Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Đọc "Mùa xuân xanh" nhớ "Mùa xuân chín"

Đọc "Mùa xuân xanh"
nhớ "Mùa xuân chín"

Mùa xuân của thiên nhiên cứ theo quy luật tạo hóa mà đi và đến. Mùa xuân của lòng người lại theo nhịp đập của trái tim tình yêu và tuổi trẻ, ước mơ và khát vọng. Mùa xuân của một dân tộc là cái bản lề nối liền những thắng lợi của năm cũ với năm mới sau 365 ngày. Nhà thơ Nguyễn Bính chào đời và ra đi đều vào mùa xuân. Từ sáng 30 Tết năm Ất Tỵ (20/1/1966) nhà thơ đã vĩnh biệt thế giới này về miền mây trắng. Còn nhà thơ Hàn Mặc Tử, tuy hơn Nguyễn Bính 6 tuổi, nhưng cũng đã lên tiên từ mùa đông năm Canh Thìn  (11/11/1940). Hai nhà thơ ở hai phương trời xa lạ nhưng cảm xúc về mùa xuân lại có nét tương đồng. Cả hai thi sĩ đều nhìn mùa xuân như một trái cây ngọt lành đang chuyển từ xanh đến chín. Hàn Mặc Tử có cả một tập Xuân như ý với mấy chục bài thơ xuân. Nguyễn Bính lại có Mưa xuân, Xuân về, Thơ xuân, Xuân tha hương, Xuân nhớ miền Nam…
Với mùa xuân này, tôi muốn quay về hơn nửa thế kỷ trước để tận hưởng “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính. Bài thơ “Mùa xuân xanh” được in năm 1937 trong tập “Một nghìn cửa sổ”,  và bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử cùng in năm 1937 trong tập “Nắng xuân”. Nguyễn Bính chân quê, dân dã. Hàn Mặc Tử tài hoa, bất hạnh.
Cảm nhận về mùa xuân của Nguyễn Bính “Bắt đầu là cái thắt lưng xanh” của một cô gái vừa ra khỏi lũy tre làng. Đó là tứ thơ mộc mạc, gần gũi mà không phải thi sĩ nào cũng phát hiện ra. Từ cái màu xanh đầy hơi ấm của sức trẻ ấy, tầng liên tưởng được mở rộng:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng quanh.
Một màu xanh bát ngát, tràn ngập như vây quanh ta. Trên trời cao mây xanh, dưới mặt đất lúa xanh. Cỏ cây, lá cành đều xanh. Màu xanh quấn quít, nhiều tầng, nhiều lớp được diễn tả bởi câu thơ vắt dòng: “Lúa ở đồng tôi và luá ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng quanh”. Bốn câu thơ mà có tới năm từ “ở”, làm màu xanh của mùa xuân hiển hiện rõ nét ở giời, ở lá, ở cành, ở đồng nàng, ở đồng tôi, ở đồng quanh. Nhìn phương nào ta cũng bắt gặp một màu xanh bát ngát đến vô tận. Mùa xuân có tiết thanh minh trong sáng, thường vào cỡ tháng ba âm lịch. Cỏ non như chờ đợi xuân đến, chờ tình yêu của đất trời ban tặng:
Cỏ nằm  trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
Mùa xuân là mùa của tình yêu. Chẳng thế mà Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong ngày hội Đạp thanh của tiết thanh minh với  “Cỏ non xanh tận chân trời”. Cỏ cây hoa lá, lòng người đều háo hức đón xuân. Chàng trai mới ước đó mà cô gái đã xuất hiện: “Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Hóa ra mùa xuân không ở đâu xa, không đợi con tạo xoay vần, mà mùa xuân đồng nghĩa với tình yêu. Màu xanh của chiếc thắt lưng cô gái là biểu tượng của màu tình yêu. Nó là cái màu của thời gian, màu của hy vọng tuổi trẻ. Nguyễn Bính rất ưa dùng màu xanh trong thơ. Ở bài Xanh  (1951) ông cũng đã để cho màu xanh chen lấn với cảnh và người:
Xanh cây, xanh cỏ, xanh trời
Xanh rừng, xanh núi, da giời cũng xanh
Áo chàm cô Mán thanh thanh
Mắt xanh biêng biếc một mình tương tư.
Mùa xuân ở phía Bắc mang nét đặc trưng riêng. Còn ở phía Nam thì bốn mùa không phân biệt rõ, mà ta chỉ thấy hai mùa mưa nắng tiếp nhau. Cũng mùa xuân 1937 ấy, Hàn Mặc Tử đang ở Qui Nhơn, ông hỏi xuân “Ngoài kia xuân đến thắm duyên chưa/ Trời ở trong đây chẳng có mùa”. Sau ngày giải phóng miền Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên ngồi giữa Sài Gòn cũng  muốn gói nắng vàng rực rỡ gởi ra ngoài Bắc cho em: “Anh ở trong này không thấy mùa Đông/ Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh trong như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam”. Có lẽ nhìn ánh nắng vàng chan hòa ấy mà Hàn Mặc Tử mới tưởng tượng ra là “Mùa xuân chín”:
 Trong làn nắng ửng khói mơ tan
 Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
 Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
 Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
 Mùa xuân của Hàn Mặc Tử lại gắn với màu vàng tràn đầy nơi thôn dã, thật thơ mộng và đáng yêu. Lòng người, lòng xuân bừng nở, hân hoan, ngân vang và tỏa hương sắc với đất trời. Một buổi mai có nắng nhẹ lơ lững làm tan màn sương khói mờ ảo. Nắng xuân như rắc vàng lấm tấm lên cảnh vật, lên mái nhà tranh. Gió xuân vô tình hay hữu ý trêu tà áo biếc của cô gái. Và bóng hình mùa xuân đã làm giàn thiên lý đẹp hơn. Nhà thơ nói bóng xuân sang, nghĩa là mùa xuân mới bắt đầu chớm tới. Thi sĩ đi từ những hình ảnh cụ thể của nắng, khói, sương, gió của giàn thiên lý để chào nàng xuân. Còn Nguyễn Bính đi từ khái quát: “Mùa xuân là cả một mùa xanh” đến các chi tiết cụ thể. Các cô gái của Hàn Mặc Tử trong “Mùa xuân chín” hiện lên như sờ thấy được, chứ không như cô gái e lệ, thấp thoáng sau lũy tre làng trong “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính, chỉ ló ra cái thắt lưng xanh. Trên cái nền xanh của cỏ gợn tới trời, các cô thôn nữ đùa vui hồn nhiên, nhí nhảnh và pha một chút tinh nghịch, dí dỏm:
 Sóng cỏ xanh tươi gợi tới trời
 Bao cô thôn nữ hát trên đồi
  – Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
  Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
 Đang vui xum họp, các cô đã nghĩ tới sự xa cách của cái ngày mai ấy. Tiếng hát du xuân như chững lại, như ngậm ngùi khi cuộc vui đến hồi kết thúc. Tuổi trẻ rồi sẽ trôi qua như “đời người không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Các cô thôn nữ vui hết mình, vui bất tận. Ta như nghe rõ từng tiếng ca vắt vẻo tiếng thở hổn hển, tiếng tâm sự thầm thĩ bên những khóm trúc. Theo nhịp đập của con tim, từng đôi trai gái đang đắm đuối, tận hưởng mùa xuân. Trong thơ hiện đại Việt Nam, hiếm có những khổ thơ đẹp như thế. Một loạt từ láy gợi âm, gợi hình càng làm sống động hơn bức tranh xuân tràn trề sức trẻ. Lúc này Hàn Mặc Tử đang ở trong nhà thương Quy Hòa, nhưng hồn thở vẫn thả theo gió mây, theo tiếng ca xuân để viết nên những dòng tuyệt bút. Trở về với thực tại cay đắng của số phận, ông ôm một mối sầu buồn: nhớ quê, nhớ làng, nhớ tới một mối tình không thành:
  Khách xa gặp lúc mùa xuân đến     
 Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
  – Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Nhân vật trữ tình đến đây có sự đổi vai. Từ cô thôn nữ tới có kẻ rồi tới  ai,  và sau cùng là chị ấy. Chị ấy là ai ta không cần biết. Đó có thể là một Mộng Cầm, hay một Hoàng Cúc chăng? Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả như nhà thơ đã viết trong “Đây thôn Vĩ Dạ”: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”. Với “Mùa xuân chín”  hình bóng người con gái ấy tưởng như xa vời nhưng lại rất gần gũi thân thương. Nhà thơ vẫn tôn thờ người tình trong tâm tưởng và nâng lên ở mức cung kính qua cách xưng chị ấy, để rồi vĩnh viễn lìa xa. Câu thơ cuối cùng khép lại ý tưởng mà âm hưởng cứ lan toả với vần điệu quấn quít được chứa đựng trong một câu hỏi tu từ: “Chị ấy năm này còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”.
Ngày xuân đọc lại hai bài thơ xuân của nhà thơ Nguyễn Bính và nhà thơ Hàn Mặc Tử ta như được thả hồn mình về với một miền quê yên vui thanh bình, chan hòa sắc màu tươi mát để lắng nghe những âm thanh rộn rã và hít thở hương đồng gió nội của mùa xuân xanh –  mùa xuân chín, của làn nắng ửng: khói mơ tan…. Hai bài thơ như có ma lực ám ảnh ta mãi mãi. Nó chứa chan nhựa sống của mùa xuân và tuổi trẻ, của tình yêu và hy vọng.
9/1/2025
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...