Bước vào khu rừng tình khúc Anh Bằng
Tôi nghĩ không ai có thể biết nhạc sĩ Anh Bằng có tất cả bao
nhiều ca khúc được nhiều người yêu thích, dù chỉ là con số ước lượng. Tôi nghĩ,
nếu có hỏi Anh Bằng, ông cũng không thể cho chúng ta con số, dù không chính
xác.
Theo tôi, có hai lý do để câu hỏi, nhiều phần sẽ vẫn là câu hỏi
vì:
Trước hết, với hàng ngàn ca khúc đã được sáng tác từ hơn nửa
thế kỷ qua, ở đủ mọi thể loại, từ nhạc quê hương, đất nước, tới chiến tranh, xã
hội và dĩ nhiên, tình ca (nhiều hơn cả) mà, ở thể loại nào, dù Anh Bằng viết một
mình hay viết chung với Lê Dinh, Minh Kỳ, những ca khúc ấy, thường được quần
chúng ở nhiều trình độ khác nhau, đón nhận nồng nhiệt.
Về tình khúc Anh Bằng, có người đã ví sự phong phú của ông
trong thể tài này, như một cánh rừng rậm rạp với rất nhiều loại cây cỏ, hoa
trái bất ngờ. Thậm chí Anh Bằng có những tình khúc được nhiều người ưa thích,
nhưng số người không biết đó là sáng tác của ông, cũng là con số đáng kể.
Tôi nhớ, thời trước tháng 4, 1975, một nhạc sĩ nổi tiếng và,
ông cũng nổi tiếng là người có tài “bắt mạch quần chúng,” “bắt mạch thị trường”
từng cho biết, nếu mỗi năm, một nhạc sĩ có khoảng 4, 5 bài khi tung ra thị trường,
được liệt kê vào danh sách “Top Hits” thì kể như đã giỏi lắm rồi.
Ông giải thích:
“Bởi vì không phải bất cứ một sáng tác nào khi được tác giả,
nhà xuất bản nhạc lẻ cũng như nhà thu đĩa quảng bá bằng mọi phương tiện, cũng
được quần chúng đón nhận. Dù cho tác giả có khẳng định, đó là một ca khúc thuộc
loại công phu, và hết sức có giá trị... thì khi đã “sượng” thị trường rồi thì
có làm gì cũng vô ích mà thôi. Bởi thế, có những nhạc sĩ mỗi năm sáng tác cả chục
bài; nhưng tổng kết lại, vẫn không được một bài nào hết...”
Người nhạc sĩ tài ba này nhấn mạnh:
“Ngày xưa, thời tiền chiến, nhiều nhạc sĩ chỉ cần có một bài
'ăn khách' là nổi tiếng, đủ dương danh với đời... Thí dụ như Hoàng Quý với “Cô
láng giềng,” Nguyễn Văn Tý với “Dư âm,” hay Lê Hoàng Long với “Gợi giấc mơ
xưa”... Nhưng thời buổi bây giờ là thời buổi của hàng ngàn chứ không phải hàng
trăm hay vài chục nhạc sĩ. Sự nhộn nhịp, sầm uất ở lãnh vực tân nhạc này, đương
nhiên đưa mọi người tới tình trạng cạnh tranh ráo riết! Nếu không muốn bị lãng
quên thì lâu lâu, hoặc một hai năm, tối thiểu cũng phải có một ca khúc vào 'top
hits' mới được...”
Trong khi đó, thực tế lại cho thấy, với Anh Bằng và,
Lê-Minh-Bằng (bút hiệu chung của ba người), chẳng những không phải mỗi ba tháng
hay một, hai năm mà:
“Có khi ông ấy trúng 'jack pot' tới hai, ba lần trong vòng
vài tháng, thời Saigon trước 1975 của chúng tôi...”
Một nhạc sĩ hiện ở miền Nam Cali., khi được hỏi về trường hợp
Anh Bằng, phát biểu.
Thứ đến, vẫn theo tôi thì, bình thường, khả năng sáng tạo của
những người làm công việc sáng tác, dù ở bộ môn văn học, nghệ thuật nào, cũng bị
chậm lại, trước khi lụi tàn hoàn toàn theo thời gian, tuổi tác...
Sức sáng tác của một nhà thơ hay một nhạc sĩ ở độ tuổi dưới
năm mươi, đương nhiên sung mãn hơn cũng tác giả đó, ở tuổi sáu mươi. Ngọn lửa
sáng tạo cũng của tác giả đó, ở tuổi bảy mươi, nếu vẫn còn hoạt động, nhiều phần
sẽ yếu hơn, sẽ lom đom hơn nữa, từ lượng tới phẩm, trước khi đi dần đến chỗ tắt
hẳn...
Nói như thế, không có nghĩa không có những tác giả... ngoại lệ.
Số người làm công việc sáng tác nằm trong trường hợp được coi là ngoại lệ vừa kể,
tuy rất ít, nhưng một khi đã là ngoại lệ thì, chẳng những nhịp độ sáng tác của
họ không giảm sút mà, có khi còn mạnh mẽ hơn, tính chung cho cả lượng lẫn phẩm.
Tôi nghĩ, nhạc sĩ Anh Bằng, có mặt trong số ít ỏi đó.
Sự kiện này được thực chứng qua những năm tháng ở quê người,
khi càng lớn tuổi, tác giả “Người thợ săn và con chim nhỏ” càng cho thấy mức độ
sáng tác sung mãn của ông.
Hiện tại, ở khoảng tuổi 80, với tình trạng gần như mất hẳn
thính lực từ nhiều năm trước, nhưng không vì vậy mà, khả năng sáng tác của Anh
Bằng bị chậm lại, hoặc gặp trở ngại.
Trong vòng trên dưới một năm qua, khi được giới thiệu với giới
thưởng ngoạn bởi Trung Tâm Asia, một loạt những tình khúc của ông, đã liên tiếp
tạo nên những cơn sốt hâm mộ ở hải ngoại cũng như trong nước.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cơn sốt “Mai tôi đi” (thơ Nguyên
Sa, nhạc Anh Bằng) vừa dấy lên, còn như một cơn địa chấn trong trái tim những
người yêu nhạc, qua hai tiếng hát Diễm Liên và Nguyên Khang, thì những ca khúc
kế tiếp, như “Anh còn nợ em,” “Anh còn yêu em” (cả hai đều là thơ Phan Thành
Tài, do Anh Bằng soạn thành ca khúc); hay gần hơn là ca khúc “Có một ngày,”
(thơ Nguyễn Khoa Ðiềm, nhạc Anh Bằng) (1)... nối tiếp nhau làm thành những trận
bão thao thiết lòng người.
Ðó là chưa kể, trước đấy, những ca khúc như “Từ độ ánh trăng
tan” (thơ Ðặng Hiền, nhạc Anh Bằng,) “Ðừng xa em,” hay “Chia tay hư ảo” (cả hai
bài sau, đều là thơ của BH (2), đến hôm nay vẫn còn được nhiều ca sĩ cất lên
trong những đêm nhạc thính phòng, hoặc những chương trình đại nhạc hội...
Tưởng cũng nên nhấn mạnh, đó chỉ là một phần rất nhỏ, những
sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng, được phổ biến tới công chúng. Phần rất lớn còn lại
của gia tài âm nhạc Anh Bằng, được gia đình ông lưu giữ trong một “Safety box
bank.”
Bước sâu thêm vào khu rừng tình khúc Anh Bằng, tôi nghĩ,
chúng ta không thể không đề cập tới khía cạnh thơ phổ nhạc của người nhạc sĩ đa
năng, đa diện này.
Tôi muốn đề cập tới lãnh vực này, không phải vì ông là một
trong số ít những nhạc sĩ tìm đến với thi ca. Trái lại, ngay từ thời nhạc tiền
chiến, các nhạc sĩ mở đường cho nền tân nhạc Việt, cũng đã tìm đến với thơ, như
một tình yêu ngây ngất, hay đó mới là những cuộc hôn phối không thể lý tưởng
hơn, giữa thi ca và, âm nhạc.
Nhưng nếu phải chọn một nhạc sĩ ăn ở được với thi ca một cách
tốt đẹp từ 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam và, gắn bó keo sơn này, càng bền
chặt hơn, với trên 3 thập niên văn chương hải ngoại, thì theo tôi, người đó
chính là nhạc sĩ Anh Bằng vậy.
Tôi có cảm tưởng, nhạc sĩ Anh Bằng là người được định mệnh ưu
ái, mỉm cười, hào phóng mở mọi cánh cửa thi ca, cho ông bước vào... Như người
tình thủy chung, hoài hoài đi tìm tình yêu thứ nhất của đời mình.
Nhìn lại hành trình thơ/nhạc Anh Bằng, người ta thấy, ông
không chỉ tìm đến với những thi sĩ hiện đại, hoặc những nhà thơ tỵ nạn nơi quê
người hôm nay mà, ông đã đến với thơ của những thi sĩ tiền chiến, như Thái Can,
Yên Thao, Hồ Dzếnh, v.v...
Ðặc biệt, có những thi sĩ của 20 năm văn học miền Nam trước
đây, được rất nhiều nhạc sĩ thuộc các thế hệ khác nhau tìm đến, như trường hợp
thơ Nguyên Sa. Thơ của thi sĩ này, (người từng được cố nhà văn Mai Thảo ngợi ca
là một trong bảy ngôi sao Bắc đẩu của nửa thế kỷ thơ Việt Nam), đã đem thành
công, tên tuổi đến cho nhiều hơn một nhạc sĩ.
Không kể những bài thơ tự do có trong thi phẩm “Thơ Nguyên
Sa” tập một, (xuất bản lần thứ nhất ở Saigon, năm 1958), những bài còn lại, đã
được các nhạc sĩ lần lượt khai thác. Tuy nhiên, có một bài thơ ở dạng thơ tự
do, nhưng rất giàu hình ảnh và âm điệu, lại không được một nhạc sĩ nào chấm, chọn.
Ðó là bài “Paris.” (3) Phải đợi tới lúc nhạc sĩ Anh Bằng, thực hiện một cuộc hợp
hôn cách đây vài năm, “Paris” mới trở thành ca khúc, với tên mới “Mai tôi đi.”
Và “Mai tôi đi” đã... ở lại! Quay về. Ðể bước vào “Top hits.”
Cảm thụ nhậy bén với thi ca, cũng như khả năng cho ca từ của
mình, tính kể chuyện, theo tôi là hai trong số những yếu tố quan trọng, làm
thành vương quốc nhạc Anh Bằng hôm qua, hôm nay và, cả ngày mai nữa.
Chú thích:
(1) Có hai nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ “Có một ngày” của Nguyễn
Khoa Ðiềm. Ở trong nước là nhạc sĩ Phú Quang. Hải ngoại là nhạc sĩ Anh Bằng. Cả
hai ca khúc đều được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nếu Phú Quang phổ gần
như trọn vẹn bài thơ thì, Anh Bằng chỉ giữ 5 câu đầu, theo nguyên bản. Sau đó,
phần ca từ, đôi chỗ được ông soạn lại cho phù hợp với giai điệu của bản nhạc.
(2) BH là bút hiệu (viết tắt) của một nhà thơ hiện cư ngụ tại
Mỹ. Tác giả làm thơ từ trước năm 1975. BH còn được nhiều người biết đến như một
trong những người làm báo tên tuổi tại Hoa Kỳ.
(3) Có thể tìm đọc “Paris” nguyên bản trong “Thơ Nguyên Sa
Toàn Tập,” trang 59. Ðời, California xuất bản năm 2000.
Tháng 10/2011
Du Tử Lê
eva flight
vé máy bay từ mỹ đi việt nam
hãng korean air
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich