Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Ngựa trong văn hóa thế giới

Ngựa trong văn hóa thế giới
Chuyện xưa kể rằng, trên trái đất vốn chưa có loài ngựa, cảnh vật hết sức đượm buồn, u ám. Thần biển Poseidon - vua của các đại dương - nhận thấy mình cần phải làm cho thế giới sôi động và tươi sáng nên đã nặn ra một số con ngựa từ nước biển, tặng cho các thần và nhân gian. Thần mặt trời Apollo được bốn con tuấn mã màu trắng và đã dùng chúng làm vật cưỡi rong ruổi, ban phát ánh sáng khắp bầu trời. Thần âm phủ Hades được bốn con ngựa đen giúp ông đuổi bắt các linh hồn dám trốn khỏi địa ngục. Thần chiến tranh Ares được bốn con ngựa đỏ đi chinh phạt trong các trận mạc. Những con ngựa khác được tặng cho người.
Thần Apollo và cỗ xe mặt trời
Kể từ khi xuất hiện và được con người thuần dưỡng, ngựa có lẽ là sinh vật mang lại lợi ích nhiều nhất cho đời sống các dân tộc và đất nước. Chúng vừa là thực phẩm vừa là sức kéo, phương tiện vận chuyển-đi lại, vật đưa thư, truyền tin và tham gia chiến trận. Cũng là sinh vật cảnh, thú vui giải trí trong các môn thể thao và nghệ thuật. Và đặc biệt còn đi vào cổ tích, huyền thoại nhiều hơn cả bởi vẻ đẹp thanh nhã, cao quý và những phẩm chất tốt đẹp như sự thông minh, quả cảm, lòng trung thành và gắn bó với người cùng nhiều biểu tượng nhân văn, do đó thường được gọi là linh thú hay thậm chí là hiện thân của thần thánh.    
Ở mỗi nền văn hóa, ngựa luôn là con vật duy nhất có thể tượng trưng cho cả bốn yếu tố cấu thành vũ trụ gồm đất, nước, lửa và không khí,... cũng như mặt trời, mặt trăng, ánh sáng, mùa xuân, sự sống, sự sáng tạo và các thành tựu. Trong các câu chuyện Đông Tây, đều miêu tả có một vị thần mặt trời hàng ngày ngồi trên chiếc xe được kéo bởi những con tuấn mã, khi chúng đi tới đâu ánh sáng tưng bừng tới đó, cây cối đâm chồi nảy lộc, chim ca véo von. Bình minh hay nữ thần Aurora được xem là một con ngựa trắng. Và hoàng hôn tương tự là một con ngựa vàng.
Ngựa cũng gắn liền với trăng sao vào đêm và chiếc móng ngựa chính là một vầng trăng lưỡi liềm. Chúng cũng là sự kết hợp giữa sức mạnh của đất và trí khôn từ gió thể hiện về một thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Ngoài ra, trong từng nền văn hóa còn có những ví von riêng như ngựa là biểu tượng của quyền lực, sức mạnh và nền thống trị, vẻ duyên dáng, tự do và tốc độ, tính dũng cảm, tinh thần thượng võ và tuổi thọ... Ở Hy Lạp và Italia xưa, ngựa còn đồng nghĩa với những cuộc chiến mở rộng lãnh thổ, thống lĩnh bang quốc cùng các lợi phẩm, của cải.
Trong đạo Phật, ngựa thể hiện cho sự đi tìm chân lý và chuyển pháp luân. Đức Phật khi còn là một vị thái tử, Ngài đã từng cưỡi một con bạch mã ra khỏi cung đi tìm hiểu đời sống dân chúng mà ngộ đạo. Theo thánh kinh của người Hindu, ngựa là một tiểu vũ trụ dung chứa vạn vật và một con ngựa trắng chính là hóa thân sau cùng của thần Vishnu- vị thần sáng tạo trong Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo.
Ngay cả màu sắc của ngựa cũng mang ý nghĩa sâu sắc như màu đen thể hiện cho sự huyền bí, cái chết, màn đêm, kiến thức thâm thúy; màu trắng là ánh sáng, ban ngày, sự sống, luân hồi. Phần lớn ngựa hiền đều có màu trắng và ngựa trắng được xem là một hóa thân của Quan Âm. Ngựa cũng đại diện cho chính con người trong các giấc mơ. Khi một người mơ cưỡi ngựa, người đó sắp có điều thành đạt. Ngược lại, ngã ngựa là một điềm báo lận đận. Mơ ngựa kéo xe ngụ ý tù túng, muốn giải thoát.
Thần mã Pegasus
Do tính chất linh thiêng, ở mỗi nước đều có một loại ngựa thần hoặc sinh vật huyền thoại liên quan đến ngựa. Được biết nhiều nhất là Unicorn (con kỳ lân) - một linh thú ở Anh và các nước châu Âu thời trung cổ. Đây là một con ngựa có một cái sừng dài xoắn ốc trước trán và thường xuất hiện trong những đêm thưa vắng trong rừng hay bên bờ suối dưới ánh trăng. Lúc thì màu trắng, lúc lại màu xanh, đỏ... tựu chung ít ai tận mắt thấy, người ta cho rằng chỉ trinh nữ hoặc thiếu nữ có tâm hồn trong sáng mới gặp được nó; cũng như sừng, bờm, lông đuôi, móng guốc hay máu kỳ lân đều chứa phép lạ giúp ước gì được nấy. Cho nên một thời gian dài, hoàng gia và dân gian thường vào rừng sâu săn kỳ lân và ghi nhận hình ảnh của nó trên nhiều tấm thảm treo tường và gia huy thời trung đại. Trong truyện Harry Potter, chú bé phù thủy buổi đầu tiên đến trường học đã mua được một chiếc đũa thần làm từ một sợi lông đuôi của kỳ lân, và với sức mạnh kỳ diệu nó đã giúp em chiến thắng tên pháp sư xấu xa -kẻ mà ai cũng biết. Đến nay, người ta vẫn tin kỳ lân là có thật, và nhắc đến nhiều trong kinh thánh cũng như truyện kể cho trẻ em.
Thần mã Unicorn
Cũng không kém phần nổi tiếng, Pegasus (thi mã) là một con ngựa hoang có cánh màu đen trong thần thoại Hy Lạp. Để cưỡi được nó, Perseus- con trai của thần Zeus với một phụ nữ phàm trần- đã phải nhiều lần tiếp cận bên hồ nước mà con vật thường hạ xuống giải khát. Chàng đã cưỡi con tuấn mã này đi tới thế giới âm phủ, lấy đầu của quái vật mình người đầu rắn Medusa, và việc này là một trong 12 kỳ công của chàng (tức Hercules trong văn hóa Italia) đối với việc cứu giúp trần thế và chinh phục thần linh trên đỉnh Olympia. Sau Perseus, cũng có một vài anh hùng cưỡi được Pegasus, chẳng hạn Bellerophon. Anh này một hôm ngủ trong đền được thần linh hiện lên cho một bộ dây cương vàng, nhờ thế mà cột được con vật và cùng nó đánh nhau với quái thú ba đầu sư tử, dê, rắn phun ra lửa Chimera. Nhân thắng lợi, Bellerophon có ý cưỡi Pegasus dạo chơi đỉnh Olympia. Không hài lòng với hành động tự mãn này, thần Zeus đã cho một con ong đốt Pegasus làm nó lồng lộn, hất kẻ mơ mộng xuống đất còn nó thì tiếp tục lao lên trời và tại đây trở thành ngựa thần có nhiệm vụ chở theo bên mình những tia sét. Hôm nay, Pegasus là tên của một chòm sao trên bầu trời mùa xuân.
Hippogriff (bằng mã) là một sự lai ghép kỳ lạ giữa một nửa sau là ngựa, nửa trước là chim, loại chim đại bàng hay ưng lớn của Hy Lạp. Con vật này cũng xuất hiện trong một câu chuyện về Harry Potter và trong truyện cậu bé đã làm thân được với nó và qua nó giải cứu cho một người bạn khỏi tù ngục. Thế nhưng, bằng mã đã có trước đó hàng thế kỷ. Theo sự miêu tả lại, đây là một con vật hết sức dữ tợn, có thể dẫm nát mọi nhà cửa, ruộng vườn nhờ đôi chân sau to như cột đình và xé xác bất cứ ai, con vật nào mà nó thấy bằng cái mỏ sắc và đôi móng nhọn hai chi trước. Khi bay, nó phi vèo một lúc đã tới nơi với đôi cánh đập liên hồi như bão tố.
Thần mã Hippogriff
Sleipnir (ngựa tám vó) là thú cưỡi của Odin, vị thần đứng đầu trong thế giới thần tiên Na Uy. Với tám chân đi không mỏi, băng qua mọi nguy hiểm, con ngựa đã cùng Odin cầm quân chiến thắng loài ma quái, khổng lồ và xây dựng nên một đất nước thanh bình, thịnh trị. Người dân Na Uy rất yêu kính vị thần của họ và từ hình ảnh Odin cưỡi con Sleipnir đã tạo ra hình tượng Ông già Noel cưỡi bầy tuần lộc thân thương mỗi đêm Giáng Sinh lại ghé thăm từng nhà phát quà cho các cháu nhỏ khắp thế giói.
Bucephalus (ngựa đầu bò), là một con ngựa khổng lồ, có nơi cho rằng nó có một cái đầu bò cũng có nơi cho rằng vẫn là đầu ngựa song trước trán có một hoa thị giống như của bò. Đây là một sinh vật hoang dã được một cậu bé 12 tuổi thuần hóa. Cậu bé sau này trở thành Alexander Đại Đế và đã cưỡi nó xông pha chiến trận xây nên một đế chế hùng mạnh tại nhiều châu lục. Sau khi Bucephalus chết, ông đã đặt tên nó cho một thành phố.
Kelpies (ngựa nước) đồ rằng là một sinh vật thần thoại sống dưới nước trong các sông hồ của Scotland và các quốc gia thuộc văn hóa Centic. Con vật thấp lùn, thường có màu đen, điều đáng kể là nó không ăn tảo hay thực vật mà ăn thịt người. Và thường lên bờ đi nước kiệu thong dong, nhử người sa chân xuống nước. Trong truyện Harry Potter, nó đã nhiều lần cố gắng để ăn thịt cậu bé và các bạn của em khi Harry Potter phải thực hiện một cuộc thi bơi lặn dưới nước.
Thần mã Sleipnir
Centaur (nhân mã) như tên gọi có nửa thân trên là người, nửa thân dưới là ngựa, sống ở các khu rừng thiêng của Hy Lạp. Nó thường xuất hiện như những chiến binh, với vai đeo cung nỏ, tay cầm gươm kiếm và phi nhanh như gió bảo vệ thần giới.
Ichthyocentaur cũng là một dạng nhân mã song có cái đuôi cá heo để có thể bơi lội dưới nước. Đây là một sinh vật phổ biến trong văn hóa Hy Lạp và La Mã.
Kimpurushas là nhân mã trong tín ngưỡng của người Hindu. Và là một tiểu thần hộ vệ thần giới Ấn Độ.Nix lại là một con vật biến dạng vô lường, lúc làm người, lúc làm ngựa hay rắn, cá ở các nước nói tiếng Đức.
Dân gian nơi đâu cũng tôn sùng ngựa và thường viện dẫn ngựa để cầu cúng mưa thuận gió hòa, trấn địa trấn trạch nhằm bảo an, giữ của. Nhiều người thường đúc tượng ngựa, vẽ hình ngựa đặt tại các lăng tẩm hay treo móng ngựa, thủ ngựa ngoài cửa và dọc đường vào nhà xua đuổi tà ma, bệnh tật. Cũng dựng nhiều đền đài thờ ngựa và tổ chức lễ hội ngựa để vinh danh các nòi ngựa quý, cho mọi người ôn lại lịch sử hào hùng, văn hóa truyền thống và giao hòa giữa con người và thiên nhiên tươi đẹp.
Chu Mạnh Cường
Nguồn: Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh 
số Tết tháng 1+2/2014
Theo http://hufa.edu.vn/




1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...