Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Kể cho con về khúc hát ru

Kể cho con về khúc hát ru

Đêm nay mẹ không ngủ được nên ghi vội mấy dòng này. Mẹ sợ không ghi nhanh thì sẽ quên những chi tiết rất thân thương thuở con còn thơ bé…
Từ khi con còn bé xíu, cụ nội đã ru con bằng khúc hát ru. 
Ở thời của cụ, cùng với những lời ru thắm đượm tình yêu gia đình, yêu quê hương xứ sở, những câu hát còn thổi vào lòng con trẻ những mất mát hy sinh của chiến tranh và lòng tự hào dân tộc. Có lẽ chính những khúc ru như vậy là khởi nguồn để lớp lớp cháu con sau này, không ít người đã trở thành anh hùng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.
Bằng lời ru ấy, cụ đã hát ru ông nội, ru bố con, và bây giờ, cụ lại mang khúc ru à ơi cho chắt của cụ. Bao năm qua đi, đã biết bao đổi thay, vậy mà câu hát chẳng hề thay đổi. Nó thường bắt đầu như thế này:
“Con còn nhỏ tuổi thơ ngây
Nào đâu có biết những ngày đấu tranh
Bom rơi đạn nổ tan tành
Máu đào xương trắng xây thành núi cao”…
Cụ nội cứ à ơi, à ơi… cho tới khi con thiếp ngủ. Có lúc, mẹ cũng thiếp đi trong khúc ru thao thiết ấy. Dần dần, xen vào những bài ca dao quen thuộc, tự bao giờ chẳng biết, mẹ lại ru con bằng câu hát của cụ.
Con biết không? Đó chính là khúc ru đưa con vào giấc ngủ nhanh nhất đấy. Lời ru thấm dần như những giọt sương tan vào đất mỗi ban mai. Khi con bập bẹ tập nói, đôi lúc mẹ hát sai một từ con cũng nhận ra và đòi mẹ hát lại. Đến khoảng chừng mười lăm tháng, bỗng một ngày mẹ thật vui khi con đọc một mạch khúc ru ấy, không sai, không vấp một từ nào.
Thấm thoắt thời gian trôi, cụ mất đã được năm năm rồi. Cả nhà mình vẫn hay nhắc đến cụ với nhiều kính trọng, yêu thương.
Tự dưng hôm nay mẹ nhớ cụ quá. Nhớ lúc con tròn tháng tuổi, cụ nội lo rằng không ai chăm sóc con (khi đó cả bà nội và bà ngoại vẫn đang ở Thái Bình, chỉ thỉnh thoảng mới lên thăm con được), nên đã rời quê lên Hà Nội. Nhớ những lần cụ nựng nịu hít hà con rồi bảo: “Cái đít nhôm, đít nồi của “chụ” đây”, chắt của “chụ” giỏi nhất miền Bắc Việt Nam đây. Không cần giỏi nhất toàn quốc Việt Nam, chỉ cần giỏi nhất miền Bắc Việt Nam là đủ rồi con nhỉ!”. Nhớ những ngày cụ bắc cái ghế nhỏ ra ngồi trước cửa cho sáng, rồi mẹ vừa nhổ lông quặm cho cụ, vừa nhẩn nha nghe cụ kể chuyện ngày xưa. Nhớ giọng nói với những thanh âm rộn ràng, hệt như bước chân của cụ vậy, đi đến đâu là vui vẻ, râm ran đến đấy. Nhớ dáng người tất bật buổi chợ về. Nhớ cái nón rách cụ đội mà mẹ nói thế nào cũng ko thay, dù đã có nón mới. Nhớ ánh mắt đăm đắm hóng chắt nội từ đằng xa, khi mẹ chở con từ trường mẫu giáo về, và trở nên rạng rỡ khi đón con từ xe mẹ, như thể con là thứ quý giá nhất đời cụ. Mẹ nhớ cả cái giành tích ủ nước chè xanh, người bạn thân thiết đã đồng hành với cụ cho đến lúc mất.
Lúc sinh thời, cụ thường nói với mẹ: “Tre nứa già thì tốt, người già thì xấu con ạ. Bà chỉ mong khi nào ông Giời muốn bà đi thì cho bà ngủ một giấc rồi đi, đừng làm khổ con, khổ cháu”. Thế rồi, cụ nội ra đi một cách đột ngột, đúng như ước nguyện của cụ. Con đứng một chỗ lặng lẽ khóc, như một người đã hiểu lắm về giá trị gia đình, về nguồn cội. Mẹ biết, cùng với những chăm bẵm, bế tắm, khúc ru nựng nịu đưa nôi đã giúp con ngấm thứ tình không gì có thể so sánh được mà cụ đã dành cho con, từ khi còn tấm bé cho đến khi cụ đến với thế giới người hiền. Đó chính là bài học vỡ lòng đầu tiên dạy con biết yêu thương…
Đêm nay mẹ không ngủ được nên ghi vội mấy dòng này. Mẹ sợ không ghi nhanh thì sẽ quên những chi tiết rất thân thương thuở con còn thơ bé. Như lúc này, mẹ lục tìm ký ức và tra google nhưng thật tiếc đã không thấy lại được khúc ru hoàn chỉnh để lưu lại cho con. Mẹ nghĩ hẳn là con sẽ rất xúc động và nâng niu những dòng hồi ức này phải không?!.
4/9/2021
Vũ Trần Anh Thư
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...