muốn cho nó đi lấy chồng, cho yên cửa yên nhà, để xong đi một món nợ. Được ông Tư làm rể nhà này thì còn gì bằng, mặc dù con rể và bố vợ cũng tuổi xuýt xoát như nhau.
Nhưng bà Phán thì lại bảo:
- Người ta đọc sách nghe có câu: “Nuôi con những ước về sau. Trao tơ phải lứa gieo cầu đúng nơi”. Đường này ông Tư Râu tuổi ít ra cũng thất thập. Mà con Phán nhà ta tuổi chưa đến tam tuần. Như vậy là chênh lệch hơn hai lần tuổi, thì khó coi quá.
- Nhưng bà ơi! Người ta thường hay nói “Bố chết không lo, bằng gái to trong nhà”, cho nên bà phải hạ cái giá của bà xuống đi thôi. Chứ bây giờ đã hai mươi tám, hai mươi chín tuổi đầu rồi mà chẳng có ma nào nó rước. Thế còn định để thờ, là bà cô nữa hay sao?
Hai cô con dâu thì cũng vào hùa với ông Hạng. Cô dâu cả thì muốn cho cô Phán đi lấy chồng để cái nhà ngói ba gian ấy lại cho thím Trản. Vì lâu nay không có nhà mà hai chị em dâu phải ở chung với nhau thì quá ư là không tiện một chút nào. Có muốn mua một tí thức ăn cho con và để bồi dưỡng thì lại bị nhòm ngó là ăn sang. Và còn các cháu nữa chứ, chả nhẽ ăn một mình nên nhiều khi có tiền mà chẳng dám mua thành thử cứ phải muối dưa, cà, mắm.
Hai chị em dâu ở với nhau dù có tốt bằng mấy cũng cứ mang cái tiếng là “chị em dâu nấu thịt trâu thủng nồi”. Người ta hay nói: “Trâu bò ở lâu với nhau thì yêu, con người ở lâu với nhau thì ghét”. Cái bát cũng có lúc xát nhau chả là con người. Còn cô em dâu thứ hai, cô Trản thì lại nghĩ: “Cứ để cho cô Phán đi lấy chồng là hơn. Lấy ai cũng được để mình chiếm lấy cái nhà ấy ở riêng ra, chứ ở với chị dâu và ông bà thì cũng ngại quá, chẳng được tự do. Có làm thịt con gà thì cũng phải chia năm xẻ bày, chứ chả được ăn một mình. Đi chợ về, một cái bánh đa không đủ chia, lại phải mua hai ba cái cho nên cứ có nhà có cửa ra ở riêng là tốt nhất, nên chị góp ý cho cô Phán đi lấy chồng. Chỉ có bà mẹ và cô Thái (em cô Phán) là không muốn cho cô Phán đi lấy ông Tư Râu. Một người hơn cả tuổi bố mình thì thiên hạ trông vào sao được. Nhưng nói đi lại phải suy lại, xưa nay chàng rể hơn tuổi bố vợ cũng là chuyện thường. Đến như mình đã hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi rồi mà chạy đi kiếm chác mãi cũng chẳng tìm được ai. Đã mấy lần xung phong đi dân công để may ra, có kiếm được một người thiên hạ nhưng rồi, ban ngày thì lắm mối mà tối thì lại nằm không. Cho nên cũng phải để cho chị ấy đi lấy chồng. Biết đâu như người ta hay nói “con chị lấy chồng, con em lớn lên”, chị đi rồi thì mới đến lượt mình chứ. Nói tóm lại cả nhà ai cũng đồng ý để cô Phán đi lấy chồng và lấy quách ông Tư Râu cũng được. Thế là mọi người đều quyết và ghi vào “biên bản mồm: Cô Phán lấy ông Tư Râu”.
… Lúc đó ở nhà ông Tư Râu cũng có một cuộc họp, mọi người đang bàn cãi sôi nổi. Hai chị con gái ít tuổi hơn là chị Khấp và chị Khểnh thì nói rằng:
- Việc đó để tuỳ hai bà chị, còn các em thì thế nào cũng được. Có dì về các em không phải lo giặt dũ, vá may cho bố. Lúc bố có nhức đầu sổ mũi, có người lo cơm cháo, nước nôi. Các em ở nhà bận tối mắt tối mũi lại. Nào là con cái, lợn gà. Còn lo cho bố mẹ nhà chồng nữa chứ.
Bà Khệnh và bà Khạng thì lại nghĩ khác. Hai bà nói:
- Bố đã già rồi, năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi rồi chứ còn gì nữa. Còn trẻ trung gì mà đa mang vào cho khổ. Bây giờ bố có lấy dì về thì cũng là “góp gạo ăn cơm chung chứ còn có nên cái tích sự gì nữa đâu mà bố cứ “máu”, máu như vậy cho con cháu nó cười cho”.
Nhưng mà ý ông Tư thì lại khác. Ông đã quyết rồi thì “dù ai nói đông nói tây, lòng ông vẫn vững như cây giữa rừng” cho nên ông nói với các bà rằng:
- Bố đã trót yêu cô ấy và hai người đã “chỉ non thề biển nặng gieo tấm lòng” rồi. Bây giờ không thể làm khác được. Các con không đồng ý cũng không được.
Nghe ông nói thế, bà Khệnh cứ thở dài sườn sượt. Còn bà Khạng thì bảo:
- Đã già rồi mà còn chỉ non thề biển. Rõ khéo cụ. Chị Khấp và chị Khểnh thì pha vào một cầu tiếu lâm khôi hài “Phó phướng cũng không bằng phái phở phang phì”. Thế rồi họ giải tán ra về cứ để mặc cho ông cụ muốn làm gì thì làm.
Ông Tư Râu mua một con ngan to cực, nặng đến ba cân, mấy quả đu đủ xanh, một gù rượu, làm một mâm để mượn người đi đón cô dâu về. Người đi rước dâu có chị Khấp và chị Khểnh, người đi đưa dâu có cô Thái em ruột cô Phán, cũng “chống ề” như cô chị, và có chị dâu thứ hai là chị Trản. Thế là đám cưới vừa một mâm sáu người kể cả cô dâu và chú rể. Cả họ nhà trai và họ nhà gái.
Ông Hạnh đã cho đốt một bánh pháp dài để mừng cho cô Phán lấy được chồng.
Chiều hôm ấy ở ngoài trường phổ thông, cô gái chủ nhiệm lớp bốn kiểm danh, thấy thiếu hai em học sinh, mới hỏi các em ở trong lớp:
- Các em có biết vì sao hôm nay, bạn Thỏ và bạn Thẻ lại không đi học?
Có mấy bạn cùng xóm với hai bạn, đứng dậy xin nói. Cô giáo chỉ định một em. Em Trung Chánh nói:
- Thưa cô, hai bạn ấy, hôm nay ở nhà, đi đám cưới ông ngoại ạ!
Vì có thói quen nghề nghiệp, cô giáo chữa lại câu nói chưa đầy đủ ý của em Trung Chánh:
- Phải nói là đi đám cưới nhà “ông ngoại” chứ.
Em Trung Hà một em học sinh lém lỉnh đứng dậy nói:
- Thưa cô ông ngoại bạn ấy hôm nay mới cưới vợ ạ!
Cô giáo hết sức ngạc nhiên vì cô chưa biết rõ đầu đuôi câu chuyện ra làm sao cả.
Nguyễn Mạnh Trinh
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...