Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Bàng Bá Lân (1912 - 1988)

Bàng Bá Lân (1912 - 1988)
Bàng Bá Lân
Nguyễn Xuân Lân
(17/12/1912 Bắc Giang - 20/10/1988 Sài Gòn)
Hưởng thọ 76 tuổi
Nhà thơ, Nhà giáo, Nhà nhiếp ảnh
Trăng quê
Trời cao, mây bạc, trăng tròn
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Bàng Bá Lân
1934
Bàng Bá Lân (1912-1988), tên thật là Nguyễn Xuân Lân; là nhà thơ, nhà giáo, nhà nhiếp ảnh. 
Tiểu sử
Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1912 ở phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, chính quán của ông lại là làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Năm 1916 - 1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.
Năm 1920 - 1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu.
Năm 1929 - 1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên Tiếng thông reo.
Trước Cách mạng tháng Tám ông đã có những tác phẩm: Tiếng thông reo(1934), Xưa (hợp tác với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), Tiếng sáo diều (1939 - 1945).
Ông di cư vào Nam năm 54, dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san tại Sài Gòn và xuất bản thêm: Để hiểu thơ (1956, Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).
Năm 1969, xuất bản các tập truyện: Người vợ câm, Vực xoáy, Gàn bát sách (phiếm luận) và tập thơ Vào thu. Ông cũng cho in hai quyển sách Kỷ niệm văn I,II, thi sĩ hiện đại cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san Bông Lúa vào thập niên 1950 ở Sài Gòn.
Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại quyển III, hồi ký Trọn đời cho thơ (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân Anh em Lumière, ông tổ nhiếp ảnh, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ v.v.
Trong lãnh vực nhiếp ảnh, Bàng Bá Lân cũng tỏ ra là một người có tài năng. Ông từng đoạt những giải thưởng, như: Giải Agfa-Việt báo (Hà Nội, 1937), giải nhì cuộc thi ảnh tạo phủ Thống sứ Bắc Kỳ (1938), huy chương của La Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie (tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp) ở Paris (1939), giải thưởng Ferrania (1953); giải thưởng Triển lãm Tuần lễ Văn nghệ Sài Gòn (1955)...
Các tác phẩm nhiếp ảnh của ông từng được triển lãm ở Hội quán Hội Trí Tri, (Hà Nội,1939),Bologna(Ý, 1952),Antwerpen (Bỉ,1953), Paris (Pháp, 1953), Singapore (1953), Cuba (1954), Rochester (Mỹ, 1956)...
Ngày 20 tháng 10 năm 1988, Bàng Bá Lân qua đời tại Sài Gòn, thọ 76 tuổi.
Đôi nét về văn nghiệp 
Hai nhà nghiên cứu Hoài Thanh và Hoài Chân nhận xét về thơ Bàng Bá Lân như sau: "Đồng quê xứ Bắc đã gây cảm hứng cho nhiều nhà thơ. Nhưng mỗi nhà thơ xúc cảm một cách riêng... Bàng Bá Lân không có cái tỉ mỉ của Anh Thơ, không nhìn đủ hình dáng đời quê như Anh Thơ. Anh Thơ có khi nhìn cảnh không mến cảnh, Bàng Bá Lân có khi lại mến cảnh quên nhìn, nhưng đã lưu ý đến cảnh nào, Bàng Bá Lân thường lưu luyến cảnh ấy. Như khi người ta tả một buổi sáng:
Cổng làng rộng mở. Ồn ào 
Nông phu lững thững đi vào nắng mai......
Bởi thế có lúc người đã cảm được hồn quê vẫn bàng bạc sau cảnh vật"...
Trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng có nhận xét tương tự: "Thi sĩ Bàng Bá Lân là một nhà thơ đồng quê nổi tiếng, thường ghi lại những nếp sinh hoạt của người dân miền thôn dã. Một buổi chiều mùa hạ, cảnh hoàng hôn vào độ cuối thu, một miền đất Cà Mau trù phú, một đế đô Hà Nội mến yêu vv...là đề tài chính của thi sĩ nên được giới yêu thơ tặng cho danh hiệu "nhà thơ của đồng áng", thiết tưởng không có gì quá đáng.Ngoài khía cạnh độc đáo nhất của nhà thơ họ Bàng-loại thơ đồng quê. Đến đây chúng tôi xin nói đến phần khác: "thi ca tình yêu". Về loại này, Bàng Bá Lân không có nhiều...Tuy nhiên trong số ít đó, ông cũng tỏ ra có một giọng thơ "mướt" khi tỏ tình yêu, nhưng là thứ tình yêu nhẹ nhàng của người Á Đông, dù yêu tha thiết cũng không bộc lộ sỗ sàng, nó phải là thứ "tình trong như đã mặt ngoài còn e, như:
Buổi một nàng qua dưới mái hiên
Đường mưa in một gót chân tiên
Ta nhìn theo bước đi ren rén
Bỗng cả lòng yêu náo nức liền... 
Từ ấy trên đường loang loáng mưa
Tìm hoài đâu thấy gót chân xưa!
Đường mưa bao gót chân mưa bước,
Gợi mãi tình yêu buổi dại khờ!
(trích "Tình trong mưa", 1942)
Sách đã xuất bản
Với bút danh: B.Blan
1
Tiếng Thông Reo
Thơ, 1934
tập thơ Tiếng thông reo (được ký với bút danh B. Blan) đã bị Lê Ta (bút hiệu của Thế Lữ) “đập” cho tơi bời khói lửa trong mục Cuộc điểm sách: Tiếng thông reo của B. Blan trên báo Phong hóa (số 137, ra ngày 22-2-1935):
“B. BLAN? Tên chi lạ dữ vậy?

B. Blan là tên một người làm thơ Việt Nam bằng giọng Tây. Cho nên Tây ở cái tên và Tây ở cả những chữ đề đầu các bài thơ quốc ngữ.
Trên đường rấn bước, ông đề là: Tren dương ran buoc; Một đêm mơ là mot dem mo; Dưới đèn là duoi den; Em gọi dầu hay Em gội dầu, hay Em gội đầu là Em goi dâu, mặc ai muốn đoán thế nào thì đoán. Nhưng khó đoán nhất là hai câu đề: Vuon cu nao dau, co hai dau và Rau mat. Vuon cu nao dau, có lẽ là Vươn củ nào đâu, cô hai đầu, không thì ít ra cũng là Vườn củ nào đau, cô hai đâu? Còn Rua mat, đích thị là Rủa mát.
Nói vậy mà chơi đó thôi! Tôi muốn tìm một cớ để bỡn cợt riêng ông Bè Bờ Lăng chút ít, chứ nếu lối đầu đề khôi hài trên này đáng trách thì tôi đã trách cả những chữ Bo biên, Em la, Tho o, Gio giang vui, Tinh chan that, Noi dau long… của những cuốn Tình em và Dưới trăng kia rồi. “Bo biên” tôi sẽ chế là Bò biển; “Tho o” là Thó o; “Gio giang vui” là Giở giang vui; mà “Noi dau long” thì tôi gọi là Nồi đậu lỏng…
Nhưng nếu lại không nói lôi thôi thế, thì tôi còn biết nói chi về cuốn Tiếng thông reo được nữa. Chả nhẽ chỉ phê có độc một chữ “soàng”? Mà cái soàng, thì không phải là cái hay để mà ca tụng, cũng không phải là cái dở để mà bực mình. Người ta thản nhiên giở sách ra, thản nhiên đọc hết trang nọ đến trang kia, thản nhiên gấp sách gạt sang một bên, không động lòng, nhưng không tức giận. Và ngẫm cho cùng thì văn thơ của ông B. Blan cũng không đến nỗi soàng đến thế.
Bởi vì, ngoài những câu tả không đúng như:
Ai oán thông già rên cạnh suối…
Thông ào ào réo ngỡ mưa tuôn.
Ngoài những câu mộc mạc như:
Bên lửa, nàng lôi khách lại gần (!)
Này chén chè ngon, anh hãy uống,
Rồi cơm canh nóng sẽ cùng ăn.

Hoặc mập mờ, bối rối như trong bài thơ Thú quê, lôi thôi lúng túng như bài Gẩy rơm với những câu:
Ngạc nhiên nhưng vẫn đứng im,
Rồi hai cặp mắt cùng nhìn ngẩn ngơ…
Ngậm ngùi sẽ hỏi vì đâu hỡi nàng?
Vì đâu em chẳng ở làng,
Lại ra ở chốn đồng hoang thế này.

Lủng củng như bài Đêm qua với cảnh:
Gió gào thét. Mưa xa nặng hạt,
Gió đưa mưa “thăm” quán tơi bời.
Lá đa rụng nặng rơi lốp đốp,
Bần sẽ rên thảm thiết: trời ôi!!! (!!!)

Và ngoài những câu thơ ép, nặng nề, tỏ ra tác giả không cần chọn chữ đúng và mặc thây cả vần thơ (thiêng liêng với trầngian, mắt sáng với âu yếm, sóng với thẳm, gió lạnh với sương đọng, v.v…), ngoài những lỗi đó, tác giả cũng tìm được một vài ý hay, cảnh đẹp, một vài nét bút đơn giản, nhẹ nhàng khiến cho người đọc ngạc nhiên:
“Bờ ao thu, trăng đọng cành sương”…
… Bên bờ thu biếc, khóm phù dung
Soi bóng hồ thu ngắm nước trong.
“Hứng gió rũ sương thu gội lá”…
… Nắng uống sương mai, gội gió thu.

Và bài Chiều thu với hai câu sau cùng:
Nước trong xanh nhạt in đôi bóng,
Một cặp thuyền nan lặng thả câu.

Là những câu có đặc sắc nhất trong cả cuốn thơ của ông B. Blan.
Ông B. Không phải là không có tâm hồn thơ. Ông biết cảm động trước những hình sắc thường có ở trước mặt mọi người. Nhưng chỉ có người làm thơ là chú ý tới. Ông biết trông những nét ánh trăng lóng lánh trong nước chậu thau rửa mặt, biết thấy cái buồn ngao ngán, tịch mịch của lớp nhà tranh bên khóm chuối, bên rặng cau lúc trưa hè; biết tìm vẽ những cảnh êm đềm trong một gia đình yên lặng: bà dừng kim khâu, cháu thôi nghịch đến bên bà, con mèo vờn cuộn chỉ hay con vện nằm ngoài hiên. Ông cũng thấy lòng rung động khi nghe tiếng ve mùa hạ kêu gào làm rung rinh ánh nắng gay gắt, làm thở dài làn gió trong cành sấu mốc rêu…
Rồi ông ví thân thi sĩ chẳng khác gì thân ve, hút gió ăn sương để ca nên những khúc não nùng cho đến ngày thu cây rủ lá vàng, ve ở trên cành chỉ còn là cái xác.
Đời thi sĩ ngẫm xem nào có khác,
Kiếp ve kia rút ruột hiến ai ai.
Khúc đàn tâm lựa gẩy để người vui,
Mà riêng chịu nỗi thất vọng, đau thương, lời chế bác…
Rồi mực cạn, bút cùn, tơ lòng tan nát,
Với thời gian, đời sẽ dần quên!
Lòng khách thơ lại đau đớn, đeo thêm,
Một mối hận cuối cùng! Ôi! Nghề đen bạc!

Lời thơ thiết tha, êm ái, và thành thực, dẫu tôi chẳng phải là thi sĩ, nhưng trong lòng cũng thấy buồn bã một cách nhẹ nhàng… Ồ, giá cả cuốn thơ, tác giả cũng cho nghe những điệu như thế có hơn không? Món ăn cuối cùng tuy ngon, nhưng người ta vẫn còn chưa quên khó chịu về những món khó tiêu trước”...
Lê Ta 
(Bút hiệu của Thế Lữ)

2

Vào Thu
Thơ
3
Thơ
4
Xưa

Thơ 1941
Anh Thơ và Bàng Bá lân 
5
Vực Xoáy
Truyện Dị Thường
6

Văn Thi Sĩ Hiện Đại
Tập 1
7

Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại
tập 2
8

Gàn Bát Sách
9
10
Thầy Giáo Làng
Sách dịch
11

Phương Pháp Giáo Dục Mới
Sách dịch
12
Bài thơ nổi tiếng về năm Ất Dậu
ÐÓI

Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi 

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương! 

Những thây ma thất thểu đầy đường, 

Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói! 
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội, 
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm. 
Khắp đường xa những xác đói rên nằm 
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp. 
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt 
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma; 
Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa 
Như muốn bắt những gì vô ảnh, 
Dưới mớ tóc rối bù và kết bánh, 
Một làn da đen xạm bọc xương đầu. 
Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu, 
Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc. 
Già trẻ gái trai không còn phân biệt, 
Họ giống nhau như là những thây ma, 
Như những bộ xương còn dính chút da 
Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí! 
Mùi nhạt nhẽo nặng nề kỳ dị, 
Một mùi tanh lộn mửa thoảng mà kinh. 
(Mùi tanh hôi ám ảnh mãi bên mình 
Khiến cả tháng ăn không còn ngon bữa). 
Những thây đó cứ xỉu dần tắt thở, 
Nằm cong queo mắt vẫn mở trừng trừng. 
Trông con ngươi còn đọng lệ rưng rưng, 
Miệng méo xệch như khóc còn dang dở. 
Có thây chết ba hôm còn nằm đó, 
Ruồi tám phương bâu lại khóc vo vo... 
Rồi ven đường đôi nhát cuốc hững hờ 
Đắp điếm vội những nấm mồ nông dối! 
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội, 
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm. 
Rải ven đường những nấm mộ âm thầm 
Được đánh dấu bằng ruồi xanh cỏ tốt. 
Có nấm mộ quá nông trơ hài cốt, 
Mùi hôi tanh nồng nặc khắp không gian. 
Sau vài trận mưa, nước xối chan chan, 
Ôi, thịt rữa xương tàn phơi rải rác! 
Tại Hà Nội cũng như bao tỉnh khác, 
Những thây ma ngày lết đến càng đông; 
Đem ruồi theo cùng hơi hớm tanh nồng, 
Rồi ngã gục khắp đầu đường cuối ngõ. 
Thường sớm sớm cửa mỗi nhà hé ngỏ, 
Rụt rè xem có xác chết nào chăng! 
Từng chiếc xe bò bánh rít khô khan 
Mỗi sáng dạo khắp nẻo đường nhặt xác. 
Xác chồng chất lù lù như đống rác, 
Đó đây thò khô đét một bàn chân 
Hay cánh tay gầy khô đét teo răn 
Giơ chới với như níu làn không khí, 
Như cầu cứu, như vẫy người chú ý... 
Có hơi thở tàn thoi thóp chưa thôi, 
Có tiếng cụa mình, tiếng nấc... Những tròng ngươi 
Nhìn đẫm lệ người chôn người chửa chết! 
Bốn ngoại ô mở ra từng dẫy huyệt 
Được lắp đầy bằng xác chết... thường xuyên. 
Ruồi như mây bay rợp cả một miền... 
Chết! Chết! Chết! Hai triệu người đã chết! 
Họ là những người quê non nước Việt, 
Sống cần lao bên ruộng lúc đồng khoai. 
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi, 
Nước Việt sống nhờ mồ hôi họ đổ. 
Năm ấy, thuở Nhật, Tây cùng đô hộ, 
Chúng thi nhau cướp lúa của dân ta. 
Hết lúa rồi, hết sạch cả khoai ngô; 
Hết củ chuối, hết nhẵn khô cả sắn! 
Ngày giáp hạt không còn chi để nhấm, 
Đói cháy lòng, đành nhá cả mo cau; 
Nhá cả bèo và nuốt cả khô dầu! 
Đói! đói! đói! Người nhao lên vì đói! 
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội, 
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm. 
Tạm biệt quê hương, lê gót âm thầm 
Trên rải rác mọi nẻo đường đất nước. 
Từng gia đình dắt díu nhau lê bước 
Đi lang thang mong sống tạm qua ngày. 
Đợi lúa lên hương, bông trĩu đầu cây. 
Hơn tháng nữa sẽ hồi cư sẽ sống! 
Nhưng đau đớn hỡi ơi là ảo mộng! 
Họ ra đi hy vọng có ngày về! 
Nhưng chẳng bao giờ về nữa, hỡi người quê. 
Dần lả gục khắp đầu đường xó chợ! 
Cùng lúc ấy cũng trên đường rộn rã, 
Từng đoàn xe chuyên chở thóc vàng tươi. 
Thóc của dân đen, thóc của những người 
Đang chết đói vì thực dân cướp thóc. 
Thóc chúng cướp phần vung xài huy hoắc, 
Phần chúng đem để mục nát trong kho! 
Ôi, đau thương, chưa từng thấy bao giờ... 
Trong lịch sử chưa bao giờ từng có! 
Hai triệu người, vì thực dân, lìa bỏ 
Nước thân yêu, oan uổng chết đau thương, 
Trong lúc đầy đồng bát ngát, ở quê hương, 
Lúa mơn mởn đang ra đòng trổ trái, 
Lúa trĩu hạt vàng tươi sai gấp bội, 
Ngạt ngào thơm báo hiệu ấm no vui. 
Nhưng người đi không về nữa, than ôi! 
Lúa chín gục, chẳng còn ai gặt hái!... 
Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối! 
Quên làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng! 
Quên làm sao mối thù hận khôn cùng! 
Quên sao được hai triệu người chết đói! 
Năm Ất Dậu tháng ba, còn nhớ mãi, 
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương! 
Những thây ma thất thểu đầy đường. 
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói! 
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội, 
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm!...
Bàng Bá Lân
(Tháng Năm 1957)
Tham khảo thêm về tác giả Bàng Bá Lân
HUYỀN VIÊM * 
VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ THƠ BÀNG BÁ LÂN
Năm 1965. Một buổi chiều mùa hạ đẹp trời trước ngày nghỉ hè, anh chị em nhà giáo chúng tôi quây quần trong phòng giáo sư trường Lê Bảo Tịnh, một trường rất lớn ở Sài Gòn, vui vẻ nghĩ đến những ngày được nghỉ ngơi sắp tới sau một năm trời dạy học. 
Mọi người chuyện vãn râm ran, kẻ uống trà, người rít thuốc lào trong khi chờ đợi bữa tiệc chia tay hằng năm do nhà trường khoản đãi giáo sư và nhân viên như thường lệ.
Chợt anh Giám học Chu Đăng Sơn nhìn vào một người và vui vẻ hỏi:
- Thế nào, nhà thơ Bàng Bá Lân, anh có bài thơ mới nào ngâm lên cho anh em thưởng thức với chứ!
Bấy giờ tôi chưa biết Bàng Bá Lân. Anh này quay lại cười trừ:
- Dạy mệt bỏ xừ, làm gì còn thơ với thẩn!
Thì ra đó là tác giả “Tiếng thông reo”.
Anh Chu Đăng Sơn chỉ vào tôi và giới thiệu:
- Còn đây là Huyền Viêm, cũng là nhà thơ đấy.
Đồng thanh tương ứng, nhà thơ Bàng Bá Lân vui vẻ tiến đến nồng nhiệt bắt tay tôi:
- Tôi đọc thơ anh đã lâu trên các tạp chí Đời Mới, Phổ Thông, Thẩm Mỹ, Văn Nghệ Tiền Phong,tiếc rằng đến nay mới gặp.
Tôi quen Bàng Bá Lân từ đấy.
Thời gian sau, anh Lân mời tôi đến nhà chơi. Gia đình anh sống trong một căn nhà nhỏ có sân trồng cây cảnh ở quận Phú Nhuận. Anh làm việc cật lực, dạy nhiều trường để nuôi một gia đình đông con, cuộc sống của anh thanh bạch nhưng vui vẻ và ấm cúng. Vợ anh, chị Phạm Kim Thuần, là một phụ nữ rất tốt. Chị tất bật, tần tảo lo cho chồng, cho con hơn là nghĩ đến mình.
Bấy giờ giáo sư trường công dạy nghĩa vụ mỗi tuần chỉ 18 tiếng mà anh Lân gánh từ 40 đến 48 tiếng một tuần tại các tư thục, thời khóa biểu kín hết, chỉ trống ngày chủ nhật. 
Được cái là lương ở các tư thục rất cao, lương của một giáo sư trung bình tương đương từ một đến hai lượng vàng mỗi tháng tùy theo dạy nhiều hay ít, có tên tuổi hay không (hồi đó vàng rất rẻ). Còn các giáo sư tầm cỡ như Nguyên Sa Trần Bích Lan thì đi dạy bằng ô-tô là chuyện bình thường. Vì thế hồi đó nhiều giáo sư chệ trường công, chỉ thích dạy trường tư và các giáo sư trường công cũng tìm cách kiếm giờ ở trường tư để dạy thêm vào những ngày rảnh rỗi.
Anh Lân nỗ lực làm việc trong năm bảy năm thì mua được nhà vì nhà ở Sài Gòn hồi ấy rất rẻ, chỉ vài chục lượng vàng đã có thể mua được một căn nhà mặt tiền khang trang, sạch đẹp. Từ đó chúng tôi thường đến thăm nhau để đàm đạo chuyện văn chương. Khi đã thân nhau rồi, chúng tôi thường rủ nhau ghé quán cà phê sau khi tan học buổi chiều. Một bữa, giữa lúc vui chuyện, anh đột ngột hỏi tôi :
- Trong số thơ tôi, anh thích bài nào nhất?
Câu hỏi thật khó trả lời vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi thật thà đáp:
- Thơ anh tôi thích nhiều bài : Cổng làng nè, Hồ Xuân Hương nè, Giai nhân nè...nhung khó mà nói thích bài nào nhất...... Như chợt nhớ ra điều gì, tôi ngừng lại :
- Nhưng bài gây cho tôi nhiều ấn tượng là bài“Sông Thương”....
Không để tôi nói hết, anh nhổm dậy, reo lên:
- Vậy sao? Bài ấy tôi cũng rất thích, nhưng thất lạc đâu đó, tôi chưa tìm ra. Mà tôi cũng quên mất mấy câu. Anh có thể đọc cho tôi nghe không?
May là vì rất thích bài ấy, đọc nhiều lần nên thuộc, tôi bèn đọc cho anh nghe:
Một lá thuyền thơ thả tắm trăng,
Nước về đâu mãi, chảy xuôi dòng.
Sông Thương đôi ngả, này cô lái,
Hãy ghé cho vào bến nước trong! (1)
Đôi mảnh hồn quê quá ngẩn ngơ,
Sinh nhầm thế kỷ, lạc tìm mơ.
Nhìn ra trời nước dềnh nghiêng ngả,
Say rượu hay là say ý thơ?
Trời nước này đây hai mảnh trăng,
Vài ba lửa đóm ngỡ sao băng.
Đôi chèo vỗ sóng ngờ sênh phách,
Tưởng gái Tầm Dương ghé đãi đằng.
Có tiếng đêm dài khóc ở đâu,
Dế ven sông kéo nhị âu sầu.
Đôi bờ lăng lắng muôn tai lá,
Nước chở hồn sông dạt bãi dâu....
Anh lim dim đôi mắt, lắng nghe thơ mà hồn như mơ về tận sông Thương ở Bắc Giang một mùa thu năm cũ. Khi tôi ngừng lại, anh mở mắt ra, buông một tiếng thở dài. Bài thơ toát lên một nỗi buồn mênh mang sâu lắng.
Đến lượt tôi hỏi:
- Anh đọc nhiều thơ tôi, vậy anh thích bài nào nhất?
Anh đáp, không cần suy nghĩ:
- Bài “Lá thư về Bắc” đăng trên tạp chí Đời Mới (2). Bài thơ gợi cho tôi tình hoài hương sâu sắc và khiến tôi nhớ tới Đinh Hùng.
Một buổi chiều thứ bảy gần Tết âm lịch năm Mậu Thân (1968), anh hẹn tôi sau giờ tan học buổi chiều ghé quán cà phê gần trường để nói chuyện thơ. Tôi ngồi ở phòng giáo sư chờ anh mãi nhưng không thấy. Chuông tan học đã lâu mà anh vẫn chưa xuống. Năm giờ, 5 giờ 15 rồi 5 giờ 30 mới thấy anh lò dò xuống, rối rít xin lỗi tôi vì đã trễ hẹn mất nửa giờ. Hỏi ra mới biết hôm ấy anh dạy Việt văn lớp 12, đến đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, anh say sưa giảng quá giờ mà không hay, đến khi học trò nhắc anh mới sực tỉnh. Chả là nhà trường có hậu ý bố trí cho các lớp 12 sắp thi tú tài học trên lầu cao nhất để tránh tiếng ồn ào ở dưới sân, vì thế nhiều khi chuông reo mà thầy trò không nghe. Mê văn chương như anh kể cũng hiếm.
Thấm thoắt đã đến ngày Sài Gòn giải phóng. Bấy giờ các nhà giáo chúng tôi chỉ được đăng ký dạy tai một trường, chứ không được dạy nhiều trường như trước nữa. Anh và tôi cùng đăng ký dạy tại trường Hưng Đạo, một trường lớn vào bậc nhất Sài Gòn vì trước đó chúng tôi đã từng dạy ở đây.
Những năm đầu sau giải phóng, lương hướng nhà giáo thật khiêm tốn, đời sống thiếu thốn là chuyện tất nhiên. Năm 1978 còn sống dưới chế độ bao cấp, tình hình kinh tế rất khó khăn, các nhu yếu phẩm đều được phân phối với giá rẻ.
Một hôm, ban đời sống của nhà trường thông báo mới nhận được một số lốp (vỏ) xe đạp nhưng hàng ít, người đông nên phải bốc thăm vào chiều hôm sau. Chẳng may hôm ấy anh Lân bị ốm, nên nhờ tôi bốc thăm hộ. Lần thứ nhất bốc thăm cho tôi : thăm trắng ! Lần thứ hai bốc thăm cho anh thì thăm trúng. Hai hôm sau, anh đi dạy lại, tôi trao cái lốp xe cho anh, anh mừng rỡ, mắt sáng lên khiến tôi vô cùng cảm động. Ngày nay cái lốp xe đạp có đáng gì nhưng hồi ấy rất quí đối với bọn nhà giáo chúng tôi vì xăng được phân phối mỗi tháng chỉ có 3 lít, còn chợ đen thì bán giá trên trời nên xe máy đành phải trùm mền, chỉ còn biết dùng xe đạp.
Bàng Bá Lân cũng là người có tính hài hước. Năm 1985, trong một buổi họp mặt các nhà giáo còn dạy hay đã nghỉ, vốn là bạn cũ của nhau, anh Phan Thanh Đức than phiền:
- Không hiểu sao ngày nay học trò hỗn láo quá, chẳng coi thầy cô ra gì cả.. Còn đâu là tinh thần “tôn sư trọng đạo”....
Anh Lân chợt ngắt lời:
- Anh nói sai rồi. Phải nói là “tôn viên trọng đạo” mới đúng chứ!
- Tại sao?
- Anh không thấy ư? Hiện nay trong cả nước, hơn chín chục phần trăm là giáo viên, còn không đầy mười phần trăm là giáo sư, vậy theo đa số phải nói là “tôn viên trọng đạo”.
Mọi người phá ra cười.
Bàng Bá Lân là vậy đó. Làm thơ hay, rất vui tính, tử tế và thân mật với bạn bè nên ai cũng mến. Thấm thoắt mà anh bỏ chúng ta đến hai chục năm rồi (1988-2008). Mỗi lần nghĩ tới anh là tôi nhớ đến một nhà thơ tài hoa, một nhà giáo nghiêm túc với vầng trán cao, đôi mắt sáng, nụ cười hiền dễ gây thiện cảm với mọi người.
Hôm đưa đám anh, các nhà giáo và học sinh đưa tiễn khá đông. Lướt qua hàng nữ sinh, tôi ngước nhìn lên thì thấy trên mắt các em long lanh hai hàng lệ. Ai nấy đều ngậm ngùi thương tiếc một nhà giáo tâm huyết, một nhà thơ có tài mà không được nằm xuống ở quê hương, nơi có dòng sông Thương thơ mộng mà anh từng mến yêu và ca ngợi.
Ghi chú:
(1) Con sông Thương nước chảy đôi dòng, một bên đục, một bên trong. 
(2) Bài thơ này có đăng trên Newvietart, phần Thơ Nhạc.
MỘT BÀI THƠ HAY CỦA BÀNG BÁ LÂN
GIAI NHÂN  
Giai nhân nan tái đắc
Lý Diên Niên
“Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (*),
Đọc sách mười năm chẳng gặp mình.
Chỉ thấy những tên xinh đẹp quá :
Tây Thi, Bao Tự, Thôi Oanh Oanh.
Ta thả hồn si lạc bốn trời,
Đi tìm người đẹp khắp nơi nơi.
Biết bao mong đợi, bao thương nhớ,
Mơ vẫn hoàn mơ, ôi lẻ loi! 
Nhưng một chiều thu nắng trải vàng,
Trời xanh mây bạc lượn lang thang.
Ta đi tìm hứng trên hè phố
Rẽ một đường quanh, bỗng gặp... Nàng!
Từ đáy lòng ta thốt tiếng “Ôi !”,
Có chi đổ vỡ ở trong người.
Tay chân bủn rủn, hồn ngây ngất,
E lệ trào lên cả mắt môi!
Tóc biếc mây nhường, trán sáng cao,
Môi son he hé nụ anh đào.
Cổ thiên nga nõn, hàm răng ngọc,
Mũi thẳng, cằm thon, mắt ánh sao.
Nàng chỉ nhìn ta một thoáng nhanh
Mà như trao gửi biết bao tình.
Ngã ba sắp khuất, còn quay lại:
Một liếc xiêu xiêu cả vạn thành!
Ôi! Kiếp con tằm, kiếp nhả tơ,
Bao năm tìm kiếm, gặp tình cờ,
Để mà mơ ước, mà thương tiếc:
Em lấy chồng, anh mãi dệt thơ!
Muôn đời thi sĩ với giai nhân
Gặp gỡ dù cho chỉ một lần,
Thơ mộng ngàn năm vang bóng mãi,
Cho ngàn năm mãi mãi bâng khuâng!
BÀNG BÁ LÂN
(Trong tập “Vào thu”)
(*) Thư trung hữu nữ nhan như ngọc: trong sách có cô gái mặt đẹp như ngọc...
Bàng Bá Lân
Vũ Hối vẽ
Thông tin thêm
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Có ý kiến cho rằng hai câu ca dao trên chính là thơ của ông, và nguyên bản của nó như sau:
Hỡi cô tát nước bên đàng 
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi.
Hãy trả thơ về cho Bàng Bá Lân! 
TP - Hai câu thơ của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân; và nguyên văn của nó chắc chắn là: “Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi” chứ không phải “Múc ánh trăng vàng đổ đi"
Năm 1972, một anh bạn rủ tôi đến thăm nhà thơ Bàng Bá Lân ở một cái hẻm lớn trên đường Công Lý, Sài Gòn. Hôm ấy là Chủ nhật, ông không phải lên lớp (ông dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn).
Thực ra, trước khi gặp ông, tôi cũng đã biết đến ông, một nhà thơ tiền chiến quê Bắc Giang, ông nói với tôi là đồng hương. Tôi còn biết ông phụ trách một tiết mục trên đài truyền hình Sài Gòn hồi đó. 
Tiết mục mà ông phụ trách là trưng ra nhiều bức hình tư liệu về đời sống, sinh hoạt của mọi tầng lớp dân chúng ở miền Bắc trước năm 1955 như: xe thồ, đi dân công, chống lụt ở vùng chiêm trũng… 
Ông có vóc người trung bình, nhanh nhẹn, trang phục bình dân, giản dị. Ông nói chuyện với chúng tôi về thời sự, kinh tế, rồi văn học, văn chương truyền miệng, thơ… 
Ông thuộc rất nhiều, giọng đọc thơ rất hay. Ông đọc từ thơ tiền chiến đến thơ Đường, thơ Pháp. Nghe ông đọc, như bị thôi miên. Chờ khi ông ngừng nghỉ một lát, tôi mới nói chen vào, rằng trong ca dao Việt Nam tôi rất thích hai câu:
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc trăng vàng đổ đi”.

Tức thì nhà thơ ngắt lời tôi. Ông bảo hai câu thơ đó là trích trong một bài thơ lục bát gồm 12 câu của ông. Rồi ông đọc liền một mạch cả bài thơ đó. Nhưng ông sửa lại câu 8 mà tôi vừa dẫn trên là:
“Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi”
Và ông giải thích: Người ta không thể “múc ánh trăng vàng” mà là “múc trăng vàng” ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái trong câu ca dao, dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước.
Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng cao cũng đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó. Trường hợp này cũng tương tự trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ.
Bài thơ có câu: “Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”. Ở đây con hổ không hề đứng ngửa mặt lên trời để uống ánh trăng trong không khí mà là uống trăng tan trong dòng suối sau khi đã “say mồi”.
Nghe nhà thơ giảng nghĩa như vậy, chúng tôi từ chỗ ngỡ ngàng đến khâm phục. Hai câu thơ trên là của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân; và nguyên văn của nó chắc chắn là: “Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi” chứ không phải “Múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Mãi về sau này cũng có một vài người lên tiếng công nhận hai câu ca dao trên là của Bàng Bá Lân, trong đó có Giáo sư Huyền Viêm có bài đăng trên “Kiến thức ngày nay”.
Tuy nhiên, chưa có ai chỉ rõ sự khác nhau giữa: “Múc ánh trăng vàng” và “Lại múc trăng vàng” như vừa nêu trên. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do tam sao thất bản.
Rằng, quyển “Ca dao tục ngữ Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Phan có in hai câu ca dao trên được xuất bản sau năm 1955 ở miền Bắc, còn tác giả của nó tức là nhà thơ Bàng Bá Lân lại di cư vào Nam từ năm 1954. Vì thế nhà thơ không được đọc quyển sách biên khảo của Vũ Ngọc Phan, không thấy sự nhầm lẫn đáng tiếc kể trên để lên tiếng cải chính.
Từ đó đến khi ông mất (1988), tôi chưa hề được gặp lại nhà thơ Bàng Bá Lân. Thỉnh thoảng gặp vài người bạn cố tri có lòng yêu mến văn chương, tôi lại đem tâm sự trên kể cho họ nghe. Suốt thời gian dài ấy, tôi cứ lòng dặn lòng bất cứ khi nào có dịp tôi sẽ đưa niềm tâm sự đó lên mặt báo. Rằng, nếu chưa làm được điều này thì tôi còn day dứt chưa yên. Rằng, món nợ tinh thần với nhà thơ đồng hương vẫn chưa trả được. 
Bắc Giang, tháng 6/2007 
Hoàng Chí Quang
6 Lê Lợi, T.T Chũ Lục Ngạn, Bắc Giang 
 
 
Bàng Bá Lân
NGUYỄN NHƯỢC PHÁP

Mùa đông năm 1934, tôi thường lui tới nhà in Lê Cường ở 88 phố Huế, Hà Nội để sửa bản in thử (morasse). Hồi đó tôi đang cho in tập thơ đầu tay: “Tiếng thông reo”. Lần sau, cùng khi đến coi sách vào bìa, tôi thấy thợ đang sắp chữ một tập thơ mới. Vì ít thì giờ và vội đi, tôi cũng không để ý nếu một bác thợ đứng gần đấy không cao hứng đọc to bản rập thử “Sơn Tinh, Thủy Tinh”… Những tiếng lạ tai và vô nghĩa ấy khêu gợi trí tò mò của tôi, tôi liền vẫy tay ra hiệu bảo bác đưa coi bản in thử, và tôi đọc trước lơ đãng, sau chăm chú dần dần.(Nguyễn Nhược Pháp,Ảnh chụp ngày 17/6/1936)Thì ra đó là bài thơ đầu và - theo tôi - cũng là bài thơ có giá trị nhất trong tập “Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp, một nhà thơ lúc đó - cũng như tôi - chưa ai biết tới, vì một lẽ giản dị là mới đang sửa soạn ra đời. Bài ấy nhan đề là “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, chứ không phải “Sơn tình, Thủy tình” như bác thợ in đã đọc lầm. 
Số là nhà in Lê Cường, tức nhà thuốc Hồng Khê khi ấy mới khai trương nên chữ in còn thiếu nhiều nhất là loại chữ lớn Việt ngữ. Bởi thế mất tập thơ hồi đó in tại đây đều bị sắp những đầu bài bằng chữ không dấu (chữ Pháp) mặc ai muốn đoán thế nào thì đoán. Vậy mà chúng tôi không thấy chướng mấy, cả độc giả nữa. Có lẽ tại ngày ấy người ta còn giản dị dễ dàng.Thế là chưa quen biết Nguyễn Nhược Pháp mà cũng chưa nghe đến cái tên ấy bao giờ, lần đầu tiên tôi thưởng thức thơ anh giữa tiếng máy chạy rầm rầm, trên mảnh giấy in thử nhọ nhem và sai lầm be bét. Nhưng không vì thế mà bài thơ kém hay, trái lại nữa. 
Câu chuyện “Sơn Tinh Thủy Tinh” không lạ gì với tất cả chúng ta nhưng phải nghe Nguyễn Nhược Pháp kể lại - mà kể bằng thơ mới - cảm thấy hết cái thi vị và thú vị của nó. Hơn nữa lời thơ dí dỏm, nụ cười hóm hỉnh của anh càng làm cho câu chuyện thêm duyên dáng đậm đà và có tính cách khôi hài nữa. Tác giả như một ông tạo hóa con ngồi thong thả nặn những nhân vật xưa, cho diễn lại những chuyện cũ rồi ngồi cao xem, cười lặng lẽ một mình. Với Nguyễn Nhược Pháp không có gì là quan trọng hết, dù là cuộc đời, vua chúa hay thần nhân.
Đọc thơ anh, ta vui nhưng không vui ồn ào, không cười ầm ĩ. Ta chỉ cười thầm, nhưng là những nụ cười sâu sắc ý vị biết bao! Và ta thấy - cùng với tác giả - mến yêu những người xưa tha thiết.
Ta hãy xem tác giả gây không khí trước khi tạo nhân vật để đặt cho đúng chỗ:
Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần
Con vua Hùng Vương thứ mười tám
Mỵ Nương xinh như tiên trên trần…
Có lẽ tôi cần phải sao lục toàn bài thơ ấy ra đây mới dễ trình bày cảm tưởng ban đầu
Tóc xanh viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường
Thật là kiệt tác, ngoài những câu chứa chan thi vị hoặc là đẹp như gấm, làm người đọc chú ý ngay từ đầu, còn những nụ cười hóm hỉnh, nhưng hiền lành dí dỏm một cách thông minh ấy sau những câu thơ đắc ý.
Cũng vì thời ấy “sông núi vang um tiếng thần” nên người ta thường có dịp tiếp xúc với thần thánh và Hùng Vương mới không kinh ngạc thấy:
Sơn Tinh có một mắt ở trán
Thủy Tinh râu ria quăn xanh rì
Một thần phi bạch hổ trên cạn
Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi
và cả hai thần cùng đến Phong Châu “xin Mỵ Nương”.
Xin Mỵ Nương vì thời đó thần cũng “đi lấy vợ”, cũng để cho “lòng tơ vương” và cũng như người trần chúng ta thích khoe khoang.
Thủy Tinh khoe thần có phép lạ
Dứt lời tay hất chòm râu xanh,
Bắt quyết hò mây to nước cả,
Dậm chân rung khắp làng gần quanh…
Cũng biết “lấy le với gái”
Mỵ Nương ôm Hùng Vương kinh hãi
Sơn Tình cười, xin nàng đừng lo
Vung tay niệm chú: Núi từng dải
Nhà lớn, đồi con, lổm ngổm bò…
Cũng biết “dương vây” trước người đẹp
Choàng nghe song vỗ reo như sấm
Bạch hổ dừng chân, lùi vểnh tai.
Mỵ Nương tung bức rèm đỏ thắm
Sơn Tinh trông thấy càng dương oai
Cũng ghen tức đến choảng nhau kịch liệt
Thủy Tinh năm năm dâng nước bể
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.
Cái cười của Nguyễn Nhược Pháp là cái cười trong sáng, thông minh, tao nhã. Qua suốt cả bài thơ ta thấy tác giả luôn luôn tủm tỉm cười, nụ cười hóm hỉnh nhưng hiền lành, đầy tình thương mến.
Tả nỗi lưỡng lự băn khoăn của Hùng Vương, anh có những câu rất dí dỏm thú vị:
Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!
Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước.
Tả cái ghen của Thủy Tinh anh hóm hỉnh viết:
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.
Nói về phép màu của Sơn Tinh anh dùng chữ rất tài tình linh động:
Niệm chú đất nẩy vù lên cao
Đoạn tả hình dạng Sơn Tinh, Thủy Tinh và cuộc tranh hùng của hai thần có một vẻ đẹp hùng tráng của những nhân vật trong anh hùng ca. Xen vào đấy, ta vẫn luôn luôn thoáng thấy nụ cười tinh nghịch của thi nhân điểm xuyết cho câu chuyện thêm phần hứng thú. Ai đọc mà không phải buồn cười một cách thú vị trước những hình ảnh kỳ cục tức cười như:
Nhà lớn, đồi con lổm ngổm bò
Chạy mưa
Và cảnh cua, tôm, cá, đội những hòn ngọc trai đi xin cưới:
Khập khiễng bò lê trên đất lạ
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.
Rồi chính những con vật vụng về ấy lại đột nhiên trở thành một đạo binh kỳ quái, hùng dũng một cách tức cười:
Tôm cá quăng ngọc trai mà hoa…
Cá voi quác mồm to muốn đớp,
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng
Càng cua lởm chởm giơ như mác
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao….
Tôm cá xưa nay im thin thít,
Mở toác mồm to kêu thất thanh.
Ta tưởng như xem những hoạt họa khôi hài của Walt Disney trên màn bạc.
Ngoài ra còn những câu tả cảnh chan chứa thi vị làm cho người đọc phải đặc biệt chú ý như:
Bình minh má ửng đào phơn phớt,
Ngọc đỏ rung trên đầu lá xanh.
Ngọc liễu chim vàng ca thánh thót…..
Rừng xanh thả mây đào man mác…
v.v.
Và những câu tả Mỵ Nương rất khéo lúc nàng bẽn lẽn khi vua cho tùy con kén chọn:
Mỵ Nương khép nép như cành hoa
Cũng như khi nàng khóc nhớ lúc ra đi theo chồng
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương
Nàng xinh đẹp dịu dàng như vậy cho nên chẳng những rất nhiều chàng say đắm:
Mê nàng bao nhiêu người làm thơ!
Mà cả đến chim cũng phải đắm say:
Cánh nhạn long lanh vờn ánh lửa
Mê nàng chim ngẩn lưng trời đông
Xưa rầy, nói đến Nguyễn Nhược Pháp ta thường chỉ nói đến bài “Chùa Hương” mà hầu như không biết đến bài “Sơn Tinh, Thủy Tinh” này. Các tập thi tuyển cũng vậy, thật là một thiếu sót đáng kể. Vì chỉ ở bài này ta mới thấy rõ nụ cười duyên dáng đặc biệt, mới thấy hết cái thiên tài độc đáo của anh. Đọc những câu thơ trên đây ta có thể thấy rõ cả sự thích thú của thi nhân khi gieo được những vần đắc ý. Và đây hẳn là đề tài mà khi viết tác giả “Ngày xưa” có nhiều cảm hứng nhất. Có lẽ cũng vì thế mà anh đã để bài này lên đầu tập thơ, và để quảng cáo cho sách khi sắp phát hành, anh đã chọn bài này cho đăng trên nhật báo Nhật Tân hồi ấy (đầu năm 1935).
Đó là một cớ khiến tôi không ngần ngại sao lục trên đây toàn bài thơ trường thiên ấy để bạn đọc so sánh mà hiểu biết mọi khía cạnh về nụ cười trong sáng của Nguyễn Nhược Pháp. Nụ cười mà Hoài Thanh - trong cuốn Thi Nhân Việt Nam - đã phê bình như sau: “Cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác như những lối bông lơn khó chịu… Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn một điều này nữa mới thật quý. Với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến.”
Mùa xuân năm 1935. Bấy giờ tôi đang ở ẩn tại một miền quê tại tỉnh Bắc Giang, mảnh vui cảnh suối đồi vườn ruộng, tôi tìm khi bước chân đến chốn thị thành. Vì thế tập thơ “Ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp đã phát hành mà tôi chưa được đọc.
Bỗng một hôm, một người em cô cữu đến chơi cho tôi hay là anh vừa được coi bài phê bình tập thơ “Tiếng thông reo” trên báo L’ Annam Nouveau do Nguyễn Nhược Pháp viết. Tôi vội cho người đi tìm số báo đó của ông điền chủ ở gần bên. Vì ông này là bạn thân của ông Nguyễn Văn Vĩnh (thân sinh Nguyễn Nhược Pháp), nên tất cả các báo chí do ông Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản, chủ trương ông đều mua cả. Số báo đó là số ngày 11-4-1935. Tôi chăm chú đọc bài phê bình dưới cái đề mục “Le coin des remeurs”. Đọc xong tôi cảm động và thấy mến anh vô cùng. Cảm mến không phải vì anh đã quá khen tôi, mà vì văn anh viết rất lưu loát, lời nhã nhặn và duyên dáng; hơn nữa anh tỏ ra hiểu tôi nhiều.
Tôi liền viết một bức thơ cảm ơn và nhân tiện để làm quen, gởi về tòa soạn L’ Annam Nouveau. Ít ngày sau thì nhận được câu trả lời đề ngày 20-4-1935, kèm theo một cuốn “Ngày xưa” in trên giấy thiệt tốt (vergé baroque crème). Trong bức thư nầy có mấy câu mà tôi nhớ mãi (1).
Thơ tôi thiên về đồng quê, dĩ nhiên vì tôi vốn ưa mến cảnh đồng ruộng và từng sống nhiều ở đó, nhưng một phần cũng vì lời khuyến khích của Nguyễn Nhược Pháp. Hơn hai mươi năm qua rồi, kiểm điểm lại những sáng tác của mình, tôi không khỏi buồn rầu và hổ thẹn, vì nhận thấy không xứng đáng với lòng tin tưởng của anh đối với tôi.
Từ bữa đó, chúng tôi thường viết thư cho nhau, anh cho tôi biết địa chỉ nhà riêng (số 7, route du Village du Papier, Hànội) và bảo tôi về chơi. Cái biệt thự này của ông Nguyễn Văn Vĩnh, tôi có biết; vì trước đó suốt mấy năm học trường Bưởi, ngày nào tôi cũng bốn buổi đi qua. Tôi sốt sắng hẹn với anh về chơi cũng như anh hứa sẽ lên thăm tôi ở ấp.
Nhưng rồi cả tôi lẫn anh đều cứ lần lần lữa lữa để lời hứa hẹn trôi xuôi. Có lẽ tại bấy giờ chúng tôi đều còn trẻ quá, cho là ngày dài tháng rộng lo chi…
Thế rồi một hôm, tôi bỗng nhận được thư anh bảo tôi viết bài gửi đăng báo L’Annam Nouveau cho vui. Anh khoe đã kéo được cả Huy Thông, Leiba cùng viết. Nhưng rồi bài báo đầu tiên của tôi gửi về đã làm anh… ngẩn ngơ. Vì anh yên trí tôi sẽ viết bài về văn chương thì tôi lại bàn đến vấn đề dân số và khai khẩn đất hoang với tất cả thể thức phiền nhiễu của nó. Tôi còn nhớ đầu đề bài ấy là “Autour du problème desmographique au Tonkin”. Nhận được bài này, anh có cảm tưởng y hệt như cảm tưởng của một người yêu thơ đến thăm Tản Đà để nghe thơ thì lại chỉ được nghe toàn chuyện… ăn nhậu.
Còn một điều đáng nói nữa về Nguyễn Nhược Pháp là thái độ thẳng thắng và cứng cỏi của anh. Hồi ấy thơ mới đang được đất nẩy nở. Ngôi sao Thế Lữ đang sáng chói. Trên thi đàn, nhà thơ này mặc sức dương đông kích tây. Dưới bút hiệu Lê Ta, ông phê bình thơ người này, người khác. Phần nhiều bị ông diễu cợt chê bai. Thảng được có tập thơ được ông khen, nhưng lại khen bằng một giọng trịch thượng. Được vậy là nhờ nhóm Tự Lực Văn đoàn đang có ưu thế và báo Phong Hóa đang được nhiều người ủng hộ. Giữa lúc ấy, Nhược Pháp đứng ra chống với Thế Lữ. Luôn mấy kỳ, trên báo L’Annam Nouveau, anh phân tích và vạch rõ những cái dở, cái sai lầm trong thơ Thế Lữ. Thế Lữ hung hăng đả kích lại trên báo Phong Hóa. Nhưng trước những lý lẽ chắc chắn, vững vàng, trình bày bằng một giọng điềm đạm của Nhược Pháp, Thế Lữ nhụt dần…
Trong một bức thư viết cho tôi, Nhược Pháp có nói về Thế Lữ như sau: “Thế Lữ không phải là một người biết yêu sự thật giản dị, Thế Lữ ưa những sự hoang đường vô nghĩa lý, dễ lòe mắt trẻ con hay những người không có học” Lời phê bình tuy hơi khe khắt, nhưng không phải không có phần đúng.
Ít lâu sau trên báo Phong Hóa, bỗng có một bài phê bình tập thơ Ngày Xưa với những lời khen ngợi nồng nàn ít có, dưới ký tên Lê Ta. Thái độ của Thế Lữ thật đáng khen và càng chứng tỏ được cái chân tài của Nhược Pháp vậy.
Thế rồi cái ngày tang tóc đến một cách hết sức đột ngột, một ngày vào hạ tuần tháng 10 Novembre 1938, tôi coi trong báo bỗng thấy mấy dòng cáo phó làm tôi rụng rời: Nguyễn Nhược Pháp đã mất tại bệnh viện Lanessan hồi 7 giờ sáng ngày 19-11-1938 (tức ngày 28 tháng 9 Mậu Dần). Vì tôi ở quê, báo đến chậm, biết tin thì thi hài Nguyễn Nhược Pháp đã nằm yên dưới đất rồi. Thế là tôi không bao giờ được gặp Pháp. Cũng không được đưa đám ma anh. Tôi buồn rầu giở hết cả thư và thơ của anh ra xem lại. Càng đọc tôi càng thương tiếc anh và càng giận tôi vô hạn. Sao tôi lại có thể lần chần, lười biếng đến như thế được! Suốt trong thời gian quen Nguyễn Nhược Pháp, tôi cũng có nhiều lần về Hà Nội và cũng đã nhiều lần tự nhủ sẽ đến thăm anh… Thế mà rồi vì phải chạy nhiều việc, vì vội về, vì ngại xa, cứ lần lữa tự khất dịp này qua dịp khác, để đến nỗi bây giờ…
Hôm ấy, tiết trời vào cuối thu. Ngoài vườn gió heo may bứt tía lá vàng, tung đi muôn ngả. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Tản Đà mà không lúc nào tôi thấy hợp cảnh hợp tình bằng lúc đó:
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi!
Bàng Bá Lân
1998
Trích: Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại, Tập I, Sài Gòn, 1962
(1) Trong bức thư của Nguyễn Nhược Pháp có đoạn như sau này: “Tôi rất lấy làm mừng vì đã hiểu được tâm hồn anh. Cái vui nhất của người phê bình là hiểu thấu được tâm hồn tác giả cuốn sách. Như ý tôi, thì phải thật là thi sĩ mới biết yêu thú quê, cái thú vui mộc mạc. Ca hát tình yêu thì hỏi người trai trẻ nào mà không ca? Đã là văn thì phải cần có cái gì xuất sắc. Thơ anh hơi điểm chút buồn, nhưng cái buồn êm ái, điềm đạm. Thơ cảnh lại có tình thì hoàn toàn vậy. Tôi dám quả quyết rồi sau này anh sẽ chiếm một địa vị độc nhất trong làng thơ: anh sẽ là thi sĩ của thôn quê. Chắc anh không quên nhà thi sĩ la-tinh trứ danh là Virgile, một người yêu cảnh thôn quê một cách lạ lùng. Anh nên lấy mà làm gương.
Xuân Ly băng, Bàng Bá Lân, 
Thượng Nhân, Vũ Hoàng Chương
Sài gòn 14/8/1974
Bút tích và chữ ký Bàng Bá Lân
Phan Nguyên
Nguồn: tổng hợp Internet
Theo http://phannguyenartist.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...