Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Đẳng cấp thi sĩ

Đẳng cấp thi sĩ 
N
hư một lần cháy nhà (hoặc bị sóng thần hay động đất), những sách báo ky cóp được trong bao nhiêu năm đã ra tro bụi hết. Lần ấy xảy ra vào năm 1975, mà sau này tôi vẫn tự trách là đã quá buông xuôi trước thời cuộc. Có cả những cuốn vở ghi chép về mối quan hệ của mình với văn chương, một bài thơ hay của một tác giả nào đó mà không cần quen hay lạ, và nhiều khi một ngày bất ngờ trở thành một ngày vui khi trên báo có một bút danh mới thấy lần đầu làm cho tôi vơi bớt nỗi cô đơn trong sự viết lách mê mải nhưng vốn không có mối quan hệ phường hội nào với các tờ báo đăng bài của mình.
Nhớ có một lúc trong cuốn vở học trò rộ lên những cái tên Luân Hoán, Thành Tôn, Trần Hoài  Thư, Mường Mán, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Phan Thịnh, Phan Thảo Trang, Lâm Chương…là những người mới thoáng biết nhưng dường như đã  quen  từ  kiếp nào, mà sau đấy cũng không nhất thiết phải có   một sự kết giao nào. Nói không ngoa, những cây  bút  ấn tượng thuộc thế hệ làm thơ chúng tôi không vắng ai trong cuốn vở đó,  và  khi  lịch   sử   sang  trang thật không ngờ nó  đã  tan  theo  những  sách  báo  trong cuộc cháy nhân tạo nói trên. Phạm Cao Hoàng cũng cháy trong cuốn vở đó cùng với những dòng ghi theo cảm xúc của một người làm thơ mong mà không đợi một bến đậu , ngoài cái bến nanh nọc là sự buồn bã y như đã hoá thạch. Lúc ấy chúng tôi có một chút chênh lệch tuổi tác nhưng cùng một thế hệ ở thành thị miền nam trong một dòng chảy nghiệt ngã, cùng chia sẻ với nhau về cuộc chiến lù lù trước mặt, những cuộc tình vì nó mà dang dở và một cái “án tròi hành” là viết.
Hơn 30 năm qua rồi, bao nhiêu là cơn bão khô tràn qua rắc cát vào trí nhớ, không còn nhớ đã ghi gì về Phạm Cao Hoàng, nhưng không quên đó là một cảm nhận rằng người đồng nghiệp  này sẽ đi xa, khá xa trên con đường viết lách, được ghi vào ngày thấy tên người xuất hiện trên báo.  Và lúc này đây, mường tượng lại đó là những dòng ghi đầy thân thiện trong cuộc chơi càng đông càng vui. Lúc ấy tôi mới ba mươi, còn trẻ lắm nên cũng còn nhiều kiêu hãnh,  nhưng  thái độ của  tôi  là  không cho mình cái  quyền  “phong hàm” cho   ai, chỉ coi người đó là đồng  nghiệp  cho sòng  phẳng  cả  đức khiêm tốn lẫn cái quyền được đọc thơ có tâm trạng, đằm thắm, và chân thật. Những lời ghi  trong  cuốn vở bạc mệnh kia đã  có  những  cái  tên  mà  không phải không qua sàng  lọc  của  một  người  đọc  thơ chuyên nghiệp là tôi.
Phải gần hai năm trước đây chúng tôi mới gặp nhau qua thế giới ảo. Và cũng như ngày xưa, ấn tương về Phạm Cao Hoàng và thơ của người như một thứ thực phẩm vừa miếng cho khẩu vị của mình. Nhưng nay, khi ngồi viết những dòng này,băn tới khoăn lui vài ngày, đọc đi đọc lại mấy khi mà vẫn không tìm ra một câu và ý mở cửa cho bài viết. Cuối cùng thật may, tôi đã tìm được một giai điệu của ai đó. Người ta viết về Phạm Cao Hoàng, đúng ra là về thơ của người như thế này: “Trước 1975, điểm nổi bật của thơ Phạm Cao Hoàng là những xúc động đẹp, nồng nàn, và nhẹ nhàng về những điều mà tình cảm anh nắm bắt được. Bài thơ NHỚ CÚC HOA của Phạm Cao Hoàng là một bài thơ hay,  mô  tả  tình  cảm với đất, trời, cùng nỗi cô đơn lay lắt nhẹ nhàng của đẳng cấp thi sĩ (Cao Thoại Châu nhấn mạnh), vốn là những tâm hổn cực kỳ mẫn cảm với đời sống”(Đoàn Thị Thư)
Thì  bắt đầu từ  NHỚ CÚC HOA. Tìm  ra  một câu thơ  tình nghe hay không khó,  cái khó là câu đó nói thế nào chứ không phải  nói cái gì. Thơ tình là một biến dạng của đời sống, là  đời sống như con lật đật mượn cái bóng của  tình  yêu để núp vì sống thì cô đơn và nhiều sợ hãi.
đôi khi đứng bên triền đá dựng
anh hoang mang sợ núi đè mình
Một ngọn núi, một con người, hình tượng lãng mạn, mới lạ, và độc đáo. Núi như số phận đè xuống trái tim vắng chủ. Như một sự lôi kéo người tình vào bóng núi khi phải sống cô đơn.
và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
Núi có hồn, và hai người mỗi thứ đăm chiêu một lẽ.
Bốn câu thơ trích trên hay quá sức. Người con gái nào kia không những chỉ nhận ra vai vế của mình trong lòng chàng, mà còn cảm nhận nỗi bơ vơ của một người đang có tâm trạng. Người làm thơ nào cũng có thể giãi bày tâm trạng, nhưng giãi  bày thành thơ nhiều cảm xúc như thế thì không nhiều. Đấy là “đẳng cấp thi sĩ”.
Thơ tình là một mảng bè mà tác giả của nó co ro ngồi trên đó như một  kẻ  sa  cơ  lỡ  vận  trắng  tay trước một mối tình đã đi không quên để lại một mớ gian truân khổ ải cho người ngồi trên mảng bè. Cho nên thơ tình là thơ hay nhất trong cõi nhân sinh này. Phạm Cao Hoàng có những câu thơ bi thiết mà tráng lệ:
nhớ gì không hỡi con đường lá ướt
chiều thôi mưa anh đợi em về
Mất nhau rồi không còn ai để đợi, đành cứ mẫn cán mà đợi chính mình.
Thi sĩ có mấy ai không buồn, nhưng có lẽ nên buồn như GÃ HÀN SĨ ẤY LẠI RA ĐI:
ta đi, thôi nhé, ta đi nhé
đưa tay ngắt một cánh hoa quì
nghe dòng lệ ứa trong đôi mắt
chào quê nhà nhé, thôi ta đi
Một thứ buồn đầy tính cách điệu, ra đi dửng dưng mà đầy lưu luyến. Buồn, nhưng phải làm ra lẽ một câu thơ hay.
Chúng tôi làm thơ trong thời chiến tranh buồn bã, và Phạm Cao Hoàng đã làm tôi nhớ lại  năm 1973. Lúc ấy tôi cũng sợ lãnh nguyên một trái đạn vào đầu, buồn đau nhìn  những  thôn làng  bốc cháy, và phải đọc những bản tin hàng ngày đầy máu và nước mắt. Sửng sốt nhận ra ước mơ hòa bình thật quá dung dị (mà không được):
và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng
không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm
ba giờ sáng xuống Ngã Tư Quốc Tế
ăn một tô mì thơm ngát bình yên
Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình. Chỉ có thi sĩ mới nhận ra điều thật đơn giản nhưng tuyệt vời trong một thời kỳ bom đạn như thế.
Chiến tranh rồi cũng kết thúc. Quê nhà rồi cũng trở về:
bâng khuâng một chút vườn sau
ngậm ngùi ngõ trước lao xao nắng vàng
đã qua chưa cuộc điêu tàn
đám mây năm cũ biết tan nơi nào
Không nơi nào cả, và mây và khói. Dưới MÂY KHÓI kia vẫn là QUÊ NHÀ, vẫn là quê hương, mà quê hương bao giờ cũng là chỗ đẹp hơn cả.
2010
Cao Thoại Châu
Theo http://www.gio-o.com/












1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...