Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Nhà báo, nhà văn Trần Đôn và những cảm xúc suy tư trước cuộc sống

Nhà báo, nhà văn Trần Đôn và những
cảm xúc suy tư trước cuộc sống

Nhà báo, nhà văn Trần Đôn tên thật là Trần Văn Đôn. Các bút danh khác: Vân Đồn, Tú Đôi. Ông sinh ngày 16 tháng 5 năm 1951 tại thành phố Dĩ An, vùng đất giàu truyền thống cách mạng và nghĩa tình của tỉnh Bình Dương. Trần Đôn là hội viên hội Nhà báo Việt Nam, hội viên hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương. Ông bắt đầu sáng tác văn học vào năm 2010. Ông viết rất sung sức. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn  liên tục cho ra đời những tác phẩm văn, thơ có giá trị. Các sáng tác của ông (bao gồm 6 tác phẩm in chung và 6 tác phẩm in riêng) đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển của văn học địa phương.
Ở mảng văn xuôi, Trần Đôn sử dụng nhiều thể loại như ký, tản văn, tùy bút, tiểu phẩm, truyện ngắn để phản ảnh hiện thực cuộc sống ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó Tuyển tập văn xuôi 2009 -2019 là tác phẩm tiêu biểu. Tuyển tập gồm 67 tác phẩm ký, tản văn, tùy bút, 10 tiểu phẩm và 5 truyện ngắn. Bằng vốn sống phong phú, tâm hồn nhạy cảm và ngòi bút sắc bén của mình, ông đã tái hiện một cách chân thật, sinh động lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước và muôn mặt đời sống với bao cảm xúc, suy tư, trăn trở, băn khoăn với những triết lý nhân sinh sâu sắc.
Đọc các bài ký, tản văn, tùy bút trong Tuyển tập văn xuôi 2009 – 2019 của Trần Đôn, ta bắt gặp những địa danh thân thuộc ở  Dĩ An quê hương ông như suối Mạch Máng, căn cứ Hố Lang… gắn liền với biết bao chiến công vang dội được tạo nên bởi những người nông dân hìền lành, chân chất nhưng luôn thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất trước quân thù hung bạo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là nữ chiến sỹ cách mạng lão thành Lê Thị Não. Tuy có vốc dáng khiêm tốn nhưng suốt mấy chục năm tham gia các hoạt động yêu nước, bà đã dũng cảm vượt qua bao gian nan, thử thách. Bị địch bắt và tra tấn một cách dã man, với các thủ đoạn nham hiểm, bà vẫn một mực kiên trung bất khuất rồi chiến thắng kẻ thù để trở về với đồng đội, với nhân dân, tiếp tục đấu tranh (Bà Hai Não). Đó là bà mẹ có chồng và con trai hy sinh cho đất nước, một mình vừa hoạt động cách mạng, vừa nuôi dạy mấy người con còn lại khôn lớn thành người (Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Cai). Đó là nữ anh hùng Nguyễn Thị Tươi (Năm Lang), dù bị thương nặng vẫn không chịu để đồng đội cứu chữa mà động viên anh em xông lên giết giặc trong một trận đánh không cân sức (Và hoa đã nở…). Bên cạnh các tên tuổi sáng ngời trên đây, còn có biết bao người con trung dũng khác của quê hương đã chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, trở thành niềm tự hào của các thế hệ nối tiếp (Có một thời để nhớ, 45 năm nỗi đau chưa dứt tự hào chưa phai, Chiếc cơi trầu của ngoại, Lễ mừng thọ 373)… Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, biết bao đồng bào, đồng chí còn nêu tấm gương sáng giữa đời thường như dũng sỹ diệt Mỹ Lê Đức Phong (Gặp lại người dũng sỹ năm xưa). Ta cũng cảm thấy lòng mình quặn đau khi đất nước đã hưởng hòa bình mấy chục năm nhưng nhiều người, nhiều gia đình trông ngóng mãi mà người thân của họ vẫn không về và không một dòng tin tức.
Bên cạnh việc tưởng nhớ, tri ân các thế hệ đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, qua các trang viết của Trần Đôn, ta bắt gặp hình ảnh cuộc sống mới tươi đẹp hiện lên đầy sinh động ( Khu phố vào xuân, Cây đa, Mười lăm năm ấy)…, đồng thời thêm tin yêu vào sự tiếp nối truyền thống cha ông của thế hệ hôm nay từ những câu chuyện đáng yêu (Lời hẹn 45 năm, Hai thế hệ một hành trình, Họ như một gia đình, Quyết tâm xây dựng lại quê hương)…
Tuy nhiên, với bản lĩnh nghề nghiệp dày dạn cùng ý thức trách nhiệm cao cả và tấm lòng nhân hậu sâu sắc, tác giả không nhìn nhận hiện thực cuộc sống một cách xuôi chiều. Lòng ta cảm thấy xót xa biết bao khi đọc các câu chuyện nói về nỗi thiệt thòi, oan khuất trong chiến tranh, như chuyện những người thực sự có công với nước, bị địch bắt và tra khảo, tù đày hết sức dã man vẫn một mực giữ vững ý chí chiến đấu nhưng đến mãi bây giờ vẫn chưa được công nhận, và oái oăn thay, nguyên nhân là do họ không biết cách chạy vạy (Chạy dở). Bên cạnh đó là bao điều xảy ra trong cuộc sống làm những người khác cảm thấy khó chịu, phải kêu trời (Quảng cáo trời ơi!, “Điện thoại… trời ơi!), hay các mối quan hệ xã hội, những câu chuyện thế thái nhân tình đáng suy ngẫm, trăn trở, băn khoăn.
Ở phần truyện ngắn, qua ngòi bút sắc bén của mình, tác giả đã khắc họa nhiều bức tranh sinh động về mặt trái của cuộc sống như chuyện bất hạnh xảy ra giữa các thế hệ trong một gia đình vì đất (Đất ơi); chuyện nhân cách thiếu trong sáng, chuẩn mực của một người có chức có quyền (Sốc); chuyện về mánh khóe của những người muốn leo cao trên con đường danh vọng, quyền lực (Đẻ bộc điều, Độ lượng) hay mối quan hệ đầy toan tính giữa thủ trưởng cơ quan và người kế toán (Độ lượng).
Trong bức tranh của hiện thực xã hội được Trần Đôn phản ảnh và khái quát một cách sinh động, phong phú qua tác phẩm của ông, phần tiểu phẩm có thể được xem là những câu chuyện có đời sống rất riêng, tạo ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Với sự phê phán nghiêm túc, đúng mực, đôi khi có phần tếu táo nhưng sâu sắc và đầy triết lý nhân văn, tác giả đã lột tả bản chất các sự việc. Nội dung được phản ảnh trong 10 tiểu phẩm không mới và không phải là những đại án kinh tế làm thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân hay những vụ việc tiêu cực lớn cần phải được đưa ngay lên đoạn đầu đài… mà “chỉ” là những “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng hậu quả và dư âm nó để lại không hề nhỏ. Đó là những lề thói làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, tạo nên những lực cản đối với bánh xe lịch sử. Nó như một loại dịch bệnh nguy hiểm nhưng bị những kẻ trong cuộc tìm cách che đậy, vì vậy nó càng nguy hiểm hơn, nhất là khi những căn bệnh ấy lại xảy ra trong bộ máy công quyền hay các tầng lớp “tinh hoa” của xã hội.
Tiểu phẩm Cuộc tranh luận giữa nhà quản lý và cái chỉ tiêu nói về nguồn gốc và hậu quả của bệnh thành tích, một trong những căn bệnh trầm kha của nhiều tổ chức trong xã hội từ trước đến nay. Tuy đã bị “điểm huyệt” nhiều lần nhưng xem ra nó chẳng những không giảm bớt mà nhiều lúc còn nặng nề thêm.
Thật ra, việc đề ra chỉ tiêu để thúc đẩy phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ ban đầu mang ý nghĩa tích cực, đem lại hiệu quả cao, trở thành thước đo lòng yêu nước của mỗi tổ chức, cá nhân, nhưng dần dần nó bị làm sai lệch, biến tướng và trở thành vấn nạn của xã hội.
Tiểu phẩm Cuộc trò chuyện giữa hai tấm bằng nói về vấn nạn trong học hành, thi cử. Nội dung câu chuyện lột tả cái sự thật kinh khủng của cả hai hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên (mà cụ thể là hình thức vừa học vừa làm). Đó là chuyện “bằng thật, học giả”, với hàng loạt biểu hiện sai trái: cắt xén chương trình; quay cóp, tự do sử dụng tài liệu một cách vô tội vạ trong thi cử; học hộ, thi hộ vv… Những người liên quan chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với hai loại bằng: bằng chính quy và bằng tại chức.  
Đảng ta đã khẳng định, cùng với khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, là con đường để “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vậy mà thực trạng của nền giáo dục quốc dân như trên thì biết tới lúc nào đất nước mới có thể “vươn ra biển lớn”? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh mãi tâm trí người đọc.
Ở tiểu phẩm Cuộc trò chuyện cùng Thánh Gióng, vị Thánh thuộc “tứ bất tử” khẳng định, nhờ “ăn thật nhiều cơm gạo của nhân dân”, Ngài “mới trở nên to lớn một cách thần kỳ” như thế. Ngài hiểu rất rõ rằng, nhân dân nuôi Ngài để Ngài giúp dân đánh giặc ngoại xâm. Hết giặc rồi, không ai ép buộc được nhưng Ngài quyết bay về trời, vì cảm thấy không còn lý do gì để ở lại.. Ngài cũng hiểu rõ, nhân dân phong Ngài làm Thánh không phải vì Ngài đánh thắng được giặc, mà chính là ở chỗ Ngài thắng được chính mình. Nếu Ngài ở lại, “không chừng ngày nay không có cái tên Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương gì đâu. Có khi còn bị nhân dân nguyền rủa, miệt thị”.
Trên thực tế, không thiếu những kẻ quyền cao chức trọng cho rằng, họ sinh ra phải được như thế. Từ đó, họ khinh thường, đè đầu, cưỡi cổ nhân dân, bắt mọi người phải cung phụng mình. Lại có những kẻ đã “hết thời” nhưng vẫn tham quyền cổ vị, cản trở sự thăng tiến của xã hội. Thiết nghĩ, những thông điệp từ câu chuyện trên đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với họ.
Giảm biên chế là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong một thời gian khá dài, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương hạ quyết tâm chính trị để thực hiện, nhưng công việc ở nhiều nơi xem ra không mấy suôn sẻ. Nguyên nhân chính là do “kẻ đáng giảm thì không được giảm, còn người làm được việc nếu giảm họ thì lấy ai thay thế”? Nhiều giải pháp đã được tiến hành, trong đó“có tuyển, có thử việc, có kiểm tra đánh giá nhưng chỉ không có một điều: Đó là sự trung thực”. Sự thật ấy đã được phản ảnh một cách rành rẽ trong tiểu phẩm Giảm ai?
Cuộc Phỏng vẩn cái phong bì cho biết, “công việc” của cái phong bì “vốn rất nhân đạo”, nhưng có những kẻ buộc nó phải làm điều ác. Nguyên nhân của sự thay đổi ấy đến từ việc chiếc phong bì bị lấy làm “bức bình phong che đậy cho những gửi gắm không nói thành lời của chủ”. Còn “những gửi gắm” ấy là gì, bản chất của nó như thế nào, thiết nghĩ không cần nói rõ, mọi người đều hiểu.
Với tiểu phẩm Phỏng vấn chai rượu, người đọc được dịp nghe nhắc tới đủ các loại rượu, trong đó “có một loại rượu rất lạ, không phải để uống mà là để biểu qua biểu lại, biểu tới biểu lui”. Tên của loại rượu này là “chất bôi trơn”, “ một trong những loại hàng “độc”, chỉ dành cho những kẻ không đàng hoàng sử dụng”. Oái oăm thay!
Tiểu phẩm Phỏng vấn chiếc xe công phản ảnh một thực tế nhiễu nhương khác: “Phận sự” của những chiếc xe công là để phục vụ việc công, nhưng thường bị các quan chức sử dụng vô tội vạ để phục vụ cho cá nhân và gia đình mình. Kết quả là tài sản Nhà nước nhanh chóng xuống cấp, phải thanh lý, ngân sách lại phải chi một khoản “khủng” để mua xe mới, còn các vị quan chức kia thì cứ việc tự do tự tại với cái “chủ nghĩa… cá nhân” của mình.
Không chỉ thế. Tiểu phẩm Phỏng vẩn Công tử Bạc Liêu phản ảnh một sự thật  đáng lên án ngàn lần: Tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân bị không ít “bậc vua chúa” thời nay xem như cỏ rác, sử dụng một cách bừa bãi nhằm thỏa mãn ý muốn cá nhân và lối sống thấp hèn của họ, đến Công tử Bạc Liêu cũng phải chào thua. Những việc tiêu cực ấy chúng ta đã từng nghe đâu đó nhưng qua cách xây dựng câu chuyện mang tính sáng tạo của tác giả, tiểu phẩm vẫn gây được sự thu hút đối với người đọc.
Tiểu phẩm Phỏng vấn ngược lại nói về “nghiệp” làm báo của một nhà báo nọ. Chuyện là “nhân ngày nhà báo, một bạn trẻ muốn học nghề của các nhà báo tiền bối nên thử làm cuộc phỏng vấn ngược”. Qua câu chuyện, tác giả đã phê phán mạnh mẽ quan điểm, thái độ, cách “hành nghề” đáng chê trách của một nhà báo vốn được xem là kỳ cựu, lẽ ra phải là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Đọc xong tác phẩm, người đọc không khỏi băn khoăn: Đây là câu chuyện (dù có thể không phổ biến) của nền báo chí nước nhà ư?.
Tiểu phẩm Rủ nhau bắt cọp ông Tân lấy cảm hứng từ một sự việc có thật xảy ra chính trên địa bàn tác giả sinh sống. Chuyện là một chủ một doanh nghiệp nuôi mấy con cọp và bị một số cơ quan, tổ chức kết tội, đòi tịch thu tiêu hủy, xử phạt, trong khi chính quyền địa phương xác nhận việc nuôi là đúng, có trình báo theo dõi hẳn hoi. Sự việc tạo nên dư luận lùm xùm, “một số bạn trẻ tìm cách hù dọa để bắt cọp của ông Tân về nuôi cho biết. Cuộc tranh luận của ba “bạn trẻ”
vô tình làm lộ diện một số bất cập của thể chế hành chính và công tác quản lý hành chính nhà nước hiện nay.
Bên cạnh tuyển tập trên đây, các tác phẩm văn xuôi khác của Trần Đôn (Dĩ An mà tôi biết và phần tạp văn trong Đi qua đại dịch) tiếp tục thể hiện tình yêu, niềm tự hào về truyền thống của quê hương đất nước, về cuộc sống mới, cùng bao dằn vặt, suy tư trước những hạn chế, tiêu cực trong xã hội.
Qua những trang viết của mình, Trần Đôn đã trải lòng trước những điều tốt đẹp diễn ra trong cuộc sống. Đó là nỗi “lo”, thực ra là niềm vui và hạnh phúc thầm kín nhưng to lớn của bậc ông bà trước lời nói, hành vi đáng yêu của những đứa cháu (Giống ông). Là câu chuyện “từ một hoài niệm về quá khứ, về người cha” đến niềm vui sống và hạnh phúc hôm nay (Hoài niệm và hiện thực). Là tấm lòng cao đẹp, xem “sự nghiệp trồng người như là một nhu cầu mãnh liệt”, từ đó, “bỏ lại đằng sau những hòa quang của quá khứ để toàn tâm lo cho lứa tuổi hồn nhiên trong sáng” của người nữ cán bộ đã nghỉ hưu vốn nổi tiếng một thời (Như một sự trở về). Là niềm vinh dự to lớn của những con người bình dị nhưng có cuộc đời cao đẹp, đã hiến dâng tất cả những gì quý giá nhất cho Tổ quốc (Trăm năm dễ có mấy người, Vẹn một đời người, Vướt vũ môn)…
Tác giả cũng đã phê phán và suy tư trước các biểu hiện tiêu cực, những mặt trái của cuộc sống với sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực và đầy tính nhân văn. Đó là chuyện một em bé vào siêu thị Vĩ Yên ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trộm hai quyển sách, bị nhân viên siêu thị bắt được, phạt “bằng cách trói căng hai tay và mang bảng: Tôi là người ăn trộm”, bị dư luận phản đối dữ dội, sau đó được giải quyết dứt điểm bằng sự vào cuộc của cơ quan pháp luật (Ai đáng trách hơn). Đó là sự thiếu nhân tính của bác bảo vệ, thầy hiệu trưởng và vị bác sỹ (Ba câu chuyện, một vấn đề). Đó còn là chuyện “những đứa trẻ đang lạc loài ở một tầng văn hóa thấp kém” (Ba vấn đề trong một câu chuyện); là việc “đáng thương và đáng trách”, “vì hiểu chưa thấu đáo mà họ giận nhau, trách nhau” xảy ra giữa những người trong một gia đình (Chưa tới); là sự lo lắng trước các hiện tượng đáng được lưu tâm (Công bằng và cào bằng); là niềm băn khoăn khi đứng trước các sự việc buộc phải suy nghĩ (Có phải là sự hy sinh)…
Có thể nói, văn xuôi là sở trường của Trần Đôn. Qua các sáng tác của mình, ông đã phản ánh một cách sinh động, phong phú bức tranh nhiều mặt của đời sống và  mổ xẻ những hạn chế, tiêu cực một cách rạch ròi, giúp người đọc nhận diện phải trái, đúng sai, bồi dưỡng cho họ – nhất là thế hệ trẻ – lòng yêu nước, thương người, tình yêu cuộc sống, giúp họ có thái độ, hành vi đúng đắn trước các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.
Trong quá trình sáng tác, Trần Đôn đã sử dụng hiệu quả sở trường và thế mạnh của mình – một nhà báo lão luyện đồng thời là nhà văn, nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc – và tạo được sự hài hòa giữa các phẩm chất ấy. Ông cũng luôn chủ động trong việc sử dụng các hình thức, thể loại văn học và các thủ pháp nghệ thuật. Trong tay tác giả, các thể ký, tản văn, tùy bút trở thành những phương tiện đầy linh hoạt ngợi ca cái đẹp, phê phán cái xấu một cách trực diện. Đối với những sự việc, những hiện tượng tiêu cực nổi cộm trong đời sống xã hội mang tính tế nhị, ông sử dụng tiếng cười nhẹ nhàng nhưng thâm thúy và sâu sắc của thể tiểu phẩm. Khi cần phản ảnh về chiều sâu, ông sử dụng thể loại truyện ngắn.
Ở mảng thơ, Trần Đôn đã bộc lộ khá đậm nét những rung cảm trước hiện thực cuộc sống. Với bao mất mát đau thương do cơn đại dịch gây ra, ông đã khắc họa bức tranh ảm đạm, thê lương của phố phường và nỗi xót xa trước sự ra đi của những người thân:
“Tiếng còi hú vang rền sáng tối
Đường phố không một bóng người qua
Ta muốn thắp nén hương tiễn vội
Đưa em về một cõi trời xa”
(Gần trong gang tấc mà bằng thiên thu)
Bằng sự quan sát tinh tế và trái tim giàu yêu thương, xúc động, Trần Đôn đã thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia trước tâm trạng của các em thơ trong ngày tết Trung Thu giữa mùa đại dịch:
“Bé ngồi đợi mãi trăng chưa đến
Mơ chiếc đèn trăng – mơ ước thôi
Chốt giăng ngang dọc – đành lỗi hẹn
Cô vy đánh cắp ánh trăng rồi”
(Lỡ hẹn trăng)
Với sự nỗ lực phi thường của mỗi người và cộng đồng xã hội, những ngày căng thẳng ấy rồi cũng đi qua. Tác giả đã diễn tả niềm vui qua những câu thơ bình dị nhưng chứa đựng cả một nỗi niềm sâu lắng:
“Đi qua đại dịch rồi
Ta thấy lòng khấp khởi
Tâm an nhiên tự tại
Cuộc sống nhẹ nhàng trôi”
(Đi qua đại dịch)
Nhưng niềm vui này vừa đến, nỗi buồn khác đã xuất hiện. Ông đau đớn, bối rối đến tột cùng trước căn bệnh của người vợ yêu dấu:
“Bà đang đau ở đâu
Trên đầu hay dưới bụng
Hay khắp cả thân mình
Nhìn bà nhăn mặt nén
Nhìn bà bặm môi kìm
Tôi bỗng lên huyết áp
Máu ngưng chảy về tim”
(Vợ bệnh)
Ông đau cùng nỗi đau của những bậc cha mẹ vì hoàn cảnh éo le đã phải rứt ruột bán con – một hiện tượng tưởng như không thể xảy ra trong cuộc sống hôm nay:
“Có nỗi đau nào,
Bằng đem con đi bán?
Thế chẳng đặng đừng
Oan nghiệp
Kiếp mẹ cha”
(Bán con)
Ông bàng hoàng trước “mảnh đời khốn khó” xuất hiện trước mắt mình (Em cõng trên vai nỗi buồn thân phận). Ông nhức nhối trước cảnh tượng những quan chức nhúng chàm lần lượt cùng nhau chịu hình phạt của pháp luật (Điệp khúc bắt).
Tháng Bảy, mùa báo hiếu, ông khắc khoải nhớ hình bóng và công ơn các bậc sinh thành (Hoa Vu lan). Với tấm lòng trọng nghĩa tình, ông không quên những lời tâm huyết của bậc đàn anh đi trước (Lời anh dặn). Một sáng Tân Uyên, ông bồi hồi nhớ những tên đất, tên người của chiến khu cách mạng năm xưa, cảm thấy lòng lâng lâng khi nhẩm đọc những câu thơ bất hủ của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Một thoáng Tự tình Châu Thới sơn, ngọn núi cao 82m so với mực nước biển ở phường Bình An, thành phố Dĩ An – di tích danh lam thắng cảnh quốc gia giữa  đồng bằng – ông đưa mắt nhìn về các vùng đất có lịch sử hào hùng xung quanh với niềm tự hào to lớn.
Đọc thơ Trần Đôn, có lúc ta chạnh lòng khi thấy nỗi buồn và ưu tư nhiều hơn niềm vui, nhưng rồi ta chợt nghĩ, đó cũng là một cách cảm nhận hiện thực của thi nhân, bởi bên cạnh rất nhiều niềm vui trong cuộc sống cần được ngợi ca, vẫn còn bao nỗi buồn đáng phải lưu tâm. Mặt khác, buồn cũng có hai loại: buồn tiêu cực, và buồn tích cực theo kiểu “Buồn ta ấy lửa đang nhen/ Buồn ta ấy rượu lên men say nồng” (Tố Hữu). Nỗi buồn Trần Đôn thuộc loại buồn thứ hai. Từ nỗi buồn ấy, người ta có thể tạo cho mình nội lực mạnh mẽ để vươn tới những giá trị cao đẹp.
Đọc văn thơ Trần Đôn, chúng ta có thể nắm bắt được hiện thực phong phú của cuộc sống và bồi dưỡng cho mình một nhân sinh quan đúng đắn, một thái độ chuẩn mực trước các vấn đề của xã hội. Cái quý nhất trong các tác phẩm của ông là tính chân thực, sức chiến đấu và tấm lòng cao đẹp của một nhà báo, nhà văn chân chính.  
4/12/2024
Nguyễn Quế
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...