Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Sắc màu văn ảnh trong thơ Ðỗ Bình

Sắc màu văn ảnh trong thơ Ðỗ Bình
Thơ với Ðỗ Bình, cũng như theo nhà văn nữ Pháp Bà De Staël (1766-1817): “...phải là phản ảnh, bằng cách ứng dụng những màu sắc, âm thanh và tiết điệu của tất cả những vẻ đẹp trên thế gian”(La Poésie doit réfléchir par les couleurs, les sons et les rythmes, toutes les beautés de l’universes. Thật đúng như tâm tình tác giả Mùa Xưa Vỗ Cánh trong Dạo Khúc: «Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa… làm hồn tôi say đắm nên đã nặng nợ với tình thơ, để rồi dệt ước mơ viết lên những dòng tâm khúc tặng đời như kiếp tằm nhả tơ».Ta hãy lắng nghe hơi thở như non nước thì thầm của thi nhân trong một đêm «Khi vạn vật đắm chìm trong không gian trầm lắng»:
Dạ khúc mưa khuya sầu trút cạn.
Long lanh giọt nước bóng thời gian.
Mùa xưa vỗ cánh về trăng mộng,
Phố, biển, nhòa theo sóng khuất ngàn!

(Mùa Xưa)
Tả tình, tả cảnh, hồi tưởng trong đêm lạnh một dĩ vãng thương đau nay trở về trong chốc lát rồi bị xóa nhòa và biến mất với màu thời gian, thật là quá diễm lệ và đầy ẩn ý... Ðó chính là dấu hiệu rõ ràng của một văn nghệ sĩ có biệt tài. Nhà thơ Ðỗ Bình qua màu sắc diễm ảo của giọt nước muốn níu kéo cái bóng thời gian xin quá khứ hãy ngừng lại, khoan vỗ cánh bay dù rằng thời gian vẫn lặng lẽ trôi và giọt nước đã hòa theo sóng mang đi màu kỷ niệm. Hứng cảm đó tương tự thi hào Pháp Alphonse de Lamartine khi người nhớ lại người yêu Elvire bên hồ Kỷ Niệm (Le Lac)…Với mục đích mời ta đi sâu vào tâm tư của Mùa Xưa Vỗ Cánh và tìm biết những gì ông muốn nói từ một bức tranh linh động qua muôn tiếng nhạc vàng:
Romance du temps passé
En écoutant la sérénade
Je regarde la pluie de minuit,
ma tristesse dans mon âme enfouie
tout doucement se tarit
Des goutttes d’ eau scintillantes
se dissolvent dans l’ombre du temps
De tendres souvenirs se sont envolés
vers la lune de mes rêves d’antan
Des images des villes et des gens
s’estompent, s’effacent, englouties
et disparues dans la mer cruelle
avec le chant de terre et du ciel.

(Bản dịch Pháp ngữ của Lê Mộng Nguyên)

Ðỗ Bình là một nhà thơ biểu hiện (poète expressionniste), như Van Gogh (1853-1890) về mặt hội họa là người tiên khu. Biểu hiện là một hình thức nghệ thuật hội họa, văn thơ hoặc âm nhạc, mà giá trị của miêu tả nằm toàn trong sự biểu lộ tâm tình tận cùng, như một đam mê không bờ bến. Ðỗ Bình đã đẩy cảm xúc lên tận cùng để hòa điệu với cái say của men tình tha nhân:
Thơ thẩn vì đóa hoa thiếu nắng
Khép mi cho lòng đỡ ngất ngây.
Bỗng dưng ta thấy đời im lặng
Như mất nửa hồn theo áng mây!
Nếu lỡ đã say mà quên lối
Thì đành ôm chút mộng hờ thôi.
Tình chỉ là mơ sao bối rối?
Quay đi..hồn vướng mãi nụ cười

(Chỉ Là Mơ)
Một hoài niệm
Em đó ta đây cách khoảng đường,
Muốn gần nhưng ngại…tóc em vương!
Sợ mùi hương cũ làm quên lối,
Về ngẩn ngơ hồn, giấc luyến thương!

(Hương xưa )
Một đam mê vượt thời gian:
Mai ta chết giã từ hành tinh mộng
Khép buồn vui thả vào cõi hư vô.
Dẫu gàn sau hồn lạc lõng phiêu bồng,
Ta vẫn cảm mùi hương em trong gió.

(Nỗi cảm)
Một đam mê không bờ bến
Em thơm ngát toát ra từ da thịt,
Ta chìm sâu trong hơi thở xanh xao!
Mắt nhắm tít trên vòng tay mù mịt,
Môi tìm môi ngôn ngữ lạc phương nào!
Ðất trời nghiêng cháy sém cả trăng sao,
Hương ngây ngất mười ngón tay tình tự,
mười ngón chân khua động lửa tế bào
nghe ấm áp một mùa đông lữ thứ.

(Vòng tay)
Cái say sưa của Ðỗ Bình ở đây, trái lại với Vũ Hoàng Chương: Ta quá say rồi, Sắc ngã màu trôi… Gian Phòng không đứng vững, Có ai hư ảnh sát kề môi. Say đi em), là biểu thị một tâm hồn tinh khiết của thi nhân.
Thơ Ðỗ Bình ngoài mặt diễn tả cực điểm nỗi lòng mình, còn chứa nhiều hình tượng, nghĩa là chất họa trong thơ, cho nên ta có thể nói rằng tác giả Mùa Xưa Vỗ Cánh không những là một thi sĩ biểu hiện mà còn là một nhà thi họa ấn tượng (poète- peintre impressionniste): Với những nét chấm phá tạo cho ngôn ngữ thơ những hình tượng đượm màu sắc tình yêu man mác, đậm đà, miên man, ông làm người đọc bâng khuâng, nhẹ nhàng rung cảm:
Chiều cuối thu lá vàng rơi khắp lối
Dìu em đi trong vạt nắng xanh xao
Tóc em bay thoảng mùi hương cỏ nội
Tình trao nhau ôi trái cấm ngọt ngào!

(Cõi Tình)
Trời vào thu Paris nắng lên màu,
Như lấp lánh cả Sài Gòn trìu mến.

(Xuân Muộn)
Bóng tàn cây soi xuống cốc nước dừa,
Con đường cũ lá me rơi muôn thuở.

(Hạ Buồn)
Tuyết phất phơ bay ngoài song cửa,
Sương rừng loang sắc bóng chiều đưa.
Tháng tư, rét mướt, đời phiêu bạt…
Xuân đến, hồn ta lộng gió mưa!

(Hững Hờ)
Ta về nghe núi rừng than thở!
Liễu rũ bên hồ dáng xác xơ...
Chiều xuống sương mù giăng bóng nước,
Dốc buồn, nắng nhạt, gót bơ vơ!...

(Cao Nguyên Xứ Lạ)
Liễu rũ trăng nghiêng soi bóng cửa,
Trải dòng suối bạc ngỡ rừng xưa..

(Mộng Thừa)
Những dấu chân sâu trên sóng tuyết,
Mịt mờ quê cũ lẫn vào thơ.

(Tiếng Lòng)
Từ điển Le Petit ROBERT định nghĩa ấn tượng như sau: «Style, manière d’ écrivains, de musiciens qui se proposent de rendre par le langage, les sons les impressions fugitives, les nuances les phus délicates du sentiment»: Bút pháp, cách viết của nhà văn, nhà âm nhạc – nương dựa trên ngôn ngữ và âm thanh - để làm sống lại những cảm giác thoáng qua, những màu sắc linh động tinh tế nhất của tình cảm).
Cùng theo một ý niệm, những văn ảnh trong thơ hay gợi buồn về quãng đời trong ngục tù cải tạo làm cho người đọc bùi ngùi:
Ðêm ngục sâu nghe lá sầu cóng lạnh,
Thu chưa vàng ta đã cảm nhạt màu!

(Trở Về)
Nhà thơ đã để lại một nửa phần ánh sáng của mình trong sà lim:
Anh phóng đời qua lỗ khóa con,
Để còn trông thấy bóng trăng non,
Thèm nghe gió thở cùng tâm sự,
Và biết em buồn nhưng sắt son!

(Người Tù Và Bóng Tối)
«Vẫn biết đời chỉ là giấc mộng, nhưng sao hồn tôi vẫn vương vấn màu nắng quê hương» (Dạo Khúc), trong lúc tại kinh thành Ánh Sáng, nơi đất người tạm dung mặc dù cuộc sống đầy đủ vật chất và hạnh phúc gia đình, nhưng tâm hồn nhà thơ luôn cảm thấy «cô quạnh», cái tâm trạng của một người thiếu quê hương, thiếu những người cùng chí hướng:
Nắng vàng loang phố tuyết,
Trăng soi gót tha hương.
Chỉ đôi vầng nhật nguyệt,
Hiểu lòng ta đoạn trường!

(Cô Quạnh)
Tình yêu mẹ hiền chan chứa trong kiếp lưu vong, và mẹ ở đây không những là người mẹ hiền của nhà thơ mà còn là «Mẹ Tổ Quốc»:
Lên đỉnh non ngàn vọng cố hương,
Mắt buồn trĩu nặng mấy làn sương.
Nhìn quanh chẳng thấy trời quê mẹ,
Chỉ có tuyết rơi...dốc đoạn trường!

(Đỉnh Nhớ)
Tôi đã viết nhiều trong «Nhà Văn Hải Ngoại - Tập 1, Paris 2006, trang 30» về Ðỗ Bình, lòng hiếu thảo đi đôi với lòng trung thành của một người cựu sĩ quan với Tổ Quốc. Phải lìa nhà ra đi vì trạng huống, nay có thể trở về thăm mẹ nhưng không muốn vì quê hương vẫn còn bị cưỡng chế bởi độc tài toàn trị!
Ðỗ Bình cũng như phần đông văn nghệ sĩ và chính khách lưu vong, đêm ngày tưởng nhớ gia đình, mơ ước quê hương… «Cảnh đấy người đây luống đoạn trường» như Bà Huyện Thanh Quan thường hay than thở… song đã một lời thề nguyện với tổ quốc, nhà thơ không ngần ngại chờ đợi. Dưới thời Đệ Nhị đế chính Pháp (Second empire français), nhà chính khách đại thi hào Victor Hugo đã để lại tấm gương cho đời vì đã dám từ chối sự ân xá của bạo chúa Nã Phá Luân III (NVHN Tập 1, trang 201): “Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẽ chia sẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được phục hồi, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương”(Quand la liberté rentrera, je rentrerai):
Viễn xứ mây chiều vương dáng mẹ,
Mắt buồn u uẩn mấy hàng tre.
Tuyết rơi tê tái hồn vong quốc,
Mẹ xá cho con tội muộn về!

(Mẹ)
..Mưa đêm hay tiếng ho ngàn dặm?
Ta bỗng hình dung dáng mẹ nằm,
Hiu hắt nét già thêm rũ rượi,
Quặn lòng! muốn chấp cánh về thăm.
Bến quê sóng đỏ dâng mù lối,
Thôi cũng đành như chiếc lá trôi!
Ngục tối sá gì cơn đói lả,
Mà e người khóc ngất trên đồi!
Cắn môi bật máu còn thơm sữa,
Lạy mẹ con nào khác thuở xưa,
Ngày tháng ngút sầu nên tóc bạc!
Bao xuân quên mất phút giao thừa!

(Paris Ðêm Buồn)
Tình yêu quê hương ngày xưa và tình yêu tha nhân hôm nay; cũng như tình yêu đôi lứa luôn luôn lẫn lộn trong tâm trí Ðỗ Bình thành một mối «Tình Muôn Thuở» mà nhà thơ đã gửi gấm trong quả tim với những lời thơ siêu quần tuyệt tác mà tôi xếp vào hạng những bài thơ hay nhất của Ðỗ Bình. Xin mời bạn đọc cùng thưởng lãm bài Tình Muôn Thuở:
«Em là giọt nắng lung linh
Từ muôn kiếp trước tái sinh kiếp này
Thành hoa tỏa ngát hương say
Ðời thơm dáng lụa ta ngây ngất hồn.

Nhà thơ viết cho người tình cũng là người bạn đời đã cùng ông chia sẻ những vui buồn trong quãng đời gian truân nơi quê nhà năm xưa và viễn xứ hôm nay:
Biển xanh loáng ánh hoàng hôn
Em về gót nhẹ phố xôn xao mừng.
Hồn ta một cõi sầu rưng,
Nhìn thành quách cổ bỗng dưng u hoài!
Bên em quên những tàn phai,
Xót phương trời ấy biết mai có vàng?!
Ôm đàn dạo khúc xuân sang,
Cảm màu hoa úa muộn màng nắng thơ.

Ông viết bài thơ này ở Paris trong lúc bệnh nặng tưởng như không qua được do hậu quả của những năm tù đày. Tâm trạng não nề về quê hương qua hình tượng:
Ðợi xuân tím ngắt nẻo chờ!
Em hong tóc lộng ta hơ nỗi sầu.
Chất lãng mạn và lòng chân thành của nhà thơ trong phút tuyệt vọng vẫn bao la vượt thoát; muốn một khi lìa đời sẽ mang theo mãi hình ảnh đẹp cuộc tình mà không muốn gặp người mình yêu ở bất cứ cõi nào nếu có kiếp sau; vì sợ làm khổ người mình yêu:
Ðừng thương mà hẹn kiếp sau
Thì xin em chớ... gặp nhau cõi nào
Ðể tình thắm giấc chiêm bao
Nghìn năm mộng vẫn dạt dào bóng em.”

(Tình muôn thuở)
Màu sắc hội họa trong thơ Ðỗ Bình ở đây chỉ có thể so sánh được với Francisco de Zurbarán (1598- 1664) trong «L’adolescence de la Vierge» mà họa sĩ Tây Ban Nha sáng tác vào khoảng năm 1660. Tôi nói như thế để thần linh hóa một mối tình muôn thở, bất diệt… Song đối với thi nhân, tất cả chỉ là «những chuyện tình mộng mị, chỉ là chiếc bóng của chuỗi kỷ niệm chưa tan, nhưng mùa xuân đã vút cánh bỏ tôi bay mất!» (Dạo Khúc):
Phố buồn tình vỗ cánh
Lá vàng che mất nhau
Ga chiều sương thu lạnh,
Áo trắng em về đâu?!

(Chỉ yêu cuộc tình)
Hoặc:
Em về bên đó xa xôi
Ðể trăng chiếc bóng bên đồi thở than!
Em theo dấu hạc lên ngàn
Tìm vui quên cội hoa tàn đau thương…

(Vỗ cánh)
Ði đôi với bài Tình Muôn Thuở là bài «Mộng Vàng» mà ông tự phổ nhạc….Nhớ lại ngày thứ bảy 3 th. 6-2000 tại Viện Ðông Nam Á Paris, nhà thơ Ðỗ Bình (Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam) đã có dịp phân tích lý do tại sao ca khúc tiền chiến «Trăng Mờ Bên Suối» được đánh giá một trong số những ca khúc hay nhất của thế kỷ qua, và vượt thời gian, không gian từ trong nước ra hải ngoại; còn lưu truyền mãi hôm nay: «TMBS sở dĩ được tồn tại với thời gian vì bản nhạc được cả lời lẫn nhạc. Ca từ là một bài thơ. Ðiểm đặc biệt ở đây là anh Lê Mộng Nguyên trước khi trở thành nhạc sĩ và sau này là giáo sư, anh đã làm thơ. Bài thơ TMBS được soạn nhạc do cùng một tác giả chứa tâm hồn thi nhạc soạn ra, do đó anh Lê Mộng Nguyên đã dễ dàng bắt được cái tính nhạc trong thơ mình, vì thế lời thơ ý nhạc hòa nhau chấp cánh. Một bài thơ có thể được nhiều người phổ nhưng duy nhất chỉ có một bài hay nếu người nhạc sĩ nào bắt được cái tính nhạc trong thơ, nếu không, dù cho nhiều người phổ một bài thơ thì cũng chỉ phổ cái thanh bằng trắc; một chất liệu cao độ của nhạc chứa sẵn trong câu trong thơ mà không bắt được cái hồn thơ. Mỗi bài thơ chỉ chứa một tính nhạc và đó cũng chính là hồn bản nhạc» (Nghệ Thuật - Montréal số 77, th. 8-2000, tr.44). Áp dụng những xác nhận trên của Đỗ Bình về TMBS vào Mộng Vàng của tác giả MXVC, để chứng minh sự giao duyên hứng cảm giữa hai thi nhạc sĩ, một hạnh phúc mong manh nhưng trường cửu: hồn thơ và ý nhạc ở đây hòa hợp trong một tán dương ca vạn vật, tình yêu và ly biệt:
Thời gian lặng trôi bao giấc mộng vàng! 
Người đi sầu vương ngày tháng.
Đồi tím biết có còn ươm giấc mơ?
Nhìn trăng ta nhớ mảnh hồn thơ.
Ngày xưa cùng em bắt bướm bên đồi,
Chờ nhau nhiều khi hờn dỗi!
Tình đó bỗng hóa thành mây lãng du,
Và em quên ước hẹn ngàn thu!.
Lê Mộng Nguyên
Theo http://daihocsuphamsaigon.org/




1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...