Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Chị em ruột thịt

Chị em ruột thịt

Hay tin Khả được bác sĩ chỉ định phải cắt bỏ túi mật, Hiên bị choáng.
Choáng vì sức khỏe của Khả tệ đến mức đó mà cô, bà chị duy nhất mà không biết gì. Lâu nay Hiên cứ tưởng tướng tá da dẻ cậu em ốm ốm xanh xanh là do nó làm việc nhiều, lại học hàm thụ hết ngoại ngữ đến kinh tế, rồi gồng gánh  trách nhiệm một người chồng, một người cha và còn chắt chiu xây được ngôi nhà xinh xinh bên bờ sông rào rạt gió.
Hiên choáng còn vì sợi dây ruột rà không rõ từ lúc nào, dường như đã giãn ra đến mức cái đau da thịt của em đã không đau sang chị.
Lúc trấn tĩnh, việc đầu tiên Hiên làm là gọi điện thoại cho hai người bạn bác sĩ. A, bác sĩ không có phòng mạch riêng, thú vui sau công việc chuyên môn là làm thơ và chơi nhạc, thì bảo, không còn túi mật, chức năng điều tiết sẽ kém. Khả khó tránh được tâm trạng, dĩ nhiên là không thường xuyên là bất an, như đột ngột bị tước mất cảm giác hạnh phúc, nhiều lúc thấy buồn bã bượi và thèm được âu yếm, được khóc hay được một mình lang thang đâu đó. Bác sĩ A còn nhấn nhá, điều Khả cần nhất không chỉ là được làm việc bình thường, ăn uống chừng mực mà là những liệu pháp tinh thần từ phía những người thân. Anh ta còn hỏi, Khả thích trò giải trí nào, âm nhạc, thể thao hay đọc sách. Hiên bảo, lúc nhỏ Khả mê đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”, “ Những tấm lòng cao thượng”, “Những ngày xanh”… còn bây giờ nó chỉ còn thời gian lướt mắt qua những trang báo. Hồi nhỏ nó mê thổi acmônica nhưng chiếc kèn đang chìm lấp trong tủ lủ khủ đồ chơi của con gái nó. Cái thú chơi nó còn giữ đến giờ là đánh bóng bàn. Liệu không còn túi mật Khả còn có thể tung tẩy với trái bóng ? Anh bạn ậm ờ: “Có thể vẫn còn chơi được…” Hiên nói lời cảm ơn và gác máy. Bác sĩ B, người đặt trân trọng chân dung bán thân của Hyppocrate trong phòng mạch của mình; qua giọng nói tỉnh rụi của anh ta thì xem ra cái sự lo lắng của Hiên chỉ là sự nhạy cảm không nên có. Anh ta cười thành tiếng bảo, chẳng sao cả, cơ thể con người còn chấp nhận, nói đúng hơn là phải chấp nhận những cái thừa, chẳng hạn như… ruột thừa thì cũng có thể chịu đựng được nhiều cái thiếu, như thiếu khả năng sinh con đẻ cái, thiếu may mắn trong cuộc sống lứa đôi, thiếu khả năng làm giàu…còn trong cơ thể việc khiếm khuyết bộ phận này khác là việc thường. Cậu em Hiên không còn túi mật chẳng có gì là cá biệt. Mỗi ngày bệnh viện Bình Dân lắt bỏ hàng chục túi mật. Tiếng cười khà khà của bác sĩ B càng làm Hiên thêm rối ruột. Cô xin lỗi và gác máy.
Hiên rót đầy ly nước lọc uống cạn, đi đi lại lại trong cái gian nhà thân thuộc của mẹ con cô. Trên bức tường xanh đơn điệu, nơi đặt chiếc bàn vừa viết, vừa đọc, vừa trang điểm của Hiên là khung hình chữ nhật nằm ngang lồng bức ảnh trắng đen của đại gia đình cô thời xa lắc. Ba mẹ Hiên ngày ấy còn trẻ và gầy, Hiên cũng ốm nhom ốm nhách, chỉ có Khả là béo tròn béo trục, miệng cười hết cỡ, chân co lên như đang muốn chạy. Hiên chăm chú nhìn bức ảnh lốm đốm nắng và sáng rực nụ cười rồi mường tượng. Khi không còn cái túi dẻo dai bao giữ, cái chất đắng từ cơ thể của Khả ngấm từ từ vào lục phủ ngũ tạng của nó. Rồi đây Khả sẽ vàng xanh. Nó sẽ mỏi mệt triền miên, sẽ ít đùa giỡn, ít khôi hài, đi đứng không còn hoạt bát và Khả sẽ dễ suy sụp khi bất chợt gặp một cơn mưa, như cơn mưa bất ngờ và dai dẳng từ xế đến giờ. Và điều khó tránh khỏi là khi không còn túi mật, thằng em út của Hiên sẽ giảm thọ.
Khả sẽ giảm thọ, điều ấy khiến trái tim Hiên buốt nhói. Cô ôm ngực, ngồi co ro trước cửa sổ, mắt rưng rưng nhìn lớp kính mờ nước, mong trời mau tạnh.
Mưa vẫn trút nước rào rào. Nước mưa và con nước lớn từ sông Sài Gòn dềnh lên. Mặt đường ngấp nghé nước. Nhiều chỗ nhiều đoạn nước ngập hơn nửa bánh xe. Người đi bộ phải xắn quần, dò dẫm bì bõm. Hồi bé, ít có trận mưa nào Khả chịu ở trong nhà. Cứ nhào ra mưa nghịch nước và mê đuổi theo những chiếc bong bóng mưa. Hiên cũng chạy theo em, chạy theo vô số bong bóng nhấp nha nhấp nhới khi chỗ máng xối tuôn nước ào ào xuống rãnh nước dưới mái hiên, khi chỗ dòng nước tràn xuống từ bờ mương bờ ruộng. Thỉnh thoảng những chiếc bong bóng mưa vẫn còn len vào những giấc mơ hiếm hoi của Hiên, để khi tỉnh dậy, cô toát mồ hôi và bần thần về sự hiện hữu của những khoảnh khắc, dường như cô lưu lại không nhiều những khoảnh khắc lẽ ra không được xoá nhoà.  
Hiên gọi vào di động cho Khả. Cô gọi nhiều lần nhưng chỉ nghe tín hiệu bận. Gọi lại chỗ Khả làm mới biết Khả cùng công ty nó làm đi trao nhà tình thương cho một gia đình ở Long Khánh. Khi liên lạc được, lúc đầu Hiên không nghe rõ tiếng thằng em trai, lẫn trong đó là lời nói lao xao và tiếng vỗ tay. Có lẽ lễ trao nhà sắp kết thúc và chủ nhân ngôi nhà mới đang xúc động nói lời cảm ơn. Khả tắt máy. Lúc nào cũng vậy, nó sợ cô tốn tiền và dặn đi dặn lại: “Chị chỉ cần nhá máy, để em gọi lại!”. Khi Khả gọi và vừa nói: “Em nghe đây !” thì Hiên liền trút cơn giận lên Khả: “Cái kiểu tham công tiếc việc của mày mới ra nông nỗi đó, biết bịnh mà không chịu trị, giờ này còn thong dong lo việc bao đồng trong khi ngày mai phải lên bàn mổ!”. Khả cười lớn: “Người có số mà chị, thằng em này còn sống dài dài mà!”. Hiên gắt lên: “Sống dài phải sống khoẻ mạnh, sống cho đáng sống, còn mày…”. Khả chen vào: “Thôi, chị, đừng nổi nóng mau già lắm. Em sắp về, chừng hơn hai tiếng nữa gia đình em mời cả nhà chị dự sinh nhật bé Bi ở nhà hàng  Đồi Xanh. Lát nữa gặp nhau chị mặc sức mà mắng nhiếc thằng em này!”
Con cháu trong nhà chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay nên Hiên nhớ ngày sinh tháng đẻ mỗi đứa. Sinh nhật bé Bi, đứa con đầu lòng của Khả còn hai ngày nữa mới tới. Vợ chồng Khả tổ chức sớm vì đúng ngày sinh nhật bé Bi thì cha nó đã không còn túi mật và có lẽ còn nằm mê mệt trên giường.
Mưa tạnh. Đèn giăng giăng. Mặt đường loang loáng nước, ánh sáng, người xe nhộn nhạo ngược xuôi. Hàng cây cổ thu dọc con đường Tôn Đức Thắng rắc đám bụi mưa xuống tóc xuống vai mẹ con Hiên. Cô thấy lạnh. Cái lạnh của gió, của hơi nước, của bóng đêm nhập nhoạng, của cái không gian vừa được tắm gội và cái lạnh mơ hồ của cả cái thế gian hối hả và quạnh quẽ. Rồi cái lạnh se sắt từ những chiếc lá mong manh vừa rời cành mà mặt đất thì tối mờ và ẩm ướt.
Vợ chồng Khả nhấp nhổm đứng đợi mẹ con Hiên ở trước cổng nhà hàng. Khả vừa dẫn xe cho chị vừa nói: “Nhà hàng cùng một lúc có tới ba tiệc sinh nhật và hai tiệc cưới, sợ chị khó tìm”.
Bé Bi, nhân vật chính của bữa tiệc không mặc áo đầm, không tết tóc, thắt nơ. Có lẽ được cha mẹ đón từ trường học và đến thẳng nhà hàng nên con bé còn mặc trên người bộ đồng phục thể dục của nhà trường. Bé Bi mập mạp, da trắng hồng, lanh lợi, nghịch ngợm, đã một lần được VTV mời ra Hà Nội tham dự chương trình “Những đứa trẻ tinh nghịch” và Hiên đã cười ra nước mắt khi thấy cả cái gia đình ấy vừa dạn dĩ vừa lúng túng trước trường quay S9.
Khách mời còn có thêm hai đứa bạn thân của bé Bi. Hoa, quà, bánh kem và yêu thương đầy ắp. Bên những ngọn nến lung linh, mọi người cùng với bé Bi hát vang (đúng hơn là gào lên vì ban nhạc của hai đám cưới bên cạnh chơi quá ầm ĩ) lời chúc mừng sinh nhật... Bài hát vừa dứt, bé Bi kéo hai đứa bạn và đứa con gái nhỏ của Hiên đứng dậy, rời bỏ những món ăn vừa được bày ra, lật đật chạy ào về phía lễ cưới xem cô dâu chú rể trong nghi nghi thức thành hôn, nghi thức quen thuộc không thể thiếu trong đời sống lứa đôi dù cho họ có bên nhau đến răng long tóc bạc hay quay lưng ngoảnh mặt giữa chừng.
Hiên cũng từng có ngày cưới rườm rà nghi thức và tưng bừng như thế. Chỉ khác là ngày ấy còn nghe tiếng pháo, dù tiếng pháo nổ giục giã vào lúc khách khứa lục tục ra về. Hiên từng trút giận lên đầu Khả vì điều đó. Khả sụt sùi bảo: “Em giấu dây pháo đi vì em không muốn chị lấy chồng!”. Hiên vén tay áo chùi dòng nước mắt chảy dài xuống má Khả: “Không có tiếng pháo thì chị cũng trở thành cô dâu mà !”. Khả nhìn lên mặt lên tóc Hiên: “Em ghét, ghét cả cái mái tóc cứng đờ của chị!”. Hiên vội sờ tay lên những lọn tóc xịt keo mà cô đã ngồi hàng giờ với mấy cô thợ uốn tóc ở cái tiệm uốc tóc góc đường gần nhà cha mẹ, nơi treo cái bảng hiệu sặc sỡ với hình cô gái ngửa mặt và chu đôi môi đón chờ quả táo chín mọng. Từ nơi đó bước ra, mái tóc dài mềm mại của Hiên biến thành mái đầu cao ngất nghểu của một bà hoàng, một bà hoàng xa lạ trong  mắt Khả. Khả níu tay chị, nài nỉ: “Chị bỏ mái tóc kỳ cục này ra đi, chị đừng có chồng, ở nhà cha mẹ với bọn em vui hơn, chị!”. Lúc cánh cửa xe hoa đóng lại và chạy một hồi, những vệt nước mắt ngoằn ngoèo của Khả trên kính xe mới mờ đi vì bụi và nắng.
“Chị ăn đi chớ?”, Thu, vợ Khả nói và gỡ lớp giấy bạc gắp miếng cá saba thật to bỏ vào chén Hiên. Cô cũng gắp một miếng to như thế bỏ vào chén Thu: “Người cần ăn nhiều là em!”. Thu bỏ miếng cá vào miệng nhai ngon lành. Hiên lại gắp một miếng chả tôm bỏ vào chén Thu: “Em phải thật khỏe để chăm sóc Khả!”. Nói với Thu câu đó Hiên thấy mình thật lòng nhưng ích kỷ. Cô đã thiếu công bằng và luôn đặt trọng lượng của tình máu mủ lên trên hết. Và không chỉ riêng Hiên. Cả cha mẹ Hiên cũng vướng víu sợi dây huyết nhục nên đã không mở rộng cánh cửa yêu thương để đón Thu, như đón một thành viên ruột thịt của gia đình. Rào chắn trước tiên là sức khỏe Thu. Mẹ Hiên bảo, hình như nghe nói, lúc nhỏ Thu bị hở van tim. Mà cái van trục trặc thì trái tim không thể lành lặn. Và một khi trái tim èo uột thì không thể sinh được những đứa con khỏe mạnh. Cái lý do ấy thuyết phục cha Hiên và cả những người có vị trí và uy tín của họ hàng. Rào chắn tiếp theo là cái nhan sắc mờ nhạt của Thu. Mẹ Hiên, so sánh và băn khoăn: “Con bé nó cười mà không tươi chút nào, cười mà như  mếu!”. Khả không vượt qua nổi hai lớp rào chắn đó để đưa Thu từ xe hoa đường hoàng bước vào ngôi nhà cha mẹ. Thu âm thầm chịu đựng, âm thầm vượt qua và bé Bi là chứng minh cho cái hạnh phúc nhọc nhằn ấy, cho dù chưa một lần Thu được làm cô dâu trong ngày cưới.
Bé Bi dẫn bạn quay trở lại. Vừa thở nó vừa nói: “Cô dâu mặc áo trắng đẹp hơn cô dâu mặc áo hồng!”. Một đứa bạn của bé Bi thêm vào: “Cô dâu áo hồng xấu ỉn!”. Thu vội hỏi: “Vậy cô dâu như thế nào mới xinh?”. Cả bọn nhao nhao: “Như nàng Bạch Tuyết!”. “Như búp bê Baby!” “Như mấy chị Mắt Ngọc!”…Khả hỏi to: “Như mẹ Thu có đẹp không nào?”. Bé Bi rút chân khỏi giày, leo lên đứng trên ghế, đưa nắm tay ra trước: “Mẹ con là người đẹp nhất thế gian này !”. Nét đẹp, cái duyên, đại loại là sự quyến rũ của một con người dường như do đôi mắt vừa tinh tường vừa thiên vị của tình yêu định đoạt. Thu cười tít mắt trước những cái hôn dồn dập kêu chùn chụt của cô con gái, cả gương mặt Thu chợt sáng bừng lên niềm hạnh phúc mà Hiên biết mình luôn khao khát. Khả kéo con vào lòng mình: “Vậy còn ba?”. Bé Bi hét lên: “Ba là người đẹp thứ nhì!”. Khả đưa ly cụng ly con gái rồi cụng với ly từng người: “Uống chúc mừng mẹ Thu, người đẹp nhất và uống chúc mừng người đẹp thứ nhì sẽ không còn túi mật!”. Mặt bé Bi nghệch ra, ngơ ngác hỏi: “Ủa ba nói cái gì, cái gì túi mật, rồi cái gì không còn, con không hiểu?”. Biết mình vô tình “bật mí”, Khả vội nói: “Túi mật giống như túi xách, mình có lỡ mất cái này thì mua cái khác thay vào!”. Bé Bi không chịu nghe lời giải thích đó, nó thắc mắc: “Nhưng sao lại để cho mất, ba?”. Khả nói nhỏ với con: “Thì... thì có lúc rủi ro chớ con!”. Bé Bi gắt lên: “Nhưng con không muốn có cái rủi ro đó!”. Con bé vùng vằng xô ghế bỏ đi. Vừa bước một bước nó vấp viên gạch trơn và trượt chân. Vấp ngã tuy không bị trầy trụa xây xát gì nhưng nó khóc tức tưởi.
Nhìn bé Bi khóc, Hiên thấy mắt cay cay. Không chỉ vì dự cảm lo lắng của cuộc phẫu thuật sắp tới mà còn vì tình yêu thương cô dành cho Khả và cho cái gia đình nhỏ của nó. Trong ba đứa em, Khả là đứa gần gũi với Hiên hơn cả. Cha đi biền biệt, mẹ phải cáng đáng công việc của người cha, nên bà không còn nhiều thời gian dành cho chị em Hiên. Chị em dắt díu nhau, đùm bọc nhau. Nhiều lúc Hiên đã làm vai trò của một người mẹ, một người mẹ chín tuổi, cái tuổi của bé Bi bây giờ. Hiên đã bồng ẵm, hát ru, vỗ về, gào thét, sợ hãi và lao đi như một mũi tên trong mưa to gió lớn để tìm bằng được thầy thuốc chữa những cơn sốt nóng giật của Khả. Khả nóng, mê man, nhưng mỗi khi mở mắt là gọi: “Chị ơi, chị đâu?”. Hiên không dám bỏ Khả nằm một mình, cứ quanh quẩn nằm ngồi bên em. Khả sợ bóng tối. Mà ngày ấy bóng tối nhiều lắm. Chỉ cần mặt trời hụp xuống mí rừng là bốn bề tràn bóng tối. Chiếc đèn dầu leo lét chỉ làm nổi rõ những hình thù kỳ dị chập chờn. Rồi vô số những chiếc bóng tưởng tượng. Khả thường có giấc mơ bị chiếc bóng có sức nặng và hình thù quái gở đè đến suýt nghẹt thở. Khả mếu máo: “Chiếc bóng nặng lắm, chị ơi, chị ôm em thật chặt đi!”. Hiên vội ôm em vào ngực, cảm nhận rất rõ nhịp đập hối hả của trái tim bé nhỏ.
Bé Bi thôi khóc, đòi về, dù ngoài trời còn rỉ rả mưa. Con gái Hiên cũng không chịu về với mẹ mà đòi về nhà cậu Khả chơi với bé Bi. Nó ôm chân Hiên: “Cho con ngủ với bé Bi một đêm đi mẹ !” Bé Bi chạy lại nắm tay Hiên: “Chìu Nhí đi cô, cho Nhí đến nhà con đi cô!”. Hiên xoa đầu cháu hỏi: “Nhí đi, cô về một mình, Bi không sợ cô buồn?”. Bi đáp ngay: “Người lớn buồn đâu sợ bằng con nít buồn phải không cô, đúng không ba mẹ?”. Hiên bần thần trước câu hỏi của đứa cháu lên chín. Bé Bi hơn cô nó, hơn ba nó khi hồn nhiên nói ra điều nó nghĩ. Ngày bé và ngay khi đã nếm trải vị ngọt vị đắng cuộc đời, nhiều lúc Hiên muốn rúc vào ngực mẹ, sà vào lòng cha, thủ thỉ bao điều nhưng cô và những đứa em cô đã không làm được điều đó. Cả đến nỗi đau da thịt dai dẳng âm thầm của Khả, đứa em mà cô hết mực yêu thương, cô cũng không hay biết. Và như thế, còn biết bao niềm đau của những người ruột thịt, người gần gũi cứ chơi vơi đâu đó, lửng lơ đâu đó và khó có thể tìm được một địa chỉ để dừng, để san sẻ. “Cô, cô cho Nhí sang nhà con nghen cô?”. Bé Bi nhắc lại yêu cầu. Hiên và vợ chồng Khả đành chịu thua cái lý lẽ đầy thuyết phục của đứa trẻ.
Vợ chồng Khả cùng hai đứa trẻ lên xe và trùm chiếc áo mưa lên cho cả bốn người. Trước khi cho xe phóng đi, Khả ngoảnh lại nhìn bà chị đứng chơ vơ bên vỉa hè. Hiên lặng lẽ nhìn theo thằng em gồng gánh cái rờ-moọc yêu thương cho đến khi chiếc xe mất hút trên đường.
1/8/2004
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...