Cái đẹp là của chung, là phạm trù mỹ học mang tính lịch sử. Ở
từng quốc gia, dân tộc, những thời điểm khác nhau, các lứa tuổi và giới
tính khác nhau v.v... có những quan niệm khác nhau về cái đẹp.Tuy vậy để thống
nhất cái đẹp phải là cái hợp quy luật của sự phát triển, được con người trân trọng
và là nội dung giáo dục đào tạo thế hệ kế tục. Cái đẹp gắn với sự hướng thiện.
Con người mới trong văn học nghệ thuật Việt Nam
Xác định rõ con người là nhân vật, đối tượng phản ánh
chính của văn nghệ, trong thời kỳ vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc và bảo vệ Tổ quốc,
công nhân, nông dân, bộ đội (công nông binh) là con người mới. Phản ánh họ là
ca ngợi sự hy sinh vì nhiệm vụ cao cả, là chiến đấu hoặc lao động sản xuất. Văn
nghệ Việt Nam từ những năm 1945 đến 1975 chỉ tập trung vào một đề tài này, chú ý hoặc tạm quên những đề tài khác, ngoài ba thành phần công nhân, nông dân và bộ
đội hầu như không nói đến các thành phần xã hội khác. Ở đâu đó, cho rằng phản
ánh ca ngợi các thành phần xã hội khác như trí thức, doanh nhân là sai, là lệch
lạc.Trong các tác phẩm văn nghệ đó phải là những con người mẫu mực giàu tính lý
tưởng, là sự kiên định trước kẻ thù, là sự lao động quên mình, không có ham muốn
cá nhân, không có những niềm vui nho nhỏ, không phiêu lưu, ngẫu hứng, cũng
không hồ đồ, bồng bột. Đây là thời kỳ của Thép đã tôi thế đấy, của Ruồi trâu và
Lôi phong. Các phim được đánh giá cao ở Liên bang Xô Viết như Khi đàn Sếu bay
qua, Người thứ 41, các truyện ngắn của Aitơmaxốp như Cây phong lan trùm khăn đỏ,
Người thầy đầu tiên... bị phê phán. Bài hát Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu,
Bài thơ biển của Hoàng Vân... được coi là biểu hiện của tính lãng mạn thái
quá. Con người Việt Nam được miêu tả trong các tác phẩm văn nghệ thời kỳ này thật
ra là những biểu tượng. Các tác phẩm đều cố gắng để tạo nên hình ảnh một lớp
người tất cả vì cái chung, là tấm gương sáng cho người thưởng thức văn nghệ học
tập và noi theo. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiệm vụ chính trị thay đổi. Bước
vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với cộng đồng thế giới quan niệm về con người Việt
Nam, nhân vật chính của văn học nghệ thuật đã mở rộng thành phần (tức đối tượng
phản ánh) bên cạnh công nông binh như thời trước nay có thêm trí thức và doanh
nhân, mở rộng nội dung văn nghệ Phản ánh cả cuộc đời riêng các nhân vật, không
chỉ niềm vui, ý chí mà cả nỗi buồn, sự trăn trở vật lộn trong đời sống...
Giữ gìn môi trường sạch đẹp. Ảnh: Vũ Huyến
Thấy rõ sự chuyển biến về nhận thức này qua việc chấp
nhận chính thức, công khai hoặc gián tiếp một số tác phẩm văn nghệ thời tiền
chiến trong âm nhạc, thơ văn Tự lực văn đoàn, phong trào thơ mới, khẳng định
giá trị các bức tranh của Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, tượng của Lê Bá Đảng, cho chiếu
lại các phim Người thứ 41, Khi đàn sếu bay qua... Việc cho xuất bản, dựng thành
phim và chiếu rộng rãi phim dựa theo tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ (nhà
văn sống tại CHLB Đức) là một trong những sự thừa nhận tính đa chiều của con
người trong văn học và nghệ thuật nói chung. Như vậy có thể kết luận: Ở những thời
điểm xã hội và lịch sử khác nhau, nội dung và cách đánh giá về cái đẹp có thể
khác nhau, có cái đẹp của lâu dài vĩnh cửu, có cái đẹp của thời điểm, có cái chỉ
nên khẳng định một lần, vài lần, có cái đẹp mà ca ngợi bao nhiêu cũng không thừa.*
Phản ánh cái xấu để hướng thiện Cái xấu là mặt đối lập, cùng tồn tại và là cái
so sánh để làm bật lên cái đẹp. Cái xấu cũng có thể ngược hoàn toàn với cái đẹp,
nhưng không phải là cái đẹp ít hơn. Cái xấu là cái phản với quy luật phát triển,
cái có hại tới lợi ích của cộng đồng.Cái xấu cũng giống như cái đẹp ở tính lịch
sử xã hội, phụ thuộc vào quan niệm của các dân tộc. Ví dụ chuyện chém lợn, trọi
trâu... là nét lạ, độc đáo phong tục của một lễ hội có yếu tố du lịch tại nước
này nhưng lại được coi là việc làm xấu, dã man theo quan niệm của một dân tộc,
quốc gia khác. Phản ảnh cái xấu, nói hết tận cùng cái khổ, mọi điều bức xúc,
khai thác kỹ các việc làm chưa đẹp, liệu có phải là “bôi đen”?
Nuôi cây trong phong láp vi sinh. Ảnh: Trần Minh Đức
Kết luận này tùy thuộc nhiều vào mục đích của văn
nghệ sỹ. Ví dụ: Cuộc đời gian truân của cô Quyên trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn
Văn Thọ, bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh trẻ người Mỹ Maxon chụp “Mẹ con chị Mùi, cháu
Khảm” sống chật vật ở dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội (đoạt giải ảnh báo chí thế
giới năm 2010), việc các nhà nhiếp ảnh Hà Nội chụp những hành động xấu khi tham
gia giao thông. Những sản phẩm văn nghệ nói trên nêu lên cái bức xúc, cái khó
đang tồn tại trong một xã hội Việt Nam hội nhập, phát triển nhanh nhưng bắt đầu
từ một hạ tầng kinh tế còn thấp. Các nhân vật như Quyên, chị Mùi, cháu Khảm là
người không chịu thua số phận, tìm cách vượt lên và sẵn sàng trước mọi thử
thách là những con người sống lạc quan và hướng thiện. Phản ánh cái xấu như thế
nào là điều rất quan trọng. Xin được kể lại việc tôi chụp bức ảnh Người ăn xin
(tạm đặt tên) vào tháng 9 năm 1985. Có được chiếc ống kính máy ảnh tiêu cự dài
(400mm) sau khi từ Nga về (dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô), tôi đã
chụp một thương binh ăn xin ở chùa Quán Sứ. Một bộ đội bị thương, tay cầm nạng,
tay cầm mũ cối chìa xin một cháu bé mặc quần đùi chừng 5 tuổi. Lúc người ăn xin
khẩn khoản lại là lúc cháu bé quay mặt đi. Ảnh chụp thật, sinh động, nhưng ngay
khi bấm máy và sau khi có ảnh, tôi đã không làm theo lời khuyên của bè bạn là gửi
đăng các báo. Năm 1985, năm Việt Nam rất khó khăn nhưng tôi luôn tin rằng đất
nước Việt Nam sẽ khác, sẽ phát triển, những khó khăn rồi sẽ qua đi, sẽ đến lúc
cháu bé trên ảnh trở thành người lớn thành đạt. Tôi nói với đồng nghiệp: “Thằng
bé này, nếu sau này trở thành người giàu có, hẳn sẽ rất vui khi nhìn thấy tấm ảnh”.
Thật tiếc vì ngay sau lúc chụp tôi đã không lấy địa chỉ của người ăn xin và
cháu bé. Giờ này họ ở đâu, làm gì?Nêu cái xấu, cái khó khăn như thế nào là điều
mỗi nhà nhiếp ảnh, văn nghệ sỹ phải tự cân nhắc sao để có lợi cho cộng đồng. Chụp
cho ai, để làm gì, thời điểm nào, xem ra vẫn là những câu hỏi thường nhật mà mỗi
nhà nhiếp ảnh, người làm báo, người làm nghệ thuật có trách nhiệm trả lời. Cũng
là quan niệm cái đẹp và cái xấu mang tính lịch sử xã hội, một số điều cần xem
xét như trong kiến trúc, cái cũ chưa hẳn đã là cái lỗi thời. Nhiều căn nhà, nhiều
kiến trúc cổ xa xưa đang được phục hồi lại, nhiều sản phẩm văn nghệ bị coi là
không phù hợp thời chiến tranh nay được thẩm định và đề cao như hát xẩm, đờn ca
tài tử... Nhiều đồ dùng cũ, lạc hậu với cuộc sống hiện đại như các loại đồ dùng
giản đơn xe đạp cũ, áo tứ thân, nón lá... có thể trở thành cái đẹp có giá, chí
ít cũng cho một thành phần dân cư nào đó hoài cổ hoặc có thú chơi các bộ sưu tập.
Rõ ràng là cái xấu, cái đẹp mang tính thời gian và liên quan đến mức độ cảm xúc
của người thưởng thức.
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. Ảnh: Trần Thanh
Giang
Con người Việt Nam hôm nay phải như thế nào?
Điều kiện mới (kinh tế, xã hội, công nghệ, sự hội nhập, thuận
lợi và thách thức...) nhu cầu mới (để Việt Nam phát triển tiến nhanh) đòi hỏi
những phẩm chất cần có của một người Việt Nam. Đó là người dành tất cả cho lợi
ích cộng đồng, là người luôn tự phản biện và dám phản biện, vừa làm được vừa
nói được, đấu tranh tích cực và kiên quyết với cái xấu, cái lỗi thời là người sống
tự trọng, sống bằng lao động, là người biết nói lời cảm ơn và xin lỗi, là người
sống khoa học lành mạnh và lạc quan.
Nhiếp ảnh với việc ca ngợi, khẳng định con người Việt
Nam mới?
1-
Phải tổ chức và định hướng sáng tác những gì liên quan đến con người trong xã hội,
trong đời sống riêng tư là nội dung chính của việc chụp, đặc biệt trong lĩnh vực
ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Không khuyến khích và dùng ngân sách Nhà nước để
tổ chức các cuộc thi ảnh theo xu hướng ảnh thư giãn, đèm đẹp, thiếu hoặc không
có giá trị nhân văn, không trao giải cho những tấm ảnh bắt mắt nhưng nhạt nhẽo
“không có cũng được” xuất hiện ngày một nhiều trên các phương tiện truyền thông
hay trong các triển lãm, các bộ sưu tập về ảnh...
Giao lưu văn hóa. Ảnh: Trịnh Thu Nguyệt
2- Con người Việt Nam trong ảnh tới đây phải là con người
thật như đang có trong đời, chứ không phải là con người được dựng lên theo ý của
riêng tác giả. Thật buồn cười là cho đến hôm nay, vẫn có người cho rằng nếu chụp
nông thôn mới thì trên bức ảnh phải có đầy đủ: Nhà mái ngói, có ăng ten TV,
trên ruộng phải có máy cày, máy gặt, ở bờ ruộng phải có vài chiếc xe máy và nếu
chụp lúa thì phải là lúa chín vàng. Cách thể hiện giản đơn có phần ngây ngô như
hồi chiến tranh, rất tiếc vẫn đang còn là thói quen của không ít người cầm máy ảnh.
3- Không chấp nhận tô hồng, khuyếch trương, làm rùm beng cái
cho là đẹp, không chấp nhận các thủ pháp làm lệch, sai, méo mó hiện thực mà khá
nhiều người cho là “sáng tạo”. Việc một số ảnh được đánh giá cao về đề tài chiến
tranh của nhiếp ảnh Việt Nam gần đây bị phát lộ do chỉnh sửa, bị nhiều cơ quan
truyền thông quốc tế phản đối... là bài học lớn cho những ai muốn ngợi ca phản
ánh cái đẹp bằng cách tô hồng, dùng photoshop để khoe khoang.
4- Chụp làm tài liệu cho hiện tại, hôm nay và cho cả mai
sau.Việt Nam hiện có không ít bảo tàng, có từ lâu hoặc xây mới nhưng hầu như rất
vắng hoặc thiếu tài liệu và hiện vật. Nếu trong quá khứ nhà nhiếp ảnh nào cũng
nhớ nhiệm vụ mình là người thu thập tài liệu cho mai sau, luôn chụp theo kiểu
“Võ An Ninh” (thấy gì chụp được là cứ chụp) thì hiện chúng ta có biết bao nhiêu
tài liệu quý. Bảo tàng báo chí cách mạng Việt Nam mới được xây dựng nhưng thiếu
bao nhiêu tư liệu. Nếu hồi chiến tranh, các phóng viên nhiếp ảnh không chỉ chụp
ảnh để đăng báo mà còn chụp cả các đồng đội của mình đang tác nghiệp... thì hẳn
bây giờ có nhiều hình ảnh quý về các nhà báo lão thành mà nhiều người đến nay
không còn nữa... Thật là tiếc.
Vũ Huyến
Trả lờiXóavé máy bay eva air
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu tiền
korean airline
vé máy bay đi mỹ rẻ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Tri Thức Du Lịch