Thơ Lê Chí và những
niềm khắc khoải nhân sinh…
Đọc thơ Lê Chí, trong những ngày cả nhân loại đang oằn
mình, sống trong âu lo, trong mất mát, đau thương của đại dịch Covid-19, giải
mã về niềm khắc khoải nhân sinh trong thơ Lê Chí, làm sao ta không khỏi thấy quặn
lòng nghĩ về sự tồn sinh quá mỏng manh của phận người…
1. Là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn chương Đồng
bằng Sông Cửu Long, Lê Chí không chỉ là một nhà thơ mà còn là một ông “quan”
văn nghệ. Anh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, được phân
công theo dõi hoạt động văn học khu vực ĐBSCL nhiều năm và có những đóng góp nhất
định cho sự hình thành và phát triển của văn học Đồng bằng. Song, trong bài viết
này, tôi muốn nói đến Lê Chí – Nhà thơ, vì đây mới chính là nơi thể hiện bản
ngã của anh với tư cách là Nhân vị – Thi sĩ và cũng là căn cước minh chứng cho
sự tồn sinh của đời và thơ anh ở cõi nhân gian, chứ không phải là những tháng
năm làm “quan” văn nghệ. Bởi, suy cho cùng, nhận vị nhà văn trước cuộc đời
chính là chất lượng những mỹ cảm ở tác phẩm văn chương của họ trong sự tiếp nhận
của công chúng, chứ không phải ở những “chức sắc” có được bằng bất cứ giá nào
trong cuộc cạnh tranh “quyền lực”, đến nỗi có người đã chịu/ bị đánh mất phẩm
giá của mình để được chút “lợi danh”.
Tôi không biết nhiều về nhà thơ Lê Chí nên không hiểu trong
những tháng năm làm “quan” văn nghệ, anh có bị cuốn vào cái vòng xoáy “quyền lực”
như thế không!? Song, đọc thơ anh, nhất là những tập thơ vừa xuất bản gần đây
như: “Đời” (Nxb. Phương Đông, 2017); “Nhớ” (Nxb. Hội Nhà văn, 2017) và “Nếu” (tập
thơ song ngữ Việt – Anh, Nxb. Hội Nhà văn, 2019) đã cho thấy ở anh những suy cảm
đầy khắc khoải nhân sinh về cuộc sống mà anh đã nghiệm sinh, từ trong khói lửa
chiến tranh, với tư cách là người trong cuộc cho đến lúc hòa bình trong tư cách
là một công dân – thi sĩ. Thơ Lê Chí, từ trong chiều sâu tâm thức đã thể hiện
niềm tin vào cuộc sống nhưng không phải là một niềm tin với những niềm lạc
quan, tự mãn đến “ngây ngô” mà trong thơ anh, luôn chất chứa những ưu lo, trăn
trở trước hiện thực bất an, lọc lừa, dối trá, được che đậy bằng những diễn ngôn
đầy hoa mỹ mà không phải ai cũng nhận biết được, nếu không có trái tim và khối
óc luôn thấu thị về những gì diễn ra trong cuộc sống và một ý thức hướng thiện,
biết dị ứng với cái xấu, cái ác, cái giả dối như anh đã xác quyết: “Xin đừng
nói những điều không thực/ Cuộc sống vô tư rất đổi bộn bề/ xin được hát từ những
điều cơ cực/ Trong mưa giông chim biết lối bay về” (Chạm đất). Bởi, từ trong sự
trải nghiệm của mình, Lê Chí đã nhận ra: “Phải nhìn bằng gì/ phải nghe bằng gì/
Kẻ lừa đảo miệng mồm tử tế/ tên giết người gương mặt thư sinh/ lũ ăn cắp veston
cravat/ Thịt bẩn, gạo bẩn, nước bẩn, gió bẩn và lương tâm cũng bẩn/ Phận người
trên thớt”. (Như có như không)
2. Sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời mình với văn minh sông
nước Tây Nam Bộ, nên phẩm tính của con người Nam Bộ là căn tố để hình thành
nhân cách con người Lê Chí: Trọng nghĩa; Khinh tài; Thẳng thắng; Trung thực
nhưng cũng rất Bao dung. Có phải, vì thế, đọc thơ anh, ta thấy một nỗi khát
khao: Sống thật; Nghĩ thật; Nói thật; Yêu thật; Ghét thật theo “tinh thần” cụ Đồ
Chiểu trong Lục Vân Tiên: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” bàng bạc
trong thơ. Và đây là yếu tính của niềm khắc khoải nhân sinh trong thơ Lê Chí mà
những gì anh chia sẻ trong bài “Thơ mình”, có thể xem như một tuyên ngôn về
thơ, tuy ngôn từ giản dị, chân mộc, không đại ngôn, màu mè nhưng gây ấn tượng với
người đọc, bởi sự thành thật: “Người ta bảo sao tôi hay làm thơ thời sự/ như
chuồn chuồn đớp nước chẳng bay cao/ bởi tôi vốn người không hay chữ/ thấy thế
nào viết vậy, biết sao!/ Người ta bảo nhà thơ phải tìm điều cốt lõi/ quanh quẩn
râu ria tiêu cực làm gì/ tôi chẳng phải người hay soi mói/ cái ác buộc mình
không được quay đi”. (Thơ mình). Câu thơ như một lời tuyên chiến với cái ác,
bình dị, mạnh mẻ, dứt khoát như mệnh lệnh từ trái tim: “cái ác buộc mình không
được quay đi”. Thơ phải là vũ khí sắc bén chống lại cái ác, cái xấu, cái thấp
hèn, cái ngụy tín đang diễn ra trong cuộc sống hằng thường. Có phải thế không!?
Tôi là người thiên về chủ nghĩa duy cảm và duy mỹ nên luôn
trân quí những tác phẩm văn chương giàu tính mỹ cảm. Song, dù đề cao mỹ cảm
nhưng văn chương phải gắn với nỗi đau đời, phải nói được sự thực ở đời.
Người nghệ sĩ đúng nghĩa, không thể quay lưng với sự thật, với nỗi đau của nhân
dân mình, đồng loại mình. Nếu văn chương không nói được sự thật thì văn chương
đó cũng trở thành vô nghĩa, thành một thứ xác chữ vô hồn, chẳng ích gì cho đời
sống. Bởi, cái đẹp của văn chương phải song hành với cái thật, chứ không phải
là một kiểu làm xiếc ngôn từ. Đây cũng là điều mà nhà thơ Phùng Quán đã tâm
nguyện: “Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ Chân thật trọn đời/ Đường mật công
danh không làm ngọt được lưỡi tôi/ Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã”(1). Và
chính vì tâm nguyện cao cả nầy mà Phùng Quán đã chọn lựa và chấp nhận số phận
như một ý thức hiện sinh để được sống là chính mình như “Lời mẹ dặn”, khi
ông xác quyết: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cư bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt
nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không
nói ghét thành yêu”(2). Đọc những câu thơ này của Phùng Quán, tự nhiên tôi lại
nghĩ “mông lung”, tại sao Phùng Quán là người Bắc Trung Bộ mà trong ông lại ẩn
chứa cái khí khái của người Nam Bộ đên thế!?. Và không hiểu, trong con người và
thơ Lê Chí có điều gì tương cảm với người và thơ Phùng Quán không!? Hay đó là mẫu
số chung trong phẩm tính của những nhà thơ luôn khát khao thể hiện sự thật như
một nỗi niềm khắc khoải nhân sinh mà họ luôn trăn trở? Bởi, sự thật của văn
chương bao giờ cũng được viết ra từ “những điều trông thấy” ở những cuộc bể dâu
như thi sĩ thiên tài Nguyễn Du đã xác quyết khi viết truyện Kiều. Và cũng
là vấn đề tôi muốn nói đến như một bình diện của cái đẹp trong thơ Lê Chí. Đó
là vẻ đẹp của những cái thật trong cuộc đời như một khát vọng sống của anh: “Nhìn
thẳng, lắng nghe/ những ai đã nghe/ những ai đã thấy/ Câu nệ làm gì vòng vèo lời
hoa mỹ/ Sự thật ắt rồi sẽ đến mà thôi” (Như có như không). Phải chăng, khát vọng
sống thành thực là cội nguồn tạo nên nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Lê Chí
và đây cũng là điều Hoài Thanh – Hoài Chân đã nói đến trong Thi nhân Việt
Nam khi cho rằng khát vọng lớn nhất của các nhà thơ Mới là “được sống
thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”(3). Ôi! Nỗi khát vọng được
sống thành thực đối với nhà văn “khẩn thiết và đau đớn” đến vậy sao!?
3. Đọc thơ Lê Chí, niềm khắc khoải nhân sinh trong suy tưởng
của anh hiện lên qua những bài thơ viết về cuộc sống và con người đã đi qua cuộc
đời và để lại trong anh những ưu tư về phận người và những lẽ được mất ở đời.
Đó các bài thơ “Đời ơi”; “Người đàn bà dậy sớm”; “Bài thơ của em bé sửa giày”;
“Chuyện một người xin lỗi”; “Vàng của mẹ”; “Đối mặt”; “Minh bạch”; “Đẳng cấp”;
“Rác”; “Một giây”; “Ngọt mật”; “Ví dầu”; “Gừng cay muối mặn”; “Nước chảy”; “Gần
bùn”; “Ngàn năm bia miệng”; “Thức khuya”; “Đi đêm”; “Nhà dột”… Có thể nói, mỗi
bài thơ là một chiều kích khác nhau về bức tranh đời sống đong đầy những ưu tư
của thi nhân về thế sự, nhân sinh với những nỗi đau định mệnh như một sự chọn lựa
hiện sinh: “Ai chọn niềm vui ai chọn nỗi buồn/ định mệnh bạc đầu trên sóng/ mái
ấm chén cơm một đời trong ngóng/ kiếp nhân sinh mấy nẻo đoạn trường” (Đời ơi!).
“Kiếp nhân sinh mấy nẻo đoạn trường ấy”, ta có thể cảm nhận trong thơ Lê Chí
qua hình ảnh người phụ nữ nghèo tần tảo, một đời thương khó nuôi con, mà khi đọc
lên lòng không khỏi nhói đau: “Ba bốn giờ khuya đã nghe tiếng khua cánh cửa/
như chiếc bóng chị rời nhà/ từ khi người chồng bị nạn xe thảm khốc/ để lại cái
nghèo chạy cơm từng bữa/ chới với vực sâu/ nước mắt không còn” (Người đàn bà dậy
sớm). Hay hình ảnh em bé sửa giày nghèo nhưng sống rất nghĩa tình: “nhà con dưới
quê khổ quá, cơm chẳng đủ ăn/ vậy mà em làm được cái việc sửa giày dép miễn phí
cho những người cùng cảnh/ cắt nghĩa làm sao sự đồng cảm đó”. (Bài thơ của em
bé sửa giày). Còn đây là thân phận cô gái giang hồ hiện lên trong thơ Lê Chí với
niềm cảm thông, chia sẻ thành thật đến xót xa: “em con đỉ/ vốn liếng cỏn con
như quán cóc/ lượm từng đồng đỏ đen/ bán cái phần cha mẹ cưu mang/ bán nét đẹp
trời ban trên thân thể mình/ hết cách rồi/ phải bán/ chỉ còn biết tự xỉ vả, tự
vỗ về” (May mà). Những bài thơ trên của Lê Chí,
làm tôi nhớ đến các bài thơ: Lão đầy tớ, Vú em, Mồ côi… trong tập Từ ấy của
Tố Hữu cho thấy sự đồng cảm của nhà thơ đối với phận số những người nghèo khổ,
những con người theo Gorki là tầng lớp “dưới đáy xã hội”. Vậy mà, dường như,
văn học hôm nay đang xa dần cuộc sống của những người nghèo khổ, những con người
có phận số không may trong cuộc đời, nên thiếu vắng những tác phẩm văn chương
viết về họ. Hay trong cuộc sống hiện nay không còn hiện hữu những phận đời như
thế!? Vì vậy, tôi quí thơ Lê Chí, vì anh vẫn còn giữ được thiên lương của một
nhà thơ cách mạng, luôn đồng hành với nhân dân mình, đất nước mình, với số phận
của con người nghèo khổ nên đã viết những bài thơ về họ với niềm thấu cảm sâu
và chân thành như thế!?
Viết về thân phận con người trong cuộc sống, Lê Chí không chỉ
nhìn thấy cái nghèo, cái khổ như một sự đặt để của số phận qua hình ảnh người mẹ,
em bé đánh giày, cô gái giang hồ mà anh còn đề cao vẻ đẹp tâm hồn của họ như: sự
hy sinh, thương khó, sẻ chia, lòng tự trọng mà hình ảnh người “Mẹ già”: “chỉ
góc vai nghiêng màu áo cũ” Vì “bà không muốn hiện mình lên trang báo/ tôi muốn
giúp các cháu sinh viên nghèo…” Bởi, “Tội nghiệp những đứa nhỏ trong đồng
trong ruộng/ không kham nỗi sự học hành/ giúp được cháu nào mừng cho cháu đó”.
Vì, bà tâm niệm: “Năm lượng vàng không qúa lớn cũng không hề nhỏ/ nhưng quốc
gia thiếu hiền tài ắt quốc gia khuynh nguy/ đất nước thiếu hiền tài ắt đất nước
suy vong/ dân tình ly tán” (Vàng của mẹ). Đơn giản vậy thôi! Bà không “đại
ngôn”, không thuyết lý cao siêu nhưng tấm lòng của bà đối với con người, với đất
nước, dân tộc thì cao quí vô cùng. Giá trị nhân văn của thơ Lê Chí là sự kết
tinh từ cuộc đời của những con người bình thường nhưng có tấm lòng cao thượng
quí hiếm.
Nhà phê bình Trần Hoài Anh
4. Song, niềm khắc khoải nhân sinh trong thơ Lê Chí, không chỉ
biểu hiện qua những ưu tư của anh về phận số con người, mà còn biểu hiện qua những
ưu tư về lẽ sống ở đời, kết tinh trong thơ anh qua những diễn ngôn đầy tính triết
luận, tuy không chứa đựng tư tưởng “cao siêu”, “huyền bí” nhưng là sự thật cuộc
đời, nên tạo được ấn tượng nơi người đọc về nhiều vấn đề của thế sự nhân sinh.
Ta có thể hiểu được điều này qua các bài thơ ngắn mà mỗi bài thơ là một bài học
có ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc. Đây có thể xem là một sự chọn lựa về thủ
pháp trong sáng tạo thơ của anh để biểu đạt những vấn đề tư tưởng có tính triết
luận này.
Nghĩ về sự minh bạch trong đời sống, như một biểu hiện của sự
chân thật, một bình diện của cái đẹp, anh viết: “trăm nghe không bằng một thấy/
ỡm ờ/ tráo trở/ ngôn từ/ thời gian mũi tên ánh sáng/ lý sự ba hoa lẫn trốn nơi
nào”. (Minh bạch) Suy niệm về “đẳng cấp”, một vấn đề mang tính phổ quát của
nhân loại, căn tố hình thành những bất công trong đời sống xã hội, theo anh: “Ai
cũng có thể nói lời vĩ nhân/ giọng kẻ ác từ bi lịch lãm/ sự thật bóc trần đẳng
cấp/ tự do nắng gió trong lành” (Đẳng cấp). Và sự độc hại của “Rác” từ
cuộc sống, trong cái nhìn của Lê Chí cũng mang tính ẩn dụ sâu sắc: “Đại lộ
thênh thang/ những ngã đường ngang dọc/ công viên, bến chợ sân trường/ đặt chân
tới đâu cũng ngại/ rác/ rác/ (…) rác / thập vật rác/ có những thứ rác dễ đâu
nhìn thấy/ độc hại khôn lường” (Rác). Mượn châm ngôn của người xưa đã đúc kết về
một lẽ thường tình trong đời sống “ngọt mật chết ruồi”, vận dụng vào trong thơ,
Lê Chí đặt ra những vấn đề có tính triết luận đầy khắc khoải nhân sinh: “Nhớ
câu hát xưa ngọt mật…/ ruồi chết và mật hết/ ai mật ai ruồi/ đời mình nông nổi!”
(Ngọt mật…). Đây là một tự vấn đầy xót xa về nỗi đau nhân thế, khi những ước vọng,
lẽ sống mà mình đã chọn lựa dấn thân trong cuộc đời chỉ là điều “nông nỗi!”, của
một thời, để bây giờ chỉ còn lại “bi kịch vỡ mộng”, bởi những ước vọng đó không
bao giờ có thật như nhà thơ đã tự thú: “Chắc gì thức khuya biết hết đêm dài/
ngày hôm nay nhìn lại ngày hôm qua/ ngộ nhận chất chồng ngộ nhận/ vết thướng
sâu hoắm cây đời/ đâu dễ liền da liền thịt” (Thức khuya…)
Một vấn đề không thể không nói đến, khi đọc thơ của Lê Chí,
đó là, tuy thơ anh đã thể hiện được một “độ chín của tư duy và chiều sâu tâm hồn”
nhưng người đọc rất cần ở nhà thơ một sự dụng công trong việc chọn lựa từ ngữ,
nhất là từ ngữ trong thơ vì: “Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh”
(Jakobson), và: “Ngôn ngữ thi ca là thứ ngôn ngữ kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ
và tư tưởng và nhiệm vụ của thi nhân là phải tạo nên sự nhiệm mầu kỳ diệu ấy”(4).
Thế nên, việc biểu đạt cũng như sắp xếp ý tưởng trong cấu trúc thơ để làm thế
nào hoàn thiện hơn về mặt nghệ thuật cũng là điều Lê Chí cần lưu tâm. Bởi, đối
với sáng tạo thơ ca, nội dung tư tưởng là cần thiết nhưng nghệ thuật để biểu đạt
tư tưởng cũng cần thiết không kém, thậm chí trong một chừng mực nào đó, lại có
ý nghĩa đặc biệt để tạo nên mỹ cảm trong tâm thức người tiếp nhận. Vì, “Cái Đẹp
là sự “Trật tự trong Biến Hóa”: Phương diện động. Một yếu tính của nghệ thuật
là phải tân kỳ, nghĩa là sự biến hóa. Nghệ thuật rất ghét sự nhàm chán gây ra bởi
sự đơn điệu (monotone), sự tầm thường. Do đó mà đòi hỏi sự độc sáng”(5). Phải
chăng, sự biến hóa của việc tìm sự tân kỳ trong biểu đạt tư tưởng để tạo nên những
mỹ cảm trong trường tiếp nhận của người đọc là điều còn thiếu vắng trong hành
trình sáng tạo thơ của Lê Chí!?
5. Trong lời giới thiệu về những bài thơ dịch ra tiếng Anh của
Lê Chí, bằng sự đồng cảm của những con người đã trải nghiệm trong đời sống và sự
tinh tế trong cảm xúc của một thi nhân, Fred Marchant, một nhà thơ, một
giáo sư danh dự về văn học Anh Mỹ, người được trao giải May sarton Award từ Hội
thơ Vùng New England đã có nhận xét khá sắc sảo về Thơ Lê Chí, khi cho rằng,
Thơ Lê Chí là “một giọng thơ nói chung mang tính thực tế, thực nghiệm và châm
biếm (…) Đây là một nhà thơ biết rằng không có gì trong cuộc đời chúng ta mang
tính đơn giản, và bất cứ hạnh phúc nào chúng ta may mắn tìm được đều xuất hiện
dưới một ngọn lửa “nghiệt ngã””(6). Tôi không hiểu, vì sao, giữa hai nhà thơ vốn
có sự khác biệt về địa văn hóa, về môi trường chính trị xã hội mà họ hiểu nhau
đến thế!? Phải chăng, chiếc cầu kết nối tâm hồn và khối óc để họ hiểu nhau
chính là những giá trị nhân bản mang tính phổ quát, là sự quan tâm và dấn thân
tranh đấu cho số phận của con người, cho chân lý của nghệ thuật và chân lý của
đời sống mà điều cao đẹp nhất là việc tôn vinh sự thật trong cuộc đời như một
phương diện mỹ học của thơ. Niềm khắc khoải nhân sinh trong thơ Lê Chí đó chính
là hành trình đi tìm sự thật của đời sống và đấu tranh chống lại cái ác, cái giả
dối, cái trí trá đang tàn phá nhân phẩm con người, khi anh nhận ra: “Mỗi ngày/
tờ lịch mong manh/ nhạo báng lòng ích kỷ con người/ khôn lường phản trắc/ mỗi
ngày ngắn ngũi biết chừng nào/ thăm thẳm triệu năm mơ ước/ tỉ người lao đao/
mong cho lúc nghĩ tới nhau/ bắt đầu từ trái tim rất thật/ xa lạ dối lừa / Xa lạ
thù hằn âm mưu tráo trở/ mổi ngày/ tờ lịch nặng nề biết mấy/ Đón ngày mai bằng
sự thật đời thường”. (Mỗi ngày) Và đó, cũng là một cuộc dấn thân đầy nghiệt ngã
đòi hỏi một sự thiện lương, biết hướng đến cái chân, thiện, mỹ, thật sự chứ
không phải chỉ có một mớ danh từ với những xảo ngôn để đánh lừa tha nhân và
đánh lừa chính mình. Thơ Lê Chí, với những niềm khắc khoải nhân sinh đau đáu của
anh phải chăng đã thức nhận cho chúng ta về tính hướng thiện. Và chính điều này
là một phẩm tính làm nên hệ giá trị nhân bản riêng có của thơ anh.
Đọc thơ Lê Chí, trong những ngày cả nhân loại đang oằn mình,
sống trong âu lo, trong mất mát, đau thương của đại dịch Covid-19, giải mã về
niềm khắc khoải nhân sinh trong thơ Lê Chí, làm sao ta không khỏi thấy quặn
lòng nghĩ về sự tồn sinh quá mỏng manh của phận người, khi mỗi ngày có biết bao
người phải sống trong đói nghèo, lo sợ, rồi người lặng lẽ vội vàng đi “ra ngoài
cõi sống” (từ dùng của Tạ Tỵ) vì sự lây nhiễm của đại dịch quái ác nầy mà sự
chiến đấu để loại trừ nó đang là một thách thức không dễ đối với cả thế giới !?
Điều cần nhất với nhân loại lúc này là hãy sống nhân ái, biết thương yêu, đùm bọc
nhau để vượt qua cơn đại dịch. Bởi, mọi lợi quyền, danh vọng, đều vô nghĩa trước
cái chết, một giới hạn tất yếu mà không ai vượt thoát được. Và, nói như Cyprian
Norwid: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và
lòng nhân ái… không còn gì khác”(7)…
Chú thích:
(1) (2) Phùng Quán, Trăng Hoàng Cung, Nxb. Văn nghệ,
2007, 159, tr.158
(3) Hoài Thanh – Hoài Chân Thi nhân Việt Nam, Nxb,
tr.18
(4) Phú Hưng, “Một suy nghĩ về việc làm thơ”, Khởi
hành số 127/1971, tr.9
(5) Nguyễn Văn Xung, “Mấy vấn đề căn bản của mỹ học,
chân lý khoa học và cái đẹp trong nghệ thuật”, Lửa Thiêng, (Tập san Nghiên
cứu văn hóa), số 2 tháng 2/ 1975, tr.149
(6) Lê Chí “Nếu”, Thơ song ngữ Việt – Anh, Nxb. Hội
Nhà văn, 2019, tr.11
(7) Trần Hoài Anh, Thơ – Quan niệm và cảm nhận,
Nxb. Thanh niên, H., 2010, tr.b.1.
Xóm Đình, An Nhơn, Gò Vấp, 16/8/2021
Trần Hoài Anh
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét