Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Miên man Xuân Lợi

Miên man Xuân Lợi

Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024
Không phải vì tên tập thơ mà tôi đặt tên bài viết này như vậy. Nhưng cũng đúng là vậy, chính vì câu thơ “nghiêng phía miên man” đã như một ký hiệu cho tôi nhận ra tâm hồn và cảm xúc của tác giả tập thơ. Xuân Lợi như không viết thơ mà anh mượn câu từ cho những rung động của hồn mình chảy thành vần điệu. Mà tâm hồn Xuân Lợi lại rất dễ rung động, vang ngân trước bất kỳ biểu hiện nào của cuộc sống. Ngỡ như anh nhìn vào đâu cũng tìm cách gieo vần gọi thơ. Thơ đó là người đó, câu này vận vào được cho Xuân Lợi. Anh gọi thơ mình là “nhâm nhi bối rối” nghĩ cũng đúng. Thơ Xuân Lợi mộc mạc và chân thật.
Ta hãy đọc những bài thơ riêng tư của anh, tức là những bài anh viết từ cuộc sống của gia đình mình, bản thân mình. Xuân Lợi viết về người Mẹ goá bụa từ tuổi hai mươi, ở vậy sáu mươi năm làm dâu, nhớ mẹ Om cơm môi mớm cho con đến giờ. Câu thơ nửa đầu “om cơm môi mớm” là nhớ lại cảnh mẹ nuôi mình hồi bé dại theo cách cổ truyền của mẹ nông thôn Việt Nam, nửa sau “cho con đến giờ” là thấy mình sáu mươi năm cuộc đời vẫn còn bé dại trong mắt mẹ, vẫn phải nhờ vào sự chăm sóc của mẹ. Năm tròn một vòng đời hoa giáp (2019) anh viết bài “Tự tình” như một chân dung tự hoạ.
Buồn vui công chức vô thường
Băn khoăn trăn trở khôn nhường… ấy ơi
Thầm thì “Múa gọi là” chơi
Gửi hồn con số nhắn lời minh linh….
“Múa gọi là” là cách tác giả đọc lái tên tập thơ trước của mình “Lá gọi mùa”. Nhưng ba chữ đọc lái đó lại nói được tâm trạng người của một công chức trong bộ máy, múa may gọi là sống ở đời. Thân xác thì ngày ngày gắn với bàn giấy, với nghiệp kế toán con số mà câu thơ tự trào có thể làm bật cười trên vê dưới chỉnh nhầm đường lửng lơ, còn tâm hồn thì để ở nơi nhắn lời minh linh. Hai chữ “minh linh” này tác giả dùng ở mấy chỗ trong tập thơ, giải nghĩa nó ra e mông lung, mà đọc lên lại cũng thấy mông lung. Thôi thì “ấy ơi” là ai ơi sẽ hiểu nỗi lòng của người cất tiếng gọi đó. “Em ơi có bao nhiêu sáu mươi năm cuộc đời” lời một bài hát đã réo rắt bao lâu nay trong lòng người, thì lời thơ Xuân Lợi cũng ngậm ngùi như vậy Nổi chìm phận kiếp duyên sinh/ Sáu mươi chóng vánh đời mình là bao.
Ở bài thơ mà tên bài được lấy làm tên tập Xuân Lợi nói nỗi lòng người cha đối với đứa con gái học trường Y. Chỉ hai câu Con chăm học vì yêu mẹ nhất/ Ít vu vơ vì sợ ba buồn đã nói được cả lòng mẹ cha và tính cách người con. Tấm lòng cha thương con được diễn tả rất cụ thể, rất thật, đọc lên thấy rưng rưng:
Ba cưng chiều thương từng bữa cơm
Lo da diết lưng rau thiếu cá
Con gái mê canh chua măng khế
Dăm ba ngày điện hỏi han con
Nhưng tình thương của người cha đối với con gái không chỉ ở cơm ăn nước uống khi xa nhà. Xuân Lợi kết lại bài thơ bằng nỗi lo đường đời cho con. Khi con cái rời vòng tay cha mẹ bước ra đời, bước vào xã hội, những bậc sinh thành vừa mừng vừa lo. Cái lo biến thành cái nghĩ. Cái nghĩ không biết làm sao giúp được con, không cách nào còn có thể cầm tay dắt con đi như hồi bé dại hoá thành nỗi miên man đau đáu trong tâm trí. Con gái tính mơ màng bồng bột/ Trở mình cha nghiêng phía miên man. Bốn chữ cuối câu thơ cuối bài thơ đã nói được bằng thơ nỗi niềm ám ảnh người cha, và người đọc thơ từ đó lại bị ám ảnh nỗi niềm này.
Cũng nỗi lòng người cha nhưng là nỗi đau tột cùng của người cha mất đứa con trai. Bài thơ “Rụng rời” Xuân Lợi ghìm tiếng khóc, tiếng nấc tiếc thương con, đau cho mình trước cảnh “lá xanh rụng xuống, lá vàng ở lại”, nhìn ảnh con trên bàn thờ mà âm dương chia lìa Tượng hình chai bóng nghe nói chẳng thưa lời. Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi là nghiêng về những nỗi niềm thân phận như vậy. Miên man chìm đắm.
Từ phận mình Xuân Lợi chạm đến những phận người khác, như những người lính vượt sông Thạch Hãn năm nào để nhìn sông bây giờ thấy đó là nghĩa trang sông: Đêm chới với dòng sông màu đỏ / Nghĩa trang sông không nấm mộ/ Dòng tên. Đã nhiều người viết về dòng sông Thạch Hãn đau thương bi hùng trong 81 ngày đêm chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị với nhiều câu thơ buốt nhói lòng. Xuân Lợi góp vào đó một thanh xuân đôi mắt trong veo của người em gái bây giờ bên nghĩa trang sông nhìn gì ngấn nước xa xăm. Thế đã đủ ngấm cái giá của chiến thắng hôm qua và hoà bình hôm nay. Vốn cũng từng là người lính nên Xuân Lợi nhạy cảm với những hy sinh của đồng đội không chỉ trong thời chiến mà cả thời bình. Anh đã có thơ cho những đồng đội trẻ đã hy sinh khi giúp đồng bào miền Trung những ngày bão lụt dữ dội mấy năm qua, với cảnh: Em gào thét thương nhớ biển sóng mênh mông/ Âu chờ, lạ thành quen vọng phu hóa đá/ Nghĩa trang nào đếm được tình rừng xanh trút lá/ Bảo tàng đâu đong nước mắt đêm thâu ới chồng!
Xuân Lợi học đại học tài chính kế toán, ra trường đã đánh bạn với con số tính toán từ Sở công nghiệp Bình Trị Thiên đến Sở Thuỷ sản rồi Sở Nông nghiệp Quảng Trị cho đến ngày về hưu tại quê nhà. Đời công chức nhàn nhạt tháng ngày đã được anh nói đến trong thơ bằng những câu thơ mang vị tự trào như trong bài thơ đã dẫn trên. Nhưng đấy là con người công sở giữa bốn bức tường khép kín. Còn con người cảm xúc, người thơ ở Xuân Lợi thì khi ra với bên ngoài, đến với những công trình công việc của nghề nghiệp mình lại dễ dàng rung lên những xúc động ân tình. Nhưng ở mảng thơ tôi gọi là “viết ngoài mình” này Xuân Lợi thường chưa đi tới được mình trong thơ. Ở đây chính sự miên man có khi làm anh lan man kể lể trong thơ, nhất là ở những bài anh viết về những việc những sự ở bên ngoài, nhân một dịp nào đấy. Thơ kỷ niệm không phải là không đáng viết, không thể viết hay, nhưng nhà thơ chỉ viết được hay khi có xúc động đủ độ chín, không nệ vào sự thực ngoại cảnh mà phải lấy độ chín của cảm xúc của tâm hồn. Những bài đứng được trong tập thơ này của Xuân Lợi chính là khi tác giả viết từ vang động của tâm hồn trước thực tại. Người đọc không biết và không cần biết cảnh này ở đâu, người ấy là ai, việc đó thế nào, chỉ biết tâm hồn nhà thơ đã rung lên trong vần điệu câu chữ làm hồn mình cũng rung lên. Cái miên man trong thơ Xuân Lợi như vậy nên cần thiết là của tình chứ không phải của kể. Nếu được muốn, tôi muốn thơ anh vẫn là cứ miên man và “vu vơ” (tên một bài trong tập) của tâm hồn. Như ở bài anh viết về đám cưới con gái thư lấy chồng miền biển ở Hạ Long thì hai câu cuối là có thể đọng lại tình: Bờ cũ sóng say ôm hôn mãi / Biển vỗ bờ ru ôm cát hát yêu.
Thơ miên man cũng dễ khiến người thơ lơ lửng mà bài “Bỗng quên” là bài có thể đại diện được nhất cho hồn thơ Xuân Lợi. Các trạng thái bất chợt “im, nghe, buồn, hay, thương, đau, thèm, ghen, hờn” sau chữ “bỗng” là biểu hiện cụ thể của những nhớ nhung, luyến tiếc, xót xa, nó là những âm cao của cung đàn tình yêu, để khi tất cả những trạng thái đó rút lại vào “Bỗng hồn” thì chùng xuống trong một nốt trầm “Bỗng quên”. Thể thơ lục bát ở đây tăng thêm nhạc tính cho thơ khiến hồn và tình càng chơi vơi, vì thế bài thơ tưởng nhẹ nhàng mà day dứt. Nói tới lục bát của thơ Xuân Lợi thì có thể kể thêm bài “Tóc nâu một người”. Bài thơ vào đầu nói nắng trưa nhưng đến cuối lại ra đêm rằm, chắc tác giả để mạch cảm xúc miên man dắt đi, hoặc giả tác giả muốn nói cây cau ở hai thời điểm khác nhau để diễn tả được ý thơ. Câu thơ Ngực căng bẹ sữa tròn đầy ái ân tôi đọc giật mình vì chưa thấy ai tả cái bẹ cau hoặc so sánh ngực thiếu phụ với bẹ cau đậm sắc dục đến vậy. Đọc thơ Xuân Lợi đôi lúc giật mình khoái chá được nhâm nhi nhấm nháp những câu thơ so sánh bất ngờ không có chữ “như” như vậy. Hãy đọc thêm hai câu này: Biết em thời lúa đòng thì con gái/ Hương đồng ngậm sữa hạt mẩy đa tình (Ngập ngừng rưng rưng).
Điệu tâm hồn miên man lơ lửng của Xuân Lợi lại dễ buông cho những câu thơ dãn ra dặt dìu đến có lúc chữ chen chữ cuốn nhau đi. Hình như đó là cách tác giả tạo nhạc tính cho câu thơ để diễn tả lòng mình. Bài thơ vì vậy có khi cốt ở nhạc chứ không phải ở ý. Có phải vì thế mà một số nhạc sĩ đã tìm thấy cảm hứng ở thơ anh để phổ thành lời ca tiếng nhạc mà bài “Nhớ hoài sông trăng” viết về con sông Nhật Lệ (Quảng Bình) là thí dụ tiêu biểu. Hoặc như bài “Hoa Mua” viết theo thể thơ NamKau, trong một câu nhắc lại cách chơi chữ “hoa mua ai bán mà mua”. Nhưng cả bài là một điệu thương hoa, say hoa, say tình bằng những câu chữ buông lơi mà chỉ đọc thôi đã phải nương theo nhịp và nhạc của câu thơ:
Hoa mua giọt tím đong đầy mi mắt
Hương vàng phảng phất điệu đàng lưng ong lượn
Mảnh mai ai bán đòi mua..!
Rực rỡ hơn thua dễ gì mùa hoa dại
Môi son mềm mại liệu thắm mãi sợ hơn phai…
Xuân Lợi thường đặt những câu trải dài miên man này vào cuối bài để kết lại mà mở ra, để tạo cảm xúc ngân nga vương vấn. Những thanh không thanh huyền, những vần nối nhau trong một câu vì vậy hay được tác giả sử dụng. Và khi đọc những câu những bài như vậy của Xuân Lợi thường khi cũng đừng dùng logic luận lý để suy luận, so đo. Thơ mà!
Cầu vồng đa sắc làn mây mong manh ửng đôi má
Dạ hương thơm mát nhấn nhá trái ngọt đầu cành.
(Dạ hương)
Chiều xuân hoa sóng nắng ru người.
Ngóng trông bật khóc
Bóng lung linh thoáng chốc ngờ ngợ…
rơi nghiêng mất rồi!
(Rơi nghiêng mất rồi)
Đôi mắt trao nhau chới với hơn ngàn lần ân ái
Tình lỡ xao lòng ngần ngại mãi bâng khuâng!
(Mãi bâng khuâng)
Nhưng cũng có khi Xuân Lợi chơi kiểu cách thơ. Như ở bài “Dễ gì như sóng” ở khổ cuối anh ghép những chữ đầu các câu thơ in đậm thành một câu có nghĩa, và toàn khổ thơ gieo một vần bằng.
Dễ gì như sóng
Mới hiểu yêu em đau đớn nhường nào!
Mới biết môi hồng lần đầu mặn mà làm sao!
Mới cảm yêu em đến dại khờ thiết thao!
Mới thông nỗi hẹn hò thương nhớ biết bao…
Hoặc nữa, Xuân Lợi có một bài tôi đọc thấy rùng mình. Bài thơ tả một cô gái trong mắt của người thơ mà câu chữ hình ảnh cho thấy là gái đẹp, đẹp một cách mỹ miều. Lại là gái đẹp trong cảnh ngày xuân. Đọc bốn câu đầu nói mắt môi má tóc thì nghĩ chỉ nhìn thấy thôi là đã muốn yêu. Vậy mà tác giả hạ một câu chốt thì khiến người đọc sững sờ. Dáng người. Nhĩn quá! Rợn da… “Nhĩn” là gì mà nhĩn quá thì người ngắm vẻ đẹp thấy rợn da? Và hai chữ cuối của câu chốt được lấy làm tên bài thơ.
Nắng xuân trôi thấp sà ngang
Mong manh tang mỏng như nàng thèm yêu
Má đào lúng liếng mỹ miều
Môi thơm mắt đắm tóc Kiều mây sa…
Dáng người. Nhĩn quá. Rợn da…
Thơ Xuân Lợi miên man là thế. Anh có khi mộc mạc, chất phác. Lại có khi có những câu thơ, ý thơ bất ngờ, tinh tế. Hình như anh đã có lựa chọn của mình khi đến với văn chương, đi vào cõi thơ. Chữ nghĩa văn chương anh coi là trọng, không phải kiểu viết lời suông. Thơ với anh không phải cố tỏ ra gào rú tỏ tiếc thương, không phải cảm tác như vẽ xót thương, không phải gồng mình lên cố tỏ ra bi luỵ bi kịch bi thảm. Nhà thơ phải tìm đúng lời nói đúng lời của chữ nghĩa văn chương, nghĩa là phải chân thật, thật với mình và thật với người. Thật từ trong lòng mình ra, không vay mượn, đắp điếm, tô vẽ: Sầu khô thôi đi màn kịch tính/ Lời gì đúng chữ nghĩa văn chương.
Khi đã xác quyết được cho mình một lẽ sống về thơ như vậy, tôi tin Xuân Lợi sẽ tiếp tục miên man với thơ với đời đầy đặn ân tình. 

Hà Nội, 23/11/2024
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...