Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Nhớ và quay về

Nhớ và quay về

Một trong những hạnh phúc lớn của mỗi người là được trở về quê trong ba ngày tết. Quê ở đây thường được hiểu là quê nhà, nơi có một mái nhà của tuổi ấu thơ, nơi những người yêu thương ruột thịt từng gắn bó,  quây quần và sẻ chia.
Với tôi, dòng xoáy dữ đội của chiến tranh đã cuốn tôi cùng gia đình rời khỏi nơi sinh thành, xô đẩy chúng tôi đến nhiều nơi và không lưu lại nơi nào đủ lâu để trở thành xứ sở, thành nỗi nhớ không nguôi.
Quê mình ở đâu? Tôi tự hỏi, nhiều lần tự hỏi. Chốn chôn nhau cát rún của cha của mẹ hay nơi tôi cất tiếng khóc chào đời? Tên làng, tên xã…những địa danh quen thuộc vẫn có mặt trên trang lý lịch hay trong câu trả lời khi có ai đó hỏi tôi về quê quán. Nhưng trong trí nhớ, nơi chốn ấy hết sức  nhạt nhoà. Hình ảnh duy nhất thường trồi lên từ ký ức vẫn là bà dì Hai, người chị ruột của bà nội tôi và mảnh vườn xum xuê cây trái của bà.Chị em ruột thịt của nội tôi, chỉ có bà là người lưu giữ được những kỷ niệm về đứa em gái bất hạnh của mình. Cũng chính bà, chính đôi tay bà đã rứt ba tôi ra khỏi bầu sữa đã nghẽn tắt trên cơ thể giá lạnh của nội tôi. Rồi thay em, bà nuôi dưỡng đứa cháu cút côi.
Ngày ba tôi đắt vợ con về thăm bà dì lần đầu tiên, tôi không còn nhớ rõ mình đã được mấy tuổi, nhưng mảnh vườn cây trái của bà thì tôi còn nhớ, nhớ như mới ngày nào.
Chị em chúng tôi theo bà ra vườn. Trời ơi, y như vườn cổ tích! Xanh rượi. Ríu rít. Vàng ươm. Ngào ngạt. Ổi chín. Mít chín. Xoài chín. Chuối chín. Đu đủ chín…Chỉ cần ngửa bàn tay ra…Chị em tôi hít thở căng lồng ngực,  ríu rít tung tăng, muốn hét lên thật to vì thích thú.. Bà dì bưng rổ len lỏi giữa những hàng cây trĩu quả. Bà tươi cười, nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, hồng hào. Nước da bà mới đẹp làm sao! Tôi to mò nhìn vào làn da còn đẹp hơn da các cô thiếu nữ của bà và nghĩ: da bà trắng thế, mịn thế  chắc bà không tắm bằng thứ nước đùng đục dập dềnh bèo dưới ao kia mà có lẽ bà tắm bằng thư nước dừa trong vắt trên cây. Dừa hàng hàng, không cao, chỉ cần nhón gót, với tay là có thể bẻ được vô số trái. Bán không hết, ăn không xuể, bà phải nạo cơm dừa, thắn thành dầu. Dầu để ăn, dầu để xức tóc. Tóc tôi, tóc má tôi và tóc thằng em trai tôi nữa, đều mướt rượt trong những ngày được sống bên bà. Bữa ăn, những con cá rô mề to bằng bàn tay của ba tôi đữơc chiên bằng dầu dừa thơm ngậy. Còn rau sống xanh nõn và trái chín vàng ươm được xếp đầy trên đĩa.Vừa ép lũ cháu ăn, bà vừa giải thích: "Tụi con ăn nhiều vô ! An cá bổ máu, ăn rau bổ phổi, ăn trái cây bổ tim, bổ óc…". Ngày ấy, dù rất bé, tôi vẫn lờ mờ cảm nhận, có lẽ đó là những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi mà trọn vẹn của tuổi thơ tôi:được vui vầy bên cha bên mẹ bên bà và có cả mảnh vườn thần tiên.
Rồi chiến tranh và năm tháng đã đẩy gia đình tôi đến nhiều nơi và cứ kéo chúng tôi ngày một xa hơn cái mảnh vườn xum xuê cây trái của bà.
Khi hoà bình, cái trở lực không còn là cái khoảng cách địa lý, cũng không phải vì nỗi vất vả tàu xe mà dường như  cái nhu cầu tinh thần, thứ tình cảm quá đỗi thiêng liêng trong mỗi con người lại không phải là cái nhu cầu bức bối như hơi thở là việc làm, là chỗ ở và rồi còn là sự hụt hẫng và bất lực của chính mình trước vòng quay nghiệt ngã của thời gian và cuộc sống. Tuy vậy, hình như  trong thẳm sâu ký ức, hình ảnh bà dì với mảnh vườn xưa vẫn còn nguyên vẹn. Thỉnh thoảng, trong giấc ngủ chập chờn giữa âm thanh phố thị, vẫn mơ màng đâu đó tiếng đừa rơi phình phịch, tiếng cá cá quẫy nước dưới ao bèo, tiếng chim ríu ran gọi nhau ăn trái chín, tiếng bước chân xào xạc của bà trong vườn cây…
Những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi ấy, không chỉ nâng đỡ tôi mà còn gợi trong tôi nỗi biết ơn thầm lặng đối với cuộc đời này, rằng; dù lênh đênh trôi dạt, dù chới với vấp ngã, dù phải đương đầu với bao bất trắc, dù nỗi cô đơn như chẳng lúc nào buông tha, dù cõi lòng có lúc rã rời… tôi vẫn còn một chốn để nhớ. Nhớ và quay về. 
31/12/2005
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa tím bao giờ nở

Hoa tím bao giờ nở 1. Chuyến bay bị delay hai tiếng rưỡi, phòng đợi nháo nhào, tôi tìm một góc tĩnh lặng nhâm nhi ly cà phê Lão bạn già ngồi...