Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Tâm tình nữ sĩ "Mắc nợ quê hương"

Tâm tình nữ sĩ
"Mắc nợ quê hương"

Đọc Bài thơ Quê hương của Nông Thị Ngọc Hòa
Quê hương
Quê hương hiện trong lời cha tôi kể
Những hội xuân thuở ấy đã xa rồi
Áo chàm mới long lanh vòng bạc trắng
Câu “lượn” nào ngọt mãi ở đầu môi
Quê hương hiện trong lời cha tôi kể
Khi trăng về, cối nước giã gạo đêm
Tiếng đàn tính nhắn ai lời thủ thỉ
Suối rì rào tha thiết khúc dịu êm
Quê hương hiện trong lời cha tôi kể
Những hoàng hôn lốc cốc mõ trâu về
Núi trầm mặc uy nghi như cổ tích
Má ai hồng so sánh với câu “sli”
Tôi sinh ra nơi xứ người đất khách
Cả núm nhau không chôn ở quê nhà
Chỉ biết có một khoảng trời xa cách
Nơi cồn cào khắc khoải nỗi lòng cha
Cha tôi kể bao điều tôi vẫn nhớ
Gợi trong tim đau đáu một tình thương
Đã lâu lắm tôi không về thăm lại
Nửa cuộc đời tôi mắc nợ quê hương
(Nông Thị Ngọc Hòa – Trích tập Lời của lá)
Trong mỗi người, hai tiếng quê hương vang lên, khi âm thầm, khi thành tiếng và thường gắn với cảm xúc trân quý, trân trọng, yêu thương. Với Giang Nam nhớ quê là nhớ hình ảnh “Quê hương tôi có con sông xanh biếc”, với Đỗ Trung Quân thì “Quê hương là chùm khế ngọt”… còn với nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa, là bài thơ “Quê hương”. Đây chính là thi phẩm đã được nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 và Giải A, Giải thưởng 5 năm của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ (2000-2005).
Bài thơ có 5 khổ thơ thì 3 khổ đầu bắt đầu bằng câu “Quê hương hiện trong lời cha tôi kể” khiến độc giả hình dung nhà thơ luôn luôn là đứa trẻ trong đầm ấm tình Cha, trong những câu chuyện kể có hình ảnh quê hương yêu dấu hiện về trong hoài niệm, trong hình dung, trong tưởng tượng và cảm nhận. Hoài niệm về “hội xuân” thuở xa xưa. “Xa rồi” về thời gian, xa rồi cả về không gian nữa, nhưng đậm nét trong lòng tác giả vẫn là những ánh sắc, những âm thanh ngọt thắm tình người
Áo chàm mới long lanh vòng bạc trắng
Câu “lượn” nào ngọt mãi ở đầu môi
Hát lượn là một làn điệu dân ca của người Tày. Hiểu theo nghĩa rộng, hát lượn chỉ toàn bộ kho tàng dân ca người Tày, bao gồm cả then (lượn then), hát đám cưới (lượn quan làng), phuốc pác (lượn phuốc pác) và phong sư (lượn phong sư). Hiểu theo nghĩa hẹp, hát lượn chỉ là những điệu hát giao duyên chỉ riêng của người Tày, thường là hát đối đáp nam nữ. Hội xuân là áo chàm mới xanh sắc núi rừng, là vòng bạc trắng lấp lánh nơi cổ, nơi tay người con gái. Trong trang phục mới, súng sính sắc xuân, nam nữ thanh tân hát lượn trao duyên. Câu hát ngọt mãi ở đầu môi là câu hát được chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang vị giác. Cảm nhận được vị ngọt này phải là người từng trải, phải là người yêu lắm quê hương và nét đẹp văn hóa quê hương.
Vì yêu lắm nét đẹp quê hương nên luôn luôn nhớ về hình ảnh “Khi trăng về, cối nước giã gạo đêm/ Tiếng đàn tính nhắn ai lời thủ thỉ/ Suối rì rào tha thiết khúc dịu êm”. Các từ láy thủ thỉ, rì rào, tha thiết góp phần đắc lực nhân lên tình yêu đối với quê hương của thi sỹ, bởi quê hương thật đẹp, thật ấm áp trong khung cảnh thanh bình, trong sự giản dị và mang đậm dấu ấn riêng có của Bắc Kạn thân thương.
Không chỉ vậy, quê hương còn là cảnh chiều chiều “Những hoàng hôn lốc cốc mõ trâu về/Núi trầm mặc uy nghi như cổ tích/Má ai hồng so sánh với câu “sli”.
Nếu hát lượn là câu hát giao duyên thì hát sli là hình thức hát thơ (chủ yếu là truyện thơ), được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam nữ, thường do một hoặc một vài đôi trai gái thể hiện trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới… Cuộc hát bắt đầu khi có người lĩnh xướng, giọng phải vang, trong và có khả năng ứng đối khéo léo, nhanh nhạy. Có phải vì đang còn dư âm cuộc hát đối đáp nam nữ nên “má ai hồng” e thẹn đến hoàng hôn?
Âm thanh của tiếng giã gạo đêm, của lời thủ thỉ qua tiếng đàn tính, tiếng suối rì rào đồng hiện cùng tiếng mõ trâu lốc cốc mỗi buổi chiều và dư âm câu hát lượn, hát sli văng vẳng khiến cho cảnh đẹp hiện diện như một bức tranh, mà tác giả của bức tranh ấy phải là một họa sỹ có tâm và có tầm. Là người Tày, am hiểu tập quán, nét đẹp văn hóa dân tộc Tày, lại được nghe Cha kể chuyện về quê hương nên nhà thơ đã tái hiện thật sống động, thật yêu thương về quê hương mình bằng những câu thơ mang phong cách riêng. Bức tranh đó có sắc màu, âm thanh và ánh sáng, tạo nên sự ấm áp, ấm áp như tình người đối với quê hương vậy.
Vâng, bởi tình người sâu nặng cho nên người con gái “ly hương” luôn đau đáu về cảnh quê, tình quê qua lời Cha kể và qua những lần trực tiếp về thăm.
Cha tôi kể bao điều tôi vẫn nhớ/Gợi trong tim đau đáu một tình thương/Đã lâu lắm tôi không về thăm lại/Nửa cuộc đời tôi mắc nợ quê hương.
Đau đáu khắc khoải của Cha đã truyền lại cho con gái, như thể nỗi niềm Cha cũng là nỗi niềm Con vậy!
Mắc nợ quê hương là nợ ân tình! tâm lý này mang tính phổ quát, tính đại diện, là nhà thơ nói hộ nỗi lòng bao người khác có cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, không phải ai xa quê cũng nhận ra mình mắc nợ, và không phải người mắc nợ nào cũng canh cánh bên lòng như nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa.
Trả nợ vật chất dễ hơn trả nợ phi vật chất. Nó là món nợ vô hình nhưng nếu ai ý thức sâu về nó thì tâm hồn sẽ được thanh lọc qua lăng kính quê hương để trở nên trong trẻo hơn! Và nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa đã làm được điều đó. Bởi thế, dễ hiểu vì sao thơ chị được nhiều công chúng mến mộ.
Bài thơ Quê hương với giọng điệu ngọt ngào, tha thiết, với cách sử dụng từ ngữ giản dị, sử dụng thi liệu mang đậm nét núi rừng đã chuyển tải thành công tâm sự của người con gái xa quê nhưng luôn hướng về quê hương với tình cảm ấm nồng, tha thiết. Bắc Kạn tự hào có một người con là nhà thơ nổi danh trên thi đàn và chắc hẳn nhà thơ Nông Thi Ngọc Hòa cũng tự hào, kiêu hãnh khi mình được là người Tày của quê hương Bắc Kạn. Và tôi, với tư cách độc giả, biết ơn cả nhà thơ và cả quê hương của chị, bởi mình được thưởng thức một thi phẩm ngọt thắm yêu thương, bởi mình tìm thấy mình trong đó, thấy “mắc nợ quê hương” để ý thức sâu hơn về việc cần làm gì có ích góp phần xây dựng quê hương đẹp giàu.
24/12/2024
Đỗ Nguyên Thương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...