Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Mảnh sân quê - Tản văn của Đức Dũng

Mảnh sân quê
Tản văn của Đức Dũng

Khi hồi ức và liên tưởng về mảnh sân quê, tôi nghĩ ngay tới tập thơ Góc sân và khoảng trời của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa lúc 8 tuổi, với “Khoảng trời em đến là yêu/ góc sân nho nhỏ chiều chiều đứng trông”.
Vâng, “góc sân nho nhỏ” ấy chính là mảnh sân quê – không chỉ là nơi lũ trẻ đá bóng, nô đùa đủ các trò chơi như bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, múa hát, ngắm trăng và rước đèn ông sao… mà còn là nơi chứa đựng bao hoạt động trong đời sống và sinh hoạt của người làng quê suốt bốn mùa mưa nắng, giá rét lẫn bão giông.
Ở cái thuở “dân có ruộng dập dìu hợp tác”, nhà nào mà có “cái sân gạch” như tiểu thuyết của Đào Vũ, đi theo là “nhà ngói cây mít” là được xếp vào hàng “vương giả” ở nông thôn; vì phần lớn vẫn là nhà tranh, lợp rạ hoặc lá cọ, vách bằng đất hoặc chình tường đất. Thế nên, mảnh sân quê cũng “thi công” bằng… đất. Nhưng người nhà quê làm sân đất rất kì công, bằng cách cày bừa, nhào nước, chang lẫn như làm mạ, trộn lẫn sỏi nhỏ vào cho cứng nền rồi tạo độ dốc. Khi mặt sân se dần, họ dùng đầm, vồ, bẹ dừa đập liên tục lần lượt trên mặt sân, rắc tro bếp hoặc bồ hóng cho mau khô, tạo một màu đen nhẫy. Làm đúng quy trình như vậy, sân đất rất chắc, mưa không bị lở, nắng không bị bật đất lên khi phơi phóng, cào quét. Sân đất khi ấy có thể ví như sân đất nện- mặt sân cuả môn thể thao quần vợt trên thế giới hiện nay. Kế theo sân đất, vẫn theo quy trình ấy người ta làm sân bằng vôi sỉ, chắc chắn hơn, mặt nhẵn và sạch hơn. Sau dần, đời sống nông thôn khấm khá lên, các lò gạch thủ công rực hồng để người ta xây nhà bằng gạch, theo đó, sân quê được lát bằng gạch lải kích thước 20 × 20 cm; kích thước sân thường bằng kích thước nền nhà và hiên nhà ghép lại (từ 50 – 60 m2).
Mảnh sân quê- tác dụng đầu tiên của nó là dùng cho công việc thu hoạch mùa màng và phơi phóng. Nhà thơ Ngô Văn Phú, không chỉ tài tình làm thơ như… ca dao “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây” mà còn có cái nhìn bao trùm về bức tranh quê trong bài thơ “Tháng năm mùa gặt”: “Máy bơm nghỉ nằm im trong lán/ bộn bề là những chiếc sân phơi”. Thì đó, khi thu hoạch lúa ngoài đồng về, họ xếp lúa vòng tròn hoặc hình ê lip trên sân để dùng trâu giày lúa (còn gọi là quần lúa); có nhà dùng néo để đập từng gồi lúa (mãi sau này mới dùng máy tuốt lúa). Trên mảnh sân quê này, những sóng lúa nối tiếp nhau như những “ biển vàng” giống khi còn ngoài đồng vậy. Giữa trưa hè nắng chói chang, bàn chân thô ráp của người nông dân luồn sâu vào từng lớp lúa hột, từ ấm nóng đến bỏng rát để đảo lúa cho mau khô mà niềm vui no ấm dâng trào. Khi lúa phơi khô, quạt sạch thi nhau chảy vào bồ, vào cót, đến lượt rơm rạ rồi đủ các loại hoa màu như ngô, lạc, đậu, vừng, khoai sắn… cũng lần lượt “ báo công” trình diện trước sân quê. Sân quê, vì thế còn phơi cả nỗi nhọc nhằn, thấm đẫm những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ cha ta, anh chị ta, của cả chính ta thời ấu thơ, đèn sách và bao bóng hình của thế hệ mai sau nối tiếp.
Vẫn trên mảnh sân quê, sau những ngày dài mưa dầm gió bấc và ẩm ướt, nắng ấm bừng lên, chan hòa, thênh thang choàng lên cây cối vạn vật, mặt sân và xung quanh sân như một “ triển lãm” trưng bày bao đồ thứ, vật dụng của nhà quê. Ấy là chăn chiếu, mùng màn, quần áo, khăn mũ đủ sắc màu với đủ độ tuổi, kích cỡ. Ấy là những sản vật quê nhà như mốc tương, cá mắm; miến măng, nấm hương , mộc nhĩ,.. chen chúc trong những nong nia, giần sàng để cho những món ăn đậm hương vị Tết sắp về. Và kia nữa- xen lẫn với những bó củi được hong lại là những tập sách rất cũ gáy đã sờn, in bằng giấy đen và những tờ báo đã úa vàng theo thời gian của những ông đồ hoặc những ông giáo già. Phải chăng, đạo lý Đại Việt là đây ; côi nguồn bản sắc văn hóa cũng chính từ đây, làm nên và kết tinh cốt cách, tâm hồn Việt ?
Nếu chỉ bàn về “công năng” tác dụng của sân quê trong việc phơi phóng khi nắng gió thênh thang như vậy, e chừng kí ức của ta có phần hao khuyết. Bởi thế, hãy quan sát, suy tưởng sân quê khi mưa xuống ở nhiều cấp độ: Mưa bất chợt, mưa dai dẳng, dầm dề; những đợt mưa chạy dài, dập dồn như vó ngựa chen nhau.
Kí ức dội về trong tôi những buổi chiều hè đã lùi xa. Đang nắng quái chiều hôm xiên rát, bỗng đâu những đám mây đen vần vũ xuất hiện. Bầu trời nặng trịch, xám xịt như một tấm thiếc. Những vệt chớp nhì nhằng như những cành cây khẳng khiu rạch ngang bầu trời, dông gió nổi lên báo hiệu trận mưa to sắp đến. Bố mẹ, anh chị của lũ trẻ tất tưởi cào quét cất lúa trên sân; khẩn trương thu rơm rạ đã phơi khô vào chuồng hoặc tung vội lên cây rơm… cùng những đồ vật đang phơi thì lũ trẻ “ ăn chưa no, lo chưa tới” kia lại háo hức cho một trò chơi từ “ trời cho”: Đó là tắm mưa. Khi trời bắt đầu trút xuống những đợt mưa đầu tiên, bọn trẻ trút hết quần áo, ngửa mặt lên trời, tung tăng rồi đè, vật nhau trên sân. Đợi cho mưa rửa sạch những chiếc lá khô, bụi bặm trên mái tranh, mái lá ( lác đác mái ngói), bọn trẻ mới lấy đất chặn chổ sân lại (bờ sân cao gần gang tay) nước dâng đầy lên thành “ao”để chúng tha hồ vùng vẫy, tập “bơi”, chơi trò té nước, thi mò cá trong chiếc ao nhân tạo, giơ lên những “con cá” tưởng tượng mà nặng trĩu, đầy ắp tuổi thơ.
Đối nghịch với lũ trẻ tắm mưa, ở mái tranh nghèo nơi cuối xóm, có một góa phụ trẻ lặng lẽ nhìn “trời mưa bong bóng phập phồng” mà lòng thắt lại. Góa phụ thương chồng đoản mệnh xấu số và không đủ can đảm bước tiếp, vì đâu đây có lời van vỉ, níu giữ “mẹ đi lấy chồng con ở với ai”? Chưa hết, khi mưa cứ triền miên, dai dẳng, người ta bắc những vòi từ thân các cây cau trước sân vào các chum vại để tích nước. Độc đáo hơn, có người còn đặt các thùng, chậu to ở giữa sân để lấy trực tiếp thứ nước trời tinh khiết đổ vào bể dùng riêng cho nấu ăn, đun nước uống, pha trà. Lại có một đám lão nông, sau khi “ rửa cày rửa bừa” giờ có chút ung dung, nhàn hạ để tụ tập. Bên ấm trà pha từ nước trời tinh khiết ấy, bên cả hương vị của mẻ lạc rang nóng giòn, hấp dẫn, họ khề khà “chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau” (Nguyễn Khoa Điềm) mà thấy đời vô tư thanh thản. Bởi không phải bận tâm, đau đầu chạy theo áp lực, vòng xoay tiền tài-quyền lực-đánh đổi-bán mua!
Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt là từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, những vùng quê đã thực sự lột xác và sân quê cũng khác xưa. Nhiều làng đã lên phố. Những nhà cao tầng kiên cố thi nhau mọc lên với đủ các mẫu mã kiến trúc; Những ngôi biệt thự mái đỏ rực lấp ló sau những lũy tre xanh, bóng dừa xanh. Sân quê, vì thế được người quê lát bằng gạch nem tách,công nghệ lò tuy nel, thậm chí chơi hẳn bằng gạch đỏ au kích thước 50 x 50 cm, thương hiệu “Viglacera” hẳn hoi, không dùng gạch lát thủ công như xưa nữa. Xung quanh sân được bài trí bằng những am, chậu cây cảnh phong lưu và các loài hoa thi nhau khoe sắc. Thật đáng mừng cho làng quê và sân quê thời đổi mới.
Nhưng cũng đáng buồn thay! Sân quê hôm nay không còn những trò chơi tuổi thơ nữa, không có những đứa trẻ da nâu tóc khét tắm mưa, thay vào đó- chúng lao vào các quán net, chát với  các trò chơi điện tử nhiễm độc văn hóa độc hại nên tình trạng phạm tội tuổi vị thành niên ngày càng tăng lên. Lũ choai choai hơn thì “ hết mình” ở các quán hát, quay cuồng ở các vũ trường,bung biêng… hút, chích. Không còn những ông giáo, ông đồ phơi sách trên mặt sân quê – nay thay thế bằng một số ông giáo nghỉ hưu “ nhàn cư vi bất thiện” ăn theo nói leo, tán thưởng, cổ súy các facebook chống phá chế độ, phản dân hại nước, nói xấu Đảng và các nguyên thủ quốc gia,… làm những người quê chân chất là vậy phải phân tâm, dao động. Nơi lao xao nhộn nhịp ở sân quê cảnh giết mổ lợn ăn đụng chia phần cũng là nơi “ hỗn chiến”, tranh chấp ác liệt. Vì giờ sau đền bù giải tỏa, tấc đất là tấc vàng. Sân quê, ngày nào người ta còn chúc tụng nhau lúc nhà có việc vui, ngậm ngùi chia sẻ nhau khi có việc buồn; Vậy mà, họ sẵn sàng quay ngoắt, nguyền rủa nhau, hạ nhục nhau “ sống chỉ mặt, chết chỉ mồ”. Chung quy cũng chỉ tại lòng tham và cái “tôi” lớn quá. Tình anh em, xóm giềng đâu còn nồng đượm như thời khốn khó, đói nghèo? Đúng là chuyện muôn đời sân biết cả.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
Những ca từ và âm điệu não nuột đó của nhạc sĩ họ Trịnh đưa bước chân tôi về chậm chạp trước sân quê, khi quá nửa đời phiêu dạt. Vào đúng đêm “ Ông trăng tròn sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em” như thần đồng thơ Trần Đăng Khoa quan sát cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi lững thững trên mặt sân quê đầy trăng, sống lại và tìm về tuổi thơ êm đềm, lung linh như vầng trăng quê và thầm ao ước: Sân quê của làng quê đất Việt sao cho mãi mãi là nơi lưu giữ, hằn in, hiện hữu những hình ảnh và biểu tượng thấm đẫm hồn quê, chứ không phải “ rát mặt”, quặn lòng chứng kiến những “ chuyện muôn đời sân biết cả”!.
31/5/2021
Đức Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...