Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Cây sầu đâu bên kia đường Nhà thờ Đức Bà

Cây sầu đâu bên kia
đường Nhà thờ Đức Bà

1. Sài Gòn, phố thắp đèn.
– Sớm giờ, con đi đâu?
Biết lỗi, Hai Thanh rục rè:
– Dạ!
– Đi đâu mà tối mịt mới về?
Nét mặt đầy lo lằng, má Bảy cằn nhằn, gạn hỏi.
– Dạ! Thưa má, con…
Hai Thanh định bụng thú thiệt với má, là suốt ngày nay đã theo anh em bạn giựt sập mấy cái tượng đồng tôn vinh và tượng trưng sự chiếm đóng của thực dân Pháp(1). Hai Thanh chưa kịp nói, má Bảy giục:
– Thôi, con rửa mặt rồi ăn cơm!
Nhìn dáng con đi, má Bảy bồi hồi xúc động nhớ tới chồng. Má thở dài: “Mới đó, mười bảy năm rồi chớ có ít ỏi gì đâu và thằng Thanh, giờ cũng đã lớn xộn ở tuổi mười bảy”.
– Má ơi! Hồi sáng, có chuyện lạ lắm!
Hai Thanh, vô tình cắt dòng suy tưởng của má Bảy.
– Chuyện gì, lạ vậy con?
– Người ta hô hào và rải truyền đơn “Ủng hộ Việt Minh”!
Im lặng, má Bảy trầm ngâm khi nghe con nói. Và, má Bảy hiểu rằng Sài Gòn đang hừng hực lửa, nước sục sôi chực chờ trào… và Sài Gòn, đứng trước sự lựa chọn ngọn cờ!
– Vậy, là sao hả má?
– Con! Chẳng là sao cả!
Má Bảy, nhắc lại lời ba của Hai Thanh khi còn sống: “Giờ phút Tổ quốc lâm nguy, ai đứng ra gánh vác việc nước cũng được miễn là yêu nước và yêu nước, thì phải thương dân; muốn thương dân, thì phải nắm bắt được ý dân và lắng nghe tiếng dân nói”. Má Bảy nhìn con trai, nói tiếp:
– Ba của con nói dứt khoát: giành Độc lập, dù chết chẳng từ nan! Và, vì chẳng từ nan, cho nên ba của con chịu chết! “Thác là thể phách, còn là tinh anh”!
Nói tới đó, má Bảy chảy nước mắt nhưng không khóc.
Xà xuống ghế, Hai Thanh ôm má.
Sài Gòn về đêm tiết trời se lạnh mà lòng người, như dầu sôi lửa bỏng. Má Bảy thao thức, liên nghĩ chuyện người chuyện mình. Mới đó, đã mười bảy năm chồng má đi xa khi thằng Hai – đứa con duy nhứt – còn nằm trong bụng mẹ, và đó là kết quả của một mối tình thầm lặng, không môn đăng hộ đối.
– Má! Con có quê nội không má?
– Có chớ sao không, con!
– Má! Sao má không đưa con về thăm quê nội?
Hai Thanh, mèo nheo với má Bảy như hồi còn con nít.
– Giặc giả tứ tung, làm sao má con mình về thăm quê nội được.
Giả lả, má Bảy nói cho qua chuyện.
– Thôi, ngủ đi con!
– Má ơi! Đêm nay, con nhớ ba quá!
– Giờ đã là chàng trai rồi, cứng cỏi lên con!
Má Bảy, động viên con trai.
– Nhưng mà, con giống ba con là giống chỗ nào, hả má?
Nghe Hai Thanh hỏi tới, Má Bảy cười thầm: “Đúng là, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Tánh thằng Hai, giống hệt tánh ba của nó lúc còn sanh tiền hễ thắc mắc việc gì thì truy hỏi tới cùng”. Má lồm cồm ngồi dậy, bước tới bàn thờ chồng vặn chiếc đèn chong cho sáng tỏ thêm. Hai Thanh lặng lẽ theo má thắp nhang khấn vái ba. Má Bảy, chậm rãi kể:
– Ba của con vốn người làng Mỹ Ngãi(2) và có họ hàng với cụ Cà Điền(3). Sanh thời, ba của con ít nói và rất kiệm lời khi phải nói về mình. Mấy năm má ba chung sống ngắn ngũi, chỉ đôi lần ba con nhắc chuyện ngày cũ: rằng, ba con học Trường Cơ khí Á châu(4) và bấy giờ, người ta thường gọi là trường Bá Nghệ, Sài Gòn.
– Má! Nghĩa là, con học nơi ba của con từng theo học!
Thú vị bất ngờ, Hai Thanh phấn kích.
– Vậy mà, từ bấy lâu, má không nói cho con biết.
Ý là trách nhưng sợ má buồn, Hai Thanh lãng sang chuyện khoe tên trường:
– Trường con đang học, giờ mang thêm danh hiệu là École des mécaniciens – École Rosel, do Yves Germain, kỹ sư cơ khí, Đại úy Hải quân làm Hiệu trưởng đó, nha má!
Thấy con trai hồn nhiên vui trong ngây thơ. Má Bảy vừa vui lây vừa đâm ra lo vì má hiểu rằng, chẳng có sự hồn nhiên và ngây thơ nào mà không trả giá – có khi cả mạng sống – trước thời cuộc đảo điên, man trá.
– Ngày đó, ba con tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi tự do cho cụ Phan Bội Châu và nhứt là, quyết liệt phản đối việc thực dân Pháp tạo cớ bắt giam Nguyễn An Ninh. Rồi, ba của con bị nhà trường đuổi học!
– Má! Hành động của ba, con thật ngưỡng mộ!
Vụt đứng dậy, Hai Thanh nói lời chững chạc:
– Má! Trường con học, đáng mặt là một trong những trường học giữ vững truyền thống yêu nước!
Nhìn bộ dạng con trai, má Bảy cười:
– Cha nào con nấy!
Hai Thanh ngập ngừng
– Má ơi! Con…
.- Có gì, con cứ nói!
Má Bảy nắm tay con, buông thõng hai tiếng:
– Lớn rồi!
– Dạ! Má ơi, xin má cho con gia nhập “Thanh niên Tiền phong”!
Má Bảy không ngạc nhiên lời con hỏi xin, chỉ ngạc nhiên là vì sao Hai Thanh chọn lực lượng “Thanh niên Tiền phong” gửi tâm ý nguyện. Bởi, theo chị Hai Kim Ba(5) nói:
“Thanh niên Tiền phong là kế thừa Thanh niên khỏe của Ducoroy nằm trong chính sách tập hợp thanh niên nhằm phục vụ mục đích chính trị”. Và, chị Hai Kim Ba còn nói rõ:
“Sau khi Nhật đảo chính Pháp (3.9.1945). Iida lãnh sự Nhât ở Sài Gòn xin ý kiến và được Thống đốc Nam Kỳ Minoda đồng ý, lãnh sự Iida giao Hồ Văn Ngà (sáng lập Đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập) và Hồ Văn Ngà giao lại lại cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (lúc này là Tổng Thư ký, Đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập) tổ chức thực hiện”.
Chị Hai Kim Ba, khẳng định:
“Chừng nào tổ chức này, thoát khỏi Nhật kềm kẹp thì mới có ích cho công cuộc cách mạng giành Độc Lập nước nhà”.
Sợ con dính líu với Thanh niên Tiền phong người đời chê trách thân Nhật, nên má Bảy nói:
– Má sẽ bàn bạc thêm với dì Hai, rồi hẵn hay!
Má Bảy, giục huỡn để có thời giờ suy nghĩ.
– Dạ! Hôm qua, con đã ngỏ ý với dì Hai.
– Dì Hai, nói sao?
– Dạ! Dì Hai nói:
“Trai thời loạn, phải xông vào chốn hiểm nguy mới mong có cơ hội được góp phần cứu dân cứu nước”.
Dì nói chắc ba bó một giạ, rằng:
“Trước sau gì, Thanh niên Tiền phong cũng trở về với cách mạng và là lực lượng nồng cốt giành Độc Lập ở Sài Gòn, sau tám mươi năm bị Pháp chiếm đóng đô hộ”.
Nghe con nói, má Bảy tạm yên lòng. Nhưng rồi, má nói thêm:
– Việc này là việc hệ trọng, thủng thẳng để má hỏi ý kiến dì Ba Lại cũng như anh Hai Hổ của con, coi thái độ và hành động thế nào trước thời cuộc rối rắm hiện giờ.
Má nói tiếp:
– Khi má sanh con và lúc con còn nhỏ, một tay dì Ba Lại chăm nom, nuôi dưỡng.
Lời má Bảy khiến Hai Thanh cảm động và bất ngờ, Hai Thanh nói:
– Má! Còn điều nữa, con muốn hỏi!
– Điều nữa, là điều gì con?
– Là điều con muốn hỏi để biết những gì mà cuộc đời ba má đã trải qua.
Ôm mạnh má, Hai Thanh như gửi lời đòi hỏi trước lúc bước vào con đường tranh đấu.
Trách yêu con, má Bảy nói:
– Được đằng chân lân đằng đầu!
Song, má nghĩ: chẳng phải Hai Thanh không biết điều, được điều này liền đòi hỏi thêm điều khác; mà điều đòi hỏi của con là chính đáng và bậc sanh thành, có trách nhiệm giao gửi lại cho con.
– Được rồi! Hôm nào, má sẽ đáp ứng sự đòi hỏi của con.
Hai má con cùng cười.
Ngoài trời, Sài Gòn rựng sáng!
2.
Năm Thanh, đứng tựa lưng cây sầu đâu bắt đầu thay lá bên kia đường nhà thờ Đức Bà. Anh nhìn bầu trời Sài Gòn xanh mà không thẳm – không thẳm, bởi những áng mây lang thang trôi bất định che khuất cái thẳm sâu của bầu trời. Đã hai năm rồi, từ lúc bị đuổi học anh không dám trở về quê vì sợ ba má buồn khổ. Bồi hồi, anh nhớ nhà, nhớ ba má và các chị gái… Nhớ mùa nước nổi, cánh đồng Mỹ Ngãi mênh mông như biển cả; khi nước giụt, cá tôm nhiều vô số kể và chúng dắt díu nhau tràn ra ngã sông Tiền để quay lại cố hương. Vào thời điểm ấy, cả làng – trong đó có gia đình ba má anh – tận dụng mọi phương tiện dụng cụ, như: chài, lưới, giăng câu, vó, lọp, đăng, đó… đánh bắt. Gia đình ba má của anh chuyên làm mắm và làm mắm nổi tiếng trong vùng. Những ngày hè nghỉ học, anh phụ má và các chị lựa cá còn nhảy xoi xói làm thật sạch rổi ủ muối, thính, chao. Xa xứ, nhiều lúc ở Sài Gòn anh thèm mắm nhớ quê!…
– Anh! Đợi em có lâu không?
Giựt mình, nhưng Năm Thanh kịp trấn tỉnh:
– Không lâu đâu em!
– Suy nghĩ gì mà mặt mũi tươi sáng vậy, anh?
Tủm tỉm cười, Năm Thanh nói anh đang dệt ước nguyện.
– Ước nguyền gì, anh?
– Nếu, sau này vợ chồng mình có con trai, anh sẽ cho con nó học trưòng nơi anh đã học.
Mắc cỡ, Bảy Ngọc dúi đầu lên vai Năm Thanh
– Em cầu nguyện ơn trên cho ước nguyện của anh thành, và xin Đức Mẹ Maria giữ gìn anh!
– Anh cảm ơn em.
Năm Thanh, hôn lên má người thương.
Sung sướng, Bảy Ngọc giục:
– Anh! Mình đi kiếm cái gì ăn lót dạ.
Trên hàng cây xanh trước Bưu điện Sài Gòn, bầy bồ câu tung cánh đáp sân Công trường Công xã Paris.
Đang ăn, Năm Thanh nhắc chuyện cũ:
– Hôm đó, nếu không gặp em chắc là anh bị bắt hoặc bị bắn chết!
Nghiêm lời, Bảy Ngọc nói khẽ:
– Ý Chúa!
Bảy Ngọc theo đạo Chúa, từ làng Đông Hòa xứ Vĩnh Kim lên Gia Định phụ việc thím Tư The – người cùng làng – bán vải chợ Bà Chiểu. Gia tộc Bảy Ngọc đạo Chúa toàn tòng, có truyền thống giúp đỡ những người yêu nước ở địa phương và nhà ông nội của Bảy Ngọc, cặp mé lộ Đông Dương(6) đường vào Vĩnh Kim cũng là một cơ sở trong nhiều cơ sở đầu mối liên lạc nơi vùng đất địa linh nhân kiệt, từng nổi tiếng “Lục hiền” (7), một tiến sĩ Phan Hiến Đạo (Đốc học, tỉnh Định Tường) và là cái nôi nghệ thuật sân khấu miền phù sa châu thổ Sông Tiền(8).
– Thấy người chạy trối chết, em biết người ấy đang lâm nguy. Và, em buộc em phải cứu!
Bảy Ngọc nói tự nhiên, nghe nhẹ hều.
Số là chiều chủ nhật ấy, sau khi đi lễ nhà thờ Đức Bà, thím Tư về nhà và giao sạp vải lại cho Bảy Ngọc trông coi. Chợ Bà Chiểu thưa khách vắng người. Bỗng dưng, có người thanh niên từ phía Rue de la pagode(9) chạy bổ xuống chợ và bất ngờ đâm sầm vô ngay sạp vải của Bảy Ngọc. Nhanh tay, Bảy Ngọc mở nắp sạp vải và người thanh niên, lẹ làng chui vô căn hầm nổi dùng để chứa vải. Bảy Ngọc đóng lại nắp hầm. Bọn lính Tây trờ tới, lùng sục khắp chợ nhưng không tìm thấy đối tượng cần tìm. Ngó dáo dác một hồi, chúng kéo nhau bỏ đi.
– Việc xảy ra hai năm rồi đó em!
– Và, cũng ngần ấy thời gian mình có nhau.
Bảy Ngọc cười buồn, vì nhớ lại sau cái chiều hôm ấy, thím Tư The trả Bảy Ngọc trở về quê do sợ dính líu tới quốc sự và những lời dị nghị râm ran của bạn hàng mua bán vải. Đương lúc Bảy Ngọc chưa biết tính sao, Năm Thanh cậy nhờ chị Ba Lại cứu giúp. Nghĩ tình đồng hương và có họ hàng xa, chị Ba Lại nhận lời. Vậy là, từ đó, Bảy Ngọc nương thân nơi chị Ba và giúp việc nhà phục vụ tiệm vàng bạc do chị Ba làm chủ và cũng từ đó, Năm Thanh gắn kết với anh Ba Hùm – chồng chị Ba Lại – . Mỗi tuần, Năm Thanh và Bảy Ngọc gặp nhau một lần vào ngày chủ nhật, sau giờ tan lễ. Điểm hẹn, nơi cây sầu đâu bên kia đường nhà thờ Đức Bà.
Không rõ người trồng hay chim tha hột trái rớt, cây sầu đâu lớn hơn vòng tay người ôm và cao trợt ót, mọc chen giữa hàng me tây sum sê lá. Sầu đâu cành tỏa rộng, tán rậm và và hằng năm, cứ độ tháng Mười đến tháng Giêng âm lịch cây sầu đâu bắt đầu thay lá trổ bông. Mùi hương bông sầu đâu quyến rũ các loài chim lẫn bồ câu thích đậu, đong đưa gió rung cánh bông theo nhịp hót buổi ban mai.
– Này em! Có lẽ, tuần sau mình không hẹn gặp nhau.
Chưng hửng, Bảy Ngọc hỏi:
– Tại sao?
Chợt nhận ra lời hỏi gay gắt, Bảy Ngọc dịu giọng:
– Bận việc gì, đến mức anh không thể hẹn?
– Tuần sau, anh đi công việc cho anh Ba!
Nghe Năm Thanh nói “đi công việc cho anh Ba”, Bảy Ngọc chẳng những không thắc mắc mà còn lấy làm vui vì hiểu rằng, công việc ấy là công việc quốc sự.
– Đã hai mùa sầu đâu trổ bông, nha anh!
Bảy Ngọc nhắc.
– Anh nhớ, sao có thể quên.
Chần chờ giây lát, Năm Thanh nói tiếp:
– Giờ tháng Giêng, Mậu Thìn (1928), cuối mùa bông sầu đâu.
Tự nhiên, Năm Thanh trang trọng lặp lại lời Bảy Ngọc lúc trao thân:
– “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” và từ giây phút này, hai đứa mình vĩnh viễn thuộc về nhau cho dù cuộc đời dâu bể!
Mắt Năm Thanh ngân ngấn nước và Bảy Ngọc, khóc vì hạnh phúc.
***
Sài Gòn, Rằm Nguyên Tiêu, Mậu Thìn (1928).
– Bảy! Em sao vậy?
Tiếng chị Ba Lại hỏi.
– Dạ! Thưa chị, em không sao!
– Không sao mà tuần nay, chị để ý thấy em khang khác. Dường như,…
Chị Ba ngưng nói nửa chừng.
Tiếng nôn ói của Bảy Ngọc nghe rõ mồn một. Chị Ba thầm nghĩ: “Chắc là con nhỏ này đang ốm nghén”. Bởi, hiện tượng ốm nghén của Bảy Ngọc chẳng khác chị ốm nghén hồi ba tháng trước. Bây giờ, thai nhi trong bụng chị đã sang tháng thứ năm.
– Không sao, mà em nôn ói. Chị nghi, chắc là em cấn bầu rồi đó, Bảy!
Chị Ba vừa nói vừa bước vô phòng ngủ của Bảy Ngọc ở nhà sau.
– Dạ! Em cũng không biết nữa chị!
Cố kềm tiếng khóc, Bảy Ngọc rưng rưng nước mắt và kể:
– Gần đây, em bị trễ kinh, ngực hơi căng tức, ngán ăn những món ăn mà thường ngày em ưa thích và em, rất mệt mỏi…
Đang nói, Bảy Ngọc nôn ói.
Không sai người làm, chị Ba tự tay vệ sinh giúp Bảy Ngọc. Chị Ba cảm thông và thương Bảy Ngọc nết ăn nết ở và rồi đây, cũng sẽ sanh con cùng năm với chị. Hơn nữa, chị rất quý trọng Năm Thanh, một con người trượng nghĩa và trung thành với chồng chị. Việc gì khó hoặc hiểm nguy, chồng chị – anh Ba Hùm – đều phó thác cho Năm Thanh.
– Cứ buổi sáng là em buồn nôn…
Bảy Ngọc thỏ thẻ với chị Ba Lại.
Chị Ba, tủm tỉm cười:
– Em mang thai rồi đó, Bảy! Chị chúc mừng em!
Lời chị Ba, chẳng khác luồng sinh khí mới rần rật chảy trong thân Bảy Ngọc.
– Mà này! Em đã báo tin vui cho Năm Thanh biết chưa?
– Dạ! Thưa chị, chưa!
Ngạc nhiên, chị Ba hỏi:
– Sao vậy?
– Dạ! Vì em không biết em mang thai!
– Vậy thì, chờ Năm Thanh đi công việc của anh Ba về, em báo gấp tin vui cho chồng em biết.
– Dạ!
Trước khi rời phòng ngủ Bảy Ngọc, chị Ba Lại dặn:
– Sáng mai và những ngày tới, em nghỉ ngơi dưỡng thai và cần gì, cứ nói với chị!
A painting of a house with people walking in the rain

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Lê Sa Long
3.
Năm Thanh, bặt vô âm tín!
Trông đứng khóc, trông ngồi khóc… Bảy Ngọc mòn mỏi đợi chồng về và hy vọng chờ khai hoa nở nhụy. Đêm đêm cầu nguyện và hàng tuần, sau lễ nhà thờ Đức Bà, Bảy Ngọc ngồi dưới gốc cây sầu đâu cho tới hết ngày! Bông sầu đâu cuối mùa, rơi rụng trắng mặt đường và táng lá xanh xưa giờ héo hắt vàng úa dưới nắng tháng Hai gay gắt phố Sài Gòn. Là người công giáo, Bảy Ngọc luôn nhớ: “Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trí khôn, tự do, lý trí và ý chí…” thì có lẽ, Ngài khắc ghi vào tâm hồn người sự khát khao nhìn thấy Ngài và nếu, sự khát khao ấy người chẳng thấy, Thiên Chúa vẫn không ngừng khiến cho người thấy bởi nơi Thiên Chúa, người mới sống và tìm được chân lý, hạnh phúc… Con người là một hữu thể tôn giáo, tự bản chất và do ơn gọi. Nhưng, trước thời cuộc đảo điên trên xứ sở thuộc địa, gia đình ly tán… chồng ra đi mà không biết vợ mang thai và sẽ có được một đứa con mang dòng máu yêu nước! Tâm trạng Bảy Ngọc, mỗi tích tắc thời gian trôi qua, là mỗi nhịp tim cố nén nỗi đau tuyệt vọng và nỗi đau tuyệt vọng ấy, của người mẹ, rất người!
– Bảy! Đừng quá bi lụy, em!
Trìu mến, chị Ba nhắc nhở Bảy Ngọc.
Và, chị Ba nói tiếp:
– Mất tích thì Năm Thanh cũng đã mất tích. Điều hệ trọng hiện giờ, là em phải bảo vệ cho bằng được giọt máu của Năm Thanh.
– Dạ! Thưa chị, em biết rồi!
Chị Ba bộc bạch:
– Nếu, chị sanh con trai và em sanh con gái hoặc ngược lại thì về sau, khi chúng nó trưởng thành, chị em mình tác hợp chúng nó thành vợ thành chồng. Nhược bằng, hai đứa đều trai hay đều gái thì chúng nó là anh em là chị em, tình thân thủ túc!
Dằn cơn xúc động, Bảy Ngọc nói:
– Dạ! Thưa chị, em không dám!
– Chẳng có gì gọi là không dám.
Rồi, chị Ba nói chắc cứng:
– Tình người và trượng nghĩa, không chi ngăn trở hoặc xóa được!
Và, như một lời an ủi, chị Ba nói luôn:
– Mất tích chưa chắc đã chết!
– Thiệt hả, chị?
– Chớ sao!
Bảy Ngọc, vui trào nước mắt.
***
Sài Gòn, Rằm Vu Lan, Mậu Thìn (1928).
– Tin tức về Năm Thanh, sao rồi mình!
Nghe vợ hỏi, nét mặt anh Ba buồn xo.
– Năm Thanh bị chúng nó thủ tiêu!
– Chúng nó là ai, mình?
Ba Lại hỏi tới.
– Chúng nó, là bọn chống “Thanh niên Cao vọng Đảng”(10) của Nguyễn An Ninh.
Ba Lại hỏi thêm:
– Năm Thanh bị chúng nó thủ tiêu ở đâu, mình?
– Ở Bến Lức, mất xác!
Ba Lại, thở dài não nuột.
– Em đừng cho Bảy Ngọc biết sự thật này.
Cẩn thận, anh Ba căn dặn.
– Em hiểu!
Trăng vằng vặc sáng khắp bầu trời Sài Gòn thuộc địa.
Anh Ba thoáng nghĩ: “Rằm Vu Lan, trăng tròn mà lòng người thì méo, nỡ nhẫn tâm với đồng loại vì miếng ăn dơ”.
– Mình!
Ba Lại gọi khẽ.
– Gì em?
– Em muốn về Mỹ Ngãi để ngoại chăm sóc lúc em sanh đẻ.
– Thôi em! Sanh con ở Sài Gòn vì Sài Gòn, có bịnh viện đủ điều kiện tốt hơn.
Ngăn vợ có ý kiến, anh Ba nói:
– Anh sẽ rước ngoại lên Sài Gòn!
– Nhưng,…
– Thôi em! Chẳng nhưng gì nữa. Vả lại, bên cạnh em còn có Bảy Ngọc…
Nghe chồng nhắc Bảy Ngọc, Ba Lại cắt ngang lời:
– Phải rồi mình! Em về quê, cô Bảy làm sao lúc bụng mang dạ chữa.
Giọng buồn buồn, Ba Lại nói:
– Bảy Ngọc sẽ sanh con sau em vài tháng và đơn thân vượt cạn. Thật tội nghiệp!
Im lặng. Anh Ba nhìn bóng vợ in trên tường nhà gạch cũ.
– Em vui ở lại Sài Gòn sanh con và cũng là, để có chị có em cùng sanh con chung năm tuổi con Rồng!
***
Sài Gòn, Rằm Trung Thu, Mậu Thìn (1928).
– Chị Ba ơi! Ch…ị… Baa… a…
Bảy Ngọc gọi giựt ngược, đứt quãng.
Đang cho con bú, chị Ba hỏi vọng ra:
– Đêm hôm khuya khoắt, gì đó Bảy?
– Anh Ba bị bắt, chị ơi!
Tiếng khóc Bảy Ngọc kéo rây tới cửa buồng của chị Ba.
– Anh Ba bị bắt một mình hay còn ai nữa?
– Dạ! Còn có ông Ninh (Nguyễn An Ninh)!
– Bị bắt lúc nào?
– Dạ! Trưa nay!
– Tại đâu?
– Dạ! Tại Bến Lức!
Nghe tên “Bến Lức”, chị Ba liên tưởng tới chỗ Năm Thanh bị bắt và bị thủ tiêu mất xác. Tự dưng, chị run khang và rùng mình.
– Sao em biết, hả Bảy?
– Dạ! Người giao liên của anh Ba vừa báo tin tức thì!
Bảy Ngọc học lại những gì người giao liên kể: ” Hồi trưa này, anh Ba cùng ông Ninh đi tới Bến Lức, tụi cảnh sát mà đứng đầu là tên Cai Nên vô cớ xét hỏi giấy tờ tùy thân và kiếm chuyện khiêu khích đánh đập ông Ninh. Thấy vậy, anh Ba can ngăn. Cai Nên nhảy vô đánh anh Ba và anh Ba đánh lại. Sau đó, tên Cai Nên hô hoán và vu oan là anh Ba cướp súng”.
Chị Ba Lại không khóc vì từ lâu, chị biết sẽ có ngày này. Chị nhìn tờ lịch treo tường: ngày dương, 28.9.1928 và ngày ta, 15 tháng 8 năm Mậu Thìn. Chị Ba lẫm nhẫm: “Đúng ngày Rầm Trung Thu”!
Bóng trăng khuya len qua khe cửa, kéo hàng hàng vệt sáng mờ ảo và tạo muôn hình vạn trạng trông gớm ghiết, hung tợn.
– Mèng ơi! Con trai!
Chẳng giữ ý tứ, chị Ba la toáng lên.
– Vậy là, Năm Thanh có người nối dõi tông đường!
Trở mình, Bảy Ngọc mừng ứa nước mắt.
– Đặt thằng cu tên gì đây, Bảy?
– Dạ! Em tính lấy tên cha đặt tên cho con, được không chị Ba?
– Theo xưa thì không, theo nay thì được.
Và, chị Ba nói lời vững tin:
– Được! Được quá chớ, em!
Hòa chung niềm vui, chị Ba Lại nhắc lời nói cũ:
– Hổ và Thanh đều là trai, hai đứa là huynh đệ!
– Dạ!
Chị Ba Lại, khẳng định:
– Đã là huynh đệ, dù thời bình hay thời chiến, dứt khoát không thể đi ngược đường nhau.
– Dạ! Em nghe lời chị.
Bảy Ngọc, sướng rơn trong bụng.
Tụi thực dân Pháp giam anh Ba tám tháng ở Khám Lớn, Sài Gòn và thả (11), đồng thời phạt anh ba tháng tù treo cộng với tiền phạt. Anh Ba trở về nhà, chị Ba cấn bầu tiếp và sau ngày thôi nôi cháu Hai Hổ thì anh lên đường sang Pháp du học (12). Chị Ba Lại, một mình tay xách nách mang vượt cạn với nỗi lòng vò võ nhớ thương chồng.
4.
Sài Gòn, sôi động tranh đấu.
Hai Thanh, trong trang phục áo trắng ngắn tay, quần sooc xanh, ca lô xanh, nón bàng rộng, huy hiệu mũi tên thẳng đứng… bên hông dắt dao găm, trông đáng mặt “Thanh niên Tiền phong”.
– Dạ! Thưa má, con mới về!
– Cơm nước gì chưa con?
– Dạ! Con vừa ăn cơm với anh em trong đội rồi, má!
Hai Thanh ngoại đạo Chúa vì nhiều lý do, trong đó có lý do Bảy Ngọc muốn con thờ cúng và hương khói cha của nó. Trìu mến nhìn con, má Bảy giục:
– Thắp nhang cho ba đi con!
– Dạ!
Thắp nhang khấn vái xong, Hai Thanh gục đầu khóc cạnh bàn thờ.
– Thanh! Đừng mềm lòng, con!
– Nghĩ mà thương ba má quá chừng chừng! Kẻ thù giấu mặt giết ba chết mất xác không lưu lại dấu vết, ngay di ảnh của ba cũng chẳng có mà thờ phụng. Má thì bèo dạt hoa trôi, tần tảo nuôi con trong nỗi bất hạnh tận cùng…
Nghẹn lời, Hai Thanh khóc lớn tiếng.
Làm ra vẻ cứng cỏi, má Bảy sởi lởi trêu chọc con:
– Đã là chiến sĩ Thanh niên Tiền phong mà con trai của má, chẳng tiền phong chút nào!
Lấy khăn lau nước mắt Hai Thanh, má Bảy nói:
– Thanh! Hôm nay, má trao chiếc nhẫn – kỷ vật, mà ngày xưa ba con đã trao cho má khi nên nghĩa vợ chồng!
Má Bảy nói tiếp:
– Con giữ chiếc nhẫn, là giữ tình yêu thương của ba má dành trọn cho con.
Hai Thanh, quá bất ngờ, nghẹn lời và đứng chết trâng.
Đeo chiếc nhẫn vô ngón tay con, má Bảy giục:
– Thôi, rửa mặt đi con!
Hai Thanh quay lưng đi, má Bảy khóc và thì thầm với vong linh chồng:
– Mình ơi! Em đã nuôi con khôn lớn và em, thực hiện đúng ước nguyện của mình: ” Nếu, sau này vợ chồng mình có con trai, anh sẽ cho con nó học trường nơi anh đã học”. Và, tên của mình cũng là tên của con. Giờ đất nước loạn ly, con nó xếp bút nghiên nối bước theo đường tranh đấu mà ngày trước cha đã chọn.
Má Bảy khấn:
– Mình sống khôn thác thiêng, hãy phù hộ và cố giữ gìn giọt máu của mình để gầy giống đời sau!
– Má! Bộ má khóc, hả?
– Đâu có con!
– Má ơi! Sao má giấu con?
Và, Hai Thanh liếng thoáng chỉ rõ:
– Nước mắt còn chèm nhẹp trên khuôn mặt buồn bã cùa má!
Xẻn lẻn, má Bảy nói đùa cho con vui:
– Vậy là, má con mình cùng huề!
Hai Thanh dúi ít tiền vô túi áo của má.
– Gì vậy, con?
– Dạ! Con gửi má ít tiền tiêu vặt.
– Tiền đâu con có?
– Dạ! Tiền ăn và sinh hoạt phí do đội phát. Con tằn tiện nhín nhút để dành tặng má!
Dùng dằng, má Bảy từ chối.
– Má ơi! Xin má nhận để con vui!
Thấy con tha thiết nài nỉ, má Bảy cầm mấy đồng bạc của con cho và thầm nghĩ: con cho tiền cũng có nghĩa là nó còn nhớ tới mình!
***
Sài Gòn, chiến tranh cận kề!
Hai Thanh đi, căn nhà trở nên vắng ngắt lạnh tanh. Má Bảy, nằm nghĩ ngợi mông lung. Má đã chứng kiến Sài Gòn nhiều lần bị không quân Mỹ (quân đội Đồng minh) dội bom và nhứt là, thương cảng Khánh Hội. Bảy Ngọc lo cho con, gạn hỏi ý kiến chị Ba Lại thì chị nhắc lời chị từ mười bảy năm về trước, rằng: “Hổ và Thanh đều là trai, hai đứa là huynh đệ! Đã là huynh đệ, dù thời bình hay thời chiến, dứt khoát không thể đi ngược đường nhau”.
– Chị Ba! Chị nói vậy, nghĩa là…
– Nghĩa là, Hai Hổ tòng quân Vệ quốc đoàn, cứu nước!
Chị Ba Lại hỏi Bảy Ngọc:
– Cháu Thanh, con trai của em thì sao?
– Dạ! Thưa chị, con trai của em xin gia nhập Thanh niên Tiền phong!
Lưỡng lự, chị Ba Lại nói nhỏ:
– Chị nghe nói, Thanh niên Tiền phong thân Nhật. Nếu phải thì đừng và nếu là, tổ chức trá hình để chống Nhật chống Pháp thì mau cho cháu gia nhập. Vì như vậy, anh em nó cùng đi chung một con đường.
Dè dặt, chị Ba Lại căn dặn:
– Chuyện này, em cần trao đổi thêm với dì Kim Ba, người sát cánh bên anh Ba Hùm!
Chị Ba Lại còn nói thêm:
– Mải mua bán kiếm ăn, chị ít khi để ý tới thời sự. Dì Kim Ba, hoạt động báo chí và chính trị sẽ có biểu kiến rõ ràng hơn.
– Dạ!
Không khí đường phố Sài Gòn – Gia Định ngột ngạt như chờ đợi cơn địa chấn.
Bảy Ngọc với chị Hai Kim Ba là chỗ qua lại thân tình. Hồi năm Bính Tý (1936), anh Ba có nhờ Bảy Ngọc sang giúp việc chăm sóc chị Hai lúc đẻ con so và năm đó, anh Ba trúng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Mẹ chị mất khi chị còn măng sữa, bà ngoại Sương Nguyệt Anh đem về nuôi. Chị được thừa hưởng gen văn thơ, báo chí, chính trị… từ cố ngoại Nguyễn Đình Chiểu, bà ngoại Sương Nguyệt Anh và của cha là chí sĩ Mai Văn Ngọc, tự Mai Bạch Ngọc (13). Tính chị thương người, tài hoa và nặng tình nhưng không mền yếu trước bão giông, cương nghị và quyết đoán… Với Bảy Ngóc, đó là người chị đáng tin cậy.
Chiều Sài Gòn mưa lâm thâm, Bảy Ngọc đến thăm chị Hai và chưa kịp nói điều gì, thì chị Hai Kim Ba đã nói:
– Bảy! Những gì em muốn hỏi, chị đã trao đổi với cháu Thanh.
Chị Hai khen cháu Thanh:
– Thằng điển trai và thông minh!
Trấn an, chị Hai Kim Ba nói luôn:
– Lo gì em!
– Em lo lắm, chị Hai ơi!
Bảy Ngọc thố lộ tâm trạng bất an.
– Thời nhiễu nhương, tao loạn trong buổi tranh tối tranh sáng này, cần có tổ chức đoàn thể làm chỗ dựa. Nếu không, sẽ bơ vơ lạc dòng và đôi khi chết mất xác.
Chị Hai cũng nói rõ để Bảy Ngọc yên tâm:
– Cháu Thanh, chọn đi con đường đáng đi và ba của cháu, ngày trước cũng đã đi. Sống chết tại trời!
5.
Sài Gòn tản cư.
Trời hửng sáng, chuông đồng hồ gõ bốn tiếng (14), Bảy Ngọc thức giấc nấu nước pha trà và chuẩn bị đi lễ nhà thờ Đức Bà. Bỗng dưng, tiếng súng nổ râm rang hướng dinh Xã Tây, nhà Bưu Điện và nhiều hướng khác.; bảy Ngọc quỳ cạnh giường cầu nguyện. “Chuyện gì đã xảy ra?”, Bảy Ngọc tự hỏi. Trời sáng hẳn, loa phóng thanh phát lời kêu gọi đồng bào tản cư và thông báo Pháp tái chiếm Sài Gòn. Im tiếng súng, Bảy Ngọc đi lễ nhà thờ Đức Bà cầu nguyện sự bình an đến mọi người, trong đó có con trai và đồng thời, nghe ngóng tin tức Hai Thanh. Buổi chiều lại, Bảy Ngọc tiếp tục đi lễ nhà thờ mà bụng dạ nôn nao, nóng rang như lửa đốt. Tan lễ, Bảy Ngọc quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ Maria trước nhà thờ Đức Bà. Bọn lính Pháp mặt mày đằng đằng sát khí, tay cầm súng lăm le chực chờ nhả đạn, rầm rập chạy trên đường phố.
– Dạ! Thưa bà, có phải bà là má của Hai Thanh?
– Dạ! Thưa phải!
Bảy Ngọc chưa kịp hỏi gì thêm ở người khách lạ.
– Tôi là người có biết bà và cũng là đồng đội chung đơn vị với Hai Thanh sau khi Thanh niên Tiền phong giải tán.
Nói xong, người khách lạ nhành tay để gói giấy nhỏ lên bậc thềm chân tượng Đức Mẹ, rồi vụt chạy nhanh theo bờ tường nhà thờ Đức Bà, thoáng cái biến mất.
– Chúa ơi! Chiếc nhẫn!
Toàn thân Bảy Ngọc rung bần bật.
– Con tôi, chết rồi sao? Chết rồi sao?
Mắt tối sầm, Bảy Ngọc ráng sức lê bước sang bên kia đường và kiệt sức, gục xuống gốc cây sầu đâu sắp rụng lá trổ bông đầu mùa.
Tham lam và vĩ cuồng của con người tạo ra tội ác của chiến tranh!.
Chú thích:
1. Tượng Giám mục D’Adran (trước Nhà thờ Lớn thành phố Sài Gòn), tượng Francis Garnier (trước Nhà hát Tây), tượng Năm hình (Ngã Sáu), tượng Gambetta (Vườn Ông Thượng), tượng Rigaud de Genouilly (bến Thủ Thiêm)… Theo lệnh của Kha Vạn Cân, Thị trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn (ngày 22.8.1945).
2. Làng Mỹ Ngãi, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
3. Cả Điền, tên thật Dương Tân Điền, là cha bà Dương Thị Lại (1905 – 1992), vợ chính thất của chí sĩ Phan Văn Hùm (1902 – 1945) và có hai người con: Phan Phục Hổ (1928 – 1948, Liệt sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp), Phan Kiều Dương (1930 – , Giáo Sư, Kỹ sư địa chất, Việt kiều Pháp). Bà học trường Trung học Marie Curie (Sài Gòn), đậu bằng Thành chung và sau đó, kinh doanh vàng bạc đá quý.
4. L’école des Mécaniciens Asiatiques, thời Emmanuel Rosel, kỹ sư công nghệ, Đại tá Hải quân làm Hiệu trưởng (106 – 1939).
5. Mai Huỳnh Hoa, nhũ danh Mai Kim Ba (1910 – 1987), vợ thứ chí sĩ Phan Văn Hùm. Bà có hai người con: Phan Nhuận Mai (1936 – , tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc và hồi kết về sống ở thành phố Hồ Chí Minh), Phan Tùng Mai (1938 – 2002, nhà văn). Bà mất ngày 25.7.1987 (nhằm ngày 30.6 năm Đinh Mão), mộ phẩn được an táng tại nghĩa địa họ Phan, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
6. QL.4 (nay là quốc lộ 1).
7. Lục hiền, nổi tiếng yêu nước, nho học, đạo đức… một thời sống chết với vùng đất Vĩnh Kim, gồm: Trần Đình Túy (Bái Liễu), là ông ngoại của bà Đoàn Thị Giàu (phu nhân cụ Tôn Đức Thắng); Trần Văn Diệm (Thân Diệm), là ông ngoại của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê; Trần Văn Xuyên (Chủ Xuyên); Huỳnh Văn Túc (Cả Túc); Dương Văn Tôn (Trưởng Tôn) và Nguyễn Chi Giao (Giáo Giao).
8. Trần Quang Thọ, Trần Quang Diệm, Trần Ngọc Viện, Nguyễn Tri Túc, Nguyễn Tri Khương…
9. Ngày nay, là đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
10. 1 “Thanh niên Cao vọng Đảng” của Nguyễn An Ninh, có ước khoảng 7.000 đảng viên ở nhiều tỉnh, chủ yếu là ở Hốc Môn – Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Mỹ Tho (Theo Báo cáo, tháng 2 năm 1928 của Sở Mật thám Nam Kỳ).
11. Ngày 8.5.1929.
12. Tháng 9 năm 1929, Phan Văn Hùm sang Pháp học Đại học Sorbonne (Paris).
13. Mai Văn Ngọc (1882 1932) hiệu Nhâm Sinh, sinh tại làng Điều Hòa, Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vợ là Nguyễn Thị Vinh (con gái của bà Sương Nguyệt Anh). Ông hết lòng giúp đỡ những chí sĩ yêu nước bị Pháp bắt an trí tại Nam Kỳ, như: Võ Oanh, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Phan Chu Trinh… Ông ủng hộ Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh, rất mến mộ Phan Văn Hùm và sau đó, Phan Văn Hùm trở thành con rể. Năm 1931, ông bị Pháp bắt giam ở Khám lớn Dài Gòn. Năm 1932, ông trông sang Thái Lan, đến tỉnh Pakxe (Lào) bị Pháp phục kích bắn chết.
14. Rạng chủ nhật, 4 giờ sáng ngày 23.9.1945.
5/9/2021
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...