Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Đặng Diệu Thoa nghe gió hát từ chân sóng

Đặng Diệu Thoa nghe
gió hát từ chân sóng

Xin mượn một câu thơ trong tập thơ “Gió từ chân sóng” của chị làm tên gọi cho bài viết. Đặng Diệu Thoa, là một giáo viên hiện đang sinh sống và công tác ở Thành phố Ninh Bình, đã bén duyên với thơ ca từ rất sớm. Cái sớm ấy đã giúp chị có được sự thành công đặc biệt qua tập thơ này. Chị còn xuất hiện trên văn đàn với những bút danh khác như Thảo Nguyên, Diệu Thoa. Tác giả là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, chị đã mang đến cho khu vườn thơ ca một thanh âm mới, một giọng điệu mới đầy đằm thắm và chân tình.
Thật vậy, “Gió từ chân sóng” là tập thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành quý III năm 2015 với 42 bài thơ được chị chắt chiu gói ghém. Bốn mươi hai khía cạnh của cảm xúc nồng nàn và hiền hậu, là sự kết hợp những bài thơ viết về quê hương, gia đình xen lẫn tình yêu đôi lứa, một kiểu thể hiện không hề dễ chút nào về cảm xúc. Sự nhạy cảm của tâm hồn trước thế giới xung quanh đã gắn kết chị bằng những câu thơ về quê hương mà không gò ép vào khuôn sáo:
“Tim bấn loạn chẳng nhớ nhịp đập nào về bờ cũ
Nũng nịu con đê uốn mình cánh nỏ
Che chở sạt hao
Băng bó nổi chìm” (Đảo Sim)
“Đất nâu thơm nõn từng con nước
Cửa Đáy bao mùa gặt phù sa” (Mùa biển)
Trong thơ Diệu Thoa luôn ẩn hiện về nỗi niềm những miền ký ức. Đó là những quá khứ xa xưa, được gợi lên bằng hai hình ảnh mẹ và cha, xuất hiện với tần suất khá cao trong tuyển tập. Một phần ba thi tập đề cập trực tiếp đến họ. Sự thể hiện được chị gửi đến bằng nét chấm phá rất tinh tế và sắc sảo.
“Mồ hôi rụng chát chao sương muối
Ủ mầm phiến nõn mùa con” (Mùa thương)
“Dụi đầu ngực mẹ nồng thơm
Nghe lòng dịu bớt nguồn cơn vơi đầy” (Bên mẹ một chiều)
“Bàn tay mẹ bỏng trưa tháng sáu
Đợi nây tròn, trĩu trịt mùa ta” (Quê)
“Giấc mẹ ta đau
Giấc mẹ tròn đâu như vầng trăng cứ vơi dần phía bão
Bàn tay mẹ thầm thĩ vá lại những mảnh vườn” (Rốn biển bão về)
Người đọc bắt gặp sự vất vả, cơ cực của cha mẹ để cho con mình được tươi non, đẹp đẽ nhất. Thương nhớ quê hương, thương nhớ mẹ cha bao nhiêu thì lại thấy nỗi niềm đau đáu trong tiếng thơ bật lên bấy nhiêu, nó cứ day dưa như không dứt được.
“Mười năm bão qua chưa đêm nào mẹ ngủ
Tóc trên đầu mẹ bói không còn sợi cũ
Theo lá vàng rụng trắng gốc thời gian” (Những điều chưa ai nói em nghe)
“Đầu hồi trống trếnh hàng cau
Hoa thiên lý thả nỗi đau vào chiều” (Vắng cha)
Âm hưởng của nỗi đau cứ bịn rịn, như tiếng lòng của người con đang bơ vơ côi cút.
“Rưng rưng bóng một con diều
Đứt dây, lạc gió, liêu xiêu nẻo về
Xót lòng nỗi mẹ, nỗi quê
Nỗi cha…Mỗi bước con về bơ vơ” (Vắng cha) 
Như cơn gió thổi qua miền riêng tư chất chứa, thơ Đặng Diệu Thoa luôn mang những gợn buồn về tình thân thuộc, về nỗi mất mát chia ly. Ý thức được việc sử dụng hình ảnh, tiểu tiết trong cuộc sống để thổi hồn vào đó bằng những thanh âm da diết trầm buồn.
“Gió từ chân sóng” còn chứa đựng cảm xúc yêu thương nồng nàn cháy bỏng của tình yêu đôi lứa. Tình yêu bao giờ cũng là đề tài muôn thuở cho thơ ca. Nhưng trong mỗi cách tiếp cận, cảm xúc thơ của người sáng tạo lại đem đến cho người đọc những thú vị và hấp dẫn khác nhau. Thơ của Đặng Diệu Thoa đã tạo được dấu ấn riêng với sự tinh tế trong cách vận dụng ngôn từ thể hiện.
Chiếm hai phần ba tuyển tập là những “nếp sóng đến từ chân sóng” yêu đương tha thiết, thơm nồng.
“Thềm xưa lá vẫn rơi đầy
Mùa đem thương mến chất dày nhớ nhung” (Lãng đãng thu)
“Sóng ào ạt nỗi xa xăm
Miền tim thác lũ ướt đầm giêng hai” (Gửi giêng hai)
Tình của thơ là xao xuyến, là bâng khuâng, là lắm lúc lặng lẽ như những “lời của đêm” thỏ thẻ:
“Có những điều bừng thức giữa đêm
Ta hiểu trái tim lúc này rất thật
Chẳng toan tính trước khóc, cười, được, mất…
Buồn vui kia trả lại hết cho ngày” (Lời của đêm)
Dù đắm say, đam mê nhưng chị vẫn nhận thức về duyên phận, tỉnh táo trước cuộc sống.
“Thôi, về tạ lỗi ngày xưa
Bàn tay biết nắm
chỗ chừa riêng ta.” (Ta ơi)
Nét lãng mạn được biểu hiện rõ nét, khi những thì thầm cứ vang khẽ.
“Em đổ bóng xuống triền anh cát mịn
Gọi anh từ chân sóng vỗ trong em” (Gió từ chân sóng)
Đâu đó trong thơ tình Đặng Diệu Thoa vẫn có chút hờn ghen giận dỗi. Hương vị tình yêu như để tự lòng mình tự trải. Nhưng cái ghen của chị cũng ngọt ngào, lém lỉnh và không kém phần cay cú.
“Một mai ra khỏi mùa xuân
Đài xa có bứng về gần được đâu
Thôi thì khuất nẻo đường xa
Nắm nem, bầu rượu, hương hoa xứ người.” (Lòng em) 
Rất dễ bắt gặp trong thơ của chị nét duyên trong tứ thơ nhẹ nhàng và dễ thương. Chỉ là một buổi hẹn hò nhưng vẫn tạo được mạch xúc cảm cho lời thơ tự nhiên phát ra.
“Nợ gì kiếp trước người ơi
Hẹn nhau gặp đúng khi trời đổ mưa
Áo người từng mỏng thế chưa?
Để em ướt tự ngày xưa ướt về” (Mưa)
Nhịp thơ lục bát như bị cuốn vào giọng thơ tình mượt mà đến quyến rũ, tác giả Đặng Diệu Thoa đã tự khẳng định mình qua thể thơ truyền thống này nên cứ nhẹ nhàng cởi mở:
“Mang theo một dải tơ lòng
Mắc vào tim gỡ mấy vòng cho ra” (Gửi người trong mộng)
Ẩn hiện bên những lời thơ tình chứa đựng nỗi niềm miên man ấy. Đôi khi, cũng bắt gặp được một vài triết luận đến giựt mình trong thơ chị.
“Tình yêu đâu phải trò đùa
Câu nằm lòng – chỉ để nói với em” (Tự vấn)
“Xuân là trả nghĩa cho đông
Ủ trong bẹ đất muôn dòng nhựa  non” (Gửi giêng hai)
Ngoài hai mảng chính vừa được đề cập ở trên, “Gió từ chân sóng” còn phảng phất cảm thức mùa trong toàn tuyển tập. Lời thơ của chị bay bổng theo mùa xuân và trầm buồn, một nỗi buồn thiên cổ của thi nhân, qua những hình ảnh mùa thu lặng lẽ. Mùa xuân và mùa thu trở thành hai sắc thái chủ đạo trong tập thơ. Chúng được biểu hiện rõ nét ở nhiều bài thơ của chị như “Lãng đãng thu”, “Phố vào thu”, “Chạm thu”, “Gửi giêng hai”, “Thì thầm xuân”, “Vườn xuân”, “Bức tranh”, “Loáng xuân”, “Kí vãng cho em”…và còn nhiều bài khác nữa.
Hầu như toàn bộ tập thơ được Diệu Thoa sử dụng chủ yếu bằng hai thể loại chính là thể tự do và lục bát. Bên cạnh ấy chị cũng tạo được một bài ở dạng thức năm chữ cũng khá đọc đáo. Sự kết hợp giữa tự do và lục bát trong bút pháp thể hiện rất khéo léo và sâu sắc. Để cảm xúc tự trào rồi lắng dịu qua từng nhịp điệu nhẹ nhàng của lục bát truyền thống. Hình ảnh thơ luôn sáng tạo. Bằng góc quan sát tinh tế, nhạy bén chị đã xây dựng được những hình ảnh độc đáo như: “lưng chừng heo may”, “ngân ngấn mắt”, “chất dày nhớ nhung”, “tà áo biển”, “phiến nhung trăng mịn màng”, “xé toạc hừng đông”, “thêu lên ngực gió”, “vầng trăng con gái”, “nỗi buồn trong muốt”, “nỗi buồn nhọn hoắt”, “rung trắng phím đàn”, “những lời rạ rơm”, “mùa màng rách tận ngày xưa”…Đồng thời tác giả cũng sử dụng một cách thành thục những từ ngữ mang đậm yếu tố dân dã, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày như: “sắc lẻm”, “đẫy”, “chừa”, “sém”, “lạ hoắc”, “ém tương tư”, “mõm ruột”, “hông trời”, “ở cữ”, “bấn loạn”…
Hệ thống từ láy được chị vận dụng linh hoạt và xuyên suốt tập thơ. Chính nhờ vào hiệu quả làm tăng nhạc điệu của lớp từ này đã tạo cho thơ chị sự ngọt ngào và độ mượt mà ở mức tối đa nhất của cảm xúc. Cách tạo nhịp mới cho lục bát cũng xuất hiện trong một số bài đặc sắc.
“Đông là đông của héo hon
Đợi cơn trở dạ vuông tròn. Sinh sôi…”(Gửi giêng hai)
“Thôi, về tạ lỗi ngày xưa
Bàn tay biết nắm
chỗ chừa riêng ta” (Ta ơi)
“Hình như…Ta bỗng ngỡ ngàng
Em mang thu đến…Sẵn sàng. Hình như! (Phố vào thu)
“Xuân ơi! Đừng nhé vội vàng
Ngoảnh đi. Bỏ lại muộn màng và…Em!” (Vườn xuân) 
Dù không phải quá mới trong “nghịch phá” nhịp điệu ở phương thức thể hiện này nhưng rõ ràng đã góp phần làm nên đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong tập “Gió từ chân sóng”
Lướt qua những vần thơ đằm thắm và sâu lắng trong tập thơ, người đọc cảm thấy xôn xao lạ bởi giọng điệu nhẹ nhàng của tình thơ Diệu Thoa. Chắc chắn một điều còn nhiều vấn đề hấp dẫn và thú vị mà văn chương chữ nghĩa mang đến nhưng dưới góc tiếp cận này chưa giải quyết hết được. Sử dụng linh động và sáng tạo ngôn từ đã tạo nên sự mới mẽ trong cách thể hiện dù đề tài chị chọn không có gì mới so với tâm hồn người Việt. Quê hương, gia đình và tình yêu lứa đôi đã đan xen lẫn nhau để cho thơ ca điềm nhiên mà chắp cánh. Sự thành công không chỉ dành riêng cho tác giả mà “Gió từ chân sóng” còn mang đến những thân quen gần gũi nhưng lại rất diệu kỳ. Một lần nữa, chúng ta hãy đến với thơ của tác giả Diệu Thoa để nghe gió hát những “bài ca từ chân sóng”.
10/12/2024
Phan Duy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...