Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Bên đường có cái đầm nước

Bên đường có cái đầm nước

Cái đầm ấy rộng chừng non nửa mẫu ta, ngày xưa nằm giữa đồng Vạn, trên bờ có một cây đa, tuổi dễ hơn ba chục, thân cành xum xuê che rợp con đường đất ngợp những cỏ chỉ chừa lối đi lọt bàn chân dẫn vào cái vườn um xum chuối tiêu.
Theo truyền thống lịch sử bốn nghìn năm đặt tên tập trung về một mối của làng đầm ấy được gọi tên là Đầm Vạn.
Nhưng cây đa thì khác. Nó không phải là cây đa Đầm Vạn theo lẽ thông thường mà khắp xóm trên thôn dưới đều gọi là cây đa Lần Tới.
Câu chuyện được kể bắt đầu cách đây ngót bốn chục năm…
… Chợ Cuối phiên hăm sáu tết…
Con mẹ Vít hạ uỵch gánh lá dong và ống giang xuống góc buồng, cài vội dõi cửa, lật cái mê nón thủng chóp quạt lấy quạt để. Cái giống này trông thế mà nặng. Nhẽ bằng gánh đẫy lúa sương. Ngoài ngõ, qua khe liếp cũng đã thấy cái Vịt – em gái nó –  huỳnh huỵch hai quang đầy, dẫn năm đứa con cun cút chạy vào đến ngõ. Phiên chợ cuối cùng, hàng đồng rừng cả năm mới có, mua tranh giành cướp mới được từng này, không cẩn thận phòng thuế bắt được thì cả nhà vêu mõm.
Cửa buồng mở vội ra rồi sập lại ngay. Tối mò mò. “Để ý đằng sau không?”. “Rồi bá ạ! Không có đứa nào sất!”. “Thế thì tốt! Gọi chúng nó vào đây!”.
Ngay lập tức mười đứa trẻ con, hai hàng dọc tập hợp ngay trước mặt nhà Vít Vịt. Chuẩn bị chưa? Rồi hả? Giờ tao dặn. Đứa nào sai tết này dịn tiền mừng tuổi. Mỗi đứa ôm ba bó lá mới lại hai khúc giang. Bọn thằng Nhỡ thì đi dọc chợ. Nhớ thong thả. Con Út, thằng Cố cứ đứng chỗ bán lá chuối, bán cam quýt, rế rổ giần sàng ấy. Ai hỏi, bảo năm hào. Mặc cả ba hào giở lên thì bán. Cẩn thận kẻo phòng thuế tịch thu. Nếu về lấy thì từng đứa một thôi kẻo người ta để ý. Nhớ chửa?
Có từng ấy lời, làm sao mà không nhớ. Lũ trẻ con khư khư ôm lấy phần của mình, chỉ chờ hiệu lệnh là đồng loạt xuất quân. Nhà cạnh chợ. Vẫn còn sớm. Mới chỉ có dân hàng xứ. Ở xa có khi đi từ nửa đêm. Đến đây vẫn nhọ mặt người. Mẹ Vít bảo chờ bảnh mắt thêm tí nữa. Hôm nay đông, hết ngay ấy mà. Hay chúng mày cứ bán bốn hào giở lên cho tao. Chê đắt, bảo thế vào mậu dịch xếp hàng, chen lòi bong bóng mũi ra mà mua. Mà dì Vịt, xem lão nhà tôi đón ngõ chưa. Chưa hử? Đã dặn như thế mà còn chết dấp chỗ nào…
Khoảng tiếng sau, tầm bẩy giờ, chợ bắt đầu đông. Mẹ Vịt nhảo về đùm thêm bơ đỗ xanh vào cái khăn vuông, chạm mặt thằng Nhỡ ở cửa buồng. Chưa kịp hỏi chúng nó đâu, được mẻ nào chưa thì nghe nhốn nháo, rồi ầm ầm. Tiếng đàn bà chửi nhau át cả tiếng hò reo cổ vũ. Cái gì thế mày? Con không biết. Lúc ở hàng chuối thấy thím Lần Cột dọ nhau. Cha tổ hai con đĩ. Lại tranh khúc giò gân chứ gì. Có đứa nào nhà mình ở đấy không? Có bu ạ. Bọn thằng Cố, con Thêm… Ối giời ơi! Thôi chết tôi rồi!
Mẹ Vịt bổ nhào sang chợ. Từ xa đã thấy hai nữ tướng xông vào song phi rồi túm tóc nhau đấm giáp lá cà. Ngực nẩy phía trước, mông vẩy đằng sau, cứ giáng sang đối phương cú nào là trúng đích cú ấy. Vòng người tự động giãn ra dành một bãi chiến trường bằng hai cái chiếu đôi ngổn ngang lá chuối xanh nát bươm và mấy nải quả bẹp dí. Bọn trẻ con nhà Vít Vịt cắp lá dong ống giang tụ cả về đấy, đứng hóng trong cùng, vừa vỗ tay vừa gào hai thím cố lên. Rồi bỗng soạt, cả hai áo thâm của hai tướng bà đều cùng lúc bị xé dọc một mảng hở đoạn ngực lủng lẳng treo quả dừa khô. Tiếng reo ồ lên, khí thế ngút giời, hai bên bắt đầu choảng nhau bằng vũ khí. Khi lão Tới lật đật chạy đến nơi thì trận giao tranh đã lên đến đỉnh điểm bất phân thắng bại. Lão chỉ dám len ven vòng ngoài, tổ sư hai con đĩ, chúng mày bêu ông à mà không dám dấn vào vòng tử chiến tận đến khi ai đó dúi vào tay lão ôm rơm tướng cùng cái bật lửa. Tách một cái. Ôm rơm ngún bùng bùng dúi vào giữa. Hai cảm tử quân giẫy nảy rời nhau ra. Đại chiến tự nhiên tan. Lão Tới nhảy xổ vào giữa hai mụ vợ, nhảy choi choi như con nhái bén, cha tổ hai con đĩ, chúng mày bêu ông à? Vòng cổ vũ vỗ tay đôm đốp, khơ khớ cười, thôi ông ơi, thời buổi gạo châu củi quế mà đêm cứ giò gân phát lệch thì sao sáng chả xé nhau ra. Rồi tản dần. Giá kể ngày thường còn đứng thêm chút nữa. Mụ Vít quát mấy đứa kia còn giương mắt làm gì, về lấy thêm, trưa rặt bây giờ bỗng rụng rời nghe cả lũ con Sót, thằng Thêm giãy lên đành đạch: “Bá ơi mất hết rồi…”. “Mất cái gì?”. “Hai thím ấy giật đồ của chúng con quật nhau. Giờ mất hết rồi… Bắt đền đi… Không biết đâu…”.
Tiếng mẹ Vít gầm lên…
Từ đằng xa, mụ Vịt giơ cao đòn gánh, như con trâu điên phi đến…
Tinh mơ hôm sau, hăm bẩy tết, lão Tới vác hòm đồ nghề, xách tay quang treo đựng cái niêu đất với túm muối hột cùn cụt ra khỏi ngõ, xiên tắt gò Ông Đống sang đồng Vạn. Mụ Lần xớn xác đằng sau : “Tết nhất rồi đi đâu?”. “Đi đâu kệ cụ tao.”. “Lại con đĩ nó xúi chứ gì? Đi để hú hí với nhau cho dễ chứ gì?”.  Lão Tới quay phắt lại, mắt long sòng sọc: “Cha vạn đời tổ chúng bay. Ám ông vừa thôi. Ông nhục với chúng bay lắm rồi…”. Mụ Lần cười nhạt, tay vận cạp quần, mặt ghếch qua hàng rào cúc tần, vóng vót: “Nhục gì mà nhục. Lúc sướng với con đĩ cướp chồng thì ai sướng cho…”. Ngay lập tức, hàng rào bên kia choe chóe quặc sang : “Giống má của bu dậy rồi à? Một trăm đứa con gái không bằng cái dái của bu nhẩy! Cu đái nhá! Úi giời ơi dái cẩng thế nài cẩu xa phải biết…”.
Lão Tới co giò chạy khỏi cuộc chiến bắt đầu khơi ngòi.
Gió bấc tạt mưa phùn buốt thon thót. Đồng Vạn nhòa nhòa trắng nhưng cái đầm nước vẫn đầm đậm màu xanh. Cạnh đầm, đợt trong năm, lão rảnh tay phát trụi đám hanh hao hoa vàng, giâm vài mầm chuối, ý giả sau này tiện đi nơm đi vó thì tạt vào vạt vài thân cho lợn. Ai ngờ giời thương cho lão giờ có chỗ trú chân. Chỉ cần  thân tre, mớ rào, ít tàu chuối khô là có chỗ chui ra chui vào. Tránh lũ nợ đời lúc nào hay lúc ấy. Tết nhất gì. Cá tát ao hợp tác, thịt bên trại chăn nuôi đội sản xuất chia mỗi khẩu vài lạng xác định bưng hết sang nhà Vít Vịt, giả bù vào chỗ lá dong bị mất. Nếu không ba ngày tết các cụ nhà lão chỉ nghe tỉa tót cũng đủ sặc máu lên mà chết tiếp lần hai.
Lão Tới cũng đã lường đời lão kiểu gì cũng có lúc như này. Nhưng không ngờ nó đến sớm hơn dự kiến.
Mười năm trước, lão Tới – bấy giờ còn là anh Tới – phục viên về làng. Tuổi  cưng cứng, thân hình cò ke tay xách nặng nhưng cũng vẫn là hàng hiếm. Gái làng thiếu giống nhưng bu anh bảo tao dấm cho mày con cái Lần nhà ông Lượt bên xóm Đình rồi. Nó không đẹp lắm nhưng được cái khỏe, mối mọt không xông. Mới lại mông đấy vú đấy, tha hồ đẻ. Nhà mình hiếm người. Lại trưởng họ…
Nghe bùi tai, anh Tới gật đầu…
Mụ Lần răng chìa mái hiên cha truyền con nối, da hổ giun, cao lừng lững, lão Tới kiễng chân cũng chỉ đến ngang vai. Ba năm, mụ đẻ liền hai đứa: con Đình và con Màn, bảo đặt như thế để sau này có tiền mua cái màn tuyn như nhà Đô Hố. Mà ông nhắn dì Cột sang đây giặt giũ giúp tôi vài hôm. Tháng ba ngày tám ở nhà nhởi chứ làm gì.
Thế là mụ Cột sang. Cũng răng, cũng dáng, cũng vú, cũng mông và cũng treo biển kén chồng hơn ba chục năm y như chị. Ra ra vào vào, tay đụng chân chạm, vập vào mắt là hai quả dừa đầy cỡi lên trong cái áo cooc xê trần, lão Tới tự dưng chỉ thấy khát nước, tu hàng tích vối tươi cũng chả thấm vào đâu. Cho đến cái chiều lão đang vớt rong lợn ngoài đầm Vạn thì trời đổ mưa, làng nước về hết, chỉ còn mình lão, tiếc công đang dở, vận nhõn manh quần cộc cứ tì tụp góc đầm. Giữa bốn bề trắng xóa nghe réo rắt anh ơi, lão sởn cả tóc trên lông dưới, tưởng ma nước trêu giữa ban ngày, nào ngờ mụ Cột hiện ra, tay cầm cái áo tơi với mê nón rách. Dì ra đây làm gì cho ướt? Em ướt quen rồi. Sợ anh ốm thì khổ! Anh lên đi. Em mang sẵn quần áo khô. Mình ra chỗ lều vịt nhà Chung Chiêng trú tạm…
Kể từ chiều mưa định mệnh ấy, cuộc chiến không khoan nhượng của các thế lực thù địch bắt đầu…
Đất nhà lão Tới toen hoen như lỗ mũi được chia làm đôi. Mụ Cột dựng lều ngay mép cổng, dưới bụi tre gai. Ông bảo tôi cứ ở với thầy, có gì ông chu cấp, thế hóa ra tôi chửa hoang à. Vợ nào cũng là vợ. Con nào chả là con. Tôi cứ ở đây. Thách đứa nào đuổi được tôi. Cuối năm ấy, mụ đẻ con Căng thì mấy tháng sau mụ Lần cũng tòi thêm con Thẳng. Tên hai đứa phản ánh thực tế tình hình chiến sự nhưng vừa hay vẫn hợp giấc mơ màn tuyn. Bẵng đi vài năm, quan hệ hai bên đi vào chiến tranh lạnh. Phần vì mụ Lần hả hê, hởi gan hởi ruột. Tưởng giời bể gì, hóa ra cũng lại vịt giời. Cái ngữ ấy có leo lên tụt xuống chỗ nào cũng chỉ rước vịt giời với bươm bướm ma. Rồi các ông các bà xem. Phần vì lão Tới vận công lực toắt cả người lại đáp ứng đôi bên không thiếu không thừa mà cả hai mụ đều như gà mái lú, ăn bao nhiêu dồn hết vào mông với vú. Đến bố vợ cũng phải lắc đầu: “Rõ tội. Anh bậu lên hai con nặc nô ấy khác gì nhái bén bậu bàn trang…”.
Tưởng rằng đã yên nào ngờ mụ Lần già rồi vẫn hấc lờ. Qua vụ đông, bỏ cái áo bông đụp, bụng mụ Cột tự yên phình phĩnh như úng nước. Mẻ này bụng em nhọn chứ không tròn dư ngày chửa con Căng. Mới lại toàn ăn dở đất vách, cứ ngọt như bánh khảo tẩm đường phèn. Biết đâu giời đợ người hiền, có được thằng cu thì cả họ được nhờ các bá nhẩy. Ngồi nhà dưỡng thai, mụ cứ ráo toa với hàng xóm để cả làng nghe thấy bảo sao bên này không lộn máu, ngày nào không chửi nhau một trận cơm nuốt không trôi khỏi cổ.
Và đến khi mụ Cột đẻ xong thằng cu Dẵng thì cuộc chiến còn được trang bị thêm vũ khí.
Như hôm qua…
Lão Tới gác xong tàu lá chuối cuối cùng lên mái lều thì trời vừa sập tối.
Không đèn không lửa, gió tạt qua khe lá ghép rét sun người. Lão mở cái hòm gỗ đựng đồ nghề, rờ rẫm từng món đồ trong đó. Hộp mực, nắm bút cũ, ít ngòi, cái ông tiêm bơm mực bút bi. Bịch đế, bó quai dép cao su. Bộ đồ nghề hàn dép. Mớ quai và đế guốc gỗ… Rờ đến đâu buốt thon thót đến đấy. Dân tình quanh năm hục đầu làm ăn, mua sắm có khi chỉ dồn vào phiên cuối. Lão cứ cái hòm này với cái bếp dầu ngồi ghé bên cổng chợ thì đổ đi không hết khách. Cả năm thế nào xong thôi nhưng tết kiểu gì cũng phải hàn đôi dép hay đầu tư đôi cao su mới. Đàn bà con gái diện ràng còn guốc vẽ quai nhung. Phiên chợ hôm qua hai con nặc nô không giở quẻ, lão đã kiếm tiền chục chứ chả đùa. Cha tổ cái giống sặt sành, dính vào chúng nó ngày nào là đảo điên ngày ấy. Từ giờ lão cứ ở đây. Mai kia vẩy thêm chái bếp. Ra Giêng hết ẩm giời gây đàn gà. Được đồng nào xác định đào sâu chôn chặt lo thân. Kệ cụ chúng nó ở nhà mà chửi nhau, tai liền miệng thì nghe cho rõ…
Lão Tới ở lại ngoài vườn chuối Đầm Vạn thật. Hai mụ Lần Cột ra nói mãi cũng không về. Sau mụ Lần mang thêm niêu thêm bát bảo trưa làm đồng tiện ăn luôn với lão đỡ buồn. Mụ còn lần sờ kiếm đâu được cây đa con đặt ở bờ đầm, bảo cái giống này gần nước chỉ vài năm là có bóng mát, buổi trưa các ông các bà vào nghỉ chân, xơi bát nước chè, ăn quả chuối với nhà cháu cho vui. Mà sau này các ông các bà cứ gọi hộ cháu đây là cây đa Lần Tới. Chồng nào vợ nấy. Chứ cứ gọi cây đa nhà Tới không thì thiệt công cháu quá!
Ấy là câu chuyện cách đây ngót bốn chục năm.
Bây giờ, cái đầm nước vẫn còn, tuy nhiên bé hơn ngày trước. Ước bằng mắt xông xênh lắm cũng không nổi ba sào. Nhẽ thường thôi. Ở đời, cái gì già mà chẳng teo lại. Ví thử như hai mụ Lần Cột, thời gian khác gì cái chảo mà hai mụ là miếng tóp mỡ, mông vú cứ quắt dần, kì đến lúc chỗ hai quả dừa chỉ còn hai con ốc vặn bám trên túm giẻ mới thôi. Đi ngược lại với quy luật ấy chỉ có cây đa là mỗi ngày một to và lão Tới thì mấy mươi năm vẫn da bọc xương y nguyên như thế.
Mấy chục năm lão Tới đóng đô ngoài đầm Vạn, thi thoảng có việc mới nhảo qua nhà, ngồi chưa nóng chỗ đã bảo tao phải đi ngay. Có giữ lại cũng cứ nhẩy cẫng lên như đang yên đang lành bị cắm mảnh sành vào đít. Bọn bươm bướm ma lần lượt cuốn gói lấy chồng, nhà cũ trong làng đóng cửa để đấy, mụ Lần chuyển khẩu hẳn ra đầm cho mát. Mới lại cũng khuất mắt đi. Ở nhà, con đĩ cướp chồng dưỡn dẹo ra vào, ám ngay trước cổng có đi chơi cũng rước bực vào người. Lão Tới bảo mụ thù dai vừa chứ, từng này tuổi rồi còn ghen tuông nỗi gì nhưng mụ bảo tôi với nó đến chết không đội trời chung. Rồi ông xem, còn tôi còn ông. Nó cậy nó đẻ con giai cưỡi lên đầu lên cổ, nó còn coi tôi là chị hay không? Ông đấu thầu Đầm Vạn, tôi trông nom rồi nhặt nhạnh tích cóp phòng thân chứ đàn bà lấy chồng đẻ rặt một lũ vịt giời như tôi là tay trắng. Đành là chúng nó vẫn quà cáp thăm nom sắm sanh mọi nhẽ nhưng chả biết thế nào.  Ông còn có thằng Đăng để dối già chứ tôi chờ vào đâu.
Mụ Lần ngày nào cũng ca rặt một bài: “Ông thì còn có thằng Đăng…”.
Thằng này không phải lão Tới đẻ thêm, cũng không phải tự nhiên sinh ra mà chính là thằng Dẵng. Ba vợ chồng, năm đứa con, lão Tới đã kì khu ngụ ý, đặt tên quy giang sơn về một mối: Lần, Tới, Cột, Đình, Màn, Căng, Thẳng, Dẵng. Bọn con gái gọi gì nhận nấy chả kiện cáo báo chồn. Duy chỉ có thằng Dẵng, sau hôm khai giảng vào lớp 6 nhất định không chịu đến trường, bảo tên gì như điên, cả thầy giáo cũng cười chứ đừng nói là lũ bạn, không đổi là bỏ học luôn. Mụ Cột khóc um sùm, triệu hồi lão từ đầm về ngay lập tức. Lão Tới phải bỏ cả một ngày chạy đó chạy đây, dấu này kí nọ, đổi nó thành Hải Đăng cho bằng bạn bằng bè. Nhà mỗi mống con giai, lại là trưởng họ, nếu nó đòi ăn gan giời lão cũng rình xẻo cho một miếng, kể gì thay cái tên. Lũ con gái chỉ nhì nhằng cho xong lớp 7 rồi về nhận vài sào ruộng khoán nhưng thằng Đăng đúp thế đúp nữa cũng phải hết cấp 3. Mụ Cột còn bảo tôi với ông đầu tư cho nó lên đại học chuyên nghiệp, sau này làm kĩ sư bác sĩ. Lão cũng tính thế nhưng thằng Đăng không chịu, nó bảo mười sáu năm đi học khác gì thằng tù, mỗi lần thầy gọi lên bảng run như ra trường bắn. Giờ thoát xích, dại gì chui lại. Thầy thích thì đi mà học. Tôi ở nhà chơi cho sướng. Lão Tới bảo thì mày cũng phải đi học cái nghề rồi làm lấy mà ăn chứ chúng tao già rồi, nuôi mãi làm sao được. Nó gạt phắt đi: “Thầy cứ từ từ. Để tôi tính. Phải kiếm cái nghề không cần học, nhàn thân mà hái ra tiền chứ như thầy suốt ngày mò lỗ cóc chọc lỗ ngóe, lâu ngày thành con ma nước.”.
Thằng Đăng tìm nghề đến ngót mười năm, tận đến khi nó lấy vợ – cái Đàn con nhà lão Bầu, Phó chủ tịch xã. Cùng năm ấy nhà nước bất ngờ giải tỏa rồi mở rộng đường 39B liên tỉnh, đất lão Tới đang giữa xóm, đánh đùng một cái nhảy phắt ra cạnh đường, mở mắt là thấy ô tô xe máy lao ngược lượn xuôi tối sầm cả mắt. Vợ chồng Đăng Đàn mừng như bắt được vàng bàn nhau mở quán ăn kiêm giải khát. Chúng nó bảo ai cũng phải ăn phải uống. Chỗ này giữa tuyến Hà Nội – Hải Phòng, cánh lái xe đến đây là phải dừng lại hết. Mà cánh ấy thiếu gì tiền. Cứ dịch vụ tốt là lần sau lại tới.
Nghèo lâu giầu mấy tí, bẵng đi một thời gian, chỗ nhà lão Tới bây giờ thành mặt phố, rộn rịch từ sáng sớm đến tàn đêm, thành trạm trung chuyển giữa quãng đường hơn trăm cây số. Quán thì nhiều nhưng phải có mẹo. Mỗi chuyến dừng lại cho khách nghỉ, cánh lái xe nhận một phong bì, một túi quà kèm lời nhắn lần sau anh nhớ ghé. Lâu ngày coi nhau như người nhà, mỗi lúc một thân. Làm không xuể, Đăng Đàn thuê một loạt nhân viên phục vụ. Tốt số lại ứng cung nhàn, chẳng làm gì phải rộn mà tự nhiên thành ông chủ. Mụ Cột thành cụ chủ cũng tự nhiên theo.
Hôm ấy, bảnh mắt được một lúc, Đăng Đàn đánh con xe mới tậu đi cầu lông về thì thấy mụ Cột tay cắp sảo, tay cầm cái liềm vẹt mũi, đội mê nón khươm năm cùn cụt đi ra. “Bu đi đâu đấy?”. “Tao ra đầm.”. “Ra đầm làm gì?”. “Tao giồng hoa mới lại cắt cỏ.”. “Ai khiến bu?”. “Tự tao. Không ai khiến.”. Con Đàn hẩy tay chồng: “Kệ bu, không nói được đâu. Em tra mạng rồi. Chứng này của bu là chứng giở bệnh già, chỉ vài hôm nữa sẽ lẫn, ngày đêm lộn tùng phèo, ăn rồi bảo chưa, nhìn thấy anh kiểu gì cũng bảo ơ tao tưởng mày chết lâu rồi?”.  “Nhẽ thế! Thảo nào xưa tình tay ba không đội trời chung, giờ ngày nào cũng ra đầm. Có khi còn nói chuyện với nhau rồi cũng nên.”. “Chưa nói. Nhưng giở bệnh thì trước sau gì cũng nói. Mà anh đậu gọn vào góc. Hôm nay đông. Bọn Hà Nội mùa này đi biển nhiều. May ngày ấy thầy em mách mua thêm cái ao, lấp đi, giờ mới được cái quán rộng như này chứ cứ như ngày xưa… Nhưng giá kể còn đất mình xây hẳn nhà hàng vừa ăn, vừa nghỉ, vừa bán đặc sản thì trúng nữa…”.
Phía đằng sau, bóng mụ Cột cắp cái sảo rách chưa ra khỏi tầm gương chiếu hậu.
Đầm Vạn vụt hiện lên trong mắt Đăng Đàn…
… Sau mấy năm máy móc ở đâu dồn về đào bới xới lộn, xây cầu phá cống, cắt dọc xẻ ngang, một con đường hai chiều nối thành phố với cao tốc lù lù xuất hiện chỉ cách bờ đầm vài chục mét. Đồng Vạn bây giờ không hoang hoang vu vu  như ngày trước mà bé quắt lại và có cả vỉa hè. Con đường vào làng men theo bờ mương  hút mắt đầy cúc dại không còn nữa. Người Đồng Vạn đi xa về đố nhận ra làng mình nếu cái đầm và cây đa Lần Tới không còn nguyên chỗ cũ. Cây đa cứ vài năm lại thêm một tầng thân phụ còn đầm nước vẫn xanh sẫm bốn mùa như hàng ngàn năm trước ông trời con nào đi học lỡ tay đánh rơi cái nghiên mực xuống đồng. Nhà lão Tới bé tí, dựa lưng vào vườn chuối, hướng mặt ra bờ đầm có hàng cây liễu rủ và vạt mười giờ bốn mùa nở đủ những màu hoa. Cái giống mười giờ dễ sống nhưng cứ được một thời gian là phải cắt sát gốc, tưới tắm chăm đẵm lại thì hoa mới mẩy, mới đều. Mụ Lần có đợt mải cá mú ốc trai nhảng đi một vài tuần là lụi. Mụ Cột ra, dúi cho lão Tới đồng quà tấm bánh thấy thế lẳng lặng vác sảo vác liềm xới xới vun vun. Lúc đầu, mụ Lần cũng tưởng đối phương thành ý, sau giật mình cảnh giác, đi kiểm tra thực địa mới ngã ngửa thấy cây cũ nhổ hết trồng lại rặt một giống hoa vàng. Con đĩ cướp chồng âm hiểm chửa? Màu vàng là màu áo Lục phù. Ý giả của nó là sau này chết đi lại hẹn hò làm vợ lão mặt quắt tai dơi toàn da bọc cốt ấy chứ gì. Đã thế bà cho mày biết. Mụ lẳng lặng đóng hai cái cọc, chia bờ đầm thành hai phần. Một bên thí cho con đĩ Lục phù. Bên này mụ cũng nhổ bung, giâm tuyền hoa tím. Hôm trước mụ nghe thằng Cu con cái Thẳng nói với bạn: “Muốn tán con ấy phải khác người. Mày kiếm tao bó hoa súng hay hoa bèo tím. Màu đấy thủy chung. Kiểu gì nó cũng chết mày giãy sần sật…”.
Lão Tới đấu thầu Đầm Vạn tính ra ngót ba chục năm. Ba chục năm ngày gió đêm sương, dẫu nắng dẫu mưa, dù lưng lửng trưa hay chiều nghiêng về tối lúc nào lão cũng có mặt hay quẩn quanh đâu đó, chỉ cần ới một tiếng là đã thấy tất tưởi nhao về. Lão thuộc tiếng đầm. Đêm đêm, nằm nghe nước riu riu chảy, lão rì rầm nói chuyện với lũ tôm phàm ăn kéo nhau đi kiếm mồi búng càng rào rào trên mặt nước. Với lũ trắm cỏ dửng mỡ đập ùng ũng. Với mẹ con nhà ốc nhồi the le thét lét, rón rén quơ vài cọng cỏ ven bờ, đôi lúc có đứa trượt chân ngã đánh bũm là chìm ngay xuống đáy. Rồi gió. Cây đa mụ Lần rào rào sương rụng. Lũ vịt trong chuồng mê ngủ cạp cạp vài tiếng bâng quơ… Mỗi đứa nói một kiểu nhưng lão hiểu hết. Lão chăm chúng nó từ tâm tấm ti tí, yêu chúng nó như con. Ngày đấu thầu Đầm Vạn, mà năm năm một lần kí lại, ai cũng bảo lão gàn. Không chăn to thả lớn, chỉ đàn gà, dăm con vịt đẻ với cái đầm trong sòng sõng giữa đồng thì múc nước mà đổ vào nồi…
Lão Tới xách giỏ cua, đứng trên cầu vượt đường cao tốc nhìn về phía cái vùng xanh rời rợi của mình. Từ trên này mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Nhất là cái bờ đầm hoa nửa tím nửa vàng. Mà trần đời! Người ta thương nhau chị em gái nhưng hai mụ nhà lão hết kiếp này, thành ma, hóa dăm mười kiếp nữa chắc vẫn thù nhau. Dạo này đang hòa bình nhưng cũng chửa biết thế nào… Đấy! Có sai đâu. Đứng đây vẫn thấy hai mụ đang chạy đi chạy lại, gào thét cái gì. Hình như có cả con cái Thẳng. Lại không chửi nhau lão đi đầu xuống đất… Ngày ấy… Lão càng nghĩ càng ân hận. Kiếp sau, lão phải làm trâu làm ngựa cho hai mụ đè đầu cưỡi cổ, xỏ mũi xích chân, nguyện một lòng hầu hạ dạ vâng, cúc cung tận tụy.
Một chiếc xe máy phóng vụt qua rồi bất ngờ phanh chúi lại, de ngang trước mặt làm lão giật nảy mình. “Thầy! Giời ơi! Sao thầy lên tận đây? Ở nhà đang tìm thầy gần chết kia kìa!”. “Làm sao mà phải tìm?”. “Bu già bảo tao vừa nhìn thấy thầy mày xuống mé đầm thế mà đánh nhoằng một cái mất luôn. Tao chỉ kịp kêu tự tử rồi, chết đuối rồi, sau đó nhảy xuống mò mà không kịp…”. “Mò gì?”. “Mò thầy. Bu trẻ con cũng xuống. Nhưng không thấy. Bắt con đi thuê lưới về kéo xác.”. “Tao ở đây. Kéo làm sao được?”. “Thế thầy đứng đây làm gì?”. “Tao nhìn cái đầm nước của tao.”…
Thằng chồng con Thẳng ngẩn người ra, rồi cũng dựng xe, a dua nhìn với lão, sau khi rút điện thoại gọi vung xích chó. Lão nghe loáng thoáng: “Không chết… Đi bắt cua trên cầu vượt…”…
Rồi im…
Cho tận đến khi mặt trời từ từ tụt hẳn xuống dưới đồng Vạn. Chiều mùa thu không có hoàng hôn mà chỉ thấy trời trong sẫm lại mãi cho đến khi lẫn hẳn vào đêm. Lão Tới quay lại nhìn thằng con rể: “Bây giờ thầy phải làm sao?”.
Ấy là lão đang nhắc đến cuộc mở thầu hôm qua. Đây là lần thứ bảy trong đời lão Tới dự đấu thầu Đầm Vạn. Sáu lần trước nhõn mình lão. Rao mỏi mồm chả đứa nào í ới. Chỉ việc kí gia hạn hợp đồng. Giá tùy đợt nhưng đều ở mức thấp nhất. Như đợt rồi mỗi năm trả cho hợp tác chỉ ngót triệu. Tiền ấy chịu khó bòn mót cái trai mớ ốc, mẻ trứng lá rau, tích cóp lâu lâu dồn vào là đủ. Lão không chăn thả gì chỉ quẩn quanh nhặt nhạnh mà giữ được cái đầm đẹp như thế mấy mươi năm. Lần này, tuy đã được thằng chồng con Thẳng làm bên địa chính xã rậm rịch ráo trước nửa tháng giời, thế mà lúc ấy lão vẫn run nảy lên như đàn bà đẻ phải cơn sốt rét. Dễ đến dăm chục người. Không chỉ bọn trong làng mà còn ùn ùn ở đâu không biết. Ô tô, xe máy lèn chặt sân Ủy ban. Xe nhà Đăng Đàn đậu ngay bậc thềm. Chúng nó đến sớm nhất, nhỏ nhỏ to to, thì thà thì thụt, không thèm nhìn thấy lão và hai mụ ngồi ngay cửa ra vào. Thằng rể Thẳng dặn đi dặn lại, bảo thầy nhớ nhá, hôm ấy chỉ mình thầy với hai bu tự quyết chứ con với ông Bầu bố thím Đàn không được tham dự. Luật nó không cho. Đầm Vạn bây giờ có giá chứ không như ngày xưa nữa. Mấy chục bộ hồ sơ. Đấu nhau kinh lắm. Thầy bảo là chúng nó tranh nhau thuê làm gì á? Con nói thầy nghe, thầy với hai bu man di cổ đại, nhìn cái đầm chỉ là cái đầm nước, cây đa là cây đa, rồi giữ khư khư mấy con cóc nhái ễnh ương vô dụng chờ đến mùa mưa kêu cả làng cùng nghe thấy. Bây giờ chúng nó nhìn Đầm Vạn là đầm tiền. Nó kè bốn phía rồi thả cá. Cứ Con cò vã xuống là mỗi năm mấy lứa. Hay nó dựng chòi quanh đầm, trồng tre giâm chuối cho um lên, mua cá nhồng nhồng về thả rồi mở hồ câu. Thầy bảo ô tô chạy rầm rầm thế kia câu gì á? Nó câu cá hai chân kèm dịch vụ ăn đút ngủ xoa. Nó không lấp nhưng chỉ vài năm xả thải xuống thì cái đầm của thầy cũng tự nhiên mà lấp…
Lão Tới nghe nó nói đến đâu đứt ruột đứt gan đến đấy. Lão nhìn thấy cái đầm của lão ngoi ngóp trong chất thải. Thấy bọn cá tôm sục mặt trong bùn. Đứa chết. Đứa khóc thầy ơi cứu con…Lão mếu máo theo chúng nó: “Bây giờ mày bẩu thầy phải làm sao?”. Thằng rể Thẳng thì thào: “Cậu mợ Đăng Đàn cũng dự thầu lần này. Nghe chừng sống chết lắm. Con bí mật, thầy không được hở cho ai. Giá khởi điểm mời thầu năm trăm một sào. Cái đầm của thầy hai sào tám. Cứ ai trả nhiều nhất thì trúng.”. “Tao đào đâu ra nhiều.”. “Thì chả thế. Thầy có tiền mới lạ. Nhưng chúng con họp rồi…”. “Họp gì? Ai họp?”. “Nhà con với các bá ấy. Bảo mỗi người góp một ít cho thầy với hai bu chiến đấu. Chúng con có tất cả tưng đây. Lúc ấy ba thầy bu lựa mà quyết. Tất cả nhờ giời…”.
… Sáng ấy, lão Tới ngồi ngay cạnh cửa ra vào…
Lão ngồi giữa, hai mụ Lần Cột trấn yểm hai bên mà mồ hôi túa ra mờ cả mắt. Mụ Lần rút cái khăn mùi xoa thêu con bướm bậu trên nhánh hoa hồng – cái khăn có tuổi đời ngang tuổi hợp tác xã nông nghiệp nhà mụ – chìa qua mặt lão, sang mụ Cột: “Dì lau cho ông ấy!”. Mụ Cột đờ ra một lúc mới tỉnh: “Bá cho em xin!”. Lão Tới không tin tai mình, ngồi đẫn ra như chết, mặc cho mụ lau lau thấm thấm. Tận đến khi có cái gì dày bình bịch dúi vào tay mới hồi. “Cái gì thế?”. “Tiền tôi tích cóp phòng thân…”. Lão Tới há hốc mồm:  “Mụ đào sâu chôn chặt lắm cơ mà?”. “Coi như góp vốn. Tôi với ông thầu chung! Làm gì mà rộn!”. Mụ Cột cũng moi lưng quần ra một gói tầm nửa viên gạch mộc: “Em góp với bá!  Chỗ này ối! Lâu lắm em không tiêu đến tiền…”.
Lão Tới rân rấn nước mắt…
Vậy là hai mụ với lũ bươm bướm ma quyết cùng lão sống chết với cái đầm.
Ấy thế mà cả nhà hợp lại vẫn thua vợ chồng Đăng Đàn một cách ngoạn mục. Bởi lúc công bố, ba vợ chồng lão bỏ thầu vọt lên đứng thứ hai chỉ kém nhà nó đúng ba mươi nghìn. Nhìn  con Đàn hớn ha hớn hở cầm tờ hợp đồng diễu qua diễu lại coi lão với hai mụ như ba đống rạ mục, không hiểu sao lão cứ nghe văng vẳng tiếng cái đầm nhà lão lục sục giẫy trong bùn rồi khóc gọi thầy ơi!…
“Thế bây giờ mày bẩu thầy phải làm sao?”…
Trời tối hẳn. Đầm Vạn nhìn không rõ nữa. Sương đã lên lưng lửng gốc đa. Ánh đèn loang trên mặt nước một vạt dài mong mỏng. Tầm này lũ tôm bắt đầu đi ăn. Hôm nào chúng nó cũng ngong ngóng đợi lão ra để chào rồi mới choanh choách búng mình mạnh đứa nào nấy chạy… Không biết hôm nay…
Lão Tới thấy nghèn nghẹn trong cổ. Thằng rể Thẳng giục đến hai lần thầy lên con chở về rồi tính lão mới lập cập cắp cái giỏ trèo lên xe. Hai mụ với lũ bươm bướm ma đang chờ ngồi ngóng đứng dưới gốc đa, thấy lão, bổ nhào ra khóc khóc cười cười y như người chết sống lại khiến thằng Thẳng phải phát gắt, bảo là đang cần tĩnh để nghĩ kế, ầm ĩ lên quên hết bây giờ. Các bá vào đây. Em họp cái. Cô Thẳng, cô đứng ngoài canh chừng. Thầy ngồi lên đây! Bây giờ con có ý kiến. Hai bu với chúng con đều biết rằng thầy với cái đầm gắn bó mấy chục năm, tình hơn ruột thịt. Giờ gặp cơn hoạn nạn, chia lìa đôi ngả, trước sau kiểu gì thầy cũng phát điên, lại đi lang thang như này, cho mà xem. Hôm qua, cậu mợ Đăng Đàn quyết tử với thầy như thế là lành ít dữ nhiều. Mọi người phải biết rằng cái đầm từ bây giờ thuộc quyền sở hữu của cậu mợ ấy. Cậu mợ ấy muốn bắt nó làm gì nó phải nghe chứ không để nó chơi nhong nhóng như thời của thầy đâu. Còn thầy, thầy có thể bị di dời về nhà lúc nào nên bấy giờ.
Lão Tới ngồi rũ giữa giường, mãi mới ngẩng được đầu lên : “Thế tao không đi thì sao?”.
Hai mụ, mặt như hai tàu dưa héo cũng hùa theo: “Ừ đấy! Không đi thì sao?”.
“Là thầy vi phạm luật sở hữu đất đai. Là bị cưỡng chế đấy…”.
Thằng rể Thẳng với tay, tắt điện trong nhà, chỉ để lại cái bóng tròn tù mù ngoài đầu hồi, quát con vợ không để ý bên ngoài còn chõ vào hóng hớt, việc này lộ ra là hỏng bét. Rồi bảo giờ mọi người nghe cho rõ. Muốn chiến đấu phải có sách lược chứ ù xọe là xác định thua chổng vó. Bây giờ như này, mọi người cần bình thường như không có gì. Thầy với bu già cứ ngoài này, công nào việc nấy. Bu trẻ, trọng trách của bu lớn nhất, bu ở vòng trong, chúng con cài bu làm nội gián. Thắng hay không ở bu. Nhà con với các bá vòng ngoài. Có gì cấp báo con còn ứng phó.
Theo thằng rể Thẳng, khả năng lớn nhất là cậu mợ Đăng Đàn làm nhà hàng nổi trên đầm Vạn. Quả này chúng nó lách luật, đối phó hơi bị căng. Phải nhờ người chứ mình con không chiến được. Bây giờ lại như này…
Lão Tới cùng hai mụ lại chụm đầu vào lũ bươm bướm ma…
Ngoài kia, như thường lệ, lũ ễnh ương sốt ruột hóng về quầng sáng mờ trên mặt nước, chờ bóng lão Tới mãi không thấy, bắt đầu quai mồm vạc, ồm ộp, kèng kẹc réo: “Thầy ơi!”…
Lão Tới ngồi bệt đầu hè lầm bầm tính…
Từ bấy đến giờ đã tròn bốn tháng…
Cuối năm, thời gian quẩng chân chạy như chó tuột xích. Cánh Đăng Đàn mải quán xá hàng họ chẳng thấy nhắc gì đến vụ đấu thầu. Ai hỏi thì bảo ấy là chúng cháu cố thầu cho thầy cháu vui, ra vào có việc chứ chúng cháu sức đâu mà làm. Các bá tính mấy chục năm thầy cháu quấn túm với cái đầm, giờ nỡ nào cháu trắng mắt để nó vào tay người khác. Phận làm con không báo hiếu lúc này thì lúc nào… Mới lại xã mình bao nhiêu ao chuôm lấp hết, còn mỗi cái này thì phải giữ, kẻo lũ trẻ con sau này đi học, muốn biết cái đầm như nào lại phải lên mạng mà tra tìm ảnh nước ngoài.
Chúng nó nói rang rang như thế bảo sao lão không hởi lòng hởi dạ.
Cho nên hăm ba, ông Công ông Táo xong, Đăng Đàn bảo năm nay thầy mới bu già phải về nhà. Mấy chục năm ăn tết ngoài đầm, năm nay không về người ta cười chúng con, bảo chỉ biết có tiền. Thầy biết không, làm ăn bây giờ phải tính kế sâu rễ bền gốc. Cái bằng “Gia đình văn hóa” con treo giữa “Đăng Đàn quán” kia cũng là thương hiệu đấy. Khách vào người ta tin mình có văn hóa thật. Năm nay thầy lên lão, con có ý này. Sáng mùng hai ra Ủy ban chúc thọ xong, con cho chuyến xe rước thầy, hai bu với các bác hành hương về Khê Thượng dự lễ hội Tản Viên Sơn Thánh. Con đã bố trí chỗ ăn nghỉ, hướng dẫn viên đàng hoàng. Thầy chả bảo chỉ vài chục cây mà từ ngày phục viên ước một lần về tìm lại anh em, đồng bào nơi đóng quân cũ chưa làm được đấy thây. Vừa may năm nay làng người ta phục dựng toàn bộ nghi lễ cổ. Suốt từ ba mươi tết cơ. Thầy với hai bu ngày thường chẳng đi đến đâu, tết cũng ru rú như gà què xó cửa, nó man rợ đi. Mà thầy cũng phải nghĩ, mấy mươi năm hai bu mới hòa hợp dân tộc. Tuổi cao sức yếu, tết sau chẳng biết thế nào…
Lão Tới ngồi nghe rơm rớm nước mắt bảo ừ để tao bảo hai bu mày. Nhưng sợ hai mụ bảo tết nhất họa có điên mới không ở nhà mà tớn đít vác nhau đi, trần đời chửa có thói nhà nào chéo thẻ vạy đuôi như thế. Sao? Mày bảo bây giờ người ta toàn thế á? Cứ tết là xách quần áo kéo nhau ra khỏi nhà á? Ừ nếu thế để tao lựa. Từ từ chứ không hai bu mày cả đời chả đi đâu khỏi làng, giờ được đi sướng quá ốm toi…
… Và thế là chiều hôm nay, lão Tới dẫn đầu tập đoàn ăn chơi có tổ chức lên đường. Vợ chồng Đăng Đàn tiễn đến tận cửa xe, bảo bọn con thu xếp tí việc, sáng mai chỉ bẩy giờ là có mặt trên ấy, đưa mọi người đi thêm mấy nơi nữa. Rồi quay sang hướng dẫn viên dặn cứ thế mà làm.
Xe chuyển bánh. Hôm nay mưa tợn. Từ cầu vượt nhìn qua cửa kính, đầm Vạn và cây đa chỉ còn một khoảng xanh mờ, im lìm giữa màn mưa đùng đục. Con đường mới mở tạt ngang mặt đầm thành một dải xám nhờ nhờ. Thằng hướng dẫn viên mồm như sẹo gỗ nói vung tí mẹt những gì lão Tới không để ý, chỉ nhìn hút về phía đường gom. Dưới bóng keo tai tượng sẫm màu lờ mờ một dãy xe tải phủ bạt kín mít. Thằng rể Thẳng huých kình kịch vào mớ xương sườn lão: “Tám tấn… Toàn ben mặt quỷ thầy ạ!”. “Có thế thôi à?”. “Còn bọn ngoài cảng…”.
Lão im lặng…
Đầm Vạn lùi vào màn mưa…
Chỉ còn một đoạn nữa là rẽ phải, vào cao tốc. Tay hướng dẫn viên đang chuẩn bị hát tặng hai mụ bài hát xe ta bon trên dặm trường thì bỗng mụ Cột ôm bụng kêu ối giời ơi. Mụ Lần hốt hoảng: “Dì làm sao thế? Đau bụng hử? Chết chửa? Làm gì mà đau? Đau chỗ nào?”. Thằng rể Thẳng xớn xác nhao đến: “Nguy rồi! Bu con từ bé đến giờ chỉ đau bụng hai lần. Lần đẻ nhà con với lần đẻ cậu Đăng Đàn. Giờ như này…”. Lão Tới rối rít: “ Bác tài ơi! Hượm… hượm… cứu người!”.
Xe dừng…
Thằng rể Thẳng bảo thầy phải cho bu vào nhà con theo dõi chứ bu đau như này lành ít dữ nhiều. Thầy con trước làm trạm xá, có chuyên môn mới biết được. Lão Tới bảo ừ may quá, tiện đường thì rẽ luôn vào đây để ông ấy xem thế nào. Hôm nay tết nhất viện nào người ta mở cửa. Vâng! Thế bác tài! Rẽ trái cho em!
Khi mụ Cột đã được thông gia cùng lũ bươm bướm ma khiêng vào nhà, thằng Thẳng quay ra, mặt nhăn như chó Pug: “Chưa biết bệnh gì… Giờ như nào thầy?”. “Chả như nào! Không đi nữa! Giữa đường bu mày mệnh hệ gì thì vía van ám quẻ các anh ấy cả năm à? Báo cáo bác tài và anh dẫn hội, mình lên xe cho kín, tôi có ý kiến dư này…”.
Bốn cái đầu chụm lại thì thầm. Không nghe rõ nữa.
Một lúc sau, tour du lịch hai người gồm tài xế và hướng dẫn viên hớn hở lên đường, bảo thầy với anh cứ yên tâm,  chúng con biết cách tự xử. Nhưng thầy bảo mọi người kín tiếng hộ. Anh Đăng Đàn biết, đòi lại tiền thì chúng con húp cháo cả năm. Thầy nhá!
Đồng Vạn đêm mồng hai Tết.
Trời không mưa nhưng đặc những mù. Mới hơn chín giờ mà ba bề bốn đã im thin thít. Rét này họa điên mới nhao ra đường.
Bỗng nhiên, đâu đó trong cái màn đục lờ bưng lấy mắt có tiếng động cơ nhất loạt ì ầm. Lúc đầu mơ hồ. Luẩn quẩn. Sau rõ dần cùng những bóng xe tải khổng lồ lững lừng. Không pha. Chỉ rọi đèn gầm. Lần lượt rẽ xuống đường gom, về  đầm Vạn.
Tiếng máy nâng ben gằn lên từng đợt…
Những khối âm thanh trầm đục theo nhau trút xuống mặt đầm…
Lão Tới hực lên như chính mình đang bị lấp. Nếu không có thằng rể Thẳng túm chân lôi lại, lão đã xông ra sống chết với lũ mặt quỷ ấy rồi. “Thầy bình tĩnh. Chờ máy quay lấy thêm bằng chứng. Mình mưu sâu kế hiểm nhưng không có bằng chứng là thua. Ông Bầu thông đồng, bày mưu cho cậu mợ Đăng Đàn bỏ thầu khống rồi lựa điền số tiền, hơn thầy có ba mươi nghìn là đã tính bước này. Thầy bình tĩnh. Chúng con quyết giữ cái đầm. Không chỉ cho thầy mà còn cho cả làng Vạn nữa… Giờ thầy im đây. Để con!”.
Nó bật dậy…
Bao nhiêu bóng người, từ tối vẫn im lìm quanh lão bật dậy theo…
Lúc ấy, ở “Đăng Đàn quán”, lão Bầu đang nằm dài trên sôpha đấu hót với con rể. Bảo anh mở mắt ra chưa, luật thì luật nhưng muốn lách sẽ thấy đường. Cái đầm ấy chỉ cần lấp non nửa. Không. Già một góc cũng được. Sáng mai ra, kêu ầm lên là bọn nào đổ trộm rác thải xây dựng xuống đây. Rồi làm đơn khiếu nại. Tôi nhận đơn, cho công an, cho địa chính xã điều tra. Vài hôm, nhãng đi, không tìm thấy thủ phạm, việc đã rồi, anh làm cho tôi cái nhà hàng nổi. Chỉ ghép thùng phuy với tấm xốp. Luật quy định cấm xâm phạm diện tích mặt nước, mình có xâm phạm đâu. Chỗ lấp làm sân. Thế là thành điểm chờ vào cao tốc. Đấy “đường ta rộng thênh thang tám thước” đấy chứ đâu… Mà anh dặn bọn phế thải đổ sau cùng chưa? Bao nhiêu xe cả thảy? Ờ được! Đấy! Phải chọn đúng thời điểm như này. Mải ăn Tết, khéo giời phù, ta lấp mà tận ra giêng còn không ai biết. Đang làm rồi. Mình ở đầu làng còn chẳng nghe thấy gì nữa là bọn ở tịn trong kia… Anh thấy kế của tôi man rợ thần sầu không?
Lão Bầu vỗ đùi đánh bộp, nhổm dậy, khơ khớ cười. Nuốt vội hớp rượu vừa tợp, móc điện thoại. Cái gì thế.. Bảo gì.. Ồn quá… Đổ cái gì?
Bên kia lao xao một lúc rồi im…
Lão Bầu ngồi đờ như chết rồi trên ghế, mồm tều ra thành cái phễu rót dầu, gọi thế nào cũng không tỉnh. Con Đàn khóc ầm lên, bảo kiểu này không đứt mạch máu cũng xuất huyết não. Nhẹ thì chết mà nặng là nằm liệt. Em đọc trên mạng rồi. Thằng Đăng quát im xem nào, hình như động đậy… Thầy bảo cái gì? Ra ngay đầm á? Thầy ngồi được không? Ôm chặt nhá! Cô Đàn, lấy cái dây thừng buộc thầy vào lưng tôi cho chắc…
Thằng rể Thẳng hớt hải mải mốt đón lão Bầu ngay lối rẽ xuống đường gom. Con được thằng bạn mật báo nên về ngay chú ạ. Chúng nó đổ chất thải. Cảnh sát môi trường tóm sống, đang lấy lời khai. Lắm ban bệ, toàn ông to hỏi cung, hãi lắm! Con phải gọi chú ngay. Biến căng chứ không đơn giản vì chắc chắn có thằng đểu ủ mưu hại chú. Chú bảo tao làm sao đâu á? Giời ạ! Chú ngây thơ non tơ lắm! Cái đầm của con gái con rể chú, nó vu oan chú chủ mưu lấp trộm, thế là phạm luật, thế là điều tra. Sắp có đợt bỏ phiếu tín nhiệm, nó đang hạ uy tín chú, chú không nghĩ ra à?
Lão Bầu run sần sật, ngồi bệt xuống rìa cỏ, tay túm chặt ống quần Đăng Đàn cho khỏi ngã. Thằng rể Thẳng rối rít, chú bình tĩnh, con có cách rồi. Cậu Đăng, cậu cõng chú ra đây. Cái xe ben này bị bắt tại trận, giữ nguyên hiện trường vừa đổ xong, giờ chú cởi áo khoác quần dài ra, cậu Đăng bôi ít bùn vào người chú, cả mặt nữa. Chú đứng xuống chỗ này, ngập nửa người là được, đừng sâu quá không rõ mặt, choãi chân ra, chống hai tay đẩy vào thùng xe. Thế… Diễn sâu vào… Cậu Đăng cũng xuống luôn đi. Tí con đưa thằng bạn nhà báo ép tin: Bàng hoàng biến lớn đêm mùng hai Tết: Phó chủ tịch xã và người nông dân chủ thầu quyết tử với rác tặc bảo vệ quê hương…
… Thấm thoắt mà mấy năm đã qua …
Giờ ai đi qua ngã ba làng Vạn chuẩn bị lên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn thấy bên đường một cái đầm nước như viên ngọc bốn mùa xanh với những đường viền hoa xoay tròn quanh bờ như những đường cầu vồng rồi tụ lại ở gốc đa, chỗ ngày xưa bị bọn rác tặc lấp đi một góc. Ở đó có một tấm bia đá mới lập, khắc vi tính: “Đầm Vạn ghi công” nội dung bia kể rằng nơi đây, đêm mùng hai Tết năm nọ, Ban chủ nhiệm HTX và những người nông dân chân lấm tay bùn đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đầm nước cho con cháu đời sau. `Phía dưới tấm bia là phù điêu khắc nổi hình ảnh hai người đàn ông, một già một trẻ, bị đất vùi ngang ngực vẫn dũng cảm sống còn với cái thùng xe ben tám tấn khổng lồ. Bọn dâu rể tứ phương kéo nhau về chụp ảnh cưới, đọc bia rơm rớm nước mắt. Có đứa bắt chồng mua hương về thắp, bảo khấn cho hai ông phù hộ rồi cứ thế sụt sùi. Thằng chồng kéo tay con vợ, chỉ về phía lão Tới đang ngồi dãi thẻ dưới gốc đa, hai mụ yểm trợ hai bên, nói nói cười cười dì dì bá bá: “Ba vợ chồng đấy! Ngưỡng mộ lòi mắt ra chưa?”.
Con vợ há hốc mồm. Không tin vào những gì nhìn thấy, ra tận nơi hỏi đi hỏi lại, chụp mấy kiểu ảnh, rồi mở phây, viết tút: “Tôi sẽ dẫn bạn đến một đầm nước tên là đầm Vạn. Ở đó, có một người đàn ông với hai bà vợ…”.
Và rồi nó bắt đầu kể – theo tưởng tượng của nó – về một mối tình đẹp tựa như  mơ…
5/6/2021
Nguyễn Hải Yến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chuyện danh nhân Hải Dương: Ông Nghè Tân viết đơn khai trâu chết Thời nhà Nguyễn, luật pháp bảo vệ trâu rất nghiêm cẩn. Dân chúng không ...