Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Truyền kỳ Nguyễn Dữ: Văn chương phải giúp con người mạnh mẽ hơn

Truyền kỳ Nguyễn Dữ: Văn chương
phải giúp con người mạnh mẽ hơn!

Luôn nhiều năm liền theo đuổi đề tài lịch sử, tôi nhận ra một điều rằng, lịch sử của dân tộc Việt Nam không chỉ hết sức phong phú, cuồn cuộn trầm tích tầng tầng mà còn luôn đưa ra nhiều thông điệp hữu ích cho người đời sau.
Lịch sử ở đây phải bao gồm tất thảy những gì hiện hình trong đời sống mấy nghìn năm của bách tính thị tộc Đại Việt chứ không thể gò bó trong vài quyển chính sử sao chép truyền thừa của giới sử quan.
Có ông quan chuyên về chép sử nghiêm cẩn lạnh lùng, tiếng tăm truyền lại, song không ít chỗ đều là nhìn vào cái lừ mắt của quân vương mà chép cho đẹp ý vương triều. Bởi vậy, sự thật lịch sử, ở nhiều khúc quan trọng, lại thấy mịt mờ diệu vợi. Người viết tiểu thuyết lịch sử đời sau bởi vậy như bị đánh đố, bị ách tắc ngòi bút.
Ấy vậy mà, tiền nhân của chúng ta, nhất là những người cầm bút, đặc biệt là giới sáng tác văn chương như có huyền cơ để lại, không chỉ chứng lý mỗi sự kiện lịch sử mà cả một khung trời nghệ thuật đầy biến ảo, rành rành sự thật vô cùng sinh động miên man, tha hồ cho người đời sau học hỏi.
Ở những lúc khó khăn bí bách nhất, tôi thường tìm tới “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Hai mươi truyện của ông luôn cứu cánh cho tôi ở những bước ngoặt, những chân tường. Với tôi, Nguyễn Dữ không chỉ đích thực là một nhà văn, ông còn là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn với thành tựu đến hôm nay vẫn là dấu mốc cực kỳ quan trọng của văn học sử.
Cuộc đời ông quả là những truyền kỳ đặc sắc và bí ẩn. Ông học tập và giao du với những danh sĩ xuất chúng đương thời. Là học trò của Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn tâm giao với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Phùng Khắc Khoan có khoảng thời gian dài làm quan lớn ở Thanh Hóa, Nghệ An, cũng là khoảng thời gian sáng tác sung sức nhất để hình thành “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ.
Phùng Khắc Khoan vốn nổi tiếng tài thơ nhất nhì Lê triều khi ấy. Hai ông một thơ một văn đều là học trò cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi núi rừng Thanh Hóa hẳn nhiên sẽ văn chương giao kết, câu chữ tri âm. Chỉ riêng những xen đàm đạo cùng tiên thánh, trò chuyện với quỷ thần trong các trước tác của nhị vị Nguyễn – Phùng sau này được lưu truyền sử sách đã nói lên điều đó.
Viết “Truyền kỳ mạn lục”, Nguyễn Dữ trước tiên thỏa mộng chính mình. Mộng văn chương. “Truyền kỳ mạn lục” chính là sự chuyên nghiệp sớm nhất của người sáng tác của người Việt. Trước ông, các vị vua chúa đại thần sáng tác thơ văn từ số lượng tới chất lượng có thể hơn ông như Nguyễn Trãi, song thơ văn của cụ luôn bàn về thời thế, quân chính, đạo lý, luân lý cao siêu.
Nguyễn Dữ khác hẳn, cũng từ những điển tích, điển cố, từ những truyền kỳ trong dân gian, ông thẳng thắn và dũng cảm, tài hoa và mẫn cảm, khéo léo và hăng hái đi thẳng một mạch vào thân phận con người. Khi ngòi bút quá hăng say, ông đã đụng chạm tới cả thánh thần, bá vương phương Bắc, diêm vương dưới âm tào địa phủ, thần nhân, thánh nhân một cách sâu sắc để đưa ra những bài học hữu ích cho đời.
Không thể nào ngờ được rằng, từ gần 500 năm trước, “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ đã có vô số cảnh ân ái giăng hoa, những mối tình hoan lạc bất chấp đất trời, vượt qua khung khổ gò bó của cái gọi là vương đạo, pháp đạo, gia đạo trói chặt con người, nhất là người phụ nữ đã hàng nghìn năm. Những trang viết về tình yêu nam nữ trong “Truyền kỳ mạn lục” là những trang văn thanh thoát nhất của Nguyễn Dữ. Thậm chí, các truyện: “Chuyện nàng Túy Tiêu”; “Truyện nghiệp oan của Đào Thị”; “Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây”; “Truyện cây gạo”… thì những mối tình ở đó không chỉ phức tạp bí ẩn mà còn là tiếng nói phản kháng cực lực với đạo lý Nho gia.
Ngòi bút của Nguyễn Dữ ở những truyện này khiến người đời sau kính sợ sự thâm hậu miên lý tàng châm khi ông khai thác thẳng vào những đồi bại của nho sĩ trụy lạc, bọn lái buôn hãnh tiến, bọn quan lại hủ lậu tham lam mà tinh tế cảm thông, thậm chí công nhiên xiển dương cảnh trai gái yêu đương, thề thốt giao tình giữa thanh thiên bạch nhật.
Đó là sự buông phóng thể xác trong “Truyện cây gạo” giữa Trình Trung Ngộ và Nhị Khanh; đó là sự hoan lạc mê đắm giữa Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu trong “Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây”. Không ít chỗ còn hết sức buông tuồng: “Sinh rủ rê cả hai ả đến chơi chỗ trọ của mình, chuyện trò đằm thắm. Chàng lả lơi cợt ghẹo, hai ả thẹn thò nói rằng: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e mưa nắng nặng nề, hoặc không kham nổi cho những tấm thân hoa mềm yếu”. Sinh khuyên lơn dịu ngọt rồi cùng tắt đèn đi nằm. Lửa đượm hương nồng, ân ái mười phần thỏa nguyện”.
Cách đây gần 500 năm mà cụ Nguyễn Dữ đã viết như thế quả thực hết sức phong tình vậy.
“Truyền kỳ mạn lục” dẫn những lời bình của chính Nguyễn Dữ như một phép đọc, một điểm nhìn. Sự phong phú, hàm súc của mỗi lời bình đã như tô thêm vẻ đẹp cho tác phẩm. Khi thì đặt vị quan Đại Việt ngang hàng với các hoàng đế Trung Quốc như “Câu chuyện ở đền Hạng Vương” đã không chỉ đối chọi với ngòi bút tán tụng của Tư Mã Thiên mà còn chỉ thẳng ra những chỗ bất tiếu của Lưu Bang, Hạng Vũ.
Ngòi bút của Nguyễn Dữ đặc biệt sắc sảo khi phải vạch trần những hủ bại của bọn vua quan, thậm chí quỷ thần đều bị Nguyễn Dữ phơi lên mặt giấy. Ngay như giới tu hành trí trá nơi cửa Phật làm trò mê tín dị đoan nhất loạt đều bị Nguyễn Dữ điểm huyệt cứng họng bằng một thứ văn chương cuồn cuộn như nước thủy triều. Cũng với sự sắc bén thâm hậu ấy, Nguyễn Dữ đã chỉ thẳng ra những chỗ hào nhoáng, tâng bốc, xu nịnh ở ngay người cầm bút, nhất là những nhà thơ từ đời Trần đến đời Lê rất cần được giới nghiên cứu văn học sử lưu tâm. Chủ trương dựng nên những việc hoang đường mà thông điệp đưa ra vô cùng có ích chính là chỗ tài nhất của Nguyễn Dữ.
Từ những tích truyện nhiều khi đã cũ mòn trong dân gian mà qua ngòi bút Nguyễn Dữ đều lập tức sinh động uyển chuyển, như cầm nắm được, như hơi thở nóng hổi bên mình. Đọc văn của ông không chỉ thấy những xấu xa thối nát của bọn vua quan hoang phí sức dân, những trọc phú dùng tình chế áp người khác mà thụ hưởng khoái cảm vô độ của mình, những kẻ lợi dụng đạo giáo để làm trò khuất tất mà còn toát lên vẻ đẹp từ chính sự cần lao, từ khát vọng không biết mệt mỏi của những thân phận thấp bé, nhất là những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
“Truyền kỳ mạn lục” mặc dù tác giả của nó luôn tỏ ra rất khiêm nhường, song thực chất là đỉnh cao khó vượt của giới cầm bút, thậm chí cho tới tận hôm nay.
Sau này, khi đọc tập “Yêu ngôn” của nhà văn Nguyễn Tuân, dù Nguyễn Tuân rất tài tình và thăng hoa song chúng tôi vẫn thấy “Truyền kỳ mạn lục” ở một đẳng cấp cao hơn hẳn. Càng đọc lại, càng thấy những đóng góp lớn lao của Nguyễn Dữ đối với văn học sử. Những truyện của Nguyễn Dữ đều ra đời trước “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh bên Tàu càng cho thấy tính sáng tạo độc đáo của ông.
Sinh thời, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng phủ chính, biên tập “Truyền kỳ mạn lục” và cho rằng đó chính là thiên cổ kỳ bút. Ngay việc Nguyễn Dữ từng thi đậu hương tiến (tức cử nhân), tiếp đó ông thi hội trúng tam trường và có ra làm tri huyện Thanh Toàn (nay là huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) nhưng chỉ một thời gian ngắn đã lập tức cáo quan ẩn cư ở Thanh Hóa viết một mạch hai mươi truyện nơi rừng núi kể cũng lạ lắm thay.
Văn chương của Nguyễn Dữ chính là thứ văn dĩ tải đạo chất chứa biết bao thông điệp để làm giàu có tâm hồn, tạo sự công bằng xã hội, khuyến khích những người hiếu nghĩa, bênh vực giới nữ, xiển dương điều hay ý đẹp ở đời. Bởi vậy, dẫu đã vài trăm năm mà vẫn như người đồng thời trò chuyện và cung cấp tri thức cho người hôm nay vậy.
Hiện thực xã hội thời nào cũng có những nhức nhối khôn khuây. Không thể có một xã hội nào toàn thiện, toàn mỹ và việc chúng ta giáp mặt, đương đầu với những u mê dốt nát tăm tối do chính con người đem tới cho con người là lẽ tất nhiên. Chỉ có điều rằng, trước Nguyễn Dữ và sau Nguyễn Dữ, dường như quá ít nhà văn, kể cả trong ngày hôm nay đủ khí và lực, cương trực, dũng cảm, tài hoa thể hiện bằng tác phẩm được như ông. Điều này quả là đặc biệt, rất cần được nghiên cứu và khẳng định sâu sắc hơn nữa văn tài Nguyễn Dữ.
Ngày hôm nay, nhiều giá trị đang bị đảo lộn. Những thách thức lớn trong việc khẳng định nền văn hóa dân tộc, ở một bình diện nhỏ hơn là văn học nghệ thuật đang phải chịu nhiều sức ép, thậm chí có lúc dường như quá sức. Đây đang là vấn đề đặt ra, trách phận của trí thức, nhất là giới sáng tác phải nhận lãnh trách nhiệm về mình. Có lẽ nào, gần 500 năm trước, phẩm cách và tài năng của các cụ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ đã hiển lộ rõ ràng, giúp ích để con người sớm trưởng thành hơn mà hôm nay con cháu các cụ lại mãi luẩn quẩn trong những cạn hẹp, manh mún, sơ sài trong sáng tác.
Văn chương nhất thiết phải giúp con người mạnh mẽ hơn mới là văn chương đích thực. Nguyễn Dữ chính là con người như vậy, nhà văn như vậy.
2/9/2021
Phùng Văn Khai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...