Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Hồ Hữu Tường: Phi lạc cõi nhân gian

Hồ Hữu Tường:
Phi lạc cõi nhân gian

“Ở tù có sá gì! Các anh em, cứ bình tĩnh ở tù”[1]
(Hồ Hữu Tường)
Ôm ắp ký ức phù sa, giữ đúng điệu bộ tánh nết quê nhà sông nước, Hồ Hữu Tường những mong mỏi xiển dương văn hóa tộc Việt. “Chủ nghĩa dân tộc” của tiên sinh suy cho cùng chắc chỉ còn lại tình yêu quê hương đất nước nồng hậu, tươi thắm…
Mở đầu: Phi Lạc và những hoài vọng
Giấc mộng “Minh Đạo” hay lòng thao thức “kế thế” Tây Sơn và cho dù, là gì đi nữa thì Hồ Hữu Tường[2] cũng đã xác lập một cách thế Người giữa cõi nhân gian. Cách thế Người như vậy, có lắm thị phi về sự vĩ cuồng của anh “Tề thiên” đại náo hoàn vũ hoặc chữ Người viết hoa của Hồ tiên sinh được gắn ghép gần gũi với “Siêu nhân” của Nietzsche (1844-1900). Song, có lẽ, Hồ Hữu Tường còn ôm giấc mộng xa hơn, lớn hơn giấc mộng “đại thánh tề thiên” gắp bội lần. Bởi, cách thế “họ Tôn” đại náo chỉ dừng lại ở chỗ lật đổ một thiết chế cố cựu cho hả hê phản kháng lại thói ngang ngược của giai cấp thống trị, cuộc cách mạng Mỹ hầu vương chỉ dừng lại ở mức “giặc cỏ” hay khăn vàng chọc khuấy thiên địa, chẳng đưa tới một trật tự (hay thiết chế mới). Nếu, ta dõi theo từng bước chân luân lạc của Hồ tiên sinh, ta nhận thấy ông muốn thực hiện cuộc đại náo để rồi sau đó kiến tạo một tân thế giới, dù rằng cái tân thế giới ấy ra sao thì chẳng cần biết. Sự vĩ cuồng chính là chỗ đó, chứ không phải tâm thế đại náo.
Luân lạc trời Tây, không loại trừ trường hợp Hồ tiên sinh đã “hội ngộ” với kẻ phản Ki-tô Đức quốc. Tuy nhiên, nếu xem xét chữ Người viết hoa của Hồ Hữu Tường trong mối tương quan với surhomme/superman của Nietzsche, chẳng khác gì ghép cành “mãng cầu” trên cây “bình bát”. Bởi lẽ, hai ý hướng trái ngược của Hồ tiên sinh và Nietzche trong việc kiến thiết chữ Người. Tại sao? Tại vì: một đàng hồi quy, quay về chắp nối chỗ đứt gãy của văn minh Việt (nền văn minh thuộc về cây lúa Nước – với chữ nước viết hoa); một đằng thịnh nộ và quay cuồng kiểu Dionysus với sự ngất ngây rượu vang, hăng say đập đổ giữa buổi hoàng hôn, ngõ hòng mở ra một bình minh mai hậu. Do vậy, có lẽ Nietzsche gần với Tôn Ngộ Không, chứ không phải Hồ Hữu Tường.
Vì, những nguyên do ấy, một lần nữa, ta hãy thử tìm về làng Thường Thạnh, rồi trở ra đất Bắc tìm anh mõ làng Cổ Nhuế để hỏi tường tận chuyện anh mõ Phù Ninh đã “Phi Lạc” cõi nhân gian như thế nào!?
1. Văn chương chữ nghĩa, hay là đôi cánh tưởng của hoài vọng
Tinh thần dân tộc, nói một cách nào đó chính là sự thể hiện qua tiếng mẹ đẻ. Gìn giữ và “vạch một chân trời” với Hán ngữ cũng là một cách thế lập định/khu biệt tiếng Việt trước quan điểm cho rằng Việt ngữ là một loại ngôn ngữ địa phương của Hán ngữ. Hồ Hữu Tường bỏ nhiều công sức và tâm huyết qua công trình Lịch sử văn chương Việt Nam (tập 1)[3] để thực hiện công việc này từ những năm cuối của tiền bán thế kỷ XX.
Trong văn xuôi, Phi Lạc – Hồ tiên sinh bắt đầu bằng một chữ bịp và kết thúc bằng một chữ bợm. Trải nghiệm chính cái bịp bợm đó để lật mặt bịp bợm bằng tiếng cười “ngút ngắc” đớn đau. Có người nói, Hồ tiên sinh là anh Tôn Ngộ Không nổi loạn, cũng là kẻ du thuyết như truyện Tàu; nhưng có lẽ đến sau cùng, Hồ tiên sinh vẫn là người hiền của đất Nam Bộ. Con người mãi loay hoay vì canh cánh thế sự, vì thấy thế cuộc đảo điên theo vận nước đầy vơi dưới thời thực dân Pháp cai trị quê nhà và bản thân ông cũng vần xoay… vần xoay liên hồi. Hồ tiên sinh hẳn đã sống trọn vẹn một đời “phi lạc”. Dẫu vậy, ông đã có một cuộc đời bộn bề vận hội mà chắc hẳn không có gì hối tiếc, bởi ông đã “chơi tới bến” – sống hết mình với những sự thể gặp phải trên đường đời. Thân phận cánh chim phương Nam lạc loài bay trong bão nổi. Chẳng phải chim không biết bão nổi bốn bề, chẳng qua muốn thỏa mãn “đời chim”. Hồ tiên sinh ý thức rõ ràng bản mệnh. Dù không thể “đại náo thiên đình” và lật đổ cửu trùng, nhưng cuối cùng vẫn còn để lại một giai thoại đáng nhớ giữa cõi trần gian. Như thế, đó cũng đáng cho thân phận một con người và không uổng cho một sinh mệnh có mặt trên cuộc thế trấn ai.
Với văn chương, thiết nghĩ cần xác định ngay từ đầu, Hồ Hữu Tường chối từ vai trò nhà văn[4]. Nhưng, với Phi Lạc sang Tàu, ông không thể né tránh đã trở thành nhà văn trong nhận thức của người đời.
Theo bước Thánh Nhân sang Tàu, chúng ta thấy sự tương đồng kỳ lạ giữa Xuân Tóc Đỏ và Hồ Phi Lạc. Hồ tiên sinh lại còn nhắc lại một câu kinh điển của Vũ Trọng Phụng: “Biết rồi, chán lắm, nói mãi!”[5]. Hay, như lối kết hợp từ trái khoáy của Vũ Trọng Phựng, ta lại thấy ở Hồ tiên sinh cũng có nét tinh nghịch như vậy (Quách Mạt Nhược à Quách Mạt Cương tr.115). Trường hợp của Hồ Phi Lạc dường như khiến hậu thế nghĩ lại thuyết chính danh của Khổng Khâu. Câu nói của thằng mõ Phù Ninh: Bất chính danh, ngôn thuận (tr.92), không phải vô căn cứ. Điều này, khiến chúng ta nghĩ lại việc lập định hệ giá trị, và hệ quy chiếu, từ đó hiểu được mối liên hệ giữa “danh” và “ngôn”. Phàm là thực ngôn thì không thể luận danh, hễ chính danh thường đều là lộng ngôn. Cho nên, ngôn thuận không thể ở chỗ chính danh được. Luận đến chính danh và bất chính danh, Hồ tiên sinh bày ra cuộc diện đảo điên, lộng giả thành chân, lấy hư làm thực, tri thức con người cũng đi đến chỗ thui chột, lần cho ra gốc lại càng thêm khó, cho nên ngôn không thể thuận, ngôn thuận chính là ngôn của sự giả danh. Ví von chuyện này, nhà văn sử dụng lối chơi chữ thâm thúy, khiến cho giới trí giả phương Bắc nửa mừng nửa lo. “Cụt nhẹ thêm râu lại sắc vàng” (tr.94). Qua đây, hậu bối sẽ thấy tinh thần dân tộc, xiển dương tài trí tinh hoa hơn người của người Việt phương Nam trong thế biệt phân rõ ràng ranh giới. Du thuyết ở phương Bắc cũng chẳng qua tài nói dóc ở phương Nam.
Xây dựng hình tượng nhân vật thằng mõ Phi Lạc, nhà văn tô điểm chung quanh nhiều vẻ dị thường. Dị vì bí ẩn lạ lùng, chẳng ai biết hắn từ đâu đến, gốc tích làm sao, đó là cảm giác tò mò trước hết mà bạn đọc nhận thấy. Sau nữa, kinh ngạc vì làm mõ làng Cổ Nhuế và mõ làng Phù Ninh mà thành ra nổi danh, đến như Trúc Khê Ngô Văn Triện còn phải kinh ngạc nhớ tên, đến nỗi giới thiệu cho cụ Nguyễn Văn Tố (có ý đề cao hơn cả cụ Trần Trọng Kim). Đó là, chưa nói đến bối cảnh sinh sống và cái ý ứng cử chức mõ ở một địa phương chẳng thơm thảo chút nào. Vì rằng Cổ Nhuế vốn sinh nghề bằng việc gánh phân cho thành Hà Nội. Bấy nhiêu đó cũng đủ khiến cho bạn đọc nổi mẩn ngứa cùng mình với nhân vật thằng mõ. Đằng sau đó, phải chăng Hồ tiên sinh có ý đặt “danh gia vọng tộc” bên cạnh “vô danh tiểu tử”. Không tính đến dụng ý hạ bệ cái học trường ốc cạn cợt thiếu sót, chúng ta nhìn thấy nhà văn âm thầm đề cao cái trí tri của người bình dân. Thánh nhơn xuất thế từ hàng xích tử[6]. Độc giả chắc không ít người hả hê trước lối giễu như không của Hồ tiên sinh. Hàng “cao thủ giang hồ” nổi danh khắp thiên hạ, lắm khi lại thua trắng tay bởi vô danh tiểu tử. Cách xây dựng nhân vật “anh hùng xuất thế” như vậy, Hồ tiên sinh đã đi trước Kim Dung một bước. Chưa kể chất “humour/humeur”[7] mà Hồ tiên sinh thêm vào hình tượng nhân vật càng khiến cho cái cười hả hê vừa chua vừa đắng. Mấy lời “gàn dở” của tên mõ làng Cổ Nhuế, mới nghe qua chướng tai gai mắt, khiến không ít hàng học giả nóng mặt, nhưng cũng có nghĩa lý để băn khoăn. Phải chăng Hồ tiên sinh có ý đắn đo về cái học trường lớp sách vở, thiếu thiết thực, có tiếng thơm nhưng gặp chuyện đời thì “câm như hến”. Bởi vậy, thằng mõ chẳng ưa làm kẻ ăn trên ngồi trấp (?), không màng thi cử, sách vở. Chưa kể, cái nghĩ của Ứng Hòe tiêu biểu cho quan niệm thực chứng khoa học, rất khác với lối trực giác bình dân. Và, như thế, càng chậm chạp thiếu sót, nửa vời hoặc rời rạc so với cái biết “cách vật trí tri” bằng lối biện chứng phi duy niệm-phi duy linh-phi duy tâm-phi duy vật[8] của thằng mõ Cổ Nhuế. Lối biện chứng của hắn ít nhiều gần gũi với trực quan bản chất[9] Tây phương dù chẳng có một ngày tụng niệm kinh sách.
Việc xếp ghế tiếp đãi khi cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đến làng Cổ Nhuế khiến ta băn khoăn nhiều điều. Tại sao lại phải chọn làng Cổ Nhuế để hỏi việc bí ẩn lịch sử, tại sao phải lôi hết cả tôn ti trật tự quy củ làng xã Việt Nam ra để nhốn nháo luận bàn, tại sao lại hỏi việc một thằng mõ cỏn con, … dụng ý của Hồ tiên sinh là gì? Việc này, hẳn chỉ có ở làng Cổ Nhuế hay vẫn tồn đọng khắp bốn phương chính trường? Lề thói ngoại giao chẳng phải là một mớ bồng bông vô nghĩa nực cười lắm sao! Trong khi ngó lại và nhận ra sự lố bịch của sự thế, dường như Hồ tiên sinh đã “ly khai” với bãi hỗn loạn nhốn nháo lời ong tiếng ve, để thực sự trở thành kẻ “Phi Lạc” một mình một cõi. Với tâm thế này, Hồ Hữu Tường nên là văn sĩ hoặc có thể là một nhà tư tưởng hơn là chính khách. Giữa đám đông xô bồ, nhí nhố lời ra tiếng vào nực cười vô ích, tiên sinh đã lẳng lặng bước qua một bên, chẳng nói tiếng nào để ngó nhìn cuộc “ẩu đả, cắn xé, sủa đổng” của nhân quần thế sự. Lắm khi ngó nhìn, tiên sinh chột dạ buông ra vài lời lẽ “bực mình” trước sự lố bịch của đám lố nhố xung quanh, cho đến nỗi “thần khẩu hại xác phàm”.
Cách tạo ra tiếng cười của Hồ Hữu Tường, phổ biến hơn cả chính là cách sử dụng các động từ “độc đáo”. Bậc quyền cao chức trọng được Hồ tiên sinh gán cho các hành động rất đời thường, rất con người và rất đỗi “bình dân”. Đâu đó, Hồ Hữu Tường đã nhận ra sự trống rỗng trong các vận hội chánh trị, sự lố bịch trong việc kêu gọi vận động hành lang. Một đằng phủ nhận bằng việc chỉ ra vẻ kệch cỡm của vở kịch chánh trị, một đằng Hồ tiên sinh vẫn “bướng bỉnh” (hoặc có thể là niềm nhức nhối thời thế không thể đứng yên mà nhìn) khiến Hồ tiên sinh hết mấy lần tù ngục bởi vì lên tiếng cho đường trung lập, tránh cho nước Việt sa vào chỗ nhốn nháo vô ích. Hoặc giả “Phi Lạc” đã vận vào đời tiên sinh chăng!
Hồ Hữu Tường sử dụng nhiều cảnh mộng để phát triển dòng chảy sự kiện. Lối mộng tưởng này, thiết nghĩ, có mối liên hệ với lối truyền kỳ trung đại trong văn học Việt Nam. Liệu thủ pháp này có liên hệ với lối văn xuôi của Nguyễn Dữ[10]. Dù gì đi nữa, Hồ tiên sinh cũng đã tạo ra cho hậu bối cảm thức về cái gọi là ranh giới giữa hư và thực. Lấy hư làm thực, lấy giả làm thiệt, thời buổi đảo điên hệ giá trị. Và, bọn “du thuyết’ bịp bợm, với những giá trị giả ngụy, với lối nhân danh có vẻ chơn chính, để thực hiện kỳ vọng cá nhân. Để rồi, ta sẽ lờ mờ nhận ra mối u hoài của Hồ tiên sinh trước cảnh đời hỗn loạn đang diễn ra trên khắp hoàn cầu. Đó là, cảm thức con người vũ trụ, hay tâm thế con người đứng trước diễn hiện sự thế rộng lớn về không gian lưu tồn bất tận về thời gian, kết nối cuộc diện nước Trung Hoa cổ đại với công cuộc trường kỳ giành lấy độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, thoát khỏi tệ lậu của xã hội phong kiến trước đó và cũng như, tìm đường đến sự tự chủ tự cường của dân tộc. Tấm lòng của Hồ tiên sinh đối với quốc gia đồng bào, hẳn đã rõ ràng. Hình ảnh thằng mõ làng Phù Ninh bị đưa về nước Trung Hoa, trong khi máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường với đông đảo trí giả nước ấy chờ đón, hắn bối rối nghĩ ngợi cái tên sao cho xứng tầm cố vấn đại quốc. Rồi, trong dòng nghĩ ngợi, tất cả hiện lên chỉ là chiêu trò khoác lác. Những tư tưởng đại thuyết, những đường lối vĩ đại, lời hoa mỹ,…tất thẩy đều chỉ là khoác lác. Vận mệnh lịch sử con người trên cõi hoàn cầu rốt cuộc bị xô đẩy thành ra hình hài này nọ…, tựu trung đều vì bọn khoác lác mà ra. Hồ Hữu Tường, khéo léo xếp đặt những chi tiết hài hước để nhân vật tự bộc lộ thói khoác lác khua môi. Ví như, sư Hồng Hạc vừa hô hoán công lao tìm kiếm thánh nhân ở phương Nam, nhưng nghe người khác hỏi, liền ngớ ra, quên chưa hỏi tên thánh nhân[11].
Ngoài lối giễu cợt, mối hoài vọng của Hồ Hữu Tường dường như còn ẩn chứa trong chính tên của nhân vật – Hồ Phi Lạc. Họ “Hồ” đây hẳn có chủ đích liên đới với Hồ Quý Ly, Hồ Thơm; hơn nữa lại do bọn du thuyết phương Bắc vơ lấy, thằng mõ buộc phải nhận họ ấy. Còn Phi, tức là to lớn, vốn từ cái tên Hồ Phi Phúc (cha Hồ Thơm), còn tên Lạc, bóng hình loài chim nhạn lớn. Chim biểu tượng phương Nam, gắn với hồn thiêng Việt tộc. Giới trí giả phương Bắc nghe tên đều hô vang tán thưởng. Tiếng tung hô vọt ra từ cửa miệng Hồ Thích – một trí thức nổi danh ở Trung Hoa bấy giờ. Hồ Hữu Tường nhắc nhớ về cội nguồn văn hóa Việt tộc. “Thời xưa, sau đời hoàng kim của Nghiêu Thuấn, thì loài người ngày càng trụy lạc. Có một bộ lạc của dân Việt toan rời bỏ cỏi đất Trung Hoa để tìm nơi dung thân, chờ vận hội tốt mà trở về chổ cũ. Trong trí họ, họ rất yêu chim kia, đông đem lạnh tới thì bay về Nam tìm ấm áp, chờ xuân về mà cùng về với xuân”[12]. Cánh chim lạc bay mãi về phương Nam, trong ý của Hồ Thích, có chút mỉa mai. Ấy là, niềm say mê ấm áp phương Nam và cứ theo đà Nam tiến, bay mãi về xích đạo, quên chốn cũ, quên quê cha đất tổ. Trên đường thiên di (có nhiều lý do thiên di), vấn đề hung hiểm xảy đến với tộc Việt không phải là gian khó ngoại cảnh do thiên địa tạo ra, mà chính là sự vong bản lần hồi qua mỗi thế hệ. Ý thức “Lạc-Việt” mà biểu hiện dễ thấy là văn hóa Việt là nỗi bận lòng mà tác giả không thể khuây khỏa. Hồ tiên sinh có ý chê trách hậu thế đã quên khuấy đi mất bản mệnh chim nhạn, đánh mất dòng Lạc, cam chịu thiên di và chối bỏ trách nhiệm với nguồn gốc dân tộc.
Bên cạnh đó, sự đề cao văn chương Việt Nam trong mối liên hệ với cuộc sống bình dân tức là đi vào văn hóa, không đâu rõ hơn chỗ đề cao Truyện Kiều. Hai vị bác sĩ trứ danh Trung Hoa lần dò thăm hỏi Phi Lạc chuyện y học. Thằng mõ lại chỉ rặt một chuyện văn chương mà nói tới. Hai vị bác sĩ không khỏi nóng ruột. Tiện cớ, Phi Lạc phân tách cho rõ ngọn ngành, hễ việc gì vật gì tầm thường ở xứ khác, đến nước Việt thảy đều trở nên phi thường trác tuyệt. Truyện Kiều là một minh chứng. Tất cả mọi việc diễn ra trong đời đều có thể soi xét vào đó. Văn chương cơ hồ viễn mộng, nhưng sự bay bổng của văn nhân đã truyền cảm hứng cho khoa học đương thời, biến huyễn tưởng thành sự thực. Hay là chuyện Tây Du Ký, cũng những luận lý về triết học mới, khiến ta băn khoăn về sự lập thành, vận động và phát triển của hai dòng triết học Đông Tây, mà đằng sau đó, Hồ tiên sinh đặt ra vấn đề về sự lành mạnh của một tinh thần dân tộc tự cường. Kẻ nào nguyện làm chư hầu, theo đuôi thiên hạ, tuyệt không thể có cái gọi là triết học được. Dân tộc ấy không thể sản sinh ra nổi một triết gia.
Bằng chữ nghĩa, Hồ Hữu Tường ký thác nhiều ưu tư trăn trở. Mỗi trăn trở ưu tư, tự thân đã xác định tâm thế cao vọng của tiên sinh. “Cũng như chích chòe lửa vườn ông Hội”, bay vượt lên ngọn cây cao nhất cất vang tiếng hót. Vậy, mới đáng một lần vỗ cánh, một lần rướn cổ lên tiếng giữa cõi thế gian.
2. Hồ Hữu Tường – văn hóa “miệt vườn”, hay là văn minh nước
Ngay từ đầu, ta phản xác định, Hồ Hữu Tường chối từ văn trò nhà văn hóa[13].
Là một người hân hoan thiệt thà, nỗi mừng vui thành thực của người con quê hương, một người con Việt Nam mừng rỡ trước cuộc gặp gỡ với khối vàng ròng quý giá, có khả năng giải thoát dân tộc khỏi những nghèo nàn thiếu thốn, tệ lậu trong tâm hồn và đời sống, mối hoài vọng lớn lao biểu hiện qua niềm sướng vui khôn tả ấy. Nhưng, liệu niềm vui mừng ấy có chấp chới bay về viễn đích (đến nỗi, có đôi dòng thiểu não, ái ngại). Ngại nỗi vì tiếng gọi đàn/gọi bầy của Hồ Hữu Tường có thể lạc lõng trong sa mạc[14]. Sa mạc cô liêu lặng ngắt và tiếng kêu không có lời đáp lại. Hồ Hữu Tường trở thành kẻ phi lạc trong viễn đích ắp ôm văn hóa Việt thoát cảnh cơ hàn và trả hết món nợ nhân loại để trở thành kẻ giàu có văn minh. Nhưng kỳ cùng “Ngài không làm như lời tôi bày vẽ, thì ngài hãy tin giùm. Ngài không tin theo lời tôi bày vẽ, thì ngài hãy cảm giùm. Ngài không cảm vì lời tôi bày vẽ, thì ngài hảy nghe giùm. Nghe cho nốt tiếng gọi đàn của tôi, để giúp cho tôi khỏi cái đau khổ của một kẻ phải thét to trong sa mạc”[15]. Hồ tiên sinh trên dải đất Việt Nam, hay Phi Lạc trên đất Trung Hoa, tất cả đều là những kẻ lạc loài giữa thời thế. Từ hình tượng kẻ sĩ, ta chợt nhận ra vài vấn đề văn hóa phương Nam trong mối ràng rịt phức tạp với văn hóa phương Bắc.
Những ngày đấu trí trên đất “thiên triều”, nhân vật này luôn tỏ ra là người nhanh trí. Cái trí này của Phi Lạc khác với kẻ sĩ (cái trí) của người Trung Hoa. Bởi, cái trí của người Trung Hoa là trí khôn”, còn sự nhanh trí của Phi Lạc tạm gọi là khôn khéo. Cái lắt léo trong trí khôn của người Việt qua trường hợp Phi Lạc cho thấy khả năng ứng biến khôn lường. Ta hẳn không có ý đề cao “mánh khóe” lắt léo trong hành vi ứng xử, nhưng rõ ràng, Phi Lạc đã nắm và hiểu rõ trí khôn để cưỡi lên đó như cưỡi lên lưng sóng. Ẩn chứa đàng sau đó, một tấm lòng tự hào về văn hóa và tầm cao trí khôn dân tộc. Hồ tiên sinh trong tư cách văn sĩ kỳ thực đã thông qua ngòi bút để xiển dương văn hóa và văn minh của người Việt trong tư thế ngang hàng thậm chí lấn lướt cái trí (trá) của “thiên triều” vốn đã mấy ngàn năm tự tôn (tự nhận Trung Hoa, xem các giống người khác là man di mọi rợ, tự coi trình độ văn minh của mình vượt trước thiên hạ)[16].
Nói thêm về trí khôn và khôn khéo, một đằng của Hội kín Trung Hoa, một đằng của anh mõ nước Việt, ta thấy tình cảnh của anh mõ chẳng khác gì cá nằm trên thớt. Anh Mõ nước Việt luôn trong thế bị động. Lần lượt các danh sĩ phương Bắc tìm đến cầu gặp. Một số người hoài nghi về sở học của anh, họ đến để thử thách. Một số người có lòng thành thật muốn đến hỏi một số việc khúc mắc của nước Trung Hoa bấy giờ. Kẻ hoài nghi lúc nào cũng nhiều hơn. Huống hồ, kẻ hoài nghi luôn sủ dụng thủ đoạn để thử thách và lột trần sự thật tầm thường về con người anh mõ. Song, giữa trùng vây như vậy, anh mõ luôn dễ dàng thuận lợi vượt qua. Đó là sức chuyển hóa chăng? Như đã nói, anh mõ luôn bị động, ở tình cảnh cô thế, bị thử thách, dưới sức ép tứ bề, bị “tra hỏi” ở rất nhiều lĩnh vực (quân sự, kinh tế, y học, triết học,….) đó là NHU. Các danh sĩ phương Bắc, bao vây với thế lực hùng hậu, lại vang danh thiên hạ, tiếng nói vốn đã có sức nặng, đó là CƯƠNG. NHU tức Âm, CƯƠNG tức Dương. Dương vốn đã sáng, tức là tượng hiển hiện rõ ràng (chẳng phải toàn là danh sĩ đó sao?). Còn thằng mõ, thân thế gốc gác phủ lên một lớp huyền thoại, nửa thực nửa hư. Chuyện Ngọc Hân Công chúa về quê mẹ lánh nạn Gia Long trả thù, chính sử lẫn dã sử vẫn còn nhiều chỗ hoài nghi. Còn như mối liên hệ giữa Hồ Quý Ly và Hồ Phi Phúc cho đến Hồ Thơm,.. cũng còn nhiều ý kiến bàn ra tán vào. Đến chuyện học hành, trường lớp, ai là thầy học của anh mõ, danh sĩ phương Bắc thảy đều không biết. Hơn nữa, chính họ phủ lên đời anh mõ một lớp mù sương bởi những sấm truyền ngàn đời mờ mịt. Cái tượng của NHU/ÂM hoàn toàn mờ khuất, không rõ nguồn cơn, không tường gốc tích. Thể tính của Âm vì vậy thuộc về cái gì đó u tối không có giới hạn, không thể dò biết nông sâu, không thể nhận thấy cương giới. Đó là khoảng không gian cho sự “lắt léo” của Mõ tung hoành. Và, phải chăng, sự lắt léo đó giúp cho anh mõ tồn tại được giữa một mớ danh sĩ cường hãn uy lực. Và, cũng chính thể tính Âm đã chuyển hóa và làm tiêu biến sức oanh tạc của thể tính Dương. Xét trên dòng thời tính, Dương vốn khoảnh khắc, Âm vốn trường lưu. Không đương đầu trực diện lấy Cương kháng Cương, mà lấy cái không đối có, lấy cái yếu đối với mạnh. Chuyện nghé con nước Việt húc chết cự ngưu phương Bắc không phải là cái tượng Nhu khắc Cương đó sao! Chuyện vó ngựa Mông – Nguyên càng quét Thăng Long, chỉ gặp phải cảnh thành quách trống trơn. Nấm đấm vào khoảng không, sức lực càng lớn chỉ càng thêm hao mòn. Ví như nước với lửa, đối diện với sự hoài nghi và cái ý hạ bệ của đám danh sĩ phương Bắc, Phi Lạc thường tỏ ra bình thản. Bởi, danh sĩ “thiên triều” đâu cam tâm để một thằng cù bơ cù bất phương Nam “man di” ngồi ghế thượng tôn, xỏ mũi chỉ bảo; họ như đám cháy trong sa mạc. Ý hướng du mục phương Bắc xuôi về phương Nam những tưởng thiêu đốt, hủy diệt trời Nam. Nhưng, Phi Lạc với thủ thuật khéo léo mềm mỏng và cái gan cóc tía (trời gầm không nhả) lỡ đã leo lên lưng cọp thì phải cưỡi được cọp. Anh mõ biết tương kế tựu kế, tùy cơ ứng biến: lúc hùng hổ quát mắng, lúc chỉ trỏ sự vô lý của danh sĩ phương Bắc, lúc nhu thuận theo sự sắp xếp của họ, lúc tỉ tê tâm tình, tỏ ra chia sẻ và muốn ra tay giúp đỡ. Đó là, biểu hiện cho bản tính hài hòa, phối ứng, lấp đầy, chiếm lấy chỗ trống không, chảy xuống chỗ thấp, nhưng thầm nhuần vạn vật của Nước. Nhờ vậy, sự “khôn khéo” của Phi Lạc đã chuyển hóa được đám cháy phừng phực bốn bề. Về việc này, có thể gợi ý cho ta nghĩ lại và nghĩ tiếp về bản tính văn hóa phương Nam. Nắm được các yếu tính và sức chuyển hóa ấy, cư dân phương Nam có khả năng, có cơ may và có hi vọng trường tồn trước đám cháy tràn lan khắp nơi trong cõi hoàn vũ hiện thời. Văn hóa Việt cần phải giữ lấy nước. Thiết yếu phải giữ lấy nước. Nước của đất, nước của người và nước trong chính phần u uẩn cổ sơ của mỗi tâm hồn tộc Việt.
Hồ tiên sinh ra đời và trưởng thành trên con nước cuối dòng Mê kông. Từ Dza Chu (mà có kẻ gọi là Trát Khúc/扎曲)hợp với sông Ruak, cuộn chảy giữa vùng tam giác hoa anh túc, rồi trở thành con sông mẹ (Mènam Khong) tiếp tục trôi giữa đôi bờ xứ vạn tượng và vương triều Chakri. Vào đất Chân Lạp, Tông-lê Thơm hợp với Tonlé Sap đổ vào phương Nam nước Việt. Hồ tiên sinh đã sinh trưởng trên con nước Bassac tiến vào miền Hậu giang phương Nam nước Việt. Từng hạt phù sa từ vùng Hy Mã luân lưu qua khắp cõi Trung Ấn, tự thân đã ẩn chứa trong đó thăng trầm biến đổi. Để từng hạt phù sa thấm vào da thịt tâm hồn tiên sinh. Nỗi ưu tư thời thế đã có từ thời thơ ấu. Cho đến khi “phi lạc” trời Tây, cầu học về đường tri kiến ở một cõi giới khác, tiên sinh lại được tiếp cận với nhiều điều mới mẻ, ví như hạt phù sa sông Hậu được tắm mình trong sông Seine, sông Rhein, lại có dịp soi mình nghĩ về màu vàng phù sa tự thân. Màu vàng của hạt phù sa đến con người máu đỏ vàng, làm người ta sực nhớ đến văn hóa Việt trong con người Hồ tiên sinh, luân lưu trong cõi hoàn cầu. Không rõ tiên sinh đã trăn trở như thế nào với “cuộc va chạm” với các nền văn hóa khắp Đông Tây, tuy nhiên, ta vẫn thấy tình yêu mến thượng tôn văn hóa dân tộc vẫn rõ ràng trong lòng dạ tiên sinh. Hạt phù sa sông Hậu đấy ắp dòng nước Cần Thơ vẫn giữa được nguyên bản tâm hồn và chất ngọt cây trái miệt vườn Nam Bộ nơi Hồ Hữu Tường, dù ông là trí thức Tây học.
Nhân đây, ta cùng xem lại vấn đề “văn minh miệt vườn”. Danh tự của một nền văn minh bắt nguồn từ yếu tố căn cơ chi phối các bộ phận của toàn thể, thành ra biểu hiện của toàn cấu trúc văn hóa. Sự bồi tụ qua thời gian thành ra phổ biến rộng rãi và truyền chuyển qua từng thế hệ, dần dà trở thành các biểu hiện gộp chung vào tên gọi văn hóa dân tộc. Sự phát tiến rực rỡ như là thành tựu của các biểu hiện văn hóa ấy tạo thành diện mạo của nền văn minh của một cộng đồng người nhất định. Đến đây, ta liên nghĩ về nền văn minh du mục, văn minh nông nghiệp, hoặc ta đã nghe về nền văn minh lúa nước. Nhưng với văn minh miệt vườn bị gán cho là nền văn minh ở khu vực Tây Nam Bộ. Trên thực tế, đời sống miệt vườn với các biểu hiện của việc canh tác vườn cây ăn trái, cùng với lối-sống-hành-vi-suy-nghĩ của con người miệt vườn là một biểu hiện của nguyên nhân sâu xa hơn. Mà căn ủy đó có lẽ chính là con nước/sông nước. Việc này, hẳn cần bàn thêm. Tuy nhiên, văn minh “miệt vườn” vốn dĩ là sự gán ghép, chẳng chẳng khác gì thứ cây chiếc, hoặc một cành ghép, chứ không phải loại cây trồng bằng hột. Nói văn minh miệt vườn cũng tức là lấy ngọn làm gốc, lấy đuôi làm đầu, lấy sau làm trước, lấy quả làm nhân, cho thấy kiểu lập luận “ngang hông”, nói cho đặng phần hơn.
Sở dĩ dong dài với “văn minh miệt vườn”, cũng nhằm cho thấy yếu tính nước trong tâm hồn Hồ tiên sinh. Và, không phải cách thế “miệt vườn” mà chính là cách thế “nước”, cái dáng dấp văn hóa đã đi vào Phi Lạc cùng nhân vật này trở lại phương Bắc. Lấy sức nước và hồn nước tưới tắt hỏa diệm sơn sôi sục.
3. Chim Lạc bay giữa biển dâu “nhân tình thế thái”
Sống tức là hành động. Hồ Hữu Tường là người có ý thức rõ ràng về trách nhiệm đối với dân tộc và thời đại. Chính vì ý thức trách nhiệm, ông luôn luôn ưu tư. Ưu tư về một nỗi góp công góp sức vun đắp tương lai xán lạn cho con cháu tộc Việt. Mà, ở đó, vai trò của người trí thức, trong khi những kẻ khác đóng góp máu xương, người trí thức đóng góp bằng sự hiện diện của người trí thức – trí để thức. Cho nên, ý thức trách nhiệm của người trí thức trước vận mệnh dân tộc và thời đại phải là công việc thuộc về “thượng tầng kiến trúc”. Sự hiện diện của người trí thức phải là sự hiện diện về mặt văn hóa[17]. Nhưng, ý thức ấy, vẫn chịu sự dày vò, đay nghiến. Vừa là sự dày vò của tha nhân, cũng như tự dày vò trong tâm khảm. Bởi rằng, có đôi khi “bạn” đắn đo. Trong khi người khác góp phần xương máu cho độc lập dân tộc, bạn lại nghĩ đến việc chăm lo vấn đề văn hóa. Liệu bạn có phải kẻ hèn nhát, liệu bạn có phải kẻ trốn tránh? Dù có bị dày vò đi nữa, Hồ Hữu Tường cho rằng nỗi khổ tâm ấy, chỉ riêng mình biết được, chỉ riêng mình chống chịu. Vậy nên, nỗi hoài vọng ấy mãi luân lưu cô độc, như cánh chim lạc đàn bay trong sương gió. Ắp ôm một niềm tin như lời đoan thệ trước âm linh tổ tiên nòi giống, giữ lấy niềm tin tưởng ấy, bay một mình vào sương gió cơ hàn, những cơn gió ớn lạnh thấu xương làm cho niềm tin càng thêm đanh thép. Dẫu vậy, sự cô độc là có thật. Và, sự lạc loài trong mối hoài vọng đối với văn hóa Việt của Hồ Hữu Tường chung cuộc còn lại nỗi bất đắc chí. Nên chăng, hậu thế cần trân trọng ghi nhận thiện tâm của người con nước Việt, và lòng đoan chính nguyên trinh trước sau như một trong việc gìn giữ vốn liếng tâm hồn dân tộc.
Với mối hoài vọng và lòng ắp ủ riêng, Hồ Hữu Tường xác lập một cách thế “làm văn hóa”. Trong đó, ông “điểm mặt” từng thể loại “văn hóa dởm”. Ông sử dụng tấm kính “chiếu yêu” để lột truồng và khiến cho bọn yêu nghiệt giả danh phải hiện nguyên hình. Bằng lối viết hiền lành nhẹ nhàng ví như liếc lưỡi dao cạo nhẹ trên yết hầu của những kẻ mạo xưng, Hồ tiên sinh có thể làm đỏ mặt tía tai những “con buôn” văn hóa[18], đằng sau đó là ánh mắt thẳng thừng thịnh nộ đối với bọn “sâu mọt” văn minh. Nói vậy, ta chợt thấy kỳ vọng cao xa của ông đói với văn hóa nước nhà. Thực tình, Hồ tiên sinh luôn trông mong một hình tượng người trượng phu văn hóa. Kẻ xứng đáng làm văn hóa, và có đóng góp thực sự cho việc vun đắp văn hóa chẳng màng tầng lớp xã hội, giai cấp, học vấn, danh vọng gì cả. “Nhà văn hóa của tôi là kẻ gắng sức một cách thường xuyên để rèn, luyện, uốn nắn, hun, đúc loài người cho ngày càng tốt đẹp cao quý hơn”[19]. Kẻ làm văn hóa suy cho cùng là kẻ làm Người. Người trong nghĩa lý toàn vẹn của chữ ấy. Và như thế, quan niệm văn hóa của Hồ Hữu Tường hướng đến nhân bản thuyết. Viễn đích văn hóa của ông chính là ở chỗ ấy.
Với thời thế, ông còn giữ mãi HOÀI VỌNG VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC. Hồ tiên sinh nghêu ngao lời tiếu ngạo cay đắng để bột phát thành ra tiếng cười trong thể cách Phi Lạc. Và, càng lạc lại càng phi, cho đến nỗi, viễn khơi lạc lỏng. Trở thành kẻ ra chiêu túy quyền giữa quần hùng trố mắt ngó nhìn, Hồ tiên sinh không màng đế “võng lọng vinh quy” cũng như đã từ chối hàng ngũ danh gia vọng tộc, để chọn đứng về phía “xích tử” lầm than. Tiên sinh họ Hồ, quyết ra tay trong thân phận xích tử để chuyển đời Hạ ngươn do Quỷ vương bày dựng[20].
Lấy hình thức tiểu thuyết chương hồi theo truyền thống văn xuôi trung đại Trung Hoa, phải chăng Hồ tiên sinh có ý hướng bày ra cuộc diện nhân sinh như bãi chiến trường “xuân thu-chiến quốc” thuở nào mà ở đó bọn du thuyết gieo rắc không ít trò bịp bợm, để kết dệt thành ra “tấn trò đời” dở cười dở khóc đương thời. Phi Lạc sang Tàu, chẳng khác gì chuyến du hành để mà du thuyết nhưng thuyết trong cách thế “du”, nghĩa là rong ruổi, nhẹ nhàn tản bước bộ hành, đi để mà chơi vậy, và chơi để cười vậy! “Du” chính là thể tính của “Phi Lạc”! Bên cạnh hình thức tiểu thuyết chương hồi, Hồ Hữu Tường với tư cách nhà văn còn xác lập trong tư thế nhà tư tưởng. Bởi tiên sinh đã sử dụng phông nền “mạt thế luận” (thượng ngươn – trung ngươn -hạ ngươn) để lấy đó làm bối cảnh cho cuộc du hành vào bãi hí trường tao loạn Trung Hoa và thế cuộc nói chung thời tiền bán nhị thập thế kỷ. Giữa thảm trạng hạ ngươn thời đại, Hồ tiên sinh chỉ mặt “cái ác” bằng bàn tảy nóng nảy hảo hớn và chánh trực trong điệu bộ con người phương Nam ưa chuộng minh xác rõ ràng. Lấy cái thế trắng đen phân minh để chỉ mặt cái ác, người đi vào cõi hạ ngươn, nhìn thấu cảnh bất công nghịch lý lan tràn. “Người, lòng nuôi đầy ác ý, tranh nhau mà bóc lột nhau, giành nhau mà chém giết nhau. Kẻ giẫm lên xương máu của phần đông để lập sự nghiệp của mình thì được thế nhân ca tụng là anh hùng, vĩ nhân. Bao nhiêu óc sáng suốt đều bị lợi dụng để chế tạo các khí giới tàn sát lẫn nhau, đưa nhân loại dần dần đến cảnh tận thế”[21]. Nhìn thấy đời như bãi chiến trường, Hồ tiên sinh nhìn thấy đời cũng như cuộc hí trường. Bao nhiêu điều ngược đời rành rành ra đó, vậy mà, nhân loại vẫn từng ngày đâm đầu tín mộ và thực hiện để rồi tự đào mồ chôn nền văn minh; con người vẫn tự phụ dương dương tự đắc, nghếch mặt nhìn hoàng thiên hậu thổ một cách khinh miệt, tự cao tự đại bởi nền văn minh cơ giới đầy rẫy ác nghiệp và chết chóc. Nền văn minh hào nhoáng của nhân loại, dưới mắt Hồ tiên sinh, kỳ thực là một nền văn minh chết – nền văn minh hủy diệt[22].
Lối giễu nhại của Hồ tiên sinh lập thành trên cái nhìn của “nho sĩ”, lấy thế “sĩ nho” để giễu “nho sĩ”, có lẽ cũng chẳng khác lối tự giễu/tự thán xưa nay của người trí thức bất lực trước cảnh nhiễu nhương. Cái cái “u mặc” thâm trầm truyền từ họ Trang đến họ Đào sang các vị túc nho nước Việt, mãi đến cụ Nguyễn Khuyến còn lấy mình làm cười, thì hẳn là cái giễu nhại thân mình của Á Đông hẳn phải là một dòng chảy lâu dài và bền bỉ. Nói vậy, cũng tức là thấy được dòng chảy tương tục của đời Thượng Ngươn rồi Hạ Ngươn, tái lai Thượng Ngươn, chẳng khác gì thu tàn đông tận xuân tới. Nhưng phải nói thêm rằng, Hồ tiên sinh đã ý nhị hoặc cơ hồ không chủ đích, bào mòn và phân hủy bao nhiêu “thần tượng”[23]. Tạm dùng danh tự tân thời Tây phương để gán cho lối giễu nhại ấy, phương thức giải thiêng / giải huyền thoại[24] – đó là cách Hồ tiên sinh lột trần trụi bãi chiến trường thành ra cuộc hí trường. Hồ tiên sinh tỏ ra là người am tường cuộc diện chính trị thế giới[25]. Trong mối liên hệ Âu-Á, nhà văn chính khách khiến cho những vận động “du thuyết’ rất hệ trọng biến thành chuyện chơi/chuyện mua vui trong vài trống canh. Để làm ra chuyện đó, nhà văn sử dụng lối kết hợp từ nghịch dị. Ấy là, kết hợp những từ ngữ có sắc thái biểu cảm trái ngược để tạo ra cảm giác trái khoáy trong tiếp nhận của bạn đọc. Để rồi từ dó, bạn đọc tự nhận ra cái ngược đời nực cười hết biết của sự thế.
Nào là những chuyện … kết hợp chiêm tượng với sấm truyền tạo thành cuộc du thuyết, sư Hồng Hạc bắt tàu từ Hồng Kông đi Chợ Lớn tìm thánh nhân, dễ khiến thiên hạ khép vào chuyện bá vơ, hoang đường. Ấy vậy nhưng nhà văn sử dụng giọng điệu miêu tả thuật chuyện rất nghiêm túc và trang trọng. Cái nghịch dị của Hồ tiên sinh không chỉ ở mặt từ vựng mà còn ở giọng điệu. Lấy trang trọng để làm giễu, tránh được “tội nhạo báng” mà cái giễu nhờ đó “cay” hơn một bậc. Vừa sử dụng lối hoang đường kỳ ảo[26] của truyện trung đại, có lẽ tiếp nối dấu văn của Nguyễn Dữ (?) để tạo ra lối truyền kỳ hiện đại, kết hợp thành văn xuôi phi hư cấu gồm cảnh các nhân vật lịch sử có thực, các sự kiện-bối cảnh đương thời. Nhà văn tạo ra lối văn xuôi nửa hư nửa thực, vừa đáng tin vừa đáng ngờ, tin cũng được mà tin cũng chưa được! Ví như chuyện vua Quang Tự bên Trung Hoa với chuyện Tả quân đất Gia Định. Đâu đâu cũng là “ám hiệu”, cũng là ẩn dụ và biểu tượng[27]. Và, có lẽ, đằng sau đó, là nỗi lòng của Hồ tiên sinh – chủ nghĩa dân tộc của người Việt phương Nam trong thế đối kháng với thói áp chế của phương Bắc[28]. Và thánh nhân phương Nam không chỉ là vị cứu tinh của nước Trung Hoa mà còn là cứu tinh của nhân quần thế giới trước nạn tai do Quỷ vương gây ra. Các lời sấm truyền được giải nghĩa thành ra như vậy chính bởi nỗi hoài vọng vốn có trong lòng người họ Hồ.
Về lối văn phi hư cấu của Hồ tiên sinh, đọc qua một số chi tiết liên quan đến chuyện tổ tiên Nguyễn Huệ, cho đến Hồ Quý Ly và sách Minh Đạo giữa cuộc diện chánh trị Đại Việt, Minh triều cho đến họ Ái Tân Giác La chiếm trung nguyên và cả chuyện con cháu nhà Minh dâng sách Minh Đạo cho Thiên Hoàng Nhật Bản,… phải thừa nhận kiến thức uyên bác của nhà văn Hồ Hữu Tường. Điều đáng nói, là ông đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn các chi tiết sự kiện nhân vật lịch sử thành một bức tranh chánh trị rộng lớn, đầy sức thuyết phục. Dù gì, cũng phải thừa nhận sức tưởng tượng hơn người của Hồ tiên sinh. Và, đâu đó, trong cõi “phi lạc” ấy, không phải tất cả đều là huyễn hoặc. Chẳng hạn, dấu hiệu đời Hạ ngươn, chúng ta là người đương thời rất cần chú ý. “Vì sao các nền văn minh trước lo việc nhân nghĩa đạo đức, lo việc tu dưỡng của loài người. Như gần đây, Khổng, Phật, Gia tô, Hồi Hồi thảy đều lo việc cứu vãn nhân loại. Còn nền văn minh trục lợi của Âu Tây là cái văn minh có tự năm trăm năm nay, chỉ lo vơ vét cho lợi được nhiều, chẳng biết điều nhân, chẳng lo việc nghĩa, chẳng dõi theo đạo, chẳng nghĩ đến đức, không chút đoái hoài đến việc tu dưỡng loài người cho ngày càng cao quý về vật chất lẫn tinh thần, mà chỉ lo chà ép bóc lột ra cho có lợi nhiều. Văn minh ấy, bủa lưới khắp quả địa cầu, không đâu thoát được. Vì vậy mà sự trúc đổ của nó sẽ làm cho cả nhân loại bị trúc đổ. Bởi vậy mới gọi là “tận thế””[29]. Những lẽ ấy, nhà văn nhờ danh tướng vàm Trà Lọt nói thay! Vì sao vậy?
Bao nhiêu luận bàn của Tả Quân về cuộc diện chánh trị thế giới, nhất là bản chất trục lợi của văn minh Âu Tây chẳng khác gì hai người vật lộn nhau dưới nước, sớm muộn gì cũng chìm vào đáy nước âm u bặt diệt. Thêm nữa, cái nhìn về sự phân cực của bản đồ thế giới sau thế chiến, dường như Hồ tiên sinh đã nhìn thấy được phương tiện chính yếu mà “cái lợi” sử dụng để tồn tại. Một đằng dùng tư bản, một đàng dùng dân chúng[30]. Vậy thì, bảy nước Âu Tây được Hồ tiên sinh nhắc đến có khác gì bọn liệt quốc nhà Chu. Rồi, mai kia mốt nọ, há chẳng đi đến chỗ phân ra lưỡng cực, đối đầu với nhau, hăm he bóp chết nhau, ví như hai con dê tranh nhau qua cầu, rốt cuộc đều rơi xuống vực. Để sau nữa, thế giới phân thành thế tam quốc, hùng cứ mỗi phương trời. Cái họa của nước nhỏ, nước phụ thuộc, cho đến thứ dân,… dẫu Tả Quân chẳng nói ra, nhưng đằng sau đó, tự bạn đọc sẽ nhận ra nỗi niềm ưu tư lo lắng cho số phận xích tử dưới hầm tai vạ. Vượt qua quan điểm hòa bình trung lập, quan điểm dân tộc thiết tha, chúng ta thấy Hồ tiên sinh vẫn nặng lòng hoài vọng một chủ nghĩa nhân văn trong sáng. Và có lẽ nên hiểu đường trung lập của nhà văn ở chỗ mong mỏi một xã hội Thượng Ngươn với dân trí phát triển cao, nhận thức đạo đức tinh thần ở mức độ sâu sắc, kinh tế kỹ nghệ phát triển[31]. Chẳng phải như không mà Tả Quân có ý nhờ Nguyễn Văn Tố nhắc nhớ đến Hồ Thơm, nhắc đến Hồ Quý Ly! Trong đó, kỳ thư “Minh Đạo” còn để lại tiếc nuối ngàn năm cho tộc Việt. Giấc mộng Đại Ngu chưa thành, niềm tiếc nuối của Hồ tiên sinh cũng là niềm tiếc tưởng của hậu bối.
Tiếp nối chủ nghĩa nhân văn dân tộc của Hồ tiên sinh, điều mà hậu sinh  băn khoăn chính là mối họa của tâm tính con người. Tức là nhân tính, căn bản của sự hiện diện người, sự tồn hiện như là người trong cõi nhân gian. Bởi thúc bách của “mạng lịnh”, ý-tình-lý bị thui chột, biến dạng nhân hình-biến dạng nhân tính, sự vong bản bắt đầu, đến nỗi những thành phố tân tiến chỉ còn là những khối ung nhọt trên mặt đất trần gian. Và, con người trở thành loài ký sinh tai hại đang ngày từng ngày phá hủy địa cầu. Đồng thời, đánh mất tính người, con người cũng đánh mất tư cách tồn tại trong cõi nhân gian. Mối hoài vọng của Hồ tiên sinh lớn lao thay (dù một cánh én không tải nổi chúa xuân nhưng chí ít thì cũng đã báo hiệu đông tàn). Mặc dù bày ra viễn cảnh tàn lụi của nền văn minh trục lợi, văn minh hủy diệt mà con người đang lao đầu đâm thẳng vào, nhưng nhà văn Hồ Hữu Tường (đâu đó) vẫn cho thấy niềm tin tưởng, lạc quan. Niềm tin này ngay từ đầu đã được nói đến. Xuất phát từ quan niệm mạt thế của con người phương Nam (cụ thể là quan niệm mạt thế của Bửu Sơn Kỳ Hương)[32]. Tức là, đời Thượng Ngươn tiếp đến Hạ Ngươn và tái phùng Thương Ngươn với một vị “Thầy” nhắc nhở con người “tu nhơn”, lấy lại hình người và tính người. Chẳng phải thấy mới tin, mà cứ tin rồi sẽ thấy. Niềm tin lạc quan của Hồ tiên sinh chẳng phải viễn vông. Bởi chính niềm tin ấy đã là dung môi cần thiết cho việc “tu nhơn”. Liệu rằng nhân quần hậu thế có cảm nghiệm và thực thành niềm tin của Hồ tiên sinh hay chăng? Niềm tin ví như ngọn lửa xanh bất tử, trao truyền lòng nhơn và tính người, cơ may dịch chuyển khai mở đời Thượng Ngươn mai hậu.
Kết luận
“Ngàn năm một thuở” – chẳng phải như không mà Hồ Hữu Tường đặt để “Phi Lạc sang Tàu” trong bộ sách ấy. Cao vọng mà Hồ tiên sinh đặt ra để tiến bước trên con đường thiên lý ngần ấy năm trời “lăn lóc”; mối ưu tư và lòng cao vọng ấy cũng đáng để hậu bối bồi hồi ngẫm ngợi. Trước hết, đó là niềm tiếc nuối cho một “người hiền” miền sông nước Cửu Long. Con chim Lạc từ mấy ngàn năm trước đậu lại trên bãi bờ sông nước phù sa, cất cánh bay trở thành Hồng Hạc trên đất Bắc, lượn quanh các cao điểm tri kiến, ngó quanh các “tụ điểm” giả nhân, để cuối cùng trông lại cố hương, chim Việt cành Nam những mong quay về quê nhà. Niềm tiếc rẻ ấy còn ở chỗ cánh chim Lạc đã hụt hơi, khoảnh khắc cuối đời đã cận kề nhưng mãi mãi không kịp quay lại tổ ấm xưa khi chỉ còn “khoảng 100 mét quanh qua góc đường Trần Quang Khải (Tân Định, quận Một) là đến nhà, thì Hồ Hữu Tường tắt thở trên xe…”[33].
Trên đường chữ nghĩa, Hồ tiên sinh đã dạo chơi. Đôi khi giễu cợt, đôi khi lặng người không nói, văn chương đối với ông là cách thế giúp ông đạt được những cao vọng mà thực tiễn vẫn chưa thành tựu. Không gian văn chương là nơi Hồ Hữu Tường thực hiện các viễn đích mênh mông, có thể tự do bay bổng bằng con chữ nhiệm màu. Ở đó, cánh chim Việt đã bay ngược về phương Bắc (dẫu bất đắc dĩ) nhưng cũng “đã đời” cho một kiếp chim trời. Văn chương chính là đôi cánh tưởng tượng, có thể lượn lướt trên không trung bốn bề gió nổi. Tiên sinh đã bay, và đã “phi lạc” bằng văn chương chữ nghĩa.
Ôm ắp ký ức phù sa, giữ đúng điệu bộ tánh nết quê nhà sông nước, Hồ Hữu Tường những mong mỏi xiển dương văn hóa tộc Việt. “Chủ nghĩa dân tộc” của tiên sinh suy cho cùng chắc chỉ còn lại tình yêu quê hương đất nước nồng hậu, tươi thắm. Nhiều người đã luận bàn về tư tưởng và quan niệm của tiên sinh trên nhiều phương diện, thị phi xung quanh kiếp đời tiên sinh hẳn sẽ còn “vo ve” ở những nhiều ngóc ngách khắp nơi, thay vì “vo ve”, chúng tôi xin gửi niềm trân trọng với lòng tin tưởng vững vàng của tiên sinh về chỗ đứng và thế đứng của văn hóa Việt trên cõi hoàn cầu này. Ta chỉ cần đứng lại phút giây (vừa luyến tiếc vừa ngậm ngùi) sẽ nhận ra “Con thằn lằn chọn nghiệp” chính là Hồ tiên sinh đang mỉm cười, ngắm nhìn cánh chim nước phương Nam đã phi lạc cõi nhân gian.
Bởi vậy:
Việc đời may rủi hỡi này ai,
Thành bại sao đo một chữ tài?
(Hồ Hữu Tường, Hà Nội, Xuân Bính Tuất, 1946).
Quê nhà, những ngày sống giữa trùng vây Covid-19.
Chú thích:
[1] Theo Võ Văn Khơi, sinh năm 1931, ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; tên thường gọi ở địa phương: Ông Bảy Khơi (bến đò), ông đã hoạt động từ thời toàn quốc kháng Pháp, đến phong trào Đồng Khởi (1960), ông tham gia khởi nghĩa, bị bắt và tạm giam ở trại giam Tân Hiệp (Biên Hòa). Tại đây, ông gặp Hồ Hữu Tường (vốn đã bị tạm giam từ trước đó). Sau khi văn sĩ Albert Camus và thủ tướng Ấn Độ bấy giờ can thiệp, Hồ Hữu Tường thoát án tử hình và bị đưa ra Côn Đảo. Ông Bảy Khơi gặp lại Hồ Hữu Tường tại nhà tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo, giai đoạn 1962-1963 (tức là trước khi Hồ Hữu Tường được thả tự do khoảng 1 năm), ông Bảy và Hồ Hữu Tường ở chung khu trại số 6 nhưng khác phòng. Ông Bảy ở phòng số 3, lầu 2, tức là phòng 23/32(?). Mặc dù ở tù, nhưng các anh em vẫn đấu tranh bằng nhiều thức, chẳng hạn tuyệt thực, dùng mật hiệu để trao đổi tin tức, thăm hỏi. Ấn tượng về Hồ Hữu Tường, ông có tác phong bình tĩnh, điềm đạm. Ở ông có vẻ gì đặc biệt và “phức tạp”, nhưng được nhiều anh em trong tù rất tôn trọng (Tư liệu của Võ Quốc Việt).
[2] Hồ Hữu Tường (1910-1980) là soạn giả một loạt sách chính trị, kinh tế, triết học như Xã hội học nhập môn (1945), Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (1945), Tương lai kinh tế Việt Nam (1945), Phong kiến là gì? (1946), Vấn đề dân tộc (1946), Muốn hiểu chính trị (1946), Tương lai văn hoá Việt Nam (1946, 1965).
Ông là soạn giả một loạt sách văn phạm, văn học sử như Phép nói và viết hỏi ngã (1950), Em học tiếng mẹ (1950), Em tập đọc (1951), Lịch sử văn chương Việt Nam, quyển 1 (1950).
Ông là tác giả 4 bộ truyện dài: Một thuở ngàn năm (truyện trào phúng chính trị) gồm 4 cuốn: Phi Lạc sang Tàu (1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (1955), Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn (1966), Diễm Hồng xuất giá (1966); Hồn bướm mơ hoa (truyện lịch sử xã hội miền Hậu Giang) gồm 4 cuốn: Mai Thoại Dung (1966), Tam nhơn đồng hành (1966), Ông thầy Quảng (1966), Bủa lưới người (1966). Gái nước Nam làm gì? (truyện chống Pháp) gồm 2 cuốn: Thu Hương (1949) và Chị Tập (1949). Thuốc trường sanh gồm 3 tập: Xây mộng (1964), Phúc đức (1964), Vẹn nguyền (1964). Cạnh đó là các cuốn tiểu thuyết: Nỗi lòng thằng Hiệp (1949), Kế thế (1964), Hoa dinh cẩm trận (1967), Người Mỹ ưu tư (1968), và các tập truyện ngắn, tạp văn: Quả trứng thần (1952), Kể chuyện (1965), Nợ tinh thần (1965).
Ông còn có các sách tiểu luận: Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (1951, 1965), Trần tư của một tên tội tử hình (1965), Luận lâm 1 (1965), Nói tại Phú Xuân (1965); là tác giả các thiên tự truyện và hồi ký: Thằng Thuộc con nhà nông (1966), 41 năm làm báo (1968)… (Theo: http://lainguyenan.free.fr)
[3] Hồ Hữu Tường (1949), Lịch sử văn chương Việt Nam (tập 1- Lịch sử và đặc tánh của tiếng Việt), Lê Lợi ấn hành, Paris V (France).
[4] Hồ Hữu Tường (1946), Tương lai văn hóa Việt Nam, Minh Đức xuất bản, Saigon, tr.11.
[5] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.85.
[6] Có lẽ chi tiết này khiến người ta nghĩ Hồ Hữu Tường muốn tạo ra một anh Tôn Ngộ Không chăng!
[7] Cung Giũ Nguyên (1963), Vài ý về u mặc, Tạp chí Đại học năm thứ VI số 32 (tháng 4/1963), Viện Đại học Huế, tr.220 (220-236).
[8] Xem Trần Thái Đỉnh (1972), Biện chứng pháp là gì?, Văn Mới xuất bản, Saigon.
[9] Trực quan bản chất (Wesensschau, Wesenserchauung/ l’intuition des essences/ eidetic insight): “Husserl cho rằng bên cạnh việc nhìn những sự vật và sự kiện cá biệt trong tri giác cảm tính, ta còn có thể nhìn ra những bản chất thông qua trực quan phi-cảm tính có cơ sở trong tri giác cảm tính và đồng dạng với nó (ý thể hóa/Idéation). Trực quan bản chất là một dạng của trực quan phạm trù, dùng sự trừu tượng ý thể hóa thoát li khỏi  cái cá biệt để tập trung vào cái phổ quát và tất yếu”. Theo Jocelyn Benoist và Michel Espagne (chủ biên,2016), Hành trình Trần Đức Thảo – Hiện tượng học và chuyển giao văn hoá (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: L’itinéraire de Tran Duc Thao. Phénoménologie et transferts culturels), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.440. Xem thêm: Edmund Husserl (2016), Ý niệm Hiện tượng học (Năm bài giảng), (người dịch Bùi Văn Nam Sơn), Nxb. Trẻ và Đại học Quốc gia TPHCM.
[10] Xem thêm: – Nguyễn Đăng Na (2006), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. – Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục, (Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Thị Ngân dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
[11] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.70.
[12] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.71.
[13] Hồ Hữu Tường (1946), Tương lai văn hóa Việt Nam, Minh Đức xuất bản, Saigon, tr.14.
[14] Hồ Hữu Tường (1946), Tương lai văn hóa Việt Nam, Minh Đức xuất bản, Saigon, tr.12.
[15] Hồ Hữu Tường (1946), Tương lai văn hóa Việt Nam, Minh Đức xuất bản, Saigon, tr.12.
[16] Phát hiện gần đây ở Di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi (Tứ Xuyên) đã làm lung lay ý hướng tự tôn, cho rằng văn minh của người Hán vượt trước thiên hạ. Theo các nhà khảo cổ, những di vật được tìm thấy không có mối liên hệ nào với văn hóa Trung Quốc, thậm chí trình độ phát triển còn cao hơn vùng trung nguyên (vốn là cái nôi nhà Thương). Hơn nữa, di vật tìm thấy ở Tam Tinh Đôi cho biết về một Vương quốc Thục hơn 3000 trước (theo Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã). Những di vật tạo tác có nhiều nét tương tự với khu vực bờ nam sông Trường Giang và khu vực Đông Nam Á, cho thấy mối giao thương rộng rãi và phạm vi ảnh hưởng của Vương quốc Thục khá rộng (trải dài từ thượng đến hạ nguồn Dương Tử theo hướng Tây sang Đông, và có thể quanh vùng sông Dương Tử xuống đến khu vực Bắc Việt (hoặc có thể rộng hơn nữa)). Giả thiết này khả thi bởi sử liệu Trung Quốc lâu đời nhất ghi chép về Vương quốc Thục và mối liên hệ với Phục Phán -An Dương Vương có thể kể đến như: Giao Châu Ngoại vực ký, Quảng Châu ký (gọi Thục Phán là Thục Vương tử). Những tài liệu khác của người Việt cũng có ý nói đến An Dương Vương trong mối liên hệ với Vương quốc Thục có lịch sử từ lâu đời hơn, và tiến bộ hơn người Hán ở vùng trung nguyên. Tham khảo thêm:
–  Khuyết Danh (2005), Việt sử lược (Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Đinh Khắc Thuần đối chiếu và chỉnh lý), Nxb. Thuận Hóa và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Huế, tr.18.
–  Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư tập I (Bản in nội các quan bản mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ XVIII -1697, dịch và chú thích Ngô Đức Thọ, hiệu đính Hà Văn Tấn), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.135-136.
–  Bài của Hòa Bình (21.3.2021), Trung Quốc tìm thấy “báu vật cổ, có thể viết lại lịch sử Trung Hoa”, Báo Giao Thông online (Bộ Giao thông vận tải), (https://www.baogiaothong.vn/).
– Đinh Ngọc Viện (2008), Qua thành Bản Phủ trở lại vấn đề Thục Phán – An Dương Vương trong lịch sử Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III (tiểu bản Lịch sử Việt Nam truyền thống), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 295-300.
– Ji Yuqiao, Chen Xi and Li Yuche (21/3/2021), Stunning discoveries at China’s Sanxingdui Ruins, The Global Times (https://www.globaltimes.cn/page/202103/1218993.shtml).
[17] Hồ Hữu Tường (1946), Tương lai văn hóa Việt Nam, Minh Đức xuất bản, Saigon, tr.14.
[18] Hồ Hữu Tường (1946), Tương lai văn hóa Việt Nam, Minh Đức xuất bản, Saigon, tr.14-17.
[19] Hồ Hữu Tường (1946), Tương lai văn hóa Việt Nam, Minh Đức xuất bản, Saigon, tr.17.
[20] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.9.
[21] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.10.
[22] Phê bình sinh thái trong văn học chính là một bằng chứng cho sự cảnh tỉnh của nhân loại trước cái đà nguy hại của nền văn minh hủy diệt.
[23] Phải chăng ở nét khí khái này mà đã có người cho rằng Hồ tiên sinh thuộc về “môn phái Nietzsche” chăng!
[24] Xem thêm: – Roland Barthes (2008), Những huyền thoại (Phùng Văn Tửu dịch), Nxb. Tri thức, Hà Nội. – Nhiều tác giả (2007), Huyền thoại và văn học, Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM.
[25] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.11.
[26] Sư Bạch Hạc, Hoàng Hạc, Hồng Hạc, … vu mộng tương ngộ với Quang Tự hoàng đế, … cùng đến viếng Tả Quân Lê Văn Duyệt.
[27] Xem thêm: Võ Quốc Việt (2013), Từ biểu tượng tâm lý đến biểu tượng thẩm mỹ, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM số 52, tr.141-150.
[28] Thủ Hườn = vua Quang Tự (Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.15).
[29] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.29-30.
[30] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở I) (in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.31.
[31] Đường hướng này, trước đã có các lãnh đạo tinh thần của tôn giáo phát sinh trên đất Nam bộ như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, sau có Hòa Hảo, Cao Đài, …. Ý hướng canh tân/duy tân toàn diện đã rộ lên ở Nam kỳ từ khi Pháp nổ những phát súng đầu tiên trên doi đất An Nam.
[32] Hồ Hữu Tường (?), Phi Lạc sang Tàu (Ngàn năm một thuở, in lần thứ V), Huệ Minh xuất bản, Saigon, tr.13.
13/6/2021
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...