Trong cuộc đời, dẫu không ít lần ta phải chứng kiến sự ra đi
của người thân thích, bạn bè và cả người chưa quen biết, để tự nhủ lòng rằng,
cái gì đến rồi sẽ đến, nhưng khi nhận được tin dữ về nhà thơ Trần Quốc Minh,
người bạn thân thiết đã từ giã cõi trần, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Sao cuộc
đời thật lắm điều cay nghiệt, khi những người lương thiện chân tình và ngay thẳng
lại cứ lần lượt lìa xa, dẫu tuổi tác đã xế chiều và sức khỏe từng dự báo điều
chẳng lành.
Như có linh tính mách bảo, cách đây chừng vài ba tuần, sau thời
gian im lặng khác thường cùng đôi ba lần gọi điện, nhắn tin tới nhà thơ Trần Quốc
Minh mà không nhận được hồi âm, tôi vội đến tư gia nhà thơ thăm ông. Sức khỏe của
ông rất yếu, không ngồi dậy được, nằm lâu người lở loét nhiều chỗ, nói năng khó
khăn và hơi lẫn. Chăm sóc ông chủ yếu là bà Dậu, một người vợ luống tuổi, mộc mạc,
thật thà, vất vả lận đận lâu nay. Tôi ngồi hỏi han nhắc nhở bà vợ ông hồi lâu,
kể cả việc dặn bà cách sử dụng điện thoại di động của ông Minh phòng khi cần
liên lạc, việc mà từ trước tới nay bà chưa bao giờ đụng đến. Trở về nhà, tôi vội
gọi điện cùng báo tin cho bạn bè trong giới văn chương về tình trạng nguy kịch
của nhà thơ Trần Quốc Minh, dẫu vẫn biết từ trước đến nay anh chị em cũng rất
quan tâm trong việc thăm hỏi. Trước mỗi sự mất mát, người ta hay nghĩ quẩn
quanh không đâu, về số mệnh, về thân phận, kể cả nỗi giận buồn vô cớ, cùng cả sự
bất lực của mình khi phải chứng kiến, phải chịu đựng trước tình cảnh mỗi lúc một
đuối dần, như ngọn đèn dầu lụi bấc của người thân thiết.
Cuộc đời nhà thơ Trần Quốc Minh là cả chuỗi ngày nối tiếp
nhau của sự vất vả, từ tấm bé đến khi qua đời. Ông bị dị tật bẩm sinh, đi lại
khó khăn, phải dùng đến chiếc nạng. Hồi học ở trường cấp 3 Ngô Quyền (Khóa
1959-1962), tôi và ông Minh cùng khóa nhưng khác lớp, biết nhau có lẽ cũng do
cùng yêu thích văn chương. Sau khi tôi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm
Hà Nội cùng một thời gian dài công tác giảng dạy ở tỉnh Hải Hưng, kể từ năm
1973 tôi chuyển công tác về Hải Phòng mới thực sự gần gũi nhà thơ Trần Quốc
Minh và trở nên thân thiết. Mến ông trước hết ở đức độ cùng nghị lực vượt qua hạn
chế về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình để sống, làm việc và làm thơ. Thi đỗ vào
trường Đại học Tổng hợp, do không đủ sức khỏe, ông trở về làm việc tại một Hợp
tác xã may mặc ở phố Hoàng Văn Thụ. Công việc kế toán đòi hỏi sự tỉ mẩn chỉn
chu, có thể phần nào ảnh hưởng đến sáng tác thơ ca của ông. Hằng ngày, ông lê
bước chân cùng chiếc nạng từ nhà đến nơi làm việc, nhọc nhằn và kiên nhẫn.
Căn phòng nhỏ của gia đình ông trong ngách hẻm ở phố Trần
Hưng Đạo, gần trụ sở Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng. Nhà ông cũng là nơi thường
lui tới của nhiều anh chị em văn nghệ sĩ ở địa phương, kể cả ở nơi xa. Đôi lúc
có thời gian rảnh rỗi, tôi tới cùng ông đàm đạo thơ ca cùng chuyện đời. Có khi,
tôi còn dùng xe đạp đèo ông đi dạo quanh phố, đến công viên gần nhà ông, ngồi
ghế đá đọc cho nhau một đôi bài thơ mới viết. Cái thời hồn nhiên say mê pha
chút lãng mạn ấy đã lùi xa, đi vào trong ký ức của thế hệ ngày ấy, trở thành kỷ
niệm một đi không trở lại, đến bây giờ đã có nhiều đổi khác. Là người sống chí
tình với bạn bè, ông để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng mọi người. Sau
này khi gia đình ông chuyển đến căn phòng trên gác hai khu tập thể Vạn Mỹ, Hải
Phòng, thì dường như ít khi ông ra khỏi nơi ở. Có lẽ chỉ có lần ông ra ngoài là
hôm bạn bè đặt ông trên chiếc xe lăn khiêng xuống đường sang bên khách sạn đối
diện khu nhà ở để tổ chức lễ cưới cho cậu con trai duy nhất của ông là cháu Việt.
Đời cũng làm sự trớ trêu, đúng giây phút nâng cốc chúc mừng hạnh phúc của con
trai cùng con dâu ông, thì tôi nhận được cú điện thoại từ gia đình cũng của một
người bạn thân làm giáo viên là Đặng Thông, báo tin ông Thông đang hấp hối, điều
mà chúng tôi nín thở theo dõi từng ngày. Thế là tôi vội mừng sớm cho gia đình
ông Minh, bày tỏ sự thông cảm để quay về tiễn biệt ông bạn lần cuối. Cả ngày
ông quẩn quanh một mình trong căn phòng. Người vợ đảm đang bán hàng vặt ở
chợ. Con trai đi tàu biển, thỉnh thoảng về nhà, cả đến khi có con dâu cùng đứa
cháu nội thì cuộc sống của ông cũng không bớt được là bao ở sự vất vả, nhất là
đơn độc. Có ai đó nói rằng, sự cô đơn, có khi còn sợ hơn cả sự nghèo khổ. Vậy
mà ông như bị vây hãm giữa hai điều đó, dẫu quanh ông còn có gia đình, nhưng
khoảnh khắc ấy, ông chẳng thể làm gì, ngoài làm… thơ. Để đến thăm ông, chỉ có
thể vào buổi chiều chạng vạng tối, khi có người nhà trở về mở cửa đón khách. Có
lần ông trượt ngã, va đập đau đớn một mình trong nhà chẳng ai hay mà cũng chẳng
thể gọi ai. Liên lạc với người thân, bạn bè là chiếc điện thoại cùng bộ máy
tính. Ông là người hay quan tâm đến những biến diễn trong đời sống văn chương
cũng như đời thường. Thỉnh thoảng, ông lại gửi cho tôi một vài tin tức bè bạn
chuyển đến, mà ngay chính tôi cũng chưa được biết, kể cả liên quan đến bản thân
mình như có bài in trong tuyển tập này nọ. Hay như cái lần được bạn bè tặng ông
chiếc láp-tốp, ông cũng gọi điện báo tin vui cho tôi. Bạn bè ít giấu giếm nhau,
mà thường chia sẻ, kể cả chuyện riêng tư. Có khi ông còn là chiếc cầu nối chuyển
những tín hiệu gần xa đến tôi bởi sự tế nhị nào đó.
Đã có lúc, tôi tự hỏi, ví thử không có thơ ca, ông sẽ sống ra
sao? Thơ ca vừa là niềm vui, vừa là chỗ vịn tựa tinh thần của ông, là người bạn
đồng hành trong suốt cuộc đời. Thơ ông hiền lành, giản dị, trong trẻo tình người.
Giữa vòng xoáy nghiệt ngã của thời cuộc, khi còn không ít sự lầm lẫn giữa cái
thật giả, hay dở mà người lương thiện chân chính còn có được chỗ đứng, được ghi
nhận, thậm chí tôn vinh, thì cũng còn là điều đáng mừng. Chật vật là thế, nhưng
ông vẫn kiên trì, lặng lẽ sáng tác, bù đắp lại sự vắng hụt trong cuộc sống đời
thực. Ông viết bằng cái tâm và cái tình, những gì gần gũi quanh mình cùng sách
vở. Ngoài thơ ca thường lệ, ông còn viết thơ trào phúng, một dạo, dạng thơ này
được sử dụng khá cởi mở với cái tên Trần Quốc Minh xuất hiện tương đối quen thuộc.
Ông còn làm thơ cho thiếu nhi, và viết cả truyện mini nữa.
Thế rồi, sức khỏe của ông ngày một giảm sút. Gian phòng
nhỏ hẹp nằm khuất phía sau chỉ vừa đủ chiếc giường một nơi ông nằm cùng vài thứ
vặt cho người ốm. Vậy mà ông vẫn tỉnh táo trò chuyện cùng gia đình, bạn bè cho
đến ngày sức lực cạn kiệt. Nhớ lại ngày đầu năm đến thăm ông, thấy tôi ngồi cạnh
cả vật dụng bất tiện, bà Dậu, vợ ông cứ nhắc tôi ngồi tránh ra ngoài. Người vợ ấy
có biết đâu rằng, bây giờ tôi chỉ ao ước lại ngồi cạnh giường ông nằm, để tâm sự,
cho dù môi trường ấy có bất tiện thế nào chăng nữa.
Mới đó mà bây giờ ông đã ra người thiên cổ. Vẫn biết sinh lão
bệnh tử là luật đời, nhưng sao lại là lúc này, sao lại ở đây, sao lại là ông,
người bạn tâm giao mà đôi lúc ông buột miệng bảo tôi rằng, ông ấy chưa nói hết
câu mà tôi đã hiểu ý ông. Là bởi vì lời nói ra đâu chỉ là vỏ bọc ngôn ngữ thông
thường, đó là sự ký thác tâm tư tận đáy lòng, là sự giao hòa của những suy cảm,
chưng cất qua bao năm tháng của đời người, một giác quan không thể gọi tên, bí ẩn
thiêng liêng và mãi trường tồn.
Hải Phòng, ngày 19/8/2017
hãng hàng không eva air của nước nào
mua vé máy bay đi mỹ hãng nào rẻ
korean airlines vietnam
vé máy bay giá rẻ đi mỹ khuyến mãi
mua vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich