Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

"Gieo nhân" trên "Phù sa văn hóa" cho đặng "Nở hoa bốn mùa"

"Gieo nhân" trên "Phù sa văn hóa"
cho đặng "Nở hoa bốn mùa"

(Một cách “đọc” tác phẩm “Linh đinh tình phù sa” của Nhà văn Tống Phước Bảo từ góc độ văn hóa)
Thực ra, Linh đinh tình phù sa không chỉ là những câu chuyện viết về dòng sông, những tồn tại và đẹp đẽ nơi bến quê, quánh vắng… Song khi gấp trang sách lại trong kí ức tôi lưu cữu là sóng sánh dòng nước và phù sa, “giấc mộng đẹp” về một/ những số phận lưu neo nơi sông, lấp lánh sự sống. Nhưng nhức khối tình đời, tình người… đậm đà, thấm đượm một cõi/ vùng văn hóa xứ sở.
Chân dung con người hiện lên với nhiều thân phận, tâm sự, nỗi niềm mà thân phận đáng kể nhất là phận người nỗ lực đấu tranh để “định danh” mình cho đúng. Nhân vật thường được mô tả, khắc họa trong mối quan hệ thân tộc, thân tộc lâm thời (Vú, Má Năm…) đặc biệt là trong quan hệ gia đình, và từ những suy nghĩ cùng lối sống, cách vượt qua nghịch cảnh, tình ái quốc qua những kí ức “bom đạn” cũng như kể chuyện văn hóa, truyền thống, những làng nghề và tiếng vọng cổ… bằng cách riêng, nhà văn đã khái quát nên nhiều vấn đề phức tạp của đời sống hiện tại: Đó là câu chuyện của những người đồng tính và gánh hát Loto, đặt ra vấn đề “giới”, tiếng nói nhân đạo trong nhận thức “giới”; những chọn lựa, mất mát, đổ vỡ và hi sinh để chứng minh mình; là câu chuyện về nỗi lòng của những người già về lưu giữ nét đẹp cổ truyền, và triết lý nhân sinh về đời như dòng trôi…; là những kẻ rời đi tìm miền đất mới, đi học lấy con chữ và chẳng muốn trở về; là câu chuyện về những day dứt, trăn trở của người trong cuộc về cách sống, cách hành xử để cho trọn tình người sông nước. Thân mệnh và thiên mệnh, thiên nhiên và con người nhất thể, quấn quyện máu mủ qua lối kiến tạo bối cảnh không gian và cách hành văn dùng dằng, dăng tỏa, tạo cảm giác “lễnh đễnh” như lục bình trên sông.
Những kiếp người dùng tình người để “dưỡng nuôi” nhau vượt khổ.  Không dữ dội bộc lộ những rạn vỡ, nứt gãy… không phô diễn diện mạo đầy bất trắc, với bao vấn nạn và sự xuống cấp đáng sợ về mặt đạo đức cũng như nhân tính như những cây bút đương đại đang lưu ý. Văn chương Tống Phước Bảo vẫn là bản thể đầy nhân văn, giàu văn hóa, những nối kết, tiếp nối, vương lại tình cảm, tri ân giữa những thế hệ.
Bỏ qua các yếu tố, chi tiết trần thuật thông thường, giọng kể chuyện trong tác phẩm Linh đinh tình phù sa với hệ ẩn dụ dày đặc, lối tự sự nhiều “đoản cú” và điểm nhìn nhân văn, sáng tỏ, tế vi vào chiều sâu số phận con người. Cái cách dùng ngôn ngữ gắn thiết chuẩn mực với không gian văn hóa, thiết lập hệ thống từ tượng hình, tượng thanh và thanh trắc để lên khung chữ nghĩa tạo cảm giác chùng – căng, cô nén nhằm khoét xoáy nỗi “lênh đênh” phận người mà người đọc lại thấy được rõ trong những số phận cái phi thường của nghị lực và khát khao được tồn tại đẹp đẽ.
Những kiếp sống nhiều bi kịch, mất mát nhưng không hề mang lại cảm giác của sự “tuyệt vọng”, lay lắt, vương vãi… Những con người luôn biết vun tém, lượm lặt yêu thương để cuộc sống có nâng niu, thưởng thức. Không hẳn bị cương tỏa, yếm thế trong những nỗi đau thân phận. Đó là “hoa nở bốn mùa” bởi người gieo “nhân” trên phù sa đỏ.
Văn chương Tống Phước Bảo ăn bắt, bám riết lấy chân đời, ôm ấp, quyến luyến những phận người. Hình tượng “Má/ ngoại” được khắc họa với sứ mệnh “bảo vệ” niềm tin, tinh thần bất diệt, và sự yêu thương chân tín tuyệt đối, luôn xuất hiện đúng lúc để làm dịu đi cái nhức nhối, đa sự ở đời.
Không gian nghệ thuật trong văn là những cù lao, những bãi bồi ven sông, những câu vọng cổ, lục bình, xe đò, ghe bẹo, ễnh ương, bìm bịp gọi mùa…Không gian luôn thách thức cực đại con người: Bởi những phèn chua, đất mặn, đời ghe bẹo lang bạt, hạn mặn xâm thực…Cùng với những má, tía, “chị em bóng gió”… Tiếng khóc của những thân mệnh “dạt trôi” họa vào tiếng “đờn lòng” của những bàn tay sáng tạo văn hóa cũng như tiếng “đàn trời” “trùng trùng sóng nước bưng biền”. Gánh hát LôTô (biểu tượng nét đẹp văn hóa trẻ) gắn liền với sự “chát chúa” của những kiếp sống “không bình thường”, “oằn oại” đi tìm chính mình khi xác và hồn chưa được nhất thể.
Trong “Như lục bình trôi” nhà văn đã phơi trải ra bi kịch đang nhức nhối của thời đại, vì lẽ đó Tống Phước Bảo đã ăn sâu vào vỉa tầng đời sống hôm nay, và chú mục, để tâm với tấm lòng nhân văn sâu sắc cho “nỗi đau đương đại”. Cái nhìn của Tống Phước Bảo với vấn đề “giới” như muốn gửi tới một thông điệp về “sống đẹp”, về hạnh phúc là được thể hiện theo “sở ái” của mình. Đấu tranh đến cùng cho những “phút giây huy hoàng” được đốt cháy rực sự tự do trong tư tưởng. Tâm hồn mới chính là con người thực thụ của chúng ta.
Nhân vật Dũng/ Diễm là điển hình của bộ phận không nhỏ những số phận đang khát khao được sống với “nhân cách” thực sự của mình chứ không hẳn là chôn dấu, yếm trá trong một thể xác “phi trọng tính”: không nữ cũng chẳng nam.
Những dòng tự sự thấm đẫm, đau nhói, cái nhìn trực diện, róng riết vào cõi tinh thần và khát khao chính đáng của con người đang bị hiện thực đời sống chối bỏ một cách tàn nhẫn/ đứt khoát. Đến nỗi tưởng cái lựa lọc tự nhiên đó là “bệnh hoạn”, là “ma dẫn lối quỷ đưa đường”. Để dùng phù phép mà đọa đày “người con”.
Những đớn đau, chà đạp, phụ rẫy về thể xác lẫn tâm hồn cũng không thể ngăn nổi một con người đi tìm chân lý, sự thật. Dũng/ Diễm là hiện thân của những “thiên thần” được thượng đế gửi xuống nhân gian để “hòa phối” đặng cân đối về tình trạng mất thăng bằng tỉ lệ nam- nữ. Và từ cái khát vọng cứu chuộc, khát vọng được sống thật đó, một hình hài văn hóa ra đời ở phương Nam: “Văn hóa hội chợ” _ nơi dìu nâng, ôm mang và nơi để “nghệ thuật” cũng như chân lý, lẽ sống được ngợi ca… Suy cho cùng cuộc đời là một màn đấu đá hạnh phúc. Muốn hạnh phúc con người phải không ngừng “nỗ lực sống sót”.
Việc đánh số từng đoạn/ khúc để phân cắt rạch ròi các chặng đường/ hành trình đi tìm mình đầy truân chuyên, chìm nổi, thăng giáng của nhân vật chính. Như cố tình “phá vỡ” cấu trúc kể chuyện thông thường là “nổ lực” để luôn “khác” ngay cả cách thức thể hiện, thực hành văn bản nghệ thuật cho sáng tạo. Đồng thời tạo ra những “thước phim” đời, những thước phim phân mảnh tựa những biến đổi, đấu tranh, những cuộc “cách mệnh” làm người của nhân vật…
Mỗi đoạn văn vừa đủ đầy cho một khoảnh khắc sống với bao nhiêu oán giận, xót thương mà cuối cùng đều “nẩy nở” cái khát vọng sống chân chính và mãnh liệt. Văn chương Tống Phước Bảo giàu “tinh thần điện ảnh”, những “tập phim” chia nhỏ trong cái nguyên khối một đời đi tìm/ cầu được sống cho đáng sống.
Việc phân mảnh từng đoạn như phân khúc đoạn đời người đó cũng là cách để “nỗ lực” cắt nghĩa, lý giải về hành trình văn hóa, hành trình biến đổi, đấu tranh của con người, của một bộ phận người và một lớp người mong cầu được “chấp nhận”. Bớt đi cảm giác phù du, mong manh, trôi dạt bập bềnh của những kiếp sống như lục bình trên sông.
Văn hóa của vùng sông nước miền tây, những cù lao, bãi bồi, nếp sống, nếp nghĩ của con người được trần thuật tế vi. Điều này đã chứng minh cho tài bút quan sát và tạo tác của nhà văn. Họ đã sống với đất và hình thành nên suy nghĩ, tư duy từ ngàn đời. Trong họ hát lên những câu vọng cổ trên sông quê gọi về những con người đi xa. Họ thấu hiểu cái số phận long đong sông nước, thấm lắng cùng kiệt, rõ riệt mưa, nắng, mặn chát mưu sinh và họ luôn suy nghiệm về lẽ “chim có tổ người có tông” lớn lên bằng giông gió rồi cũng trở về với gió giông nơi lòng sông rộng. Và dòng sông luôn đợi chờ những người “lạc nẻo” trở về thăm trông.
Có thể nói giọng tự sự của Tống Phước Bảo rất “trữ tình”. Chính cái trữ tình đó đã tạo ra sự phù hợp cho việc kể chuyện văn hóa. Những trường/ đoạn miêu tả không gian trong văn với tinh thần và tư thái rất dân gian, bằng hệ phương ngữ miền tây sông nước rất bản sắc. Chất thơ như đợt sóng, sóng chùng chình trên mặt sông, kề gối, đuổi xô, đan cài, quấn bện nhau. Lối viết đó “đồng dạng” với “tạng” người nơi đó. Chính vì thế, những “số phận” được soi thấu mồn một.
Đọc văn Tống Phước Bảo không phải là để ý tới những chi tiết, cốt truyện hay những tình huống kịch tính, bất ngờ, đảo ngược tình thế… Mà hãy nhìn, trải nghiệm và đồng cảm với những phận đời nhỏ bé, đọng chìm sông nước nhưng dặm dày nét văn hóa, cách sống giàu ân nghĩa thuần phác, dẫu đời nơi những cù lao đó rất “mặn”.
Kết thúc của các câu chuyện thường  “mở” với những câu chiêm nghiệm, những hình ảnh thiên nhiên vọng trong bối cảnh thời/ không mênh mang. Mỗi câu chuyện đều gắn với một miền đất ở khu lưu vực sông Cửu Long, người đọc hình dung rõ những khía cạnh, cái tình người, về văn hoá sống trên mảnh đất này.
Linh đinh tình phù sa đã cho tôi một hình dung khá rõ nét về gương mặt nghệ thuật của Tống Phước Bảo, một nhà văn của những dòng sông mà tôi quý mến. Và không chỉ vậy. Những quan niệm về cuộc sống, về văn chương, về người của anh đã thực sự “cuốn rũ” tôi để day dứt, lật trở,… Với tâm thế, tình yêu, nội lực, sự say sưa lao động và sáng tạo tuyệt vời. Thực sự. Tống Phước Bảo “xứng đáng” với những điều đã đạt được.
1/1/2025
Trần Tuấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...