Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Rượu cay, muỗi đói

Rượu cay, muỗi đói...

Ông cưới ngoại tôi khi bà đã bước qua một đời chồng và đang cõng trên lưng năm đứa con thơ. Bằng nghĩa tình và bằng tấm lòng của người cha, ông mở vòng tay bao bọc,  che chở, nuôi nấng đàn con cho tới lúc trưởng thành và lần lượt dựng vợ gả chồng cho từng đứa, để rồi chúng lại trao cho ông một đàn cháu. Tôi là một trong đám cháu lít nhít đó.
Tôi nhớ, ông chưa bao giờ mặc nguyên bộ quần áo trừ khi ông đi dự cưới hỏi giỗ kỵ và những ngày cuối cùng trên giường bệnh. Gần như lúc nào ông cũng mặc chiếc quần lỡ, màu đất, lưng để trần, da nâu sạm dù ông đang đào đang cuốc đang gieo trồng, đang thu hoạch dưới trời đẫm sương hay nắng như lửa đốt. Chiếc áo bao giờ ông cũng cuộn lại để trên bờ rẫy cạnh chai rượu đế lưng lửng. Chiếc áo ấy chỉ có hữu dụng duy nhất là chiều về, ông túm nó thành cái túi, bọc mớ nhãn lồng chín ửng, trái thù lù chín vàng, trái cơm áo chín đỏ… Đứa nào nhỏ được ông chia phần nhiều hơn. Đứa nào không ăn được trái chín thì được uống sữa đậu. Tối, ông lụi cụi bên chiếc cối đá, xay nhuyễn đậu xanh đậu nành đã được bà ngoại rang vàng. Sữa bột thơm phức có đứa cũng chê, đòi sữa mẹ, khóc i ỉ thâu đêm. Nhiều đêm thấy bà thức trắng, ông xót ruột, gầm gừ: "Con  đứa nào trả về cho đứa nấy, việc nhà lo trước rồi mới lo tới việc thiên hạ!". Giận ông, bà lớn tiếng: "Ông đuổi bọn nhỏ tui cũng đi luôn!". Lưng cõng, tay bồng tay dắt, bà thậm thụi bước ra khỏi nhà. Thường bà cháu đi chưa quá một ngày, ông đã ngượng nghịu bọc trong áo những trái chín ngon nhất, tìm đến chỗ bà cháu tá túc, rước bà rước cháu về nhà.
Đêm, thấy cháu quấy, bà thức ông cũng không ngủ được. Ông tiếp củi cho chiếc bếp un đều đều tỏa khói. Ông cầm chiếc quạt chằm bằng lá dừa phất khói bay về tứ phía. Khói cay lan tỏa. Nhiều con muỗi lờn khói bay vo ve đợi lúc bà lơ là một chút là sà xuống đớp vào thịt da của trẻ nhỏ. Ông tức lắm. Bỏ thêm củi thì sợ tụi nhỏ không thở nổi. Ẵm vô mùng thì chúng không ưng. Chúng quen nhịp võng và tiếng ru. Thế là… ông duỗi đôi chân trần, mời mọc. Bầy muỗi đánh hơi, lập tức xúm lại bâu vào da thịt khét nắng của ông…
Ông trân mình, không nhúc nhích rồi chậm rãi, nhẹ nhàng, lấy ngón tay dí bẹp từng con một. Bà lo, cự nự. Ông gãi sồn sột chỗ muỗi cắn sưng đỏ, cười hề hề: "Thây kệ tui, miễn sao bà với sắp nhỏ đỡ muỗi cắn!".
Dần dần, việc "bẫy muỗi" lạ thường ấy thành quen, cũng quen như việc cái cơ thể tráng kiện tự đề kháng với rừng thiêng nước độc muỗi mòng của ông chưa từng đau bệnh bao giờ. Lúc đó, dưới cái nhìn của đám cháu mũi dãi chưa sạch, việc bẫy muỗi của ông còn là một thú vui, một trò tiêu khiển lạ đời sau cái tật ghiền rượu của ông. Nhưng rượu thì không phải là nước lã, ngay nước lã cũng không dễ có nếu trời không mưa ở giữa cánh rừng đước bạt ngàn, cho nên không phải lúc nào cũng có để uống. Nhiều lần tôi thấy cái chai đựng rượu nằm chỏng chơ trên sàn nhà, không còn một giọt. Ông ngồi, buồn thiu, duỗi dài đôi chân, rình giết từng con muỗi.
Ông lâm bệnh đột ngột.
Ba ngày sau, má tôi từ bệnh viện, nơi ông đang hấp hối với hai căn bệnh bộc phát cùng một lúc: Sốt rét ác tính và ung thư gan, trở về, hối hả đưa lũ cháu chúng tôi đến gặp ông lần cuối.
Chỉ có mấy ngày mà ông không còn là ông nữa. Như một thân cây tróc gốc, ông nằm đó, bất động, da vàng ệch, mắt không mở nổi, nhắm nghiền. Nước mắt tôi chợt trào ra khi nhìn thấy trên mu bàn chân ông, một con muỗi đang mải mê hút máu…
25/10/2006
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...