Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Trong im lặng

Trong im lặng

Quay lưng lại với nhau, và vẫn như mọi khi, họ im lặng. Người nọ thấy kích thước người kia to lớn dị thường và nặng nề như một khối đá chực lao về mình.
Họ đương đầu. Họ chống đỡ…
Bà Hai đổi thế ngồi. Bà ngồi phẹp xuống nền gạch. Bà nắm chặt đầu võng. Bà giữ. Bà kéo. Trên võng, ngự một thiên thần. Nó bỗng nhoẻn nụ cười. Nụ cười nhẹ nhõm của giấc mơ. Mái đầu điểm sương của bà cúi xuống thật thấp. Bà vồ lấy nụ cười, lòng nở niềm sung sướng.
Một tiếng rơi rất khẽ trên nền gạch. Bà Hai quay về phía đó. Nỗi háo hức của một người được trọn quyền sở hữu vùng vằng thoát khỏi bà. Mặt bà biến sắc: “Trời ơi! Lẽ nào? Ta, ta không phải là người bà duy nhất?”.
Bà Út cúi nhặt ống chỉ trắng lăn dưới chân bàn. Bà nghiêng đầu cắn một đoạn chỉ, luồn kim. Mũi kim tiếp tục thoăn thoắt ngập ngừng trên thân một chiếc áo trẻ con.
Bà Hai quay lại với cháu, nhưng ý nghĩ không bứt được khỏi bà sui. Nó dồn dập đến và giao tranh dữ dội. Bà điếng lòng: “Điều gì xui khiến ta chấp nhận cái kết cục oái oăm này?”. Ánh mắt bà trở nên nóng nảy trước những nét mỹ miều của con bé. Chiếc mũi thanh tú, hàng mi cong, đôi môi đỏ phụng phịu, cái cằm chẻ xinh xinh… Bà đột ngột dán cái nhìn vào lưng bà sui. Lòng bà thắt lại trước tấm lưng thon don và mất bình tĩnh trước vẻ khả ái phơi bày ngang nhiên ở thần thái ung dung bình thản. Không phải cái bình thản vô tâm của kẻ no nê thừa mứa trước đói khát nhớn nhác mà là cái bình thản chỉ có ở những người từng trải gian nan và chịu nhiều bất hạnh. Cái bình thản mà bà ta chỉ có thể lấy cắp ở bà. Máu  bỗng chảy rần rật khắp cơ thể, bà cắn chặt răng: “Biết thế này, không bao giờ! Không bao giờ! Cho dù nó có phải dập đầu, thắt cổ hay chết mòn chết héo trước mắt ta!”. Bà vội xoa bóp thái dương. Khi dịu đi, bà nhớ lại… Con trai bà, gấp gửi, cuồng nhiệt, khẩn cầu: “Chúng con tìm gặp nhau! Chúng con không thể thiếu nhau! Chúng con…”. Gạt đi, bà cho nó phóng đại. Cố tình thi vị chuyện yêu đương. Đối với bà, tình yêu – hai từ mới nghe đã chối tai. Nó là cái gì rất phù phiếm! Là niềm vui nhất thời, là thứ hạnh phúc giả. Chỉ có nghĩa vụ, mãi mãi nghĩa vụ mới là hạnh phúc thật của đời người. Sống với điều đó, bà mãn nguyện. Mãn nguyện trong chính sự mất mát và góa bụa của mình. Con trai bà, giọt máu duy nhất của vợ chồng bà, không thể sống khác đi! Bà trì hoãn. Trì hoãn để tìm mọi cách cắt đứt chiếc thòng lọng mà con mình vướng phải. Được một tháng, bà kinh ngạc trước sự thay đổi của con. Mắt mất ngủ trắng vờ, đi ra đá bàn, đi vào đá ghế, mấy lần suýt mất mạng trên đường. Lần thứ ba từ bệnh viện về, nó tập tễnh nhắc chiếc chân vừa bó bột, đến trước bà. Mắt xoáy vào bà: “Má! Má có thương con không?”. Bà vừa thương vừa giận trước câu hỏi trẻ con đó, thì nó tiếp, gay gắt: “Bao nhiêu năm thống nhất, chẳng lẽ má cứ ôm khư khư mối thù cũ? Tụi con tội tình gì? Tội tình gì!?!”. Bà ngã lòng. Bà tự trấn an: “Là nạn nhân cả! Vả lại cha con bé cũng chỉ là loại lính kiểng. Loại cầu an sợ chết”. Bà cưới vợ cho con trai theo đúng thể thức một đám cưới mới. Đích thân bà tìm mua bó huệ đẹp nhất. Bó hoa thanh khiết được cô dâu chú rể thành kính đặt dưới chân tượng đài liệt sĩ. Đám cưới không nhận tiền và quà chúc mừng của bất kỳ ai nhưng bà bội thu. Lớp người của bà lộ vẻ ái ngại nhưng cũng không giấu được sự thán phục. Lớp trẻ của con đàn hát vui chơi suốt sáng. Dân thành thị, thở phào, nhẹ nhõm. Bà mệt nhoài trong nỗi hân hoan khó tả. Bà tin con bà hạnh phúc và mọi người cũng sẽ hạnh phúc! Niềm hân hoan âm thầm kéo dài không được bao lâu. Bà chới với trước hạnh phúc của con: Hạnh phúc nó sao rất đỗi tầm thường và quá chừng chật hẹp? Xa nhau một chút đứng ngồi nhấp nhổm, vào ngóng ra trông. Líu ríu không rời. Bà ngượng mắt, thừa chân tay khi tình cờ bắt gặp cử chỉ âu yếm chúng trao nhau. Khi con mắt bớt xốn xang thì trái tim bà… hình như bồi hồi, hình như xao xuyến và cũng hình như ghen tức. Bà day dứt: “Sao chúng nó vô ý vô tâm bày tênh hênh hạnh phúc trước bà mẹ cô độc của mình?”. May là sự chịu đựng của bà được đền bù. Đứa cháu kháu khỉnh ra đời đã gieo vào bà nội nó một ý thức sở hữu sâu sắc đến bạo liệt. Bà rờ rẫm, sờ nắn hàng triệu lần trên thân thể bé bỏng của nó. Bà ngắm xa ngắm gần từng nét của nó trong nín lặng, hồi hộp: “Giống, giống hệt!”. Tuy nhiều nét của con bé không “giống hệt” như bà tưởng nhưng bà vẫn tin, một lòng tin mãnh liệt: “Lớn lên nó sẽ khác!”. Sẽ thừa hưởng trung thành ở bên nội, ở dòng máu của nó, tất cả… Chính bàn tay nó thắp nhang cho ông nội. Bà không còn thơ thẩn một mình, không phải mò mẫm trên da đầu để nhổ nhầm những sợi tóc chưa bạc. Và chính nó sẽ ngồi trên chiếc quan tài phủ màu đỏ rực của bà. Tương lai làm bà nóng lòng. Bà thường vòng tròn ngón trỏ và ngón cái đo đi đo lại cổ tay cổ chân con bé. Bà nhắc cha mẹ nó cân con hàng tuần. Con bé được móc vào chiếc cân Liên Xô. Bà căng mắt trước chiếc kim đỏ trên mặt đồng hồ: “Lên được 250 gram” hay “Hơn 300 gram”. Bà phân vân: “Con bé lớn nhanh hay chậm?”. Bà ngoại nó thì mừng rỡ: “Con nhỏ sổ sữa cho coi! Mẹ nó hồi đầy tháng chỉ lên nửa ký!” Cha nó hồi nhỏ – bà lục tìm trong trí nhớ… kỷ niệm tuổi thơ của đứa con trai chìm lút trong ký ức bừa bộn của bà. Bù lại khoảng thiếu hụt đó, bà ra sức chăm bẵm con bé. Khổ nỗi, khi chạm đến công việc kim, chỉ, bếp núc của đàn bà, bà luống cuống, lầy quầy, gây đổ vỡ. Muỗng nước đường chỉ còn một nửa khi đưa được đến miệng con bé. Tư thế căng thẳng khi bà chuẩn bị tắm cho đứa cháu sơ sinh làm con dâu đâm hoảng. Bà đành lòng mời bà ngoại nó đến và ép lòng chứng kiến cái hạnh phúc chia sẻ mà lẽ ra bà trọn hưởng. Khổ sở, dày vò, bà vẫn không xua đuổi được trạng thái tò mò theo dõi từng cử chỉ của bà sui dành cho con bé. Và ngỡ ngàng, bà nhận ra chưa bao giờ mình thực hành đến nơi đến chốn những bài học vỡ lòng của một người làm mẹ. Bà trở nên câm lặng trước tiếng ru của bà sui. Bà chạnh lòng. Con trai bà cũng lớn lên bằng tiếng ru trong vòng tay ngoại nó. Mẹ bà thường ôm cháu vào lòng, nhìn con gái tất ba tất bật, lầu bầu: “Đàn bà mà không biết ru con…” và lấp vào chỗ bỏ lửng bằng câu hát ầu ơ. Không ngờ câu bỏ lửng của mẹ bà lại được bà sui bà diễn đạt rành rọt bằng lời. Con dâu bà đỏ mặt, chống chế. Còn bà nuốt nước bọt mấy lần để ghìm câu nói chực bật ra: “Ai đội bom đội đạn để cho mấy người nằm ườn ra mà ru mà hời!”. Ngày qua, đêm qua, khi chuỗi tức giận chùng xuống thì mặc cảm thua thiệt trương phình lên, như lúc này này!
Bà nhìn đồng hồ trên tường và nghe tiếng gõ của nó như thúc vào tim mình. Chỉ một lát nữa thôi là con bé thức giấc, là chấm dứt cái hạnh phúc ngắn ngủi được ở bên cạnh nó. Bà nương tay, chiếc võng nhè nhẹ đung đưa. Từ đít võng rưới lai rai những lằn nước xuống gạch. Ngừng võng lại, bà lúi húi thay chiếc quần đẫm nước của con bé. Nó ưỡn ẹo và mở đôi mắt tròn xoe nhìn bà. Cái nhìn ngơ ngác, ngỡ ngàng, ngạc nhiên và òa khóc. Nghe tín hiệu ấy, bà Út vội xỏ chân vào dép, lật đật, chạy đến với cháu. Bà ôm cháu vào lòng, đi đi lại lại, nựng nịu, đả đớt trò chuyện với nó. Bà Hai khom người lau soàn soạt nước đái còn đọng lại trên võng. Bà lau khô đến nóng lớp vải ny lon, rồi bà bước thùm thụp đến chỗ bình trà. Bà rót nước. Rót bằng vòi và bằng cả miệng bình. Nước tràn ly, văng tung tóe xuống mặt bàn, xuống nền gạch…
Ực một ngụm nước, bà lấp vấp, chân nọ xọ chân kia bước xuống nhà sau: “Ầu ơ… gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại…” Tiếng ru da diết đuổi theo bà. Dần dừ, bà bước một mạch ra ngoài sân. Ở đây, cũng như mọi khi, mắt bà vướng vào những áo quần phơi dò dọc trên dây. Và cũng như mọi khi, bà nhận ra ngay vẻ xấu xí thảm hại của chiếc quần si-líp của mình bên cạnh chiếc quần mềm mại óng ả của bà sui. Nó không còn là hai chiếc quần khác nhau bởi hai chất liệu cứng mềm, tốt xấu hay đắt rẻ nữa mà trở thành sự khác nhau của hai cuộc đời, hai số phận và của hai thân thể phơi trần. Vô số hình ảnh tương phản gay gắt lần lượt diễu qua trước mặt bà. Nhiều hình ảnh va đập làm trái tim bà thắt lại vì đau đớn. Bà gồng người lên để xua nó đi và thấy giận mình. Giận đến sôi sục: So sánh với bà ta, dù chỉ là ý nghĩ thoáng qua cũng đã gây tổn thương và tự hạ thấp. Biết vậy, nhưng bà vẫn không bám chắc được một điểm tựa nào, trầy trật và tụt xuống khỏi vị trí của mình. Bà nuôi dưỡng những hành vi rình rập trong khinh miệt, căm giận và đồng thời cùng với nó, trỗi dậy trong bà nỗi thèm muốn mơ hồ nhưng mãnh liệt. Trạng thái này đã dẫn bà đến quyết định thủ tiêu những chiếc quần nhỏ của mình. Bà vo bốn chiếc quần thành một cục khô khào, gói chặt trong một tờ giấy dầu. Lưỡng lự hồi lâu, bà mới tìm được một chỗ khuất nằm dưới gốc cây, và moi một lỗ. Bà âm thầm chôn cái bằng chứng thiệt thòi của mình. Bà lịu nghịu và vã mồ hôi khi dừng trước một chiếc tủ bày óng ánh những thứ bà đang cần. Bà ấp úng: “Con gái tôi…” Cô bán hàng chọn cho bà ba chiếc thật xinh. Bà loay hoay gần một giờ đồng hồ trong nhà tắm. Chưa một lần bà ngắm trọn vẹn thân thể mình. Bà ngạc nhiên và bối rối trước hình thể mà mỗi đường nét đối với bà dường như đều xa lạ. Bà ngượng ngùng nhìn xuống hai núm vú nâu sẫm và vón lại như hai vú cau. Rồi lướt nhanh xuống phần dưới bụng… Mặt ửng lên, bà luống cuống mặc chiếc quần màu phấn hồng vào và lần nữa liếc trộm xuống phần dưới bụng. Mặt đỏ bừng, bà xấu hổ trước vẻ khập khiễng, lạc lõng và bất ngơ, cảm giác mất mát, tiếc nuối, xót xa ập đến… Khi dựa được vào tường và trấn tĩnh lại, bà cởi chiếc quần con ra, cuộn tròn dưới gạch và chùm bàn chân gầy guộc lên. Chiều đó, bà đi tìm cho mình những cái mới, y hệt cái cũ. Cũng bằng vải thô, nhanh ngả vàng và khô khào trên dây phơi kia.
Bà gỡ chiếc quần trên dây phơi xuống, nắm chặt, nới lỏng rồi đột nhiên dùng hai tay chà xát, giận dữ. Chiếc quần mềm ra. Trên đôi môi khô héo của bà nở một nụ cười.
Nụ cười chìm lỉm dưới mặt nước cồn cào, nơi chấp chới cánh cò mỏi cánh, bơ vơ. Lời ru ngọt ngào, lai láng của bà Út bỗng thành mật đắng, thành ngọn lửa. Những chiếc lưỡi đỏ rực trườn vào bà. Mồ hôi túa ra khắp lỗ chân lông. Bà muốn gào lên: “Thân cò là ta! Lặn lội gieo neo… Còn ngươi, ngươi là loại diều hâu! Đừng hòng cắp được đứa cháu của ta!”.
Bà chạy huỳnh huỵch lên nhà trên, đánh rơi chiếc quần ngả màu cháo lòng ở ngưỡng cửa. Bà khựng lại trước nhịp võng kẽo cà kẽo kẹt. Con bé ngủ bình yên trên ngực ngoại.
Bà Út không nghe tiếng bước chân khác thường của bà sui, cứ đắm chìm trong câu hát, cứ thả hồn theo cây cải ngồng bay tít lên trời. Lòng bà Hai, ngọn lửa cháy ngùn ngụt: Ôi, giá như có thể dựng bà ta dậy. Giá như cả hai vươn dài cổ ra như hai con ngỗng cái và lao vào nhau, cắn xé nhau. Giá như được khạc nhổ vào mặt bà ta tất cả sự khinh ghét chất chứa và lòng thù hằn âm ỉ. Giá như… Bà Hai ngửa cổ đằng hắng. Vẫn chưa thấy động tĩnh. Bà đằng hắng tiếp. Đến tiếng thứ tư bà Út sực tỉnh… Bà đặt con bé xuống võng mà cứ núm níu vòng tay, núm níu lời ru. Bà Út vừa đi khỏi, bà Hai lập tức ngừng võng, cúi xuống hít căng lồng ngực mùi da thịt của con bé. Và bất ngờ ôm riết đứa cháu vào lòng, hôn chùn chụt, hôm mê mải. Con bé mở choàng mắt và vẫn cái nhìn ấy. Ngơ ngác, ngỡ ngàng, ngạc nhiên rồi nhìn quanh tìm kiếm. Bà chật vật tìm lời ru nhưng chỉ gặp câu hát xa xưa: “Ới này người thôn nữ, nắng xế còn tiếc chi chưa ngừng tay. Sao cô còn lưu luyến…” giọng bà chới với và nghẹn tắc ở chỗ “lưu luyến”. Trên ngực bà, con bé vùng vằng quẫy đạp… Khắp người bỗng nóng ran khi bà nhịp được cùng bước đi rậm rịch, dồn dập, gấp gửi, oai hùng. Hòa theo nhịp quân hành, bà hát. Hát thật to. Hát khô cả ngực....
Tiếng hát không át được tiếng khóc của đứa bé. Nó khóc thét! Tiếng thét khản đặc.
Đêm. Vẫn lặp lại cái vắng lặng sâu thẳm và nỗi trăn trở triền miên. Bà Hai trở dậy lần thứ hai…
Lần thứ nhất, bà gần như mê đi trong trạng thái kiệt sức, rã rời. Giấc ngủ chập chờn đã đẩy bà đi thật xa trong bóng đêm vô tận, lờ nhờ. Trăng, sao, ráng đỏ, sấm chớp hay lửa đạn? Nhập nhòe, nhập nhoạng. Bà chạy. Chạy hụt hơi trên mặt đất loang lổ, hoang tàn. Và dường như mặt đất nhổm dậy, cuộn bà vào vòng tay ấm lạnh của nó… Tỉnh dậy, bà rùng mình khi nghĩ đến cái chết. Và cũng lần đầu tiên trong đời, bà ao ước được chết. Giá như nó đến sớm hơn bà sẽ ra đi trong thanh thản và mãn nguyện. Sẽ không phải đối mặt với một con người khác trong bản thân bà. Sẽ không trượt khỏi cái giới hạn của đức hạnh là biết hy sinh. Sẽ không phải mang nặng trong trái tim những định kiến tối tăm chật hẹp. Sẽ không bao giờ chịu những trận đòn tơi tả của lương tâm… Điệp trùng sự hối tiếc quật ngã, bà lịm đi.
Lần này, tỉnh dậy bà không nghĩ đến cái chết. Bà nghĩ đến người đã chết. Bà ngồi im lìm như một pho tượng xám ngoét trước bàn thờ chồng. Bà tìm, tìm mãi ánh mắt của chồng từ tấm ảnh phóng to được lồng vào khung hình đặt bên cạnh tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Bất ngờ, bà co chân phóng xuống nền gạch, tìm đến công tắc, bật thêm đèn, thắp thêm nhang trên lư hương. Bà bước tới trước, lùi lại phía sau, nghiêng trái, nghiêng phải và gần như ở mọi tư thế trong mọi cự ly của căn phòng gần 20 mét vuông nhưng không sao tìm gặp được ánh mắt chồng. Đôi mắt xếch của ông nhìn đâu đó, xa xăm và cách biệt. Và không chỉ là cách biệt, mà với bà, còn như sự khước từ. Khước từ tất cả những gì có được, khước từ hết thảy những gì còn lại trên cõi đời này…
Ba lần về phía cửa sổ. Bầu trời đã biến thành chiếc mền sẫm, khổng lồ. Những vì sao có lẽ ngủ mê mệt trong chiếc mền êm đó. Lất phất những giọt mưa. Bà đưa tay ra. Mũi bàn tay hướng lên trời, thầm mong: Mưa! Mưa sầm sập! Mưa gội rửa, mưa cuốn trôi, tất cả… Những giọt mưa cũng biến mất. Gió ngưng. Tiếng lao xao của lá cũng ngừng. Bầu trời chỉ còn là một bức tranh âm u, bí ẩn và khép chặt trước bà.
Bà lê từng bước về chiếc giường của mình và ngồi bó gối ở đó. Bất thần, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Bà sợ hãi trước nỗi bơ vơ cùng cực trong căn phòng vắng lặng này. Nơi mà trước đây những gì gắn bó thân thuộc bỗng trở nên xa cách lạ lùng và tan biến đi cái giá trị thiêng liêng của nó. Nơi mà ánh mắt thờ ơ cách biệt của người chồng đã mở trước mắt bà một lỗ huyệt…
Cưỡng lại nỗi tuyệt vọng, bà lập cập bước đến cửa buồng của con trai với hy vọng được nghe tiếng nói của nó, cho dù đó là tiếng càu nhàu, gắt gỏng. Bà không gọi con được thành tiếng khi thấy chúng nó quấn chặt nhau. Nỗi cô đơn xiết chặt, và kéo bà đi…
Khi bước đến bậc thang cuối cùng, bà biết mình không còn kịp để quay trở xuống, mà chỉ có thể dũng cảm tiếp tục hành vi hèn mọn của mình. Bà bước mạnh lên bậc thang cuối cùng.
Nghe tiếng động, nhanh như chiếc lò xo bật, bà Út  tức thì phủ chiếc khăn lụa xám lên bức chân dung đặt trên mặt bàn kê cạnh giường ngủ của mình. Và vẫn tư thế cũ, ngồi quay lưng về phía bà Hai. Bà ta chờ đợi…
Bà Hai đứng chôn chân trước cửa phòng bà Út – Đứng trước cái vương quốc bé nhỏ mà bà đã tự nguyện giao đứt cho bà sui với hiệp ước ngầm là không bao giờ vi phạm đến cõi bờ của nó. Bà, chính bà! Kẻ vi phạm hiệp ước, kẻ bước qua biên giới, kẻ chủ động tấn công, cũng, đợi chờ…
Một giây, hai giây… một phút, hai phút… thời gian vật vã lê đi trong im lặng. Im lặng tích tụ những định kiến không xứng với trái tim. Im lặng phủ nhận. Im lặng triệt tiêu. Im lặng ngự trị những thèm muốn điên rồ… Thứ im lặng căng thẳng, khốc liệt của một loại chất nổ đã châm ngòi.
Thình lình, bà Út chồm tới, giựt phắt chiếc khăn phủ bức chân dung…
8/3/2007
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...