Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Những "Giọt máu nhân sinh" lưu động cháy bỏng trong thơ Trần Mạnh Hảo

Những "Giọt máu nhân sinh" lưu động
cháy bỏng trong thơ Trần Mạnh Hảo

Trần Mạnh Hảo đã lao động văn chương “đau nhói” cả đời. Tạo ra một cánh đồng chữ nghĩa trù phú cho nhiều sự cảm nhận, thẩm định và phê bình. Nói đến thơ ông là nói đến nhân sinh và triết thuyết làm người. Trong những lời và ý thơ luôn có những “hoạt tính thần bí”. Vừa thách thức, vừa khích lệ và đốt cháy ý thức “tư biện” trong người đọc.
Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo xuất bản năm 2022
Với thơ ông, ngôn ngữ luôn đạt độ “tinh tuyền”. Vừa hiện thực, vừa giàu nhân ái của trí tưởng. Cách cảm ngộ nhân sinh lý trí tuyệt đối mà đọc lại bị/ được tình – hình – âm sắc dẫn động để tỉnh thức và ru mê. Tính “giảm đau” và “gây mê” luôn tồn tại trong “địa hạt mắt thơ”.
Trần Mạnh Hảo đã chiếu hào quang lên sân khấu văn chương nước nhà. Thơ ông đã chiếu ứng vào đời sống. Cuộc hiến tế vĩ đại trái tim nghệ sĩ cho đời, cho thơ ca và nghệ thuật. Tiếng thơ lấy chất liệu mưa, nắng, hương trời, lộc nước sến cũ hoài niệm và tính bác luận uẩn súc sâu xa mà tạo tác. Cho nên người đọc luôn thấy cũ quen của hoài niệm mà tươi nhuận của bức tranh thời cuộc:
Vẫn phố nhà xưa, mưa nắng xưa
Không em trời đất có như thừa
Đời anh biết ném vào đâu được
Giật mình nào biết sống hay chưa?
(Giật mình)
Đời sống luôn thiếu khuyết bởi cơ thể tục nhân không thể dung chứa nội tâm ào ạt và vũ trụ thì quá diệu vợi với kiếp sống nhỏ bé của con người. Cảm thức sự trống vắng luôn hiện tồn. Tác giả thấy sự mông lung của không gian và thời gian để có lúc giật mình về nắng, mưa bên đời hiu quạnh. Bài thơ buồn một nỗi hư rỗng, bâng khâng về cái nhỏ nhoi làm người. Để rồi ta luôn nhìn không rõ, nghe không thấu về cái tồn tại và cả cái đẹp đẽ của hồng trần. Từ đó con người luôn ý thức soi mình, tìm những tấm gương trong mắt người hay “lòng giếng” để như nổ lực thấu tỏ chính mình. Nhưng hiểu mình còn khó hơn cả thấu về tha nhân:
“Sáng ra nhìn gương thấy mình lạ
Cứ tưởng là ai vội cúi chào
Chợt nhận ra mình thân thiết quá
Tên mình quên khấy lúc chiêm bao”
(soi)
Nhà thơ đã thực hiện một hành vi rất đời thường là soi ngắm chính mình mỗi sáng sau chiêm bao. Giấc ngủ đã giúp cho năng lượng, trí tuệ và cảm xúc được tái tạo. Để rồi tỉnh dậy sự đối mặt đầu tiên thấy mình như khác đi, sạch hơn, trong hơn và rỗng lặng hơn so với hôm qua để bất chợt tưởng không hẳn là mình. Đời sống trong mơ luôn nhiều vẻ đẹp mộng và con người luôn muốn ngủ để có giấc mộng nên thơ và tự làm sạch mình như thế.
Tác giả đã thông qua sự soi đó mà nhận ra được cái hiện thực của thức giấc. Ngày tháng vội đi, mặt trời dọi bao nhiêu sự đời bất khiết. Và phô bày ra nỗi đau tha nhân. Tác giả sau cuộc soi ngắm và khảo nghiệm đã thấy bản chất của sống và cái đáng “rủa sả” của loài “Homo sapiens”:
Hai con bê ở cạnh nhau
Chém nhau lúc đến về sau bạn hiền
Con người mới gặp như tiên
Ở lâu chợt quỷ, người quên phận người
(Đồng loại)
Sự soi ngắm chính mình đã giúp chủ thể trữ tình nhận ra sự đời cay đắng. Xã hội ô trọc, phàm phu, giằng co thiện ác. Con người không bằng chó lợn, luôn muốn sát phạt, làm đau nhau trên nhiều cấp độ và phương diện. Thực tế thấu triệt, “thay đổi”, “tự chuyển hóa” như một thứ thuộc tính quy luật trong dòng máu của giống động vật cấp cao. Dẫu họ dễ tổn thương và luôn trắc ẩn nhưng dễ quên đi cái nghĩa tương hỗ, yêu thương để hòng chà đạp lên nhau đặng tồn tại. Chiến phí từ lúc hình thành xã hội phân chia thượng tầng chắc có thể đủ để xây vành đai vàng rộng dày gang tấc bao bọc nơi trái đất.
Lời thơ đau đớn thành thực róng riết khiến lệ đã rơi trong giấc ngủ, tan loãng vào giấc mơ đêm. Việc khóc trong vô thức đó khiến giọt lệ ở trạng thái cô đặc nhất, đóng cặn sự mặn chát nhân sinh. Giọt nước mắt ứa ra từ những góp nhặt trần trụi khi đi qua cuộc đời vay trả để rơi trong mộng mỵ đêm hoang:
“Nửa đêm chợt thức, mơ đâu mất
Tỉnh ra chỉ thấy ướt mi thôi
Cả đời khi thức không hề khóc
Nằm ngủ say rồi, lệ mới rơi”
(Khóc)
Từ cái thực tại bùng nhùng, đen đúa đó. Nhà thơ, hay người hiền luôn mộng tử tế. Chờ cái đầy tròn, cái viên mãn, cái độ tha và yêu thương. Nỗi chờ đợi ở đời là tuần hoàn như một quá trình đạp xe. Nhân sinh luôn lặp lại về mọi phương diện: Không gian, thời gian, kiếp sống, đến và đi, hợp tan và vay trả… Tiếc nuối là trạng thái tạo ra sự “sống mòn” của những lớp người. Tiệc tàn, chợ tan, tình đời, tình người chớp nhoáng, luôn không thể thưởng trọn vẹn bởi lý trí đã nhận thức được quy luật của sự mất đi, di biến.
Việc truy bức để sống và tận tuyệt thụ đắc cái đẹp bằng sự lãng mạn hóa, thi vị hóa như trong một số bài thơ trên “Chiếu Thơ Mới”. Trần Mạnh Hảo không đi theo lối đó. Ông không cuồng quyến, si mê và đòi chống lại bước đi thời gian để đắm say, dào dạt giao hoan với vạn vật. Như lẽ thường ông vẫn yêu và vẫn tiếc nuối để ý thức buông bỏ tránh sự bị dày vò bởi những cưỡng cầu:
Chờ mãi trăng mới tròn
Ngồi thưởng rằm lại tiếc
Giá cứ còn trăng non
Để mai đừng trăng khuyết.
(Đỉnh núi)
Tiếc nuối đó, bởi thời gian ăn mòn cuộc đời như trăng tròn rồi cũng bị gọt đẽo mỏng mảnh trước lưỡi cưa của vũ trụ. Nhà thơ lại tìm đến những vì tinh tú để nói về thân và phận. Đường đi thoắt ẩn thoắt hiện của những vẫn thạch khi vào quyển trái đất đó tạo nên trong mắt người những sự sống lấp lánh. Nhưng cái đẹp ảo diệu đã biến mất sau một cái chớp mắt, nhanh như trở bàn tay. Cho nên tác giả hình dung như “vệt khóc”.
Điều đặc biệt trong thủ pháp là sự chuyển đổi cảm giác. Sao băng vốn dĩ dạng vật chất lại được ví như nước mắt. Nước không chảy mà là “cháy thành dòng”. Sự tế vi trong dụng ngôn đã tạo nên sáng tạo thẩm mỹ tuyệt vời.
Từ trái sang: Các nhà thơ Trần Hữu Dũng, Phùng Hiệu, Trần Mạnh Hảo, Lệ Bình trong ngày Hội nghị Nhà văn trẻ TPHCM năm 2024
“Thơ anh” có cái đẹp sự sống lấp lánh trong hình hài, có cái mặn chát đắng đót trong vị. Có nỗi đau giáng xuống tấm thân trần của kẻ vô loài. Tạo ra một vết thương giữa trời đêm chưa lành hay hoặc là mãi “mở hoác” không bao giờ kín hình riệt vết cắt.
Một lối kiến tạo thể thức thơ ngũ ngôn tứ tuyệt “vuông thành sắc cạnh”. Hệ ẩn dụ dày đặc và hình tượng thơ đẹp vi diệu. Nét vẽ tương phản giữa đẹp và đau đã họa nên không gian nghệ thuật mỹ diệu:
Ngôi sao như vệt khóc
Cháy thành dòng thơ anh
Sao băng hay roi quất
Vết thương đêm chưa lành
(Sao)
Trời xanh thẳm trên đầu
Trời xanh dưới hồ sâu
Hai vòm trời xanh ấy
Đâu là bóng của nhau?
(Hình bóng)
Nếu như trăng và đỉnh núi có chút tiếc nuối về sự trôi lăn. Cảm tưởng vẻ đẹp sẽ phai tàn, úa nhợt trước thời gian. “Sao” nói về mối quan hệ giữa nghệ thuật và phù sinh. Cái đẹp trong cơn va đập với đời sống thì “Hình bóng” lại cảm thức về cái song trùng tồn tại của hư và thực, sống và chết, âm và dương, và sự khó đoán, khó nắm bắt của thực tại… Ở đâu cũng tồn tại thật giả, mập mờ, không dễ tỏ tường. Hai vòm trời ám chỉ hai thái cực trong một chỉnh thể. Con và người, yêu và ghét, buồn và vui… là những “đứa trẻ sinh đôi” nhưng tương phản, soi nhau, chống lại nhau lại luôn phải song song đối diện với nhau và làm đầy nhau. Tất cả là khó phân diện được nhau và “Hoán vị” rồi đồng quy nhau:
Mai rồi em có còn tin
Phút giây ở lại, muôn nghìn thì qua
Tim mình trong ngực người ta
Tim người ta đập rung da thịt mình.
(Hoán vị)
Khi con người phức hợp với thế giới. Quá trình đó buộc họ phải để cho nhân sinh tràn vào mình một cách tự nhiên nhất. Có đau khổ, niềm vui, vinh nhục, hận sầu. Khó ai ngoài cuộc được với “mẫu số chung” của sự đời nỗi đau. Bài thơ nói về khoảnh khắc của kí ức trước muôn ngàn cái đến đi, biến di, lăn trôi của thời gian: “Phút giây ở lại” như khát khao thấu hiểu, hòa trộn. Khiến cho những nhịp đập yêu thương đã trong nhau, thấm đượm nhau để càng đi về phía đầu mút thời gian càng thấy được hơi thở phập phồng của thời đại. Luôn thổn thức một nỗi níu- buông. Hiện tồn cái đay đả đã qua và mưu toan cho điều chực chờ tới.
Chính nhịp đập chung- riêng, đan cài, quấn bện vào nhau không thể tách rời giữa người lòng riêng và nỗi sầu chung trần thế đó mà chủ thể cảm xúc thấy mình trong kiếp lang thang. Không một điểm tựa hay sự ngưng định mà cứ chùng chình, đàn hồi như cảm xúc sóng sánh của con người khi đối mặt với sự bề thế của thiên nhiên. Luôn thường trực câu hỏi không lời đáp như cách Chí Phèo hỏi giữa thiên địa: “Ai cho tao lương thiện?”:
Nhà thơ sao giống chim tu hú
Cả đời không tổ cứ lang thang
Em hỡi lòng em còn chỗ trú
Để đổi thi ca lấy đá vàng?
(Hỏi)
Tu hú là loài chim bị đời đời oán ghét. Bởi Thượng Đế đã tước quyền làm mẹ của chúng. Loài chim sinh ra từ “trò đùa ác ý” của tạo hóa đó. Hắn buộc phải sống với “đinh mạng” của loài “ác điểu”. Trong tiếng kêu lảnh lót một chặp dài xé đêm rồi thều thào tắt nghỉ dần của hắn đã nói về thân phận chát chúa của chính mình. Tâm thức của nhà thơ cũng thế, kẻ tìm một nơi trú ngự giữa những “tia chớp” cuộc đời. Hẳn đã phải sống kiếp trôi sông lạc chợ, đầu sông cuối bãi. Kiếp sống của kẻ chẳng hợp bầy. Đội lên đầu bao cay đắng, đổ nát, bao phỉ báng của đời sống vật chất lên ngôi:
Ai ai cũng đẻ tổ nhà
Riêng tôi tìm tổ người ta đẻ nhờ
Hỡi người sống kiếp bơ vơ
Có thương tu hú bây giờ về đâu?
(Lời tu hú)
Sống một kiếp như kẻ ươn hèn, bạc nhược. Không có sự săn sóc, dạy dỗ của vòng tay bao dung. Tu hú lớn lên bằng sự cướp bóc và giết chóc. Ảnh tượng tu hú là cảnh tượng nhân sinh với những người bơ vơ, lạc lõng, bất lực giữa khát vọng tươi đẹp khi đối diện với hiện thực tréo ngoe.
Tu hú là tâm tưởng nhà thơ. Kẻ “cố chấp” đi tìm cái đẹp và sự lương thiện trên biển đời tái xám đầy bóng tối và bọt sóng bất khiết bì bọp, héo quắt những thân người đọa xuống.
Trong cái vô định, vô thủy, vô chung của vạn vật. Trước cái lang thang của kiếp tu hú, chủ thể cảm xúc lại hóa thân thành “Vạc”. Sau những đổ máu và nước mắt, định kiến và nỗi hằn học ở đời sống “ác điểu” với tiếng “thều thào” lãnh lót trong đêm. Giữa hiện thực nay đã “réo” lên trong khô khát trên nền trời đêm u ám. Như tiếng gọi vào mông lung của kẻ đã đến giờ chót. Tiếng ngàn năm nhức nhối của tranh đoạt lụi tàn.
Hình ảnh Nguyễn Du và đời Kiều cùng sông Tiền Đường nơi “kẻ bạc mệnh” trầm mình tự vẫn và được thương vớt đó. Thương vớt hay bắt sống tiếp để đọa đày?
Vạc vẫn thấu lòng kẻ “lạc loài” tu hú. Hơn hai trăm năm Kiều vẫn tạo ra những cuộc “xích mích” trên văn đàn. Họ khóc, cười cho số phận kẻ “má hồng mệnh bạc” để luôn tranh luận tìm điều hợp lẽ đời nơi thân phận đã nhúng vào “dâm nhơ đắm nhiễm” đó. Sự đời đa đoan và biến tấu, chẳng đặng bình yên…:
Tiếng gì xé rách trời cao
Vạc kêu đêm tưởng người nào vừa kêu
Nguyễn Du thuở ấy viết Kiều
Tiền Đường vạc có báo điều tri âm?
(Vạc)
Cho dù cảnh tĩnh hay động thì lòng người luôn tiềm tàng sự lạc lõng. Giữa không gian tĩnh lặng nhất. Tiếng đàn lòng vẫn lao xao trong lòng sâu. Con người khi nào còn lý trí thì vẫn còn khổ não, u hoài. Bài thơ tức cảnh sinh tình. Giọng thơ đậm vị hoài cổ như bức tranh “rừng gần đậm nét, non xa nhạt màu” mà luôn giấu giếm một cuộc khởi loạn. An/ yên chỉ là một khoảnh khắc và luôn ngầm chứa nguy cơ về sự hoán đảo. Trỗi dậy của sóng gió. Bài thơ nói về cuộc chiến không khoan nhượng, ngưng nghỉ giữa tồn tại và đẹp đẽ trên đời.
Sự thống ngự của gió là tuyệt đối. Gió đã sống cổ lão. Chứng kiến bao sự tồn vong và hắn là đầu mối của mọi sự “xô đổ”. Ảnh tượng gió trong lùm cây tựa như cái ác luôn tồn tại bên trong. Kể cả những kẻ đang đấu tranh cho cái ác. Nó luôn cự quậy, phập phồng để thổi vào không khí vốn dĩ khẩn cầu sự lặng lẽ chốn nước non:
Gió đã mệt nhoài trưa lãng quên
Nghiêng nghiêng trời đất suối đang thiền
Không có tiếng bò kêu bãi cỏ
Chưa chắc lùm cây gió ngủ yên
(Lắng trưa)
Giá trị thẩm mỹ trong thơ Trần Mạnh Hảo tất nhiên kỳ vỹ hơn ta tưởng, tuyệt diệu hơn ta tưởng. Sâu đến “rốt cùng trơ trọi” hơn mọi cảm- hiểu của ta. Chính vì thế, đọc thơ Trần Mạnh Hảo luôn thấy được sự “nhỏ nhoi” trong vốn sống và vốn đọc của tôi. Thế nhưng, sau một cuộc trải nghiệm thẩm mỹ thơ Ông, ý thức tôi như mặt trời thêm phần rạng. Trong mắt nở rộng hơn khung trời.
Trần Mạnh Hảo đã sống trong nghệ thuật như loài “ác điểu” trong “trứng nước” đã “rắc tâm” tranh đoạt để chiếm lấy, chiếm trọn nguồn sống cho tầm hồn. Cuộc giằng co, hút cạn “dịch đời” để tạo tác những vần thơ trác tuyệt. Như loài tu hú, anh hồn nhà thơ hòa vào nỗi đau sâu sắc nhất của đời để từ đó thấu tận “lòng xương ống tủy” hình riệt vết thương của nhân sinh:
Chim tu hú gọi mùa hè lưu lạc
Tu hú sao không làm tổ bao giờ?
Tâm hồn anh gởi trong hồn người khác
Trứng đẻ nhờ đời ấp nở thành thơ.
29/12/2024
Tuấn Trần
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...