Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Chiếc ghế thời giãn cách

Chiếc ghế thời giãn cách

Chẳng ngờ, ai về nhà nấy làm việc mà cuộc sống lại xáo trộn ghê gớm. Tôi nhận ra, mình chẳng có một góc riêng nào để làm việc trong căn nhà này. Từ phòng khách đến phòng ngủ, từ không gian giải trí đến ẩm thực, tất cả đều trôi theo những trào lưu tiện dụng. Mãi rồi cũng tìm ra được một chiếc ghế gỗ trên tầng thượng, nó bị bỏ quên đã lâu, hay đúng hơn, đã bao giờ tôi nghĩ đến nó...
Tin được không? Cái ghế còn hơn cả tuổi tôi, nghĩa là từ lúc cha mẹ tôi mới cưới. Người thợ mộc từ xuôi lên đây làm công nhân, anh tranh thủ buổi trưa, giữa hai tiếng còi tầm để đóng chiếc ghế. Chiếc ghế mang hình hài thường thấy ở phòng họp của một xí nghiệp.
Tôi nhớ ngày nhỏ, cha tôi thường ngồi trên chiếc ghế ấy để soạn bài. Bóng đôi vai gầy thời bao cấp chập chờn trong ánh đèn dầu. Chiếc ghế là nơi tôi vịn để đứng vững, từ đó bước đi những bước đầu tiên. Bốn chân ghế giúp tôi kiễng lên lục lọi giá sách, những quyển sách rớt xuống như con chim xòe đôi cánh.
Thế rồi có một lần thức dậy, tôi thấy đã khuya lắm, cha tôi đang ngồi trên chiếc ghế ấy. Ông lặng im trước một tờ giấy trắng cùng cây bút bi. Những ngày sau tôi để ý ngay dưới gầm ghế là cái sọt rác nhỏ với những tờ giấy đã bị vò nhàu nát. Tôi nhặt chúng xếp phẳng phiu lại từng trang, âm thầm chép những con chữ ấy vào một cuốn sổ nhưng không hề nói cho ông biết. Sau này khi đã già, ông hồi tưởng lại, thấy tiếc nuối những câu thơ bỏ đi ấy. Khi ngỡ ngàng nhận lại từ tay tôi từng dòng cảm xúc một thời, ông bảo: “Khi già, người ta mới hiểu được một điều là chữ đừng khôn quá mới thành thơ được con ạ…”.
Giờ tôi lại đang ngồi trên chiếc ghế giữa ngôi nhà với những vật dụng chẳng liên quan gì đến nó. Tôi như giữa một ốc đảo ký ức và xung quanh là mênh mông thực tại. Tôi cũng đang sợ, trên chiếc ghế này, những con chữ sắp sửa hiện lên trên màn hình laptop của tôi cũng bị khô như một mẻ gốm quá lửa, như một bông hoa nở cuối mùa. Một chiếc ghế không mang màu sơn, tự thâm nâu cũ kỹ bằng chính tuổi tác của mình trong ngày cả thành phố đang dàn một thế trận phòng thủ chặt chẽ trước dịch bệnh. Bây giờ, sau bao năm tháng phiêu du mòn gót, đôi giày cũng đã nằm yên trên giá. Những cảnh sắc phố sá đông vui, non xanh, nước biếc cũng nằm im trong chiếc ổ cứng. Tôi nhận ra để có một căn nhà đâu khó bằng việc làm sao để tĩnh tâm được trong chính nhà của mình. Bây giờ, bắt đầu từ chiếc ghế, một chỗ ngồi để bắt đầu một việc tôi đã bỏ từ khá lâu, ấy là viết ở nhà.
Ngày đầu, cà phê đắng môi mà vẫn không được chữ nào. Hóa ra ngồi ở cái ghế cũ, ngồi nhà xưa mà chữ nghĩa đi đâu cả. Hình như là vì xa bạn bè, vắng những cuộc tụ bạ, hình như khi ngồi đây không còn niềm kiêu hãnh bấy lâu, hình như lại thấy mình bé nhỏ trên chiếc ghế như ngày nào giành chỗ ngồi của bố để nô nghịch, leo trèo. Cứ viết rồi xóa, những con chữ bị xóa vào cõi vô vọng trong không gian, tôi nhận ra chữ nghĩa bấy lâu thật rườm rà mà nhạt nhẽo, một cuộc “tắm gội” lại tâm hồn quyết liệt cứ chồng chéo lên nhau. Viết ở nhà, điểm tựa duy nhất là cái ghế gỗ, nhưng cũng là lúc sự tự trọng được dồn nén như một cánh cung, đỉnh điểm là một sự thành thật với chính mình. Để những suy nghĩ vụt sáng, lao đi như mũi tên đầy táo bạo mà thật giản đơn.
Chẳng biết ngày xưa khi ngồi trên chiếc ghế này, giữa không gian tĩnh lặng không tiếng động cơ, không bon chen xô bồ, không ti vi, không mạng internet… trong những đêm yên ả, cha tôi có cảm giác như thế không, những con chữ được viết ra có hồn nhiên và táo bạo như thế không?
Với tôi, chiếc ghế gỗ giản dị nhưng chưa khi nào lung lay, nó cho mình một điểm tựa vững vàng, để biết mình đang ở đâu, sống và viết trong cuộc đời này.
3/9/2021
Bùi Việt Phương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...