Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Ngô Nguyên Nghiễm - Phận người đong đưa theo từng hạt bụi sắc không trong “Trăm năm ngàn năm”

Ngô Nguyên Nghiễm - Phận người đong đưa 
theo từng hạt bụi sắc không trong 
“Trăm năm ngàn năm”
Dấu hành trình của Ngô Nguyên Nghiễm đã kéo dài từ nhiều năm qua, thoắt chốc gần năm mươi năm, sinh mệnh của một đời người, nổi trôi dật dờ theo cùng mệnh nước, hệ lụy của một dân tộc. Nhà thơ vẫn sống thở bình thường như một thiền giả đạo hạnh, một người hiểu được sự đổi thay thường hằng của thế gian là lẽ tất yếu. Một thiền sinh tất tả xuôi ngược góp nhặt những hương hoa của bốn phương đổ về hội tụ, như những ánh sao đêm lạc loài mở hội nghênh trăng. Trong vô số những kỳ hoa dị thảo chỉ đợi nhân duyên là tỏa ngát hương nồng.
Chúng ta có “Điệu buồn của chúng ta” của Hà Thúc Sinh, “Loài cây nhớ gió” của Lâm Chương, Nguyễn Thành Xuân, “Nam Hoa”, “Lên đồi hứng bát trăng vàng”, “Thơ tình Trịnh Bửu Hoài” của Trịnh Bửu Hoài  khi chàng thư sinh này vào tuổi đôi mươi, đầy sức sống và sáng tạo. Những tác phẩm ấy được hình thành nếu không có bàn tay họ Ngô tận tụy đóng góp, chắt chiu chăm sóc.
Chúng ta thường nghe câu ”Địa linh sanh nhơn kiệt”. Điều đó hẳn không ngoa. Thơ Ngô Nguyên Nghiễm như một người hành giả đi dong ruổi trên bụi thế gian. (Anh đã cho ra mắt cuốn “Người hành giả và khúc trường ca sinh tử” vào năm 1974). Trong màu mắt anh đắm chìm những hoài nghi, thấm đẫm phận người giả tạo, sự bao la vô tận của vạn vật. Phải chăng cảnh trí Thất Sơn đã gieo vào tâm não anh những kỳ bí của núi non, những huyền thoại của rừng thiêng, những miếu tự, đền thờ lúc nào cũng không thiếu vắng người vọng bái.
Trong cái tịch mịch của một sớm mai gió lộng, người về như một cành mây, tác giả trầm lắng: 
“Đất cũ vẫn còn ngàn sao lấp lánh
Ngựa vỡ nằm theo tay
Ta như bãi cỏ đêm dài
Ngó trời mơ đôi cánh nhỏ
Nhập sầu lên tương lai”

(Ta nằm như mặt nước khe- Trăm năm ngàn năm)

Những xúc cảm luôn tràn ngập tâm hồn như mây bay như gió cuốn, như dòng sông Cửu uốn quanh nơi anh cư trú, như khí thiêng Bảy Núi ngàn năm mây phủ, chập chùng những nét phù sinh. Những yếu tố ấy lúc nào cũng thôi thúc, như tiếng kêu thức tỉnh con người hủy diệt lòng đố kỵ, tham sân si, một sự hướng thượng hồi đầu trong cuộc nhân sinh đầy bảo động, thịt da chờ phân rửa từng giây phút.
Hiện hữu và phân hủy, một chu trình mà theo anh đó là nỗi ám ảnh trầm mặc không lối thoát. Khuôn mặt anh cũng đã nói lên điều đó -mênh mông, nghiêm tỉnh dù trong anh lúc nào cũng nở nụ cười giao tiếp thế nhân.
Thơ anh bay cao vút theo khoảng không gian mù mịt, cái khoảng không gian của thời mới khai sanh lập địa, có những sinh vật manh nha hiện diện thì cũng biết đâu có những sinh vật khác vô hình chung biến mất. Một ma trận của tạo hóa tác động lên vạn vật trong đó có cả con người:
“Thì cũng như con nước
Lên xuống quanh thủy triều
Thế sự càng hư ảo
Thiên địa càng tịch liêu
Chau mày nhìn cố xứ
Đau lòng theo mây bay
Cúi đầu bạc mái tóc
Ngẩng đầu trắng cơn say…

(Nghe tiếng chim reo chợt nhớ quê nhà)
Mang tâm thức u uẩn quanh mình, nhà thơ đi đứng trên mặt đất lại ngỡ bay lững lơ, bay la đà trong cõi phù sinh. Chàng hết bay rồi bơi theo màu thời gian, bởi thời gian không chết, chỉ có sinh vật hữu hình mới hủy diệt theo bụi sắc không. Kìa hãy trông cây thốt nốt của vùng Tri Tôn- Xà Tón, của Tịnh Biên trải dài đến vùng đất của vương quốc Phù Nam cũ, đã phải suy tàn và mất dấu. Những cây thốt nốt vẫn tồn sinh, hương vị ngào ngạt tạo nên sức sống con người. Mấy trăm năm, mấy ngàn năm ai biết, thốt nốt vẫn là biểu tượng của xứ Chùa Tháp:
“Hình như tôi bơi suốt tháng năm
Lá thốt nốt chưa che đầy thân thể
Làm kẻ dị hình trong nhân thế
Tâm hồn treo ngược giữa cành cây”
Chàng muốn biến thành cỏ thành cây, thành giun dế cốt để thấu hiểu sự hưng phế của vũ trụ. Cát đá vô tri sao hiểu được lòng chàng, nhiều lúc nhìn đời sao muốn khóc, nhưng nếu khóc được chắc hẳn chàng sẽ vơi nhẹ mối ưu tư và chìm vào giấc ngủ của Trang Tử ngày xưa chăng?.
“Thì ra, thiên địa cũng vô duyên
Khiến gió thổi lá rơi trên khổ hạnh
Chợt đứng giữa tinh cầu lồng lộng
Đèn nhà ai vừa tắt lạnh bơ vơ…”

(Đèn nhà ai vừa tắt lạnh bơ vơ)
Đây là bài thơ đẹp, tình cảm nhà thơ trải dài thanh thoát, ngôn từ văn chương dễ tiếp nhận so với những bài khác của tác giả đầy chất siêu hình, đôi khi ẩn chứa những thông điệp sâu xa tôn giáo như nhà thơ Trần Tuấn Kiệt đã nhận xét:
“Giá trị tinh thần của Ngô Nguyên Nghiễm đặt nền tảng siêu hình học hiện đại, cũng là nền tảng hóa giải mọi mâu thuẫn trên đời, để cho thơ bình yên chảy xuôi trọn một dòng của nó, qua bến bờ vạn đại…” (TTK nhận định về thơ NNN trang 969 trong Người đồng hành quanh tôi tập I).
Những từ “bờ kênh dĩ vãng, kẻ dị hình trong nhân thế, tâm hồn treo ngược, lắng ảo giác xuống chín tầng giun dế, tâm thức hoang phế, cơn say quá tải, hải đăng lu, con sóc ngậm đuôi mình trong suốt kiếp”… đã tạo cho bài thơ vô cùng thi vị …
Thân phận con người được nhà thơ nhìn ngắm qua nhiều lăng kính, nhiều hình thái khác nhau. Sự liên tưởng ấy chảy tràn trong tâm hồn tác giả. Bất cứ hành động nào, suy nghĩ gì, tác giả cũng bắt chụp được một cách linh hoạt. Sự cảm thông tột cùng đó nếu không đến bằng trái tim, qua sự “biết, hiểu” nhau một cách chân thành:
“Ban, ta, dựa gốc cây
Khác gì con chim nhỏ
Giữa rừng người không quen
Chực chờ như mảnh hổ”
Hay: “Ban, ta, dựa gốc cây
Kh Hồn bạn trắng như gương
Nên ta buồn biết mấy
Bởi ngựa chạy đường trường
Ngổn ngang nhiều cạm bẩy”

Toàn bài có những câu nhẹ nhàng như hạt sương mai buổi sáng, như ánh nắng chiều vàng thoi thóp tắt. “Ban, ta, dựa gốc cây
Kh Bạn sống như vầng trăng- Thanh tao như sương nở- Ta hóa thân loài hoa- Dâng hương cho trăng tỏ”.
Hết hóa thân làm cỏ, nay lại làm hoa, tác giả sẽ hóa thân làm gì, chúng ta hãy trông chờ.
Câu thơ tuyệt diệu: “Ôm nhau như uyên ương- Cũng có ngày xa cách”. Chân lý vi diệu đó cũng nằm trong chu kỳ sinh tử của đời người thôi. Tình bạn đã thăng hoa vi vút đến vậy sao?.
Đoạn mở đầu cả hai cùng chia nhau rót rượu, cảnh trí quán bên đường, mắt thấy, tai nghe sau cùng con tim lên tiếng, những suy luận quanh đời, cảm xúc dâng tràn
- “Thương bạn không cạn lời”, một tiếng kinh cầu gan ruột của chàng xin lưới đời hãy buông tha bạn- “Chụp xuống hồn chim nhỏ”. Chúng ta không tình cờ quen nhau mà chắc hẳn có một lý nhân duyên nào đó, trong vô vàn sát na hội tụ. Như bóng và gương, như bạn và ta hay như ta và em, trong huyễn mộng có một ta là thực?. Ẩn hiện, chập chờn đối bóng. Ôi!- hồn thơ chàng đã lên cao trào tột độ, chàng nói hay rượu nói- chất ngất cơn say:
“Ban, ta, dựa gốc cây
Kh Ngọn bút như tiếng đàn
Ta khảy vào qúa khứ…”

(Ngồi uống rượu với bạn trên đường vắng ngắm người ngắm mình).
Chúng ta nhận thấy tác giả ảnh hưởng đạo pháp rõ rệt qua bài “Niệm kinh tim, bỗng nghe mấy giọt đàn khách bạc đầu nghiền ngẫm”. Tiếng đàn như một vật xúc tác chuyển giai điệu đến tác giả bằng thính giác, trái tim (tâm) chàng rung động truyền cảm giác xuyên suốt châu thân qua tri giác. Tác giả không khéo sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” vì trong khi niệm kinh mà con tim không định, không có cái không cần có.
“Âm thanh từng giọt có không..
ừ thính giác thật tình vô vọng
Ừ ngũ quan lẽ nào chẳng động
Lửa, từ tâm hỏa cháy thiên thu
Đất, nước hay nguyên khí hoang vu“

(NKT, BNMGĐKBĐNN).
Tấm thân tứ đại- đất, nước, gió, lửa vẫn chảy hoài trong hình tướng con người.
Chàng đã nhập diệt chăng mà tâm hồn lăn lóc trong cõi mù sương thanh tịnh?. Chàng đã lâng lâng thoát tục chăng khi ngạo bước trên tinh cầu giá lạnh. Rừng mênh mông những cây già cổ thụ, suối nghe chim hót, hoa ngát lừng hương, một dạng của “Hoa khai kiến Phật”?. Nhưng không, chúng ta hãy nghe chàng thê thiết:
“Thì ra, dưới ngôi cổ mộ có hồn hoang nằm đó. Trên mặt đất lưu ly, hoa nở đủ sắc màu, nên thơ như bài cổ thi Nôm ghi nghiêng dài trên bia tự.”
(Thiên thu một cõi đi về).
Âm hưởng của bài thơ khiến ta nhớ đến bài “Thăm mả cũ bên đường” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Tản Đà cảm khái nhìn nấm mộ hoang mà hồn thơ đòi đoạn khóc:
“Ngoài xa trơ một đống đất đỏ
Hang hốc đùn lên đám cỏ gà
Người nằm dưới mả, ai ai đó?
Biết có quê đây hay vùng xa?…
Suối vàng sâu thẳm biết là ai?
Mả cũ không ai kẻ đoái hoài!
Trải bao ngày tháng trơ trơ đó
Mưa dầu, nắng dãi, trăng mờ soi!
và Ngô Nguyên Nghiễm cũng là khách giang hồ, cũng người đồng điệu, cũng khách nòi tình, nên chuyện xót xa đồng cảm là lẽ thường hằng, có khác chăng là họ Ngô có phảng phất hương vị Thiền, mang máng chút buồn thoát tục của Lão Trang.
“… Hồn ở đâu bây giờ, mà mây bay đầy ngõ, áo tài hoa treo ngược sau hè. Và có bầy chuồn chuồn bay ngang quả trứng hoàng hôn làm lung linh một cõi đi về….”.
Một bài hành về Tây Phương chăng?. Quang cảnh lưu ly của muôn ngàn ánh sáng, kỳ hoa dị thảo bừng khoe sắc hương, vàng hoa lót đầy tường, ngõ bước. Chim đạo hạnh, chim của cõi Trời huyền diệu- Khổng tước:
“Trên cây bàng cao
Chờn vờn khổng tước
Gáy vén bình minh
Sương vàng óng ướt…
Ẩn hiện trời Tây
Đền thiêng lồng lộng
Vạn nét kỷ hà
Chan hoà với nắng…”

(Gốc quế bát vàng)
Như phần trên đã giới thiệu về hai chữ hóa thân, đến đây chúng ta lại bắt gặp chàng hóa thân một lần nữa. Nhà thơ, quẩy gót ngao du, túi mang thơ kinh tự, hát khúc trường ca sinh tử, độc hành tìm đến ánh đạo vàng, phương trời của chàng tàng dẫm bao ngàn thử thách, có khi là cỏ úa, rừng hoang; có khi là mộ hoang, ngạ quỷ bơ vơ kêu khóc. Chàng vẫn một câu thần chú Ba La Mật Đa chăng?. Lầm lũi đi, lòng chàng rất “Bồ Tát” muốn chia sẻ cô đơn, bất hạnh, đau khổ, tai kiếp của bao người. Từ một người bạn hồn nhiên
- “Thấy bạn càng hồn nhiên- Nụ cười như hoa đỏ” đến –“ …Ta hóa thân vào cây cỏ ngậm câm, trái tim là đáy giếng sử thi, thần phách là chiếc nỏ thần cổ tích, thì có bao giờ bày tỏ, chau mày rên rỉ trước mặt đá vô tình của vạn đại thiên nhiên…” (Hòa âm).
Chàng muốn đổi xác mượn hồn, giao cảm cùng vạn vật u linh, nghe thời gian chuyển động, bất chợt xuất hiện ma quái quanh mình, lại thấy mình bạc tóc. Phù thế hay phù sinh trong hoang vu kiếp sống:
“Lẽ nào mồ chưa lạnh
Lãng đãng trận vàng bay
Mà tơ trời tứ phía
Đợi gió về so dây
Hốt nhiên người trắng tóc
Đau đáu điệu sắc cầm
Có qủy thần hiu hắt
Chờ ngàn kiếp rồng ngâm.”

(Hóa thân)
Chàng đang chờ một Hội Long Hoa?
Lời thơ như một bài kinh tụng niệm, một khúc chiêu hồn. Kẻ ở tiễn người đi, những bằng hữu thân quen đã xuôi tay về miền quá khứ. Trong mông lung của màn sương, của khói hương quyện vào đôi khi là bóng đêm câm nín, tác giả thành tâm nghiêng rót bầu rượu tiễn đưa bởi:
“Thế gian bàn cờ độc đạo
Xe ngựa hí mộng ảo
Tin rằng, khắp nẻo đường trường
Dấu chân in nhẹ như sương
Dấu chân một thời phiêu bạt
Bụi hồng quắc quay ảo giác
Mịt mù lạc bước càn khôn”

(Trăng khuyết)
Sống và chết theo cái nhìn của tác gỉa chỉ như một cuộc hí trường , cánh màn nhung khép mở tùy theo nghiệp chướng, mỗi người có một định số riêng biệt. Trong niềm an ủi bạn vẫn còn chút ưu tư: “Bạn ta hồn phách linh thiêng- Có không một nơi cư trú?”. Nỗi quan hoài ấy được tác giả thể hiện qua tiếng mõ công phu một cách tận tụy, trì chú rất chân thành đến nỗi đau lời nhật nguyệt, dù biết rõ rằng “trò chơi cút bắt có không” như vầng trăng khi tròn khi khuyết. Cõi riêng lòng chàng vẫn mang mang thiên cổ sầu:
“Ừ, trăng tròn rồi trăng khuyết
Hồn ta trầm cảm bao giờ?
Âm thầm vịn cửa thiên thu
Nhảy suốt dặm trường ly biệt…”
(Trăng khuyết)
Hơi thơ dồn dập, thôi thúc theo nhịp mõ: ”Bạn ta gõ mõ nhiếp thần- Thầm lặng ngàn kiếp vô sinh…” đã tạo cho bài thơ hòa điệu nhịp nhàng theo lời khấn nguyện. Tác gỉa sử dụng thể loại sáu chữ rất nhuần nhuyễn và thành công. Thơ sáu chữ dường như là điểm nổi bật của tác giả, hình thức thơ này có thể là phương cách diễn đạt ý tưởng thanh thoát, thuận lợi theo dòng tư tưởng, theo con tim.
Trong “Trăm năm ngàn năm” có nhiều câu thơ rực rỡ sắc màu, những thanh âm huyền hoặc, thần trí người đọc cũng rơi vào trạng thái lâng lâng, thoát tục:
“Đời chỉ là hạt cỏ
Nép dưới cầu thiên thu
Nhiều khi ngắm hoa nở
Mọc ven đường hoang vu”

(Bóng trăng vạn cổ trang 49)
Hoặc: “Bâng khuâng cỏ gáy xót lòng- Ma hương vương đầy mái tóc”. “Trăm năm yêu khí vù bay- Lầu vắng còn mây đáo tuế”
(Bên giọt rượu khuya chợt nghe đỗ quyên nấp hót trang 51).
Bên cạnh những bài sáu chữ, năm chữ, chúng ta tìm thấy bài bảy chữ mượt mà, đầm thấm giai điệu, lời thơ là những khắc khoải pha trộn những mối thắt của cuộc sống chan hòa theo cảnh trạng chung quanh:
“Có phải hồn ta là tháp cổ
Ngàn năm phơi bóng dưới trăng nghiêng?
Bỗng nghe gạch rụng giang hồ quá
Động lá vàng rơi xuống gió đêm”

(Hóa thạch nằm nghiêng giấc tử sinh trang 62)
Hay tâm thức tác giả mê vùi, đồng thiếp về đâu đó, bởi họ Ngô xác nhận: “Cứ đứng quay cuồng giữa bổn thân” để rồi: “Thiên địa ngủ vùi trong nguyệt tận” (HTNNGTS trang 65)
Dường như dư vị là của một bài thơ tưởng niệm, một bài thơ có dáng vấp của “Thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du chăng?.
“Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh...”

(Sơntrungblog)
Toàn bài, tác giả đưa chúng ta du hành vào những:” Trăng mọc đến trăng tàn… đường bay không quỹ đạo, cháy lang thang đóm lửa chiêu hồn, tiền thân rụng xuống không và đoạn cuối là biểu hiện rõ nét nội dung bài thơ:
“Có phải từ quy xõa tóc không?
Con chim mỏ đỏ của muôn trùng
Ở đâu dấu mặt không gian đến
Gọi báo thân chồng giữa pháp thân…”

(HTNNGTS trang 67).
Chúng tôi nhận được tập thơ đã lâu, nhưng bị cuốn hút vào vòng quay của cuộc sống phải đành gác lại. Hôm nay, có được những giây phút thư thả, đọc lại với sự cẩn trọng vì thơ anh đầy chất siêu hình, do đó từ lâu chúng tôi vẫn ngại trình bày nhận xét của mình.
Bắt chước cụ Tiên Điền “Lời quê góp nhặt dông dài”, mong bài này gởi đến họ Ngô như một trang kỷ niệm không bao giờ nhạt phai.
“Trăm năm ngàn năm” do VNAG xuất bản năm 2008,
(Một ngày hồn rất bao la...)
* (Đây chỉ là cảm nhận riêng tư của người đọc thơ viết về một người thơ. Mong quý bạn đọc thông cảm nếu có gì sai sót).
Lâm Hảo Dũng
Theo http://thatsonchaudoc.com/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...