Đôi nét cảm nhận về thơ của Bùi Giáng
Đọc thơ Bùi Giáng thì phải đọc hết toàn bộ mới cảm nhận được
hết cái hay vì cuộc đời của ông là cả một bài thơ lớn. Mỗi bài thơ là một âm
sắc trong bản nhạc giao hưởng mà mỗi âm sắc đó có phản ánh một mặt của cuộc đời
ông.
DẪN NHẬP
Trong nền thi ca của Việt Nam, có biết bao nhiêu nhà thơ nổi
tiếng đã để lại những tác phẩm kiệt xuất cho cuộc đời. Có những bài thơ đọc
lên nhẹ nhàng, thanh thoát, có những bài đọc lên thấy chua chát, đắng cay.
Trong thời hiện đại, xuất hiện một con người đa tài, ông không chỉ làm thơ, dịch
tiểu thuyết, viết sách khảo luận triết học mà còn viết rất nhiều tùy bút văn
học, đặc biệt là tùy bút về thơ, đó chính là Bùi Giáng.
Đọc thơ Bùi Giáng thì phải đọc hết toàn bộ mới cảm nhận được
hết cái hay vì cuộc đời của ông là cả một bài thơ lớn. Mỗi bài thơ là một âm
sắc trong bản nhạc giao hưởng mà mỗi âm sắc đó có phản ánh một mặt của cuộc đời
ông. Người đọc không những đọc mà còn phải nghe và còn phải suy ngẫm về nó rất
nhiều có khi phải sống trong nó thì mới cảm nhận được hêt những điều hay
trong đó.
Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận định: “Gọi Bùi Giáng là "người
thơ" tôi muốn xác tín hai điều: Bản chất thuần Việt của thi ca, tác phẩm
ông và tính cách dân dã, bụi bặm, gần gũi với quần chúng của ông. Trong lịch
sử thơ ca Việt Nam hiện đại chưa từng sản sinh ra một trường hợp nào lạ lùng
và độc đáo như vậy”. “Bùi Giáng, không chỉ là nhà thơ, mà đi xa hơn, ông
chính là hiện thân của một "đạo thơ", một "thi sĩ sinh ra giữa
cỏ cây và sẽ chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn”
Dù đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình
viết và nhận định về văn thơ cũng như cuộc đời của Bùi Giáng, nhưng mỗi bài
viết chỉ là một góc cạnh nhỏ về ông cũng như tác phẩm của ông mà thôi. Không
ai có thể hiểu hết những tác phẩm của ông cũng như cuộc đời ông. Những tác phẩm
của ông khó hiểu giống như cuộc đời của ông vậy. Chẳng biết ông là thi sĩ hay
Bồ tát hóa than nữa mà có người gọi ông là “thi sĩ Bồ Tát”.
Thơ ông đa chiều cạnh, khó cảm nhận nhưng người đọc vẫn bắt
gặp được chính con người mình trong đó. Với kiến thức nông cạn, người viết chỉ
nêu lên“Đôi nét cảm nhận về thơ của Bùi Giáng” qua những gì mà người viết
cảm nhận. Tuy nhiên với giới hạn của bài viết, người viết chỉ nêu ra một vài
nét đặc trưng như cõi xuân, sự hư thực và triết lý Phật giáo trong thơ của
ông. Theo Thái Tú Hạp đã viết: “Có rất nhiều những nhà trí thức triết
gia, giáo sư và những nhà thơ, văn Việt Nam viết rất nhiều cõi văn chương tuyệt
tác của thi sĩ Bùi Giáng, đều những khám phá, tán dương, ca ngợi một cách
chân tình, trung thực.” Dù với bao nhiêu lời nhận định nào đi nữa ta vẫn thấy
một điểm chung ở mọi người là đã dành sự yêu mến cho con người siêu lãng tử lẫn
thiên tài độc đáo này.
1. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ BÙI GIÁNG
1.1. Tiểu sử Bùi Giáng
Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả và là
nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung
niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi
Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ...Ông nổi tiếng
từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn.
Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh
Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở
Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị
Kiều. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiều, nhưng là
con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo
cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh
Châu.
Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê
Trí Viễn.
Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung
học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài
Thanh, Đào Duy Anh.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo
chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.
Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ
đội Công binh.
Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên
khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng
Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì
ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng
núi Trung Phước.
Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương.
Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên,
theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông
quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật
và đi dạy học tại các trường tư thục [1].
Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của
ông.
Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của
Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bui
Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...
Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi
Giáng mất lúc 2 giờ chiều
ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh
viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn cũ) sau những
năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của
Bùi Giáng).
1.2. Những tác phẩm của Bùi Giáng
Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng có (tạm
phân theo thể loại):
Tập thơ: Mưa nguồn (1962), Lá hoa cồn (1963), Màu hoa
trên ngàn (1963), Ngàn thu rớt hột (1963), Bài ca quần đảo (1963), Sa mạc trường
ca (1963), Mười hai con mắt (1964), Rong rêu (1972), Thơ vô tận vui (1987),
Mùa màng tháng tư (1987), Mùi Hương Xuân Sắc (1987), Đêm ngắm trăng (1997),
Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994), Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…
Giảng luận: Giảng luận về Nguyễn Công Trứ, Giảng
luận về Cung oán ngâm khúc, Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc
Hiếu, Giảng luận về Phan Bội Châu, Giảng luận về Chu Mạnh Trinh, Giảng
luận về Tôn Thọ Tường, Giảng luận về Phan Văn Trị, tất cả đều được
xuất bản năm 1957-1959.
Triết học: Tư tưởng hiện đại (1962), Martin Heidgger
và tư tưởng hiện đại I và II (1963), Sao gọi là không có triết học Heidgger?
(1963), Dialoque (viết chung, 1965)
Tạp văn: Các sách xuất bản năm 1969, có: Đi vào cõi
thơ, Thi ca tư tưởng, Sa mạc phát tiết, Trăng châu thổ, Mùa xuân trong thi
ca, Thúy Vân. Các sách xuất bản năm 1970, có: Biển Đông xe cát , Mùa thu
trong thi ca. Các sách xuất bản năm 1971, có: Ngày tháng ngao du, Đường đi
trong rừng, Lời cố quận, Lễ hội tháng Ba, Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng…
Sách dịch: Các sách xuất bản năm 1966, có: Trăng Tỳ hải,
Cõi người ta, Khung cửa hẹp, Hoa ngõ hạnh, Othello. Các sách xuất bản năm
1967, có: Bạo chúa Caligula, Ngộ nhận, Kim kiếm điêu linh. Các sách xuất bản
năm 1968, có: Con đường phản kháng, Mùa hè sa mạc, Kẻ vô luân. Các sách xuất
bản năm 1969, có: Nhà sư vướng luỵ, Ophélia Hamlet, Hòa âm điền dã. Các sách
xuất bản năm 1973 và 1974, có: Hoàng tử Bé (1973), Mùa xuân hương sắc
(1974)... Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản và xuất bản
trong và ngoài nước.
2. ĐÔI NÉT CẢM NHẬN VỀ THƠ CỦA BÙI GIÁNG
2.1. Cõi xuân trong thơ Bùi Giáng
Những tác phẩm của
Bùi Giáng rất nhiều nhưng nỗi bật nhất là tập thơ Mưa nguồn và những hình ảnh
mùa xuân trong thơ ông. Người đọc như lạc vào vườn xuân với những nét xuân
khác nhau theo từng cung bậc cảm xúc của tác giả. Đó là cõi riêng của ông và
cũng là niềm tin của ông. Ông tin tưởng vào mùa xuân vì đó là một mùa đẹp nhất
trong một năm và mùa xuân cũng là mùa hạnh phúc. Mùa xuân trong thơ ông
đối với thời gian là vô cùng và không gian là vô tận.
“Mùa xuân bữa trước mùa xuân bữa sau, xuân bốn bên trong hiện
tại vây hãm tấn công đời hạnh phúc lạnh như băng không làm sao nhúc nhích”. (Bờ
xuân,Mưa nguồn, tr.38-39)
Ông sử dụng nhiều
điệp ngữ “xuân” “xuân bữa trước, xuân bữa sau, xuân bốn bên”. Dụng
ý ở đây muốn nói lên một mùa xuân miên viễn, lòng ông lúc nào cũng tràn ngập
mùa xuân. Dù trong vòng chu kỳ của một năm chỉ có ba tháng mùa xuân, xuân đi
rồi xuân sẽ trở lại, nhưng mấy ai cảm nhận được xuân từng “bữa” như ông. Phải
chăng ông xem xuân giống như những “bữa ăn” cho nên ông tận hưởng được mùa
xuân ấy trong từng “bữa” đó là thời gian, còn không gian là “xuân bốn bên”
nghĩa là nơi nào cũng có mùa xuân cả. So với xuân của chu kỳ trời đất, xuân của
Bùi Giáng hiện hữu trong giờ phút hiện tại và vây hãm, tấn công nhưng nó lại
mang đến cho ông một hạnh phúc.
Ngôn từ rất Bùi Giáng, mấy ai nói xuân “vây hãm tấn
công” bao giờ. Chỉ có Bùi Giáng mới thế, ông có “điên” trong ngôn ngữ
hay không điều đó không biết nữa. Chỉ có ông mới hiểu nỗi cái ngôn ngữ của
ông. Dù không biết ông có “điên” hay không nhưng nếu tinh ý ta vẫn thấy
ông “hạnh phúc” trong mùa xuân mà ông cảm nhận. Khác với mùa xuân của
trời đất theo chu kỳ ba tháng trong một năm, còn xuân của ông là từng “bữa”
cái “bữa” đó ông đã thưởng thức nó trong niềm hạnh phúc thẩm sâu vào trong tận
hồn ông, mà nói rõ hơn là cảm nhận bằng “Tâm”. Giống như những câu thơ
trong bài thơ Nguyên Đán của nhà thơ Xuân Diệu:
“Xuân
của đất trời nay mới đến
Trong
tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ
lúc yêu nhau, hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.”
Không những ông tận hưởng mùa xuân trong cả không gian và
thời gian mà còn tin vào một mùa xuân miên viễn như tin một cánh én sẽ báo
tin một mùa xuân đang về. Hình ảnh chim én bay, báo hiệu mùa xuân cho nhân loại.
Đây là một niềm vui chung chứ chẳng phải riêng một mình ông. Khi chim én về
báo hiệu mùa xuân đến, xua tan đi mùa đông đầy băng tuyết giá lạnh để cho những
cây khô nẩy lộc đâm chồi:
Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa.
(Mưa nguồn, tr.62)
Ông đồng cảm nghĩ
với nhạc sĩ Văn Cao, trong ca khúc Xuân đầu tiên của Văn Cao có đoạn: “Rồi
dặt dìu mùa xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về…” Xuân đến
lòng người ai lại chẳng vui, ai chẳng nao nức, ai chẳng muốn gặp lại cố nhân,
những người đã xa vắng từ bao giờ. Xuân về cho lòng người một cảm giác ấm
cúng, thân thương, khó tả:
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng
Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại
Với dòng trong em hẹn ở bên đường
Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng.
(Về cố quận, Mưa
nguồn, tr.61)
Những câu thơ của ông thật lạ, không giống như những mùa
xuân của thiên hạ hay tả là mùa xuân có bướm có hoa. Mùa xuân của Bùi Giáng
là “hạnh phúc” mà hạnh phúc của ông chỉ trong những câu nói bỏ lững, chính vì
vậy ta mới thấy ông cảm nhận ở “Tâm: “Thuở xưa kia…bờ nước ấy xưa kia” Câu
thơ không mang một nội dung gì cả, “thuở xưa kia” là thuở nào, xưa
là từ bao giờ, “bờ nước ấy” là bờ nào, rồi lại nhắc thêm một lần“xưa
kia” nữa. Phải chăng mùa xuân của ông là một sự hoài niệm, khắc khoải,
chờ đợi, hay là mơ ước cho một mùa xuân đẹp sẽ đến khi ông khát khao một nàng
thơ nào đó sẽ trở về. Nhưng dù thế nào thì ông cũng cảm nhận được hạnh phúc
trong mùa xuân của mình. Ông đã sớm linh cảm rằng cuộc đời của ông chỉ xoay
vòng trong một tọa độ mà tọa độ đó được xác đinh bởi không
gian “Cố quận” và thời gian “Nguyên xuân” đễ đến nổi ông phải thối lên rằng:
Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước
Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này.
(Chỗ này, Mưa nguồn, tr.82)
Mùa xuân trong thơ ông có lúc đã rất vui, rất hạnh phúc,
nhưng cũng lại có mùa xuân đau đớn, tái tê thể hiện qua câu: “Cỏ Mùa
Xuân bị giẫm nát không hay”. Cỏ đẹp thế, mùa xuân đẹp thế nhưng bị giẫm nát
lúc nào không hay biết. Phải chăng ông đã rất đau đớn một điều gì đó, tâm hồn
ông đã giằn xé hay xót xa cho kiếp cỏ cây hay cho thân phận con người. Với ý
nghĩ này Trịnh Công Sơn cũng xót xa cho thân phận của “cỏ” qua
ca khúc Cỏ xót xa đưa:
“Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cánh lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế
Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa.”
“Cỏ” trong thơ của Bùi Giáng cũng như trong nhạc của Trịnh
Công Sơn đều đau đớn như nhau. Cỏ như thân phận kiếp người cũng bị con người
chà đạp, cỏ cũng biết xót xa biết tủi nhục, biết tái tê, biết rơi lệ. Như vậy,
mùa xuân trong câu thơ này của Bùi Giáng cũng u buồn, chứ đâu phải mùa xuân
trong câu thơ nào của ông cũng vui.
Mưa nguồn cũ quá xa rồi một trận
Ôi xuân xanh vĩnh biệt như thể nào
(…) Người viết mãi một màu xanh cho cỏ
Người viết hoài một màu cỏ cho xuân…
(Bài ca Quần Đảo, tr.22-23)
Với thơ ông, mùa xuân của đất trời hay xuân trong lòng thì
cũng có lúc xuân buồn, cũng có lúc xuân vui, có lúc xuân hạnh phúc nhưng cũng
có lúc xuân xót xa. Có những mùa xuân đã qua đi không bao giờ trở lại nhưng
cũng có những mùa xuân ở mãi trong lòng ông. Rồi suốt một đời, ông đã ấp ủ một
mùa xuân và ông vẽ cho chính mình một chân dung chân dung duy nhất, như viết
hoài một màu cỏ cho xuân.
Xuân mười sáu suốt bến xuân chìm tắt
Một bài thơ gieo suốt tự bao giờ
(Bài ca Quần Đảo,
tr.11)
Không biết năm mười sáu tuổi đã xảy ra biến cố gì trong cuộc
đời ông mà bến xuân trong ông đã chìm tắt? Điều đó cũng chẳng ai biết, chỉ biết
là ông làm thơ từ dạo ấy, khoảng vào năm 1942, tại Huế, như theo lời kể của
ông trong đầu sách Lời Cố Quận. [2]
Đọc thơ ông người đọc như lạc vòa một cánh rừng u tịch,
không biết lối ra, không định hình được hướng, Người đọc choáng ngợp với từ từ,
từng ngữ, từng câu thơ ông. Họ say sưa, họ suy nghĩ, … nhưng không thể hiểu hết
những gì ông viết trong thơ. Trong khi họ còn đang đắm mình với cỏ cây hoa lá
trong mùa xuân của ông thì bất chợt đâu đây lại nghe một lời chào như hư như
thực:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau.”
(Chào Nguyên Xuân)
Ủa!
quen hay lạ mà chào nhau thế? Phải chăng trong từ vô thỉ mọi người đã quen
nhau? Thôi thì thôi cũng xin chào nhau vì tất cả mọi người cùng đi trên một lộ
trình cơ mà. Kiếp người đã là một lộ trình dài vô tận, trên lộ trình đó thi
thoảng con người đã gặp nhau rồi. Trong luân hồi sanh tử ấy nếu có duyên. Vậy
thì hãy cứ chào nhau đi, cứ vui đi như tận hưởng những mùa xuân vậy. Niềm
khát khao nhất một kiếp người không phải là đi tìm hạnh phúc đó sao? Vậy thì
xin cứ xem nhau như những người quen để còn được thấy nhau, được chào nhau.
Hôm nay còn gặp thì hãy cứ chào đi, cứ vui đi như xuân đang về vậy, và hãy để
cho mùa xuân ấy miên trường ở phía sau, có nghĩa là còn vui trong vạn ngày tới
nữa. Hãy bỏ qua những đau thương mất mát trong cuộc đời để đi tìm một bến bờ
hạnh phúc. Hãy cảm nhận nó trong từng bước chân và đừng nói thêm gì nữa:
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.
(Chào Nguyên Xuân)
Mùa
xuân trong thơ Bui Giáng còn ở bước chân của ai nữa kia. Xuân cũng có thể
theo người mà về chứ chẳng cần có chim én. Phải chăng là mùa xuân của tâm hồn
khi tâm hồn tràn ngập niềm vui thì một bước chân nhè nhẹ cũng là một hạnh
phúc. Nhưng sao trong những câu thơ này Bùi Giáng tự hỏi rồi lại tự trả lời.
Ông có cô đơn không? Có lẽ tâm trạng ông vừa hạnh phúc vừa cô đơn chăng?
Chính vì cô đơn nên ông mới độc thoại với chính mình. Có khi ông rất mơ hồ, rất
triết lý nhưng có khi ông lại rất thực tại:
“Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.”
Không
chỉ có vậy, những câu thơ về mùa xuân của ông có cái gì đó ngộ ngộ mà xưa nay
chưa có một ai nghĩ ra dù nó chỉ là những hiện tượng bình thường của cuộc sống:
“Xuân về xuân lại xuân đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về”
Theo Đặng Tiến nhận xét: “Hai câu thơ đơn giản. Ngớ ngẩn
mà thâm sâu. Vớ vẩn mà thần sầu. Thâm sâu ở chỗ: lời nói tự hủy, tự lời bôi
xóa lời. Câu thơ có nghĩa là: tôi vô nghĩa. Thần sầu ở chỗ: không mấy ai thấy
cái chốn thâm sâu.”
Theo Nhất Thanh nhận định: đây là “Một bài thơ Xuân lạ
lùng! Người làm thơ cứ như nhảy chân sáo trong thơ. Rất bông đùa, hóm hỉnh mà
lại triết lý đến không ngờ. Qua tới đi về, cứ như mùa Xuân đang lượn lờ trước
mắt chúng ta. Thế mà nó đã đi, đi biệt khi tất cả chúng ta chưa kịp thấy nó về.
Hay nói cách khác, mùa Xuân vẫn mãi đi về giữa đất trời lớn rộng, trong khi
lòng người quá nhiều bận rộn nên chưa kịp thấy hết nhịp điệu đến đi phiêu bồng
của một cõi Nguyên Xuân.”[3]
Nói theo chu kỳ của vũ trụ thì xuân đến thì xuân phải về,
dù cho con người có mong đợi hay không. Khi xuân đến có bảo xuân đừng đến
cũng không được mà khi xuân đi có nắm giữ xuân lại thì cũng không thể. Hai
câu thơ của Bùi Giáng nói lên chu kỳ của trời đất rất bình thường thôi nhưng
nghe lại không bình thường. Có cái gì đó hay hay, lạ lạ, không dùng ngôn ngữ
bay bướm, phóng đại gì cả, tuy rất đời thường nhưng lại rất khác thường. Có
cái gì đó rất hay theo kiểu của Bùi Giáng mà ta không thể nói nên lời.
Theo nhận định của người viết: “Nếu nói Trịnh Công Sơn
là “phù thủy về ca từ trong âm nhạc” thì Bùi Giáng là “kẻ điên về từ ngữ
trong văn chương” điều đó không ngoa chút nào. Còn Đặng Tiến cũng khẳng
định:“Thơ Việt Nam nhiều câu hay. Nhưng hay kiểu Bùi Giáng, xưa nay có một. [4]
2.2. Triết lý Phật giáo trong thơ Bùi Giáng
Đọc thơ của Bùi Giáng không những ta thấy được nét xuân mà
còn thấy đầy triết lý của Phật giáo. Giống như Trịnh Công Sơn những ca từ
trong ca khúc Trịnh thấm đượm tinh thần Phật giáo thì từ ngữ trong thơ của
Bùi Giáng cũng mang nhiều hơi hướng của Đạo Phật. Nhiều người cho rằng “ông
điên” nhưng hình như “ông điên để được tỉnh”, tỉnh trong thơ và tỉnh trong cả
cuộc sống. Điên mà ông nhận chân được cuộc sống này là “hư vô” là không thật,
là hữu hạn:
Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh.
(Hư vô và vĩnh viễn)
Mấy ai trong cuộc
đời này hiểu được cuộc sống là “vô thường” biến đổi không ngừng nghỉ. Có lẽ
ông cảm nhận điều này nên ông đã làm một kẻ lữ hành rong chơi suốt cả một đời
không vướng víu. Ông giống như một gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa cứ mãi lang
thang cả một đời đến khi sực tỉnh lại thì mới nhận chân ra được “đời chỉ là
cõi tạm”, chỉ là “quán trọ trần gian” thôi, có gì đâu mà vui. Cõi tạm thì vô
thường mà quán trọ chỉ là chỗ nghỉ chân. Cõi tạm này chẳng biết bắt đầu từ
khi nào và kết thúc từ bao giờ. Nhưng có điều mà ông biết được đó là cái chết.
Cái chết là điều gì đó thương tâm của kiếp người mà không ai tránh khỏi, cũng
như kiếp hoa rồi cũng sẽ úa tàn:
“Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng.”
(Chớp biển, tr.45)
Nếu
gọi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ của“Tình yêu và thân phận” mà
trong đó yếu tố thân phận là yếu tố đã làm cho Trịnh Công Sơn trở nên bất hữu
thì Bùi Giáng cũng có thể gọi là thi sĩ của “Tình yêu và thân phận”.
Trong “cái thân phân” đó con người đã gặp nhau, đã vui sướng, đã đau khổ, đã
dằn vặt, đã cấu xé lẫn nhau:
“Anh
cứ tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai
có ngờ xó chợ cũng thương nhau.”
Hai
câu thơ này chẳng biết chính xác là như thế nào mà lại có câu thơ dị bản
khác:
“Cứ
tưởng đầu đường thương xó chợ
Nào ngờ xó chợ cũng chơi nhau.”
Dù
có dị bản đi chăng nữa, ta vẫn thấy được nó chứa đựng một triết lý rất Phật
giáo mà lại “rất Bùi Giáng. Theo quan niệm của đạo Phật, cuộc sống của một kiếp
người là đau khổ. Sự khốn khổ cùng cực với sinh lão bệnh tử, ái biệt ly, oán
tắng hội, cầu bất đắc… Bùi Giáng hiểu điều này, chính vì vậy mà ông đã sử dụng
vào thơ của mình với hình ảnh “đầu đường” “xó chợ”, “đầu đường” “xó chợ” ở
đây không phải là những người bần cùng theo phương diện xã hội mà ông muốn
nói trên phương diện nỗi khốn cùng của kiếp người. Nhưng dù có là những kẻ “đầu
đường” “xó chợ” đi chăng nữa thì phải biết thương nhau chứ. Kiếp người vốn dĩ
đã chịu nhiều đau khổ của luật vô thường, của nhân quả nghiệp báo rồi, tại
sao con người còn phải gây thêm những đau khổ cho nhau nữa. Cũng thân phận “đầu
đường” “xó chợ” cả thôi, thì có gì sung sướng, có gì vinh quang đâu mà lại
“chơi” nhau.
Trong xã hội người khốn khổ về vật chất nhất là những kẻ “đầu
đường” “xó chợ” thì với triết lý của nhà Phật con người chỉ là một “gã cùng tử”
không hơn không kém. “Gã cùng tử” chỉ biết rong chơi, lang thang đây đó, cho
đến một lúc nào đó:
“Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
(Áo xanh)
thì mới nhớ đến quê nhà. Thế gian là cõi tạm, cuộc sống là
vô thường, biến hoại, không hằng hữu, chỉ có quê nhà mới là nơi êm ấm, là chốn
bình yên. Mỗi con người ai không có một quê hương, một chốn để về. Lang thang
suốt một đời rồi mới:
Sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm
Là quê thân thiết biết bao chừng
(Người về)
Ông
nhận chân ra được quê nhà ấy ở trong lòng, nghĩ là sự cảm nhận của tâm. Chỉ
có “chân tâm” mới là quê nhà thật sự. Chỉ có hạnh phúc thật sự là ở mãi trong
tâm:
Lòng chim gieo sáng dệt vân sa
Trên bước đường xuân trở lại nhà
Mở sách chép rằng: vui một sáng
Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta
(Áo xuân, 1942)
Phải
chăng Bùi Giáng muốn trở về với “chân tâm” của mình hay là khéo nhắc mọi người
đừng đi tìm chân hạnh phúc ở đâu xa mà chính là ở tâm mình. Ông đã rất khéo
léo vận dụng ngôn ngữ của Phật giáo và trong thơ ông. Ngôn từ tuy có khác
nhưng ý nghĩa thì tương đồng, thế mới nói chân lý chỉ có một nhưng phương tiện
là rất nhiều. Trở lại quê nhà ở đây không khác là trở lại với chân tâm, chính
nơi đây mới là hạnh phúc và giá trị của hạnh phúc này phải đánh đổi bằng bao
nhiêu năm lang thang nơi xứ lạ quê người.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Trước
Bùi Giáng, Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng nói về
“Tâm” khi khẳng định về thân phận của kiếp người qua hình ảnh của nàng Kiều:“Thiện
căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trịnh Công Sơn cũng có một
câu trong ca khúc Để gió cuốn đi đã trở thành một câu dường như là bất tử: “Sống
trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng đó là “Tâm”, nếu sống mà không
có “Tâm” thì cuộc sống trở nên vô nghĩa. “Tâm” của Bùi Giáng có lúc lang
thang, có lúc ngỡ ngàng, có lúc hiu quạnh, lúc có niềm vui… nói chung là trái
tim ông cũng xao động theo mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút:
“Đường đi ngõ quạnh lang thang,
Niềm vui tao ngộ muôn vàn lạ thay.
Trái tim mỗi mỗi mỗi ngày,
Mỗi giờ phút đọng mây trời rung rinh”.
Điều này ứng với giáo lý của nhà Phật là: “Tâm viên, ý mã”
(Tâm như con vượn chuyền cành, ý như con ngựa chạy rong trên đường.) Bùi
Giáng hiểu được điều này, chính vì vậy mà ông muốn “trở về cố quận” để tìm lại
cõi “nguyên xuân” của kiếp người. Cõi “nguyên xuân” đó chính là quay về với tự
thân của cuộc sống đời thường mà bấy lâu nay con người ta bỏ quên. Cứ tưởng hạnh
phúc nằm ở đâu xa xôi lắm con người cứ mãi khát khao đi tìm, đâu có ngờ hạnh
phúc nằm ở những điều giản dị nhất của cuộc sống. “Hạnh phúc đâu chỉ là
những nụ cười mà còn tô điểm thêm bằng những giọt nước mắt. Hạnh phúc đâu chỉ
là ánh mặt trời ấm áp mà còn là vầng trăng lạnh lẽo đêm thâu.”[5]. Bùi Giáng đã nhận chân ra được hạnh phúc nên ông đã sống một
cuộc đời không bon chen không danh lợi. Ông tìm vui trong những gì đơn sơ nhất,
giản dị nhất mà mỗi người ai cũng có thể tìm được:
“Mỗi sáng tôi nhìn mặt trời mọc trong mây,
Mỗi chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây,
Suốt ngày tôi lắng tai nghe tiếng chim hót trong lá cây
reo,
Và nhìn thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”.
(Nhìn thấy - “Đêm ngắm trăng” tr.27)
Ông
tận hưởng cuộc sống với mỗi sáng sớm được còn nhìn thấy mặt trời mọc trong
mây, mỗi chiều cũng được thấy mặt trời lặng trong mây, và lđược lắng nghe tiếng
chim hót trong khoảng trời mênh mông vô tận. Cuộc sống tấp nập hối hả đã làm
cho con người mãi chạy theo vật chất, với công việc, những mối quan hệ xã hội
chằn chịt, những lo toan vây hãm, đâu có ai có thời gian để tận hưởng cuộc sống,
dù chỉ là được nhìn cảnh bình minh và hoàng hôn. Cuộc sống rất ngắn ngủi,
sang còn tối mất như cánh phù dung sớm nở tối tàn. Cái chết chẳng đợi ai nên
đừng truy tìm hay ước vọng về quá khứ và tương lai mà cứ an trú trong phút
giây hiện tại để thấy mình còn hiện hữu trên cõi đời này. Trong kinh Người biết
sống một Đức Phật dạy:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.” [6]
Chỉ có giờ phút hiện đại mới tìm thấy được hạnh phúc mà hạnh
phúc đó là trạng thái của Niết Bàn. Niết Bàn hiện hữu trong từng hơi thở,
trong từng thớ thịt của mạch sống chứ đâu phải ở đâu xa xôi. Niết bàn là sự
hiện hữu của cái nhìn, cái thấy trong giây phút hiện tại khi tâm tỉnh giác. Tỉnh
giác với tự thân và tỉnh giác ở cảnh vật mà ở đây trong thơ ông là tỉnh giác
với thiên nhiên qua ánh nắng của mặt trời. Chỉ bao nhiêu đó thôi là đã đủ
giàu có, thế mà tại sao con người vẫn mãi lang thang làm gả cùng tử, đến lúc
nào đó gã cùng tử muốn quay trở về cố quận, dù đường về có quá xa xôi. Trịnh
Công Sơn cũng nói:
“Đường xa mỏng mộng vô thường
Trái tim chợt tỉnh tôi nhừng nhịn tôi.”
Lang
thang suốt một độ luân hồi rồi cũng may là có lúc tỉnh ra, có người suốt đời
cũng đâu hiểu cuộc đời chỉ là giác mộng vô thường. Dẫu biết rằng con người
không biết sinh ra từ đâu, nghĩa là cội nguồn hay quê hương là ở đâu, vì thế
mà Bùi Giáng đã tự hỏi:
“Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”.
hay:
“Từ đâu ngươi đến? – Từ đây ta về”.
Cuộc
hành trình về cố quận của Bùi Giáng quả thật là dài, nhưng đâu đó ông cũng đã
gặp được những triết lý của Phật giáo để rồi từ đó ông đem nó vào trong thơ
ca của ông, nó trở thành chất liệu sống của ông theo từng năm tháng. Những
tháng ngày một mình trên lộ trình của cuộc sống thông qua những câu thơ bình
dị mà trác tuyệt là cả một tâm hồn siêu thoát. Cho nên có người còn gọi ông
là “vị Bồ tát của văn chương”. Đúng vậy, ông đã từ bỏ một cái ràng buột, “ồn
ào của cuộc sống để thong dong bước vào đạo”.[7] Đó
là hạnh nguyện hay chỉ là một sự ngẫu nhiên của cuộc đời ông hoặc là cái nghiệp
văn chương của ông phải như thế. Dù sao đi nữa thơ ông cũng mang đầy tâm trạng,
mang đầy màu sắc mà màu sắc Phật giáo là một kho tàng vô giá mà ông đã may mắn
bắt gặp được. Âu đó cũng là một phần thưởng của hạnh phúc đã dành cho ông và
từ đó ông đem ban tặng đến tất cả mọi người qua những vần thơ tuyệt tác.
2.3. Nét hư thực trong thơ Bùi Giáng
Có người cho rằng Bùi Giáng “điên” nhưng hình như ông chỉ
“điên trong thơ” mà thôi. Cái điên đó thể hiện ở nét hư thực trong ngôn từ và
nội dung của ông. Thơ của ông dung dị mà sâu sắc, đơn giản mà tài hoa, bong
đùa mà nghiêm túc, khoáng đảng mà khắc, như vậy đâu thể nói Bùi
Giáng là một “người điên”, thơ ông hay là thế. Những câu thơ trong thơ ông có
thể bỏ lững, có thể không lý do nhưng ta vẫn có thể cảm nhận nó theo tâm trạng
của mỗi người. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng không ai có thể hiểu hết thơ
ông. Và cho đến chính bản thân ông cũng không thể hiểu nổi ông kia mà:
Xưa kia tôi đã có lần
Và bây giờ đã đôi phần tôi quên.
(Ca dao, Mưa nguồn, tr.143)
Ông không cho biết ông quên gì, nhớ gì, vì ông cũng không
biết ông đã làm gì để mà nhớ. Có đôi khi con người ta “tưởng rằng đã quên”
nhưng sự thật có quên đâu bao giờ, không những không quên chút nào mà nổi nhớ
ấy lại được cất giữ ở một góc khuất trong tâm hồn mà thôi. Bùi Giáng cũng vậy,
cái ông quên là những gì ông có thể quên vì không ai nhớ hết tất cả mọi điều.
Cuộc sống còn có những điều quan trọng hơn cần phải nhớ và cần phải nghĩ.
Cũng rất “may” là ông đã quên chứ không ông còn có nhiều câu thơ
hay hơn thế nữa. Câu thơ đọc lên rất bình thường nhưng lại không bình thường.
Chính vì thế mà người đời mới bảo ông “điên”.
Những câu thơ của ông vừa hư vực, hư ở đây là nó thực đến nỗi
mà hóa “hư” còn “thực” ở đây là hư đến nỗi mà hóa “thực”. Có những thứ mà chẳng
ai đem nó vào thơ nhưng hình ảnh “đầu đường” và “xó chợ” vậy mà ông lại đem
vào thơ không những thế mà lại hay nữa chứ. Có những dụng cụ tầm thường trong
cuộc sống chẳng đưa nó vào thơ vậy mà qua ngòi bút của ông những thứ đó lại
trở nên sống động hư thực:
“Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không?”
(Bao giờ)
Bằng
những vật dụng có trong cuộc sống hàng ngày mà ít ai để ý đến giá trị của nó
như: “bút chì”, “tường vôi”, “cục than” vậy mà ông đã đem vào thơ của mình.
Nhìn ở ngoài chúng bình thường thế mà vô trong thơ ông nó trở nên có hồn, có
cảm xúc tạo nên những câu thơ sống động. Những câu thơ rất thực nhưng không
ai ngờ đến nỗi nó quá thực đến như vậy, chính vì nó quá thực nên nó đã trở
thành “hư”
“Người nằm ngủ thấy gì,
Thấy rất nhiều nắng lạ,
Những chùm bông rất xanh,
Có lẽ bông là lá.
Người nằm ngủ thấy gì,
Chẳng thấy gì hết cả.
Ngài thử nằm ngủ đi,
Đừng hỏi gì hết cả”.
(Có lẽ – “Mưa nguồn…” tr. 359)
Đọc
thơ của ông đôi khi ta bắt gặp những điều rất mâu thuẫn. Có khi ông nói thấy
có khi lại nói không, vậy cuối cùng là như thế nào? Chỉ có người sống trong
cuộc mới biết chứ có diễn tả ra cũng không ai hiểu được. Những hình ảnh nắng,
lá, bông trong giấc mơ có khi thấy có khi lại không thấy, không thấy không có
nghĩa là không thấy mà thấy không có gì. Bùi Giáng đã hư thực trong giấc mơ
như hư thực trong chính những câu thơ của ông. Đây không phải là lời nói
xuông mà chỉ có ai sống trong giấc mơ đó mới cảm nhận được. Giấc mơ thì là có
thật nhưng những điều diễn ra trong giấc mơ lại là hư ảo. Bùi Giáng cảm nhận
được điều này muốn đem kể lại cho mọi người ông nghĩ mọi người sẽ không cảm
nhận được nó. Nếu ai muốn hiểu được những giấc mơ đó thì phải tự mình đi vào
giấc mơ đó và sống với nó thì mới hiểu được. Sự cảm nhận của mỗi người là
khác nhau khi mỗi sự vật hiện tượng đều có nguyên lý của nó. Giống như viên
kim cương có nhiều mặt con người không thể nhìn một lúc tất cả các mặt của
nó. Nếu chỉ nhìn phiến diện thì không thể nhận xét đúng về nó, chính vì vậy
mà phải nhìn toàn thể thì mới đáng quá được. Nhưng chưa chắc gì khi nhìn tổng
thể lại đánh giá đúng về nó.
Sự
hy thực trong thơ ông làm cho sự tư duy của người đọc thêm phong phú, tùy
theo sự cảm nhận của mỗi người, ông không bắt buột ai phải có suy nghĩ như
ông. Phải chăng nó hư thực quá mà người ta cho rằng ông “điên”. Nhưng “điên”
mà có những tác phẩm hay đến siêu lòng thì cũng nên “điên” lắm chứ. Chỉ sợ tỉnh
mà không thể làm được điều gì thì tỉnh cũng chẳng để tỉnh làm gì cả. Phải nói
rằng Bùi Giáng là ông Tiên thì đúng hơn vì ông đã sử dụng chiếc đũa thần tư
tưởng của mình gõ vào những con chữ để cho chúng tự nhảy múa chứ ông không hề
điều khiển chúng.
3. NHẬN ĐỊNH VỀ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA BÙI GIÁNG
Bùi Giáng không chỉ làm thơ, dịch tiểu thuyết, viết sách khảo
luận triết học, Bùi Giáng còn viết rất nhiều tùy bút văn học, đặc biệt là tùy
bút về thơ. Nếu ai đã từng đọc nhữn tác phẩm của ông sẽ thấy đằng sau những
ngôn từ đó là một tâm hồn mênh mang huyền diệu, những cung bậc cảm xúc của một
con người đa tài. Khác với những tác giả khác chỉ thiên về một lĩnh vực văn
hoặc thơ hay tùy bút còn Bùi Giáng thì viết nhiều thể loại nhưng thể loại nào
cũng hay cả.
Ngôn từ trong thơ ông đa dạng, nhiều ẩn ý, nhiều hình tượng
và đặc biệt là mang đầy triết lý phương Đông mà nổi bật nhất là triết lý Phật
giáo. Đọc thơ ông người đọc như lạc vào một khu rừng của từ ngữ, trong đó những
con chữ thi nhau nhảy múa, hát ca. Ngôn ngữ đó, Bùi Giáng đã đưa kinh Phật về
với những gì dung dị nhất mà người đọc vẫn có thể cảm nhận nó qua những cảnh
vật, những vật dụng, hoặc thiên nhiên như hoa lá cỏ cây. Mùa xuân trong thơ của
ông có khi buồn, khi vui, khi hạnh phúc, khi xót xa.
Những câu từ vừa siêu nhiên, vừa trần tục, vừa ngây ngô, vừa
điên dại đã làm cho người đọc như lạc vào cõi ba đào tuý luý tình mộng đổ
xiêu của mình. Cõi thơ Bùi Giáng mang bóng dáng của huyền thoại nữa
hư nữa thật. Nhưng dù sao đi nữa phải công nhận một điều thơ ông hay mà lạ,
không lẫn lộn với thơ của bất cứ ai. Chính vì vậy mà ta có thể gọi là độc đáo
‘rất Bùi Giáng.
KẾT LUẬN
Có thể nói Bùi Giáng là một thi sĩ kỳ lạ mà có người đã mệnh
danh ông là “thi sĩ Bồ Tát”, vì ông đã cống hiến cả đời mình cho văn chương.
Sự cống hiến không mệt mỏi cho đến cuối đời. Ông hào phóng với cuộc đời và
ban tặng những gì tin túy nhất trong tư tưởng của ông để có những tác phẩm
dâng đời. Xét về cuộc sống của ông có cái gì đó rất bình dị không hoa hòe,
không phô trương, không chấp trước. Chính vì thế mà ông trở nên khác người đến
nổi người đời còn cho là ông điên. Nhưng thực ra ông sống tùy duyên không vướng
bận, ông muốn thoát ra khỏi những vật chất bám víu với những cái cảnh nhà
cao, cửa rộng mà lại trở về với thế giới nguyên sơ để không phải lụy phiền.
Bùi Giáng một mình đi trên con đường thênh thang trong cả
cuộc sống và trong cả văn chương, nhưng trên bước độc hành đó ông đã bắt gặp
những tâm hồn đồng điệu như Nguyễn Du, Trịnh Công Sơn và đặc biệt là bắt gặp
cả một kho tàng giáo lý của nhà Phật thì đó quả thật là một điều hạnh phúc.
Ông bắt gặp được một nguồn hạnh phúc, một niềm vui thật sự để từ đó bước vào
cõi nguyên sơ và sống với nó qua những vần thơ bình lặng.
Thơ ông vừa lãng mạn, tinh nghịch, lại vừa hóm hỉnh, nhẹ
nhàng. Có những bài thơ vừa độc thoại và vấn đáp xoay quanh tình yêu và thân
phận, lẽ sinh tồn trong cuộc sống bể dâu đầy khắc nghiệt. Ông yêu cuộc đời
nên không muốn cuộc đời tổn thương, ông thương con người nên không muốn than
phận kiếp người phải đau khổ, nên thơ ông như ẩn chứa những tâm trạng khắc
khoải hoài vong. Thơ ông vừa cổ kính vừa hiện đại, “có màu sắc siêu thực
qua tính cách tạo hình, có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình,
về người khác trong cuộc sinh tồn hiện hữu...” [8]
Bùi Giáng đã bắt gặp hình ảnh của chính mình ở trong thơ,
và tấm bi kịch đó ông đã vẽ nên những bức tranh có khi vui tươi, có khi ảm đạm,
có khi có nghĩa và có lúc cũng trở trên sáo rỗng. Chính vì vậy mà ông đã rất
“ngông” không những ở trong thơ mà luôn cả với đời sống hiện thực của ông.
Người viết xin mượn lời của T.Khuê nhận định để thay lời kết: “Dù sao chăng nữa,
ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán
đời của thế kỷ 20, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ 19 hoặc Tản
Đà ở đầu thế kỷ 20” [9].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. T Khuê, mục từ Bùi Giáng trong Từ điển văn học (bộ
mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
2. Nhiều người viết, Đặc tuyển
Thi sĩ Bùi Giáng, tạp chí Thời văn số 19, 1997.
3. Giao Hưởng, Bùi Giáng có điên không?,
http://www.thamtutu.net/
4. Đặng Tiến, Bùi Giáng nguồn xuân
5. Đặng Tiến, Nguồn Bùi
Giáng
6. Yến Tử, Phật giáo trong thơ Bùi Giáng, nguồn Liễu Quán
7. Nguyên Cẩn, Đi tìm cõi xuân trong thơ Bùi Giáng.
Pháp Như
Theo https://benhvienthoibinh.jimdo.com/
|
eva air vietnam
may bay eva di my
hang may bay han quoc
mua vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay đi canada giá rẻ
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Tri Thức Du Lịch