Người đương thời thơ mới
Trong quá trình hội nhập và hiện đại hóa nền thơ tiếng Việt,
phong trào Thơ mới đã tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại cho thi ca dân tộc. Bên cạnh
giá trị truyền thống, phong trào Thơ mới đã tiếp nhận ảnh hưởng tích cực từ nhiều
nguồn thơ trên thế giới, trong đó chủ yếu từ thơ Pháp. Thông qua các bản dịch
và khảo cứu thơ ca, nhiều tên tuổi và tác phẩm thuộc các nền thơ truyền thống
và hiện đại Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Hy Lạp, Nhật Bản, Trung Quốc... đã được
biết đến và giới thiệu ở Việt Nam. Chính các nhà Thơ mới và phê bình văn học
đương thời đã lên tiếng xác nhận những ảnh hưởng và khả năng tiếp nhận thơ ca
nước ngoài từ nhiều chiều, nhiều mức độ và hình thức khác nhau.
Trên thực tế, ngay từ trước năm 1945 đã có ý kiến truy tìm
nguồn gốc Thơ mới khởi đầu với những bản dịch thơ La Fontaine của Nguyễn Văn
Vĩnh hay thơ Tản Đà, thơ Phan Khôi, hay điệu thơ phỏng theo lối từ khúc? Sự lý
giải về cội nguồn Thơ mới có thể khác nhau song quan sát dòng chảy Thơ mới sẽ
cho thấy rõ xu thế tiếp nhận, ảnh hưởng và khả năng hòa nhập với nền thơ hiện đại
thế giới là chiều hướng không thể đảo ngược. Những dấu hiệu của quá trình tiếp
nhận ảnh hưởng đó thể hiện sâu sắc qua cả nội dung và hình thức biểu hiện, phản
ánh trực tiếp qua các bài thơ và ý kiến của chính nhà thơ cũng như các nhà phê
bình đương thời. Chưa có điều kiện khảo sát các mối quan hệ tiếp nhận, ảnh hưởng
thi ca nước ngoài qua từng bài thơ cụ thể, ở đây chúng tôi chủ yếu hướng tới việc
hệ thống hóa lại ý kiến của các nhà thơ và phê bình giữa thời Thơ mới, ngay khi
nền thơ này còn đang sinh thành và phát triển.
Trong bước đi ban đầu, nhiều nhà Thơ mới được tiếp xúc với
văn hóa Pháp đã đủ khả năng viết nên một lối thơ mới mẻ bằng tiếng Việt và cả bằng
tiếng Pháp. Một trong những thi nhân đi tiên phong trên con đường mới này là
Nguyễn Vỹ với thi phẩm Tập thơ đầu - Premières poésies (1934).
Tuy nhiên, Lê Ta - Thế Lữ đã công kích mạnh mẽ cả phần thơ tiếng Pháp và thơ tiếng
Việt trong Tập thơ đầu: “Về phần thơ chữ Pháp thì tôi thấy Nàng Thơ của
ông là một chị chàng sướt mướt, ẻo lả, khóc khóc, mếu mếu như con mẹ điên, mà lại
nói ngọng nữa. Bởi thế, khi nàng ấy ca, người Nam không ai chịu được, còn người
Tây thì... tôi khuyên cả nàng lẫn ông đừng có cho họ nghe!... Đến phần thơ ta,
nàng Thơ ông Vỹ khi nói tiếng ta thì ngô nghê, ngớ ngẩn mà lải nhải nhiều lời...
chẳng khác gì một cô đầm lắp bắp nói tiếng "dân bản xứ" (...). Cả một
phần thơ Việt Nam của ông Vỹ đều một giọng như thế hết”(1). Ba kỳ báo sau, Lê
Ta lại tiếp tục công kích những thí nghiệm mở đường của Nguyễn Vỹ: “Ông Nguyễn
Vỹ là một nhà học rộng. Còn về thơ ca, ông cho chúng ta biết nhiều điều mới lạ:
ông hiểu rõ được cả các âm điệu thơ, khuôn phép thơ, mỹ thuật của thơ, tuy ông
không hiểu thơ là cái gì, và tuy ông thấy mình là thi sĩ... Ông lại khéo nói nữa.
Khéo nói lắm, khéo nói quá! Ông bênh vực ông một cách rất có duyên, mà ông phản
đối ông lại chu đáo gấp đôi. Tập thơ đầu của ông là một tập thơ có
khuynh hướng về cải cách, nhưng người làm Tập thơ đầu lại sợ cải
cách, hay cải cách bằng lối riêng của ông. Ông bỏ cái gông cùm biền ngẫu với
phép hạn chế phá, thừa, luận, kết của luật thơ Tàu, để mang cái gông cùm mới của
luật thơ Tây... Thơ của ông Vỹ thiếu cái chi chi kia chứ “chân” thơ (pieds) thì
đủ lắm (...). Soi đến kính hiển vi cũng không thấy thiếu một chân nào qua. Thơ
ông quả thực không phải thơ què. Nhưng quả thực là ngô nghê” (2)...
Bảy năm sau, Hoài Thanh - Hoài Chân mở đầu phần viết về Nguyễn
Vỹ trong Thi nhân Việt Nam với những ý tưởng khá đồng điệu: “Nguyễn Vỹ
đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau
ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những
điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì” (3)...
Trong xu thế tập làm thơ bằng tiếng Pháp, ông Từ Bộ Hứa có gửi
đến báo Phong hóa một tập và được nhà văn Nhất Linh thay mặt bản báo
loan tin: "Nhận được tập thơ Tây nhan đề là Bài hát xám xịt (La
chanson grise) của ông Từ Bộ Hứa. Ngay trang đầu, ông T. B. Hứa có kính
cáo độc giả mấy câu, xin dịch đăng nguyên văn sau đây: Độc giả quí hóa của
tôi ơi! Tôi run như cầy sấy mà giới thiệu thơ tôi với các anh. Thơ tôi nó vừa
nhạt như nước ốc, vừa xấu như ma mút. Nhưng có một ngọn lửa nó chống đỡ tôi: tức
là con mắt tha thứ của các anh... Thật là Tây cũng chả hiểu. Chúng mình cũng
nên tha thứ cho ông Từ Bộ Hứa. Ông ấy đã làm chúng mình cười một lúc" (4).
Có phần tương đồng với Tập thơ đầu của Nguyễn Vỹ,
sách Thú văn thơ (1934) của Xuân Thiện cũng gồm hai phần: sáng tác
thơ và dịch thơ Pháp. Bên cạnh việc chê những câu thơ tiếng Việt "lải nhải",
Lê Ta tiếp tục châm biếm những bài thơ dịch của Xuân Thiện: "Nếu cứ tin ở
thơ ông thì những thi hào như Lamartine, Muset, Ronsard, Sully Prud'homme,
Henri de Régnier, vân vân... chẳng ra quái gì cả. Các đại thi sĩ ấy chỉ là những
cậu học trò tư tưởng tầm thường mà viết cũng không thành câu. May sao, vì hồng
phúc thi văn còn dày, nên bên những bài thơ dịch của ông, ông lại để những bài
nguyên văn; chúng tôi xin cảm ơn ông vạn bội (...). Tôi thực khâm phục cho
"tác giả" cuốn Thú văn thơ, tôi phục rằng ông là người can đảm
nhất đời, chưa hiểu nổi thơ Tây mà đã dám dịch thơ Tây"(5)...
Với tập Tiếng thông reo (1934) của B. Blan - Bàng
Bá Lân, Lê Ta bỡn cách thức đổi mới thơ theo lối tìm tòi thuần túy hình thức:
“B. Blan? Tên chi lạ dữ vậy?
B. Blan là tên một người làm thơ Việt Nam bằng giọng Tây. Cho
nên Tây ở cái tên và Tây ở cả những chữ để đầu các bài thơ quốc ngữ.
Trên đường rấn bước, ông đề là: Tren duong ran buoc (...).
Nhưng khó đoán nhất là hai câu đề: Vuon cu nao dau, co hai dau và Rua
mat. Vuon cu nao dau, co hai dau có lẽ làVươn củ nào đâu, cô hai đầu,
không thì ít ra cũng là Vườn củ nào đâu, cô hai đâu? Còn Rua mat thì
đích thị là Rủa mát.
Nói vậy mà chơi đó thôi! Tôi muốn tìm một cớ để bỡn cợt riêng
ông Bê Bờ - Lăng chút ít, chứ lối đầu để khôi hài trên này đáng trách thì tôi
đã trách cả những chữ Bo Biên, Em la, Tho o, Gio giang vui, Tinh chan
that, Noi dau long... của những cuốn Tình em và Dưới trăng kia
rồi. “Bo Biên” tôi sẽ chế là Bò Biển, “Tho o” là Thò o, “Gio
giang vui” là Giở giang vui, mà “Noi dau long” thì tôi gọi là Nồi
đậu lỏng...
Nhưng nếu lại không nói lôi thôi thế, thì tôi còn biết nói
chi về cuốn Tiếng thông reo được nữa. Chả nhẽ chỉ phê có độc một chữ
“soàng”? Mà cái soàng, thì không phải là cái hay để mà ca tụng, cũng không phải
là cái dở để mà bực mình”(6)...
Trong một suy nghĩ tản mạn về thơ, Thế Lữ vô tình cho biết đã
tiếp nhận được tiếng nói trữ tình từ nền thơ Xô - viết qua bản dịch tiếng Pháp
và đi đến khẳng định bản chất giá trị thi ca:
"Cái câu chuyện Platon đuổi các nhà làm thơ mà ông đặt
mũ hoa lên đầu đã cách xa chúng ta từng bao nhiêu thế kỷ vinh quang và sáng lạng những thi phẩm. Thời thế biến đổi nhưng thơ ca chỉ thấy có hình thức, và như thế
chỉ thêm dễ vẫy vùng trong bầu trời thơ. Thi ca, cũng như nghệ thuật khác, lúc
này mới là lúc được dễ dàng phát triển ở khắp nơi, ở cả những xứ sở mà ta tưởng
là quá chuộng “thực tế” và tưởng không còn thiết đến thơ văn nữa. Mấy năm trước
đây, tôi được nghe một bài thơ Xô - viết dịch ra tiếng Pháp, do một người bạn
tôi học thuộc. Hồi ấy ta quen cuộc đại cách mệnh thế giới đã bóp chết hồn thơ.
Tôi xin phỏng dịch đoạn đầu ra đây (vì tôi không nhớ đúng
nguyên văn, chỉ nhớ đại ý). Đó là những cảm tưởng của một cô nữ cách mệnh mong
tình quân khi cô ấy qua Vladivostock.
Lời thơ đột ngột, cứng cáp, trong đó thi tứ nẩy lên mạnh mẽ,
chân thực và ngây thơ. Tiếc rằng tôi không có và không thuộc đoạn văn dịch bằng
tiếng Pháp để độc giả thấy hết cái cảm tưởng lạ lùng của tôi lúc nghe đọc bài
thơ đó.
Người ta thấy ở Vladivostock,
Những hàng ống khói vươn mình.
Cao ngất tận trời xanh,
Đàn chim cánh trắng, loáng bay qua.
(Từ bể xa về, và đem theo gió bể)
Đàn chim cánh trắng đã vút qua.
Khói đen nặng nề và chậm chạp,
Chậm chạp bay theo.
Ô! trời xanh làm sao! bầu trời xanh gay gắt.
Và lòng tôi tưởng nhớ,
Nghĩ đến đàn chim trắng vút qua,
Như một ý tưởng sáng vút qua...
Hình thức thơ có đổi, quan niệm về thơ cũng có khác, theo tư
tưởng, theo hoàn cảnh và theo cuộc đời mỗi ngày một mới lạ thêm. Nhưng thơ ở
đâu và bao giờ cũng vẫn là thứ tiếng của tâm hồn và chỉ ở trong thơ, những tình
cảm uẩn khúc, mong manh, tinh vi, kỳ ảo của tâm hồn mới có thể biểu lộ ra được.
Bởi vì những lời thơ gieo xuống trong phút anh linh rung động của ta, sẽ âm thầm
vang lên những ý dồi dào và gợi lên những cái “đẹp” thấm thía đậm đà. Cái đẹp ấy,
sự tinh tế khúc chiết của lối văn thường không thể cho ta thấy được"(7)...
Trong một trường hợp khác, khi đọc những bài thơ lai cảo của
một người làm thơ xa lạ, Thế Lữ trong khi bình phẩm từ bút danh đến nội dung và
hình thức các bài thơ đã nhắc đến thể thơ hai - kư độc đáo của Nhật Bản:
"NGOAI là ai thế nhỉ?
Người có cái tên kỳ dị và nghịch ngợm này thỉnh thoảng lại gửi
đến cho tôi mấy tờ giấy mỏng nhỏ xíu, ý thơ nhẹ nhàng, xinh xắn, nhỏ nhắn và
cũng nghịch ngợm tươi cười.
Dung dị quá chừng. Nhưng nhiều khi thành dễ dãi quá. Những tư
tưởng thoáng hiện đến, người khác không cần ghi lấy vì nó thường quá, còn ông,
ông đem làm thơ. Ngoài mấy “mẫu thơ” nhỏ và gọn như những câu “Hai-kai”:
Hoa ơi! đừng nở vội!
Đêm nay nàng không tới!
Vô ích! nở làm chi?
Hãy đợi!
Ông Nghoai cũng viết thành thơ những điều thậm vô ích...
Ông... Nghoai (gớm, đổi cái tên hài hước ấy đi!),... ông
Nghoai là một nhà thơ dí dỏm, có một lối thơ tài tình đáng mến mà ông nên để
tâm luyện cho tinh xảo. Đừng dài dòng; đùa cợt với vần điệu nhưng đừng khinh mạn;
đừng bằng lòng đeo những hạt bòng rẻ tiền lẫn với những hạt ngọc xinh xắn trên
cổ người tình nhân khả ái là Nàng Thơ của ông; kẻo người ta cười cho đấy"(8)...
Với Xuân Diệu, thi nhân sớm xác định những đặc điểm thuộc về
truyền thống thơ cổ Việt Nam và Trung Hoa, từ đó đối sánh với thơ hiện đại Pháp
và lên tiếng phản biện, phản tỉnh, mong tìm ra đường lối cải cách, phát triển nền
thơ dân tộc:
"Chỉ một tình yêu, mà mấy mươi thế kỷ nói hoài không hết.
Còn sáu tình kia ai nói cho xong? Ta thiếu tài, chứ lòng người không thiếu chuyện.
Hãy xem Những hoa đau khổ của Baudelaire, quẩn quanh ở lòng sầu không
cớ; Trong vườn công chúa của Samain là lòng buồn dịu êm; Verlaine là
lòng ngây, Rimbaud là lòng sảng, Noailles với Trái tim vô số (Les
fleurs du Mai - Au jardin de l’Infante - Le Coeur innombrable) là hiện thân của
lòng say... và bao nhiêu người nữa, họ đều nói những điều rất người. Họ nói đến
họ, họ nói đến chúng ta.
Thơ Việt Nam - và thơ Tàu - cũng của người làm, nhưng ít có
người quá. Là vì ta nói đến chuyện ngoài, chứ không nói đến chuyện trong, - đến
cái đời bên trong nó mới thực là đời của người.
Ta không tâm lý chút nào hết. Ta đã sống một cách rất hờ hững,
ta đã sống một cái đời cỏ cây. Ta sợ mọi điều mãnh liệt; ta nhát gan không dám
sống. Dường như văn thơ của chúng ta đã ngủ một giấc thực ngon lành. Vì lòng của
chúng ta đã ngủ. Tình yêu không đủ nhiệt thành để đánh thức sự lười biếng ấy;
và “bảy tình” của người ta cũng đã mờ nhạt như sự vô tình.
Cũng như mọi điều khác, thơ Việt Nam còn thiếu quá nhiều: tâm
hồn người chưa được chúng ta quan sát diễn tả cho kỹ lưỡng. Ta không phân tích
từng cảm giác một; chỉ ghép những vật liệu cũ càng, những tình cảm giả dối mà
làm thơ" (9)...
Bên cạnh nhiều thi nhân tiếp nhận ảnh hưởng nguồn thơ phương
Tây như Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Vỹ, Mộng Sơn, Huy Cận,
Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Đoàn Phú Tứ,... tiếng thơ Bích
Khê nổi lên như một hiện tượng tiêu biểu cho mối quan hệ thơ ca Đông -
Tây. Trong bài tựa Bích Khê thi sĩ thần linh viết cho tập Tinh
huyết (1939), Hàn Mặc Tử thực sự rung động, đồng cảm, nhập thân và nhiệt
thành đánh giá cao thơ Bích Khê, thấy rõ nguồn cảm xúc mới mẻ trong thơ Bích
Khê - cũng như bản thân dòng chảy Thơ mới - có sự tiếp xúc, tiếp nhận ảnh hưởng
của thi ca phương Tây, trực tiếp là nguồn thơ Pháp: "Lối tượng trưng và
huyền diệu ngời sáng như màu sắc của Paul Valéry, cho ta nhận thấy thi sĩ đã chịu
ảnh hưởng nhiều của tác giả tập thơ Charmes. Nhưng chịu ảnh hưởng với một
tài trí thông minh, khiến người đọc chỉ biết phục thiện mà không dám chê...
Bích Khê là người có tài, có sẵn cái tài đã lâu, chỉ gặp cơ hội phát triển là
bao nhiêu anh hoa đều tiết lộ ra cả"... Sau khi phân tích những tương đồng
ở nguồn cảm hứng và chiều sâu khát vọng thẩm mỹ giữa Thơ mới và thơ Pháp, Hàn Mặc
Tử xác định: "Tới đây, ta nhận thấy văn thơ của Bích Khê nhuốm đầy máu huyết
của Baudeleire, tác giả tập Les Fleurs du Mal. Thơ lúc ấy sẽ ham thích hết
sức những cái gì thanh cao, như hương thơm nhơn đức của vì á thánh, hay say mê
điên dại cái gì hết sức tội lỗi mà người thế gian chưa từng phạm tới"(10)...
Trong việc đọc và thẩm thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử đã mã hoá được những đặc trưng
hết sức cơ bản của tập Tinh huyết. Với vốn kiến văn sâu rộng và trực giác
thi ca nhạy bén, trong khi Bích Khê xếp đặt thơ mình theo bốn chủ điểm (Nhạc và
lệ - Đẹp và dâm - Cuồng và ánh sáng - Châu) thì Hàn Mặc Tử lại "phân chất",
chia thơ Bích Khê theo ba tính cách (Thơ tượng trưng - Thơ huyền diệu - Thơ trụy
lạc) và đi đến so sánh, đối sánh, khái quát: "Ở khu vực tượng trưng và huyền
diệu, ta đã ngợp với màu sắc chang chói, no ớn với nhạc hương dịu dàng, bây giờ
ta hãy sang chơi địa hạt Trụy Lạc. Ở đấy giây thần kinh và gân huyết ta rung động
say mê bởi những làn khoái lạc của xác thịt nóng, thơm, ran ran lên cả người"...
Hàn Mặc Tử đồng điệu với hồn thơ Bích Khê và phát hiện ra chính cái phần trực
giác hết sức sâu lắng của Bích Khê ở dòng thơ mà ông duy danh là địa hạt
Tượng trưng: "Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo,
nhìn vào thực tế, thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao thì lại
thấy xô sang địa hạt huyền diệu... Với những cảnh trí, sự vật rất tầm thường,
hơn nữa, tội lỗi, nhuốc nha, rùng rợn mà chàng, trái lại, thấy ở những chỗ ấy lại
là cao siêu, là nhơn đức, là thơm tho, khoái lạc cả (...). Trực giác của thi sĩ
mạnh quá đến nỗi thấy nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đương nao
nao gợn, và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của Nàng là hai chiếc đũa ngọc.
Và thấy mái tóc u huyền xinh như một mùa thu mươn mướt, thi nhân bảo đấy là đêm
đang ngủ mơ"... Chuyển sang xem xét địa hạt Huyền diệu, Hàn Mặc Tử nhấn
mạnh đến "âm thanh và màu sắc" với những lời phân tích, bình luận sang
trọng, thể hiện một năng lực và tầm văn hoá cao: "Thi nhân kéo ta đi lướt
thướt trong cõi u hoài đằm thắm từ những bản đàn xốn xang hồi hộp như Tỳ
bà, Mộng cầm ca, Hoàng hoa, sang qua một thế giới hào quang; nảy cho ta nghe một
điệu nhạc hiền hậu và ngọt ngào vô cùng đến tê cả lưỡi và hàm răng (...). Âm
thanh là một nửa tinh thần, anh hoa của thế giới Huyền diệu. Còn một nửa khác
phải là màu sắc phương phi của khí thiêng hun đúc, rạng rỡ cả một trời lưu ly,
mã não, trân châu"... Bàn tới địa hạt Trụy lạc, Hàn Mặc Tử tiếp tục
có những quan sát hữu lý về ảnh hưởng thơ Pháp trong thơ Bích Khê mặc dù biết
Bích Khê quá thấm nhuần nguồn cội Đường thi truyền thống: "Ở địa hạt dâm
cuồng nầy, ta thấy thi sĩ Bích Khê hoàn toàn là Baudeleire.
Vì trong tác phẩm chàng, gợi dục tình thì ít, mà làm cho người ta ghê rợn đến gớm guốc cái cảnh trần truồng khả ố thì nhiều. Tới đây, ta tưởng là đi đến chỗ tận cùng của vườn hoa nghệ thuật, nhưng không, chàng còn mở rộng biên giới để cho ta thấy chàng là một thi sĩ Đông phương rất "tàu" mà lời thơ chàng nhuộm đầy màu sắc của các thi gia đời Đường".
Rõ ràng phải có sự am hiểu và nghiệm sinh ngay
trong bầu khí quyển của cả hai nền văn hóa Đông - Tây đương thời thì Hàn Mặc Tử
mới có được những nhận xét sâu sắc đến vậy về thơ Bích Khê, biện luận và chỉ ra
được lý tưởng thẩm mỹ "cái đẹp không thấy" và lý giải việc thi sĩ tìm
đến với những "cái gì đời đời", "cái gì hằng sống" và
"thơ chàng sắp bay sang thế giới huyền bí để đi đến chỗ tuyệt đỉnh là Tôn
giáo"... Có thể khẳng định lời tựa tập thơ Tinh huyết của Hàn Mặc
Tử cho đến nay vẫn là bài đứng đầu trong số các trang viết về thơ Bích Khê cũng
như tính chất mẫu mực của văn bình luận thơ ca nói chung. Xét trên một phương
diện khác, dường như sau tập thơ Gái quê (1936) chủ yếu "tả tình
quê trong cảnh quê", có lẽ gần cận với khoảng thời gian viết tựa cho tập
thơ của Bích Khê thì Hàn Mặc Tử mới có chuyển biến rõ nét về phía lối thơ Tượng
trưng, Siêu thực, Thơ điên và trở thành "thi sĩ của đội quân
thánh giá", "khơi mạch thơ ở Đức Chúa trời" vào những năm
1937-1938. Điều này cho thấy một mặt Hàn Mặc Tử có sẵn cơ duyên để cảm nhận,
hoà nhập, thấu suốt hồn thơ Bích Khê; mặt khác, rất có thể những trang thơ Tượng
trưng - Huyền diệu - Trụy lạc (và Tôn giáo) của Bích Khê đã ảnh hưởng trở lại
và được đẩy cao hơn trong chính thơ Hàn Mặc Tử ở chặng đường cuối cùng của cuộc
đời, trong khoảng hai năm 1939-1940. Nói cách khác, Hàn Mặc Tử đã khơi mở một lối
thơ riêng độc đáo cho Bích Khê thì chính Bích Khê đã củng cố, tác động trở lại
tới phong cách thơ Hàn Mặc Tử. Nhỡn rộng ra, cùng với Hàn Mặc Tử, Trọng Miên
trong bài bạt Tinh huyếtkhông đi sâu vào phân tích thơ ca nhưng đã có những
cảm nhận, khái quát ngắn gọn và đánh giá cao Bích Khê cả về nguồn cảm xúc và
thi tứ đạt đến tột đỉnh mọi sắc độ: "Tôi yêu Baudelaire đắm đuối, say sưa
Hồ Xuân Hương sôi nổi, thì Bích Khê tuôn ra những lời nóng hổi, mê man nhủ cùng
tôi chung một tấm tình thơ ngây ngất (...). Tinh huyết vang dội một nỗi
đau khổ tuyệt vọng phủ qua màu sắc trụy lạc ồ ạt như muốn chảy tràn vào đường
gân, mạch máu của tôi (...). Nhưng đau đớn, tuyệt vọng, oán hận, điên cuồng nung
nấu máu huyết chàng tràn ứ ra những lời thơ ham mê, khát khao bồng bột, chói rực
lạ thường"(11). Phát hiện ra vẻ đẹp trong thơ Bích Khê như là sự đối nghịch
của những cảm xúc và hình ảnh, Trọng Miên còn nhấn mạnh những ảnh hưởng thuận
chiều, đồng vọng từ Hàn Mặc Tử tới Bích Khê: "Những đứa con cưng của địa
ngục trong khi đắm đuối hồn vẫn ngước mắt nhìn trời, ước ao cao cả, thiêng
liêng. Và nguồn cảm hứng đã khơi mạch thơ ở những cái gì sáng láng thanh cao. Ở
đây tôi thấy Bích Khê chịu ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử, thi sĩ đau thương, huyền
diệu. Nhạc và lệ, đẹp và dâm, cuồng và ánh sáng, Bích Khê hoà hợp thành một
giòng tinh huyết tân kỳ"... Trong vai trò người viết lời bạt và đứng ra in
sách, Trọng Miên đã bày tỏ tiếng nói tri âm tri kỷ và tiếp nhận thơ Bích Khê bằng
tất cả sự trân trọng, am tường, ngưỡng vọng, tôn vinh... Tiếp đến Hoài Thanh -
Hoài Chân ở lời dẫn Một thời đại trong thi ca trong sách Thi
nhân Việt Nam (1942) có ý đặt Bích Khê về phía lực lượng cách tân, khác biệt
với những người "giữ chừng mực": "Tôi vừa nói Chế Lan Viên đi về
thơ Đường. Nếu nói đi tới thơ tượng trưng Pháp có lẽ đúng hơn, tuy hai lối thơ
này có chỗ giống nhau. Điều ấy thấy rõ ở tác phẩm một người rất gần Chế Lan
Viên và Hàn Mặc Tử: Bích Khê. Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính
cách của thơ Pháp lối tượng trưng. Nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít người nữa
như Xuân Sanh muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng
trưng: Mallarmé, Valéry (...). Các Ô. Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương
Mallarmé, Valéry không thèm gìn giữ gì hết. Trong tác phẩm của họ vẫn chừng ấy
tiếng ta rất quen nhưng thảng hoặc ta mới tìm được dấu tích những ý tứ, những
tình cảm ta vẫn quen gửi vào đó. Họ chạm trổ rất tỉ mỉ, không phải những rồng
những phượng như ngày trước, mà những gì chẳng ai biết tên. Những gì đó đôi khi
cũng đẹp. Đôi khi hình như họ đã diễn tả được những điều sâu kín, nhưng lời thơ
rắc rối quá, dầu sao phần đông chúng ta cũng đành... kính nhi viễn chi"...
Vì trong tác phẩm chàng, gợi dục tình thì ít, mà làm cho người ta ghê rợn đến gớm guốc cái cảnh trần truồng khả ố thì nhiều. Tới đây, ta tưởng là đi đến chỗ tận cùng của vườn hoa nghệ thuật, nhưng không, chàng còn mở rộng biên giới để cho ta thấy chàng là một thi sĩ Đông phương rất "tàu" mà lời thơ chàng nhuộm đầy màu sắc của các thi gia đời Đường".
Một trường hợp điển hình khác, Hoài Thanh - Hoài Chân có
trích tuyển bài Tiếng thu trong Thi nhân Việt Nam kèm theo một lời
bình xa xôi: “Cảnh mộng có khi cũng có màu sắc như chiếc cáng điều lững thững
trên sườn núi hay con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu”... Song cũng ngay từ
trước 1945, Kiều Thanh Quế đã dẫn giải rõ trong bài Thi sĩ Lưu Trọng Lư với
“Tiếng thu”:
“Lưu Trọng Lư bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm
thanh và nhạc điệu (như Paul Verlaine, đứng đầu phái thơ Tượng
Trưng ở Pháp, bao giờ cũng bảo: "Thêm nhạc điệu nữa đi, và lúc nào cũng phải
có nhạc điệu" (De la musique encore et toujours de la musique)...
Nhưng du dương nhứt, réo rắt nhứt và tượng trưng nhứt, có lẽ
là khúc Tiếng thu tuyệt vời (...). Giá trị của bài Tiếng thu này,
là ngoài việc phác được một âm thanh du dương, một nhạc điệu réo rắt, còn tượng
trưng được một bức họa chấm phá: một bức thủy mặc Tàu, một tấm Kakemono Nhựt
cũng nên!
Một tấm Kakemono Nhựt thì có lẽ đúng hơn! Vì tôi đã may mắn
tìm ra được một tấm tranh Nhựt có những nét chấm phá hệt như bức họa Tiếng
thu của Lưu Trọng Lư. Xin trình bày dưới đây, để tặng thi sĩ họ Lưu và để
hiến tất cả độc giả từng nâng niu tập thơ Tiếng thu:
(1) Oku-yama ni
(2) Momiji fumi wake
(3) Naku shika no
(4) Koe kiku tokizo
(5)Aki wa kamshiki
Bài thơ Nhựt ấy, tôi bất tài, không thể dịch y nguyên tác ra
quốc văn nổi. Còn thoát ý nó, lại là việc thừa. Vì trước tôi, Lưu Trọng Lư đã
thoát ý nó, viết nên bài Tiếng thu rồi.
Vậy để làm quà cho những bạn hiếu kỳ, tôi chỉ xin chép hai bản
Pháp văn của bài thơ Nhựt ấy.
Bản Pháp văn I:
(1) Au coeur de la montagne,
(2) Foulant l'érable qu'il écerte,
(3) Le cerf gémit:
(4) Et à l'écouter, jamais
(5) L'automne ne m'a pesé plus triste!
Bản Pháp văn II:
(5) Combien triste est l'automne
(4) Quand fentends la voix
(3) Du cerf qui brâme
(2) En foulant et dispersant les feuilles des érables
(1) Dans les profondeurs de la montagne!"(12)...
Tuy nhiên, Kiều Thanh Quế chỉ trích dẫn tư liệu mà không cho
biết xuất xứ. Nay xin nói thêm, bài thơ này từng được dẫn với đầy đủ nguyên bản
tiếng Nhật, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Pháp trong tập Le
problème de la poésie Japonaise (Paris, 1938; tr.38-39)...
Thực tế cho thấy, có thể khẳng định Thi nhân Việt
Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân là tập đại thành của những ý kiến bàn về khả
năng tiếp nhận ảnh hưởng thơ nước ngoài trong nền Thơ mới giai đoạn trước 1945.
Hai ông đã bàn rộng, bàn sâu về các vấn đề bối cảnh lịch sử, cơ sở văn hóa - xã
hội, đặc điểm phong cách và chỉ rõ đặc điểm các mối quan hệ giao tiếp, tiếp nhận,
ảnh hưởng. Xin dẫn lại một vài ý kiến tiêu biểu:
"Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta
(...).
Đã thế, không thể xem phong trào thơ mới là một chuyện lập dị
do một bọn dốt nát bày đặt ra để kiếm chỗ ngồi trong làng thơ. Nó là kết quả
không thể không có của một cuộc biến thiên vĩ đại bắt đầu từ hồi nước ta sát nhập
đế quốc Pháp và xa hơn nữa, từ hồi Nguyễn - Trịnh phân tranh, lúc người Âu mới
đến. Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy
đã đem theo cùng với hàng hóa phương Tây, cái mầm sau này sẽ nẩy thành thơ mới
(...).
Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đán tung bờ vỡ đê.
Cảnh tượng thực là hỗn độn. Nhìn qua ta chỉ thấy một điều rõ: ảnh hưởng phương
Tây, hay đúng hơn, ảnh hưởng Pháp (...).
Người đầu tiên chịu ảnh hưởng Pháp rất đậm là Thế Lữ (...).
Nhưng đến 1936, ảnh hưởng Pháp lại thấm thía thêm một tầng nữa.
Trong thơ Thế Lữ ta chỉ thấy ẩn hiện đôi nhà thơ pháp về thời lãng mạn. Xuân Diệu,
nhà thơ ra đời hồi bấy giờ, mới một cách rõ rệt (...).
Ảnh hưởng thơ Pháp trong thơ Việt đến Xuân Diệu là cực điểm.
Qua năm 1938, Huy Cận ra đời, nó đã bắt đầu xuống, mặc dầu Huy Cận cũng chịu ảnh
hưởng thơ Pháp gần đây, nhất là ảnh hưởng Verlaine (...).
Trái hẳn với lối thơ tả chân có lối thơ Hàn Mạc Tử - Chế Lan
Viên. Cả hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và, qua Baudelaire, ảnh hưởng
nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả tập Chuyện lạ. Có khác chăng là Chế Lan Viên
đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, mà Hàn Mạc Tử đã đi ngược lại từ
thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa cho gặp Thánh Kinh
của đạo Thiên Chúa (...).
Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ
Pháp lối tượng trưng. Nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít người nữa như Xuân Sanh
muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ Tượng trưng: Mallarmé,
Valéry (...).
Viết xong đoạn trên này đọc lại tôi thấy khó chịu. Mỗi nhà
thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp. Ấy chỉ vì tôi tìm ảnh
hưởng để chia xu hướng. Sự thực đâu có thế. Tiếng Việt, tiếng Pháp khác nhau
xa. Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hóa hoàn toàn. Sự thực
thì khi tôi xem thơ Xuân Diệu, tôi không nghĩ đến de Noailles. Tôi phải dằn
lòng tôi không cho xôn xao mới thấy thấp thoáng bóng tác giả Le Coeur
innombrable. Thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam. Những sự mô phỏng ngu
muội lập tức bị đào thải"...
Sau khi Thi nhân Việt Nam ra đời, vấn đề tiếp nhận ảnh
hưởng thơ nước ngoài của Thơ mới vẫn được quan tâm. Trong thực tiễn sáng tác,
Thơ mới tiếp tục phát triển cùng những cách tân, đổi mới nhưng không còn giữ được
nhịp độ và tầm vóc cả ở bề rộng và chiều sâu nghệ thuật. Trên địa hạt phê bình,
nhiều cây bút xuất sắc như Vũ Ngọc Phan, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Lương Đức
Thiệp, Hoàng Thiếu Sơn, Hoa Bằng, Phạm Mạnh Phan, Lam Giang... tiếp tục đi
sâu phân tích, luận bình câu chuyện Thơ mới tiếp xúc
Đông - Tây. Đồng thời với các mục bài giới thiệu, điểm
sách, nhiều tác giả tiến tới có được các công trình tổng thuật, tổng
kết, khảo sát chuyên sâu, đưa đến những phát kiến, đánh giá thật sự mới mẻ (13)
Lời kết
Sự phát triển và tiến hóa của Thơ mới Việt Nam gắn bó chặt chẽ
với xu thế hội nhập, tiếp nhận ảnh hưởng thơ ca Pháp và phương Tây. Bản thân
các nhà Thơ mới cũng như các nhà phê bình đương thời đều ý thức rõ điều này.
Theo xu thế chung, tất cả đều mong muốn nền Thơ mới Việt Nam cần vận động,
đổi mới, thâu nạp và tiếp nhận thêm ảnh hưởng từ nhiều nguồn thơ nước
ngoài. Điều này tạo nên tính phong phú, đa dạng cho từng phong cách tác giả
cũng như khả năng phát triển mạnh mẽ của nhiều trường phái, trào lưu thi ca.
Trên cơ sở đó, các năng lực và cá tính sáng tạo của nhà thơ được phát triển tận
độ, bắt nhịp được với trình độ nghệ thuật thơ ca thế giới. Trong chừng mực nhất
định, các nhà phê bình cũng đã sớm lên tiếng cảnh báo lối tiếp nhận thụ động,
đơn giản một chiều, thiên về hình thức, thiếu tính sáng tạo và không phù hợp với
tâm lý người Việt. Nhìn nhận trên tổng thể, các ý kiến của người đương thời Thơ
mới bàn về Thơ mới trên đây thực sự là những tiếng nói của người cùng thời, người
trong cuộc và vẫn còn nguyên giá trị văn học sử cũng như ý nghĩa lý luận, góp
phần đúc kết bài học kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập và
phát triển.
(1) Lê Ta: Cuộc điểm sách Tập thơ đầu. Phong hóa, số
127, tháng 12 - 1934, tr.9.
(2) Lê Ta: Cùng ông Nguyễn Vỹ. Phong hóa, số
130, tháng 12 - 1934, tr.11.
(3) Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam
(1932-1941). Nguyễn Đức Phiên Xb, H, 1942. Tái bản. Nxb Văn học, H, 1998,
tr.107...
(4) Nhất Linh: Thơ Tây. Phong hóa, số 119,
tháng 10-1934, tr.9.
(5) Lê Ta: Thú văn thơ. Phong hóa, số 39,
tháng 3-1935, tr.11.
(6) Lê Ta: Tiếng thông reo của B… Blan. Phong hóa,
số 137, tháng 2-1935, tr.7.
(7) Thế Lữ: Thơ. Ngày nay, số 80, ra ngày
10-10-1937, tr.835-847.
(8) Thế Lữ: Tin thơ. Ngày nay, số 87, ra
ngày 28-11-1937, tr.1003.
(9) Xuân Diệu: Thơ của người. Ngày nay, số 123, ra
ngày 14-8-1938, tr.17.
(10) Hàn Mặc Tử: Bích Khê thi sĩ thần linh, trong
sách Tinh huyết. Trọng Miên Xb, H, 1939. Tái bản. Nxb Hội
Nhà văn, H, 1995, tr.7-23.
(11) Trọng Miên: Bạt, trong sách Tinh huyết.
Trọng Miên Xb, H, 1939. Tái bản. Nxb Hội Nhà văn, H, 1995,
tr.102-104.
(12) Kiều Thanh Quế: Thi sĩ Lưu Trọng Lư với Tiếng
thu. Tạp chí Tri tân, số 138, tháng 4-1944. In lại trong Tạp chí Tri tân
(1941-1945) - Phê bình văn học (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn,
giới thiệu). Nxb Hội Nhà văn, H, 1998, tr.196-202.
(13) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: - Kể chuyện Thế Lữ dẹp
loạn Thơ mới. Thế giới mới, số 419, ra ngày 1-1-2001, tr.90-93.
- Thời Thơ mới bàn về Thơ mới. Sông Hương, số 153, tháng
11-2001, tr.56-58.
- Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Bích Khê. Kiến thức
ngày nay, số 559, ra ngày 20-2-2006, tr.11-14+25-27.
- Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Nam Trân. Kiến thức
ngày nay, số 616, ra ngày 20-9-2007, tr.5-9+110...
Tháng 5/2008
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
hãng hàng không eva air của nước nào
ve may bay eva di my
vé máy bay korean airlines
mua ve may bay di my hang korea
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch