Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Nhạc sĩ Thế Bảo với cuốn sách “Lịch sử Âm nhạc Việt Nam”

Nhạc sĩ Thế Bảo với cuốn sách 
“Lịch sử Âm nhạc Việt Nam”
Cuốn sách Lịch sử Âm nhạc Việt Nam do PGS.TS. nhạc sĩ Thế Bảo biên soạn vừa được ra mắt độc giả, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành tháng 5 năm 2017. Đây là cuốn tài liệu giảng dạy đại học dành cho chuyên ngành Âm nhạc, được khái quát về lịch sử âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ, từ âm nhạc thời Hùng Vương đến nay. Là cuốn sách nghiên cứu, tra khảo, đồng thời cũng là cuốn sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên dùng trong học tập. Đây là cuốn thứ 3 trong bộ ba này được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh đứng ra xuất bản.
Giáo trình gồm 25 bài giảng, 4 học trình, chia làm 12 chương với 50 tiết trên lớp, 8 tiết thảo luận và 2 tiết kiểm tra. Mỗi bài giảng 2 tiết và cuối bài giảng có câu hỏi thảo luận. Khổ sách 16 x 24cm, 514 trang mà tác giả tâm huyết dành cho giáo viên và sinh viên âm nhạc, học môn Lịch sử Âm nhạc Việt Nam bậc đại học. Bố cục giáo trình được trình bày chi tiết ở Nhập môn lịch sử Việt Nam. Quan hệ giữa các giai đoạn lịch sử và việc phân định giai đoạn lịch sử âm nhạc Việt Nam có sự phát triển nội tại do đặc điểm nghệ thuật và sự hình thành nghệ thuật âm nhạc truyền thống nối tiếp nhau. Mặc dù có đặc điểm riêng nhưng lịch sử âm nhạc Việt Nam chịu tác động rất lớn bởi các biến cố chính trị, xã hội, kinh tế của các giai đoạn lịch sử. Trong cuốn giáo trình này, lịch sử âm nhạc Việt Nam được chia làm 4 phần: Sơ sử âm nhạc Việt Nam; Âm nhạc thời kỳ tự chủ; Âm nhạc thời Pháp thuộc và chống Pháp thuộc, nêu bật tình hình âm nhạc truyền thống Việt Nam trong xu hướng du nhập của nền âm nhạc phương Tây, phong trào Tân nhạc; Âm nhạc cận hiện đại, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Tác giả nêu bật những thành tựu âm nhạc sau năm 1975 trong đào tạo, lý luận, biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam và trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Giáo trình Lịch sử Âm nhạc Việt Nam ra đời thật cần thiết khi bộ môn này cần một cuốn sách giáo khoa có thể tra cứu được, đáp ứng mong mỏi của nhiều người, đặc biệt là những người làm công tác đào tạo, giảng dạy chuyên ngành âm nhạc. Qua cuốn sách này cho thấy tác giả thực sự quan tâm và có sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ. Nhất là âm nhạc hiện đại thì ông sống trong đó, chứng kiến sự hình thành và phát triển của nó, nên viết tự tin có có ý kiến rõ ràng, minh bạch. Tác giả đã tham khảo nhiều tài liệu, sách đã công bố, xác định những vấn đề có thể khẳng định đồng thời cũng mở ra những vấn đề cần thảo luận cho giáo viên và sinh viên có tính chất gợi mở. Đây là một công trình đồ sộ tổng hợp nhiều kiến thức, nhiều thời đại.  
PGS.TS Thế Bảo sinh năm 1937 tại Quảng Ngãi. Cha ông là thi sĩ Trần Đông Giao, từng là cựu sinh viên Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội. Anh ông là nhà thơ Tế Hanh. Tuy từ nhỏ vẫn tiếp thu truyền thống văn thơ của gia đình nhưng ông lại rẽ sang ngành âm nhạc. Năm 18 tuổi ông thi vào trường Âm nhạc Việt Nam môn Contrabass và là học sinh của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Tốt nghiệp, ông được giữ lại trường giảng dạy, đồng thời học thêm môn sáng tác và đi thực tập sau đại học tại Hungary.
Năm 1990, ông là một trong bốn Phó Tiến sĩ bảo vệ thành công đợt đầu tiên bảo vệ Phó Tiến sĩ ngành Âm nhạc học, sau đó ông tiếp tục bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài Lòng bản trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Về sáng tác, tác phẩm tiêu biểu của ông là bản concerto viết cho cello và dàn nhạc giao hưởng Mùa sen quê hương đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2011.
Thế Bảo là một nhạc sĩ sáng tác chuyên giảng dạy ở đại học. Ông đã giảng dạy hơn nửa thế kỷ ở Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ khắp miền đất nước. Qua quá trình giảng dạy nghiên cứu ông đã tích lũy được nhiều kiến thức về lịch sử âm nhạc Việt Nam và viết nên được cuốn sách quí này.
Năm 1992, Thế Bảo được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Như vậy ông vừa là nhạc sĩ vừa là nhà lý luận âm nhạc. Là Phó Giáo sư, ông đã hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ làm luận án, luận văn. Là nhà sáng tác ông hướng dẫn cho nhiều học sinh, sinh viên và thạc sĩ viết tác phẩm tốt nghiệp thành công. Là nhà lý luận, ông viết nhiều bài báo, sách về âm nhạc, đặc biệt là bộ ba cuốn sách (Trilogy) mang tính tổng hợp nhiều quan điểm của tác giả. Cuốn 1 Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam (2011), cuốn 2 Cảm nhận Mỹ học âm nhạc (2013). Bộ 3 cuốn sách là một công trình đồ sộ tổng hợp nhiều kiến thức, nhiều thời đại, và đây cũng là tâm huyết một đời của ông đối với nền âm nhạc Việt Nam.
Thanh Nhã
Theo http://www.hoinhacsi.vn/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...