Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Vai trò của nhạc tiền chiến trong lịch sử nền âm nhạc Việt Nam

Vai trò của nhạc tiền chiến trong 
lịch sử nền âm nhạc Việt Nam 
1- THẾ NÀO LÀ NHẠC TIỀN CHIẾN:
Về ngôn ngữ thì "tiền" là trước, "chiến" là chiến tranh, nghĩa là những bài hát được viết trước thời kỳ chiến tranh tức là trước cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 do toàn dân ta đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Nhưng sau này, do chiều hướng của lịch sử, chính trị thường  gắn bó không rời lâu dài với sự phát triển của nền văn học nghệ  thuật nói chung và lãnh vực âm nhạc nói riêng nên cụm từ "Nhạc Tiền Chiến" (D'avant - guerre) còn  được hiểu theo một nghĩa rộng hơn là kéo dài từ trước năm 1945 cho đến năm 1954 là năm ký Hiệp Định đình chiến Geneve chia cắt đất nước.
Ngày nay có một số khuynh hướng nhất là giới trẻ, hiểu lầm rằng những bài hát được viết từ năm 1954 đến năm 1975, trong thời kỳ chiến tranh hai miền Nam Bắc cũng là nhạc Tiền Chiến là không đúng. Theo tôi dòng nhạc mà nhạc sĩ viết ở cả hai miền trong thời gian nội chiến khi quân Pháp rút đi và quân Mỹ thay thế vào này từ năm 1954 đến năm 1975 có thể gọi là Nhạc Trung Chiến thì phù hợp với tầm lịch sử hơn.
Cũng có một sai lầm rất nặng nề khác về khái niệm nhạc Tiền Chiến trên một số trang web cũng như Blog cá nhân là các tác giả này đã đồng hóa những bài nhạc viết ở miền Bắc thời kỳ chiến tranh Nam Bắc từ năm 1954 cho đến năm 1975 là Nhạc Tiền Chiến như "Cô gái Vót chông" "Nha Trang ơi mùa thu về", "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Tinh ca" "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây", hoặc những sáng tác tại miền Nam sau 1954 đến năm 1975 như "Bông Hồng Cài Áo" "Tình khúc cho em" "Cát bụi" "Hát cho một người nằm xuống" "Nối vòng tay lớn", "Đại bác ru đêm" "Người con gái Việt Nam da vàng" v..v... Có lẽ các tác tác giả này không nắm rõ về những yếu tố lịch sử và sự ra đời của nhạc Tiền Chiến, họ thấy trong ca từ bài hát có thấp thoáng hình ảnh chiến tranh nên nhầm lẫn vội cho là nhạc Tiền Chiến trong khi đó nó chính là loại nhạc Trung Chiến.
Nhạc Tiền Chiến phát sinh sau vài năm kể từ khi phong trào nghệ thuật Văn Học Âu Tây du nhập mạnh mẽ vào nền văn hóa Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XX. Sau khi phong trào thơ mới, thơ tự do và khuynh hướng lãng mạn về sáng tác, sự tự do không ranh giới về biểu cảm trong thơ văn đã cuốn hút nhiều nhạc sĩ đồng cảm viết ra những bài hát có tính chất biểu cảm âm thanh theo lời hát như thơ hoặc họ phổ những bài Thơ vào nhạc rất tuyệt vời.

Nhạc Tiền Chiến là linh hồn của Thi Ca Tiền Chiến, là chứng nhân của lịch sử; hơn lúc nào hết, hai mặt Thơ và Nhạc cùng hòa điệu phát triển như môt bài giao hưởng tuyệt vời của ngành văn học nghệ thuật Việt Nam là hai thứ vũ khí của nền Cách Mạng văn hóa, đập đổ những cái nhìn hạn hẹp đầy phong kiến lạc hậu cũ lẩn quẩn trong vòng Thơ Đường, giai điệu nhạc Ngũ Cung vay mượn biến thể từ Trung Hoa  như một sự nô lệ về văn học nghệ thuật.
Thời kỳ Nhạc Tiền Chiến trong nền nghệ thuật không bộc phát ầm ỹ và rực rỡ như trong thi ca, nhưng giá trị của nó xuyên suốt trong trái tim mỗi người, gắn bó với từng kỷ niệm tình yêu của nhiều lứa tuổi, quấn quýt trong hiện tại và cả trong mơ, nhẹ nhàng, sâu lắng, bất diệt đến hết đời người. Chính vì vậy nên người ta thường dùng những danh từ như: "Tình Khúc Vượt thời gian" để chỉ về Nhạc Tiền Chiến, cũng có nghĩa là những bài hát đó đã trở thành  một hệ máu huyết luân chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nền âm nhạc Việt Nam, nó đã trở thành bất tử.  
2- MỘT SỐ NHẠC SĨ VÀ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU TRONG  LĨNH VỰC ÂM NHẠC TIỀN CHIẾN VIỆT NAM:
Vào những năm cuối thập niên 1930, một số tác phẩm  âm nhạc do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác dành cho đàn violon (vĩ cầm), guitare (Tây Ban Cầm), mandoline (Măng Cầm), piano (dương cầm) bắt đầu xuất hiện trong những phương tiện truyền thông hạn hẹp thời bấy giờ. Những nhạc cụ này có âm vực phong phú và đa dạng, âm sắc đặc biệt của nó không đơn điệu như những tiếng đàn cò, đàn nhị, đàn tranh, đàn nguyệt khá phổ biến thời bấy giờ. Những nhạc sĩ tiên phong chủ xướng sáng tác nhạc bằng những loại đàn Tây Phương này cũng là những người khởi đầu cho phong trào viết nhạc Tiền Chiến như: Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Doãn Mẫn, Văn Cao, Lê Thương, Đặng thế Phong, Canh Thân, Tô Vũ, Đỗ Nhuận, Đoàn Chuẩn, Lê Mộng Nguyên, Văn Phụng, Nguyễn Xuân Khoát, Phan huỳnh Điểu, Trần Hoàn v..v... rồi những thế hệ sau đó như Cung Tiến, Phạm đình Chương, Nguyễn Văn Khánh v..v...
Nói chung, thời kỳ bộc phát cao điểm nhất và có những tác phẩm hay nhất của Nhạc Tiền Chiến là những năm 1930 đến năm 1954 chia đôi lãnh thổ. Lúc đó họ có nhiều đề tài để viết về xã hội, hoàn cảnh đất nước chiến tranh, nội chiến kéo dài, những đau thương mất mát về tình người, con người, quê hương, thân phận là những trăn trở biến thành chủ đề để các nhạc sĩ sáng tác một cách tự do, sáng tác với cái lãng mạn thật lòng trong tâm hồn. Vì vậy nên những sáng tác của họ thật hay, hay từng nốt nhạc, từng âm thanh, từng cung bậc, từng lời bài hát như thơ. Nghe mà xúc động, mà đồng cảm, mà thấy dường như những nỗi niềm lẩn quẩn quanh ta, của riêng ta  mà không phải của riêng tác giả.        

Với những tác phẩm âm nhạc trong thời kỳ nhạc Tiền Chiến từ năm 1930 đến năm 1954 ta thấy có hai khuynh hướng sáng tác rõ rệt: khuynh hướng trữ tình lãng mạn thuần túy từ năm 1930 đến năm 1945 và khuynh hướng tình yêu trong chiến tranh từ năm 1945 đến năm 1954.
2.1- Khuynh hướng trữ tình lãng mạn thuần túy từ năm 1930 đến năm 1945:
Trong các tác phẩm nhạc Tiền Chiến thì ta có thể thấy thể hiện rõ nét sự bứt phá của nền ậm nhạc Việt Nam vừa thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của giai điệu, tiết tấu dựa trên nền âm nhạc ngũ cung của thời kỳ phong kiến mang tính chất cung đình để lệ thuộc vào giai điệu, tiết tấu mới của nền âm nhạc Tây Phương
Các nhạc sĩ trong thời kỳ này và một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể như sau: 
1- Dương Thiệu Tước: (Đêm Tàn Bến Ngự, Tiếng xưa, Dưới nắng hồng),  
2- Hoàng Quý: (Cô láng giềng, Bóng cờ lau..).
3- Dzoãn Mẫn: (Biệt Ly...)   
4- Văn Cao: (Suối Mơ, Bến Xuân, Thiên Thai, Buồn tàn Thu., Ngày mùa..)
5- Phạm Duy: (Bà mẹ quê, Vợ chồng quê, Tình hoài hương, Thuyền Viễn Xứ, Quê nghèo, Bến xuân, Khối tình Trương Chi, Hoa rụng ven sông, Vần Thơ sầu rụng phổ thơ Lưu trọng Lư, Ngậm ngùi phổ thơ Huy Cận, Tiễn em phổ thơ cung Trầm Tưởng, Đôi mắt người Sơn Tây phổ Thơ Quang Dũng, Ngày đó chúng mình, Bên cầu Biên Giới.., Tiếng đàn tôi, Nương Chiều, Ngày trở về)  
6- Nguyễn Hữu Ba: (Tống biệt phổ thơ Tản Đà, Quãng đường mai...) 
7- Lê Thương: (Ba bài Hòn vọng Phu, Ai xuôi vạn lý, Người chinh phu về, Lòng mẹ Việt Nam...)  
8- Hoàng thi Thơ: (Trăng rụng xuống cầu, Duyên Quê, Tình nghèo)
9- Tô Vũ: (Em đến thăm anh một chiều mưa ...),  
10- Đoàn Chuẩn Từ Linh: (Gởi gió cho mây ngàn bay, Lá Thư, Lá đổ muôn chiều, Thu quyến Rũ..),  
11- Trần Hoàn: (Sơn nữ ca...)   
12- Việt Lang: (Tình quê hương...)   
13- Lê Mộng Nguyên ( Trăng mờ bên Suối....),  
14- Đặng Thế Phong: (Giọt mưa Thu, Đêm Thu, Con thuyền không bến)   
15- Lê Yên: (Ngựa phi đường xa..)  
16- La Hối: (Xuân và tuổi trẻ... ).
17- Từ Vũ: (Gái Xuân phổ thơ Nguyễn Bính..)  
18- Võ Đức Thu: (Tiếng Thu...)  
19- Phan Huỳnh  Điểu: (Sự tích trầu cau, Có một đàn chim...)  
20- Đức Quỳnh: (Thoi Tơ phổ thơ Nguyễn Bính)  
21- Hoàng Trọng: (Ngàn thu áo tím, Dừng Bước Giang Hồ..)  
22- Nguyễn Nhược Pháp: ( Đi chơi Chùa Hương )  
23- Nguyễn Văn Tý: (Dư Âm)  


24- Chung Quân: (Làng tôi)    
25- Thu Hồ: (Quê Mẹ)   
26- Thông Đạt: (Ai về quê tôi, Mong người chiến sĩ, Ai về sông Tương)  
27- Lê Hoàng Long: (Gợi giấc mơ Xưa..)   
28- Nguyễn Văn Khánh:  (Chiều vàng)
29- Lê Trạch Lựu: (Em tôi) ...v...v..
30- Lê Trọng Nguyễn: (Nắng Chiều, Bến Giang Đầu, Bên bóng giáo đường)
31- Y Vân: (Lòng mẹ...) 
32- Hùng Lân: (Hè về)  
33- Lê Trọng Nguyễn: (Nắng Chiều, Bến Giang Đầu)
34- Đan Trường: (Trách người đi)
35- Văn Phụng: (Đêm Sơn Cước, Trăng Sơn cước..)
36- Hiếu Nghĩa: (Ông lái đò..)
37- Văn Lương: (Tía em má em..)
38- Tiến Đạt (Thúc Đăng- Mạnh Phát): (Trăng sáng trong làng..)
39- Canh Thân: (Khúc ca mùa hè..)
40- Hùng Lân: (Hè về, Mùa hợp tấu..)
41- Hoàng Giác: (Ngày về)
42- Dzoãn Cảnh: (Dứt đường tơ)
43- Nguyễn Mỹ Ca: (Dạ Khúc..)
44- Anh Việt: (Lỡ chuyến đò, Bến cũ)
45- Hoàng Dương: (Hướng về Hà Nội)
Còn rất nhiều những tác giả và những bài hát hay, nổi tiếng mà trong phạm vi bài viết ngắn này không cho phép tôi viết dài hơn, mong quý vị độc giả thông cảm.
2.2- Khuynh hướng tình yêu trong chiến tranh từ năm 1945 đến năm 1954:
1- Văn Cao (Tiến quân Ca sau này là Quốc Ca CHXHCN Việt Nam, Trường ca Sông Lô)
2- Phạm Duy (Bên cầu biên giới, Ngày Trở về, Bà mẹ Gio Linh, Quê Nghèo, Giọt mưa trên lá.)
3- Hoàng Quý (Bóng cờ lau, Nước non Lam Sơn) 
4- Đỗ Nhuận (Hồng Hà)
5- Thẩm Oánh  (Nhà Việt Nam, Khỏe vì nước) 
6- Lưu Hữu Phước (Tiếng gọi Thanh Niên sau này sửa lời lại là Quốc Ca VNCH, Lên đàng, Phụ nữ VN, Khúc khải hoàn,
7- Vũ Hòa Thanh (Tình đồng chí sau đổi là Tình Nước)
8- Văn Giảng: (Chiến xa Việt Nam, Đêm Mê Linh)
9- Phạm Trọng: (Trường làng tôi)
3- THỬ ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SĨ VÀ NHẠC PHẨM THỜI TRUNG CHIẾN:
Thời trung chiến trong phạm vi bài viết này tôi muốn nó đến thời kỳ sáng tác của các nhạc sĩ trẻ lớn lên tại miền Nam Việt Nam sau năm 1954 và lớp nhạc sĩ thế hệ đàn anh di cư từ miền Bắc vào sau thời kỳ chia cắt đất nước cho đến năm 1975. Sự hội tụ của hai thế hệ nhạc sĩ này đã tạo cho nền âm nhạc miền Nam vô cùng phong phú và khởi sắc. Sự hòa quyện của hai loại nhạc Tiền Chiến trước đây và Trung Chiến sau này đã làm cho âm nhạc miền Nam lúc đó như trăm hoa đua nở, đủ hướng sáng tác từ chủ đề quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu dân tộc, chiến tranh và thân phận con người v..v... Những tác phẩm này là thức ăn tinh thần của hầu hết nhân dân miền Nam từ thành  phần trí thức (nhạc sang) đến giai cấp bình dân (nhạc sến).
Trong giai đoạn nhạc Trung Chiến này, có nhiều nhạc sĩ nổi lên cùng với những tác phẩm cũng bất tử không kém nhạc Tiền Chiến như Lam Phương, Tuấn Khanh, Trịnh Công Sơn, Ngô thụy Miên, Anh Việt Thu, Minh kỳ, Lê Dinh, Anh Bằng, Trần Trịnh, Trầm tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Phạm Thế Mỹ, Từ Công Phụng v..v...
Nhìn chung, nhạc Trung Chiến ở miền Nam có thể chia làm ba khuynh hướng:
1- Khuynh hướng ca ngợi cảnh đẹp đất nước trong tình yêu con người và tự tình dân tộc.
2- Khuynh hướng Tình Yêu trong Chiến Tranh.  
3- Chán ghét chiến tranh và oán than thân phận.   

1- Khuynh hướng ca ngợi cảnh đẹp đất nước trong tình yêu con người và tự tình dân tộc:
Tiêu biểu là các tác giả và tác phẩm:
1.1- Y Vân: (Ngăn Cách, Đêm Giã Từ, Bóng người cùng thôn, Tôi sẽ đưa em về phổ thơ Kim Tuấn, Ảo Ảnh, Đêm đô thị, Chiều mưa công viên, Em gái Hà Tiên)
1.2- Nguyễn Hiền (Tìm đâu, Bên Hồ Liễu, Hoa bướm ngày xưa)
1.3- Phạm Duy: (Bài ca thương nhớ, Ngày xưa Hoàng Thị phổ thơ Phạm Thiên Thư, Bài ca sao, Em hiền như Ma Soeur, Kiếp nào có yêu nhau, Đưa em vào động Hoa Vàng phổ Thơ Phạm Thiên Thư, Tiển Em phổ thơ Cung trầm Tưởng, Còn chút gì để nhớ.., Tình tự tin, Nhớ người ra đi, Lời người về)
1.4- Anh Việt Thu: (Hai vì sao lạc, Dòng An Giang, Người đi ngoài phố)
1.5- Trầm Tử Thiêng: (Tình mình bây giờ)
1.6- Huy Thanh (Đoạn cuối cuộc tình, Chuyện tình Thiên Nga, Ngày tháng Cho người, Duyên phận con gái, Tình Khúc cho người cô đơn)
1.7- Cung Tiến: (Hoài cảm, Hương Xưa, Thu Vàng)
1.8- Phạm Đình Chương: (Xóm đêm, Nửa hồn thương đau, Người đi qua đời tôi, Tiếng dân Chài, Sáng Rừng..)
1.9- Minh kỳ - Hoài Linh: (Tiếng hát học trò, Nhớ Nha Trang)
1.10 - Đỗ kim Bảng (Bước chân chiều chủ nhật)
1.11- Trịnh Công Sơn: (Mưa hồng, Gọi tên 4 mùa, Vết lăn trầm, Biển Nhớ, Tình sầu, Như cánh vạc bay, Lời buồn Thánh, Ru em từng ngón xuân nồng, Diễm xưa, Một cõi đi về ..v..v..)
1.12- Thanh Bình: (Tình lỡ, Hợp đoàn mà ca lên, Lá thư về làng)
1.13- Trần Thiện Thanh: (Hẹn hò, Chiều trên Phá Tam Giang, Hàn Mặc Tử, Khi người yêu tôi khóc, Đám cưới đầu xuân..)
1.14- Lam Phương: (Phút cuối, Duyên kiếp, Chiều tàn, Chuyến tàu Thống Nhất, Ngày tạm biệt, Khúc ca ngày mùa ,  )
1.15- Ngô Thụy Miên: (Paris có gì lạ không em, Tuổi Mười Ba, Niệm khúc cuối phổ Thơ Ngô Thụy Miên ..)
1.16- Trần Trịnh: (Lệ Đá phổ thơ Hà huyền Chi)
1.17- Phạm Thế Mỹ: (Bông hồng cài áo, Bóng mát, Nắng lên xóm nghèo, Bến duyên lành )
1.18- Hồng Vân: (Đồi thông hai mộ)
1.19- Vũ Thành An: Tình khúc thứ nhất phổ Thơ Nguyễn Đình Toàn, Các bài không tên.
1.20- Lê Uyên Phương: (Vũng lầy của chúng ta, Về với chân mây, Một ngày vui mùa đông, Tình khúc cho em ..)
1.21- Nhật Bằng: (Thuyền Trăng)
1.22- Hoài An: (Trăng về thôn dã, Câu chuyện đầu năm)
1.23- Trịnh Hưng: (Lúa mùa duyên thắm: )
1.24 - Phạm mạnh Cương: (Giã từ cố đô, Thu Ca, Mắt lệ cho người tình, Thu về trong mắt em)
1.25 - Huỳnh Anh: (Nếu anh về bên em, Thúy đã đi rồi)
1.26- Song Ngọc: (Tình yêu như bóng mây)
1.27- Đức Huy: (Bay đi cánh chim biển, Cơn mưa Phùn, Và tôi cũng yêu em)
1.28- Từ công Phụng: (Giọt lệ cho ngàn sau, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Bây giờ tháng mấy),
1.29- Văn Phụng - Chiêu Tranh - Văn Khôi: (Suối tóc, Trăng Sơn Cước, Bức họa đồng quê, Nhớ bến Đà Giang, Ghé bến Sài Gòn, Nắng đẹp đồng xanh  Ô mê Ly, Hình ảnh một đêm trăng)
1.20- Hoàng Trọng - Hồ đình Phương: (Chiều về thôn xưa, Tìm một ánh sao, Tôi vẫn yêu sao màu tím, Ngàn thu áo tím, Mộng Lành, Mộng Ban đầu, Mộng đẹp ngày xanh, Nhớ về Đà Lạt)
1.21- Nguyễn Ánh 9: (Tình khúc chiều mưa, Không)
1.22- Anh Việt Thanh: (Bụi Đời, Tình Mua ly biệt)
1.23- Du Uyên: (Mùa mưa đi qua)
1.24- Hoàng Thi Thơ (Gặp Nhau, Tà Áo Cưới. Trăng rụng xuống cầu, Đường xưa lối cũ, Nhớ Thành Đô, Chuyện nàng sơn nữ tên Thi, Gạo trắng trăng thanh, Duyên quê)
1.25 -Trường Sa (Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau)
1.26- Lê Hựu Hà - Nguyễn Trung Cang - Nam Lộc (Tôi muốn, Hãy ngước mặt nhìn đời)
1.27- Trúc Phương: (Chiều làng em, Bóng nhỏ đường Chiều, Hai chuyến tàu đêm, Kẻ ở miền xa, Đò Chiều  )
1.28- Duy Khánh: (Ai ra xứ Huế)
1.29- Mạnh Phát: (Qua xóm nhỏ, Nhớ mùa hoa tím, Phố vắng em rồi)
1.30- Lê Dinh: (Chiều lên Bản Thượng, Ga chiều, Thương về xứ Thượng)
1.31- Minh Kỳ - Hoài Linh: (Thương về xứ Huế, Nhớ Nha Trang, Tiếng hát học trò, Nha Trang)
1.32- Anh Bằng (Nỗi lòng người đi, Mưa đêm ngoại ô,)
1.33- Lê Minh Bằng: (Đêm nguyện cầu, Nó, Căn nhà ngoại ô)
1.34- Dzũng Chinh: (Những đồi hoa sim..)
1.35- Hoàng Lang: (Miền quê tôi )
1.36- Anh Hoa: (Trăng phương Nam, Hận ly hương)
1.37- Thúc Đăng: (Khúc nhạc đồng quê..)
1.38- Trịnh Hưng: (Lúa mùa duyên thắm, Tình lúa duyên trăng, Trăng soi duyên lành ,..) 
1.39- Xuân Tiên: (Khúc hát ân tình.)
1.40- Nhị Hà: (Trở về thôn cũ, Mẹ tôi)
1.41- Ngọc Bích: (Bóng chiều xưa, Đón gió mới, Trở về bến Mơ, Mộng chiều xuân)
1.42- Thu Hồ: (Quê mẹ)
1.43- Khánh Băng: (Vọng ngày xanh, Nhớ cánh chim xưa, Sầu đông, Ngày về quê cũ)
1.44- Lâm Tuyền: (Hình ảnh một buổi chiều)
1.45- Nguyễn Hữu Thiết: (Ai đi ngoài sương gió, Chàng là ai)
1.46- Vũ Thành: (Giấc mơ hồi hương)..v.v...
2- Khuynh hướng tình yêu trong chiến tranh:
Tiêu biểu là các tác giả và tác phẩm:
2.1- Hoàng Trọng: ( Hai mối tình yêu)
2.2- Nguyễn Hữu Thiết: (Chàng là ai?)
2.3- Đan Thọ: (Tình quê Hương phổ thơ Phan Lạc Tuyên, Chiều tím phổ thơ Đinh Hùng)  

2.4- Trần Thiện Thanh: (Không bao giờ ngăn cách, Rừng lá Thấp, Người ở lại Charlie, Anh không chết đâu em, Biển mặn, Đám cưới đầu xuân)
2.5- Phạm Duy: (Áo anh sứt chỉ đường tà phổ thơ Hữu Loan, Kỷ vật cho em, Giọt mưa trên lá)
2.6- Phạm Thế Mỹ: (Trăng tàn trên hè phố)
2.7- Dzũng Chinh: (Những đồi hoa sim, lấy ý bài thơ Mầu tím Hoa sim của Hữu Loan)
2.8- Trầm Tử Thiêng: (Đưa em vào hạ, Bài hương ca vô tận)
2.9- Lam Phương: (Chiều hành Quân, Chuyến đò vĩ tuyến)
2.10- Phạm đình Chương: (Anh đi chiến dịch, Mưa SaiGon mưa Hà Nội, Ly rượu mừng)
2.11- Huy Thanh: (Người không tim)
2.12- Tuấn Khanh: (Chiều biên khu, Hoa cài thép súng, Quán nửa  khuya)
2.13- Trinh Công Sơn: (Hát cho một người nằm xuống, Người con gái Việt Nam da vàng, Đại bác ru đêm, Huế Sài Gòn Hà Nội, Tình ca người mất trí, Đàn bò vào thành phố..)
2.14- Trúc Phương: (24 Giờ Phép, Bông cỏ may, Kẻ ở miền xa)
2.15- Duy Khánh: (Xuân này con không về) 
2.16- Minh Kỳ: (Biệt Kinh Kỳ.)...v...v...
3- Khuynh hướng chán ghét chiến tranh và oán than thân phận:
Tiêu biểu là các tác giả và tác phẩm:
3.1 Trinh Công Sơn: (Gia tài của mẹ, Đại Bác ru đêm, Tình ca người mất trí, Huế Sài Gòn Hà Nội)

3.2- Nguyễn Văn Đông: (Chiều mưa biên giới, Mấy dặm sơn khê, Đôi bờ thương nhớ) v...v...
3.3- Phạm Duy: (Giọt mưa trên lá, Còn chút gì để Nhớ, Kỷ vật cho em, Huyền sử ca một người mang tên Quốc)
4- NHẠC TIỀN CHIẾN, THÂN PHẬN MỘT DÒNG ĐỜI DUNG RỦI THEO ĐỊNH MỆNH DÂN TỘC:
Sau ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước, nhạc Tiền Chiến bị cấm phổ biến cùng chung với những loại nhạc khác của các nhạc sĩ sáng tác tại miền Nam sau năm 1954 đến năm 1975 mà người ta gọi là Nhạc Vàng để phân biệt với những bài nhạc của Cách Mạng mà người ta gọi là Nhạc Đỏ. Buổi giao thời về âm nhạc, với một cái nhìn hạn hẹp, những bài nhạc Tiền Chiến này bị loại ra khỏi dòng âm nhạc để thay thế bằng những bài hát được sáng tác vội vàng để phục vụ cho tình hình đất nước đang đổi mới mà không cần gạn lọc những bài nhạc này hay hay dở, có liên quan gì đến chính trị hay không?. Tuy nhiên, có một thực tế là dù có cấm đoán thế nào đi nữa thì những bài nhạc đó vẫn được hát lén lút đâu đó trong những dịp gần gũi của gia đình, họ hàng, bè bạn ở những chốn riêng tư mà không có sự kiểm soát của chính quyền.
Năm 1987, mãi tới 12 năm sau từ ngày thống nhất đất nước, Tổng Bí Thư Nguyễn văn Linh mới cởi trói cho nhạc Tiền Chiến, đặt nó về vị trí đúng trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc Tiền Chiến đã hồi sinh, những ánh sáng le lói của nó đã soi đường cho những cái nhìn có biện chứng về những loại nhạc Vàng này như một thứ "hữu xạ tự nhiên hương"
Vào thời kỳ mở cửa của nền kinh tế, nền âm nhạc Việt Nam cũng được mở cửa theo, những bài hát hay, thậm chí không cần phải là nhạc Tiền Chiến mà có giá trị về nghệ thuật không liên quan gì đến chính trị lần lượt được giải thoát để đi vào lòng dân tộc trong mối tự tình đoàn kết nhân dân mà bao năm chiến cuộc làm cho ly tán.
Cho đến hôm nay, sau 38 năm thống nhất đất nước, hầu như những người thưởng ngoạn âm nhạc của hai miền đất nước đã quá quen thuộc với những ca khúc trữ tình, ủy mị, sướt mướt hay những bài nhạc Tiền Chiến của các nhạc sĩ đã mất hay còn sống ở lứa tuổi "thất  thập cổ lai hy". Nhiều lớp ca sĩ trẻ lớn lên sau năm 1975 cũng thành danh ở Việt Nam cũng như ở Hải Ngoại cũng nhờ các loại nhạc Tiền Chiến này.
Xem vậy vai trò của nhạc Tiền Chiến rất quan trọng trong lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam, nó vừa là một chứng nhân, vừa là sự biện luận nói lên một chân lý là nếu là nghệ thuật chân chính thì không bao giờ mất trong lòng người.
Tuy nhiên, phải thành thật mà nói rằng khuynh hướng sáng tác nhạc hôm nay (cho đến năm 2013 này nếu tính kể từ năm1975) sau 38 năm không có một sự tiến bộ nào đáng kể, nếu không nói là bị thụt lùi. Những sáng tác gọi là "ca khúc mới" bây giờ rất giản đơn về giai điệu, lời nhạc thì quá bình dân thậm chí còn quá ngô nghê như đứa trẻ mới tập viết văn, tập sáng tác nhạc. Họ sáng tác như một thứ điểm trang cho đời sống, đánh bóng cho tên tuổi, tìm cách quảng cáo cho cái tôi của mình. Cũng như sự lạm phát theo phong trào của một số  "ca sĩ, ngôi sao, người mẫu' tự xưng, các "nhạc sĩ" tự xưng cũng thi nhau "người người ra album, nhà nhà ra album" và những cơ quan truyền thông cũng đã cố ý hay vô tình tiếp tay quảng cáo cho những thứ tác phẩm  "mì ăn liền" này.

5- HÁT NHẠC TIỀN CHIẾN DỄ HAY KHÓ:
Theo tôi hát nhạc Tiền Chiến là khó, khó vì đây là một môn nghệ  thuật rất kén chọn người hát và người nghe. Kén chọn người Hát vì nó đòi hỏi người hát ngoài trình độ chuyên môn về âm nhạc, cần phải có trình độ nhận thức về lý luận âm nhạc để biết cách diễn tấu bài nhạc sao cho hay, cho có hồn.
Một bài nhạc Tiền Chiến hay luôn có cái hồn trong đó, từng nốt nhạc, từng lời hát đã được tác giả đã hòa quyện sẵn cái hồn thơ lẫn trong hồn nhạc. Người hát phải mang cái hồn đó ra nhập tâm, diễn cảm cho cái hồn đó thoát đi, bay vào tận tâm hồn khán giả.
Hát nhạc Tiền Chiến không cần ca sĩ phải làm nhiều động tác thừa như múa may, nhún nhảy về điệu bộ, hay nhăn mặt, nhíu mày một cách đau khổ giả tạo mà chỉ vài động tác đơn giản là thu hút được khán giả.
Nhạc Tiền Chiến cũng không cần đòi hỏi ca sĩ đi ra sân khấu là kéo theo một "bầu đoàn thê tử" ra múa may quay cuồng minh họa, nhiều khi múa và hát cũng chẳng khớp nhau, và khán giả mải xem múa hơn la nghe ca sĩ hát  hay hoặc dở.
Cách đây vài hôm, tình cờ tôi xem trên chương trình Đài Truyền Hình của một cơ quan truyền thông, một chương trình trực tiếp ca nhạc những bài hát Vượt Thời Gian (gần như là nhạc Tiền Chiến) của một số ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam biểu diễn. 
Nhìn chung sân khấu thì rất hoành tráng, giàn nhạc khá đông gần chục cây đàn  violon (vĩ cầm), kèn Saxophone, đàn Piano (dương cầm). Ca sĩ thì rất nhiều người nổi tiếng rất quen thuộc ở VN mà chắc có lẽ cũng ở Hải Ngoại nữa. Chương trình nhạc Tiền Chiến tuyển chọn thì rất phong phú như Tình ca của Phạm Duy, Thiên Thai, Suối mơ của Văn Cao v..v..
Nhưng tôi đã hoàn toàn thất vọng về chương trình này, bởi vì hầu như các ca sĩ nam nữ hát trong chương trình này đã không chinh phục được khán giả ngoài những tràng pháo tay lẹt đẹt như chiếu lệ vì lịch sự hơn là khen thưởng.       
Những bài hát Tiền Chiến nhiều ca sĩ "thời danh" hát như mệt mỏi, họ hát  không có cái hồn, hát như chiếu lệ. Họ hát không nhập tâm. Không diễn cảm được xúc động nội tâm của  tác phẩm để nối nhịp đồng cảm từ tác giả đến khán giả. Có những bài hát họ chọn  hát với phong cách tự do, tiết tấu hát kiểu adlib quá chậm, nhạc sĩ đánh đàn piano đành phải chạy theo đệm những nốt fantasy ngẫu hứng và ngớ ngẩn cho gọi là  cho có hòa âm. Tiếng đàn và tiếng hát lạc lõng như chờ đợi nhau giữa hai con đường sắt song song mà không có một điểm gặp nhau ở cuối bài.
Phần gian tấu đoạn nhạc để chờ đợi vào điệp khúc thì nhạc công thổi Saxophone thôi một tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao không ăn khớp một nốt nào của bài hát, hình như người thổi Saxophone đang sáng tác một ca khúc mới chứ không phải hòa âm diễn tấu cho bài cô ca sĩ đang hát. 
Một nữ ca sĩ khác hát nhạc Tiền Chiến với cung cách như hát một bài hát hiện đại, nhún nhảy, gào thét, nhăn mặt, lắc đầu, những chỗ âm vực cao thì hót thêm những âm ư ư ư rất hiện đại vào bài hát. Đoàn múa minh họa thì múa "rối" một cách vô tư, người hát thì cứ "hét", người múa thì cứ "múa", mạnh ai nấy giữ hồn mình.
Lại có những bài nhạc Tiền Chiến được song ca hay chen ca (nam hát một câu, nữ hát một câu). Sau đó họ song ca bè với nhau bằng những chất giọng nam nữ không phù hợp âm vực, hát bè không lên đủ cao độ nên bè không "ăn" nghe rất chói tai mà giới nhạc sĩ chúng tôi gọi là "bè chuối". Trong chương trình, nhiều lúc tôi có cảm tưởng ca sĩ hát sai nhiều nốt nhạc không đúng ý tác giả, thiếu cao độ, trường độ.
Một người bạn của tôi sau khi xem hết chương trình đã nói hát kiểu này không phải họ tôn vinh nhạc Tiền Chiến mà là "xé rách" nhạc Tiền Chiến và chôn cất Phạm Duy, Văn Cao thêm một lần nữa.
Huy Thanh 
Theo http://huythanhts.blogspot.com/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...