Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Tên mình còn được viết trong trái tim quê nhà

Tên mình còn được
viết trong trái tim quê nhà

Con người có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Chốn đó là quê nhà. Là nơi mình sinh ra. Là nơi có mồ mả tổ tiên ông bà, có cha mẹ, có những người thân yêu ruột thịt, có bà con chòm xóm. Là nơi mình có thể trú ẩn bình yên.
Là chốn cuối cùng chứa chấp phận người mỗi khi gặp nghịch cảnh, tai ương khốn khó. Khi không còn có thể đi đâu, vẫn còn đó một con đường cho mỗi chúng ta: đường về nhà.
Dù con đường về nhà không phải lúc nào cùng đẹp, cũng nên thơ, lãng mạn. Dù con đường về nhà có lúc sao xa quá là xa, nhuốm đầy mưa bụi, đói, kiệt sức và bao nhiêu nguy cơ phải đối mặt. Nhưng còn có quê nhà để về là còn hy vọng… Đó là con đường trở về nhà của những người lao động trong dịch bệnh mà mỗi chúng ta đều thắt lòng chứng kiến những ngày qua.
Bóng đen Covid-19 đã đổ ập xuống cuộc sống của những người con phải rời xa quê nhà đi mưu sinh, kiếm sống ở thành phố. Đô thị sầm uất và những hứa hẹn về công việc, về thu nhập đã thu hút họ đến, tạm cư ở đó, neo gửi cuộc đời mình ở đó.
Tha hương để thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận. Rồi bệnh dịch tới, không còn việc để làm, không còn tiền để trang trải cuộc sống, những thân phận tạm cư ấy buộc phải lựa chọn quay về nhà. Hình ảnh từng đoàn người bấy lâu rời quê đi làm ăn xa nay phải lựa chọn vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số, bằng phương tiện xe đạp, xe máy, thậm chí là đi bộ ròng rã ngày qua ngày, để về nhà những ngày này, là những hình ảnh mà không ai trong chúng ta không xót xa, ngậm ngùi trào nước mắt.
Những người công nhân đi làm thuê không còn việc đi bộ xuyên rừng từ Bình Định về quê nhà Quảng Ngãi. Những ngư dân đi bộ 275km từ Bình Thuận về quê nhà Phú Yên. Một người mẹ và 3 đứa con chọn một cuộc hành hương mạo hiểm chưa từng có: đạp xe từ Đồng Nai về quê nhà Nghệ An. Hàng ngàn xe máy cõng trên đó là hàng ngàn cảnh đời, hàng ngàn nỗi niềm, nhưng chung một con đường về nhà. Có em bé sơ sinh mới chỉ 9 ngày tuổi, đã cùng cha mẹ vượt hơn 1500 cây số để về quê- một kỳ tích không ai mong muốn.
Những cuộc trở về gây xúc động tận cùng tâm can, day dứt trong chúng ta câu hỏi về số phận con người. Chúng ta quá bé nhỏ trong vũ trụ này và đời sống còn mong manh hơn nữa. Những cuộc “thiên di” chìm nổi của con người, để tồn tại hay là để thấu hiểu thêm ý nghĩa của sự trở về.
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng đặc biệt, có thể là đặc biệt nhất trong cuộc đời của mỗi người. Chưa khi nào tình cảnh lại trở nên nguy khốn như vậy. Con người phải hạn chế mọi hoạt động, mọi nhu cầu. Tất cả nhường chỗ cho cuộc chiến đấu sinh tử với một kẻ thù mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Sinh vật bé xíu có tên Corona virus đó đã lấy đi của chúng ta rất nhiều tự do, buộc chúng ta phải xoay xở để tồn tại.
Những cơ hội gặp gỡ phải gác lại, những cơ hội việc làm bị mất đi, phải thắt chặt chi tiêu và phải sống trong nỗi ám ảnh không biết rồi ngày mai sẽ ra sao. Trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết, mỗi chúng ta dường như thấm thía hơn về các giá trị mà ngày thường vì bận rộn, chúng ta đã quên đi. Chúng ta tiếc nuối vì đã lâu không gặp một người thân và họ đã ra đi trong dịch bệnh, chẳng còn cơ hội gặp họ dù là thăm viếng lần cuối trong một đám tang.
Chúng ta nhận ra giây phút này, khi mà nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, thì ngay cả những người gần gũi nhất, như cha mẹ, anh chị em, chúng ta nhiều nhất cũng chỉ có thể gọi điện thăm hỏi, an ủi nhau, mà không thể đến bên nhau, dành cho những cái ôm. Nhưng chúng ta cũng nhanh chóng nhận ra rằng, những cuộc điện thoại như vậy cũng chính là đường về nhà. Về với những yêu thương ăm ắp đầy mà dù xa cách bao nhiêu, người thân vẫn luôn dành cho mình, đón đợi mình, sẵn sàng chia sẻ.
Với những người từ quê ra phố định cư, có nhà để ở, còn việc để làm, hay đơn giản, còn khả năng để trang trải cuộc sống của mình trong dịch bệnh, thì đường về nhà là những cuộc điện thoại, hay trừu tượng hơn là những cuộc trở về trong tâm tưởng.
Giữa Sài Gòn lặng im những ngày giãn cách, cô em gái gửi những dòng tin nhắn cho chị của mình: “Ước chi những ngày buồn tênh thế này được về bên bố mẹ, ngồi bên mâm cơm tuy đơn sơ mà tràn ngập niềm vui như ngày thơ bé. Nhớ con đường đi học đầy hoa xoan rụng. Nhớ những đêm tháng sáu chị em mình ngồi nhìn trăng dưới lòng chiếc ao sâu. Nhớ những đêm nằm ôm mẹ.” Và cô ước mong những ngày đầu tiên sau khi hết dịch sẽ về quê thăm bố mẹ, vì đã 2 năm rồi chưa về.
Mọi thứ luôn trôi về phía trước, nhưng quê nhà thì vẫn luôn ở đằng sau mỗi người, ai đó đã nói như vậy. Chúng ta sinh ra trên mảnh đất quê nhà, lớn lên với những đói no khoai sắn tình ông bà cha mẹ, gom góp những kiến thức đầu đời bởi những thầy cô ở làng, để rồi khi trưởng thành chúng ta bước chân ra đi. Đó là một nhu cầu bản năng hối thúc, để được đến những chân trời mới, để khám phá những điều mới mẻ, để học hỏi những tri thức lớn lao của nhân loại, hay đơn giản là để tìm kế sinh nhai, để thoát nghèo. Dòng người từ quê nhà ra đi luôn dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Nhưng dòng người quay về quê nhà cũng dài như vậy, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Bất luận là thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo khó, sau những trải nghiệm đường đời, dường như ai rồi cũng có tâm thế quay về. Vì chúng ta hiểu rằng phần đời mình đã bôn ba chẳng có gì êm dịu bằng bàn tay mẹ vỗ về thủa bé. Vì chúng ta hiểu rằng, trên đường đời mình không dễ gặp những tình nghĩa bao dung như tấm lòng người làng quê thân thuộc. Và trong trái tim chúng ta luôn đau đáu một chốn về.
Như lời bài hát “Đi về nhà” của nghệ sĩ Đen Vâu gây xúc động không chỉ giới trẻ mà tất cả mọi người: “Lao vào đời mà kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội/ Những thành thị thường lấp lánh, còn đêm thành thị thường trơ trọi/ Như mọi đứa trẻ khác, lớn lên muốn đi xa hoài/ Nhà thì vẫn yên ở đó, đợi những đứa con ra ngoài….Hạnh phúc, đi về nhà/ Thành công, đi về nhà/ Thất bại, đi về nhà/ Mông lung, đi về nhà/ Chênh vênh, đi về nhà…”.
Đi về nhà là về với những gì an ủi, nương tựa nhất. Như đứa con luôn tìm về bên mẹ. Bởi vì tình yêu của người mẹ là tuyệt vời nhất trên thế gian này, không tính toán so bì, chỉ có vô tư thuần khiết. Nếu không có tình yêu ấy trong đời, những đứa trẻ  chúng ta thật khó mà sống sót. Chúng ta dù có mũ cao áo dài hay địa vị cao sang, hay vật lộn miếng cơm manh áo, hay mê lầm lạc lối thì vẫn mãi chỉ là đứa trẻ trong vòng tay ôm của mẹ.
Có một câu danh ngôn còn trong trí nhớ của tôi: “Nếu bạn không cảm thấy bình yên khi nhớ về thời thơ ấu, thì chẳng còn ngày tháng nào nữa trong cuộc đời bạn có thể cảm thấy bình yên”. Chúng ta quay về nhà thực chất là để gặp miền bình yên ấy, để tìm lại cân bằng trong thân tâm để tiếp tục hành trình cuộc đời.
Tôi đã dừng lại rất lâu trước một bình luận của một người bạn Facebook, khi ai đó post tấm hình em bé mới 10 ngày tuổi, cuộn tròn trong tã lót và khăn ủ ấm, trên tay người cha lúc dừng nghỉ giữa hành trình 1.500 cây số cùng gia đình để về quê nhà trong dịch bệnh.
Người bạn ấy viết rằng: “Mừng cho con và cha mẹ đã về được nhà. Mừng vì mới lọt lòng cha mẹ đã dạy cho con yêu quê hương. 10 ngày tuổi con đã dạn dày sương gió, mong con trưởng thành và sống cuộc đời hạnh phúc”. Thật xúc động. Chúng ta đâu muốn một hành trình gian khó cam go đối với thiên thần bé nhỏ vừa chào đời như vậy. Nhưng cũng bởi vậy mà mừng vì con đã “về được nhà”.
Và bao nhiêu mảnh đời trên hành trình Nam – Bắc rồi cũng về được nhà, nhờ sự chia sẻ, quan tâm, giúp sức của đồng bào, của những nhà hảo tâm. Trong hoạn nạn khó khăn, tình người đã như ngọn đèn soi sáng, để mỗi bước chân trở về nơi mình sinh ra được tiếp thêm nguồn năng lượng. Chúng ta đã đi muôn nơi tìm kiếm ý nghĩa đời mình, tìm kiếm sự sinh tồn, với mong muốn định danh mình trong một căn cước cá nhân với những bản sắc và giá trị cá nhân. Chúng ta đi để mong một ngày quay về quê nhà mang theo những gì mình đã làm được, để đóng góp cho quê nhà, hay ít nhất không trở thành gánh nặng cho quê nhà.
Nhưng nếu một ngày kia gặp khổ đau, thất bại, hiểm nguy, không còn gì trong tay, không còn nơi nào để đến, chúng ta vẫn còn một nơi để quay đầu. Sau lưng là quê nhà, là nơi mình sinh ra, nơi cuối cùng cho mình nương náu. Đất khách quê người có thể mình bị xóa tên, nhưng tên mình vẫn luôn còn được viết trong trái tim quê nhà. Đó chính là bờ bến thiêng liêng, là niềm hạnh phúc lớn lao cho những ai may mắn còn có một quê nhà.
25/8/2021
Bình Nguyên Trang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...