Ảnh hưởng thơ Pháp trong
Trong giai đoạn hình thành và phát triển Thơ Mới thập niên
1930-1940, thơ của Hàn Mặc Tử và Bích Khê nổi bật lên tính chất lạ kỳ, huyền
bí, khác hẳn thơ của những người cùng thời trong dòng Thơ Mới. Nhưng cả hai
thiên tài này đã không được đánh giá đúng mức, bởi thơ họ quá lạ, vượt ngoài sự
cảm nhận của người đọc và người phê bình thời ấy, phần đông vẫn còn nằm trong
khuôn khổ văn chương lãng mạn.
Để tìm hiểu hồn thơ dị kỳ của Hàn Mặc Tử và Bích Khê,
chúng ta không thể không trở lại ảnh hưởng của thơ Pháp trong thơ Việt
Nam thập niên 30-40. Và như thế, trước tiên, phải nhìn lại các trào lưu Lãng mạn,
Thi sơn và Tượng trưng trong thơ Pháp thế kỷ XIX. Sự trở lại này là cần
thiết, vì dường như đối với độc giả Việt nam hiện nay, phần đông vẫn còn rất xa
lạ với những khái niệm này.
Lãng mạn, Thi Sơn và Tượng trưng
Chữ Lãng mạn, nguyên gốc là romanz, xuất hiện giữa
thế kỷ XII, có nghĩa là ngôn ngữ thông thường, đối ngược với latin (la
tinh), ngôn ngữ bác học. Qua các thế kỷ, chữ này biến nghĩa và biến dạng nhiều
lần. Đến đầu thế kỷ XVIII, Lãng mạn trong nghĩa đối lập với Cổ
điển, được Stendhal (1783-1842) đưa ra năm 1819 (ông dùng chữ Romanticisme vì
muốn giữ nguyên gốc Ý), để chỉ quan niệm tiểu thuyết mới của ông trình bày
cho quần chúng những tác phẩm phù hợp với sự thẩm thức và đức tin hiện hành của
họ, ngược lại với Cổ điển (Classicisme) là thứ nghệ thuật của cha ông thời trước.
Thi ca lãng mạn phát triển mạnh trong khoảng 1820-1830 với
những tên tuổi như Lamartine (1790-1869), Alfred de Vigny (1797-1863), Victor
Hugo (1802-1885), Alfred de Musset (1810-1857)... Lãng mạn chủ trương
phá bỏ những quy luật chặt chẽ của thơ cổ điển, đề cao «cái tôi» trữ
tình, đề cao tự do cá nhân, tin vào cảm hứng. Cái tôi lãng mạn luôn luôn
hòa hợp với thiên nhiên: Con người và tạo vật không còn lằn ranh phân chia
biên giới.
Lãng mạn, nếu không muốn nói là nền tảng, thì cũng đã ảnh
hưởng sâu xa đến văn chương quốc ngữ thế hệ 1930-1940, từ Tự Lực Văn Đoàn đến
Thơ Mới, chủ yếu thơ của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hồ Dzếnh,
v.v...
Đến giữa thế kỷ XIX ở Pháp, một tuyển tập thơ mang tên Le
Parnasse contemporain (Thi Sơn đương đại) xuất hiện (mới đầu ra từng
số, sau đóng thành tập). Trong vòng 10 năm, Thi Sơn ra được ba tập, tập
đầu in năm 1866, rồi 1871, và 1876. Thi Sơn tập hợp những «bài thơ mới»
của những tác giả hoàn toàn khác nhau như Leconte de Lisle (1818-1894),
Mallarmé(1842-1898), Verlaine (1844-1896),... nhưng chung một chí hướng chống
lại thi ca lãng mạn. Thi sơn tôn Théophile Gautier (1811-1872),
Théodore de Banville(1823-1891) và Charles Baudelaire (1821-1867) làm
thầy. Thi sơn theo chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, và trong thơ cần có
nhạc của Gautier, quan tâm đến việc luyện âm và chữ và đưa nhục cảm vào thơ của
Banville.
Thi sơn không tin ở cảm hứng mà tin vào lao
động ngôn ngữ; kết hợp với tưởng tượng nhà thơ bộc lộ những đam
mê trần trụi của mình. Từ chối «cái tôi» trữ tình lãng mạn, trở về gần hơn
với sự hoàn hảo của thi ca cổ điển, với những câu thơ hay, giàu âm điệu, đầy
chất suy tưởng. Hai yếu tố huyền ảo và âm nhạc, được đưa vào
thơ. Thi sơn ảnh hưởng sâu rộng trong thi ca Pháp tới đầu thế kỷ XX.
Khoảng hai thập niên sau khi Thi Sơn xuất hiện, năm 1885,
Dujardin, người điều hành Revue Wagnerienne (Tạp Chí Wagner) rủ Mallarmé vào cuộc
tranh luận về thuyết giao hưởng thi ca và âm nhạc của Wagner (Wagner mất năm
1883). Từ đó nẩy sinh ý tưởng: Thơ phải hướng về âm nhạc và cụm từ Art
suggestif (Nghệ thuật khơi gợi) được đề cao. Năm 1886, danh từ Symbole (Tượng
trưng) xuất hiện lần đầu trong cuốn Traité du verbe (Khái luận ngôn từ)
của René Ghil với bài tựa của Mallarmé, trong đó thơ được xác định từ hai yếu tố
chính: âm nhạc và gợi cảm.
Trước bối cảnh một trường phái mới có thể thành hình, Jean
Moréas, gửi một bức thư để đăng trên báo Le Figaro, ngày 18/9/1886, dưới cái tựa
(do tòa soạn chọn) «Un manifeste littéraire» (một bản
tuyên ngôn văn chương), trong lá thư đó, ông đề nghị chữ Symbolisme (Trường
phái Tượng trưng) là thích hợp nhất để chỉ trường phái này.
Bài của Moréas được coi là bản «Tuyên ngôn Tượng trưng».
Nhưng bản «tuyên ngôn» này cũng không có gì mới, tác giả chỉ định vị chỗ đứng của
trào lưu Tượng trưng trong dòng chảy của thi ca, và đề cao vai trò của những
người «khai sáng» như Baudelaire, Banville, Mallarmé, Verlaine... mà không nói
gì đến việc định nghĩa khái niệm Tượng trưng.
Tác giả cho rằng Tượng trưng «chuyên chở Tư tưởng dưới
hình thức nhạy cảm» (vêtir l’Idée d’une forme sensible). Như vậy, Tượng
trưng là một khái niệm khá mơ hồ. Hai ý tưởng chính: đưa âm nhạc vào thơ
thì Gautier đã nói từ trước rồi, còn nghệ thuật khơi gợi phát xuất từ hội họa ấn
tượng (Claude Monet, khoảng 1860). Tóm lại, Tượng trưng, khoảng 1890, được
hiểu như sự kết hợp hài hòa giữa mộng mơ và tư tưởng.
Sự mơ hồ này theo vào thơ Việt trong những «tuyên ngôn
thơ» (1940-1941) của nhóm Xuân thu nhã tập và bản Tuyên ngôn Tượng
trưng của nhóm Dạ đài (1946), hai trường phái thành lập sau giai đoạn Thơ Mới. Chúng tôi sẽ trở về với hai nhóm này trong một
dịp khác.
Tóm lại những khái niệm về trường phái thường chỉ có giá trị
tương đối, bởi lẽ hiển nhiên là mỗi nhà thơ có một tư chất riêng, khó lồng họ
vào chung một khung được.
Vì vậy, khi tìm hiểu sự phát triển của thơ Pháp trong thế kỷ
XIX, nên tìm hiểu mỗi cá nhân nhà thơ và những đóng góp của họ trong tiến trình
chung của thi ca, hơn là gộp họ vào một cái khung trường phái.
Vai trò của Edgar Poe và Baudelaire trong thơ hiện đại Pháp.
Trong một cái nhìn như thế, hai nhà thơ được coi là cha đẻ của
thơ hiện đại Pháp là Gérard de Nerval (1808-1885) và Baudelaire (1821-1867).
Ngay từ đầu thế kỷ XIX, Nerval đã đem mộng vào thơ. Nerval
dịch Goethe (1748-1832) từ hồi còn đi học, bị mê hoặc bởi Faust, và ông thấy ở
nhân vật kỳ dị của Goethe, có gì gần gụi với những đớn đau trong cuộc đời riêng
của mình. Thơ Nerval mang tính chất siêu hình giao thoa giữa sống và chết.
Nerval tự tử năm 1885.
Baudelaire là nhà thơ đã đặt nền móng cho thơ Pháp hiện đại.
Baudelaire đã khám phá thiên tài âm nhạc Wagner (1813-1883), khám phá Edgar Poe
và coi Poe là thần tượng. Thơ Baudelaire, diễn tả những đối chất, mâu thuẫn
trong tâm hồn, là sự giằng xé giữa linh hồn và xác thịt. Sự gặp gỡ giữa
Baudelaire và Edgar Poe, như một tri âm tri kỷ trong mối giao tình giữa trần
gian và điạ ngục.
Thiên tài Edgar Poe (1808-1949), nếu không nhờ Baudelaire,
thì sẽ bị chìm trong quên lãng, vì Poe là người Mỹ, nhưng ông không được độc giả
Mỹ và Anh biết đến. Nhờ những bản dịch của Baudelaire và Mallarmé, mà Poe đã đi
vào văn chương Âu châu.
Edgar Poe là nhà thơ đầu tiên đã nhìn thấy mối quan hệ giữa
tác phẩm và người đọc, nhận thấy tác động của câu thơ trong lòng độc giả là tác
động giao thoa giữa âm (son) và ý (sens). Một câu thơ hay
là sự giao cảm tuyệt vời giữa âm thanh và ý tưởng. Valéry
(1871-1945) xác nhận: chính Poe đã đưa tưởng tượng (imaginaire)
và kinh hoàng (fantastique) vào văn chương, tạo ra các thể loại khác
nhau, từ truyện khoa học (conte scientifique), truyện kinh dị (conte
fantastique), đến thơ vũ trụ luận mới (poème cosmogonique
moderne), tiểu thuyết điều tra tội ác (roman de l’instruction
criminelle), đưa vào văn chương những tình trạng tâm lý bệnh hoạn (états
psychologiques morbides) [Paul Valéry, Situation de Baudelaire (Trường
hợp Baudelaire) trong cuốn Variété II (Tạp văn II)].
Và sau cùng, Mallarmé, là người đã thực hiện việc làm mới
ngôn ngữ thơ. Mallarmé đả kích những bài thơ dài dòng mà ông gọi là «poème
discours» (thơ kể lể) của Lamartine, Victor Hugo, Vigny. Mallarmé cô đọng ngôn
ngữ thơ trong hai yếu tố chính mà Poe đã đề cập là son (âm) và sens (ý).
Thơ là sự giao cảm giữa âm và ý. Thơ Mallarmé ngắn gọn,
khó hiểu, bị coi là bí hiểm. Sau này, ở Việt Nam, Lê Đạt là người đã chịu ảnh
hưởng rất rõ của Mallarmé.
Sự gặp gỡ giữa Baudelaire và Edgar Poe đưa thi ca vào một
khúc quanh mới: Thơ, từ nay không chỉ diễn tả những tình cảm đẹp, những
hình ảnh đẹp, một cách hời hợt bên ngoài, mà nhà thơ còn phải đánh động toàn
bộ giác quan của mình để rung cảm sâu sắc với thiên nhiên, vũ trụ,
trong một quan hệ nội tại. Bài Correspondances (Giao cảm) của
Baudelaire diễn tả cái quan hệ bên trong ấy trong câu thơ: «Les parfums,
les couleurs et les sons se répondent» (Hương thơm, màu sắc, âm thanh giao
hưởng), và trong bài Harmonie du soir (Nhạc chiều) Baudelaire
đã để âm thanh, hương thơm, màu sắc, quay cuồng trong những điệu luân vũ thần
tiên. Khái niệm Giao cảm của Baudelaire đã ảnh hưởng sâu xa đến nhiều
thế hệ thơ. Mỗi người tạo ra một thứ Giao cảm Baudelaire của mình,
theo tư chất và lối sống của riêng mình.
Nhưng thơ Baudelaire còn có một khía cạnh khác, mà cho tới bấy
giờ vẫn bị coi là xấu xa, ghê tởm không thể là đối tượng của thơ, đó là khía cạnh
xấu xa trụy lạc của đời sống, như xác thối (charogne), khiêu vũ ma quỷ (danse
macabre), đó là những hãi hùng của cái chết, của ma quỷ, những thảm đạm nhục
nhã của tội lỗi, truỵ lạc, bụi đời, máu mê, kinh dị, bệnh hoạn, đều có thể
thành thơ. Baudelaire và Poe đã đưa thơ vào cõi siêu hình, khám phá những nội
tâm u uất, mê sảng trong những tâm hồn và thể xác bệnh hoạn, bị đọa đày trong
bóng tối.
Ảnh hưởng thơ Pháp trong thơ Việt nam thập niên 30- 40
Nhìn lại thơ Việt Nam thập niên 30-40, chúng ta thấy rõ những
tên tuổi nổi tiếng của Thơ Mới như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hồ
Dzếnh... chịu ảnh hưởng sâu xa của lãng mạn, ở những điểm: bỏ niêm luật cổ
điển, đề cao cái tôi trữ tình, tự do cá nhân, đề cao cảm hứng, đem cái tôi hòa hợp với thiên nhiên vũ trụ. Cộng thêm một số ảnh hưởng khác của Thi Sơn, Tượng
trưng: Thế Lữ đưa nhạc vào thơ (Tiếng sáo Thiên thai, Tiếng trúc tuyệt vời)
nhưng tâm hồn Thế Lữ vẫn gắn bó với lãng mạn, Thế Lữ mới chỉ đứng ngoài mô tả
tiếng trúc, tiếng sáo Thiên Thai, chứ chưa đạt được sự giao thoa nội tại giữa
thơ và nhạc.
Xuân Diệu tìm đến mối Giao cảm Baudelaire giữa
thi nhân, cỏ hoa và trời đất, gián tiếp diễn tả tình trai của mình, và ông đã tạo
được những nét đặc thù trong thơ thời tiền chiến. Hồ Dzếnh, Huy Cận tìm đến Nỗi
sầu nhân thế (Spleen) của Poe và Baudelaire, như dấu ấn của nỗi buồn mới
trong thi ca và Hồ Dzếnh gắn bó nỗi sầu nhân thế vào nỗi sầu tha hương bất tận
của mình, một tâm hồn minh hương vĩnh viễn xa xứ.
Nhưng hầu như tất cả những nhà thơ này đều dừng lại ở những
hình ảnh đẹp, nên thơ, ở nỗi sầu man mác. Họ chưa đi đến cái đớn đau tột độ của
con người giữa sống và chết. Họ dừng lại ở cái đẹp trong quan niệm mỹ học truyền
thống.
Và chính ở điểm đó mà thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê đã khác họ.
Hai nhà thơ Hàn Mạc Tử và Bích Khê tiếp nhận toàn diện cả hai khía cạnh của Poe
và Baudelaire: trần gian và địa ngục, sống và chết. Bởi Hàn Mặc Tử và Bích Khê
đã sống khổ đau như Poe và Baudelaire, đã trải qua tất cả những kinh hoàng của
bệnh tật, họ đã đưa âm nhạc vào thơ, một cách tự nhiên, toàn diện, như những tiếng
đời, nhất là thơ Bích Khê, một giàn giao hưởng. Họ vượt hẳn lên trên cái lãng mạn
của Thơ Mới để tìm đến một chân trời khác mà hạnh phúc và yêu ma quyến trộn
nhau trong diệu kỳ bí mật của cõi siêu hình, cõi mà những nhà thơ cùng thời,
không đớn đau như họ, không thể biết, không thể đạt được.
Tưởng tượng, mộng mơ, âm nhạc, vũ trụ, huyền ảo, kinh
hoàng, bệnh hoạn, là những yếu tố chính trong thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê.
Khiến cho thơ họ đứng riêng một cõi, khác hẳn thơ của những người cùng thời. Và
chúng tôi sẽ phân tích từng yếu tố một trong những kỳ sắp tới.
Chúng tôi muốn nói thêm một chút về trường thơ Loạn. Chế
Lan Viên, trong phần tiểu sử Hàn Mặc Tử, có ghi một câu, nguyên văn như
sau: «Cuối năm ...(...) Cùng Chế Lan Viên thành lập Trường thơ Loạn,
tuyên ngôn là Tựa Điêu tàn. Giới thiệu thơ Chế Lan Viên trên báo Tràng
An» (tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử, nxb Văn Học, 1987, trang 11).
Dường như đây là bút tích duy nhất về Trường thơ Loạn.
Ai cũng biết là Hàn Mạc Tử có một nhóm bạn văn, thơ, rất
thân, trong đó có những nhà thơ như Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bích Khê, Hoàng Diệp,
Yến Lan,.., những nhà văn, nhà báo như: Trần Thanh Địch, Trần Tái
Phùng, Hoàng Trọng Miên... Nhưng không chắc là có một trường thơ Loạn, hoặc nếu
có, thì cũng chỉ là những lời vui đùa của một nhóm bạn thơ, vì những lý do sau
đây: Chế Lan Viên viết năm... ở Quy Nhơn, là năm nào? tại sao lại chấm
chấm? Hơn nữa, nếu có một trường phái đã «thành lập» thì phải có một «bản
tuyên ngôn» kèm theo ngày tháng rõ ràng với chữ ký của các thành viên; đằng này
bài tựa Điêu Tàn của Chế Lan Viên không đề năm tháng, cũng chẳng nói gì đến lý
thuyết, đường lối, và «Trường thơ Loạn» có những ai.
Vậy Trường thơ loạn gồm những ai? Quách Tấn thì không
phải rồi vì thơ Quách Tấn cổ điển, không có gì loạn cả. Không lẽ chỉ có Chế Lan
Viên và Hàn Mặc Tử? Người ta thường nhắc tên ba người: Hàn Mặc Tử, Bích
Khê và Chế Lan Viên, vì thơ ba người này cùng một khuynh hướng.
Nhưng trong ba người, chỉ Hàn Mạc Tử là có quan niệm thơ rõ
ràng. Bích Khê và Chế Lan Viên chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hàn Mặc Tử. Ở đây lại
cần phải nhắc đến một sai lầm khác của Hoài Thanh, là trong ba nhà thơ này,
Hoài Thanh khen ngợi Chế Lan Viên hết lời, nhưng không để ý đến Hàn Mặc Tử, và
trong vài lời ngắn ngủi dành cho Bích Khê, ông mập mờ cho biết ông chưa hiểu
thơ Bích Khê, nhưng lại khen câu «Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh
mông» là một trong những câu thơ hay nhất của thi ca hiện đại (cũng là lấy
lại ý của Hàn Mặc Tử).
Tóm lại, thơ Chế Lan Viên nổi tiếng thời ấy, vì người ta thấy
lạ (kể cả Hoài Thanh), vì ông lấy họ là Chế, ông làm thơ về sọ người, về ma Hời.
Khái Hưng tưởng Chế Lan Viên dòng dõi Chế Bồng Nga, viết bài ca ngợi, sau
biết là người Việt thì thôi. Ngày nay đọc lại Điêu tàn, bao nhiêu máu
me và sọ người trong tập thơ ấy, không còn gây rùng rợn nữa, không cả ấn tượng
đau thương, bởi Chế Lan Viên không phải là dân Chàm, cho nên ông không thể viết
về cái đau diệt chủng của họ.
Trong khi thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê vẫn đứng vững với thời
gian, bởi những dòng máu lệ trong thơ Bích Khê và Hàn Mặc Tử xuất phát từ
những vết thương có thật.
17/1/2009
Thụy Khuê
Trả lờiXóaeva flight
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu tiền
hang khong korean air
giá vé máy bay đi mỹ khứ hồi
vé máy bay đi canada giá rẻ
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch