Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Buổi sớm miền Tây

Buổi sớm miền Tây

Tôi thức giấc bởi âm thanh nửa chợ nửa quê. Chim líu ríu trên giàn tường vi, nhịp thể dục khoan thai của bài tập dưỡng sinh, xe tải gầm gừ trên mặt đường lồi lõm, tiếng rền rền của chuyến tàu xuôi ngược trên sóng và tiếng rao, nhiều lắm những tiếng rao.
Ba tôi chắc dậy đã lâu. Ông ngồi trầm ngâm trước trang giấy. Có lẽ ông đang lắng nghe nhịp sống vừa vội vã, vừa trễ nải ở một nơi mà nông thôn và thành thị không còn phân định bằng ranh giới hành chính. Ba tôi vẫn say sưa với việc viết. Ông viết ít hơn, chậm hơn, từng trang viết đã thấp thoáng bóng dáng số phận con người. Tôi bỏ dép, bước nhẹ và đẩy cửa thật khẽ, bước ra sân.
Trước mắt tôi, mặt trời như vừa trồi lên từ mặt sông. Thanh sạch, lung linh và tỏa lan. Bầu trời, mặt nước, cỏ cây tràn ngập sắc hồng. Từ vườn chim trong lòng thành phố nằm bên kia bờ sông, cò trắng cất lên từng đàn, xoải rộng đôi cánh dưới khối cầu rực rỡ. Tôi lật đật trở vào lay gọi con gái. Khi còn tuổi mẫu giáo, mỗi khi có bút màu trong tay bao giờ nó cũng vẽ ông mặt trời. Những ông mặt trời có gương mặt không giống nhau mà chỉ hao hao ở đường nét: mặt tròn, mày cong, miệng cong và vô số tia nắng màu đỏ tía cũng cong cong. Nhiều khi nó cũng tô lên má ông mặt trời những vệt nước mắt. Nó bảo ông trời chắc cũng khóc nhè. Sống trong căn phòng nhỏ, lọt thỏm giữa những toà nhà cao tầng, con bé chỉ có thể thấy ông mặt trời thức giấc qua phim ảnh và trong trí tưởng tượng. Ngay cả trong tưởng tượng, có lẽ ông mặt trời cũng không tinh khôi và toả rạng như thế này. Vậy mà, mặc mẹ lay gọi, nó vẫn không tỉnh ngủ. Mắt nhắm, miệng van nài: “Để mai đi mẹ!”. Thôi thì, mai vậy. Giấc ngủ đối với tuổi mười lăm chẳng khác gì nắng sớm với cỏ cây.
Khi tôi trở ra… Trời ơi, mới đó, mới chừng đó khoảnh khắc mà vẻ đẹp lộng lẫy của bình minh biến mất. Mặt trời đã lẩn vào mây. Mây lớp lớp tầng tầng vội vã chuyển đổi sắc hình. Lớp voan hồng tan loãng. Những cánh cò trở nên nhợt nhạt. Màu lửa chồi non của xoài và vú sữa không còn. Dưới bầu trời thanh bạch ấy, lối đi trước mặt nhà ba má tôi là con đường lam lũ, dù có nhiều chiếc xe  gắn máy đời mới nghễu nghện và bên đường lác đác nhà lầu với kiểu dáng cầu kỳ. Và những người mua gánh bán bưng với tiếng rao, những tiếng rao ngân dài…
Tôi ngẩn ngơ nhìn theo người đàn bà đội thúng bông bí trên đầu và nghe tiếng rao trong trẻo: “Ai mua bông bí! Bông bí mới hái đây!”. Tôi buột miệng: “Bông bí!”. Khi đặt thúng bông bí xuống, gỡ khăn trùm đầu ra trông người đàn bà còn rất trẻ, chỉ cỡ tuổi đứa em út tôi. Cô có khoé môi duyên, nét mặt dịu và bộ ngực đang nuôi con nhỏ. Bông bí của cô ngon mắt làm sao!
Sài Gòn như một lòng chảo khổng lồ, hứng lấy tất cả, không thiếu một thứ gì, từ  món ngon vật lạ đến rau cỏ xoàng xĩnh nhất. Bông bí cũng có trên các quầy rau, cột từng bó nhỏ, được rưới nước cho lâu khô héo. Còn ở đây, bông bí vàng rực, tinh tươm hương đất hương trời. Tôi giữ cô nán lại: “Sao em không đi xuồng, vừa chở được nhiều vừa đỡ mệt?”. Khoé miệng cô cười, mắt tràn nắng mai: “Vợ chồng em mua được hai công đất, mới làm mùa rẫy đầu. Tụi em định xong mùa này sẽ mua chiếc xuồng be chín, chớ đi bộ như vầy em phải đi hai ba lần mà thằng con em ở nhà quấy lắm. Nó mới mọc thêm hai chiếc răng sữa…”. Hạnh phúc làm người đàn bà huyên thuyên. Bầu sữa căng tròn rịn ra mấy giọt sữa loang trên ngực áo. Cô vội đặt thúng bí lên đầu, tong tả bước.
Tôi bưng rổ bông bí chưa vào đến cửa đã phải dừng lại bởi âm thanh khác thường của những tiếng rao. Những tiếng rao như đang được phát ra từ lồng ngực lép kẹp, cạn hơi. Tiếng rao ngằn ngặt tức tưởi nghe như những tiếng gào tuyệt vọng của kẻ đuối sức đang bị dòng nước chảy xiết cuốn đi.
Chân đất, đầu trần, tay bưng cái thau trèn trẹt đựng lưng lưng ếch và nhái đã lột sạch da. Người đàn bà kéo những người đi đường lại van nài: “Cô làm ơn mua hết mớ này đi, tôi chỉ lấy tám ngàn đủ mua hai ký gạo nấu cháo nấu cơm cho tụi nhỏ”. Nét mặt bơ phờ âu lo của người đàn bà khiến tôi hình dung ra cảnh cơ cực của mẹ con chị. Cảnh cùng quẫn mà gặp bất cứ thứ gì có thể đổi lấy cơm cháo no đói qua ngày là chị không chần chừ. Hôm nay là sục sạo bắt mấy con ếch mấy con nhái; ngày mai có thể là rình  hớt mớ cá bã trầu, cá lia thia; ngày mốt có thể đi dẫm hang chuột đồng…
Tôi còn nghĩ lan man, chợt nghe tiếng gọi giật: “Bán ếch!”. Người đàn bà lật đật bưng thau ếch nhái đến trước mặt người đàn bà mập mạp đeo đầy vòng vàng ngồi trên chiếc Attila đỏ . Tôi nghe tiếng chê ỏng eo và thấy người đàn bà mừng rỡ  líu ríu lựa những con ếch ngon  bỏ vào chiếc giỏ của người mua.
Còn lại trong thau của người đàn bà khốn khổ một vài con ếch ốm đói và nhái, mà là toàn lũ nhái mén, gầy và trắng nhợt. Tôi trút hết chỗ đó ra rổ dù biết không thể nuốt nổi chúng ngay cả khi người chế biến nấu nướng có là Yan trứ danh đi nữa.
Và tôi cũng biết, trước khi bị cắt cổ lột da, con ếch, con nhái nào cũng run run chắp tay lên ngực.
26/7/2006
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...