Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Sức sống thơ ca trong mắt thi nhân

Sức sống thơ ca trong mắt thi nhân
Ngày 20-2, nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14, Hội Nhà văn TPHCM lần đầu tiên tổ chức một cuộc tọa đàm thơ mang tên “Sức sống thi ca TPHCM” nhằm nhìn nhận lại đời sống thơ ca thành phố 5 năm qua (2010-2015). Chúng tôi ghi nhận một số ý kiến của các nhà thơ về cuộc tọa đàm thú vị này.
Nhà thơ PHAN HOÀNG: “Không ngừng xuất hiện những cây bút tài năng”
Nhìn lại đời sống thi ca 5 năm qua và xa hơn nữa của TPHCM, chúng ta thấy rằng đội ngũ sáng tác không ngừng phát triển và lớn mạnh. Thật đáng quý khi thế hệ những nhà thơ trải qua hai cuộc trường chinh cứu nước như Hoài Vũ, Lê Giang, Văn Lê, Quang Chuyền, Phan Duy Nhân, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Thái Sơn, Lê Điệp, Nguyễn Vũ Tiềm, Vũ Ân Thy, Lam Giang, Lệ Bình…, tuy lớn tuổi nhưng vẫn tiếp tục giữ được nguồn cảm hứng sáng tạo. Một số nhà thơ của thành phố qua đời gần đây như Kiên Giang, Chim Trắng, Thanh Giang… cũng cầm bút cho đến những năm tháng cuối cùng.
Kế đó là thế hệ nhà thơ trưởng thành hai thập niên sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất năm 1975 và tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc như Phạm Sỹ Sáu, Bùi Chí Vinh, Lê Thị Kim, Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Tú Lệ, Khánh Chi, Trầm Hương, Ánh Huỳnh, Nguyễn Thái Dương, Trần Hữu Dũng, Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc… Đây là đội ngũ khá đông đảo, sinh vào thập niên 1950 hoặc đầu 1960, hiện đang độ chín tuổi đời lẫn tuổi nghề, bút lực rất mạnh mẽ, là một lực lượng chủ lực quan trọng trên thi đàn.
Tiếp nối các thế hệ đi trước, từ cuối thập niên 1990 cho đến nay, thành phố không ngừng xuất hiện những cây bút tài năng, có người nhanh chóng khẳng định bằng những tác phẩm mới được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận và được vinh danh bằng các giải thưởng. Giống như các thế hệ đàn anh, ngoài một số ít sinh ra tại thành phố, còn phần lớn là từ các tỉnh, thành khác về đây học tập và lập nghiệp. Điểm danh lực lượng từ Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần thứ III vào năm 2011 đến nay, hiện có hơn 50 nhà thơ trẻ của thành phố trên dưới 30 tuổi đang sáng tác rất mạnh mẽ, tạo nên những hiện tượng về đổi mới thi pháp và cả về xuất bản sách mà Nguyễn Phong Việt là tiêu biểu.
Nhà thơ NGUYỄN VŨ TIỀM: “Đổi mới thi pháp mang lại cho thơ ca thành phố diện mạo tươi tắn, tràn đầy sức sống”
Ba mươi năm đất nước đổi mới, TPHCM có những bước đột phá đáng kể về nhiều mặt, trong đó có thơ ca. Thơ ca được tiếp cận nhiều hơn với chân trời nghệ thuật qua đổi mới thi pháp. Thi pháp thơ có thể ví như công nghệ trong đời sống. Ai cũng nhận thấy đời sống của chúng ta được nâng cao hơn rất nhiều, tất cả đều có phần đóng góp rất lớn của công nghệ mới, đặc biệt như TPHCM có cả Khu Công nghệ cao ở quận 9, nhờ vậy mà tăng trưởng GDP luôn gấp 1,6 đến 1,7 lần của cả nước, đóng góp trên 30% ngân sách cả nước.
Còn “công nghệ thơ”? Đương nhiên cũng thay đổi, nhưng khó khăn hơn nhiều bởi nó còn phụ thuộc vào mỗi cá tính sáng tạo. Những nếp cảm, nếp nghĩ, quan niệm triết học, thói quen, bản tính, phong cách mỗi người không dễ gì một sớm một chiều thay đổi để có cách viết khác trước. Nên có người nhanh, người chậm, người thay đổi nhiều, người thay đổi ít, có người kiên trì cố thủ…
Sự chuyển đổi hệ thi pháp đã mang lại cho thơ ca thành phố diện mạo tươi tắn, tràn đầy sức sống. Trách nhiệm công dân của nhà thơ đồng nghĩa với trách nhiệm thẩm mỹ. Quả thật, TPHCM chính là vùng đất màu mỡ cho những hạt mầm đổi mới và sáng tạo.
Các bạn trẻ tìm mua sách tại Đường sách TPHCM
Nhà thơ TRIỆU TỪ TRUYỀN: “Làm thơ trước hết vì yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình”
Muốn xây dựng nền cho thơ ca TPHCM, chúng ta cần phải: Mỗi người làm thơ nên xem lại động lực làm thơ của cá nhân mình. Có người nói “làm thơ để vào hội, làm thơ để có tên tuổi (háo danh), làm thơ để quảng cáo... Tôi nghĩ, làm thơ trước hết vì yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, làm cho ngôn ngữ thẩm mỹ và phong phú hơn; làm thơ vì cảm xúc thật, vì ẩn ức của nội tâm (đời buồn quá!). Cần ý thức rõ ràng thơ là nghệ thuật cao quý hàng đầu, không nên hạ thấp hoặc bôi bẩn nó.
Làm thơ cũng nên tự học và tự tu dưỡng, kể cả “tầm sư học đạo”. Thật ngược đời, nghệ thuật hàng đầu làm sao cũng mặc! Trong khi nhạc công, thợ vẽ quảng cáo đều học đến nơi đến chốn. Hội Nhà văn nên có những buổi trao đổi về bút pháp, hình tượng, ẩn dụ, hoán dụ… trong thơ như thế nào? Khuyên người bắt đầu làm thơ nên làm thơ lục bát, thơ có vần khi nào sạch nước cản hãy làm thơ tự do…
Nêu lên những điều lương thiện trong thơ như không nên ăn cắp câu chữ của tác giả khác, không lấy ý, hình tượng của người khác mà không chú thích…
Nhà thơ TRẦN HỮU DŨNG: “Các dòng chảy thơ thành phố như những mạch ngầm đan xen, bổ sung cho nhau”
Một người bạn doanh nghiệp có lần nói đùa với chúng tôi: “Ra ngõ gặp nhà thơ”. Đúng là thơ ca ngày nay về mặt nào đó càng mất thế giá. Nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska đoạt giải Nobel văn chương năm 1996, có kể lại trong buổi đọc thơ của bà. “Trong phòng có mười hai người/ Một nửa đến vì mưa rơi/ Một nửa là thân quyến/ Đã tới lúc chúng ta phải bắt đầu câu chuyện/ Thơ ơi” (Đêm tác giả - Tạ Minh Châu dịch).
Nguồn cảm hứng của các nhà thơ đương đại mà có người gọi là “yên sĩ phi lý thuần”, có thực sự tồn tại trong xã hội công nghiệp hay không, điều này không dễ dàng giải thích cho người ngoài hiểu rõ nguồn cơn. Nếu các nhà thơ không nuôi nấng cảm hứng thì khó có thể đảm đương công việc sáng tạo, đổi mới thơ ca, đấu tranh cho những lý tưởng, lẽ công bằng xã hội.
Trong thành phố 11 triệu người vẫn có những câu lạc bộ, nhóm thơ ưa chuộng thơ Đường, thơ tiền chiến, thơ truyền thống với hệ mỹ học cũ, sinh hoạt và in ấn tác phẩm thường kỳ, chúng tôi nghĩ không có vấn đề gì xung đột trầm trọng cả. Các dòng chảy thơ thành phố như những mạch ngầm đan xen, bổ sung cho nhau. Ghi nhận thêm là lớp làm thơ trẻ tuổi đang cố gắng tìm tòi sáng tạo mới, dứt khoát lên đường khai phá vùng đất lạ để cống hiến những tác phẩm độc đáo, phong phú, nhiều giá trị văn học hơn.
Nhà thơ NGUYỄN VŨ QUỲNH: “Có rất ít tác giả và tác phẩm ở lại với bạn đọc”
Thơ hiện nay ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu có rất nhiều câu thơ hay, nhiều khổ thơ hay, những bài thơ hay và có tập thơ hay. Những nhà thơ tên tuổi ngày càng ít xuất hiện trên thi đàn. Song vẫn may mắn còn đó những nhà thơ như Văn Lê, Quang Chuyền, Hoài Vũ, Phạm Sỹ Sáu… Họ vẫn có những tác phẩm mang nhịp sống, hơi thở của thời đại đến cùng bạn đọc với sự cảm nhận tinh tế. Thành phố chúng ta có những nhà thơ tài năng đang ở độ chín, lớn lên giữa hai thế kỷ như Trương Nam Hương, Phan Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh..., đó là những con số hiếm hoi của lớp nhà thơ mới đương đại.
Tác phẩm ra đời khoảng 15 năm trở lại đây với số lượng rất nhiều nhưng lại có rất ít tác giả và tác phẩm ở lại với bạn đọc. Lớp trẻ ngày nay năng động, có cái nhìn đa dạng, nhiều chiều và sự thẩm thấu tiếp thu dòng thơ mới nhanh chóng. Họ như muốn dịch chuyển dòng thơ truyền thống về một xu hướng mới nhưng thực ra chưa đủ tầm để xoay chuyển các vấn đề mà biết bao nhiêu thế hệ đã sáng tạo nên ngôn ngữ thi ca Việt Nam đương đại.
Nhà thơ LỆ BÌNH: “Rất cần sự đổi mới 
những chuyến đi thực tế”
Đối với bất cứ nhà thơ nào, việc khơi nguồn cảm xúc mới cho sáng tác luôn luôn là sự thôi thúc nội tâm. Nếu mạch nguồn này vơi cạn sẽ dẫn đến sự cằn cỗi của thơ nếu không muốn nói là làm cho thơ xa rời với người đọc. Vì lẽ đó mà Hội Nhà văn TP.HCM hàng năm thường tổ chức trại sáng tác hoặc những đợt thâm nhập thực tế cho hội viên tham gia. Là một hội viên, tôi cũng may mắn được dự một số trại sáng tác. Song do những đợt thâm nhập thực tế diễn ra trong thời gian ngắn nên việc khơi nguồn cảm xúc chỉ dừng lại ở bề nổi. Vì vậy để đầu tư cho sáng tác thơ một cách căn cơ, có chiều sâu rất cần sự đổi mới những chuyến đi thực tế, mang lại cảm hứng sáng tạo khác lạ cho người thành phố.
Những năm gần đây, qua tổng kết văn học thành phố, năm nào mùa vàng sáng tác cũng gặt hái được những kết quả đáng khích lệ trên cả ba lĩnh vực văn, thơ và sáng tác trẻ.
TƯỜNG MINH
Theo http://www.sggp.org.vn/






1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...