Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Con người quá dễ... sợ

Con người quá dễ... sợ

Cách đây không lâu, gã có theo dõi trên truyền hình một bộ phim hình sự nhiều tập của Úc mang tựa đề là “Cuộc chiến thầm lặng”. Tuy chỉ xem bữa đực bữa cái, hôm được hôm không, nhưng rất may mỗi tập là một vụ án, nên có đứt đoạn cũng chẳng sao cả.
Hôm ấy, anh chàng cảnh sát được lệnh đi công tác nhưng không được mang theo súng để xâm nhập vào một tổ chức buôn lậu bạch phiến.
Thế nhưng, không hiểu sao, anh chàng lại lén vào kho, lấy trộm một khẩu mà nhét vô cạp quần. Khi hoàn tất công tác, bị cấp trên khiển trách, anh chàng đã trả lời:
-Khẩu súng không nguy hiểm, nhưng con người xử dụng khẩu súng mới thật là… nguy hiểm.
Câu trả lời này khiến cho gã phải vắt chân lên trán mà suy gẫm lung tung, đến nỗi đêm quên ăn, ngày quên ngủ, khiến cho dung nhan ngày càng thêm tiều tụy và thân thể ngày càng thêm hốc hác.
Tuy nhiên, càng suy gẫm, gã lại càng cảm thấy chí lý. Có lúc khoái quá vỗ đùi đánh đét một cái, xin bái phục người đã phệu ra câu nói trên.
Thực vậy, theo Khổng-tử thì nhân chi sơ tính bổn thiện, con người thuở ban đầu vốn tốt lành, nhưng rồi dần dần trở nên xấu xa do ảnh hưởng của xã hội và những người chung quanh.
Còn theo Kitô giáo, Thượng-đế dựng nên con người từ bùn đất, rồi Ngài thổi hơi vào lỗ mũi, qua đó trao ban cho nó sự sống cùng với một tấm linh hồn.
Tấm linh hồn này có hai cơ năng chính là trí khôn và ý muốn. Với trí khôn, con người không ngừng phát triển. Với ý muốn, con người được tự do chọn lựa. Và đây cũng chính là một thảm kịch làm cho con người trở nên thật… dễ sợ.
Trước hết là với trí khôn. Mấy ông triết gia bên Tây thường phát biểu:
“Người là một con vật có trí khôn”.
Còn Pascal thì bảo:
“Người là một cây sậy biết suy tư”.
Đúng thế, trí khôn nhờ biết suy tư đã làm cho con người trổi vượt trên muôn vật và liên tục phát triển.
Con ong ngày xưa làm tổ và kéo mật thế nào, thì hôm nay nó vẫn làm tổ và kéo mật y chang như vậy.
Nếu có nhúc nhích được tí xíu nào là do con người tập luyện cho chúng, chẳng hạn như con khỉ biết làm trò, con chó biết múa may quay cuồng.
Đang khi con vật hành động theo bản năng và dậm chân tại chỗ qua muôn thế hệ, thì con người đã tạo được những tiến bộ trong mọi lãnh vực. Gã xin đưa ra một vài phạm vi thông thường nhất để chứng minh cho sự thật trên.
Chẳng hạn về chuyện ăn.
Ngày xưa, thiên hạ ăn sống nuốt tươi. Vớ được trái cây hay thú rừng là liền xơi tái ngay lập tức. Rồi con người đã tìm thấy lửa và bắt đầu nấu nướng. Còn hôm nay, trên thực đơn người ta không biết có bao nhiêu thứ mà kể. Nào luộc, nào nướng, nào chiên. Rồi món tây, món tàu, món ta… chỉ sợ không có đủ tiền để nếm thử mỗi món một lần trong đời.
Chẳng hạn về chuyện uống.
Ngày xưa thiên hạ chắc hẳn chỉ uống nước lã. Rồi sau đó biết cách làm cho lên men từ một số lá cây để rồi hôm nay người ta đã chế ra biết bao nhiêu thứ rượu và bao nhiêu thứ chất uống khác nhau.
Chỉ nguyên tại Việt Nam mà thôi, người ta cũng không thể đếm hết có bao nhiêu thứ nước suối, nước ngọt, nước uống có ga, nước uống có cồn… Và không hiểu một ai đó đã phát biểu một cách rất anh dũng và rất hách xì xằng như sau:
“Mặc dù quê hương ta còn nghèo đói và khó khăn, nhưng rất ta rất lấy làm hãnh diện vì đất nước này đã hội tụ được đầy đủ các hãng bia nổi tiếng trên cả và thế giới”.
Như thế, phải chăng tinh thần ăn và uống của dân ta đã phất lên như diều gặp gió, như rồng gặp mây.
Chẳng hạn về chuyện ở.
Ngày xưa thiên hạ ở dưới hang, ở trong lỗ. Tiến bộ hơn một tí là ngôi nhà tranh vách đất. Còn hôm nay, người ta ở trong những ngôi nhà gỗ, nhà bê tông cốt thép. Nào chung cư, nào biệt thự, nào lâu đài…
Và người ta đã xây không biết bao nhiêu tòa nhà chọc trời, cao hàng mấy trăm mét. Không hiểu những kẻ đau tim, can đảm chê cầu thang máy, có đủ sức leo từng bậc từ dưới lên, hay mới chỉ được nửa đường thì đã thở hồng hộc, đứt hơi mà chết.
Chẳng hạn về chuyện mặc.
Sách Sáng Thế Ký đã chẳng kể lại sau khi phạm tội, Adong Eva đã kết lá mà che thân vì thấy mình trần truồng và xấu hổ. Đó là mô-đen thứ nhất.
Tiến thêm một bước, người ta làm áo quần bằng da thú. Đó là mô-đen thứ hai.
Còn hôm nay với ngành dệt may phát triển, người ta không ngừng thay đổi mẫu mã, từ thấp lên cao, rồi lại từ cao xuống thấp. Từ dày tới mỏng rồi lại từ mỏng tới dày. Thời trang mỗi ngày một khác. Thậm chí có những mốt thật là quái đản và kinh dị, đố chị em đờn bà con gái nào dám mặc vào để nghênh ngang dạo chơi phố phường.
Chẳng hạn về chuyện đi.
Ngày xưa có lẽ phương tiện duy nhất để di chuyển chính là đôi chân của mình, vì thế, người ta thường phải đi bộ, đi “căng hải”, hay đi “lô ca chân” đường dài mà chẳng biết mỏi. Nhích lên một chút, người ta cưỡi lừa, cưỡi ngựa, cưỡi bò, cưỡi lạc đà…
Còn hôm nay, người ta đã có biết bao nhiêu phương tiện di chuyển khác nhau: Nào là đi xe đạp, đi xe gắn máy, đi xe ô tô. Nào là đi tàu lửa, tàu thủy, tàu bay, tàu ngầm… Rồi còn có cả những phương tiện thật tối tân và nhanh chóng, như phản lực, phi thuyền, hỏa tiễn… Không phải chỉ đi từ nơi này đến nơi kia, mà còn đi từ hành tinh này tới hành tinh khác.
Khoa học đã, đang và sẽ còn tiến những bước tiến khổng lồ, đúng như lệnh truyền của Đấng Tối Cao:
“Hãy làm chủ cá biển, chim trời và muôn loài trên mặt đất”.
Tiếp đến là với ý muốn, con người được quyền tự do chọn lựa. Ý muốn và sự tự do chính là một qùa tặng tuyệt vời nhất Thiên Chúa đã trao ban cho con người và làm cho con người trở nên cao cả.
Một ông vua đầy uy quyền cũng không thể bắt tôi làm điều tôi không muốn. Thậm chí ngay cả Thiên Chúa cũng đành phải chào thua trước sự tự do của con người, như lời ông thánh Âu-cu-tinh đã viết:“Ngài sẽ không thể cứu chuộc tôi nếu như chính bản thân tôi lại không muốn”.
Ý muốn và sự tự do làm cho con người trở nên cao cả, nhưng đồng thời cũng có thể biến con người thành nguy hiểm và dễ sợ. Nếu không biết điều khiển và quản lý chặt chẽ, nó sẽ đọng lại, kết tủa và hóa kiếp con người thành một con thú hoang lang thang trong cõi lòng. Đây là điều mà các vị tiền bối đã diễn tả:
“ Con người vừa có thể là một thượng-đế, lại vừa có thể là một con vật.”
“Trong mỗi con người đều có tiềm ẩn một con thú hoang”.
” Con người là một con vật hai chân, thuộc loài hỗn thực, nghĩa là xơi được mọi thứ, nhưng lại biết… mặc quần đùi.”
“Dưới làn da của con người đều có bóng dáng của nhiều súc vật.”
Bây giờ gã sẽ đi từ trong ra ngoài, từ bản thân đến cuộc đời và xã hội để tìm dấu vết của con thú hoang ấy.
Trước hết là nơi bản thân.
Thượng đế đã ban cho mỗi người chúng ta một cái miệng, đôi khi cũng được gọi là cái mồm. Công dụng của mồm miệng là để ăn và để nói. Dĩ nhiên còn nhiều công dụng khác nữa, chẳng hạn như hôn, hút, mút… gã xin được miễn bàn tới.
Về chuyện ăn thì như chúng ta vừa thấy: con người thuộc loài hỗn thực, nghĩa là xơi được tất tật mọi thứ. Đây cũng là một điểm làm cho con người khác với con vật. Bình thường thì mỗi con vật chỉ xơi một vài loại thức ăn nào đó. Chẳng hạn như con trâu thì ăn cỏ, con hổ thì ăn thịt sống.
Trong khi đó, con người thì thượng vàng hạ cám, có thể đút vào miệng mình đủ thứ, từ lá cây ngọn cỏ đến hoa trái, từ con giun con rắn đến con gà con vịt. Ngay cả đến những con vật khổng lồ như con voi, con tê giác… con người cũng xơi được cả.
Mọi vất vả con người phải chịu cũng chỉ để phục vụ cho cái miệng. Và nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra cũng chỉ vì nhu cầu ăn của con người.
Thậm chí có những thứ không nên xơi mà vẫn cứ xơi, thí dụ trong một trận đấu quyền anh, Mike Tyson đã xơi tái cái tai của Holyfield. Chẳng hiểu cái tai ấy có dòn như tai lợn bóp gỏi hay không, thì khi nào thuận tiên gã sẻ hỏi Mike Tyson và sẽ báo cáo lại sau.
Hơn thế nữa, còn có những thứ không được xơi mà cứ vẫn phớt tỉnh ăng lê, lại còn xơi bạo nữa là khác, thí dụ ăn tiền, ăn gian, ăn cắp, ăn cướp, ăn hối lộ… May ra thì chỉ có ăn đòn hay ăn tát là… em hỏng dám đâu.
Còn về chuyện nói, thì như chúng ta đã biết: ngôn ngữ là phương tiện Thượng Đế đã trao ban để chúng ta bộc lộ những ý nghĩ, những ước muốn hầu tạo lấy một sự cảm thông.
Đây cũng là một điểm làm cho con người khác với con vật, bởi vì như thiên hạ thường bảo:
“Người là một con vật có tiếng nói, có ngôn ngữ.”
Thế nhưng, lời nói lại là điều chúng ta thường hay sai lỗi vấp phạm hơn cả. Thậm chí, thay vì tạo được một bầu khí hòa thuận, bắc được một nhịp cầu cảm thông, thì lại gây ra thù oán, làm cho người khác thân bại danh liệt, đi đoong cả một đời.
Mới đây báo Công An TPHCM có đăng một mẩu tin nho nhỏ với tựa đề là “Câu nói đùa tai hại”, đại khái như thế này:
Cô H. yêu anh N. và đã có thai được ba tháng. Vốn tính hay ghen, cô H. nghĩ rằng anh N. không còn yêu mình nữa. Tối hôm trước, anh N. sang nhà cô H. chơi và thấy cô H. đang ngồi khóc, nên nói đùa:
– Anh sẽ cưới em làm vợ nhỏ, còn vợ nhớn anh sẽ đi lấy ở nơi khác.
Trong lúc đang nghi ngờ và giận dỗi, câu nói đùa của anh N. khiến máu ghen nơi cô H. bốc lên đùng đùng. Vì cho đó là sự thật, nên cô H. đã uất ức, uống thuốc độc tự tử mà chết.
Trên cơ thể con người, Thượng đế còn ban cho chúng ta đôi bàn tay. Với đôi bàn tay, chúng ta có thể bồng ẵm con cái, lao động sản xuất để nuôi sống gia đình, làm việc để giúp đỡ người khác, vân vân và vân vân…
Tuy nhiên, rất nhiều lần chúng ta đã dùng đôi bàn tay để làm những việc mờ ám, gây nên thiệt hại cho những người chung quanh, chẳng hạn dùng đôi bàn tay để uỵch nhau, để thoi nhau, để cướp của, để giết người…
Nếu cứ lần lượt bới lông tìm vết, mổ xẻ từng bộ phận một để lần ra dấu ấn của con thú hoang, thì e rằng chẳng biết viết đến bao giờ mới chấm hết. Thế nhưng chỉ với hai bộ phận nho nhỏ ấy mà thôi, chúng ta cũng đã thấy được con người chính là yếu tố quan trọng, quyết định trong mọi tình huống.
Tiếng Việt Nam chúng ta không phân biệt giống đực và giống cái. Vì thế mới có chuyện rằng:
Hai vợ chồng nhà kia, sau nhiều ngày cơm chẳng lành canh chẳng ngọt bèn rã gánh một cách êm ru bà rù. Tuy nhiên trước khi ca bổn anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi, thì cũng phải chia chác tài sản vì của chồng công vợ.
Chị vợ bèn phát biểu:
– Anh là đờn ông còn tôi là đờn bà. Anh là giống đực còn tôi là giống cái. Vậy hễ đồ vật nào là cái thì thuộc về tôi, còn đồ vật nào là đực thì thuộc về anh. Bằng lòng chứ?
Anh chồng gật đầu và OK liền tù tì.
Chỉ chờ có vậy, chị vợ bèn vội vã vơ vét về tất cả bởi vì hầu như mọi đồ vật đều mang chữ cái trên đầu: cái nồi, cái niêu, cái soong, cái chảo… Phát hoảng, anh chồng bèn chộp bừa con dao rựa và hô to:
– Đực rựa.
Có lẽ vì thế mà đực rựa vừa có nghĩa là loại dao lưỡi dài và sống dày, vừa có nghĩa là đờn ông và con giai.
Trong tiếng Pháp, người ta chia danh từ thành hai giống: giống đực và giống cái. Còn trong tiếng La tinh, ngoài giống đực và giống cái, còn thêm một giống nữa, đó là giống… dở (neuter), chẳng đực mà cũng chẳng cái. Trung lập, trung hòa, vô tính.
Sự vật chung quanh chúng ta phần lớn thuộc giống dở, chẳng đực mà cũng chẳng cái. Xét theo phương diện luân lý, thì chẳng tốt mà cũng chẳng xấu. Nó trở nên tốt hay nên xấu là do con người.
Thực vậy, con người xử dụng nó với ý hướng tốt, hay với mục đích tốt, thì nó sẽ tốt. Còn nếu con người xử dụng nó với ý hướng xấu, hay với mục đích xấu, thì nó sẽ xấu.
Chẳng hạn như tiền bạc. Tự bản chất, tiền bạc chẳng tốt mà cũng chẳng xấu. Nó tốt hay xấu là do cách thức con người kiếm nó và xài nó.
Thực vậy, nếu tiền bạc được tìm kiếm một cách chính đáng và công bằng qua lao công vất vả, qua mồ hôi và nước mắt của chúng ta thì lúc bấy giờ tiền bạc ấy quả thực là tốt.
Còn nếu tiền bạc được tìm kiếm bằng con đường bất chính và bất công: Kẻ sản xuất thì tung ra những mặt hàng dổm, kém chất lượng. Kẻ buôn bán thì dùng cân thiếu, thước hụt. Quan chức thì tham nhũng hối lộ… Những đồng tiền được nhồi nhét cho đầy túi tham theo kiểu này, chắc chắn sẽ là những đồng tiền xấu xa và nhơ bẩn.
Khi đã có đồng tiền rủng rỉnh trong hào bao, thì cách xài tiền cũng không kém phần quan trọng. Nếu tôi dùng tiền để nuôi sống bản thân và gia đình cũng như giúp đỡ những người chung quanh, thì lúc bấy giờ tiền bạc sẽ đem lại nhiều lợi ích.
Trái lại, nếu tôi vung tiền bạc cho những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, nếu tôi dùng tiền bạc để dụ khị kẻ khác làm điều bất chính… lúc bấy giờ tiền bạc sẽ làm rạn vỡ gia đình, gẫy đổ tình yêu và gây nên biết bao nhiêu đau khổ, đúng như một câu danh ngôn đã bảo:
“Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ hà khắc”.
Chẳng hạn như thiên nhiên với những sức mạnh tiềm ẩn, tự bản chất chẳng tốt mà cũng chẳng xấu. Ăn thua là ở con người xử dụng những sức mạnh ấy.
Lâu lắm rồi, gã có đọc một bài trong cuốn Dừng, đại khái tác giả đã viết như sau:
Hẳn chúng ta đã biết trái bom nguyên tử đầu tiên đã được ném xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. Trong nháy mắt, trái bom ấy đã giết hại hơn 200.000 người. Từ đó, bao nhiêu vũ khí khủng khiếp hơn nữa đã được chế tạo. Nào là bom khinh khí. Nào là bom neutron. Một trái bom 500 mégatonnes có đủ sức làm cho Việt Miên Lào và một phần Thái lan bị chìm xuống đáy biển. Một trái bom 2000 mégatonnes có thể làm cho chúng ta thấy được ngày tận thế!
Chiến tranh nguyên tử thật kinh khủng, nó là như một cơn ác mộng đè nặng trên nhân loại. Tuy nhiên cái đáng sợ không phải là bom nguyên tử mà là con người xử dựng nó. Bom đạn vốn là vật vô hồn, không thể mang lấy trách nhiệm của cuộc chiến. Chính con người đã chế tạo ra bom đạn và xử dụng bom đạn mới phải gánh lấy trách nhiệm ấy hoàn toàn.
Các năng lực thiên nhiên tự nó rất hữu ích và cũng chẳng hề biết gì đến nhân nghĩa cả. Nó đã bị con người lợi dụng để chà đạp nhân nghĩa.
Điện khí rất hữu ích để làm đèn soi sáng, chứ không phải để chạy vào thành ghế, thành giường. Lửa rất hữu ích để thổi nấu chứ không phải để đốt nhà. Sức mạnh của nguyên tử cũng thế, nó không đe dọa hòa bình, không tàn sát, không tiêu diệt, trái lại còn phụng sự hòa bình, phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác. Chỉ có con người xử dụng sức mạnh nguyên tử mới đe dọa hòa bình, tàn sát và phá hoại mà thôi.
Ngay cả những thực tại vốn dĩ tốt đẹp cũng vẫn có thể bị con người xào xáo, làm cho trở thành xấu xa.
Chẳng hạn như nghề nghiệp. Người xưa đã từng bảo:
-“Nghề nghiệp nào cũng đáng quí đáng trọng. Không có nghề nghiệp nào xấu mà chỉ có con người xấu mà thôi.”
Thực vậy, với nghề nghiệp chúng ta kiếm được tiền bạc nuôi sống bản thân và gia đình, như tục ngữ đã bảo:
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.”
Đồng thời nhờ đó, chúng ta góp phần xây dựng xã hội. Thế nhưng nếu xử dụng tay nghề của mình vào những mục đích xấu, lúc bấy giờ chúng ta sẽ gây nên những tai họa thảm khốc.
Thí dụ: tôi giỏi nghề in, nhưng không dùng khả năng ấy để in sách, in báo hầu nâng cao dân trí, nhưng lại dùng để in tiền giả khiến cho nền kinh tế quốc gia bị lũng đoạn.
Tôi giỏi nghề võ, nhưng không dùng khả năng ấy để bảo vệ bản thân và giúp đỡ những kẻ cô thân cô thế, nhưng lại dùng để uy hiếp, để trấn lột người khác…
Chẳng hạn như tình yêu, một thực tại vốn được ca ngợi là thiêng liêng và cao đẹp, thế nhưng con người cũng vẫn có thể lợi dụng tình yêu để làm những điều xằng bậy.
Thí dụ: một chàng trai dùng những lời đường mật của tình yêu để dụ dỗ cô gái, khiến cho cô gái phải mang bầu, rồi truất ngựa truy phong, bỏ rơi cô gái… Hay mượn đỡ danh nghĩa tình yêu để lường gạt tiền của theo kiểu kỹ sư đào mỏ… Cũng có thể yêu nhầm đối tượng mà làm cho gia đình bị đổ vỡ tan hoang, vợ mình chẳng yêu lại cứ nhè vợ người ta mà yêu, thế mới rách việc.
Báo Công an TPHCM cũng đăng tải một mẩu tin ngắn như sau:
Anh T. vốn thầm yêu chị H. là một góa phụ. Trong lúc đến chơi, lợi dụng cơ hội tư riêng, anh đã hôn chị một miếng. Chẳng may vô tình cháu L. nhìn thấy và khóc thét lên rồi chạy sang mách người hàng xóm. Người hàng xóm bèn đến can ngăn và đuổi anh T. về. Cảm thấy xấu hổ trước mặt bà con lối xóm, ngày hôm sau chị H. đã thắt cổ tự tử. Chị H. chết đi bỏ lại đứa con thơ mới chín tuổi. Đúng là một cái hôn gây nên hậu quả khó lường.
Từ những điều vừa trình bày, chúng ta thấy trong mọi việc yếu tố con người là quan trọng hơn cả. Và nơi con người thì cái tâm hay nói một cách nôm na và bình dân hơn, là cái lòng sẽ nắm phần quyết định. Tốt hay xấu cũng bởi nó. Vì thế sách giáo lý có câu:
– Hỏi tội bởi đâu mà ra?
– Thưa tội thì bởi trong lòng mà ra.
Hay như người xưa cũng dạy:
“Nhân dục thắng, thiên lý vong”. (Có nghĩa là lòng dục của con người phát triển thì đạo lý của trời sẽ bị mai một,)
Hay:
”Dục vọng đánh đổ đạo lý”.
Chính vì thế có người đã phát biểu:
“Thà rằng ngồi trong trái tim con sư tử còn hơn là ngồi trong trái tim con người”.
Và tiền nhân cũng đã từng cay đắng khi đưa ra kinh nghiệm chua chát của mình:
“Homo homini lupus”. (Có nghĩa là người với người là chó sói của nhau.)
Thế nhưng cái tâm ấy lại âm u. Cái lòng ấy lại đầy những ý đồ đen tối như tục ngữ đã bảo:
– Sông sâu còn có kẻ dò,
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
– Dò sông, dò biển, dễ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
Điều khó khăn và gay go nhất đó là phải làm thế nào để kiểm soát được cái tâm và hướng dẫn được cái lòng của mình. Thế nhưng dù khó khăn và cam go đến đâu chăng nữa, cũng vẫn phải thực hiện nếu muốn cho mọi việc luôn được êm xuôi và tốt đẹp.
Ngày kia, có một đứa bé ném hòn đá vào lớp khiến cho cửa kính vỡ tung. Cô giáo đỏ mặt tức tối. Tuy nhiên, thay vì sửa phạt cậu học trò tinh nghịch, thì cô giáo lại đi lượm viên đá, rồi lấy thước kẻ đánh cho viên đá một trận. Vừa đánh vừa nói:
– Từ nay, mày phải trở nên mềm dẻo chứ không được cứng rắn như thế này nữa nhé.
Phải kiểm soát cái tâm, phải hướng dẫn cái lòng vì nhân tâm hay lòng người là nơi sản xuất ra những thứ vũ khí nguy hiểm, những toan tính mờ ám, những hành động dã man.
Và để kết luận, gã xin lập lại câu nói ban đầu của một diễn viên trong bộ phim “Cuộc chiến thầm lặng“: - Khẩu súng không nguy hiểm, nhưng con người sử dụng khẩu súng mới thực nguy hiểm.
Ôi, con người quả là… dễ sợ.
Gã Siêu
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Rì rào sóng biển Ê Mai! Xuống tắm đi! Chị tôi kêu lên đầy hứng thú. Tôi uể oải đứng dậy. Biển xanh ngăn ngắt, những con...