Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Đời Bọ Hung trong hai thế giới người và tiên từ góc nhìn sinh thái

Đời Bọ Hung trong hai thế giới
người và tiên từ góc nhìn sinh thái

Đời Bọ Hung là một câu chuyện vô cùng lí thú, hấp dẫn lí giải về nguồn gốc loài bọ hung của nhà văn Trần Bảo Định. Với tài năng, vốn sống sâu rộng và tâm hồn chất phác gần gũi với người nông dân lam lũ, Trần Bảo Định dường như rất am hiểu về cuộc sống con người và muôn vật nơi làng quê. Vì thế, đối tượng mà ông hướng đến không chỉ là con người mà còn cả những loài vật tường chừng như tầm thường, bé nhỏ hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.
Dành riêng cho loài vật một chỗ đứng ưu ái trên các trang viết, Đời Bọ Hung nghiễm nhiên trở thành tác phẩm mà rất nhiều độc giả yêu thích, tâm đắc. Truyện là những bài học mang màu sắc triết lý sâu sắc vừa gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi, vừa bật ra tiếng cười sâu cay về số phận Bọ Hung trong cõi người và giấc mơ lên tiên thoát tục. Tất cả nội dung câu chuyện làm nổi bật tư duy sắc sảo của nhà văn và đích  đến là vấn đề sinh thái trong thế giới hiện đại. Mặt khác, nhà văn dùng cả một thế giới kì ảo để lí giải nguồn gốc và những khổ ải mà loài bọ hung phải chịu đựng khi làm sạch môi sinh;  hạ bệ cả thần thánh tạo ra những nghịch cảnh éo le trong đời bọ hung để khẳng định vị trí của loài vật trong thế giới tự nhiên. Qua đó, chúng ta thấy rằng tuy mỗi con vật mang dáng hình khác nhau nhưng nó luôn làm tròn phận sự mà tạo hóa giao cho mình một cách cần mẫn nhất. Đó là những công việc nhỏ bé nhưng có tầm quan trọng vô cùng với thế giới tự nhiên là làm đẹp và tô điểm cho thế giới tự nhiên. Vậy nên, không có loài vật nào thừa thải trên thế gian này, có chăng sự thừa thải của nó nằm trong lòng người và cái nhìn ích kỉ mà kẻ thù của nó dành cho nó. Thông qua tác phẩm, một lần nữa chúng ta thấy rằng bảo vệ thế giới động vật là chúng ta đang bảo vệ cân bằng sinh thái, giảm gánh nặng ô nhiễm và bảo vệ chính mình.
1. Dẫn luận
Thế giới sống của con người ngày càng mong manh, bất toàn khi môi trường ngày càng trở nên hư tổn: hạn hán, thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần… những biểu hiện tiềm ẩn sự hủy diệt hàng loạt sự sống trên Trái Đất. Theo thống kê của Trung tâm cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC), hàng năm trên thế giới có hàng trăm cơn bão đổ bộ vào lục địa và các đại dương. Chỉ tính riêng khu vực các nước nhiệt đới thì có khoảng 80 cơn bão hàng năm, đường đi của bão vô cùng phức tạp khó xác định nên gây ra thiệt hại lớn cho môi trường. Trong đó có cả siêu bão với năng lượng mạnh gấp 10 lần bom nguyên tử tàn phá cuộc sống con người dữ dội chưa tính đến thảm họa động đất, núi lửa… Như vậy, nguy cơ sinh thái ngày một gia tăng, môi trường sống của con người và vạn vật càng trở nên khắc nghiệt hơn. Nguyên nhân chính của nó có thể lí giải là sự giận dữ của thiên nhiên trước sự vô tâm, vô cảm và thiếu tầm nhìn dài hạn của con người trong việc khai thác tài nguyên môi trường, mở rộng đô thị hóa… gây nên sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn năng lượng và hiệu ứng nhà kính. Trước  nguy cơ tuyệt chủng, môi trường sinh thái được các nhà khoa học cũng như những người quan tâm đến tự nhiên lưu tâm hơn. Có lẽ sớm cảm nhận được những sự mất mát của môi trường tự nhiên nên từ thời kì văn học lãng mạn các nhà lãng mạn đã rọi cái nhìn vào  mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Điều này là một tiền đề cho khuynh hướng phê bình sinh thái phát triển mạnh mẽ hơn từ Âu sang Á, từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX và đến ngày nay vẫn chưa hết tính thời sự. Sang thế kỉ XXI, diện mạo của phê bình sinh thái có sự thay đổi đáng kể, giới nghiên cứu sinh thái ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề văn học với môi trường. Các nhà văn với tâm hồn nhạy cảm cũng chú ý hơn đến sự thay đổi môi trường và tập trung sáng tác các tác phẩm văn học môi sinh trên khía cạnh sinh thái tinh thần, đánh vào nhận thức, tâm lí người đọc.
Đến với truyện đồng thoại Đời Bọ Hung, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về sự thay đổi môi sinh một cách nhanh chóng mà Bọ Hung phải gánh chịu kiếp nạn. Đó là một môi trường cõi người từ nền văn minh lúa nước chuyển sang nền văn minh đô thị, từ cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau chuyển sang cảnh phố xá nhộn nhịp mọi thứ thay đổi chóng mặt. Truyện tuy mang màu sắc kì ảo song không kém phần thực tế đằng sau câu chuyện đời Bọ Hung chua xót vì bề trên dễ hứa, kẻ dưới dễ tin nhưng bề trên hứa nhưng không giữ lời, kẻ dưới tin nhưng bất lực. Lời hứa của Trời là lời hứa suông với Bọ Hung, nó giống như con người với môi trường luôn thay thế biến đổi mọi thứ làm lợi cho mình nhưng không nhìn xa trông rộng. Bọ Hung với Trời như Bọ Hung với người, vĩnh viễn bé cổ thấp họng. Trời đại diện cho đấng toàn năng áp đặt lên thần dân của mình với bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố và cả sự vô lí. Người với Bọ Hung hay với muôn loài cũng vậy. Qua đó, ta thấy mọi nguy cơ sinh thái mà con người phải đối diện luôn xuất phát từ vấn đề đạo đức, tầm nhìn và cách đối xử của con người với tự nhiên. Với hi vọng đem lại một sự tiếp nhận mới cho bạn đọc qua một số gợi mở từ lý thuyết Phê bình sinh thái, chúng tôi tiến hành khám phá truyện đồng thoại đời Bọ Hung trong thế giới người và tiên từ góc nhìn sinh thái.
2. Đời Bọ Hung – đời trầm luân trong môi sinh cõi người.
Sinh ra trong cõi người, chúng ta trầm luân trong bể khổ của tham ái, tình sầu, sân si, bệnh diệt… Đời Bọ Hung bị giáng chức, bị trừng phạt xuống cõi người sống với thân phận thấp hèn của loài “Đông qua, xuân lại bao lần. Đời đời, kiếp kiếp… nhà Bọ chuyên ăn phân, sống cùng phân, chí thú hốt phân chôn…” [1, tr.198]. Nhưng Bọ Hung vẫn không có một cuộc sống yên ổn trong cõi người, vẫn thường trực nỗi lo lắng bất an khi con người biết lợi ích của phân trâu và sử dụng phân trâu một cách thành thạo như: bón ruộng không gây ô nhiễm môi trường, dầm những chỗ đất gồ ghề trên mặt sân… để rồi “đến phân, người cũng giành giựt với ta” nên “nhà Bọ Hung lo sốt vó” [1, tr.193]. Nỗi lo của nhà Bọ Hung là nỗi lo của vạn sinh linh trong hạ giới, đó là, nỗi lo bị mất đi nguồn sống của mình, nỗi lo đấu tranh sinh tồn “em sợ chiến tranh lắm! cái ác sẽ nhân danh cái thiện để dựng lên tượng đài thần chết” [1, tr194]. Chết chóc, đấu tranh là những bi kịch đối với chúng trong cuộc sống mưu sinh. Kẻ chiến thắng là kẻ vinh quang và có thể nhân danh cái thiện để tồn tại đằng sau mặt nạ cái ác. Bọ Hung ý thức được cuộc chiến với con người là cuộc chiến không cân sức giữa tương quan lực lượng và tương quan trí tuệ“con người vốn thông minh và phức tạp”. Suy cho cùng vì lợi ích bản thân mà không cần quan tâm đến đời sống của các sinh vật xung quanh mình thì mọi cuộc chiến tranh đều có thể xảy ra như Bọ Hung nhận định:“Một cuộc chiến tranh giữa ta và người về phân trâu, có thể xảy ra lắm chứ?” [1,tr194]. Nghi vấn của Bọ Hung không phải là vô căn cứ vì dẫu sao Bọ Hung cũng không động chạm đến lợi ích của con người. Hơn nữa “quê hương và cuộc sống của Bọ gắn liền với phân trâu”, tuy phân trâu là thức ăn của Bọ Hung nhưng giống loài nó đã dùng hết sức lực, mồ hôi xương máu thay con người dọn dẹp phân trâu giúp cho môi trường sống trong sạch hơn. Đời nó sử dụng cái gì là dọn dẹp sạch sẽ cái đó nên không gây hại cho môi trường xung quanh. Bàn tay bẩn nhưng lương tâm thanh sạch, trong sáng khiến cho những nơi dơ bẩn, hôi hám mà nó từng sống theo thời gian quay về hiện trạng nguyên thủy. Những bãi phân trâu từng xuất hiện nhờ sự chịu đựng hôi hám của nó mà vĩnh viễn mất đi, y như chưa từng xuất hiện. Nó mang thân hình của loại bọ cánh cứng, xấu xí, và có vẻ bề ngoài hung dữ nhưng trong cõi người, nó rất lành và đem đến lợi ích tuyệt vời cho môi trường, giúp cân bằng sinh thái và chống ô nhiễm môi trường không khí. Nghịch lí thay, công lao nó thường bị quên lãng.
Bằng sự quan sát tỉ mỉ của mình, nhà văn đã miêu tả hết sức chân thực về đời sống của Bọ Hung, khổ sở trầm luân, gặp bao nhiêu khổ ải tranh giành nơi ăn, chốn ở nhưng vẫn muốn duy trì nòi giống như bao loài vật khác. Sau khi hứng tình và đẻ trứng xong, vợ Bọ Hung lại “tẩn mẩn và cẩn thận lấp lớp đất lên mặt lỗ dày bằng với mặt đất, để không kẻ nào biết mà hại đến con” [1, tr.198], trong việc sinh nở, Bọ Hung vẫn tràn ngập cái tình thương vô bờ. Vợ chồng Bọ Hung rất biết lo xa khi làm tình “nhiều chỗ, xịt trứng và lấp lỗ phân nhiều nơi; hòng đề phòng bọn rít moi lỗ ăn trứng nơi nầy thì còn chỗ khác” [1,tr.198] sợ con đói lòng đã dày công chuẩn bị thức ăn  “cục phân vợ chồng vừa chôn, chính là miếng ăn đầu đời chuẩn bị dành cho những đứa con non” [1,tr.198]. Bọ Hung có cái tình với đồng loại nên không bao giờ tàn sát nhau, có cái tâm với công việc nên luôn trong trạng thái “ì ạch thở muốn đứt hơi lôi cục phân từ chuồng trâu”. Thế nhưng khi nghe gia đình nông dân phàn nàn, chê bai “lũ Bọ Hung mình mẩy dính phân, hôi thúi chịu không nổi” [1,tr199] thì Bọ Hung chưa kịp buồn đã hoảng hốt trước lời nói phủ phàng của họ “ thì  đập cho nó chết”. Bọ Hung thấy “ thực tế khác xa điều suy nghĩ, người cố dùng suy nghĩ để giải thích thực tế và cứ thế xoắn theo đường trôn ốc, không điểm dừng”. Có lẽ, chung sống lâu cùng một bầu trời với loài người nên Bọ Hung hiểu mình đang sống trong thế giới quá nhiều thứ phức tạp vì “Trời ban riêng loài người cái “tôi tư duy”, thì Trời cũng ngừa cái “tôi phản bội” có thể xảy ra, nên gắn liền nó với sự hữu hạn” [1,tr.203]. Bọ Hung hiểu cái hữu hạn của loài người cũng giống như muôn loài khác: đời sống ngắn ngủi trong dòng chảy thời gian; cái tâm tham đắm, chấp thủ và không bao giờ biết hài lòng với những gì mình đang có. Thế nên, con người khổ nhọc quay cuồng phát triển mình nhưng không tính kế lâu dài vì lợi ích ngắn hạn. Chẳng hạn như  phát triển đô thị nhưng không biết bảo vê môi trường sống của mình. Đầu óc Bọ Hung lại khác “bằng lòng với công việc Trời giao, có khi thấy vui và hạnh phúc. Quen mùi hôi thúi hơn sự thơm tho hoa lá nhà trời” [1,tr.202] Bọ Hung hài lòng với những gì mình có, yêu thiên nhiên, yêu những mảnh đất chứa “ mùi phân trâu thơm hoa cò đồng nội, thơm rơm rạ lẫn bùn sình chốn quê”; hiểu được tầm quan trọng của mùi phân trâu mà không ai đoái hoài vì  “mất mùi này là mất đi hương vị làng mạc, mất đi sự êm ả thanh bình nơi điền dã mến yêu”. Đó là tiếng lòng tha thiết luôn muốn giữ gìn, bảo vệ hồn đất quê hương thuần khiết của Bọ Hung. Nỗi lòng lo lắng của Bọ Hung là sự bất an về cuộc sống khi con người thay đổi trong cách canh tác, sản xuất nông nghiệp bằng một loạt máy móc và tô điểm trái đất bằng phố xá bê tông không phải bằng bức tranh sơn thủy hữu tình vốn có từ nghìn đời nay.  Phải chăng đến Trời cũng chẳng lường trước được thế sự, cuộc đời đảo điên, mọi giá trị đều bị đảo lộn thì không gì không thể xảy ra nên nhà văn đã mượn chuyện đời Bọ Hung để kêu cứu cho những làng quê đã mất? Đó là nỗi lo đô thị hóa đang phát triển quá nhanh. Hay chăng là sự nhắc nhở, cảnh báo môi trường sinh thái đang lâm nguy? Môi trường lâm nguy thì muôn loài lâm nguy và con người cũng đang lâm nguy mà căn cơ, gốc rễ tội lỗi sinh thái xuất phát từ con người.
Qua chuỗi ngày trầm luân trong bể khổ nhân gian của Bọ Hung, chúng ta thấy rằng ngày nay nền văn minh vật chất càng phát triển thì cần có sự tổ chức tốt nền văn minh tinh thần. Cuộc khủng hoảng về dân số, đạo đức và ô nhiễm môi sinh hiện tại đã đặt ra những thử thách lớn cho nhân loại. Những khổ đau và rối ren trong đời sống con người sẽ cùng nhau mở đường cho một cuộc khủng hoảng, cùng nhau bảo vệ trái đất là cùng nhau bảo vệ chính mình. Tất cả đang trông cậy vào văn hóa giáo dục “hậu hiện đại”.
3. Đời Bọ Hung – giải mã sinh thái qua mong muốn trở về chốn Thiên cung.
Đời Bọ Hung là một câu chuyện đồng thoại mang đầy màu sắc kì ảo chốn bồng lai tiên cảnh nhưng đầy ngậm ngùi của chú Bọ Hung. Sự ngậm ngùi số kiếp được nhà văn Trần Bảo Định lí giải thông qua việc hạ bệ cả thần thánh nơi cõi trời cao quý. Phải chăng dưới con mắt của nhà văn, đời Bọ Hung lắm nhọc nhằn, khổ cực muốn lên tiên để thoát khỏi bể khổ trần gian? Hay nhà văn đang đồng cảm với loài vật bé nhỏ luôn cần mẫn làm công việc dọn sạch môi sinh mà vẫn bị con người khinh ghét? Sự thật là, nhà văn luôn đứng về phía con vật tội nghiệp kia để khẳng định vị trí của nó giữa những ô uế, tạp nhạp, vớ vẩn trong cõi người, cõi tiên. Ông không ngần ngại gắn cho nó một nguồn gốc cao quý, xuất thân từ thiên đình bị đày xuống nhân gian. Xuống hạ giới làm một công việc có ích nhưng bị khinh khi, bị xa lánh, Bằng việc giải mã cuộc đời dở khóc, dở cười và giấc mơ trở lại cõi tiên bị tan vỡ của Bọ Hung, nhà văn đã phần nào giải mã được những vấn đề sinh thái đang đặt ra trước mắt nhân loại.
Vấn đề sinh thái được tác giả vạch ra thông qua thế giới kì ảo là vấn đề đạo đức, nhân phẩm ở cõi tiên. Bằng việc dẫn dắt ra hàng loạt sự  xuống cấp đạo đức ở một thế giới thanh cao khi đày ải Bọ Hung như: Trời thì thiếu anh minh, u tối trong cách hành xử với Trưởng cấm vệ quân – người lập nhiều công bảo vệ thiên đình – khi anh ta can gián Trời không nên dùng thủ đoạn xảo quyệt với một con khỉ thì bị phạt đày ải xuống trần làm kiếp bọ hung; Thái Thượng Lão Quân là vị tiên tối cao trong Đạo giáo nhưng cử chỉ tầm thường “cười ruồi”, “cảm thấy mình lỡ lời thì đưa mắt lươn dò xét” thái độ tiên ông càng đáng phê phán khi không đứng về lẽ phải lại còn xua đuổi Bọ hung “mình mẩy ngài hôi thúi quá, không hợp chốn bồng lai tiên cảnh” khi Bọ Hung đã thực hiện xong lời hứa với Trời “khi nào cõi trần hết phân trâu rồi về”; sự máy móc của Lí Tịnh khi nghe lệnh thì dùng “Lung linh bảo tháp” và “chó Ngao để hù dọa” thẳng tay bắt nhốt và ném Trưởng cấm vệ quân xuống trần gian làm bọ hung; sự lừa dối của các chư tiên với một con khỉ đột để nó căm phẫn mà “đại náo thiên cung”… Như vậy, Trần Bảo Định giễu nhại, hạ bệ những vị thần tiên sống trong thế giới thanh cao, thoát tục- những người cai quản tam giới, đã tự đánh mất đi giá trị, sự trang nghiêm và tư cách của mình, mà theo quan điểm văn học “hậu hiện đại” là sự giải thiêng. Việc giải thiêng đã xóa bỏ tính thiêng liêng của các hình tượng thần thánh, tiên nhân đã hé lộ một triết lí sâu sắc về vấn đề đạo đức: ở trần gian hay cõi tiên cũng như nhau, vẫn còn những bất công phơi bày, Trời cũng mụ mị chẳng biết phân biệt lẽ phải; tiên thánh cũng có những thói quen xấu  hãm hại đẩy nhau vào con đường chết thì huống gì thế giới loài người không tràn ngập bất công. Những con vật nhỏ bé câm lặng, lùi lũi sống giữa nhân gian kia làm sao được yêu thương, nhìn nhận đúng mức ? Qua đó, chúng ta thấy muốn giải quyết triệt để những vấn đề sinh thái trước tiên phải  giải quyết vấn đề ý thức và đạo đức con người. Bởi, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi đâu, không có đạo đức thì không thể giải quyết thấu tình đạt lí bất cứ vấn đề gì. Rõ ràng câu chuyện xoay quanh nguồn gốc cao quý của Bọ hung là Trưởng cấm vệ quân, vì đứng về lẽ phải lại bị ghen ghét, khi kêu oan thì bất lực. Bọ Hung bị đẩy xuống nhân gian chỉ làm một việc mà ai cũng thấy sợ hãi là dọn phân trâu và tệ hơn là sống trong bãi phân trâu. Số phận oan trái của Bọ Hung làm người đọc cười ra nước mắt nhưng cũng xót xa cho Bọ Hung. Kiếp Bọ hung không chỉ do nguyên nhân vô lí vì can gián Trời sai trái mà do sự tắc trách thiếu tính toán của Trời trong việc đày “Ngưu Ma Vương hủ hóa vợ người, bị đày xuống cõi trần mần kiếp trâu, giúp con người cày bừa ra lương thực” nhưng “trâu thải phân thành bãi bất kể nơi đâu, gây dơ bẩn và ô nhiễm môi trường” [1,tr196], không còn cách nào cứu vãn tình thế Trời không cần xem xét đày thẳng một người không có tội phải “hóa kiếp” mà kiếp sống không được sạch sẽ như giun, dế. Đó là kiếp sống đau khổ nhưng Bọ hung lại không lấy làm buồn chỉ cần mẫn thực hiện nhiệm vụ Trời giao để mong mau chóng trở laị tiên giới.
Trong truyện Đời Bọ Hung, tác giả thẳng thắn phê phán “sự gian xảo, dối trá chỉ có ở ma quỷ. Trời không thể có”[1,tr195] khi nhắc đến chuyện khỉ đột “đại náo thiên cung” đòi danh phận vì bị Trời dùng kế gian xảo. Như vậy, Trời quản lí tam giới mà còn nói càn làm bậy trước mặt các vị tiên khác thì các giá trị ước lệ trong cõi Thiên cung đã không thể đứng vững mà còn bị xáo trộn hoàn toàn. Con khỉ đại náo đòi công bằng vì nó thấy sự bất toàn, mộng mị, hư dối của cõi Thiên cung. Nó đập phá, nổi loạn vì nó thấy nguyên nhân gây ra khổ đau cho nó, đòi công bằng nghĩa là nó đi tìm đến niềm hạnh phúc, an lạc. Như vậy, ở cõi Tiên, con khỉ đột nó đi tìm sự công bằng cho nó thì Trời cũng phải sợ. Đây là một hành động báo hiệu cho một tương lai không xa ở hạ giới, khi con người không cho con vật một sự đối xử công bằng thì nó sẽ phản kháng rất dữ dội như con khỉ kia. Điều này buộc con người phải ngồi lại suy nghĩ về những gì mà chúng ta đã làm với thế giới loài vật. Ngoài ra, hành động Lí Tịnh dùng “Lung linh bảo tháp” và chó Ngao để trấn áp Trưởng cấm vệ quân (Bọ hung) là một hành động phản nhân văn. Hành động này gần giống với hành động của con người đối với hầu hết các con vật trên thế gian là dùng vũ khí để thực hiện uy quyền, dùng sức mạnh để ức hiếp kẻ yếu, dùng trí tuệ để trấn áp hoặc giết hại loài kém thông minh hơn.
Bọ Hung trở về Thiên cung khi cõi trần hết phân trâu nhưng vẫn bị hắt hủi, một phút cuồng nộ vì Thái Thượng Lão Ông nói dối đánh lừa mình, bản thân thì hôi thối còn Trời thì ôm tiên nương chuốc rượu. Không hãm được cơn tức giận, Bọ hung “đại náo” phá cổng trời, cuối cùng vì trượt chân mà bị rơi trở lại trần gian tiếp tục kiếp sống phong sương của mình. Cứ như thế “đời Bọ hung như bóng nắng, lần hồi chết dần và tuyệt chủng vì sự thay đổi môi trường, vì bao tráo trở” [1,tr206], tất cả đều ngột ngạt, bế tắc, bạc nhược như cuộc đời nó. Còn thế giới kì ảo, một cõi tiên cảnh, một giấc mơ quay về với thân phận vốn có của mình sau bao thiên niên kỉ để máu thấm phân và phân thấm máu chỉ trong phút chốc bị vỡ tan, xa lạ. Vấn đề cõi trời cũng như cõi người, muốn một cuộc sống bền vững trước tiên phải thay đổi tư duy, cần phải dọn sạch các giá trị “hỗn thế” thì  môi trường mới trong sạch được. Kết lại truyện là một dư vang phố xá, Bọ Hung lạc vào một thế giới mới không phải phân trâu mà là “bãi rác công nghiệp, bãi rác sinh hoạt của con người”. Bọ Hung vẫn làm việc dọn dẹp môi trường nhưng không phải ở trong đống phân trâu thơm mùi cỏ, mùi ruộng đồng mà Bọ Hung vẫn thường cảm nhận mà là mùi thối đến nghẹt thở của rác thải. Công việc đọn dẹp không thay đổi nhưng nơi làm việc trở nên kinh khủng hơn những gì Bọ Hung trải qua, không một hi vọng nào lóe lên với Bọ Hung khi môi trường sống của con người ngày một ô nhiễm. Và còn nữa, càng ngày ô nhiễm sẽ càng tăng lên…Và có lẽ, Trời còn vĩnh viễn đày đọa Bọ Hung vì Bọ Hung xuống thế giới loài người là để dọn dẹp những đống phân trâu hôi thối mà các Táo phàn nàn . Dù phân trâu có hết thì đống rác thải kia của con người vẫn thay phân trâu gây ô nhiễm môi trường thì Bọ hung cũng không thể nào thoát kiếp Bọ Hung. Có lẽ, chừng nào môi trường còn ô nhiễm thì dù Bọ Hung có lên đến trời quậy phá đòi thân phận cũng sẽ bị đày xuống trần gian một cách phủ phàng, tuyệt vọng như thế. Giấc mơ trở lại làm tiên sẽ mãi khép lại không bao giờ mở ra với Bọ Hung. Đó là sự bất hạnh của Bọ Hung và nguy cơ sinh thái ở cõi người.
Kết luận
Con người có khả năng bên trong của mình là tự vận động để giải quyết những vấn đề khó khăn bên trong và bên ngoài cuộc sống. Tuy sử dụng nhiều khả năng trí tuệ siêu phàm không loài nào có được nhưng con người vẫn chưa thực sự đã sử dụng chúng một cách hợp lí đẩy môi sinh vào tình trạng xấu đi và con người thì vào thế bị động. Đời Bọ Hung là câu chuyện đắng cay của chú Bọ Hung, mãi mãi không thể rời xa trần thế trở về Thiên cung vì những đống phân trâu và rác thải đô thị. Dọn sạch môi trường là nhiệm vụ chung của tất cả mọi sinh vật trên trái đất và nhất là con người nhưng con người thì lại thiếu ý thức chỉ muốn thỏa mãn bản thân và gây ô nhiễm môi trường. Dòng họ Bọ Hung lam lũ, chấp nhận nắng mưa để dọn dẹp môi trường nhưng con người lại không  coi trọng sự xuất hiện của nó còn muốn nó chết đi. Tất cả là sự phủ phàng với nó, Bọ Hung suốt kiếp vẫn là Bọ Hung, sống chết đời đời kiếp kiếp vì môi trường không sạch đẹp như nó mong muốn. Nếu như đời Bọ Hung luẩn quẩn với rác thải đi qua hết bi kịch này nó lại bước vào một bi kịch khác nặng nề hơn thì một tương lai không xa nếu như loài người không ý thức được những việc mình làm với môi sinh thì thảm họa tự nhiên sẽ ập đến với con người như với Bọ Hung. Đó là những bi kịch của những thảm họa.
Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Bảo Định (2016), Đời Bọ Hung, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TPHCM.
[2] Nguyễn Hằng (2017), Đây là quốc gia chịu nhiều bão nhất, có trận mạnh gấp 10 lần quả bom dội xuống Hiroshima – truy cập ngày 4/5/2019.
[3] Hoàng Tố Mai (2017), Phê bình sinh thái là gì?, Nxb Hội Nhà văn
[4] Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017), Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, Nxb Khoa học Hà Nội
[5] Nguyễn Thùy Trang, Cảm quan sinh thái trong tiểu thuyết Trăm năm còn lại của Trần Duy Phiên – truy cập ngày 19/5/2018.
3/9/2021
Tô Thị Thanh Hoa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...