Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Trần Thế Tuyển - Cuộc hành trình của tâm thức

Trần Thế Tuyển - Cuộc
hành trình của tâm thức

“Linh khí quốc gia” là tập trường ca thứ tư của nhà thơ Trần Thế Tuyển, sau các tập trường ca “Phía sau mặt trời”, “Gió thổi miền ký ức” và “Mẹ”, đã xuất bản liên tục trong 8 năm qua. Mạch trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng – Bộ đội Cụ Hồ được ông dụng công, tâm huyết và trung thành. Khác với những trường ca trước, mỗi tập là một “lát cắt”, là một góc nhìn cận cảnh về chiến tranh và hậu chiến tranh với bút pháp tự sự, trữ tình…, với “Linh khí quốc gia”, Trần Thế Tuyển chọn cách tiếp cận ở tầm bao quát, tổng thể, bằng ngôn ngữ chính luận.
Về hình thức, trường ca “Linh khí quốc gia” là một dạng sử thi. Nội dung tác phẩm và mạch cảm xúc của tác giả trải dọc theo chiều dài lịch sử đất nước, từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa, dựng nước, giữ nước, đến hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất giang sơn, đổi mới và phát triển đất nước.
Nhà thơ kết cấu trường ca thành 6 chương: Cương thổ – Dân tộc – Mở cõi – Tổ quốc – Nghĩa sĩ – Quốc giỗ. Nếu tư duy theo lẽ thông thường, có thể thấy, chọn đề tài và cách tiếp cận với một biên độ, góc nhìn quá rộng, quá dài, quá lớn như vậy là một quyết định rất mạo hiểm và liều lĩnh. Bởi, sử thi dân tộc vô cùng đồ sộ.
Chỉ liệt kê sự kiện, nhân vật thôi, đã phải cần đến bộ sách hàng nghìn trang. Gói ghém lại trong một tập trường ca có mấy chục trang, khác gì muối bỏ biển. Làm sao tránh được sự hời hợt, lỏng lẻo? Nhưng, đọc trường ca “Linh khí quốc gia”, không nên tư duy theo lối cơ học ấy. Và, Trần Thế Tuyển cũng không ôm đồm sử thi dân tộc làm gì. Ông chỉ dựa vào lịch sử để thực hiện một cuộc hành trình có chủ đích và khát vọng – khát vọng tri ân, tưởng niệm những người đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Đọc một cách có hệ thống các trường ca và các tập thơ của Trần Thế Tuyển mới thấy rõ, hành trình bươn chải với chữ nghĩa của ông là cuộc hành trình bền bỉ để hiện thực hóa khát vọng thiêng liêng; tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 27-7 hằng năm là ngày Thương binh – Liệt sĩ, ngày cả nước thực hiện các nghĩa cử tri ân, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với nước. Ngày thiêng liêng ấy cần được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh, khắc ghi. Việc này cần có chủ trương, nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Ý tưởng ấy, khát vọng ấy đã được Nhà thơ Trần Thế Tuyển ấp ủ từ lâu và nó thực sự thôi thúc tâm can ông kể từ khi ông đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.
Vừa sáng tác văn học, vừa làm công việc quản lý, kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội thực hiện nghĩa cử tri ân với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công… Trần Thế Tuyển ngày càng thấu hiểu, thấu cảm sâu sắc giá trị nhân văn, nhân đạo và mong muốn mạch nguồn văn hóa tri ân phải trở thành dòng chủ lưu trong đời sống văn hóa của dân tộc. Đất nước có một ngày “Quốc giỗ” để hội tụ tinh thần của toàn dân, tưởng niệm hương hồn của hàng triệu anh hùng, dũng sĩ qua các thế hệ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Và, nguồn linh khí ấy là sự tích tụ của nghĩa sĩ từ ngàn đời, của liệt sĩ khắp mọi miền đất nước.
Thế nên, trường ca “Linh khí quốc gia” phải bắt nguồn từ Cương thổ, phải dựa vào nguyên khí Dân tộc, phải đi qua hành trình Mở cõi, phải đặt lên trên hết tình yêu Tổ quốc, phải vun đắp cho cốt cách, khí phách Nghĩa sĩ… Và, “Linh khí quốc gia” là cuộc hành trình của tâm thức. Trong cảm xúc và khát vọng của Trần Thế Tuyển, đó còn là đích đến của thái độ, nghĩa cử, văn hóa tri ân. Thế nên, “Linh khí quốc gia” không thể là một đoạn, không thể là một quãng, càng không thể là một “lát cắt”, một góc nhìn cận cảnh như những trường ca trước đây.
Bìa tập thơ “Linh khí quốc gia”
Trần Thế Tuyển chọn kết cấu theo trình tự thời gian, theo dòng chảy lịch sử để chuyển tải cảm xúc và thông điệp. Bởi, đây là vấn đề “quốc gia đại sự” nên để thể hiện ý tưởng vào trang viết, không có phương thức nào tốt hơn ngôn ngữ chính luận.
Đấy là những lý giải mang tính… lý do! Nhưng thơ thì lạ lắm. Nhiều khi chẳng vì lý do gì cả. Thơ đến với đời như một nhân duyên. Vô tình đấy mà cũng sắp đặt đấy. Chủ ý đấy mà cũng ngẫu hứng đấy.
Trần Thế Tuyển chọn cách kể chuyện sử bằng thơ để chuyển tải cảm xúc: “Thuở hồng hoang bầy đàn sống liêu trai/ Phần ăn chia đều, không ai thua thiệt/ Hang tối bừng lên ngọn lửa hồng bất diệt/ Chắt từ vỉa kim cương…”. Cương thổ quốc gia được hình thành như thế. Và cứ như thế, loài người tiến hóa, xã hội phát triển, rồi sinh ra tranh chấp, rồi loạn lạc, rồi chiến tranh, rồi chết chóc…
Cái mạch tự nhiên ấy dẫn dắt độc giả đến với những hy sinh xương máu của lớp lớp nghĩa sĩ, anh hùng dũng sĩ, Bộ đội Cụ Hồ… Bởi sự hy sinh có ngọn, có nguồn, bởi máu xương của Nhân dân đã đổ từ thuở hồng hoang, từ khi hình thành cương thổ quốc gia đến tận hôm nay. Sự hy sinh ấy làm nên hình hài Tổ quốc, vun đắp cho hưng khí giang sơn: “Nguyệt quế ngát đêm Ba mươi trừ tịch/ Tiếng pháo giao thừa phá tan mù mịt/ Bình minh bừng sáng chân trời…”. Đọc những câu thơ này độc giả liên tưởng đến sự khái quát của Nguyễn Đình Thi trước đây: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa…”. Trần Thế Tuyển kể chuyện sử thi xoay quanh cái trục đã được định hình, đã được dựng sẵn, đó là đề tài về liệt sĩ, về những thế hệ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giành lấy và giữ lấy hòa bình, độc lập dân tộc. Ngay trang đầu trường ca, tác giả ghi: “Kính tặng Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 80 tuổi”, đã thể hiện rõ tình cảm, nội dung chủ đề của tác phẩm.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển trong phát biểu trong buổi ra mắt sách
Những câu thơ về Quân đội, về Bộ đội Cụ Hồ được Trần Thế Tuyển thể hiện đầy xúc cảm: “Trời Điện Biên xanh ngắt một màu/ Mà đồi núi thắm máu người chiến sĩ/ Ngôi đền thờ linh thiêng, hùng vĩ/ Mái ấm che vạn vạn linh hồn/ Tiếng chuông đồng gọi hồn chiến sĩ/ Mùa đông về, bộ đội đủ ấm không”… “Lời Bác Hồ một thuở mênh mông/ Nay vẫn ấm như từng hơi thở/ Bác thương bộ đội, dân công/ Suốt đêm không ngủ/ Ngày mai là trận đánh cuối cùng/ Chiến thắng, Thủ đô rợp cờ hồng/ Người và hoa, ba mươi sáu phố phường rạng rỡ/ Phía sau – những cánh rừng biết bao người nằm đó/ Tổ quốc thiêng liêng thắm đỏ sắc cờ…”.
Dù biên độ không gian và thời gian trong trường ca rất lớn, rất dài, rất rộng, nhưng chính nhờ cái trục, cái trụ vững chắc ấy nên mạch đi của trường ca không bị lạc, không bị loãng.
Trường ca “Linh khí quốc gia” không có nhân vật, đúng hơn là không dựa vào một nhân vật nào để dẫn dắt câu chuyện. Đó là sự khác biệt so với những trường ca trước đây của Trần Thế Tuyển. Nó là một dạng chuyên luận được thể hiện bằng bút pháp văn
học. Trường ca chính luận không chỉ là những thao tác ngôn từ dựa vào một đề tài chính luận, mà nó đòi hỏi cao ở sự từng trải, chiêm nghiệm, đúc kết. Là một người lính trong đội ngũ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai…” (thơ Tố Hữu).
Trần Thế Tuyển có lợi thế lớn ở điều này. Lợi thế ấy lại được trải nghiệm, chắt lọc từ thực tế nhiều năm làm công việc tâm linh, tri ân liệt sĩ, nên trường ca này với Trần Thế Tuyển là cuộc hành trình của tâm thức, hòa quyện giữa hiện thực đời sống và sự thôi thúc từ sâu thẳm lương tri.
Trần Thế Tuyển nhiều lần tâm sự rằng, đã vào ngưỡng “cổ lai hy” rồi, còn chữ nào thì “nhả” ra hết, còn hơi sức nào thì làm việc hết, rồi khi nào cạn năng lượng thì nhẹ bước “ra đi”. Viết là cái duyên và là cái nghiệp. Thành công đến đâu, còn là tùy duyên, tùy nghiệp. Riêng với hai câu thơ nổi tiếng: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia” được chọn làm đôi câu đối đặt trong đền thờ liệt sĩ cả nước đã cho thấy, duyên và nghiệp đối với người nặng lòng với nghĩa tri ân như Trần Thế Tuyển là có thật. Hai câu thơ ấy như là của hương hồn, anh linh liệt sĩ “tặng” cho ông. Đời cầm bút, có được hai câu thơ như thế là hạnh phúc lắm lắm rồi. Niềm hạnh phúc ấy, ngoài nỗ lực của bản thân, nó đến từ duyên và nghiệp. Nó đến từ cuộc hành trình của tâm thức.
“Quốc giỗ như lời thề non sông/ Biết ơn tổ tiên, người dựng nước/ Tri ân những người hiến thân mình cho Tổ quốc/ Để khơi trong mạch nguồn… Quốc giỗ như cánh buồm/ Căng gió chở tương lai và quá khứ/ Để cốt cách Việt chói ngời lịch sử /Để “Âu vàng mãi mãi ngàn năm”.
Quốc giỗ những liệt sĩ có tên và chưa tìm thấy tên/Những nghĩa sĩ quên thân mình vì nghĩa lớn/Để muôn đời cháu con hiểu giá trị sống/ Mỗi thôn làng, góc phố đẫm nhân văn/ Những nghĩa sĩ như cột mốc biên cương/ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”…
9/12/2024
Phan Tùng Sơn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...