Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

Chuyện danh nhân Hải Dương: Ông Nghè Tân viết đơn khai trâu chết

Chuyện danh nhân Hải Dương:
Nghè Tân viết đơn khai trâu chết

Thời nhà Nguyễn, luật pháp bảo vệ trâu rất nghiêm cẩn. Dân chúng không được vô cớ làm thịt trâu bò mà ăn hay không chăm sóc cẩn thận, để trâu bò chết là bị phạt.
Trâu bò có dịch bệnh chết phải làm đơn báo cho nhà chức trách đến khám nghiệm, xác minh xong mới được mang chôn.
Nguyễn Quý Tân (1811 – 1858) hiệu là Đĩnh Trai, biệt hiệu Tản Tiên Đình cư sĩ, người làng Thượng Cốc (Gia Lộc). Ông đỗ Tam Giáp tiến sĩ vào năm 1842, vì thế người ta thường gọi là Nghè Tân. Ông làm Tuần phủ, rồi làm Thanh tra quan lại Bắc Kỳ. Vốn tính ngay thẳng, liêm khiết, Nghè Tân thường ăn mặc làm dân đi thử các quan lại. Bọn tham quan sợ, cũng bớt ăn hối lộ.
Một hôm ông Nghè Tân cùng bọn lính tùy tùng giả làm phường lái buôn đi qua phố phủ Bình Giang. Ông thấy một người đàn bà đang nhớn nhác, vừa khóc lóc vừa kể lể đáng thương. Ông hỏi lý do tại sao thì người đàn bà mếu máo trả lời: “Tôi là đàn bà góa chồng. Nhà có con trâu, chẳng may nó chết. Hôm qua, tôi đã nhờ thầy lý trưởng làm đơn và đóng triện thị thực để hôm nay lên trình quan phủ xin chôn cất, thầy lý đòi 2 quan tiền. Sáng nay, tôi đi từ nhà đến phủ, qua mấy cánh đồng, vừa tới nơi, rờ tới tờ đơn cuốn để trong bọc thì không thấy, chỉ còn có 6 quan tiền để lễ quan phủ và nha lại. Nay tôi trở về làng thì xa quá mất cả ngày, mà nhờ người viết đơn hộ thì không có tiền để trả công người ta”.
Ông Nghè Tân nghe vậy lấy làm bất bình. Chôn một con trâu chết mà phải tốn kém tiền bạc và mất thì giờ cho người dân. Ông hỏi quán nước ở cổng phủ thì biết quan phủ mới từ trong kinh ra nhậm chức, ra lệnh bắt dân vào hầu bất cứ việc gì đều phải nộp 2 quan tiền trình diện. Đơn khai trâu chết phải nộp 5 quan, bò chết nộp 3 quan, ngoài ra bọn nha lại, lính lệ ăn thêm một vài quan nữa. Ông Nghè Tân mở tráp lấy giấy bút rồi vào quán nước viết dùm cho người đàn bà lá đơn như sau: “Tôi là phận gái nữ nhi/ Có con trâu chết phải đi trình người/ Vội vàng váy trụt đơn rơi/ Tôi mượn một người làm cái đơn ni/ Quan tri ới hỡi quan tri/ Xin ngài chấp nhận đơn ni làm bằng/ Nếu quan còn hỏi mần răng/ Thời quan cắn cỏ lạy thằng làm đơn”.
Rồi ông đưa cho người đàn bà mang đơn vào nộp. Bà ta vào trong công đường, mượn cái mâm gỗ để lá đơn kèm với 5 quan tiền, đệ đơn lên bàn rồi quỳ lạy. Phủ quan ngồi nơi xa, sai lính lệ ra nhận đơn và tiền mang vào. Quan phủ đọc lá đơn, thấy lời nói hỗn xược, ông giận tím mặt nhưng thấy nét chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa, ông nghĩ tên viết đơn này phải là tên sừng sỏ. Ông thét lên: “Mụ kia! Tên nào làm đơn cho mi? Mi phải khai thực, không thì ta nọc cổ đánh đòn và nhốt giam mi lại”.
Mụ đàn bà chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, lập cập khai: “Bẩm quan lớn. Con nhờ thầy lý làm dùm cái đơn tối hôm qua để sáng nay con mang lên trình quan lớn. Chẳng may đi đường rớt lá đơn lúc nào không hay, con đang tìm kiếm quanh quẩn thì có một ông lái ở quán nước cổng phủ thương tình làm hộ lá đơn này”.
Quan phủ nghe nói vậy liền sai mấy tên lính lệ ra quán nước bắt tên lái buôn viết bậy vào. Bọn lính lệ ra đến quán nước chỉ thấy có một ông quan đeo bài ngà, cùng với mấy tên lính theo hầu, vì lúc bấy giờ ông Nghè Tân và mấy người lính đã mặc áo quan, áo lính vào rồi. Lính lệ lật đật chạy về trình quan phủ. Ông này biết là có sự chẳng lành, một phần cũng đoán là ông Nghè Tân đi thanh tra, nên một mặt hối thúc quét dọn công đường, một mặt cùng bọn lính lệ mở toang cổng phủ, ra hàng nước để đón rước.
Khi đến quán nước, viên tri phủ liếc mắt nhìn bài ngà thấy rõ ràng mấy chữ “Bắc Kỳ thanh tra đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân”, không còn ngờ vực gì nữa, ông vội phủ phục xuống lạy chào quan thanh tra và khúm núm sợ hãi mời vào trong phủ đường. Ông Nghè Tân vào công đường, bắt phủ quan trình các giấy tờ sổ sách, công văn, án từ để ông xem xét. Ông Nghè Tân im lặng tra xét sổ sách tới trưa thì quan phủ khẽ bảo lính lệ vào trong nhà bảo bà phủ làm cơm để đãi quan thanh tra. Một mâm cỗ thịnh soạn, đủ các món sơn hào hải vị và chai rượu quý được bưng ra công đường, ông phủ gãi đầu gãi tai mời quan thanh tra nghỉ tay để dùng bữa. Ông thanh tra nhìn mâm cơm thịnh soạn liền trỏ tay vào quan phủ mà nói rằng: “Đây là máu mủ của dân lành, trâu chết lấy 5 quan, bò chết lấy 3 quan, mỗi lá đơn 2 quan, nỡ lòng nào mà ta ngồi ăn sao được. Đã là cha mẹ dân thì phải thương dân như thương con, phải chăm nom cho dân, chớ sao lại bòn rút của dân để ăn uống xa xỉ như thế này. Thôi thầy phủ cho cất những thức ăn thịnh soạn này đi, ta không ăn uống gì đâu”.
Phủ quan sợ hãi tái mặt, vội quỳ xuống xin quan thanh tra khoan hồng, hứa từ nay sẽ bỏ những luật lệ đó. Ông Nghè Tân liền bắt phủ quan thông sức ngay về tất cả các làng báo cho lý dịch và toàn dân biết từ nay trở đi trâu bò chết không phải trình quan phủ xin phép chôn cất mà chỉ cần trình lý dịch trong làng là đủ, khi có việc lên phủ thì không phải nộp tiền trình 2 quan nữa.
26/5/2021
Thục Chương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...