Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Phía sau khung cửa

Phía sau khung cửa

1.- Cô ơi, ở đằng kia chúng em nhìn  thấy có cái gì trắng lấp lóa. Nhiều lắm cô ạ!
Trống vừa báo hết giờ là cả lớp ồ lên reo. Con bé Thảo rẽ đám bạn bước lại gần bục giảng. Cô Hà vừa gấp cuốn sổ đầu bài và cất giáo án vào trong cặp cũng tò mò nhìn theo hướng tay con bé chỉ. Phía sau khung cửa ấy là cả một cánh đồng. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với bức tranh làng quê luôn hiển hiện đầy sức sống mới tươi như nét mực học trò. Bao nhiêu điều hấp dẫn thu hút đám trẻ để chúng tò mò ngó nghiêng. Thế nên cứ đến giờ vào lớp cô Hà lại yêu cầu “Đóng cửa lại cho cô đi”. “Bàn 2 chưa cài khuy để cửa bung ra kìa!”. “Cô ơi, he hé một tí để gió lùa cho mát ạ”. “Không được! Rồi chỉ mải ngắm cảnh làm thơ. Cuối kỳ các anh các chị lại xơi ngỗng của cô hàng loạt thì hỏng!”
Chả phải cô Hà lo xa mà đã là thực tế. Có lần trong giờ Sinh  học của cô, khi cô đặt câu hỏi: Lấy ví dụ về một số cây sinh sản sinh dưỡng do người thì nhiều đứa lại ví dụ nhầm là cây rau má, cây khoai lang. Mấy đứa còn hồn nhiên tưởng cây một lá  mầm là bưởi, cam nữa chứ. Mà ngay trong giờ học hôm ấy cô đã giảng rất kỹ, nói đi nói lại đến mấy lần. Dặn học sinh hôm sau đến tiết thực hành chuẩn bị cho cô mấy bông hoa mọc thành cụm. Chỉ việc ngắt ở vườn mấy bông hoa cải, hoa cúc đi… thì xấp xỉ nửa dãy ngồi mé cửa sổ ngồi học tay không, thanh minh thanh nga mà rằng em không nghe thấy cô dặn gì.
Cô Hà mở toang cánh cửa sổ. Mùa này các ruộng lúa đã thu hoạch xong, chỉ còn trơ gốc rạ. Thóc bây giờ đang vàng ươm trên sân phơi, rơm trải dày ngập đường. Đi giữa con đường làng cứ sực lên một mùi hương. Cái mùi nồng nồng ngai ngái của đất đai ruộng đồng vướng quyện cả vào chân, ken cả vào nan hoa xe, vương vất vào trong nhà.
“Lại thấy chúng nhấp nhô nữa cô ạ. Không phải cái gì mà là con gì. Hay vụ này Cò ở Thanh Miện bay sang nhiều thế cô ơi?!”. “Cò sao? Hay là chúng mình thử chạy lại gần xem. Thế nào có người đến chúng cũng hoảng sợ mà cất cánh bay lên. Tha hồ mà ngắm”. “Cô cho chúng em mượn điện thoại ra chụp với ạ. Chắc chắn sẽ được những tấm ảnh cực kỳ beautiful”. “Lại để post lên facebook chứ gì? Cô ơi, bạn Minh hay đưa lên facebook những tấm ảnh bá đạo quảng cáo về trường mình cô ạ. Toàn thấy bạn ấy kết bạn với những bạn nữ xinh ở mấy trường bên là nhiều. Chứ trong lớp bạn ấy có thèm kết bạn với tụi em đâu cô!”.
– Không phải Cò đâu! Vịt đấy! Mà cô cảnh báo này, chơi facebook ít thôi. Còn tập trung học hành đấy!
– Vịt ạ? Nhìn xa sao cô biết ạ?- Thằng Minh ngẩn người.
– Người ta thả vịt ra đồng mùa này để nhặt nhạnh thóc rơi thóc vãi đấy các em. Vịt nuôi ngoài đồng nhanh lớn lắm. Thịt lại béo ngọt.
– Vậy ạ cô?. Nhà em cũng có hẳn một đàn. Mỗi lần thịt vịt bố lại đánh tiết canh…
– Eo ơi! Tiết canh đỏ như máu người. Đằng ấy vẫn ăn à? Ghê chết đi được.
Câu chuyện trong giờ ra chơi chỉ có vậy mà rôm rả sôi nổi hẳn. Có buổi cô Hà vì vui với đám học trò mà ở lại lớp, chờ đến tiết sau sang lớp bên cạnh luôn.
– Tuổi thơ cô gắn bó với ruộng đồng, theo chân Vịt ra đồng suốt ấy chứ. Đấy là lúc nông nhàn. Còn khi vào vụ thì cứ  ngoài buổi đến trường là lại quang gánh trên vai, lội ruộng cắt lúa, gánh ra về đun. Tát nước, be bờ, nhổ mạ, đi cấy…
– Thật ạ cô? Thế cô học bài vào thời gian nào mà sao vẫn giỏi thế ạ?
Con bé Thảo nhao lên. Nó há hốc mồm ngạc nhiên vì sao nhìn cô trắng trẻo, quần áo lượt là thế kia mà không ngờ cô cũng vất vả, làm lụng như ai. Có khác nào bố mẹ của nó ở nhà đâu. Giống như những câu chuyện mà nó vẫn hằng được nghe bố mẹ kể. Bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Bây giờ hai đứa sướng chán. Chứ ngày xưa  bố mẹ bằng tuổi chúng mày cứ đầu đội nắng chân trần lội lặm trên đồng cạn dưới đồng sâu, tát vạt, chăn trâu cắt cỏ suốt. Làm đủ cả…” để răn dạy hai chị em nó.
– À. Mỗi bận đi chăn trâu cất vó hay chăn vịt thế nào cô cũng cắp nách mang theo sách vở ê a học hài. Có lần vội lừa vịt, làm rơi ướt cả vở,  bị lấm lem hết. Về nhà bị bố phạt phải chép lại đến mất cả mấy tối ấy.
Chuyện của cô sao mà thú vị. Thế mà giờ chúng nó chẳng phải thò mặt ra đến đồng. Hầu như bố mẹ ai cũng đều đi làm công ty hết. Ở nhà buồn chân buồn tay chỉ làm bạn với Tý Quậy, Thám tử Sherlock Holmes hay game Ngọc Rồng. Không phải tay liềm quang gánh như xưa nữa. Cùng lắm thì tan học cũng chạy ù ra đồng đùn xe thóc cho bố mẹ về thôi. Việc gặt hái đã có máy rồi. Mà gặt xong cũng không phải đập, phải trục lúa đêm như trước nữa. Ruộng chín tới, nhà nào cũng chỉ việc mang bao tải ra trực chờ máy đến lượt nhà mình. Những bông lúa uốn cong được tuốt luôn thành những hạt vàng, tuôn ngay vào trong bao rồi chất lên xe thồ, xe ba gác chở  mang về phơi sân.
2. Giờ ra chơi cánh cái Linh cái Thùy không thấy mặt mũi cái Thảo đâu thật. Chạy ra sân trường chỗ bọn con gái đang nhảy dây, không có. Đi lên thư viện nhìn những học sinh đang ngồi ngay ngắn trật tự, chăm chú đọc sách báo, chẳng thấy đâu. Ngó vào trong lớp ở nhóm chơi chuyền. Cũng không. Thế thì nó đi đâu nhỉ? Cô giáo vừa ra khỏi lớp, thoắt cái nó cũng mất tăm. Nhưng rồi hai đứa cũng chẳng cần thắc mắc lâu, trò chơi “trồng nụ trồng hoa” cùng lũ bạn rất chi là vui vẻ đã cuốn lấy bọn nó ngay. Chúng quên mất cô bạn ngồi cùng bàn. Thế mà trống vào lớp được 5 phút rồi nhìn sang bên cạnh vẫn thấy chỗ nó trống hoác trống huơ.
Cô Hà đang ngồi trên văn phòng thì cái Thùy cái Linh thập thò ngoài cửa. Trong phòng còn mấy thầy cô giáo nữa khiến chúng rụt rè e ngại. Rất may, cô Hà đã nhìn thấy. Cô bỏ tập bài đang chấm dở đi ra ngoài cửa, ngạc nhiên hỏi hai học sinh của mình:
– Lớp ta có chuyện gì thế các em?
– Dạ, thưa cô. Bạn Thảo có xin phép cô về không ạ? Bạn ấy bỗng dưng bị mất tích rồi cô ơi?
– Sao có chuyện ấy được? Vừa rồi bạn ấy vẫn còn có mặt trong tiết của cô cơ mà?
Cô Hà định rút điện thoại ra để bấm số gọi cho phụ huynh nhưng rồi cô khựng lại ngay. Cô chợt nghĩ, nếu gia đình có chuyện gì gấp, chắc chắn cái Thảo cũng phải xin phép cô hoặc thầy giáo bộ môn rồi. Xưa nay nó vẫn luôn là đứa học trò ngoan ngoãn. “Trước tiên phải đi tìm bạn ấy trong khu vực trường mình đã. Cũng có thể bạn ấy đi vệ sinh bị trúng gió ngất ở ngoài ấy cũng không chừng! Phải đi tìm ngay”. Ba cô trò hốt hoảng. Nếu có như vậy, sự việc cũng đã trôi qua gần nửa tiếng đồng hồ rồi. Quả là quá nguy hiểm nếu bạn ấy không được phát hiện kịp thời.. Rất may. Nhà vệ sinh không thấy. Ba cô trò thở phào. Thế thì bạn Thảo đang ở đâu?
Ba cô trò chia nhau đi vòng quanh khu vực sau các lớp học.
– Cô ơi. Cứ tìm kỹ ở hàng giậu cúc tần dậm um kia nhé. Biết đâu có ma giấu bạn ấy trong đó ạ!
– Ma gì giữa ban ngày! Ở trường học làm gì có ma. Đừng có tuyên truyền dựng chuyện đấy nhé, bạn Thảo.
Cô Hà nói vậy nhưng cũng hơi chột dạ. Vì cô có nghe chuyện khu đất sau trường này trước đây là cái gò hoang đã được san lấp. Vào cái năm nạn đói khủng khiếp hoành hành, có tới gần chục người nằm chết ở đây. Lẽ nào học trò của cô bị ma giấu thật?!
Bỗng cái Linh kêu lên thất thanh:
– Cô ơi, cái Thảo đang ở ngoài cánh đồng kìa!
Đúng thật. cái Thảo đang lò dò một tay túm ống quần, tay kia xách theo cái túi ni lông màu đen men theo bờ mương đi về. Mà từ lối ấy về trường phải qua một hàng rào tường bao xây bằng gạch có cắm chi chít những mảnh sành. Nó thấy cô Hà và các bạn đang nhìn mình thì hốt hoảng. Biết giờ này đang là giờ học rồi vì sân trường im ắng lắm. Nó cũng muốn về lớp học từ ban nãy nhưng vì lũ vịt cứ chạy dáo dác nên nó cũng bị mệt đứt hơi. Mà tài thế. Lũ vịt chân ngắn lũn ca lũn cũn, chạy thì lạch bạch mà cũng nhanh ra phết. Cái Thảo lõm bõm bước cao bước thấp lội theo. Những cây rạ sắc lẹm cọ cứa vào chân nó rát nạt. Đuổi được chỗ này nó lại ra chỗ kia rồi vòng lại. Chẳng hề biết sợ.
3. Mới cách đây 3 hôm, bác Ngân từ trong Tây Nguyên về thăm quê. Bác về nhân đợt sang cát cho ông. Xong việc, họ hàng đông ai cũng muốn mời bác đến chơi nhà, ăn bữa cơm thân mật. Nhưng bác đã sắp lịch, chỉ đến mỗi nhà chơi được có một ngày. Mẹ nhất định giữ bác ở lại thêm vài ba hôm nữa nhưng vé tàu bác đã mua sẵn rồi, không ở lại được. Bác phải vào trong ấy vì đã đến đợt phải thu hoạch cà phê. Lúc bác đi cà đã chín nhiều. Các anh chị đều đã có gia đình riêng, một mình bác trai không kham hết được. Tối hôm trước nghe bác tâm sự với mẹ, ở trong ấy nhớ nhà nhớ quê lắm. Đi xa đằng đẵng bao nhiêu năm trời mà vẫn thèm nhớ bữa ốc luộc chấm mắm ớt xả cay nồng. Ăn xong ấm cả bụng. Biết bao lần hai chị em trốn ông đi bắt ốc mò trai, lần nào ít nhất cũng được lưng chậu chứ chả ít.
– Đến bây giờ bác vẫn thèm ăn món ốc luộc chứ ạ?
– Vào trong đó làm ăn kinh tế, nắm trong tay vài hecta cà phê vườn, tiêu. Bây giờ cũng có của ăn của để. Được nếm nhiều món sơn hào hải vị rồi nhưng cái vị ốc luộc thì cứ theo bác suốt con ạ.
Cái Thảo đang nằm ngoài nó vội chen vào nằm giữa. Nắm lấy tay bác nói chắc như đinh đóng cột:
– Ôi, bác cứ yên tâm. Cái món này ở quê tìm dễ mà bác.
– Thế mà mấy bữa nay đi chợ, mẹ cũng không thấy có đâu nhé!
Mẹ nó nhổm dậy, như thanh minh với bác về cái món ốc kỷ niệm phải cứ ra chợ làng tìm là có ngay được. Có vẻ như mẹ áy náy, chẳng mấy khi bác về chơi mà lại để cho bác phải thèm thuồng. Lúc chiều bác Cả đưa bác sang nhà còn bảo, thịt gà, thịt thỏ bữa tối bác làm đầy mâm mà bác Ngân chỉ động vào có vài miếng gắp. Thế là cái Thảo nghĩ ngay ra đoạn mương và chân ruộng ở ngay sau trường. Mùa này nước cạn nhìn thấy rõ cả ốc ở dưới đáy. Mà mấy ruộng trũng cạnh đấy ốc đá bám quanh cả gốc rạ, nằm tròn vo ở những vũng nước. Nhưng không biết đàn vịt nó đã kiếm ăn đến đoạn đó chưa. Lúc cái Thảo ra đấy định mò tranh thủ giờ tra chơi sau tiết thứ hai chúng đã ngụp lặn làm đục ngàu cả một đoạn. Vịt gặp ốc thì cứ là ra trò.
Thấy cái Thảo đến chúng không chịu đi ngay mà còn cố nán lại bắt mồi. Cái Thảo vỗ tay mấy cái chúng mới cuống quýt trèo lên bờ lạch bạch chạy đi. Hôm đi qua đoạn này thấy nhiều ốc nó đã chắc mẩm mười lăm phút ra chơi quơ vội cũng được đầy rổ. Đãi bác Ngân một bữa thỏa thích. Nếu nhiều nữa, hôm sau mò tiếp rồi sẽ gửi bán ở quán nhà ông Thịnh giữa làng. Thế nào cũng đủ tiền mua được chiếc khăn bóng nay màu đỏ. Đợt văn nghệ này lớp nó đang tập luyện hai tiết mục chuẩn bị cho hôm mừng Đại hội Phụ nữ xã. Cô Hà đã quy định tiết mục ấy phải đeo nơ múa mới mềm đẹp hơn. Lần này nó cố gắng giành được giải cao. Thế là nó cứ mải mê mò. Mải mê đuổi lũ vịt. Trong lúc lũ vịt bươn bả chạy đi thì nó còn nhặt được 3 quả trứng rơi làm nó vô cùng khoái chí. Trống vào lúc nào nó cũng chẳng hay biết nữa.
– Vào học lâu rồi mà giờ này em mới về sao?- Tiếng cô Hà làm nó thêm luýnh quýnh.
Một tay nó bấu chặt vào thành tường. Tay kia cầm theo cái túi nặng trịch. Một chân nó đã tìm được cái gờ để trèo lên.
– Nguy hiểm lắm đấy. Đầy mảnh sành thế mà trèo lên thì sứt mẻ chân tay chứ còn gì. Chịu khó đi vòng cổng trước đi!
Nó đu mình, hai chân đã lên đến thành tường bao.
– Dạ, lúc đi em cũng đi lối này được mà. Cô yên tâm ạ.
Phịch! Người nó văng xuống đất. Túi nylong của nó cũng văng theo. Chả cần khai báo thì cô cũng đã nhìn thấy những con ốc đá vãi tung tóe ra. Có chất nhầy nhầy màu vàng xen lẫn màu trắng tràn theo.
– Chịu em thật. Con gái con đứa leo trèo tài thế. Mải đi bắt ốc mà bỏ cả giờ học. Lát nữa gặp thầy bộ môn trên văn phòng để chuẩn bị viết bản kiểm điểm nhé. Vào lớp được mười lăm phút rồi đấy.
May mà là giờ thể dục. Khi nghe nó trình bày đầu đuôi câu chuyện và nghiêm túc rút kinh nghiệm, thầy Thắng chỉ ghi tên nó vào sổ đầu bài với tội danh: vào lớp muộn. Nhưng chiều ấy cái Thảo đã có một bữa ốc đãi bác Ngân và mẹ nó thật ấm cúng. Còn chuyện bị ghi vào sổ đầu bài thì nó giấu biệt. Nó chấp nhận chuyện bị phạt mà.
4. Lớp ta hôm nay có tiết Ngoại khóa Tham quan thiên nhiên”. Chúng ta sẽ không học bài như mọi khi. Các em sẽ được ra cánh đồng quan sát các loài thực vật. Sau buổi này các em phải nộp bài thu hoạch cho cô!
– Tuyệt vời ạ!
Cả lớp hò reo phấn khích!
Vậy là phía sau khung cửa ấy chỉ chốc lát nữa thôi sẽ mở toang ra trước mắt lũ học trò. Hôm nay thì chúng chẳng phải thập thò, len lén để xem ngoài ấy có gì nữa. Mọi điều bí mật sẽ được khám phá.
– Nào, theo cô!
Cả lớp theo cô Hà xếp thành hai hàng ngay ngắn. Tất nhiên không thể đi tắt bằng lối nhảy qua tường bao đầy những mảnh sành một cách rất chi là ngoạn mục như cái Thảo bữa trước. Ra khỏi cổng trường chỉ việc rẽ xuống một con đường nhỏ với hai hàng cây chạy đều tăm tắp vươn cành tỏa bóng hai bên đường một đoạn là đến cánh đồng. Những vạt hoa xuyến chi trắng muốt nép mình soi bóng dưới con mương, xòe tươi rung rinh như đang hé môi cười chào đón bọn trẻ.
– Lớp ta sẽ chia làm 3 tổ: Ngô, Khoai, Bắp tỏa xuống cánh đồng. Cô đã liên hệ trước với các chủ ruộng rồi. Các em chú ý quan sát các loài cây mà nhóm mình phụ trách. Nhớ không làm hư hại đến hoa màu của các bác ấy nhé!
Tiếng “vâng” vang lên giữa cánh đồng hòa cùng thanh âm của những tiếng gió rì rào đuổi theo những bước chân đang thoăn thoắt đi về các khu ruộng. Chúng hớn ha hớn hở vì lần này tha hồ mà chạy nhảy nói cười giữa không gian mênh mông xanh của cánh đồng màu. Giữa trời đất bao la. Thực ra chúng không còn lạ lẫm gì với khoai, ngô bắp nữa. Vì mọi khi có đứa vẫn làm bèo cho lợn bằng dây khoai, luộc rau, nấu canh hến với lá khoai hay ngô rang, ngô luộc khoai luộc chúng được ăn suốt nhưng ra đồng cùng các bạn đông vui hư hôm nay thì chưa một lần nào.
– Bờ bé cô đi cẩn thận kẻo ngã đấy ạ!
– Đừng lo cho cô! Chả phải cô sinh ra và lớn lên nhờ hạt lúa củ khoai, làm bạn với ruộng đồng từ bé đó à?
Cái Thảo ngồi thụp xuống. Tay nâng lên ngọn dây khoai lang dài bằng cái đòn gánh. Nó dõng dạc:
– Các bạn chịu khó quan sát nhé!
– Chỉ có loại khoai lang mà cũng đa dạng quá!
Các bạn trầm trồ nhìn khắp cả khu. Rồi chúng đi khắp lượt. Có loại thì lá hình tim, loại xẻ thùy, loại xẻ chân vịt, mũi mác. Có luống màu xanh đậm, luống màu xanh nhạt. Rễ thì cũng đủ loại. Có rễ chính, rễ phụ, rễ mọc ra từ củ, rễ nằm ngang.
– Nhưng còn củ thì sao đây ta? Củ lại nằm trong lòng đất. Chả lẽ chúng ta lại nhổ lên để quan sát sao? Mọi khi ăn đến no bụng rồi mà chúng cũng đâu có để ý kỹ.
Tử đầu đến giờ, cô Hà còn phụ trách nhóm Bắp, Ngô. Ra đến nhóm Khoai của bọn cái Thảo, cô giật mình hốt hoảng:
– Tất cả dừng lại hết đi! Các em dỡ trộm khoai của nhà người ta hay sao? Cô đã dặn thế nào rồi! Ngang nhiên thế này có chết không cơ chứ!
Cả nhóm thấy cô nói giọng nghiêm túc thế thì dừng ngay lại phân bua:
– Dạ, không phải vậy đâu ạ. Chúng em được bà Ngần nhờ đấy cô.
– Nhờ ư? Chủ thì không thấy đâu! Cô chỉ thấy có mỗi các em ở đây với mấy luống khoai bị xới tung lên thôi!
– Thưa cô, sự thật là…Xin cô hãy tin chúng em ạ.
– Vậy bà Ngần đâu?
Bà Ngần đâu nhỉ? Đứa nọ hỏi đứa kia. Vừa rồi bà ấy mới ở đây cơ mà. Chúng hì hục làm. Đứa cắt dây, đưa cuốc, đứa phân loại củ, đứa dồn khoai vào bao. Vừa làm vừa mải nói chuyện. Nhãng đi một tí giờ thì bà chủ đã biến mất. Bây giờ thanh minh làm sao?
– Cô không ngờ các em lại có hành động như vậy. Như thế này người ta sẽ coi các em là những kẻ trộm đấy!
– A, cô giáo đây rồi. Tôi cũng định tìm cô giáo đây!
Còn cách mấy ruộng nữa mới đến nơi bà Ngần nhìn thấy cô giáo đã đon đả. Cô Hà tưởng bà đi tìm mình để kể tội lũ học trò tai quái thì vội chữa ngượng:
– Xin lỗi bà, cháu cũng định đi tìm bà đây ạ.
Cô Hà đang nghĩ không biết phải nói làm sao cho hành động vô ý thức này của bọn trẻ thì bà Ngần đã vui vẻ:
– Có gì mà xin lỗi chứ cô. Tôi còn cảm ơn cô giáo và các em ấy không hết chứ.
Chết thật. Dạy dỗ không ra gì để học sinh của mình quậy phá thế. Người ta phải “cảm ơn” thế là đúng quá rồi. Không biết còn lỗ lẻ nào mà chui xuống đó nữa. Cô Hà ngại ngần:
– Các cháu dại dột trót cuốc xới tươm ruộng khoai nhà bà. Thật cháu cũng rất xấu hổ…
Nhìn cô Hà ngạc nhiên chưa hiểu chuyện, bà Ngần “à” lên một tiếng vì biết cô giáo đã hiểu lầm to. “Tôi đã nhờ các cháu dỡ hộ đấy”. “Bà nhờ lúc nào mà sao cháu không thấy bà ở đây ạ?”. “Tôi ở đây chứ đi đâu cô. Là vừa rồi tôi cắp cái rồ khoai về. Bảo đứa cháu đang ở nhà chất nồi luộc luôn. Muốn có tí quà cảm ơn các cháu. Lát nữa khoai chín cháu nó sẽ đạp xe mang ra bây giờ ngay đấy. Thật may, có chúng nó giúp. Còn nửa luống nữa thôi. Cố giúp bác nốt nhé!”. Chúng vừa làm vừa thích thú nghe bà Ngần tỉ tê với cô giáo. Định bụng hôm sau mới dỡ. Nhưng nghe bọn trẻ bảo nhau muốn quan sát củ mà không biết làm thế nào. Thấy các cháu ngoan ngoãn, chúng lại có vẻ rất hoạt bát, năng động. Tôi như mở cờ trong bụng. Nhân tiện thế này nhờ chúng một thể. Đông người, ắt sẽ nhanh. Mà bọn trẻ lại tha hồ được quan sát. Trời lạnh thế mà chúng xắn quần, vén tay áo cuốc dỡ rất hăng. Từng chùm củ cứ thế theo nhau phơi ra lồ lộ dưới mặt luống. Củ to bằng cổ tay, củ út ít cũng bằng ngón chân. Rồi bà Ngần chỉ trỏ, nói như khoe. Cô thấy đấy. Lúc đầu cuốc chưa quen còn vạc vào củ, sứt sát mất một ít. Từ những lồ sau, có kinh nghiệm rồi, chỉ một hai nhát cuốc là bẩy được cả lồ lên. Như một đàn lợn con vậy.
Cô Hà tươi cười, thở phào. Thì ra là vậy. Vậy mà cô cứ tưởng là học sinh của cô lại có gan làm liều đến thế. Cô cũng mừng vì qua chuyến đi lần này các em được trải nghiệm thực tế. Rất tốt cho bài thực hành. Khoai vừa mang ra thì nhóm Bắp, Ngô cũng vào nhập hội. Mà đâu chỉ có rổ khoai luộc là sản phẩm của buổi trải nghiệm thực tế lần này. Mấy đứa còn hí hửng mang về vài cái bắp cải lẫn chục cái bắp ngô là quà cảm ơn của những chủ ruộng nữa kia.
Điều làm cô cứ tủm tỉm sau khi đọc bài thu hoạch của cái Thảo là đoạn kết thế này. “Buổi ngoại khóa với tôi thật thú vị. Chúng tôi được đi, không chỉ được vui chơi làm bạn với thiên nhiên mà còn được ăn những củ khoai rất ngon giữa cánh đồng mùa đông xanh mướt. Lúc về trên tay chúng tôi là những bắp ngô, những cây bắp cải to đùng. Đó là thành quả của chúng tôi sau buổi làm việc tích cực. Phía sau khung cửa ấy quả là cả một cánh đồng thần tiên”.
31/5/2021
Vũ Thị Thanh Hòa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...