Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Mảnh hồn quê thô mặc mà thiêng liêng trong "Vẽ nhớ" của Thanh Hoàng

Mảnh hồn quê thô mặc mà thiêng liêng
trong "Vẽ nhớ" của Thanh Hoàng

Tôi nhận được tập thơ đó ở một nơi mù sương, ngồi dưới hàng thùy dương ngắm hoa vàng mấy độ. Trời Đà Lạt ngày đông tháng giá vẫn quện hương mùa. Tôi đọc không “trật nhịp”.
Ấn tượng nội tâm đầu tiên với “Vẽ nhớ” là nét bút thấm đẫm hương quê vị quán. Giữ dìn, góp nhặt những động lay đời người nỗi lòng và tri âm thù tạc về kí ức bên những chốn lưu neo thân thiết của tuổi thơ đầy vị lá chanh, lá sả đượm trong những sợi tóc. “Vẽ nhớ” vẽ ra một thời/ không gian nhiều nhịp “lỡ”, nhiều những nhớ/ quên, quyện trong “mùi sữa thơm nồng”. Nhưng chẳng quên được cái đói nghèo tạo tác hồn thơ đóng cặn u bần: “Cái nghèo buộc con biết mặc niệm về hướng núi”.
Thanh thoát, nhẹ nhàng, trầm tư, ưu nhã nhưng nhiều nỗi “bồn chồn”: Nỗi bồn chồn mang tên Thanh Hoàng. Tâm sự lòng riêng của một hồn thơ chọn vị trí kẻ làm “con” để tạo tác cái đẹp “nén đau”: “Cắm đũa thay nhang” gọi cha; trong “mê cung cung những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt mẹ”; hay phút giây “lật cửa sổ đề thơ cho hoa cho bướm” ghé nghe, đón nhìn,… Mẹ, cha, thầy cô, tâm hồn xa xứ,… tất cả đều “sướt mướt” giọt lệ nhân sinh nhưng tiếng thơ đồng vọng “ủi an” những phận đời, kiếp người đã sống được qua những tang tóc, những mục rỗng, giòn xốp, gánh ghì số phận, dọc đường đất nước chôn những “Cuống rốn” nỗi “trốn chạy ngang trời”.
Bọc sau lớp lang làng quê thanh bình yên ả, bờ tre mái rạ và những ngày tuổi thơ cắp sách tới trường là “vết sẹo dấu đuôi trâu”. Là những gấp gáp, bức bối trốn tìm danh phận, mưu cầu đói no để một đôi lần được ngược đò “Đà Nẵng, Sài Gòn rủ nhau bốc vé” tìm về quê mẹ, trải ra trăm nhớ ngàn thương. Là một khung cảnh của dấu vết nỗi nhớ những tưởng lặng lẽ, mong manh mà rung rinh, cựa quậy dòng nhựa sống giữa chính tâm hồn đang lên sắc lên thì “Trong biếc suối đầu nguồn”. Phác thảo “Vẽ nhớ” đẹp “Như tình ta thưở ấy” bởi nhặt gom những “bình minh trong mưa”, chắt chiu nồng đượm để son sắt thủy chung với hiếu, tình và cả “nỗi thương mình”: “Mơ xứ người dẫu một mái nhà tranh/ Hai trái tim quê đã nhạt màu xóm trọ”. Những dòng thơ không phô diễn tính học thuật hay ý thức tĩnh lược câu từ để ra cái thô mạc, lối kể chuyện đủ tâm tình và thấm đau: “Chim dồng dộc xây nhà gửi con lời khiêu khích/ Con rón rén rời làng trăng xuyên vách gió”.
Giăng bày trong thơ là thói quê nếp cũ, những yên vui lặng lẽ, những nhịp đời thâm trầm, những loại/ hạng người bám neo nơi đồng xanh, quánh vắng. Họ mới thai sinh “Đã biết cúi rạp mình né đạn bom”. Và rồi tất cả những góp nhặt sống sượng nơi những luống cày, bùn cát ngô khoai đã tạo nên một duyên thơ, duyên quê đẹp đẽ, thật thô mộc, thân quen rồi đến suồng sã “Tau- mày”. Và thật đắng đót chẳng mấy ngọt lành, thơm tho…Thơ mở cánh cửa lòng ăn bắt vào thế giới của tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, dạt dào yêu thương, trân trọng, thao thiết. Cuộc gặp gỡ xôn xao, dồn đọng, xót xa giữa người và quá khứ. Một ánh nhìn trìu mến đón lấy kí ức, nỗi nhớ giao hòa, quấn thít, phập phồng chìm lặn. Tình quê chứa chan và nỗi bồn chồn xa xứ quyện bện, tôn bồi và vun đắp cho nhau. Trước cái đau thương của đất nghèo, những phận bọt bèo trôi nổi là một tấm lòng dịu dàng, biết nâng niu, giàu chở che sẽ trở về thắm lại cô quán. Vẫn “nhớ quê mùi em thơm”. Dẫu đã cán đứt tình xưa nghĩa cũ để: “Tình tang, ôi tình tan/Ta bỏ làng đi biệt/ Mùi trâu còn mãi miết”. Rồi đã chênh chao, lỡ nhịp vì cánh hoa rung rinh, mơn mởn ban mai để “Rót mời em chén thơ” bao thổn thức một thời.
Chuyện quá khứ, nhớ thương nằm trong chuyện người đau. Chuyện về những khúc ngoặt, rẻ ngang cho bao cảnh cũ, người xa, những bứt lìa, mong mỏi. Thơ đã chạm khảm một nỗi tê buốt, rục rỗng tâm can kẻ “Nhón chân hóng cội nguồn/ Nhau con chôn ở đầu chuông nẩy chồi”. Nỗi nhớ trên những bức vẽ thẩm ướt ăn ngấm dần lâu làm thân thêm bấy trần, mong manh chẳng đặng ngăn nổi cơn dâng ứa tàn tích để lại. Khóc cho một sự nên duyên mình có dịp hạnh ngộ, vội nắm tay nơi bờ dậu, bụi chuối rồi thân đày biệt xứ: “Cây tình toàn trái trái ngang trĩu mùa”.
Vẽ mẹ, quê, tình thầy, nghĩa trò rồi tác giả vẽ mình với “giọt lặng thinh” sao bao thập kỉ phong trần/ nông sâu trâng trối trần ai… Những giọt lệ đã thôi ngưng giờ ủ rũ cay mắt mọng mi. Vẽ mình đã quên hết chuyện đời chỉ còn nhớ mẹ duy nhất. Vẽ mình đinh găm đậm đầy gót giày nhân sinh. Vẽ mình “Hóa Trang” thành “nước mắt, nụ cười” để hiểu đời mẹ “ngày cũng như đêm/ rất dài”. Vẽ mình tốt bụng lòng chẳng tỵ hiềm: “Ganh sao được với đứa/ Xưa vốn nghèo như mình”. Vẽ mình hòa vào chính nhánh sông, thảo thơm bất tận những tấm lòng…
“Vẽ nhớ” là tiếng khóc của người thả gánh vẫn ôm mang, cho người níu giữ những điều vương sót nơi vú mẹ “Dẫn đường tôm tép vào dòng sữa thơm”. Điều chi khiến con người không thể lau xóa những “vết sẹo dấu đuôi trâu” dẫu đã nếm trải bao nhọc nhằn tha phương vẫn không thoát nổi nỗi sợ “ánh mắt mẹ buồn”. Cái “tự vuốt mắt” xiết thấu oan khiên, nhói buốt nỗi tồn tục, dáng lưng chừng “ly nghiêng”, hương nửa đời tuổi trẻ bên quê mẹ như “khói mây” vẫn dợn dạo trong tâm trí không “dây” nào thể neo buộc… Hình ảnh mẹ cố cự “níu núi rừng” mà “chắn gió bão để đừng lạnh con. Nhưng ai che chắn ngọn bấc để ngọn đèn mẹ gieo leo trước gió khỏi nỗi niềm hiu hắt? Hồn thơ đó đã dùng cả “tâm cơ” để chăm chút, tạo dựng vườn “Rằm” tỏa bóng hương người sau bao nhịp thổn thức, bâng khuâng một cõi riêng nhớ nằm trong dấu ngoặc để chú mục sự tha mang tình hiếu tử “(chắc cha mẹ mau quên nên chẳng một lần đòi).
Bức vẽ cuối cùng về nghĩa vợ tình chồng. Vẽ gia đình mái nhà nghiêng nghe mưa nắng. Vẽ lẽ ghét thương, trách “phận trai chìm nổi” thương phận gái tựa nương bên người chồng tiền đồ lúc nào cũng “xuống chó”. Giờ đã qua đi cái thời mạt rệp. Giọng thơ trở lại cái dân dã với phong cách sinh hoạt đời thường, lấy hình ảnh đề huề con cháu, vun vén niềm vui trên đôi bàn tay rưng rưng đặt vào chiếc nhẫn cưới lại từ đầu…Có chút “ngập ngừng”, “thẹn thùng” phảng phất trên thềm nhớ”.
27/12/2024
Tuấn Trần
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...