Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Xanh như mắt lá dong

Xanh như mắt lá dong

Chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày mình cầm dao phạt ngang vườn lá dong đang xanh ngăn ngắt như cái buổi trưa hôm nay.
Lưỡi dao vừa vụt qua thì những phiến lá dong đứt ngang, lả tả. Nhựa lá ầng ậc. Cứ như chúng đang tứa máu. Phạt đến nhát thứ 11 thì tôi ngồi thụp xuống giữa vườn. Giọng nghẹn đắng. Mẹ à. Con không làm được. Sao cứ phải tàn nhẫn thế này. Mẹ tôi rít lên. Mày không làm được thì thằng cha mày làm. Thằng cha mày không làm được thì để tao thuê người làm. Chỉ cần ba ngày, tao cho một mồi lửa cháy rụi hết. Giọng mẹ chao chát, răng nghiến kèn kẹt như căm hận từ lâu lắm rồi. Kể cả khi ngước lên, nhìn thấy cha tôi đứng ở mé hiên thì cái âm thanh ấy vẫn không hề hạ xuống.
Ở bên kia hàng rào kẽm gai. Bác Thân cũng đang gầm lên như thế. Cũng phàng phạt. Rào rào. Lá dong bên ấy cũng thi nhau đổ rạp. Vừa phạt vừa chửi. Chửi bâng quơ. Nhưng cũng chẳng bâng quơ gì. Tôi nghĩ đâu đó ở góc hiên, hay chái sau nhà, bác Thân gái đang ngồi đâu đó, cũng buồn hiu hắt như cha lúc này.
Nếu có sẵn tiền trong nhà. Chắc mẹ tôi (mà cũng có thể là bác Thân trai) đã gọi thợ xây luôn bức tường thành cao chừng chục mét để ngăn giữa hai nhà. Để sớm mai, khi vừa tỉnh giấc, mở tung cánh cửa gỗ rồi phóng tầm mắt băng qua vườn lá dong xanh um, mẹ không với sang hỏi chị Thân ăn canh bầu không qua nhà em mà cắt. Chỉ trong một chốc lát, người đàn bà vóc dáng nhỏ xíu, có nụ cười rộng tới mang tai sẽ tất tả sang nhà tôi, mang theo nắm lá xả lẫn hương nhu cho mẹ nấu nước gội đầu (Bởi mẹ vốn dị ứng với các loại xà phòng gội đầu mỗi tối vẫn ra rả trên ti vi). Rồi hai người đàn bà sẽ ngồi ở hiên nhà, vừa lặt rau vừa rầm rì đủ chuyện cả buổi chưa dứt. Cha tôi vẫn bảo mẹ với bác Thân gái có thể nói xấu cả thế giới mà không bao giờ chán. Những khi ấy, tôi thấy mẹ nguýt cha tôi một cái rất dài.
Hôm nay phiên toà vừa kết thúc. Lúc 12 giờ kém 15 phút.
Bốn tiếng đồng hồ ở toà. Tôi nghĩ mình không thể thở được vì sự ngột ngạt của căn phòng của phiên toà. Mười người trong căn phòng rộng thênh thang. Mẹ tôi và vợ chồng bác Thân ngồi ở hai dãy ghế. Lâu lâu lại quay sang nhìn nhau. Cái nhìn nào cũng tung toé vệt lửa. Tôi ngồi thu lu ở cuối căn phòng. Bên kia. Cũng góc phòng. Liên ngồi ở đó. Xanh xao và gầy gò. Thêm một đôi mắt buồn hắt. Mặc kệ phía trên mấy dãy bàn màu nâu sẫm, mẹ tôi và bác Thân gầm ghè lẫn nhau. Cứ đôi ba phút vị thẩm phán chủ toạ phiên toà lại gõ búa xuống bàn cùm cụp. Đề nghị trật tự. Các anh chị không được phép xúc phạm nhau.
Tôi không nghĩ sẽ có một hôm như hôm nay. Hai nhà đưa nhau ra toà tranh giành đất đai. Chỉ là từ khi hai anh em tôi và Liên chưa có mặt trên đời, hai nhà chung tiền mua một mảnh đất, chia đôi. Mỗi nhà dựng một căn nhà gỗ nhỏ xíu xiu. Phía trước nhà trồng rau, giữa hai nhà trồng một vườn lá dong để dịp tết hái bán cho người ta mua về gói bánh chưng. Lá dong xanh quanh năm, giữa vườn dong có con đường nhỏ vừa đủ người lách qua. Lũ trẻ chúng tôi mỗi ngày đều chạy giữa con đường mỏng mảnh ấy để sang nhà nhau.
Một ngày, dự án khổng lồ của tập đoàn S dự định sẽ biến vùng đất của khu xóm thành khu liên hợp hay sân gôn gì đó. Họ tuyên bố sẽ đền bù tiền cho bà con sống trong vùng đất quy hoạch. Theo sổ đỏ mà quyết. Thông báo ra phường. Thôn. Xóm. Cứ thế thống nhất. Muốn hay không muốn thì đất đai vườn tược rồi cũng sẽ là của tập đoàn S. Hai nhà được thông báo sẽ được đền chung một khoảng tiền lớn. Chỉ sau đó một đôi hôm thì ầm ầm cãi vã. Số tiền chia giữa hai nhà. Bác Thân bảo nhà tôi nhiều hơn vì tôi có mặt tiền rộng hơn nhà anh chị mét rưỡi. Mẹ tôi bảo miếng đất nhà mình dài hơn năm mét bảy. Miếng đất ngày xưa xéo xẹo, suốt mấy mươi năm nay chẳng bao giờ ai quan tâm đến chuyện đó. Cho đến hôm nay. Lúc hai nhà ngồi chung một chiếc chiếu bắt đầu bàn chuyện chia tiền đền bù thì mọi việc lại rẽ sang cái hướng chẳng ngờ tới.
Bác Thân giận dữ. Mẹ tôi gào thét. Tuyên bố cả hai nhà sẽ đưa nhau ra toà.
Khi mẹ nói điều đó. Cha đứng sững. Đôi mắt ông nhìn mẹ tôi như chết trân. Chỉ một lúc lâu. Cha buông thõng. Vừa vừa thôi. Mình còn để đức cho tụi nhỏ. Ông cứ để yên cho tôi. Tôi không khiến ông lo. Mẹ tôi gào lên. Hễ có chuyện gì là bà lại gào lên. Chỉ cần như vậy, cha sẽ im ngay lập tức. Ông không muốn trong nhà ồn ào. Bất cứ khi nào mẹ la lối như lúc này. Ông sẽ lẳng lặng bỏ ra chỗ khác. Hoặc ông dắt xe đi cổng, đi loang quanh đâu đó, đợi mẹ tôi nguội thì sẽ về. Mẹ biết tính cha. Bà luôn giành phần thắng trong những cuộc căng thẳng tương tự. Chỉ có điều hôm nay thì khác. Cha đi thẳng vào buồng. Ông mang theo cái túi xách căng phồng. Tôi không chịu nổi cái sự hung hăng của bà. Bao nhiêu năm nay, tình anh em làng xóm thân thiết, vì bà mà thành nông nỗi này. Tôi đi cho bà muốn làm gì thì làm.
Tôi nghĩ cha chỉ nói thế. Rồi thì mẹ hạ giọng. Ông sẽ quay vô buồng, cất cái túi xách lên nóc tủ, rồi bảo anh em đi tắm, chiều tối rồi. Nhưng khi mẹ gào lên. Ông muốn thì cứ cuốn gói đi đi thì cha tôi đi thẳng ra cửa. Ông dắt xe đến cổng, loay hoay nổ máy. Tôi hốt hoảng chạy theo cha, níu lấy yên xe, khóc quíu. Cha à, đừng đi. Cha quay lại, giọng lẫn trong tiếng xe máy đẫm mùi khói xăng. Thôi. Con vô nhà tắm rửa, ăn uống rồi học bài. Cha đi mấy hôm rồi về. Mặc kệ tôi giãy lên. Ông rồ ga. Chỉ chốc lát không còn thấy bóng cha ở con đường trước mặt. Lúc ấy, mẹ mới thôi gào. Tôi đứng thẫn thờ ở đó. Lâu thật lâu. Đến khi quay vào nhà, tôi thấy mẹ ngồi bệt ở bậc tam cấp. Mặt mẹ xanh rớt. Mà cũng có khi vì màu xanh của vườn lá dong phía hông nhà hắt sang nên mọi thứ cứ xanh muốn ngợp đến thế.
Anh Tuyên không nói chuyện với mẹ từ bao giờ tôi cũng không biết nữa. Chắc từ ngày mẹ giãy lên chửi vọng sang nhà của Liên. Chắc từ ngày kẽm gai chằng kín ô vuông của bờ rào, đoạn mà anh vẫn lách sang với Liên. Anh với Liên yêu nhau. Bao nhiêu lần tôi bắt gặp anh nắm lấy tay Liên, khi người lớn đang ngủ trưa, tôi lần mò ra vườn. Hai người ấy đang ngồi xổm giữa vườn lá dong. Thầm thà thầm thì. Họ quên trời quên đất, cứ như thể thế gian này chỉ có mỗi họ đang yêu nhau.
Cha mẹ tôi. Nhà Liên. Ai cũng vun vào cho chuyện tình của anh Tuyên với Liên. Hai người trẻ mới báo rằng chúng con yêu nhau đấy thì cha tôi và bác Thân trai đã rôm rả chuyện đám cưới thì chung một rạp có tiện không. Những người phụ nữ rôm rả bàn chuyện cưới xong thì giữa hai nhà phải làm cái cổng rộng một chút cho tụi trẻ con sau này chạy qua chạy lại giữa nhà nội với nhà ngoại. Anh Tuyên đi làm về, chưa kịp cởi áo đã sang nhà Liên, không chặt củi thì cũng leo lên cột giàn cho dây bầu bên nhà tôi lan sang có chỗ neo.
Chuyện bàn cưới xin của anh Tuyên với Liên chưa kịp bàn về ngày dạm ngõ thì hai nhà xảy ra chuyện tranh chấp ấy.
Anh Tuyên bị mẹ cấm nói chuyện với Liên. Cấm hẳn. Không yêu đương. Không qua lại với nhau nữa. Mẹ. Can gì đến chúng con. Mày cứ qua lại yêu đương với nó. Tao chết cho mày muốn làm gì thì làm. Mẹ gào lên. Cứ hễ không ưng là mẹ lại gào. Lần này tiếng gào của mẹ chan chát. Như thể để bên kia hàng rào, bác Thân trai cũng sẽ nghe. Liên cũng sẽ nghe mà khuỵ xuống thềm nhà. Mẹ vừa phải thôi. Con thật không chịu nổi mẹ rồi. Anh Tuyên hét lên. Cứ thế tuôn ra cổng. Khi anh rồ ga chạy đi thì phía bên kia vườn lá dong, tiếng chén bát vỡ loảng xoảng. mảnh sành bay tung toé ra đường. Tao cấm nhé. Mày qua lại với nó thì bước qua xác tao. Tao còn sống đây. Liên khóc. Tiếng khóc nức nở và oan ức lắm. Rồi thêm tiếng khóc của bác Thân gái, hờ hờ, nấc như nghẹn.
Mẹ im bặt. Bà lẳng lặng vào nhà. Tôi ngồi ở góc hiên. Cứ thế tựa vào cột nhà. Lâu lắm. Cứ ngồi mãi ở đấy. Khi giật mình sau giấc ngủ quên thì mọi thứ đã yên ắng lắm rồi. Và trời cũng sầm tối từ bao giờ không rõ.
Cái hôm sau đó. Khi Liên vừa mở cổng, nhìn thấy mẹ tôi xách giỏ đi chợ về. Liên chào nhưng mẹ giả tảng không nghe thấy. Mặt mẹ tỉnh không đi một mạch qua ngõ nhà Liên. Dường như chỉ cần như thế, bác Thân trai đứng ở cửa nhà, chửi vu vơ rằng người lớn không bằng đứa con nít mới lớn lên. Chấp nhặt. Nhỏ nhen. Mẹ tôi về đến cổng nhà, quày quả trở lại, trước mặt Liên. Bà nhổ toẹt mãi nước miếng xuống đất. Đứng bên này tôi cũng kịp nhìn thấy đôi mắt rơm rớm nước của Liên. Anh Tuyên ném cái ly nước chè đánh choang ra sân. Mẹ. Tôi sống với mẹ không nổi nữa rồi. Chỉ thốt được từng ấy, anh Tuyên dắt xe đi một mạch ra cổng. Đêm hôm đó anh Tuyên không về.
Mà bên nhà ấy, Liên cũng đi đâu mất biệt. Bác Thân chửi gióng sang nhà tôi. Chửi rằng cha mẹ mà không biết dạy con. Con nhà tao mà có mệnh hệ gì thì đừng trách sao tao đốt nhà. Mẹ tôi đứng bên này. Cười khẩy. Tao cũng mong vậy đó. Con gái mất nết đừng mong bước chân sang nhà tao. Thứ con cái mà bỏ nhà theo trai suốt đêm như ngữ ấy. Đời nào.
Tôi nằm trên ghế băng dài ở phòng khách. Lâu lâu nghe tiếng xe người qua đường thì nhỏm dậy. Mẹ thấp thỏm trên chiếc ghế bên kia chiếc bàn nước. Mẹ không ngủ chút nào. Người cứ rũ xuống như tàu lá dong đứt gốc.
… Đêm ấy. Cũng dài như cái đêm cha tôi tôi xách giỏ ra khỏi nhà.
Đến lúc trời ưng ửng sáng thì phía bên hàng rào vọng lên tiếng hét thất thanh. Tôi bật dậy chạy tuôn qua cổng nhà bác Thân. Mẹ tôi chạy sấp ngửa theo sau. Bác Thân gái, người đàn bà nhỏ thó đã nằm sóng xoài dưới đất, giữa vườn lá dong. Toàn thân mềm nhũn, hai mắt bác trợn ngược, tím tái. Còn bác Thân trai thì đứng xuội lơ. Bác Thân trai tối qua đã chấu đường điện vô rào kẽm gai. Rằng chỉ cần nhỏm lên chạm lấy hàng rào là sẽ bị điện giật. Rằng bác Thân trai ghét cái kiểu hai con chó cỏ nhà tôi cứ len lén chui lỗ hàng rào qua nhà bác ăn chực cơm của chó. Người ghét nhau chứ lũ chó cỏ thì mắc gì ghét nhau mà không chui sang bên kia.
Gọi xe cấp cứu đi chứ anh hai. Nhanh. Mẹ líu quíu. Rồi mẹ vội vàng ngồi xổm xuống, lồng hai tay đè mạnh lên lồng ngực bác Thân gái từng nhát, từng nhát để nhồi tim hô hấp. Mẹ thở hổn hển. Gọi anh Tuyên. Gọi chị Liên đi con. Nhanh. Mặc kệ mẹ hét. Bác Thân trai chạy quíu. Vừa chạy lấy cái này cái kia vừa khóc. Đến khi còi xe cấp cứu hụ inh ỏi thì bác vẫn không thôi khóc. Ngay cả khi người ta khiêng bác gái lên xe cứu thương thì cũng là lúc ngã sụp xuống đất. Nơi vạt lá dong nát bươm vì vết chân người ta xéo lên.
Vườn lá dong này. Cũng sẽ chẳng còn nữa. Chẳng biết người có bình an để lại trồng những vạt lá dong xanh mướt ở chốn nào đó nữa hay không thôi…
17/6/2021
Niê Thanh Mai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...