Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Bùi Giáng (1926 - 1998)

Bùi Giáng (1926 - 1998)
Bùi Giáng
Sinh 17/12/1926  (Quảng Nam)
Mất lúc 14 giờ ngày 7/10/1998 tại Sài Gòn 
vì tai biến mạch máu não
Hưởng thọ 73 tuổi 
Nhà Thơ, Nhà Văn, Dịch giả
Bút danh khác:
Trung Niên Thi Sĩ, Bùi Giàng Búi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng
Biệt danh: Đười ươi Thi sĩ
"Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang"

Bùi Giáng

Nguyễn Du
Phạm Thái

Nét vẽ bút bi của Bùi Giáng   
1988
Còn trăm con mắt đười ươi khóc ngườì
Hommage à Bùi Giáng
Phan Nguyên
TIỂU SỬ TỰ GHI: 
(của nhà thơ Bùi Giáng - nguồn: vnthuquan.net)
1926 - được bà mẹ đẻ ra đời
1928 - bị té bể trán, vết sẹo còn nguyên kỷ niệm, hai năm trời chết đi sống lại
1933 - bắt đầu đi học a, b, c... trường làng tại Thanh Châu với Thầy Cù Đình Qúy
1936 - học trường Bảo An với thầy Lê Trí Viễn
1939 - ra Huế học tư thục với những thầy Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh Nguyễn đức Nguyên, Đào duy Anh, vân vân
1940 - về Quảng Nam chăn bò
1942 - trở ra Huế, vì nhớ nhung gái Huế
1949 - nhập ngũ , bộ đội công binh. Hai năm sau giải ngũ
1952 - vào Sài gòn, 1955 (57) khởi sự viết về Nguyễn Du và một vài nhận xét về Truyện Kiều và một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan, một vài nhận xét về Chinh Phụ Ngâm... (TÂN VIỆT xuất bản)
1957 - TÂN VIỆT xuất bản :giảng luận về Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu, giảng luận về Chú Mạnh Trinh, giảng luận về Tôn Tho Tường và Phan Văn Trị.
1962 
Tập thơ Mưa Nguồn 
Tư Tưởng Hiện Đại
1963 
Lá Hoa Cồn (thơ) 
Ngân Thu Rớt Hột (thơ) 
Màu Hoa Trên Ngàn (thơ) 
Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại (hai tập) (do đứa em ..)
1965 - nhà cháy mất trụi bản thảo 
In vội vàng Sa Mạc Phát Tiết (An Tiêm) 
Dialogue (viết Avant propos (viết giúp cho Nhất Hạnh, Lá Bối) và Lettre à René char) (Lá Bối in) 
Sa Mạc Trường Ca (An Tiêm in bản)
1968 - 68 
Dịch Martin Heidegger Erlauteninger gu Heidergger dich. Giảng giải về thơ. 
(Lời, Cố Quận (An Tiêm) Lễ Hội Tháng Ba) (Quế sơn Võ Tánh) 
Con Đường Ngã Ba (An Tiêm) 
Bài Ca Quần Đạo (Nguyễn Đình Vương) 
1969 - Bắt đầu điên rực rỡ 
1970 
1. Lang Thang Du hành Lục Tỉnh (Khách sạn Long xuyên Bà Chủ cho ở đầy đủ tiện nghi không lấy tiền) 
2. Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên Yêu dấu 
3. Gái Chợ Lớn Khiến bị bịnh lậu (bịnh hoa liễu) 
1971 - 75 - 93 
Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang 
Rong chơi như hài nhi (con nít) 
Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định, Hội Đồng Thành Phố đối xử thơ mộng thênh thang. 
Kính dâng Kim Thúy, Kim Hồng, Kim Hoa, đôi lời rốt cuộc... 
Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô) 
Do đâu mà ra được như thế? 
Đáp: Có lẽ đầu tiên kỳ tuyệt là do ân nghĩa bốn bề thiên hạ đi về tập họp tại Già Lam, Vạn Hạnh và Long Huê và Tịnh Xá Trung Tâm và Pháp Vân và xiết bao Chùa Chiền Miền Nam nước Việt, không biết nói sao cho hết. 
(22-8-93)
Đười Ươi Chân Kinh
Nxb Hội Nhà Văn
Tác phẩm đã xuất bản
Tập Thơ
1
Mưa Nguồn  
(1962)

2
Lá Hoa Cồn 
Màu Hoa Trên Ngàn 
Ngàn Thu Rớt Hột  

(1963)

3 Bài Ca Quần Đảo  

(1963)
4
Sa Mạc Trường Ca  
(1963)
5
Sa Mạc Phát Tiết  
(1972)
6
Chân Trời Văn nghệ 
(1974)

7
Mùi Hương Xuân Sắc  
(1987)

8

Rong Rêu  
(1995)

9
Đêm Ngắm Trăng   
(1997)
10
Thơ Bùi Giáng
 (Montréal, 1994)

11
  Thơ Bùi Giáng 
(California, 1994)

12
Mười Hai Con Mắt 
(2001)

13

Thơ Vô Tận Vui
(2005)
14
Mùa Màng Tháng Tư
(2007)
Nhận Định

15

Một vài nhận xét về 
Bà Huyện Thanh Quan

16

Một vài nhận xét về

 Lục Vân Tiên
 Chinh Phụ Ngâm 
 Quan Âm Thị Kính

17

Một vài nhận xét về truyện Kiều 
và truyện Phan Trần

(Tất cả đều được xuất bản năm 1957)
Giảng Luận

18

Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

19

Giảng luận về Chu Mạnh Trinh

20
Giảng luận về Tôn Thọ Tường

21
Giảng luận về Phan Văn Trị
(Tất cả đều được xuất bản năm 1957- 1959)

Triết Học

22

Tư Tưởng Hiện Đại
(1962)
23
Martin Heidegger 
 Tư Tưởng Hiện Đại I và II

(1963)
24

Sao Gọi Là Không Có Triết Học Heidegger?
(1963)

25

Dialogue
(viết chung, 1965)

Tạp Văn
Các sách xuất bản năm 1969

26

Đi Vào Cõi Thơ
27
Thi Ca Tư Tưởng

28

Sương Bình Nguyên
29
Trăng Châu Thổ

30

Mùa Xuân Trong Thi Ca
31
Thúy Vân

Các sách xuất bản năm 1970

32

Biển Đông Xe Cát
33
Mùa Thu Trong Thi Ca

Các sách xuất bản năm 1971

34
Ngày Tháng Ngao Du
35

Đường Đi Trong Rừng
36
Lời Cố Quận
37

Lễ Hội Tháng Ba
38
Con Đường Ngã Ba - Bước đi của Tư Tưởng



Sách Dịch
Các sách xuất bản năm 1966

39

Trăng Tỳ Hải
40
Cõi Người Ta
41
Khung Cửa Hẹp
42
Hoa Ngõ Hạnh
43
Othello
44
Trường Học Đờn Bà
Các sách xuất bản năm 1967

45

Tùy bút Tạp bút Thần thoại Hy Lạp

46

Bạo Chúa Caligula

47
Ngộ Nhận

48

Kim Kiếm Điêu Linh

Các sách xuất bản năm 1968

49
Con Người Phản Kháng
50
Mùa Hè Sa Mạc
51

Kẻ Vô Luân
Các sách xuất bản năm 1969

52

Nhà Sư Vướng Lụy

53

Ophelia Hamlet

54
Hòa Âm Điền Dã
Các sách xuất bản năm 1973 & 1974

55

Hoàng Tử Bé
(1973)

56

Mùa Xuân Hương Sắc
(1974) ???
Và nhiều tác phẩm khác chưa được thống kê đầy đủ
Đặng Tiến
BÙI GIÁNG, SƠ THẢO TIỂU TRUYỆN
Des lisières lointaines
les cerfs ont bramé
Từ ven rừng xa
tiếng nai gào gọi
Apollinaire
Sơ thảo, gọi như vậy vì tính cách sơ lược của bài viết.
Vì một số dữ kiện nêu lên, không chắc chắn, dù cho người viết hết lòng tìm căn cứ. Chung quanh Bùi Giáng có nhiều giai thoại, dần dần trở thành huyền thoại, đồng thời với những tư liệu có khi không hợp lý, hay mâu thuẫn, không dễ gì kiểm chứng.
Sơ thảo, vì lối biên tập còn rườm rà, khi chúng tôi cố tình muốn đưa ra nhiều tư liệu, có lúc ngoài lề, để người khác có thể men theo và truy cứu thêm, về chuyện này hay chuyện khác.
Sơ thảo, tóm lại, không phải là lời từ tốn vào đề chiếu lệ, mà là lời mời gọi giới văn học và độc giả cải chính, bổ sung đào sâu hay nâng cao.
Bùi Giáng đứng tên trên khoảng 60 đầu sách, chủ yếu là 14 tập thơ, xen kẽ 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa đầu tay, phần còn lại là biên khảo về triết học và thơ. Hiện nay còn khoảng 10 tập thơ và nhiều văn bản dịch, chưa in.
Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ.
Bùi Giáng là tên thật. Có khi sử dụng nhiều bút danh khác: Vân Mồng, Bùi Bàng Giúi, Búi Bàng Giùi, Báng Giùi, Trung Niên Thi Sĩ, Ðười Ươi Thi Sĩ.
Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926, Bính Dần, tại làng Thanh Châu, nay đổi thành Duy Châu vì thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam [1] .
Thân phụ là Bùi Thuyên, tục danh Cửu Tỳ, địa chủ giàu có; thân mẫu là Huỳnh Thị Kiền, còn tên là Hai. Cụ Bùi Thuyên có hai đời vợ, bà trước là con Phạm Tuấn, là một trong năm tiến sĩ đồng khoa 1898 cùng quê Quảng Nam, gọi là Ngũ Phụng Tề Phi [2] . Bà mất sớm khi hạ sinh người con thứ ba. Bà sau là cháu nội cụ Hoàng Văn Bảng, em ruột Hoàng Diệu, phó bảng khoa 1853, Thượng thư Bộ Binh, Tổng Ðốc Hà Ninh, tuẩn tiết tại Hà Nội năm 1882. Bà sinh được hai gái và bảy trai. Bùi Giáng là con thứ năm, kể cả con bà mẹ trước, nên còn tên là Sáu Giáng.

Những chi tiết này chứng tỏ Bùi Giáng xuất thân tự một giòng họ gia thế. Họ này gốc Nghệ An, di dân vào đây từ đời Hồng Ðức [3] .
Nhiều người trong dòng họ này nổi tiếng như bác sĩ Bùi Kiến Tín, sản xuất dầu khuynh diệp, kỹ sư Bùi Thạnh, hay giáo sư Bùi Xuân Bào, gia đình ra lập nghiệp tại Huế.
"Dòng họ Bùi giàu có bậc nhất trong vùng với những sở ruộng "cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi". Bùi Giáng trong mắt người dân thuở đó là một trang công tử. Dòng họ Bùi gốc ở Vĩnh Trinh lên ngụ cư ở Trung Phước khoảng những năm đầu của thập kỷ 40. Hồi đó, dòng họ có những căn nhà lầu đầu tiên ở xứ này. Trong nhà của họ có rất nhiều nô bộc. Sau này, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân nhận xét rằng những dòng họ giàu có nổi tiếng ở xứ Quảng đều sinh sống dọc hai bên triền sông, tận dụng lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang" [4] .
Sông Thu Bồn quanh năm có lưu lượng cao, nối liền miền Thượng Du với cửa Ðại (Hội An), cửa Hàn (Ðà Nẵng) và cửa Kỳ Hà (Tam Kỳ) qua nhiều sông lớn khác. Do đó, Vương Quốc Chăm đã đóng đô tại vùng Trà Kiệu, bên sông này, khoảng thế kỷ IV. Nhờ kinh tế phồn thịnh, dân địa phương nhiều người học hành và đỗ đạt.
Bùi Giáng sinh ra và lớn lên giữa "những dãy nhà rộng thênh thang tường xây bằng đá" [5] . Thời niên thiếu giữa một thiên nhiên phong phú, nhiều sắc thái: sông hồ, đồi núi, ruộng nương là một thiên đường mà Bùi Giáng suốt đời hoài vọng, và gọi là cố quận. Trong Ngày Tháng Ngao Du, ông kể: "Hồi nhỏ, tôi được sanh ra và lớn lên trong miền quê hẻo lánh. Chung quanh có ruộng đồng sông núi trùng điệp, những đám cỏ chạy suốt tuổi thơ. Làng tôi xưa kia có nhiều cỏ mọc, cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn khổng lồ".
Có lẽ vì vậy mà mãi đến tuổi 71 ông mới về quê sau non 50 năm xa cách, qua bài thơ Tâm Sự, 1996, trong Ðêm Ngắm Trăng.
Về học trình của Bùi Giáng, tư liệu chi tiết nhất là bài diễn văn năm 1995 của Bùi Văn Vịnh, em ruột: "Thuở nhỏ, anh học trường Bảo An, tại Ðiện Bàn, Quảng Nam. Sau đấy, anh theo Trung học ở trường Thuận Hóa, Huế. Năm 1945, đang lớp đệ tứ thì gặp đảo chính Nhật, song anh kịp đậu Thành Chung (Diplôme).
Cùng năm, anh lập gia đình riêng - chị qua đời ba năm sau. Việt Minh lên, anh trôi nổi khắp các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú của Liên Khu V trong vùng kiểm soát này. Cho đến 1950, khi có kỳ thi Tú tài đặc biệt do Liên Khu V tổ chức ("đặc biệt" vì đề thi do Liên Khu IV gửi vào, thi xong bài thi gửi ra Liên Khu IV chấm), anh đậu Tú tài II Văn Chương, rồi lên đường ra Liên Khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học Ðại Học. Từ Liên Khu V ra Liên Khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi, hơn một tháng rưỡi trời. Khi ra đến nơi, trong ngày khai giảng sau khi nghe ông Viện trưởng Ðại học đọc diễn văn, Bùi Giáng quay ngay về Quảng Nam - với một tháng rưỡi đi bộ nữa theo đường mòn trên dãy Trường Sơn. Và anh bắt đầu quãng đời "Mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt". Xin mở một ngoặc đơn: con số "15" được hiểu với nghĩa tượng trưng của điển "mục dương", và anh chăn dê chứ không bò hay trâu! Tháng 5-1952, gửi đàn dê lại cho... chuồn chuồn, châu chấu, anh băng qua Huế lấy Tú tài tương đương, để vào Sài Gòn ghi danh theo học Ðại Học Văn khoa. Lần này nữa, sau khi nhìn danh sách các giáo sư sẽ giảng dạy, anh quyết định chấm dứt việc học ở trường của mình tại đây" [6] .Nhiều bài biên khảo sử dụng tư liệu này, vì tư cách của tác giả và những dữ kiện cụ thể được đưa ra. Nhưng cũng có người tự hỏi: Hà Tĩnh thì làm gì có đại học? Năm 1952, thì Sài gòn làm gì có đại học văn khoa [7] ?
Chúng tôi dò hỏi và đề nghị một học trình khác của Bùi Giáng:
Tiểu học: Bùi Giáng có học trường Viên Minh, Hội An,
1940 ông bắt đầu vào Trung Học, trường Cẩm Bàng, Quy Nhơn. Trường tên như thế vì là tên làng của chủ trường, ông Lâm Tô Bông, người Quảng Ngãi.
1941-1945: Bùi Giáng ra Huế, học trường Tư thục Thuận Hóa. Thầy là các vị Hoài Thanh, Ðào Duy Anh, Trần Đình Ðàn, Lê Trí Viễn...Hai ông sau là cùng quê với Bùi Giáng. Nhà thơ khâm phục và về sau có viết bài ca ngợi các bậc thầy này.
1945: Nhật đảo chính.
Ông đỗ bằng Thành Chung, thường gọi là Diplôme, sau khi thi hỏng năm trước, và ở lại lớp Tứ Niên C.
1943: Bùi Giáng đọc trên báo Bạn Ðường, do Hướng Ðạo chủ trương, in tại Thanh Hóa, mấy câu thơ:
Mịt mùng một nẻo quê chung
Người về Cố Quận, muôn trùng ta đi.Theo Bùi Giáng "đây là một niềm tương ngộ, cuộc trùng phùng, những tao ngộ tình cờ trong một cuộc Hội Thoại".
Có thể xem như là khởi điểm nguồn sáng tạo văn học của Bùi Giáng, như ông thổ lộ ở phần đầu Lời cố Quận (1972), mà không cho biết tên tác giả câu thơ.

Tuy nhiên trước đó, trong Ði vào Cõi Thơ (1969), Bùi Giáng có trích hai câu này trong một đoạn 4 câu trong bài Cảm Thông (12 câu, 1940) và nói rõ là của Huy Cận. Bài này chưa bao giờ được in ở các thi tập đã xuất bản của Huy Cận.
1945: ông về quê, cưới vợ, dọn lên Trung Phước, một làng Trung Du hẻo lánh.
Vợ ông tên Phạm Thị Ninh, trạc tuổi ông, sinh trưởng trong một gia đình công chức khá giả, ông bà Phán Trai, Hội An, ở gần Chùa Cầu, nay còn người em là Phạm Văn Hòa, 71 tuổi.
Bà Ninh qua đời năm 1948 vì bệnh dài hạn và đẻ non, đứa con cũng mất, tại làng Trung Phước. Người em, Bùi Công Luân, kể lại rằng khi mất, thì "chị không thấy mặt chồng. Anh Bùi Giáng bấy giờ đang ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên gì đó, nghe phong thanh anh đang đi học" [8] .
Chúng tôi lần theo, và được biết là giai đoạn này, Bùi Giáng tiếp tục học tại trường Nguyễn Huệ Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Trường này không dạy đủ lớp, chỉ dạy hai trên ba năm, bậc Tú Tài, và chỉ dạy chuyên khoa Toán Lý Hóa. Bùi Giáng có ra Hà Tĩnh - bài Kỷ Niệm, trong tập Mưa Nguồn, làm tại Hà Tĩnh, 1951- nhưng có thể để học tiếp ban Tú Tài văn chương, rồi bỏ dở.
Tháng 5-1952, Bùi Giáng về thành [9] . Rồi vào Sài Gòn dạy học.
Học trình Bùi Giáng, chúng tôi chỉ biết có vậy.
Trên cơ bản ông là người tự học và đã đạt tới một kiến thức uyên bác, làm nhiều người ngạc nhiên và kính phục.
Chúng tôi phụ chú thêm ba điểm:
1. Việc hôn nhân: khi trả lời một bài phỏng vấn của báo Thời Văn, 1997, Bùi Giáng có tiết lộ: "phải thuận theo ý cha mẹ lấy cô vợ người thành phố Hội An, suốt đời không biết cày sâu cuốc bẫm là gì" [10] . Người em trai Bùi Công Luân xác nhận điều này trên báo Khởi Hành số 25 đã dẫn, nói rằng hai bên không yêu nhau.
2. Việc chăn dê: khoảng 1948, tại Trung Phước, chúng tôi tin vào kỷ niệm của ông Phạm Văn Hòa: "Ông anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ông thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om, sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng của các lùm tre và...đọc thơ suốt buổi. Có những buổi ổng lang thang lên tận các quả đồi hái hoa, lá kết vòng thơ thẩn đeo vào cổ cho dê... " Ðặc biệt Bùi Giáng rất thương vợ. Sáng nào ông cũng vắt một bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống. Tôi chẳng hiểu hồi đó ông có tâm sự gì nhưng chỉ biết ông nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không thấy giết thịt vì ông rất yêu những con dê. Mỗi con ông đặt cho một cái tên, rất kỳ lạ. Chuyện Bùi Giáng chăn dê nhiều người còn nhớ. Ðấy là hình ảnh một thanh niên hàng ngày lặng lẽ lùa dê vào núi, trên tay ôm một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp. Quãng đời du mục của Bùi Giáng kéo dài khoảng 3 năm thôi nhưng sau này khi viết Nỗi lòng Tô Vũ, thi sĩ đã đề từ "Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú". Mười lăm năm - nhiều người cho rằng có thể Bùi Giáng lấy thời gian lưu lạc của nàng Kiều để nói về đời mình" [11] .
3. Thời kháng chiến: ngày Toàn quốc Kháng Chiến chống Pháp, Bùi Giáng đúng 20 tuổi. Vậy ông làm gì? chẳng nhẽ chỉ chăn dê và làm thơ?
Bùi Giáng có đi bộ đội, thời đó là Giải Phóng Quân. Trong lúc "vui lòng cởi mở" ở dưỡng trí viện Biên Hòa tháng 5-1969, ông có kể với các Bác sĩ trong viện: "trong thời trai trẻ, đi kháng chiến, một chiều nọ, mệt, đói, anh đang lê từ bước một với chiếc ba lô khá nặng sau lưng, thì vừa quẹo một đường mòn, anh chợt thấy một thiếu nữ thiểu số đang giặt áo bên bờ suối, anh vừa ngừng chân thì "Bông hoa rừng" nọ cũng vừa ngừng tay giặt, mỉm cười với anh và niềm nở hỏi chào anh. Anh tưởng mình như đang lạc vào suối Ðào-nguyên, và hình ảnh này vẫn không phai trong tâm khảm anh. Ðó là phần Cô em Mọi nhỏ; còn Hoàng hậu Nam-Phương thì đến với anh trên một bao thư: người mẫu nghi thiên hạ này, sau anh có gặp lại ở Huế - lần này, người thiệt, chớ chẳng phải là một con tem thư - nhưng thực và mộng vẫn không sai biệt." [12]
Ðoạn văn được trích dài, để quy chiếu, về một chi tiết trong tiểu sử mà các tài liệu khác không đề cập, và trong chừng mực nào đó giúp ta hiểu thêm về hình ảnh người đàn bà - rất nhiều đàn bà - trong thơ Bùi Giáng.
1952 - 1960: về vùng "quốc gia", Bùi Giáng vào Sài Gòn lập nghiệp, dạy Pháp văn và Việt văn cho nhiều trường Tư Thục: Tân Thịnh, Vương Gia Cần...và gửi thơ đăng báo.
Ông cư ngụ tại đường Trương Tấn Bửu, nay là Trần Huy Liệu, gần chợ Trương Minh Giảng, cùng với các em, trong một ngôi nhà giữa vườn cây vú sữa [13] . Võ Phiến, ở gần đó, thường lui tới. Có lần Bùi Giáng chiêu đãi Ðinh Hùng tại nhà, mời ăn Mì Quảng, nhưng tại một căn nhà đường Dixmude, Ðề Thám, theo lời kể của Mặc Thu [14].
Mì Quảng là món ăn quê hương mà ông tự hào và ưa thích. Có lần tuyên bố: "ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết " [15].
Thời gian dạy học, ông đã soạn 6 cuốn sách giáo khoa, do nhà Tân Việt ấn hành, về Bà Huyện Thanh Quan, Lục vân Tiên, Kiều (1957), Tản Ðà, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị (1959) chủ yếu cho học sinh cấp hai.
1960-1975:
1960: xuất bản Tư Tưởng Hiện Ðại, biên khảo về tư tưởng phương Tây, chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh đang thời thượng. Có thể xem như là sáng tác đầu tay quan trọng.
Dường như từ thời gian này ông mới học tiếng Ðức, bắt đầu đọc Heidegger, do ảnh hưởng nhóm Phật giáo Vạn Hạnh với Thượng tọa Thích Minh Châu, Tuệ Sĩ, và Phạm Công Thiện. Hai cuốn về Heidegger, in 1963, trích nhiều tiếng Ðức.
1962: xuất bản tập thơ Mưa Nguồn, có bài làm từ 1950, thời chăn dê. Có lẽ Mưa Nguồn là tập thơ đều tay và giá trị nhất của Bùi Giáng. Liên tiếp, năm sau, là 4 thi phẩm: Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn và Sa Mạc Trường Ca.
Dường như sau đó có thời gian ông về ở chùa Phát Hội, một trung tâm nghiên cứu Phật Học, tiền thân của Ðại Học Vạn Hạnh, với Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện,...
1965: chiến tranh leo thang. Cùng với nhóm trí thức: Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Tam Ích,... Bùi Giáng tham gia kêu goị hòa bình. Dường như đây là hoạt động chính trị chính thức duy nhất trong đời Bùi Giáng. Nhưng lá thư gửi René Char của Bùi Giáng chỉ nói đến hòa bình chung chung.

Thời gian này ông chủ tâm dịch sách, xuất bản 13 dịch phẩm, nhiều nhất là Camus. Kịch bản Ngộ Nhận (le Malentendu) xuất bản 1967, đã đăng trên báo Bách Khoa từ 1963, và Bùi Giáng yêu thích Camus từ lâu. Dường như đôi bên có trao đổi thư từ.
1969: xuất bản 10 tác phẩm trong một năm, chủ yếu về thơ.
Ðồng thời xảy ra tai nạn lớn: một hỏa tai thiêu rụi căn gác ông ở và chứa sách, trong ngõ Phan Thanh Giản, bây giờ là Ðiện Biên Phủ. Căn gác này do tu sĩ Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, thuê cho Bùi Giáng ở, chứa nhiều tư liệu và rất nhiều sách, Pháp, Anh, Ðức, Hán, có ghi chú. Hỏa hoạn xảy ra khoảng 3 giờ chiều, trước đôi mắt bất lực của Bùi Giáng và Thanh Tuệ, thiêu rụi tư liệu, bản thảo, và sách tặng của Camus, dường như có cả sách tặng của Heidegger.
Bùi Giáng, cuồng nhẹ từ trước, nổi cơn điên, được gia đình đưa vào dưỡng trí viện Biên Hòa đầu tháng 5-1969. Theo các bác sĩ của viện: "Người cầm bút cô độc này, bịnh đã chuyển từ cuồng nhẹ sang cuồng nặng" [16] . Không biết bệnh có di truyền hay không, vì thân sinh ông cũng bị cuồng nhẹ, theo lời người địa phương "thân sinh ông Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thường gọi là Cửu Tỳ, Ông Cửu Tỳ cũng là một người ... điên, hàng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt ông này rất thích chọc ghẹo...các cô gái có nhan sắc!" [17]
Ra khỏi dưỡng trí viện, Bùi Giáng sống lang thang nay đây mai đó. Từ đầu năm 1973, ông dọn về khu nội xá của Ðại Học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng, có phòng riêng ở lầu 3. Thời gian này Bùi Giáng thỉnh thoảng có dự những buổi đàm luận chính trị với nhóm trí thức chủ hòa thời đó: Nguyễn Đăng Thục, Tuệ Sĩ, Ngô Trọng Anh,...nhưng vẫn ăn ngủ đó đây và biểu diễn nhiều trò lạ mắt trong y phục thùng thình trên hè phố Sài Gòn. Thân hữu và gia đình vẫn ồ ạt xuất bản sách cho ông. Tạp chí Văn đã ra một số đặc biệt Bùi Giáng tháng 5-1973, và Mai Thảo, phụ trách tờ báo giải thích về sau: "Phải làm cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại".
Mai Thảo còn kể tiếp: "chưa biết tìm Bùi Giáng ở đâu, thì thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy (...) Mấy tháng trước biến cố 1975, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu " [18]
1975-1998: Sau 1975 bệnh cuồng trầm trọng thêm, dù rằng vẫn có lúc ông sáng suốt. Sống nhờ bạn bè và trợ cấp của gia đình từ nước ngoài. Có lúc ở nhờ chùa Già Lam, xóm Gà, Gia Ðịnh.
Từ 1985, về ở với gia đình người cháu gái, đường Lê Quang Ðịnh, Tân Bình, Vợ chồng người cháu giúp Bùi Giáng định cư và định tâm, an dưỡng và sáng tác, đến ngày cuối đời. Hiện gia đình này còn giữ nhiều di cảo.
Từ 1992, tâm trí có phần ổn định, Bùi Giáng làm nhiều thơ trong năm 1993. Sau đó sáng tác cầm chừng, vẫn làm nhiều thơ.
1996 về thăm lại "Cố Quận" Quảng Nam khi đã 71 tuổi.
7-10-1998 (ngày 17 tháng Tám năm Mậu Dần): Bùi Giáng mất tại Sài Gòn vì bị tai biến mạch máu não.
Ðêm 23-9, ông có uống rượu, trượt té và vào hôn mê sâu. Giải phẩu tối 25-9, nhưng ông vẫn hôn mê, cho đến 14 giờ ngày 7-10 thì qua đời.
Tang lễ được tổ chức trọng thể tại chùa Vĩnh Nghiêm. Khoảng 600 người, phần đông là thanh niên, sinh viên đến canh thức, ngâm thơ. Một đám tang nhẹ nhàng, nhắc lời ông thường nói, để đời: "vui thôi mà".
11-10-1998: an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức.
Hiện nay Bùi Giáng còn 10 tập thơ và dịch phẩm chưa in.
Đặng Tiến
Viết cho ngày tưởng niệm Bùi Giáng, 7-10-2003, Sơ Thu Quí Mùi
[1] Du khách đi thăm di tích Chàm ở Mỹ Sơn, từ quốc lộ số 1, lấy tỉnh lộ 610 khoảng 15 km sẽ đi qua làng Duy Châu. Ði thêm 30 km sẽ đến làng Trung Phước, nơi Bùi Giáng chăn dê, nay đổi là Quế Phước vì thuộc huyện Quế Sơn, phía mỏ than Nông Sơn. Cả hai làng đều nằm bên sông Thu Bồn, bờ bên này và bên kia.
[2] Năm người theo thứ tự là: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Truân và Dương Hiển Tiến. Ngoại trừ Phan Quang huyện Quế Sơn, bốn người kia đều thuộc huyện Diên Phước, nay là Ðiện Bàn.[3] Bùi Tấn, Chớp Biển, Sài Gòn, Anaheim 1996, tr. 35. 
[4] Nguyễn Minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, số Xuân Quý Mùi 2003, TPHCM. 
[5] Bùi Công Luân (em ruột Bùi Giáng), báo Khởi Hành, số 25, tháng 11/1998, tr. 27, California. 
[6] Bùi Văn Vịnh, trong Chớp Biển, sdd, tr. 90.
[7] Trường Ðại Học Văn Khoa, Sài Gòn, có từ 1958. Trước đó, có lớp Văn dạy tại Ðại Học Sư Phạm, 1956. Khoa trưởng cả hai trường thời đó là G.s Nguyễn Huy Bảo, mà Bùi Giáng tỏ lòng ngưỡng mộ, như đã tuyên bố ở trang 17, báo Thời Văn, 6-1997, Sài Gòn.
Tại Khu IV, khoảng 1948, chỉ có lớp dự bị Văn Khoa, 7 sinh viên học với g.s. Ðặng Thai Mai, Quần Tín, Thanh Hóa, và g.s. Cao Xuân Huy, Diễn Châu, Nghệ An. Cụ Huy là thầy Bùi Giáng môn Pháp văn, tại trường Thuận Hóa, Huế.
[8] Bùi Công Luân, trong Chớp Biển, sđd, tr. 15, có đăng lại trên báo Khởi Hành, số 16 tháng 2-1998, tr. 20, California.
[9] Cùng một thời điểm với nhà thơ Tạ Ký 1928-1979. Tạ Ký vào học trường Khải Ðịnh 1952, Huế, học đủ ba năm cấp ba, đậu Tú Tài năm 1955.
Tạ Ký cùng quê, và ở cùng xóm, trong làng Trung Phước với Bùi Giáng. Làng này đã trở thành một đề tài thi ca qua câu thơ Tạ Ký:
Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc,
Tình cheo leo cao vút một con đèo.

Trong chiến tranh, một chiều mưa bên bờ sông Vĩnh Ðiện, nhà thơ Tường Linh, quê ngoại ở Trung Phước, học trò Pháp văn của Bùi Giáng, nhìn về Trung Phước, có câu thơ cảm động:
Thấy gì đâu, chỉ thấy núi mây mờ
Lòng gọi mãi tên làng xưa Trung Phước!

Nhà văn Võ Phiến, 1986, có lời bình luận: "Làng Trung Phước, ngày còn ở trong nước tôi chưa đến bao giờ, chính dân làng còn khó về làng huống hồ người xa kẻ lạ. Từ khi xa nước, nghe nói tới Trung Phước càng thấy mơ hồ típ tắp. Tôi đinh ninh đó là một làng đáng tưởng nhớ, đáng mê say : dễ gì một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh, mà có được hai thi sĩ dễ thương ngoan lành như vậy ? Hơn nữa, ngoài Tạ Ký và Tường Linh, làng Trung Phước còn liên hệ dến một thi sĩ thứ ba rất quen thuộc là Bùi Giáng, người đã từng sống với đàn dê tại đây một thời gian thời kháng chiến chống Pháp "
(Võ Phiến, Văn Học Miền Nam - Thơ, nxb Văn Nghệ, tr. 3145, 1999, California.)
Khi mộ Tạ Ký được dời về Gò Dưa, Thủ Ðức, Tường Linh có đọc điếu văn. Ngày nay cùng nghĩa trang với Bùi Giáng.
[10] Bùi Giáng, tạp chí Thời Văn, số 19, tháng 6-1997, tr. 26, TPHCM.
[11] Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd.
Chúng tôi chua thêm hai điều:

a. Mười lăm năm là cái "khớp" trong đời Bùi Giáng: mười lăm tuổi, rời thôn ấp về "thành phố" Huế, mười lăm năm sau, đất nước chia đôi, rồi 1969, vào dưỡng trí viện Biên Hòa, v..v...Ông có bài thơ Mười lăm năm:
Mười lăm năm ngọn tử phù
Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi

Linh cảm, có thể quan hệ với thân phận Thúy Kiều.
b. Tâm sự u uất: Bùi công Luân xác nhận điều này, khi Bùi Giáng rời gia trang ở Thanh Châu miền trung du Trung Phước chăn dê: "dường như anh muốn xa lánh trốn tránh, thậm chí đoạn tuyệt với một cái gì đó. Có thể là một quá khứ với những kỷ niệm không phai. Có thể là một đoạn đời với nhiều bão giông còn âm"
Bùi Giáng có thơ:
Người điên mang một mối buồn
Chưa bao giờ biết cội nguồn từ đâu

(Một Lần Nàng Tiên) 
[12] Thơ Ðiên, nxb Ki-Gob-Jó-Cì, Thái Bình Ðiên Quấc, năm Chó 70, tr. 81, 1970, Sài Gòn.
Sách do các bác sĩ dưỡng trí viện Nguyễn văn Hoài, Biên Hòa, thực hiện, 140 trang khổ 16x24 cm.
[13] Viên Linh, Khởi Hành số 25 bđd, tr. 23.
[14] Mặc Thu, Khởi Hành, số 25, tr. 25.
[15] Trần Hữu Cư, báo Thời Văn, bđd, tr. 71.
[16] Thơ Ðiên, sđd, tr. 80.
Giám đốc dưỡng trí viện là Tô dương Hiệp, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc. Bác sĩ chuyên trị Bùi Giáng và thân thiết, là Nguyễn Tuấn Anh.
[17] Nguyễn minh Sơn, báo Người Lao Ðộng, sđd.
[18] Mai Thảo, tạp chí Văn, số 26, tháng 8-1984, California, in lại trong Hợp Lưu, số 44, tháng 12-1998, tr. 15-16, California.

Con Mắt Còn Lại

Nhạc: Trịnh Công Sơn
Ý thơ: Bùi Giáng
Tiếng hát: Trịnh Công Sơn 
Trường Hợp Bùi Giáng
Nguyễn Hưng Quốc
Khi viết về thơ ở miền Nam trước 1975 cũng như thơ trong nước sau 1975, tôi ít nhắc đến Bùi Giáng. Không phải vì tôi đánh giá ông thấp. Ngược lại. Tôi đồng ý với Mai Thảo: Bùi Giáng là một tài thơ trác tuyệt. "Có Ông, thi ca mới đích thực có biển có trời" (1). Càng đọc Bùi Giáng tôi càng thấy ông lạ lùng. Con người ông lạ lùng: nói như Thanh Tâm Tuyền, qua lời kể của Mai Thảo, Bùi Giáng là người "ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ" (2). Thơ ông càng lạ lùng, lạ lùng đến nỗi ai cũng ngại ngùng khi viết về ông. Kể chuyện về ông: có, nhưng phê bình thơ ông: chưa. Có lần, Thanh-Tâm-Tuyền gọi Bùi Giáng là một " thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại" và là " một hồn thơ bị vây khốn" (3). Bị vây khốn bởi cái gì? Theo tôi, Bùi Giáng bị vây khốn, trước hết, bởi những hoài nghi, những dằn vặt. Thì một số khá đông các nhà thơ khác ở miền Nam thời kỳ 1954-1975 cũng hoài nghi, cũng dằn vặt. Song, có điều, không ai sống đến tận cùng sự hoài nghi, sự dằn vặt như là Bùi Giáng. Thơ Bùi Giáng là những phún thạch phun lên từ hỏa diệm sơn của hồn ông. Nhưng khác các nhà thơ khác, Bùi Giáng lại ngụy trang thảm kịch của mình bằng một giọng cợt nhã, bông đùa. Trong một bài viết về Hàn Mặc Tử, sau khi ghi nhận thơ Hàn Mặc Tử là  một tiếng thét và một lời than. Tiếng thét đầy máu, tiếng than tràn ngập hư vô. Lúc hãi hùng khiếp đảm, lúc quạnh quẽ lạc phách xiêu hồn", Bùi Giáng nhắc đến thơ của chính ông như một sự so sánh:
"Thơ tôi làm...là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Ði vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử chăn trâu không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao". (4)
Có dìu ba đào về chân trời nào khác thì ba đào vẫn cứ là ba đào, động biển vẫn cứ là động biển. Bay đi đâu cánh chuồn chuồn của Bùi Giáng cũng gặp giông bão. Giông bão dậy lên, trước hết, từ đôi cánh của nó: ngôn ngữ. Ðã đành làm thơ, ai cũng chú trọng đến ngôn ngữ. Song tôi có cảm tưởng ít có ai bị ám ảnh bởi vấn đề ngôn ngữ một cách nặng nề, triền miên như Bùi Giáng. Chữ "ngôn ngữ" thường xuyên xuất hiện trong thơ ông, đặc biệt trong hai tập thơ mới xuất bản ở hải ngoại sau 1975 (5), ở đó câu Ðường qua ngôn ngữ tuyệt trù, Ðường qua ngôn ngữ điệp trùng và Ðường qua ngôn ngữ cuối cùng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều bài thơ khác nhau. Hãy để ý đến nhóm từ " đường qua ngôn ngữ" : với Bùi Giáng dường như công việc làm thơ chủ yếu là một cuộc hành trình vượt qua ngọn đèo cheo leo của ngôn ngữ trước khi là bất cứ một cái gì khác. Ngọn đèo ấy không những cheo leo mà còn mù mịt, thăm thẳm. Phần lớn các câu thơ kế tiếp mấy câu vừa dẫn đều là bóng đêm (Mừng xuân viễn vọng đêm bù cho đêm; Mừng xuân viễn vọng đêm lừng lẫy đêm; Mừng xuân viễn tuyệt đêm từng từng đêm...) Xuân, ừ thì xuân. Nhưng đêm vẫn mịt mùng đêm. Ðêm vô tận. Ngôn ngữ không làm cho bóng đêm ấy tan biến. Trái lại.
Chấm ngòi bút sắt se vào mực
Viết ra câu thúc giục sương mù 

(Mùa xuân chiêm bao)
Trong lúc hầu hết các nhà thơ khác, mặc dù nhận chân được vị thế hẩm hiu của nhà thơ trong xã hội, vẫn tin tưởng vào ngôn ngữ và vẫn tự hào về công việc sáng tạo của mình, nói như Thanh Tâm Tuyền, "cuộc hành trình hoàn toàn cô độc" trên một "con đường chưa ai tới" (6), Bùi Giáng, ngược lại, tuy vẫn làm thơ, hơn nữa, còn làm thơ cực kỳ nhiều, nhiều hơn bất cứ một người nào khác, lại có vẻ rất coi thường cái việc làm thơ ấy và chắc chắn là không mấy tin tưởng vào khả năng thể hiện của ngôn ngữ:
Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên 

(Người điên)
Trong quyển "Mùa thu trong thi ca", Bùi Giáng viết:
Một hôm Mai Thảo bảo rằng
Làm thơ bê bối sao bằng đi rong
phố phường mọc cỏ quanh năm

(Sa mạc phát tiết)
Có người đọc câu thơ thấy đâm ra bực mình hỏi: " Phố phường đâu có cỏ nào mọc! Thằng thi sĩ ăn nói tầm phào, sai sự thật!" Ấy thế là người ta cưỡng bức thi ca một cách không chính đáng. Và trầm trọng hơn nữa, người ta tưởng chừng như tin rằng ngôn ngữ có thể nói ra được sự thật. Tưởng chừng như người ta chẳng bao giờ suy gẫm về Kim Cương Kinh. "Thế gian ngôn ngữ phi chân kinh" .(7)
Ngôn ngữ không những quặt què, không những không nói ra được sự thật mà, hơn nữa, trong thời hiện đại, đặc biệt khi cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư bản - Cộng sản đang gay gắt, khi cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam đang ác liệt, khi vấn đề thắng bại không những được quyết định ngoài chiến trường mà còn trên các bàn hội nghị quốc tế, ngôn ngữ còn có tác dụng ngược lại: nó che giấu sự thật và, thay vì đem lại sự cảm thông giữa loài người, nó lại làm cho con người ngộ nhận lẫn nhau, thù ghét lẫn nhau, say sưa chém giết lẫn nhau. Ðó là lý do tại sao Bùi Giáng lại:
Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là lục tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây 

(Lẫn lộn lung tung)
Bùi Giáng xáo trộn chữ nghĩa để nói lên một sự thật: ngôn ngữ đang bị xáo trộn, đang bị tha hóa. Bùi Giáng gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ, Mỹ Thọ, người ta cho là hài hước hoặc điên khùng, nhưng chẳng phải là trong cuộc sống, người ta đã không từng gọi một kẻ bán nước là yêu nước, một kẻ giết người như ngóe là nhân đạo, một kẻ bắn súng vào anh em vào đồng bào vào đồng loại vì một thiên đường không tưởng nào đó là cách mạng đó ư? Chẳng phải là người ta đã không từng gọi nhà tù là trại học tập, độc tài là tập trung dân chủ, sự ngu đần là đỉnh cao trí tuệ, khố xanh khố đỏ là quốc gia, thái độ khom lưng trước ngoại bang là biểu hiện của tinh thần dân tộc đó ư? Thử thế chữ Mỹ Tho bằng bất cứ chữ nào trong từ điển chính trị Việt Nam hiện đại, người ta sẽ thấy ngay cái điều mà Ionesco từng nói: " một nền văn minh của ngôn ngữ là một nền văn minh quẫn trí, hỗn độn" (8). Ngôn ngữ mất linh hồn. Ngôn ngữ xác xơ, rách mướp, tơi tả. Nhiều người thuộc loại nhạy cảm nhất trong thời đại chúng ta đã thất vọng não nề. Sự thất vọng ấy ở Tây phương, dẫn đến sự im lặng của một số người cầm bút, sự ra đời của loại kịch không lời; ở Bùi Giáng, tạo ra những vần thơ đại loại thế này:
...Một hai hai một di hài
Dài hi hữu mộng an bài chẩm ma
Chả xin? Chả hỏi? Vịt gà?
Và thân thể máu me và thịt xương...
...Ma đên ỳ nẽ ô mà
Xơ tin ô đố đâu là đến đây
Xền nô đô thí xi đầy
Xè rê tê nến ngọn lầy lội cơn
A tin a tỉ oan hồn
Vong lưu lỳ lẩy cung đờn cợt trêu
Người ơi ô ướt dấu bèo
ồ thôi thế vậy thu vèo sang thu
Lừng bay thân thế pha mù
Sương mây tuyết dậy thân bù cho thân 

(Ðạm Tiên)
Gắn liền với sự hoài nghi ngôn ngữ là sự hoài nghi lý trí. Trong lúc hầu hết các nhà thơ khác, mặc dầu hoài nghi lý trí, luôn luôn khắc khoải tìm kiếm sự thật, với niềm tin dù mơ hồ và mong manh, là sự thật ấy có đâu đó, sẽ gặp được một ngày. Bùi Giáng, ngược lại, tuy dịch và viết khá nhiều tác phẩm về triết học hiện đại Tây phương, lại hoàn toàn phủ nhận đầu óc duy lý của Tây phương, hoàn toàn mất niềm tin với mọi cái gọi là chân lý. Cuộc đời, với Bùi Giáng, là chuỗi dài những nghi vấn và phẫn nộ:
Ði vào giữa cuộc thị phi
Nửa tam bành tới nửa nghi vấn về 

(Y ư mộng, du ư mê)
Làm thơ, với Bùi Giáng, là một hành động phản kháng, phản loạn. Như Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du: 
Sao bằng riêng một biên thùy
Cõi điên vũ trụ tùy nghi tung hoành
Xiết bao vô ngại ngọn ngành
Chọc trời khuấy nước tan tành thịt xương
Ấy như thể, ấy như dường
Ði vô tận ý đi đường chơn không
Ði mây gió đi phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
Ði về thể lệ lâm ly
Ði đi suốt cõi lời nghi vấn lời. 

(Sao bằng)
Nghi vấn. Lúc nào cũng nghi vấn. Nghi vấn cả lời nói của mình. Bài thơ Tặng Mã Giám Sinh là một bài thơ hay:

Hỏi tên? Rằng biển dâu xanh
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên? rằng một hai ba
Ðếm là diệu tưởng đo là nghi tâm. 

Tôi đoán là Bùi Giáng rất tâm đắc bài thơ nầy. Nó được in lần đầu trong "Mùa thu trong thi ca" với tựa là "Mã Giám Sinh" , sau in lại trong "Thơ Bùi Gíáng" xuất bản tại Canada năm 1990 với sự thay đổi nhỏ: thêm chữ "tặng" ở tựa đề. Có hay không có chữ "tặng" , thật ra cũng chả có gì quan trọng. Cũng như mọi cái tựa trong thơ Bùi Giáng chả có gì là quan trọng. Lười, ông thường nhặt bất cứ từ hay nhóm từ nào trong bài dùng để làm nhan đề. Bài thơ trên được đặt tựa là Mã Giám Sinh hay Tặng Mã Giám Sinh có lẽ để ghi lại xuất xứ một nguồn cảm hứng: nó xuất phát từ mấy câu thơ trong Truyện Kiều có liên quan đến Mã Giám Sinh:
Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng: huyện Lâm Thanh, cũng gần. 

Trong bài Chiều nguyên xuân in trong tập Mưa Nguồn, xuất bản từ năm 1963, Bùi Giáng đã bị ám ảnh bởi vấn đề quê hương:
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà 

Từ "ở rất lâu quê nhà" đến "mộng ban đầu đã xa" , tư tưởng của Bùi Giáng đã vượt biên, lấn sang một tầm khác. Với một sức oằn khác. Dẫu sao, ở đây điều quan trọng nhất là câu cuối cùng: " đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm" . Mọi sự phân biệt đều bị xóa nhòa. Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: Thơ Bùi Giáng chính là sự xóa nhòa của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay.
Thứ nhất là xóa nhòa những đường biên về giọng điệu. Những ai từng viết lách ít nhiều cũng đều hiểu cái khó nhất đối với người cầm bút là pha trộn giọng điệu, nghĩa là, chẳng hạn, vừa nghiêm túc lại vừa cười cợt, vừa uyên bác lại vừa bình dân, vừa suy tư lại vừa thích thảng. Bùi Giáng vượt qua tất cả những khó khăn ấy một cách nhẹ nhàng. Ví dụ dưới đây, tôi chọn một cách tình cờ:
Hai cô bán phở dịu dàng
Ðừng nên nói bậy hai nàng buồn ta"
-Trẫm từ lịch kiếp phôi pha
Tái sinh bất chợt mà ra phụ lòng
Tình thương ẩn mặt từ trong
Nội tâm vô tận mà long đong vì
Phong tao phấn đại tương nghi
Tùy thời thể dựng mà tuy nhiên là. 

(Tặng quán phở Huyền Trân)
Ai cũng thấy rõ hai câu đầu và sáu câu sau có giọng điệu khác hẳn nhau. Vậy mà, riêng tôi, thú thật, tôi không hiểu tại sao Bùi Giáng có thể chuyển từ hai câu đầu xuống sáu câu dưới một cách dễ dàng tự nhiên như vậy. Mà đây cũng lại là một đặc điểm rất phổ biến trong thơ Bùi Giáng. Nói một cách tóm tắt, thơ ông có hai loại từ vựng: một loại tạm gọi là bác học và một loại tạm gọi là bình dân. Bác học thì như thục nữ, thuyền quyên, cảo thơm, thượng thừa, miên trường, đoạn trường, băng tuyết, thập thành v.v...nghĩa là những từ Hán Việt lâu lắm không còn được sử dụng nữa. Còn bình dân thì như đại ca, Huê ky., Liên Xồn, lai rai, nhậu nhẹt, máu me, số dzách, dấn bước, dấn liều v..v...nghĩa là những khẩu ngữ còn lấm lem bụi bặm ngoài đường ngoài phố. Cả hai loại đều dễ khiến giới làm thơ chùn tay. Dùng loại trên thì dễ có nguy cơ trở thành sáo, cổ. Dùng loại dưới thì dễ có nguy cơ trở thành nhả nhớt, rẻ tiền. Bùi Giáng hoàn toàn thoát khỏi hai nguy cơ ấy. Hơn nữa, ông còn hòa trộn cả hai loại ngôn ngữ ấy lại với nhau một cách tài tình. Ðọc, người ta không hề có chút cảm giác lấn cấn nào. Như một phép mầu.
Gắn liền với sự xóa nhòa trên là một sự xóa nhòa khác: xóa nhòa ranh giới giữa truyền thống và hiện đại. Không phải Bùi Giáng kết hợp truyền thống và hiện đại, như cái điều chúng ta có thể nói về một số nhà thơ khác. Nói đến sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tức là thừa nhận chúng ta có thể ít nhiều khu biệt đâu là truyền thống và đâu là hiện đại. Ở Bùi Giáng, mọi nỗ lực khu biệt ấy đều trở thành vô vọng. Ở Bùi Giáng, tính chất truyền thống và tính chất hiện đại tan hòa vào với nhau. Là một. Thể thơ ông dùng: cũ; hình tượng ông dựng: cũ; ngôn ngữ ông viết: cũ, thế nhưng, rất lạ, toàn bộ bài thơ của ông thì lại mới, mới như chưa từng có ai viết được như thế. Mới đến độ tôi có cảm tưởng phần lớn những từ, những chữ nào đã được Bùi Giáng sử dụng một lần đều trở thành của riêng của Bùi Giáng, một thứ tài sản của Bùi Giáng, trên đó có dấu ấn của Bùi Giáng; sau đó, ai dùng lại những từ ấy, chúng ta cứ ngờ ngợ như họ ăn cắp của Bùi Giáng. Ðọc thơ của bất cứ người nào, hễ gặp chữ "giũ áo" , "rớt hột" , "đười ươi" , "chuồn chuồn", "châu chấu" ...chúng ta hay tri hô lên: Bùi Giáng! Ngay cả một số từ quen thuộc hơn, như "thập thành" , "máu me" , "lai rai" ...chúng ta cũng lại tri hô lên: Bùi Giáng! Trong lịch sử thi ca Việt Nam hiếm có trường hợp nào lạ lùng đến như vậy. Phần lớn, tính chất độc đáo chỉ ở cấp độ bài hoặc cấp độ câu. Ở Bùi Giáng, tính chất độc đáo thể hiện ngay ở đơn vị từ. Với sự xuất hiện của Bùi Giáng, số phận các nhà thơ đâm ra lao đao hẳn. Khi chọn chữ không khỏi có cảm giác e dè vì sợ dẫm vào dấu chân của Bùi Giáng.
Thứ ba, là sự xóa nhòa ranh giới giữa cái gọi là thơ và cái gọi là phi thơ. Ngổn ngang trong thơ Bùi Giáng những chi tiết ngỡ như không bao giờ thành thơ được, ngỡ như mãi mãi thuộc thế giới của văn xuôi, của tiểu thuyết, của đời thường. Nhớ người yêu, có lẽ ai cũng nhớ như Bùi Giáng nhưng không có ai viết được như Bùi Giáng:
Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao 

(Gửi thôn nữ Vĩnh Trinh)
Bùi Giáng có tài hóa giải những tình thế oái oăm: cái đáng lẽ sàm sỡ, dưới ngòi bút ông, tự nhiên thành thơ mộng, thiết tha, tội nghiệp. Bùi Giáng cũng có tài làm cho những cái lắt nhắt trở thành mênh mang:
Sáng nay bao tử mơ mòng
Cà phê bên nọ, cháo lòng bên kia 

(Sáng nay)
Tất cả những chi tiết ấy đều tầm thường đến độ nhảm nhí. Ði vào thơ Bùi Giáng, tự dưng chúng lại có một âm vang gì rất lạ, rất xa, tưởng như không còn là chuyện "cà phê" hay "cháo lòng" nữa.
Một nỗi phân vân giữa cuộc đời, chẳng hạn. Một niềm xót xa trong cảnh khốn cùng, chẳng hạn. Bùi Giáng còn có tài làm cho những cái linh thiêng trở thành bình thường. Những Thượng Ðế, Phật, Thánh Hiền...đi vào thơ ông, mất một chút hào quang, song bù lại, dường như đẹp hơn. Bùi Giáng làm cho cái đáng kính biến thành cái đáng yêu. Hình tượng ni cô trong thơ ông là một ví dụ. Bùi Giáng cũng lại có tài làm cho cái thô và tục trở thành những cái thơ mộng, xôn xao. Cuối cùng, thứ tư, tôi tạm gọi là sự xóa nhòa giữa cái lý và cái phi lý; ít có ai để ý trong thơ Bùi Giáng có đặc điểm này: ông rất thích dùng những từ có tính chất lý luận như "mặc dù", "càng...càng", "vẫn là", "và" , "vì". "rằng", "bởi chưng", "chỉn e", "té ra", và đặc biệt, nhiều nhất là từ "tuy nhiên" ... Chắc chắn là không có nhà thơ nào dùng các từ này nhiều bằng ông. Thế nhưng, cách Bùi Giáng sử dụng các liên từ này rất lạ lùng, không giống bất cứ người nào trước ông hoặc sau ông. Xin hãy đọc lại bài Tặng quán phở Huyền Trân dẫn ở trên, và hãy chú ý đến ba câu cuối cùng: chữ "vì" và chữ "là" đứng hết sức lửng lơ. Chúng không nối kết cái gì cả. Chúng cũng không giải thích cái gì cả. Chúng hoàn toàn trái ngược mọi luật lệ ngữ pháp. Chúng thường xuất hiện ở những vị trí thật bất ngờ: ở cuối câu, thường là câu cuối bài:
- Em về - nhà cửa nhỏ nhoi
Buồn rầu khôn xiết em soi gương và...
 
(Em đi)
- Nối đuôi khởi sự từ đầu
Ví dù kết thúc trước sau vẫn là... 

(Vẫn là là)
- Bá phương phảng phất rồi xa
Mùi hương xa vắng càng xa xôi càng... 

(Băng tâm)
- Mai sau dù có đi về
Xin nhìn gió rụng ngành tre thưa rằng... 

(Em về)
Một điều vừa thú vị vừa khó hiểu là: người đọc thơ Bùi Giáng lại ít chú ý, không bị giật mình vì những cách dùng từ, đặt câu ngược ngạo như vậy. Mà, ở những trường hợp này, Bùi Giáng đều cố tình cả. Một mặt, tần số xuất hiện của những kiểu câu như thế ê hề; mặt khác, nhiều lúc Bùi Giáng đem những liên từ lý luận ra đùa nghịch:
- Nếu và nhưng vẫn ắt rằng
Tuy nhiên thế nọ thường hằng thế kia
Và nhưng tuy dẫu là chia
Lìa cha biệt mẹ bốc tia sinh tồn 

(Tuy nhiên)
- Tuy nhiên đất quạnh sơn hà
Còn tuy nhiên mãi họa là nhiên tuy 

(Ich dụng hung sự)
- Mần răng ra rứa ví dù
Mần ri thế nọ tịt mù thế kia 

(Mỗi ngày)
Một lần, Bùi Giáng giải thích: "Dù sao, tôi nói dù sao, bởi vì thiên hạ vốn ưa thích dù sao. Cho có mạch lạc. Chứ thật tình tôi chẳng rõ sao gọi là mạch lạc liên tục ngụ trong tính tình của ngôn ngữ dù sao dao sù" (9)
Cách phân tích như trên khá nguy hiểm: nó dễ làm cho người ta có cảm tưởng thơ Bùi Giáng là một cái gì tĩnh tại và cố định. Thật ra, không phải. Theo dõi thơ Bùi Giáng chúng ta sẽ nhận ra ông thay đổi không ít. Tập Mưa Nguồn xuất bản năm 1962 rất trong sáng; từ tập Ngàn thu rớt hột (1963) về sau, thơ ông tối tăm hẳn; sau năm 1975, ở hai tập thơ xuất bản tại hải ngoại, thơ ông trong sáng trở lại, nhưng so với Mưa Nguồn, đằm hơn, lắng hơn và chín hơn. Mưa Nguồn là niềm nhớ thương đồng ruộng không nguôi:
- Viết thơ lạc dấu sai dòng
Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong

- Viết thơ là trở lại bên
Con người thôn nữ răng đen hai hàng 

(Ca dao)
Sau này, ông vẫn bâng khuâng nhớ đồng quê. Chỉ bâng khuâng thôi. Nghĩa là rất man mác. Có một câu thơ có lẽ ông thích, cứ lặp đi lặp lại rải rác ở nhiều bài thơ khác nhau:
Trông về đồng ruộng đôi khi
Thị thành tâm sự hoài nghi trăng tà 

(Gấu buồn)
Nhưng tâm sự chính của ông là nỗi tuyệt vọng về khả năng giao cảm giữa người và người, niềm cay đắng trước một xã hội ngày một đảo điên. Ông hoàn toàn cô độc:
quay về một cõi riêng thôi
liệu trong tấc cỏ kiếm trời ba xuân 

(Ðời rộng đương chìm)
Ông làm thơ cho hư không:
Bây giờ xin ngó cụm cây
Chắp hàng viết nốt áng mây về trời 

(Bây giờ)
Ông độc thoại:
Ngàn năm độc đối riêng hàng
Tờ xanh ứa lệ đẫm trang xuân đầu 
(Khởi từ)
Có khi ông im lặng:
Từ đây đổi vịt thay gà
Chán chường đến thế là ta ngậm lời 
(Nhà ma đi đời)
Sau 1975, cảm giác cay đắng và tuyệt vọng ấy, không hiểu tại sao dường như nhẹ nhàng đi nhiều. Ðời sống ông cơ cực hơn, những cơn điên đến với ông thường xuyên hơn (10), song thơ của ông lại có vẻ thanh thản hơn. Ông bớt những thắc mắc siêu hình để quan tâm hơn đến khía cạnh cảm xúc, từ đó, nhấn mạnh đến yếu tố tâm hồn, coi đó là nguồn gốc của thơ:
Chợt mùa thơ vội đổi giòng
Cỗi nguồn cũng bởi tự lòng mà ra 
(Từ bấy tới nay)
Với quan niệm như vậy, thơ không còn là trò đùa nghịch chữ nghĩa nữa mà là một sự bộc bạch tâm sự:
Lời tỉnh táo, lời mê man
Ðiệu thê thiết rống điệu bàng hoàng ca
(Y ư mộng du ư mê)
Do đó, ông khao khát được thông cảm:
Xổ bầu tâm sự điêu linh
Ai người chia xẻ với mình với ta 
(Một giờ)
Bài Bao giờ in trong tập Thơ Bùi Giáng do Thế Kỷ 21 xuất bản là một bài thơ hay:
Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không

Thơ, với Bùi Giáng, trước hết là một sự hiện hữu cụ thể với những màu sắc cụ thể nhất định: đó là một văn bản với những từ, ngữ, giấy, mực cụ thể. Văn bản ấy có đời sống riêng của nó: có sinh có tử. Nhưng đằng sau, ẩn náu phía trong cái hình thức cụ thể ấy lại là một tâm tình, là tiếng cười, là tiếng khóc. Tâm tình của người làm thơ òa vỡ bất chấp những giới hạn tự thân của ngôn ngữ:
Ngữ ngôn khép kín mặc dầu
Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra 
(Bé con ơi)
Bùi Giáng băn khoăn:
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không ? 
Bùi Giáng lại năn nỉ:
Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn 
(Y ư mộng du ư mê)
Trong bài Thuở chưa điên in trong tập Thơ Bùi Giáng do Việt Thường xuất bản tại Canada năm 1990, Bùi Giáng tự so sánh thơ mình ngày trước với thơ mình bây giờ:
Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiên reo cười
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Ðiệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân 
Sự khác nhau không phải ở chỗ: có lúc ông "quàng xiên reo cười", có lúc ông lại "ngậm ngùi dấn thân". Ở Bùi Giáng, cái cười và cái khóc đôi khi rất giống nhau. Theo tôi, chỗ khác nhau căn bản là: trước đây, Bùi Giáng loay hoay mãi trong "dấu ngoặc" của ý thức, của cái tôi; sau nầy, ông tung hê hết, ông hòa nhập vào cái chung của cuộc đời:
Ta quên như thể mình ta quên mình 
(Tặng hai cháu Quỳnh và Na)
Ông trở thành dễ thương và tội nghiệp vô cùng:
Trái tim mỗi mới mỗi ngày
Mỗi giờ phút động mây trời rung rinh
Ðường đi mất hút thình lình
Những khuôn mặt lạ những hình ảnh quen
Tạm nhờ men rượu nguôi quên
Niềm vui nỗi nhớ chênh vênh lạ lùng 
(Ðường quanh ngõ quẹo)
Ở khía cạnh nầy, có thể nói Bùi Giáng xóa nhòa ranh giới giữa cái tôi và cái ta, giữa cái riêng và cái chung: Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay. Xóa nhòa. Xóa nhòa ranh giới giữa các giọng điệu, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thơ và phi thơ, giữa cái lý và cái phi lý, giữa cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung, xóa nhòa mọi sự phân biệt, biện biệt; theo tôi, đó là những đặc điểm nổi bật nhất trong thơ Bùi Giáng. Bằng những sự xóa nhòa ấy, Bùi Giáng xóa nhòa luôn cả ranh giới giữa cái gọi là văn hóa cao cấp và văn hóa bình dân. Ðồng thời, Bùi Giáng cũng xóa nhòa luôn cả tính chất nghiêm nghị, nghiêm túc với những khẩu hiệu ồn ào như " vị nhân sinh" , " vị nghệ thuật" vốn kéo dài rất lâu trong văn học Việt Nam. Khác với các nhà thơ khác, lúc nào cũng nhăn mặt nhíu mày, lao vào thơ như lao vào một trận địa, kỳ khu và khắc khổ, lúc nào cũng khắc khoải sáng tạo ra cái mới, mà chưa chắc đã mới và chưa chắc đã hay. Bùi Giáng, ngược lại, làm thơ cứ như đùa như giỡn, như không phải đang làm thơ, vậy mà tự nhiên thơ lại trở thành bát ngát, lấp lánh và lộng sắc lộng hương. Mai Thảo kể: " ba chữ " vui thôi mà" là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của (về?) lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông" , rồi bình tiếp: " thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui" (11). Theo Leslie Fiedler, sự xóa nhòa văn hóa giữa văn hóa bình dân và văn hóa cao cấp, và cùng với nó, việc đoạn tuyệt với chủ nghĩa đặc tuyển (elitism) và tính chất nghiêm cẩn (seriousness) là những đặc điểm chính yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) (12). Ở khía cạnh nầy, Bùi Giáng rất gần các nhà thơ hậu hiện đại.
Bùi Giáng còn gần gũi các nhà thơ hậu hiện đại ở một khía cạnh khác nữa: một số khá nhiều các bài thơ của ông là loại thơ không thể giảng. Susan Sontag cho một trong những đặc trưng lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại là tính chất phản diễn dịch (anti-interpretation), là sự nhấn mạnh vào hình thức và sự trình diễn (performance) hơn là nội dung và ý nghĩa (13). Chúng ta biết theo quan niệm của Ferdinand de Saussure, ngôn ngữ chỉ là một hệ thống ký hiệu, ở đó, mỗi đơn vị ký hiệu đều có hai mặt: cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Cái biểu đạt là âm hoặc chữ viết. Cái được biểu đạt là ý niệm do âm hoặc chữ viết ấy gợi lên trong đầu chúng ta. Ví dụ, nghe âm " chó" (cái biểu đạt), chúng ta nghĩ ngay đến giống vật thường được nuôi trong nhà (cái được biểu đạt) (14). Từ đó, người ta đi đến chỗ coi bài thơ cũng là cái biểu đạt. Ðọc thơ là để tìm kiếm cái được biểu đạt, tức ý nghĩa, điều ẩn giấu phía sau bài thơ. Với Bùi Giáng, cũng như với các nhà thơ hậu hiện đại, ngược lại, bài thơ là cái được biểu đạt chứ không phải là cái biểu đạt. Nói cách khác, bài thơ là bài thơ. Không có ý nghĩa nào ẩn sau bài thơ để chúng ta đào xới, tìm kiếm. Nó giống như một bức tượng đá. Bề mặt: đá; trong ruột: cũng là đá. Do đó, nếu hỏi ý nghĩa bài thơ Ðạm Tiên tôi dẫn ở trên là gì ư? Chịu! ý nghĩa của nó là chính sự hiện hữu của nó, là bài thơ có nhan đề Ðạm Tiên, vậy thôi! Chúng ta không thể phân tích. Chúng ta chỉ cần nghiệm (experience). Ðọc lần thứ nhất: chúng ta không hiểu gì cả.
Ðọc lần thứ hai: chúng ta vẫn không hiểu gì cả. Nhưng càng đọc, chúng ta càng nghe rõ, càng thấm, càng cảm cái nhạc điệu lầm rầm, lầm rầm của bài thơ. Nghe như thần chú. Như tiếng tụng kinh. Như lời cầu hồn. Chúng ta sống trong một không khí huyền bí, ma quái, không có gì rõ nét. Thì Ðạm Tiên là một bóng ma mà! Ở nhiều bài thơ khác, điều chúng ta nghiệm được thường là sự bất lực của ngôn ngữ; chúng ta không hiểu vì chính nhà thơ cũng không thể diễn tả được những gì ông chỉ cảm nhận một cách mơ màng hoặc bằng trực giác hoặc bằng tiềm thức.

Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại được chăng? Khái niệm hậu hiện đại, mặc dầu xuất hiện từ thập niên 30 và 40 với Frederico de Oniz, Dudley Fitts và Arnold Toynbee, được sử dụng khá nhiều tại Mỹ vào thập niên 50 và 60, trở thành thời thượng tại Âu Mỹ từ giữa thập niên 80 đến nay (15), vẫn còn khá xa lạ với giới cầm bút Việt Nam. Ðiều đó dễ gợi cho chúng ta ấn tượng chủ nghĩa hậu hiện đại là cái gì rất mới, chỉ gần đây thôi, gắn liền với máy vi tinh, chẳng hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, khác hẳn. Danh sách các nhà thơ hậu hiện đại được Jerome Mazzaro phê bình trong quyển Postmodern American Poetry bao gồm W.H.Auden (1907-73), Randall Jarrell (1914-65), Theodore Roethke (1908-63) v..v..(16). Với Margaret E. Gray, ngay cả Marcel Proust (1871-1922) cũng là một nhà văn hậu hiện đại (17). Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại hay hậu " iện" đại (người vượt ra ngoài chủ nghĩa " iện" đại tại Việt Nam) hay " ậu" hiện đại (người ít nhiều - chứ chưa hoàn toàn - nhích ra khỏi chủ nghĩa hiện đại theo cách hiểu truyền thống tại Tây phương) được chăng? Dù sao, vấn đề xác định danh xưng ở đây, tôi nghĩ, cũng không phải là điều quan trọng. Quan trọng hơn, chúng ta cần ghi nhận đóng góp lớn lao của Bùi Giáng: ông đã tiến một bước khá xa trên con đường hòa giải giữa thơ và hiện thực cũng như giữa nhà thơ và người đọc.
Nguyễn Hưng Quốc (Trích " Thơ, v.v...và v.v.." )
Chú thích: 
(1) Mai Thảo (1994), "thay lời bạt: Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng", in trong tập Thơ Bùi Giáng, nxb Thế kỷ 21, California, 1994. tr. 146.
(2) Như trên, tr. 139.
(3) Thanh Tâm Tuyền (1994) "Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn", Tạp chí Thơ (California) số 1, Mùa thu 1994, tr, 73-75.
(4) Bùi Giáng (1969), Thi ca tư tưởng, Ca Dao, Saigon. tr, 102-3.
(5) Thơ Bùi Giáng, Việt Thường xuất bản tại Montreal, 1990 và Thơ Bùi Giáng, Thế Kỷ 21 xuất bản tại CA, 1994. (6) Trong bài " Bao giờ" và " Bài thơ của tháng giêng" in trong tập Liên, đêm mặt trời tìm thấy, nxb Sáng Tạo, Saigon, 1964.
(7) Bùi Giáng (1970) Mùa thu trong thi ca, Sống Mới in lại tại hải ngoại, không ghi năm, tr. 223-4.
(8) Dẫn theo Steiner,G. (1967) Language and Silence, Faber & Faber, London, tr. 72.
(9) Bùi Giáng (1970) Mùa thu trong thi ca, sđd. tr. 17.
(10) Xem Phạm Xuân Ðài, " Kẻ cuồng sĩ trong vườn cây" lời tựa tập Thơ Bùi Giáng, Thế Kỷ 21, 1994, tr. 15-26.
(11) Mai Thảo (1994), bài đã dẫn, tr. 141.
(12) Fiedler, L. (1975) " Cross the Border - Close the Gap: Postmodernism" in trong tập American Literature since 1900 do Cunliffe chủ biên, Sphere Books, London, 1975, tr. 344-366.
(13) Sontag, S. (1966), Against Interpretation and Other Essays, Delta, New York.
(14) Tác phẩm chính của Saussure, Cours de linguistique générale, in tại Paris năm 1916, sau đó, được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản rất nhiều lần; một thời gian dài, ít nhất cho đến đầu thập niên 70, được xem như một tác phẩm kinh điển trong ngành ngôn ngữ học trên khắp thế giới. Về Saussure, có thể xem quyển sách giới thiệu rất hàm súc của Jonathan Culler, Saussure, Fontana/Collins, 1976.
(15) Về lịch sử thuật ngữ "chủ nghĩa hậu hiện đại", có thể xem: Bertens.H.(1986), "The Postmodern Weltanschauung and Its Relation with Modernism: An Introductory Survey" in trong Approaching Postmodernism do Fokkema, D & Bertens, H. biên tập, John Bengamins xuất bản tại Amsterdam, 1986, tr. 9-51; Best, S & Kellner, D. (1991), Postmodern Theory, Macmillan, Hampshire, tr. 1-33. Về chủ nghĩa hậu hiện đại trong lãnh vực văn học, có thể xem: Hassan, (1982), The Dismenberment of Orpheus: toward a Postmodern Literature, Oxford University Press, NY.; Hassan, I. (1987), The Postmodern Turn: Essays in Postmodern Theory and Culture, Columbus; Spanos, W. (biên tập) (1979),Martin Heidegger and the Questions of Literature: toward a Postmodern Literary Hermeneutics, Indiana University Press, Bloongton; Connor, S. (1989), Postmodernist Culture: an Introduction to Theories of the Contemporary, Basil Blackwell, Oxford, đặc biệt chương 4, "Postmodernism and Literature" , tr. 103-131; McHale, B. (1986), "The Semantic and Syntatic Organisation of Postmodernist Texts" in trong tập Approaching Postmodernism, sđd, tr. 81-98; và Jameson, F. (1988), " Postmodernism and Consumer Society" in trong Postmodernism and its Discontents: Theories & Practices, Kaplan E.A. biên tập, Verso, London, tr. 13-29.
(16) Mazzaro, J. (1980), Postmodern American Poetry, University of Illinois Press, Urbana.
(17) Gray, M. E. (1992), Postmodern Proust, University of Pennsylvania Press, Philadelphia.
Trịnh Công Sơn vẽ Bùi Giáng
Bùi Giáng le beau gosse 89





Trịnh Công Sơn đàn, Bùi Giáng múa
Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn
Ngô Văn Tao 
Tết Đinh Hợi, 2007.

Ba chàng thi sĩ
Bùi Giáng bản chất là nhà thơ. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nhưng lời ca rất thơ. Hai nghệ sĩ, với sự nghiệp trải dài từ những năm 60 cho đến tận cuối thế kỷ thứ 20, cùng chìm đắm trong nghệ thuật. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) làm thơ rất nhiều và đặc biệt những năm cuối đời say mê vẽ: ký hoạ và vẽ sơn dầu những bức chân dung thơ mộng. Ngoài là nhà thơ, thi sĩ Bùi Giáng (BG) còn là một tư tưởng gia. Ông đã nhận định cùng với M. Heidegger rằng thi ca và nghệ thuật mới thật là “bản thể” của vũ trụ hiện sinh con người (chứ không phải lý tính, khoa học, lý luận cò ke đo đếm một hai). BG cũng đã từng vật lộn với “cái cọ sơn dầu” (nhưng gần như thôi hẳn, chỉ còn nâng cọ một đôi khi từ năm 1967, sau một trận hoả hoạn cháy tan nhà trọ với những bức tranh của nhà thơ). Và bức tranh mực màu trên giấy: “Quê chàng là Ithaque” - một trong hai ba bức tranh may còn lưu lại – đã chứng tỏ tiềm năng nghệ thuật thật sự của nhà thơ.
Nghệ thuật của BG và TCS có chung một điểm là sự hồn nhiên lãng mạn trước cuộc đời. Mọi sáng tác nghệ thuật của TCS, những câu ca, một bài thơ hay một bức hoạ, đều tràn trề tình cảm sống thật của chính mình, nuối tiếc một mối tình, nhớ thương một người thân, đau lòng trước sự phù du của đời người, tiếc thương mạng sống mong manh quý báu giữa cái tàn bạo của chiến tranh (TCS đã nhiều năm trốn lính). Những áng văn thơ của BG suy tư sâu xa, khó hiểu hơn, nhưng thật cũng vô cùng hồn nhiên lãng mạn: hồn nhiên lãng mạn trong cái bay bổng ngôn từ say mê diễn giải tư tưởng đến tự bốn phương, say mê sống tràn trề trong vũ trụ hiện sinh của chính mình. Cái đặc điểm rõ nhất là hai nghệ sĩ, hai nhà thơ của chúng ta, là họ đều rất thân thuộc với thể thơ lục bát của thi ca Việt Nam : một thể thơ tự nó, với truyền thống của ca dao và của Nguyễn Du, có nhịp điệu bình dị thi ca, dàn trải tình tứ. Trong thơ BG thì những nét này đã rõ. Còn ở TCS, ngoài những bài hát đều hàm chứa chất thơ, thơ TCS thường là thơ tự do, tự nó có vần điệu và nhịp hát không bắt buộc phải theo một luật âm vận nào, nhưng một phần lớn cũng là những bài thơ lục bát, hai hay bốn câu, hồn nhiên tràn trề tình yêu hay lãng mạn tình cảm: 
Mùi hương má cũ muộn màng
Ghé môi tư lự nỗi bàng hoàng xưa
Nắng phai lời giã biệt từ
Nhớ thêm một chút hương mù mịt xa
(TCS, Montréal, 17.5.1992) 
Trong những năm 60, thời mà BG với “Mưa nguồn”, TCS với những bài ca tình yêu và phản chiến bắt đầu sôi nổi trong đời sống văn nghệ, còn có một trường phái văn nghệ đáng kể: “Nhóm Sáng Tạo”. Nhóm Sáng Tạo gồm nhiều văn nghệ sĩ. Trong hội họa - theo tôi biết - có Thái Tuấn, Ngọc Dũng, trong văn thơ phải nói tới Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng... Nhóm văn nghệ sĩ này có lẽ đầu tiên theo thuyết hiện sinh của J.P. Sartre, nhưng về sau cốt yếu là canh tân, hay nói một cách khác sâu xa hơn, họ chính là tiền thân của những nhà văn thơ “hậu hiện đại”của Việt Nam. Nhưng nhóm Sáng Tạo có một lịch trình suy tư lý thuyết, có một bối cảnh lịch sử rõ rệt, tranh đấu chống lại Chủ Nghĩa Xã Hội, chống lại “Đề cương Việt Minh – Văn nghệ vị nhân sinh, hiện thực xã hội chủ nghĩa”(Trường Chinh). Nhóm này thân thuộc với BG, mà BG cũng rất tâm đắc với lý thuyết thi ca nghệ thuật hiện tượng học của Hiedegger, triết lý tư tưởng tiền bối của thuyết hiện sinh. Đại diện cho nhóm Sáng Tạo chính là Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền. Mai Thảo là tiểu thuyết gia duy mỹ chủ thể hình thức. Thanh Tâm Tuyền viết văn và làm thơ với lập trường lý thuyết. Dĩ nhiên là nhóm Sáng Tạo xa lánh TCS, mà nghệ thuật lời ca hồn nhiên bình dị đi thẳng vào lòng quần chúng. Tôi nhớ mãi bữa cơm chiều (Bún Bò Huế) mà hai vợ chồng hoạ sĩ Đinh Cường đãi Thanh Tâm Tuyền, TCS và tôi tháng 5 năm 1988 ở một chung cư tại Sài Gòn. Tôi nhớ mãi cái bữa gặp gỡ tẻ nhạt, bầu không khí nặng nề Thanh Tâm Tuyền không nói thẳng với TCS một lời. Sau rồi tôi biết Thanh Tâm Tuyền đã bị cầm giam mấy năm trời trong trại cải tạo của nhà nươc xã hội chủ nghĩa, trong khi TCS năm ấy đã là uỷ viên trong ban thường trực của “Hội Nhạc Sĩ thành phố Hồ Chí Minh”. Khi TCS đi thăm Canada 1992, những văn nghệ sĩ Việt Nam lưu vong, thường tự nhận là thuộc nhóm Sáng Tạo, công khai cách ly TCS. Nếu không nói tới sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật, theo tôi nghĩ tất cả đã hiểu lầm nhau. Bài ca “Em còn nhớ hay em đã quên” chẳng hạn, với câu “em ra đi nơi này vẫn thế” (mà theo đám văn nghệ sĩ lưu vong đáng nhẽ phải nói rõ rằng “nơi này đã thành một chốn đoạ đầy lao ngục”), không nói gì khác là đau lòng nhớ thương các em gái của mình (đã liều lĩnh lên thuyền ra đi tị nạn) và nhạc sĩ vẫn thầm tự nhủ rằng cái cõi tạm đen tối này tuy nhiên bao giờ cũng thế với thiên nhiên với tình người dù dưới áp chế của bất cứ một sức mạnh nào (mà thật vậy, Sài Gòn ngày nay với kinh tế tư bản thị trường đâu còn khác Sài Gòn của ngày xưa!). 
Giữa BG và TCS trái lại có một thâm tình tương giao thị tôn kín đáo. Cũng trong tháng 5 năm 1988, tôi còn giữ một kỷ niệm không bao giờ quên. Một buổi chiều, TCS đãi một bữa cơm rượu vodka dưới gốc cây si ở nhà Trịnh Xuân Tịnh, em trai cuả nhạc sĩ (cái biệt thự thời Tây mà nay là quán ăn Ba Miền của Sài thành). Bữa cơm cốt để cho tôi làm quen với BG: 
Chịu chơi Hộ Trịnh Công Sờn
Cửa trời rộng mở rập rờn hoàng hoa
Chào nhau giữa những vốc-ka
Liên Xô số dzách ngộc ng...
(Bùi Giáng, 5.1988) 
Đó là mấy câu thơ Bùi Giáng viết trên bức ký họa TCS vẽ chân dung BG ngay chiều hôm ấy! Một chân dung sâu sắc, lộ hết tinh thần của nhà thơ, tài nghệ vượt hẳn các chân dung người ta vẽ BG mà chúng ta thường thấy. Chính bữa cơm rượu từ đó đã mở cho tôi cả một hành trình dài học hỏi tràn trề cảm hứng, giao lưu thâm tình đàm thoại với BG suốt mười năm, cho đến tận khi nhà thơ rời bỏ cõi đời. Mười hai giờ trước khi đột quỵ, BG tuy rất yếu, vẫn để lại cho tôi ba câu thơ, ba câu đó đã được khắc trên bia bên mộ nhà thơ: 
Đương thì nhật nguyệt trôi qua
Tha hương cố quận lạc hoa một nhành
Trường miên nguyện ngủ dưới ngành tùng trăng
(14 tháng Tám Mậu Dần -1998)
(phỏng dịch ba câu Hán Tự Hài Cú: Nhật nguyệt đương thì quá/ Tha hương cố quốc lạc chi mai/ Tùng hạ nguyện trường miên- NVT). 
Cũng trong mấy tháng hè năm 1988 đó, nhân sẵn có tôi, BG thường lại ăn cơm trưa uống rượu vang đỏ ở sân nhà của TCS. Ở TCS, tôi thu nhận sự trầm lặng suy tư thật lâu rồi mới hạ bút sáng tác của anh; và một khi sáng tác rồi, nếu đấy là một bài ca, TCS không ngần ngại hát đi hát lại mấy ngày liền, và cũng không đắn đo sửa chữa một vài nốt nhạc hay từ ngữ... Trái lại, BG một khi đã cầm bút thì tức khắc viết tràn lan như không suy nghĩ hay đúng hơn như mang sẵn trong tâm trí từ lâu rồi cả một kho tàng tư liệu văn chương triết lý, giờ chỉ cần cho ý thơ và tư tưởng tự tuôn trào. Tôi nhớ một sự kiện điển hình: một lần, tôi nhờ nhà thơ đề tặng TCS một quyển thơ, BG không một giây suy nghĩ, hạ bút viết ngay trên trang nhất những chữ Hán tượng hình: 
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Trùng lai sơn hạ Quế giang thâm
(Nguyễn Du)
(Tôi có chút tâm tình không đủ lời giãi tỏ, xin trở về như sông Quế nằm sâu dưới chân núi (Sơn)).  
Hai nghệ sĩ tài danh của chúng ta vừa có những điểm chung và cũng có những khác biệt rất riêng. Trước hết là BG và TCS đều có quan niệm rằng nghệ thuật không thể ẩn dụ một lý thuyết nào - trái ngược với nhóm Sáng Tạo, khi cho rằng nghệ thuật phải là tư duy nằm ngoài thời sự, ngoài những chuyện nhân sinh tức thời hay những xu thế thời thượng. Người nghệ sĩ phải có hoài bão vượt thời gian, tìm về cái uyên nguyên vĩnh hằng của con người như tình yêu, khắc khoải, cô đơn và vị tha, tự cảm nhận sự khiếm khuyết trong thân phận làm người. Người nghệ sĩ phải biết thương cho những kẻ sa đoạ, khóc cho những người ngã ngựa, phủ nhận những chiến công... BG thường tự nói: 
Quan tâm ngày thu lượm
Bàng quan với ngày mai thế sự
(BG dịch René Char). 
Những bài ca phản chiến của TCS tưởng là nói đến chiến tranh nhưng sự thật là nói về cái khát vọng hoà bình thân ái của con người sống với đau khổ và chết chóc tang thương.Trong những bài ca của TCS không có thù và bạn, những chọn lựa này chỉ có tính cách giao thời, thay biến mỗi khi chúng ta nhìn lại lịch sử. BG mãi mãi là hành giả chân đất, áo quần tả tơi lang thang ngoài ước lệ xã hội của con người, lững thững qua các thời đại. TCS, trái lại, chấp nhận dửng dưng vui chơi hoà đồng, nên vì thế biết rõ mặt trái không hay ho gì của những quân nhân, chính trị gia của miền Nam Việt Nam và cũng biết rõ mặt thật tham lam nhỏ nhen, bề ngoài đạo đức nhưng đầy tham muốn tiền tài danh vọng của những cán bộ quan liêu bàn giấy của cách mạng. Vì thế thái độ TCS có tính cách thoả hiệp với cuộc đời, cũng chỉ vì nếu một nghệ sĩ chân chính nhất định không chấp nhận những tục luỵ bi thương của con người thì gia đình anh cũng như chính anh sẽ không còn chỗ dung thân. 
Nghĩ cho cùng, có cả một hố sâu ngăn cách BG với TCS. BG chọn làm thi sĩ cùng với thảm kịch nhân sinh của thi nhân, của Phạm Thái xa lánh cõi đời: 
Ba mươi sáu tuổi là bao nả
Năm sáu đời vua khếu chán ghê
Một tập thơ sầu ngâm sang sảng
Vài nai rượu kết ních tì tì ...
(những câu thơ của Phạm Thái mà BG thường tự đọc lại), 
của Nguyễn Bính khi chết “miệng vẫn tòm tem thèm miếng cơm”
(thơ của Trần Mạnh Hảo).
Từ cuối năm 1988 – khi chính trị và kinh tế Việt Nam bắt đầu đổi mới, sự giàu sang được bộc lộ - TCS đã sống trong một thế giới xa hoa quyền quý mà không một nghệ sĩ Việt Nam nào từng được hưởng thụ. Nhưng trước khi sự giàu sang đến ngăn cách con người, BG vẫn thường bất chợt lui tới nhà TCS và được mẹ Sơn hay các em sẵn sàng đãi bữa cơm, chén rượu...Cái thời khó khăn vừa sau 1975 với cái nên thơ tình người, nhà thơ vẫn giữ những hồi tưởng êm dịu của sự bao dung nhân ái, hiền hòa thân thiết: 
Trịnh Công Sơn
(...)
Ồ bạn ạ! Ồ người ôi!
Ai đi vô tận tôi ngồi ngu ngơ
Chẳng bao giờ kể chẳng ngờ
Rằng tình mộng tưởng không giờ xẻ chia
Không từ sương sớm trăng khuya
Không trăm năm cõi một rìa mép mao
Tuy nhiên ngoài luỹ trong hào
Còn rơi rớt chút hoàng mao A Đầu ...
(B.G. trong tập “Vào chung cục thơ”).
(hoàng mao A Đầu: con nhỏ hầu bên, với chỏm tóc vàng) 
Có thể nói, từ cuối năm 1988, BG không còn lui tới gặp TCS nữa. Nhất là từ ngày tang lễ mẹ Sơn năm 1991, các em Sơn đã có thái độ rất rõ : không cho nhà thơ của chúng ta tham dự sợ làm lạc bầu không khí tôn kính trang nghiêm với những quan khách hệ trọng. Việc này, tôi nghĩ, TCS đã không hề biết! Mãi đến năm 1994, với tập “Hán Tự Hài Cú” mà BG và TCS mỗi người phỏng dịch độ một trăm bài, tôi đã gián tiếp là sợi dây liên lạc giữa hai nghệ sĩ. TCS đã nhờ tôi đưa đến BG chỉ một câu tám chữ mà BG đã trả đáp bằng câu sáu chữ: (thì rằng)
Trùng dương viễn biệt muôn vàn
(ấy ai ấy ai)
Ghé qua lục địa muộn màng hỏi thăm.
Thật là mang mang một sự ngậm ngùi nhân thế! Tang lễ BG tháng tám năm Mậu Dần (1998), TCS đã đến lễ và hát trước linh cữu bài ca “Cát bụi”. Mấy tháng sau, nhân đọc bài hán tự hài cú: 
Thi nhân quy thiên khứ
Lưu tồn điên đảo nhiễm trần ai
Xử ngã sầu bất tận
(NVT) 
TCS tức khắc viết ra bốn câu bảy chữ tưởng nhớ đến nhà thơ: 
Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy
Đảo điên điên đảo bụi trần gian
Từ ấy tôi buồn như cỏ dại
Buồn vì một chút bụi lang thang 
(TCS, 9.5.1999) 
Vào Tết Đinh Hợi
Ngô Văn Tao
Em Đi Bỏ Mặc Con Đường
Nhạc: Trịnh Công Sơn
Nét vẽ bút bi của Bùi Giáng
Bùi Giàng tự họa
Búi Giàng vẽ Đường Kinh Họa Sỹ. 1988
Bùi Giáng vẽ Trịnh Công Sơn
Quê Chàng là Ithaque
Bức tranh hiếm hoi còn lại sau cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi 
căn gác và toàn bộ những bức tranh của thời "Bùi Giáng họa sĩ"
Trường Hợp Bùi Giáng
Thụy Khuê
Sinh thời, Bùi Giáng bảo: "Hãy để cho tôi yên, tôi dại. Ðừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có ai bàn đến thơ tôi". (1) Có lẽ vì tôn trọng nhà thơ, cho nên ít ai bàn đến thơ ông (2). Ca tụng Bùi Giáng thì nhiều, nhưng phê bình Bùi Giáng thì ít. Như thơ, Bùi Giáng sống tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng, cả đời lục bát. Tại sao lục bát? Lục bát bởi vì, đối với Bùi Giáng: "Lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển, ba bảy sông hồ." (3) Ðó là lộng ngôn Bùi Giáng.
Về bản thân mình, Bùi Giáng tự họa: "Nhe răng cười trong bóng tối... Không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài... Chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh." (4) Ðó là mâu thuẫn Bùi Giáng.
Hỏi về tiểu sử, Bùi Giáng trả lời:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.
Gọi tên là một hai ba,
Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Ðó là vô căn Bùi Giáng.

Trên báo Văn, số 26 tháng 8 năm 1984, Mai Thảo kể lại rằng khi hỏi về cái lực viết phi phàm của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền lắc đầu cười: "Chịu, không giải thích được. [...]. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận, vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ. Thở ra thơ. Ði ra thơ. Ðứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ."
Vẫn theo lời Mai Thảo, ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, thuật lại: "Ảnh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng, buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm bẩy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc."
Mai Thảo kể tiếp, khi làm số Văn, đặc biệt về Bùi Giáng: "Tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ [...] Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút, từ đầu ngón thôi [...] Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng, cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi."
Về những cơn điên Bùi Giáng, Phạm Xuân Ðài kể trong lời tựa tập Thơ Bùi Giáng (5): "Chỉ có thơ và những cơn điên [...] Bây giờ (năm 1992) anh ít làm thơ lắm, còn các cơn điên thì vẫn viếng thăm anh gần như định kỳ. Những lúc ấy anh đi nhiều nơi, nhưng thường xuất hiện ở vùng chợ Trương Minh Giảng (chỗ Ðại Học Vạn Hạnh, là nơi ngày xưa anh thường trú ngụ) đứng giữa đường vung tay, điều khiển xe cộ, cử chỉ rất linh động, đặc biệt đôi mắt sáng quắc bừng bừng [...] Có khi anh múa may trong một lớp áo lòe loẹt, động tác mạnh mẽ chính xác gần như múa võ, miệng hò hét như đang nạt nộ với một đối tượng vô hình."
Ðó là hiện tượng Bùi Giáng, qua lời kể của những người thân trong giới văn học.
Bùi Giáng là ai? Bùi Văn Vịnh, em của Bùi Giáng, cho biết (6): Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Thuở nhỏ, học trường Bảo An tại Ðiện Bàn, Quảng Nam, trung học ở trường Thuận Hóa, Huế. Năm 1950, đậu Tú Tài II văn chương ở Liên Khu V. Sau đó ra Liên Khu IV học tiếp đại học. Nhưng sau khi nghe qua bài diễn văn khai giảng của ông viện trưởng, Bùi Giáng quay về Quảng Nam và bắt đầu quãng đời được gọi là "Mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt".
Tháng  năm 1952, Bùi Giáng về Huế thi Tú Tài tương đương và vào Sài gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa.
Lần này, sau khi nhìn danh sách giáo sư giảng dậy ở Văn Khoa, Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục. Từ 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết. Như lời Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tuệ, thơ có đến nghìn bài. Và nội trong một ngày, có thể ném bịch một vài trăm trang sách. Ðúng là một kỷ lục có một không hai.
Chúng ta thử tìm hiểu bản chất của kỷ lục ấy qua một vài trang sách của Bùi Giáng trong Con Ðường Ngả Ba Bước Ði Của Tư Tưởng, do An Tiêm xuất bản lần thứ nhất tại Sài gòn năm 1972, và tái bản tại hải ngoại.     Có thể nói trong cuốn sách này, cái gọi là điên của Bùi Giáng phát hiện rõ rệt dưới hình thức loạn ngôn, ngộ chữ cao độ. Về Heidegger, Bùi Giáng viết: "Tất cả con đường tư tưởng của Heidegger là mọi lối nhiếp dẫn bước đi về những vùng u kín trong cổ lục uyên nguyên." (trang 13)
Về Nietzsche, ông viết: "Nietzsche không phải là đại hải đại dương. Nietzsche đã đón vào lòng mình một dòng sông dơ bẩn. Và từ đó? Từ đó, Nietzsche biến thành một loại người mạt hậu theo mọi nghĩa thái thậm ly kỳ. Con người mạt hậu và hư vô chủ nghĩa, con người mạt hậu và sa mạc tinh hoa, con người mạt hậu và Mạt Hậu "Tử Sinh Môn" Hoạt Tinh Thể, con người mạt hậu và Siêu Hình Học Lãnh Ðịa, con người mạt hậu và Ðịnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu, Ðịnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu và Siêu Hình Học theo nghĩa Sử Lịch chân lý của Hiện Thể như là Hiện Thể, Sử Lịch chân lý của Hiện Thể và Ðịnh Mệnh Tồn Lưu thoái tàng ư mật, Tồn Lưu thoái tàng ư mật và Hằng Thể bước vào vòng di vong trầm một, từ di vong trầm một, còn chút hậu tình ân ốc nào sẽ "trột mầm" cho một trận Dịch Chuyển thông hành của Ðịnh Mệnh hay không? hay là Siêu Hình Học vẫn mãi mãi kiên trì tồn lập trong cuộc đù đỡn "trệ lưu ư ngoại" bất khả tư nghì khuyết phạp từ Hoạt Tinh Thể của Hư Vô? ..." (trang 17)
Và cứ như thế, Bùi Giáng sản xuất 499 trang Con Ðường Ngả Ba, Bước Ði Của Tư Tưởng.
Ðiểm thích thú nhất của người đọc trong cuốn sách này là những trích đoạn thơ Bùi Giáng, phần lớn là những câu thơ hay, tỏa ra những suy tư sâu lắng về bản chất con người.
Nhưng trong 499 trang chữ ấy, người đọc tìm thấy rất ít dòng đứng đắn và tỉnh táo bàn về những vấn đề triết học như hiện sinh và bản thể, tồn tại và thời gian, mặc dù ông rất ngưỡng mộ Heidegger, người thầy hiện sinh được ông trích, dịch một cách kỳ cục. Ví dụ như câu này, dịch ra từ tiếng Pháp, tiếng Ðức: "Nhưng mà lời thuyết thoại trì ngự, trong (khởi từ) Ðịnh Mệnh Phối Tiết mở phơi, sẽ ra sao nếu như cái Sở Khải Khai trong Song Trùng Tịch Hạp bị Ðịnh Mệnh Phối Tiết (ruồng rẫy) bỏ phó mặc cho cuộc thể hội vất vơ nhân tuần (dung thường nhật lệ) của con người từ diệt chúng tử chúng sinh?"

(Con Ðường Ngả Ba Bước Ði Của Tư Tưởng, trang 12-13)
Dù đặc sệt những tên tuổi triết gia, nặng ký trích dẫn thiên kinh, vạn điển, dù có một số ý trội lên về vấn đề đọc sách, đọc Nguyễn Du, đọc Bùi Giáng, về sự gặp gỡ giữa những nhà tư tưởng lớn, đả kích một số nhà xuất bản không tôn trọng văn bản của tác giả, Con Ðường Ngả Ba vẫn không phải là cuốn sách bàn về triết học, hoặc đưa ra một hệ thống tư tưởng mạch lạc; mà có thể nói đây  chỉ là cuốn phiếm luận bí hiểm, ngôn ngữ thần chú, nhại triết học, nhạo người đọc. Cho nên khi Tạ Tỵ viết: "Bùi Giáng đối thoại với Nietzsche, Sophocle, Parménide, Khổng Tử, Lão Tử, Sartre, Camus..."  thì e rằng Tạ Tỵ quá lời. Sự tìm kiếm siêu hình nơi Bùi Giáng, như chỉ dừng ở phần vỏ của ngôn từ: tồn sinh, tồn lưu, hằng thể, hư vô, logos, ... mà không đi vào nội tâm của suy tưởng. Hoặc có lẽ Bùi Giáng chỉ muốn rỡn chơi. Nếu ông có nhắc tới Như Lai, Bồ Tát, Heidegger, Parménide, Platon, Socrate cũng chỉ như ông nói đến Nam Phương Hoàng Hậu, Dương Quý Phi, Marilyn Monroe, đười ươi, chuồn chuồn, châu chấu v.v... vậy thôi, trong một trạng thái "tẩu hỏa nhập ma", một tinh thần anarchiste toàn diện. Một "người phá", để nói theo ngôn ngữ Trần Dần. "Người phá" trong cái nghĩa tiêu cực của nó, chứ không phải trong cái nghĩa sáng tạo, ít nhất là ở cuốn sách Con Ðường Ngả Ba.
Phải chăng Bùi Giáng chỉ muốn "hù dọa" người đọc không chuyên môn? Hay ông muốn nhại, diễu, những hệ thống suy tưởng mà một số trí thức quen dùng như mẫu mực hoạt động tinh thần? Biến chúng thành một thứ charabia, ngôn ngữ vấn đáp chuồn chuồn, châu chấu, nói trẹ, nói xàm, nói bá láp và ông có khả năng sản xuất mỗi ngày vài trăm trang như thế?
Thái độ anarchiste toàn diện này mở rộng trong đời sống, trở thành một bản năng phản kháng quẫy đời: Cởi quần áo giữa lớp học, tắm nơi công cộng, ngủ vỉa hè, trở thành clochard (hành khất say rượu), mặc áo rằn ri lính ngụy,  để chỉ đường..., tất cả những "cơn điên" ấy của Bùi Giáng chứng minh sự sáng suốt của một Bùi Giáng không điên.
Không điên vì ông chỉ đẩy đến cùng trạng thái hiện sinh, chứng nghiệm ý thức trần trụi về bản thể. Cởi dần năm bẩy lớp quần áo chẳng qua chỉ là hình ảnh "rút gọn hiện tượng", bóc vỏ các tầng lớp bề ngoài của "hiện tượng" để tìm ra bản chất trong hiện tượng luận Husserl.
Trở thành clochard là một cách thể nghiệm tự do và tự hủy.
Trong những đệ tử của hiện sinh thời ấy, Bùi Giáng là người đi xa nhất trong hành động tự hủy và hành xác. Tự hủy để chứng minh: Cá nhân con người đã chán ngấy cuộc sống, nó có một quyết định tự do lựa chọn, và sự hủy hoại bản thân là sự lựa chọn tiến gần nhất đến tự do tuyệt đối.
Sau 75, người ta càng yêu Bùi Giáng hơn, vì trong một xã hội được bị lồng vào khuôn phép, một xã hội đã ổn định cơ chế, công chúng yêu mến những gì bất thường, yêu những kẻ ngoại đạo, bất ổn.
Bùi Giáng là người ngoại đạo duy nhất dám làm lũng đoạn môi trường ổn định bằng thái độ tự hủy. Cái điên của Bùi Giáng là cái điên sáng suốt trong một tình thế không có cứu cánh nào khác nếu không tìm về bản thể của con người.
Thơ Bùi Giáng, hiện sinh trong đoạn trường và định mệnh
Những "dạ thưa", những "tồn sinh", những "phố thị", những "cố quận", "đười ươi", đã trở thành những cốt cách, những địa chỉ rất Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương 
Dạ thưa Vỹ Dạ về gần
Ðã từ xa lắm thiên thần nhớ em

Thơ Bùi Giáng, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạn, đã tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ tồn sinh, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn khuất một dục tình khép mở Xuân Hương:
Cá ở ngoài khe có ít nhiều
Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
Em về có hỏi răng ri rứa
Nhắm mắt đưa chân có bận liều.
(Bờ trần gian)
hoặc:
Bỏ hai chân xuống một vùng
Nước truông là lá thu rừng xuống khe.

(Bỏ hai chân)
Những dòng thơ trên đây, theo như lời Mai Thảo, Bùi Giáng đã làm một mạch, tại chỗ, xuất bút thành thơ. Huyền thoại Bùi Giáng, thi sĩ bẩm sinh, poète né, trong thập niên 60-70, được xác định như một hiện tượng văn học độc đáo. Như thể ông đã biết trước đường đi nước bước của thơ. Có khả năng thiên bẩm về sự lang thang ngơ ngẩn của chữ trên đời, và chỉ cần huơ tay, bắt chúng, nhốt vào câu lục bát, như Bình Nguyên Lộc "nhốt gió", là có ngay thơ Bùi Giáng:
Một hôm đếm một ra ba
Thật là lạ lắm, ấy là cái chi
 hay:
Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè.

(Lá hoa cồn)
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Gọi tên là một hai ba
Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm
Bốn câu tự họa trên đây dường như đã gói trọn bản chất thơ ca và tư tưởng Bùi Giáng. Một bản chất đa mang nỗi hiện sinh hoang tưởng trong một "đạo khờ" gắn bó với đoạn trường tái tân thanh (chữ của Bùi Giáng) tiếp nhận Nguyễn Du như một thông đạo, thông thư, thông mệnh văn học.
Thân phận dâu bể của con người, nỗi hoài nghi về số kiếp, ta từ đâu lại? Ta là ai? Những trầm luân, biến đổi làm sao đo, đếm, đặt tên được? Ðến bản thân ta, ta còn không biết, nữa là... Nếu trường phái hiện sinh (Sartre) bác bỏ tính chất định mệnh, thì ở Bùi Giáng, định mệnh (Kiều) và hiện sinh giao hưởng với nhau thành một cấu trúc tư tưởng mới, tạo nên những vần thơ đậm dấu Ðạm Tiên, hắt ra những ánh siêu thực:

Em chết bên bờ lúa
Ðể lại bên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn chân trời bữa nọ
Ðêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió
Mười năm sau xuống ruộng
Ðếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng

(Mưa nguồn)
Bùi Giáng có những câu thơ rất cao, rất tĩnh, rất sâu, thanh thản, gợi đến hư vô trong một không gian lãng mạn trữ tình, ít thấy xuất hiện trong thơ Việt.
Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành

(Hư vô và vĩnh viễn - Mưa Nguồn)
Không gian Bùi Giáng, một cõi hư không đầy dấu hỏi, bồng bế nhau đi, năm này qua tháng khác, một cõi trùng sinh, di động luân hồi.
  Những nhịp bước trên đường còn dội mãi
  Vang về đâu không vọng lại hồi âm
  Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
  Gió phương trời ủ mộng giữa hoa tâm
  Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
  Chẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm
  Em ngó mãi những chiều về trở lại
  Mang những gì về trong cõi trăm năm...
  (Chiều - Mưa Nguồn)
Từ Nguyễn Du, Bùi Giáng trích tạo nên một mô típ bạc mệnh hiện đại, mầu sắc siêu thực, tài tử và tài hoa, một chất thơ giao thoa Nguyễn Du Bùi Giáng
  Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn
  Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau
  Ðạp thanh vẽ bóng lộn mầu
  Góp dâng cữ gió nghiêng đầu sương mây
  Ngõ ban sơ hạnh ngân đài
  Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
  Xin chào giữa bước chân ra
  Chết từ sơ ngộ mầu hoa trên ngàn
  (Mầu hoa trên ngàn)
Nơi Bùi Giáng còn một mô típ bạc mệnh, cuồng khất, tổng hợp đoạn trường, tồn sinh, ngông ngôn, rất liều và rất loạn, mà cũng là vọng âm của niềm hoang mang tuyệt đối:
  Hồng quần rất mực bước ra
  Trường quần duệ địa phong hoa lá cồn
  Phải rằng nắng quáng dập dồn?
  Hay là đèn trút linh hồn oái oăm?
  Phải là nguyệt giữa đêm rằm?
  Nguyên tiêu lãng đãng lá nằm ngẩn ngơ?
  Kể từ hằng thủy ban sơ?
  Kể từ sơ thủy về tờ vẽ trang?
  Kể từ thu tạ lên đàng?
  Rừng phong thu đã quan san nhuộm mầu?
  Phải rằng đó trước kia sau?
  Hay là sau trước còn tao ngộ gì?
  (Con đường ngả ba)

Nhưng bi kịch của Bùi Giáng là ông lập lại chính mình.
Trong gần nửa thế kỷ làm thơ, Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo, về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng. Những dạ thưa, tồn sinh, trùng lai, phố thị của Bùi Giáng, tà huy của Nguyễn Gia Thiều, mù sa, trăm năm của Nguyễn Du... ban đầu làm xuyến xao người đọc: Em về rũ áo mù sa, trút quần phong nhụy cho tà huy bay. Nhưng vì lập lại nhiều lần chúng bị phá giá. Hiện tượng phá giá này có mặt ngay ở những tác phẩm đầu và chủ yếu của Bùi Giáng.
     Từ Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, năm 62, 63 đã thấy xuất hiện tính chất đoạn trường, tồn sinh như tinh thần chính trong tư tưởng Bùi Giáng: Nguyễn Du, Tản Ðà gặp gỡ Heidegger, Breton phóng sinh một tạng chán đời mới lạ. BàiRượu Uống trong Lá Hoa Cồn, một thứ đoạn trường ngông rất lãng mạn siêu thực, tiêu biểu cho tính chất lang thang trong cấu trúc thơ Bùi Giáng:
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trăm năm gục hai bờ tử sinh
  Ðộng hờ hững chúa điêu linh
  Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ phơi
  Nhà ma cửa quỷ đi đời
  Chìm hơi thở đục trong lời sương xanh
  Càn khôn xiêm mỏng che mành
  Về trong thiên hạ em thành thiên thân.  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình
  Tài hoa tiếng vọng điêu linh
  Phạm Ðan Phượng chết theo Quỳnh Như sao.
  Thưa em từ bữa nghiêng chào
  Chớm trang đầu chợt sóng trào trường giang
  Em đi rắc lá trên đàng
  Cỏ xanh rì mọc suốt càn khôn kia
  Mùa xuân mưa rưới mộng lìa
  Về trong nắng hạ mép bìa sai bâu
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma
  Chạy quang cồn cụm lá già
  Rách như bươm suốt ruộng sa mạc đồng
  Càn khôn gió đổ chất chồng
  Rú như beo rống như hùm đổi hang
  Trên rừng dưới lũng tan hoang
  Vẫn sừng sững bóng chắn ngang quỷ sầu
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trong lát nữa trăng mờ hỏi ma
  Hỗn mang về giữa hiên nhà
  Bây giờ cố quận tên là chiêm bao
  Nhìn nhau trong lũy ngoài hào
  Lời phôi dựng một điệu chào dị sai
  Trên đầu thế kỷ chia hai
  Nguồn man mác lạnh tìm ai bây giờ
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là thiên thu lại còn trơ hận trường
  Chung cầm dâu biển khôn lường
  Chân trời mộng lý con đường chia ba
  Nam đình doanh trại dàn qua
  Trống chầu trùng ngộ thưa là không mong
  Hoạt tồn phát tiết sầu đong
  Tràng giang thế kỷ xô dòng xuống lên

Bài thơ gồm năm nhịp nối tiếp nhau bằng điệp khúc Thưa em rượu uống bây giờ. Mở đầu Thưa em rượu uống bây giờ, điệp khúc mấu chốt, mở cửa dẫn đến câu thơ thứ nhì: Là trăm năm gục hai bờ tử sinh. Cả hai nằm trong cấu trúc song song, tổng hợp quan niệm ngông, đoạn trường và hiện sinh của toàn bài. Câu ba, câu bốn: Ðộng hờ hững chúa điêu linh, Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ phơi, đệm thêm chất lẳng lơ dục tính, nhưng đã loãng đi vì loại hình này được Bùi Giáng dùng nhiều. Rồi Chìm hơi thở đục trong lời sương xanh, một câu rất hay bị đặt bên một câu lãng xẹt: Nhà ma cửa quỷ đi đời.
     Nếu chúng ta đọc đến nhịp thơ thứ nhì:
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình
cũng vẫn thấy nguyên những nhược điểm như nhịp thơ đầu, tức là trong phần thơ đệm có những vội vàng, dễ dãi, ghép chữ, ghép ý rất sáo: Tài hoa tiếng vọng điêu linh, Phạm Ðan Phượng chết theo Quỳnh Như sao. Ở những nhịp sau, thì ngay chính điệp khúc mấu chốt:
Thưa em rượu uống bây giờ
Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma  
Thưa em rượu uống bây giờ
Là trong lát nữa trăng mờ hỏi ma
Thưa em rượu uống bây giờ
Là thiên thu lại còn trơ hận trường
đã có sự lập lại chính mình, như thể nhà thơ tiện tay bắt được chữ nào vội bỏ ngay vào lục bát, không màng nhìn lại những câu thơ đầu nữa.
Tất nhiên láy là một quy ước rất thường trong thi ca. Nhưng láy chỉ làm tăng giá trị thơ khi nó đưa đến những dồn dập hoặc trong cảm xúc, hoặc trong nhịp điệu, hoặc trong sinh động... Tức là láy phải đưa tới một trạng thái căng thẳng, tới một vận tốc khác trong tiến trình âm và ý.
     Ví dụ:
Này chồng, này vợ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu
là một trong những cách láy của Nguyễn Du, vừa tăng vận tốc miêu tả, vừa gia tốc sức ép của hiện thực, rành rành, chính xác, chỉ mặt, chỉ tên.
     Hoặc:
  Làm cho cho mệt cho mê
  Làm cho đau đớn ê chề cho coi
     Láy ở đây lũy thừa mật độ ác liệt của Tú Bà.
     Hoặc:
  Buồn trông cửa bể chiều hôm
  Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
  Buồn trông ngọn nước mới sa
  Hoa trôi man mác biết là về đâu
     Mỗi lần láy này là một lần Nguyễn Du chuyển cảnh, chuyển tình.     Sự láy lại, nơi Bùi Giáng, rất thường khi chỉ là láy dập dình tại chỗ, láy lười, thấy hợp vần, tiện thể thì láy. Láy hồ đồ ít khi mang tới trạng thái mới, cảm xúc mới, hoặc một sức ép gia tăng, mà chỉ cho ta một cảm tưởng dằng dai, lai tạp:
  Hãy mang tôi tới giữa đời
  Giết tôi chết giữa cõi đời mốc meo
  Hãy mang tôi tới nắng chiều
  Giết tôi chết giữa một chiều khe mương
  Hãy mang tôi tới dặm trường
  Giết tôi chết giữa con đường bơ vơ
  Hãy mang tôi tới bất ngờ
  Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên
  Hãy mang tôi tới diện tiền
  Giết tôi chết giữa người thuyền quyên kia
  (Sa mạc trường ca, Cầu Nguyện Ca)

Jacques Brel, năm 1966, khi tuyên bố ngừng hát ở tột đỉnh danh vọng, trả lời câu hỏi: "Tại sao ông ngừng hát lúc này?" Brel bảo: "Tôi ngừng vì muốn giữ lòng ngay thẳng với thính giả và với chính mình. Bởi vì khi người nghệ sĩ như tôi, đã nắm vững được tất cả những yếu tố kỹ thuật làm lay động lòng người, thì người đó sẽ có khuynh hướng ăn gian (tricher), phong tỏa người nghe bằng tất cả những kỷ sảo của mình, và khi tôi biết mình sắp đi đến chỗ bước vào kỷ xảo, tôi ngừng." Tất nhiên, Brel chỉ ngừng hát hai năm và năm 68, khi ông trở lại với âm nhạc, đã với một tinh thần khác, hẳn Brel biết mình đã đoạn tuyệt được với ý định dùng kỷ sảo để thu phục lòng người. Và Brel ở lại với âm nhạc thêm sáu năm nữa.
     Ở Bùi Giáng hình như không có sự tự giới ấy. Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá như:
  Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
hoặc:
  Em về mấy thế kỷ sau
  Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
  Ta đi còn giữ đôi giòng
  Lá rơi có dội ở trong sương mù
khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại.
Ám ảnh đoạn trường, tư tưởng và ngôn ngữ Nguyễn Du theo đuổi Bùi Giáng suốt đời. Những tập thơ mới nhất, in ở hải ngoại những năm gần đây càng lộ rõ. Trong những cuốn Thơ Bùi Giáng (sđd), Bùi Giáng 94 (in tại California năm 95),  và một phần tập Chớp Biển (sđd), Bùi Giáng tìm về người thầy Nguyễn Du như một cứu cánh. Hầu như mỗi bài thơ của ông đều có ít nhất một chữ hoặc một câu của Nguyễn Du. Và cấu trúc toàn bài thường dựa vào ý một câu Kiều:
  Rằng xưa ký ức đàn bà
  Tên là phụ nữ, tuổi là dấn thân.
  .....
  Trước đèn một tập mở ra
  .....
  Biển dâu lục địa cõi miền
  .....
  Cảo thơm lần giở gió giăng dậy thì
     Ám ảnh "mù sa", ám ảnh "chỉn e", ám ảnh "vân mòng", "mai sau", "trăm năm", "ngẫu nhĩ", "phong tình", "cổ lục", "dặm về", "tử sinh"... trở thành lớp da thứ nhì của Bùi Giáng:
  Rừng phong thu đã nhuốm màu
  Quan san ngần ấy tư trào ngần kia
  .....
  Chốn nào mộng mị chiêm bao
  Chốn này tỉnh táo tiêu tao vân mồng
Từ cảnh sang tình, từ mơ sang thực, ám ảnh ngôn ngữ trở thành ám ảnh tư tưởng. Bùi Giáng đã cạn dần hồn mình và sống hồn Nguyễn Du trong đoạn cuối đời:
  Em đi từ tỉnh mộng đầu
  Một mình anh ở mang sầu trăm năm  Em từ vô tận xa xăm
  Trùng lai chất vấn: Từ trăm năm nào?
Những câu hỏi mà Bùi Giáng trải suốt đời thơ, thắc mắc, tìm kiếm, đặt nghi vấn về cõi đi, cõi ở, cõi có, cõi không, biết đâu hôm nay Bùi Giáng chẳng đã tìm được Nguyễn Du ở một cõi trùng lai nào đó, và ông đang chất vấn người thầy về nỗi đoạn trường ấy, từ trăm năm nào?
Tháng 10/1998
Thụy Khuê
Chú thích:
(1) trích theo Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Hồn Thơ Bị Vây Khổn, Văn, số đặc biệt Bùi Giáng, tháng 5 năm 1973.
(2) Trừ một số bài như bài của Tạ Tỵ, trong cuốn Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, in năm 1972, tại Sài gòn, tái bản ở Hoa Kỳ và các bài viết của Thanh Tâm Tuyền, Cao Huy Khanh, Trần Hữu Cư, Nam Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt và Thục Khưu trên báo Văn, số đặc biệt Bùi Giáng, tháng 5 năm 1973 tại Sài gòn.
(3) trích theo Thanh Tâm Tuyền, s đ d.
(4) trích theo Thanh Tâm Tuyền, s đ d.
(5) nhà xuất bản Thế Kỷ in năm 1994 tại Hoa Kỳ.
(6) trong cuốn Chớp Biển, thơ Bùi Giáng in tại Canada năm 1996.© 1995-2001 Thụy Khuê.

Thư Thanh Tâm Tuyền viết gởi ... đảo xa
Sài Gòn 27.7.1973
....Rồi sau buổi tối mới tới Trung niên thi sĩ. Thảm lắm. Leo lên leo xuống cầu thang tìm hộc hơi. Kéo đi uống cà phê, ăn bánh, cười lú khú như "đười ươi" cả. Hắn đói. Đói đúng nghĩa.
Bùi Giáng, nhà thơ của ngày tháng ngao du
Cung Tích Biền

Thi sĩ Bùi Giáng đã ra đi. Cuộc rong chơi rất đỗi tài tình của ông rồi cũng tạm ngưng. Ngưng phần hình. Phần hồn hãy tiếp tục tồn sinh cùng sử lịch qua tác phẩm của ông và chính cái sống rất mực Bùi Giáng nơi ông. Bùi Giáng giờ đây đã thong dong bỏ chân xuống tháng ngày một cuộc lữ tao nhã khác, cho riêng một đời thiêng Hoàng hạc.
Bùi Giáng đã trải một cánh bay dài mênh mông chiếc bóng trong bầu trời Thi ca Việt Nam nửa thế kỷ qua. Có thể mai kia, khi thần thái xã hội bình an hơn, việc thẩm định những giá trị được công bằng, trường hợp Bùi Giáng sẽ lại được lật qua lộn về tự do, nghiêm túc hơn.
Tôi viết bài này như một tri ân đối với những gì Bùi Giáng lưu dấu nơi tôi.
* ĐÔI LỜI PHÂN VÂN THƯA TRƯỚC
Hiểu về Bùi Giáng là khó; viết về ông thật vô cùng khó; nhất là Cõi Thơ riêng ông. “Làm thơ chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác”. Bùi Giáng từng nói như thế. Nhưng tùy nghi vào thể điệu rong chơi ngôn ngữ của Bùi Giáng thì nó không hẳn thế. Ba đào, chân trời? Hay Ba chân trào đời? Ba đời trào chân? Hay chân, trời, ba, đào? Hay chân-trời-ba-đào? Dìu ba đào về chân trời? Hay làm thơ là dìu chân trời về ba đào? Một trôi dạt đến mênh mông, ngay từ thế sự ngữ ngôn. Thật khó cho cách thở và cách nghĩ của người viết về ông - dù thở đủ kiểu và nghĩ ngợi ngay trong lúc chiêm bao.
Em về giũ áo mù sa 
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay (1)
Ðây là câu thơ đẹp ở nhiều góc độ, nhưng nó rất có… vấn đề. Với một số não trạng thì nó rất mông lung, người đọc sẽ không nắm rõ chủ đích của tác giả như khi đọc câu: “Nếu anh sản xuất tăng gia, là em thu hoạch bò gà sắn khoai”. Cái gì là áo mù sa? Và ta vào supermarket nào để tìm cho ra cái phong nhụy quần? Do vậy, viết về Bùi Giáng không phải cho quan nào cũng đọc.
Trong Lễ Hội Tháng Ba Bùi Giáng chỉ ra một con đường không có bốn bên mép rìa: “Ðó là tiếng nói Tinh Thể Uyên Nguyên của thơ. Thy Sỹ đã bước vào Vòng Tay Rộng Rãi của Thiên Nhiên, và cuộc tiến nhập đó đã đặt người Thy Sĩ trong Cõi Nguồn Tinh Thể của mình”. Ðây là một đoạn viết hoa gấm nhưng dễ hiểu về mặt trực nhận. Nó hãy còn xôn xao dưới lớp từ ngữ kia những ẩn nghĩa rất cần thiết tìm ra để lý giải cho tận ngọn nguồn. Nó lại đòi hỏi một song trùng tĩnh luận về Thiên Nhiên - Nhà Thơ, Tinh Thể - Tạp Ngoại Thực Tại, Biến, Dịch… sau cùng là mối “liên hệ, phân hủy, lập dựng”, giữa Những-Cái-Tôi trong một Vũ Trụ Riêng Tôi.
Quả thật, viết về Bùi Giáng là tôi làm cái việc chỉ vào cục gạch mà bảo rằng đây là Như Lai phu nhân
1. BÙI GIÁNG - VÀI NÉT CHÂN DUNG
Bùi Giáng sinh thời có một khuôn mặt kỳ dị với một cặp mắt của rắn. Nó tròn vành vạnh, sắc sảo; khi Bùi Giáng nhìn tự nhiên là rất thông minh hiền từ; khi trừng trừng chú mục nó biểu lộ một tinh lực rực lửa, kỳ bí; nó có hai màu đen trắng quặn nhau, như cái hình vẽ biểu tượng cho thái cực; đôi mắt ấy luôn rực sáng, như hai vì sao; nó là cái lò luyện đan để tất cả lời thơ phi phàm bốc khói mây.
Ông có nụ cười khá bảng lảng, tha thứ; một giọng nói hiền hòa, không phân tranh. Hai đặc trưng này họa ra một Bùi Giáng trọn một đời phiêu bồng, ngoài Cõi, không tơ hào đến mảy may danh vọng quyền lực, không vợ con, không mái nhà; ông sống tha thiết với cuộc đời nhưng thường trực ngay ngã ba ngã tư những con đường lem luốc bụi giang hồ; dù thơ ông rất trang trọng, trí huệ.
Lý Bạch xưa đã từng uống rượu của triều đình, Ðào Tiềm đã lỡ ra làm quan sau mới Qui khứ lai từ. Bùi Giáng không hẳn đã hơn Ðào Tiềm, Lý Bạch nhưng ông không giải quyết bế tắc như Khuất Nguyên mà ông thanh thản rong chơi, kịch liệt đùa rỡn; luôn thông thái đổi mới cách chơi ngày ngày; nguy nga tạo dựng một nhân sinh quan rộng tỏa trên mọi nẻo đường tư tưởng; mãi tràn lan cuộc vui cùng nhân gian tháng rộng năm dài.
Như chúng ta, ông vẫn có nỗi buồn, vẫn nghe trong hương thời gian hắt hiu nỗi đau, vẫn sống vào một thời đạn bom [đạn bom tiếng nổ và đạn bom của Lời; đạn bom thảm họa hiểm nghèo và đạn-bom-thương-nhớ] nhưng ông đã gởi cuộc đời mình vào cái thế giới huyền nhiệm của Thi ca, đã “tàn dưới nguyệt” cho trò chơi riêng của mình.
Ông cũng đã, như chúng ta, được ân sủng và cùng lúc chịu tác hại từ thánh nhân, sách vở, tư tưởng, đạo lý, nhưng ông đã minh triết hóa giải nó vào một cuộc Ðiên. Một thế giới điên của nung nấu lửa tam muội, của bên kia bĩ ngạn. Một lẽ Trung Dung trác tuyệt, trong cái Ðiên. Bỏ nhầm cuộc đời xuống nhân loại buổi ấy chỉ có tả và hữu, ta và thù, chiến tranh là thường trực, hòa bình chỉ là một nhịp thở ngắn ngủi, Bùi Giáng đã có một thần thái đĩnh đạc để ngắm về nó, xem như bóng mây.
Sống giữa đời, ông có khả năng lấy mật đắng ớt cay làm ngọt. Ăn cơm để thiu nguội rất nhiều ngày. Ông ăn chè ngọt nấu cả với tương chao, nêm vài con mắm. Ông nổi tam bành lúc người đời lẽ ra nên cười, được phúc đắc lợi. Ông rất vui với những ngày chói lòa ánh dương trong một thị thành mà nhìn xe cộ tưởng hươu nai: Buồn phố thị cũng xa bay như gió/ Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu/ Bờ cõi dựng em xuân xanh còn đó/ Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu. Ông lạ sinh hoạt đời thường, lạ trong thi ca, tư tưởng. Ông rất đỗi cô đơn tự đọa đày; vầy cuộc chơi múa hát chỗ vô thanh, đùa giỡn quỷ thần, tương đắc với kẻ trong mộ, nhớ nhung người sẽ tới. Ông trào lộng tuyệt cùng giữa bi đát, siêu thoát ngay giữa một tồn sinh tinh mật. Nói chung cuộc sống của ông khá bí ẩn và kỳ dị.
2. BÙI GIÁNG – NHỮNG GIAI THOẠI TIÊU BIỂU
Ðã có rất nhiều giai thoại, huyền thoại về ông; vô số được thế gian tô bồi sau này, khó minh xác thực hư. Xin lai rai vài chuyện tiêu biểu.
Chuyện thứ nhất. Xưa kia ở Quảng Nam, quê chúng tôi, người ta kể rằng khi còn trẻ Bùi Giáng đã có vợ. Vợ sớm qua đời. Hôm tẩm liệm, ông nhờ người hàng xóm làm thịt 21 con gà. Ông thành tâm bỏ thịt con gà còn sống vào quan tài tẩm liệm người vợ thân yêu. Họ hàng thấy quái. Bèn can ngăn. Ông bảo: “Vợ tôi ưa ăn thịt gà, nay có thể lên thiên đường hoặc xuống địa phủ chi đó, thịt gà đâu ăn”.
Câu chuyện trên là hoàn toàn khó tin. Bịa đặt, phao tin đồn nhảm, gia đình người ta kiện cho. Nhưng cái tuyệt hảo ở đây là người đời đã rất đỗi yêu ông, giai thoại trên như một phóng họa phần nào những quái ảnh kỳ tâm nơi một Bùi Giáng lắm điều xem ra bất khả tư nghị. Bà đi thể điệu bước ra/ Tay khăn tay áo là hoa thêu thùa/ Bà về cỏ rậm dậu thưa/ Đêm tàn cấm nguyệt chiều trưa lâm tuyền.
Chuyện thứ hai. Vào đầu thập niên sáu mươi có lúc ông đi dạy Việt văn ở trường trung học tỉnh lỵ. Một hôm giảng Truyện Kiều, đến chỗ nàng Kiều phải hồng trần lưu lạc, thầy Giáng khóc òa. Khóc vỡ tan. Nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, băng bộ ra bến xe, về Sài Gòn. Học trò nam nữ ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi đâu đó sẽ trở lại. Trên bàn sách vở, bao thuốc lá hãy còn. Hóa ra thầy “bay” luôn, bỏ lớp bỏ trường, bỏ cả tỉnh lỵ nhiều năm sau. Hỏi hà cớ. Thầy ngậm ngùi nói mần răng trở lại nơi Em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn.
Nguyễn Du xưa kia đã một lần than thở “Ðịa địa xứ xứ giai Mịch La” (2). Bùi Giáng hôm nay cũng có thể.
Sau này, đọc Mùa Thu Thi Ca, đoạn nói về Ðoạn trường tân thanh, ta thấy ông viết:
“Nguyễn Du không kinh hoàng nhảy lui. Cũng không bị tẩu hỏa nhập ma rú lên một tiếng như Zarathustra also sprach. Ông đạm nhiên làm Nam Hải Ðiếu Ðồ. Kẻ câu cái gì tại Nam Hải?
Ðáp cho câu hỏi ấy, ta mượn một câu thơ Phùng Khánh:
Con làm Nam Hải Ðiếu Ðồ 
Ngồi câu con Cá Hư Vô Tâm Hồn.
Tựu trung mỗi phen sờ mó vào Kiều nhi, vừa chạm tới những tuyệt diệu từ lãng đãng phù động kia, chớm gặp Xuân đã ngộ phải Thu, vừa ướm hỏi ra Thu đã vấp phải Ðông Phong Thanh Hạ, vừa tân thanh ngâm bãi đã trường đoạn thê nhiên, chợt mới hội thương tình đã hốt bách cảm sinh, mới vừa mơ màng nhìn Hồng Lĩnh vân phong đã giật mình nghe ra Tiền Ðường triều tiêu, chưa kịp qui ẩn kinh, đã bàng hoàng với phiến oan thanh. Bỏ ra Nam Hải buông câu chỉ bắt được Hư Vô Con Cá…”
Chuyện thứ ba. 1975. Thời của thu vàng một loáng hóa rừng phong hoang hồng, xao xác đến muôn trùng số mệnh con người hoa cỏ. Tôi có dịp lai rai sống với Bùi Trung Niên Thi Sĩ. Thưở ấy đói kinh. Người người tăng gia, nhà nhà sản xuất. Cuốc đào cả lề đường hè phố, vườn biệt thự, trồng luống khoai hàng sắn. Cày xới nát bộ não vì cái ăn, cái Ði - Ở. Tâm linh màu chì.
Một hôm chúng tôi đang đi long nhong gần nhà thờ Ba Chuông kiếm vài chung quốc lủi, Bùi Giáng bỗng nói: nè cha, ta về nhà chút đã. Tôi hỏi về mần chi. Ông bảo cho heo gà ăn chớ không tụi nó chết. Hóa ra thi sĩ cũng tăng gia sản xuất. Về nhà - trong hẻm, gần cổng xe lửa số 6 - đã thấy ngay trước hàng hiên có mấy con… heo đất, mấy con vịt nhựa - loại được khoét một đường rãnh trên lưng, để bỏ tiền tiết kiệm. Chúng được đặt trong rọ, hoặc úp bằng những cái rổ đàng hoàng, như heo gà thật. Bên con heo đất hãy còn mấy cọng rau tươi, nơi gà vịt nhựa có dăm hạt gạo vung vãi. Hỏi. Một người bà con nói nhỏ với tôi: “Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc”.
Trên đây, ba giai thoại tiêu biểu về mỗi thời kỳ Bùi Giáng.
Giai đoạn đầu, thuở liệm vợ bằng thịt gà sống đã phôi pha hoang đường, định mệnh chỉ ra ông sẽ là một hiện tượng kỳ vĩ, khác người. Một cái Ðiên đang hăm he cái Tỉnh. Một Muôn Ðiệu Tài Hoa sẽ vùi chôn người Bùi Giáng thường tình. Cuộc điêu linh sẽ gạn lọc, phiên dịch, phơi bày ông ra giữa trận đồ hoang vu nồng cháy của Phố Thị Ðìu Hiu, của Mù Sa Cố Quận. Sông ơi em bỏ sa mù/ Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau/… Một đời lận đận đo rồi đếm/ Mỏi gối người đi đứng lại ngồi.
Giai thoại thứ hai nhằm vào thời ông rời quê nhà - xứ Trung Việt nơi ông đã từng chăn dê; đã lùa bò vào đồi sim trái chín - để vào Sài Gòn; là khởi nguyên nơi ông mùa tinh hoa tụ hội: Thi tập Mưa Nguồn chào đời. Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Sau đó là những tuyệt phẩm: Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Mùa Thu Thi Ca, Ðường Ði Trong Rừng, Sương Tỳ Hải, Sa Mạc Phát Tiết, Sa Mạc Trường Ca, Trăng Châu Thổ, Lễ Hội Tháng Ba, Sương Bình Nguyên, Biển Ðông Xe Cát, Lời Cố Quận, Ngày Tháng Ngao Du v.v… Ông dịch vô số tác giả từ Đông chí Tây, cổ kim; dịch rất tài hoa thông suốt, như Hoàng Tử Bé, Ngộ Nhận, Khung Cửa Hẹp, Kim Kiếm Ðiêu Linh, Hòa Âm Ðiền Dã v.v…
Sức điên, sức rong chơi, sức đọc, sức làm việc của Bùi Giáng là vô cùng tận. Ông là tượng trưng cho sự nhạy cảm, sự thông minh thoáng đạt, và sự bất định, bay bổng. Ðây là tai họa tự chính ông - tự đọa đày trực diện. Lúc này ông đã là một hấp lực kỳ vĩ với người đọc. Ðọc ông là si mê mơ màng, là lơ đãng tìm ra thuốc chữa cho một cần thiết thoát ly, đối kháng, chối từ, tái thẩm định. Là dìu dặt vào hương vị đắng cay mật ngọt thời hoang hóa hòn đạn làm nổ trái bom, điêu linh giữa tồn sinh phân hủy, giữa gươm đao đang thừa mà hụt hao nhân ái. Là chiến đấu thoát vượt cuộc khổn vây công bằng tự do; một xô bồ rừng rú tư tưởng; một trần gian xanh đen đến tiêu hao, phân ly chính mình. Bờ Lúa của Bùi Giáng:
Em chết bên bờ lúa 
Ðể lại trên đường mòn 
Một dấu chân bước của 
Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên 
Nhìn mây trời bữa nọ 
Ðêm cuồng mưa khóc điên 
Trăng cuồng khuya cuốn gió
Mười năm sau xuống ruộng 
Ðếm lại lúa bờ liền 
Máu trong mình mòn rỗng 
Xương trong mình rã riêng 
Anh đi về đô hội 
Ngó phố thị mơ màng 
Anh vùi thân trong tội lỗi 
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang.
Giai thoại thứ ba là hiển thị cuộc hí lộng đã dắt díu thi sĩ chơi với đồ nhựa vô tri. Ký gởi sự sống trên những “con vật không có sống không có chết”, là lúc ông xấn tới tột đỉnh đất trời đổ lộn nguyên khê. Ông tỉnh táo trong một trạng thái đặt biệt của người điên. Ông sắp xếp cái Ðiên theo cách người tỉnh. Cái điên phần nào giúp ông siêu thoát. Nhưng cũng đặc biệt đọa đày cho ông là chính ông ý thức về cái điên của mình: Xuống sông xuống biển hãi hùng/ Mà không thể giết được linh hồn mình/ Trải bao nhiêu trận bất bình/ Cuồng điên tôi tự giết mình tôi chơi. Là tự hiểu: Tôi từ khởi sự cuồng điên/ Tôi từ uống rượu triền miên tháng ngày/ Hét la tháng rộng năm dài/ Tình yêu tiêu diệt từ ngoài tử sinh.
Khoảng đầu thập niên 70 có lần người ta đưa ông vào nhà thương Biên Hòa chữa cái bệnh đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh, tôi bèn hỏi một câu thường tình: “Nhà thương điên Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay hỉ!”. Ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên”.
Có thể Bùi Giáng chẳng điên. Thiên địa nó tẩu hỏa nhập ma; chính thái cực lưỡng nghi nó lôi ông vào trận địa gây cấn tà huy. Hãy đọc một đoạn nhỏ trong Mùa Thu Thi Ca, sau khi nhà thơ đứt phèo phổi được tin Marilyn Monroe đang lộng-lẫy-một-tòa lại tự động chuyển-sang-từ-trần bên trời Tây:
"Mọi Nhỏ - Tại sao chị tự tử 
Monroe - Tại vì chị là người da trắng. Huống hồ nữa là… 
Mọi Nhỏ - Là sao huống nữa? 
Monroe - Huống nữa là màu da trắng của chị còn trắng hơn tất cả màu da của mọi người da trắng khác. 
Mọi Nhỏ - Thế nghĩa là màu da trắng của chị đã đạt quai nhai cảnh giới của lô hỏa thuần thanh thánh thần thiên tiên liên tồn tố bạch?
Monroe - Nhiên 
Mọi Nhỏ - Sao gọi là liên tồn tố bạch? 
Monroe - Tố bạch là tách bộ. 
Mọi Nhỏ - Còn liên tồn? Cũng đồng nghĩa với tồn liên chăng? 
Monroe - Nhiên”.
Sau, chết rồi mà em Monroe lại gặp tình cờ em Mọi Nhỏ. Mọi Nhỏ lúc này đã dấn mình một cách nhiệt huyết vào trung tâm điểm lửa đạn chiến tranh Việt Nam. Monroe ngậm ngùi hỏi:
"Monroe - Chị tự tử đã đành. Sao em cũng tự tử? Em ở trong rừng mát mẻ, em tự tử làm gì cho phí mất màu da bồ quân bánh mật của em như thế?
Mọi Nhỏ - Em đâu có tự tử. Chính là thật ra cái hòn đạn nó tự tử em. 
Monroe - Hòn đạn nào như thế? 
Mọi Nhỏ - Hòn đạn hoặc trái bom gì đấy. Nó nổ một trận tam bành. Nó tự tử mất em, đồng thời với cái truông đèo thơ mộng chiều hôm qua.
Monroe - Sao em không dời đi nơi nào ẩn trú, lại ở yên một chỗ mà chờ đợi đạn bom mà làm gì như thế? 
Mọi Nhỏ - Dời đi nơi khác thì đồng thời phải dời cái truông đèo đi nơi khác. Em sức mấy mà làm cho xuể sự đó. Kể ra lúc bấy giờ em cũng định lặn xuống ở dưới đáy nước cái khe kia thì thật là bảo đảm nhưng không kịp. Cái bom nổ còn chớp nhoáng hơn cái ý định nảy ra trong đầu óc em.”
Ðâu phải con người không chuẩn bị kịp cho một trái bom nổ chớp nhoáng. Trong kiếp người chúng ta có những cái vô cùng không kịp. Ðã vô cùng từ bỏ vườn cũ truông đèo không mang theo, trong hun hút máu xương. Ðã một phương trời gom nhặt từng phút sống, mà vắng mất nắm đất bên đàng chỗ cổng làng khe nước rẫy nương. Bây giờ ta hỏi lại thu/ Khu vườn lá ngọc sao thu phiêu bồng. Nơi hải giác thiên nhai, anh hay tôi, Em Mọi hay Ðêm Nguyệt Cầm Ca - Li, đã thức giấc nỗi lòng Nhật mộ hương quan hà xứ thị (3). Và đâu phải anh tự do hân hạnh được quyền có hay không cái tẩu hỏa nhập ma. Trái bom nó - tự - tử - em kia mà.
3. BÙI GIÁNG - TỀ THIÊN NGÔN NGỮ.
Thơ Bùi Giáng còn với người đọc bây giờ hay không? Với thời gian, hiện thực luôn bị xé rách, cày xới, đào thải. Lỗi thời ngay khi còn là bây - giờ. Mỗi sát na, nghệ thuật mỗi chuyển dịch, thay áo, vì cái kỳ cùng tốc độ thế kỷ. Nhưng ngày hôm nay vẫn có một số đông người thưởng ngoạn say mê Bùi Giáng. Vẫn thấy lạ ý tưởng. Vẫn thấy mới ngôn ngữ. Vẫn nhận ra ở đó một thế giới giàu mộng tưởng, đôi khi sầm uất những linh cảm xuất thần. Người đọc rất đỗi hoang mang bay bổng, kỳ thú, dù có chỗ khó thể hiểu thấu đạt thơ Bùi Giáng, nhưng cảm được. Ðọc qua mắt, bằng đầu, với trái tim, từ hồn. Một hồn rất nhẹ, rất bơ vơ, rất rộng xanh của biển trời, và rất khắc nghiệt trí tuệ của thời đại. Từ đó, tiếp cận thơ Bùi Giáng người ta nghiêm chỉnh bâng khuâng, và được dịp rong chơi trong một não trạng bấy lâu khô hơn nhựa, cần thiết phải thích ứng bon chen.
Bùi Giáng không hề cực nhọc hô hào nhiệm vụ giáo dục quần chúng, văn dĩ tải đạo mà là những phóng mình đỉnh điểm tự do cho riêng người thưởng ngoạn. Nhưng rõ ràng Cái Ðẹp cần nó, và Ðạo không thể thiếu nó: tự do viết, tự do đọc, tự do tư tưởng.
Với Bùi Giáng, tuy Ðau, nhưng tất cả là Rỡn là Rong Chơi, trò chơi, cuộc chơi. Hí trường này bảng lảng mà không thiếu xót đau một quá trình khổn bách kiếp người. Nếu Ông Trời Xanh và Bà Trời Trắng nói được, nếu Như Lai và Như Lai Phu Nhân hạ cố, nếu Phó Như Lai và Phó Như Lai Ái Nữ mà trả lời được, sẽ trả lời mệt nghỉ, với những Ðiều Rỡn mà Bùi Giáng lót đường huyền ẩn như kinh. Khi còn nói Xử thế nhược đại mộng/ Hồ vi lao kỳ sinh (4) là còn so bì, chẳng là chơi. Ðiên chơi cho bớt điên đầu/ Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi/… Buồn vui ai biết đâu ngờ/ Nằm trong tử diệt nhớ giờ tái sinh… Rỡn, Chơi, có thể là hình thái sinh động nhất, rất mực nghiêm chỉnh cho một săn đuổi thực tế, làm chủ những trò ảo hóa mà tự nhiên xã hội cùng thiên nhiên kim cổ hãy còn tàn nhẫn giấu mặt.
Ðầu tiên là Bùi Giáng chơi ngôn ngữ thiên tài. Ông xài chữ một cách hào phóng, phung phí. Ông tự thân thoát khỏi ý nghĩa ngôn tự, ngữ cảnh nhào lộn, đu bay, không gốc rễ, như cảnh ráp nối người giữa không trung cuộc nhảy dù biểu diễn. Như cái pháo hoa xòe cánh trong đêm Hội, thể hiện cái rực rỡ rất đỗi đánh thức, lại rất đỗi phù du. Do bản thân sự ngao du rong ruổi trong sa mạc chữ nghĩa, trong thế giới ảo hóa này, thơ Bùi Giáng tạo cho người đọc một giá trị cảm thức sâu sắc, bàng hoàng, đẩy tới những hoài cảm, tưởng vọng mênh mông hơn chính ý lực của bài thơ, mà từ đầu tác giả muốn hàm gởi.
Bùi Giáng giàu ngôn ngữ như cát bãi biển. Mỗi chữ lại ẩn tàng nhiều mặt biểu hiện, đa dung mạo, đa nội lực. Nó có khả năng biểu thị rộng lớn cái Tận Cùng Ý Nghĩa, không phải Ðã - Nói, mà là Sẽ - Nói. Ðầu khe lá cỏ phai rồi/ Đã vang tiếng ngựa bên lời ước mong/… Em nhìn nhé giờ đây ta trở lại/ Nghe giậy hồng một mùa cũ tái sinh.
Ông dùng từ Hán Nôm đến mức tuyệt hảo, và đảo lộn, nói lái, trá hình, ngẫu hứng, ẩn dụ lại rất mực tài tình. Ðôi khi chữ dùng của ông tuồng vô nghĩa nhưng là một mật ngữ, mật mã. Ông phóng khoáng, rất coi thường hạng người mà ông cho rằng bọn hương Nho, Nho nguyện, mọt sách, bỏ câu chữ lên bàn cân xem bao lạng rồi mới dùng; ông khinh bỉ bọn viết lách cứ tả núi phải có đỉnh, tả con bò phải có hai lỗ tai. Vì chỗ tế nhị này mà rất nhiều người - hàm cả người làm thơ viết văn - đã dị ứng, đố kỵ, không hiểu, rồi không chịu được Bùi Giáng. Họ không muốn đọc, hoặc có đọc mà thiếu khả năng thẩm thấu thứ chữ nghĩa nhảy múa, bay lượn như gió, biến hóa của mây. Họ từ khước ông khi ông còn đi trên mặt đất. Họ cư xử với ông bằng thái độ trong “nội ô của nhà thương Biên Hòa”.
Chỉ hôm ông qua đời, đột nhiên - nhưng không đáng ngạc nhiên - tất cả môn phái “ngũ nhạc”, không kể chính tà, hữu chiêu vô chiêu, nhà văn thượng thư cùng nhà văn vỉa hè, đều tề tựu trước quan tài Bùi Giáng đầy đủ. Phàm nhân của hai chân lý đối nghịch bên này và bên kia Pyréneés đã may mắn có một dịp nhịp nhàng, thầm lặng nghiêng mình dưới chân Núi.
Toàn bộ thơ Bùi Giáng không có cái cách làm dáng trí thức, gây nhiêu khê đến rắc rối hoặc làm loãng cuộc chữ nghĩa đẹp đẽ trong tiếng Việt nghìn xưa vốn có. Ông là một nhà thơ triết nhân nhưng không hàm nghĩa thơ phải nêu chí cao trí cả như quan niệm cổ điển hằng mong đợi ở thi nhân. Trừ những thơ văn xuôi triết luận - và những bài thơ ông dịch tam bành qua một trận thấu triệt đến ngọn nguồn, mà khó nói ra cặn kẽ khi đương đầu cùng Heidegger, Rilke, Hoelderlin, Shakespeare, Neitzche… thơ Bùi Giáng hầu hết hình thành qua ngôn ngữ thông thường, xã hội càng ngày càng dùng nhiều hơn, rặt nôm, lại lắm khi những ngữ từ rất lem luốc bụi giang hồ. Nó đã nhẹ tênh, gần gũi, tự nhiên như nói chuyện, giản dị đầm ấm như ca dao. Nó rất kỳ cục, thường hằng, nhưng tinh tế. Nó rất đơn sơ như là một chứng minh cho kĩ thuật thượng thừa của Bùi Giáng.
Trong lịch sử văn học nước nhà ít thấy thi nhân nào - kể cả thi nhân ta rất mực mến yêu thờ phụng như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Ðà - bày cuộc vui chơi chữ nghĩa đó đây một cách đơn giản nhưng thâm thúy, trù phú và thiết tha ngộ nghĩnh như Bùi Giáng. Ghì môi cơn mộng la đà/ Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng/ Nửa vời trăng rộng mông lung/ Đường xa nghi hoặc tháp tùng ni cô/… Tôi chấp nhận trăm lần trong thổn thức/ Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm/ Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt/ Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em.
Bùi Giáng có một não trạng khá đặc biệt; giật mình mơ hoang có thể mỗi cánh chuồn chuồn bay chiều; mỗi dặm hài hôm nay không còn động vang của Thúy Kiều; bắt gặp màu xanh trong sắc tím; nghe ra hơi thở của Lão Trang từ nghìn dặm phả về. Con nai vàng ngơ ngác đạp lên lá vàng khô? đã là một sự quá ư nặng nề, giày xéo đối với ông. Phải nhẹ hơn nữa kia. Nhẹ hơn cả hư không rỗng trống.
Vì cái não trạng vọng viễn phi biên giới kia mà khi tiếp cận với những Khổng Tử, Hoelderlin, Heidegger, Homère, Empédocle, Nerval, Whitman, Lão Tử, Nguyễn Du, Khuất Nguyên, Vương Bột… là cùng lúc Bùi Giáng phải chịu đựng một sự công phá chính tâm hồn mình. Ông băng băng dong ruổi trong mông lung trí tuệ rất mực uyên bác, sầm uất tưởng tượng, chói lọi cái bãi hoang vô thức từ im lìm bấy lâu giấc ngủ. Ông bất trắc dẫm lên một mặt đất rạn vỡ, bất nhẫn và vô tình trùng phùng một định mệnh tùy ngẫu, trói buộc. Lại bất trắc bị trùng vây bởi một trận đồ ngôn ngữ của thơ, của hồn thơ. Của Ðiên. Và của Ý Thức Về Cái Ðiên. Sự thể ấy làm ông rất đỗi sáng suốt trong điên đảo, chưa nói một đã lộ lồ mười, đi trên đường độc đã thấy muôn nghìn ngã ba ngã bảy, chưa kịp nhớ Mẫu Thân Phùng Khánh đã hoài Nam Phương Hoàng Hậu, vừa sớm mai tươi sáng bình sinh đã chợt tồn vọng cơn thảm đạm đêm Xiêm La Hy Lạp; thế rồi ông viết tràng giang, bằng cả vô thức, ông cuồng ngây tẩu hỏa dịch bừa sang thơ Việt cả những đoạn triết luận chằng chịt; ông khai triển Nguyễn Du bằng cách hợp lực làm thơ ký chung Nguyễn Du - Bùi Trung Niên Thi Sĩ.
Ông củng cố, ông dịch, ông chuyển tải tư tưởng bằng cách bá láp [chữ của Bùi Giáng] triệt hạ nguyên bản; khuynh đảo chữ nghĩa bằng cách lạ thường; biến những chữ cụ thể, những nghĩa đã chết trong sự củng cố để trở thành một hiện trình khác hơn, lại rất thơ, tinh diệu, biến hóa hơn. Ông làm giàu nghìn lần tiếng Việt. Một số nhà thơ, nhà sáng tác ở miền Nam trong nhiều năm, không chối bỏ rằng mình đã xài, đã từ lâu tự nhiên sâu thẳm bị ảnh hưởng cách dùng chữ nghĩa từ thiên tài Bùi Giáng.
Những địa danh quê hương – Trung Việt, Vĩnh Trinh, Quế Sơn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Cửu Long, Cà Mau, Huế, Hà Tĩnh, Sài Gòn, Bạc Liêu, v.v… - đã hiện ra trong thơ Bùi Giáng rực rỡ gấm hoa, êm đềm màu núi, thổn thức như suối nguồn. Ðêm thưa Vĩ Dạ về gần/ Đã từ lâu lắm thiên thần nhớ em/… Ngồi đây tưởng nhớ xa xăm/ Nhớ nhung Lục Tỉnh trăng trằm Long Xuyên/ Ba mươi năm trước hiện tiền/ Hình về hiện tại bóng nghiêng nghiêng đầu.
Có lúc ông tiên tri giỡn chơi một cách lạ lùng - mà sau này lúc đời sống cô đơn ngột ngạt - ta đọc lại đến ứa nước mắt:
Tôi gọi Bình Dương là Bình Dưỡng 
Dượng dì ơi thương nhớ cháu nhiều không 
Tôi gọi Cần Thơ là Cần Thở 
Cần Thơ ơi… cần thở đến bao giờ?
Bình? Dưỡng? Thở. Không hề là chơi chữ. Mà là tiếng kêu thống thiết của tâm linh trước một thế giới người đã kiệt cạn nhân tính, đánh tráo bình đẳng tự do; đã phơi phới những lừa mị, tàn nhẫn cùng nhau; đã tinh vi biến những đòi hỏi nhân sinh cần thiết thật sự trở thành trừu tượng trêu người trên khẩu hiệu giấy tờ.
Khác với tất cả thi nhân Đông Tây kim cổ, Bùi Giáng động đậy bay lượn với đủ sinh vật côn trùng. Chuồn chuồn châu chấu, con nai rừng chú dê nội, bươm bướm bò gà, cả… vi trùng sâu bọ cũng trùng trùng mộng ảo yêu thương. Ấy mộng đời đi với mộng rồi/ Trời ơi trăng rớt ngó trăng rơi/ Con ruồi con kiến con châu chấu/ Bươm bướm chuồn chuồn cũng thế thôi… Còn yêu mãi yêu và yêu nhau mãi/ Trần gian ôi cánh bướm với chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.
Bùi Giáng dùng cả những loại chữ nghĩa “thép đã tôi” như hạ quyết tâm, chỉ tiêu, gia tăng, bổ sung, khu vực,… Hãy xem ông bùa phép vung vãi, lắm xót xa mà đậm đà hài hước: Ngày nay hạ quyết tâm rồi/ Về trần thế bốc lột người thế gian/ Tình yêu đã lỗi muôn vàn/ Chỉ còn bốc lột vạn ngàn máu tim… Mỗi năm mồng một ra giêng/ Con dẫn ông dạo suốt miền vực khu/ Khu này Bình Thạnh quận khu/ Khu trên Gò Vấp tuyệt trù lưu phong/ Dưới kia Bà Chiểu Lăng Ông/ Lên xe buýt thẳng dông chơi Sài Gòn.
Chính thế giới ngôn ngữ Bùi Giáng bày cuộc lập nhiên như thế nên khi đọc thơ ông ta không nên vô ích cưỡng lại, cho đẳng cấp suy nghĩ, cho trí tuệ làm việc, mà hãy thong dong trôi theo cái bá láp, tà tà thơ thẩn, rất mực vô tình như nhìn con tàu chiều không có bóng hình ai trên ấy. Ta sẽ bắt gặp một thần thái thanh tao hơn, một tổng thể bát ngát hơn, bởi vì đó chính là Thơ. Nó rộng rãi và thơ thới hình thành từ một thiên tài chung qui chỉ vì thơ mà điên, mà sống để điên cùng thơ.
4. BÙI GIÁNG - NGAO DU TƯ TƯỞNG.
Nói đến nhà thơ là nói tới rượu và mỹ nhân. Lý Bạch một đời sống chết cùng rượu. Ông làm thơ tặng vợ thú nhận một năm ba trăm sáu mươi ngày mình túy lúy như con nê hóa bùn: Tam bách lục thập nhật, Nhật nhật túy như nê (Tặng nội). Apollinaire một đời ngắn ngủi, nhưng đã rất nhiều nàng, cô Linda, nàng Annie Playden, Marie Laurencin, nàng Louise de Coligny Châtillon, Madeleine Pagès… Các nàng của thi nhân này duy chung một mẫu số: Tình Yêu. Nhưng ở Bùi Giáng là khác thể điệu, rất nhiều …mẫu số. 
Ông có Mẫu Thân Phùng Khánh, mẹ Trí Hải /tuy hai mà một, Mẹ về đứng ở đầu sân/ Cuối cùng Mẹ bước vô ngần Mẹ đi/ có Kim Cương Kỳ Nữ, Nường Monroe, Gái Xiêm La, Gái Tô Châu, Hà Thanh Ca Sĩ /Ði về phố rộng mà ra/ Đi tu giản dị cô Hà Thanh ôi)/ có mấy em Da Đen Phi Châu, Em Mọi, Nàng Ðạm Tiên, Thúy Vân, Thúy Kiều, Bé Con Bình Thạnh, những chị miệt quê, Thiếm Năm Sáo xã Tân Phong/ Thiếm về chín suối long đong thế nào… Ôi người thục nữ Long Xuyên/ Tìm đâu thấy lại thuyền quyên một lần.
Những con người hữu hình, những em vô hình, những nàng sương bóng, Bây giờ em ở nơi đâu/ Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao/ đã man mác thị trùng trong một Bùi Giáng tha thiết đến tê điếng, điên ngây. Một Bùi Giáng ngoại thế bằng hồn mà lòng đau kiếp người truyền động đến nguyên sơ. Bàng hoàng đuổi bắt một bản lai diện mục ẩn huyền. Mỗi Phùng Khánh Trí Hải, mỗi Kiều Nhi, mỗi Em Mọi là mỗi trận địa cuồng mê đến đằm đìa phủ chụp người thơ trong bàng hoàng nương náu. Bàng hoàng thể phách, mộng hoài đêm Da Ðen tới Rú Rừng Da Trắng, Apollinaire tìm người yêu có thật, dấn mình trong một diễm ảo nhu cầu. Bùi Giáng hư vô hóa tất cả trong miên trường vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương
Mỹ nhân? Cái Ðẹp? Lý Tưởng? Một Phương? Hãy tìm chỗ Mù Sa Cố Quận? Ðảo lên nguyên khê, lộn về phố thị, chỗ sân ga bến tầu, trên chiếc giường hoan lạc, giữa bàn hội nghị, lúc ngâm vịnh, khi nhảy disco; ở đâu? nơi nào? trong Cõi Tồn Sinh rất nhiều Ðánh Mất này một đúng nghĩa Lý tưởng? rõ mặt Cái Ðẹp? Vả, trong tuyệt trù ngóng vọng còn chăng một thiên nhất phương để mà ký gởi? mà vọng mỹ nhân hề?…Em còn ở với sơn hà/ Anh còn mất hút gần xa mất hoài… Hỏi rằng người ở quê đâu/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
Tuy nhiên, với những người con yêu dấu, cuộc bám trụ mang nặng tổn thất này xem ra vẫn là một giềng mối đạo lý mãi mãi tươi xanh đạo lý. Nó hoài hoài thơ mộng khi quê nhà đã là một hiện trường có thật - trần trụi từ khi tôi ở truồng chào đời đến lúc tôi không còn khả năng bận mỗi bộ áo quần để chui vô quan tài - là thế; không nên giải thích nữa, tuy chưa hóa đá nhưng quanh tôi vốn vậy; nên diễn dịch nó bằng cách nói đương nhiên cạn cợt, mà tất nhiên sâu thẳm, như nói về một cục gạch, về mỗi bếp lò. Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Một câu hỏi cần thiết tôi muốn hỏi: “Quê nhà Bùi Giáng nơi đâu?” Ðã hẳn là quê nhà ông “thưa rằng” đó không? Bùi Giáng chưa hề định nghĩa một quê nhà rộng hẹp, thước tất, kiểu Quốc văn giáo khoa thư; mặc dù ông từng tha thiết yêu, và khẩn thiết, kêu gọi vi trùng, chuồn chuồn châu chấu, tập thể bò dê trong đồi sim trái chín hãy rộng lòng để cùng ông hòa mình cuộc thương yêu.
Ðã không hề giam mình trong định nghĩa, lại càng không giam mình trên một mặt đất dù nó khá mênh mông, vậy Bùi Giáng có một quê nhà nào trong cái vũ trụ mà ông đọa đày khắc khoải gọi tên?
Có thể, hiển nhiên là có thể thôi, Bùi Giáng có một mái nhà trong một quê hương rộng dài: Cõi Thơ. Trên quê hương không chiều kích không gian và thời gian đó, Bùi Giáng là đứa con trung thành rất mực dưới mái nhà Thơ, và là một tay kịch liệt tung hoành, mặc tình dâng hiến, thỏa dạ cuồng si trong quê thương Thơ. Ở đó ông trùng phùng những công dân thế giới, những con người ưu tú từ nhân loại cổ kim.Hãy đọc một trong những bài thơ sau cùng của ông:
Uống xong ly rượu cuối cùng 
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên. 
Uống như uống nước ngọc tuyền 
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau 
Uống xong ly rượu cùng nhau 
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời
Em còn ở lại vui chơi 
Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn 
Riêng anh về suốt suối vàng 
Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Ðà 
Em còn ở với sơn hà 
Anh còn mất hút gần xa mất hoài
(Uống rượu)
Thường tình thì hẹn là để gặp lại, nhưng Bùi Giáng hẹn là để “quên nhau muôn đời”. Lời di chúc cho Em trước một Ra Ði. Nó buồn tênh nhưng sáng ngời cái khí phách thanh sạch, ngời sáng của một Thi Sĩ. Giã từ phương này trùng phùng được Lý Bạch Tản Ðà đầu kia. Uống ly rượu cuối cùng trong thần thái đầu tiên. Không hề là Vĩnh Biệt, chỉ có Ra Ði, là Ðược Về.
Ðặc biệt ở đây mọi hình tượng hiện tồn vọng viễn chỉ tinh mật góp lại một từ, đó là Em. Không phải Bùi Giáng hôm nay mệt mỏi, hóa ra hiền từ, không còn bay phá trong thế giới chữ nghĩa muôn điệu của ông, mà Em chỉ là Một Tiếng Kêu. Là Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim (5) Em là Ai? Người ta đã từng gọi Tự Do là Mi kia mà. Tây cầm cung bậc xô ngang/ Nửa chừng dâu biển lấp ngàn ước mong. Tuy nhiên Anh suốt suối vàng, Vẫn mong Em còn suốt cõi trần vui chơi. Một chia biệt buồn bã vẫn tràn đầy tự nhiên, hò hẹn, hy vọng; một cuộc đùa vui trong sáng, tự tại. Mây rừng tháng chạp bổ sung/ Mộng đi theo mộng cuối cùng cho mai.
Sau cùng, một điều nên đề cập tới - không thể tách rời khi viết về một Bùi Giáng thơ - đó là phong cách đặc biệt của ông trong khảo luận, dịch thuật và những bài tạp luận. Vì đây cũng chính là thơ.
Bùi Giáng đề cập đến tất thảy các nguồn triết học Đông Tây cổ kim (hàng trăm thi sĩ triết nhân nhà tư tưởng đã được đề cập), ông ca ngợi, cùng lúc cũng phê phán tất thảy từ Khổng, Trang, Lão, đến Socrate, Platon, Heidegger, Kant, Sartre… nhưng cái nhìn của ông - qua văn xuôi – là thơ, lẫn thơ mộng, lẫn mộng mị. Do vậy ta nên đọc Bùi Giáng theo cách chịu chơi, như một thưởng ngoạn lấy cái thi vị.
Trong bài Ðạo Ðức Kinh ông đề cập tới Ðạo như vầy: “Không tin tưởng vào bất cứ gì mà vẫn yêu đời, ấy là đạo vậy. Tin tưởng tất cả mà vẫn chán đời, ấy là đạo vậy… Không đi lính mà mặc áo nhà binh ấy là đạo vậy. Ði tu mà cứ ăn mặn hoài, ấy là đạo vậy…”
Trong Ði Vào Cõi Thơ là thế này: “Thế nghĩa là gì? Có một cõi và một cuộc đi. Cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể đi theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi im không rục rịch suốt bao nhiêu diên trường tuế nguyệt dưới gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín”…
Trong Ðường Ði Trong Rừng, Bùi Giáng làm thơ lý luận về học thuật một thôi rồi quay ra “tả cảnh” các triết gia thi sĩ thế này: “Ôi đìu hiu con chim nhạn Hoelderlin! Ôi con ngỗng trời bất tuyệt Nguyễn Du! Con hạc vàng huyền ảo Nervar! Con sư tử hống thời phương thảo lục Nietzsche! Con tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng Heidegger! Con du hí thần thông tam muội tận Shakespeare! Con phiêu bồng hồng nhạn tuyết trung khan Homer Sophocles! ôi con gà rừng con nai rú!…”.
Những phạm trù tư tưởng được ông đùa chơi đề cập, thường là thông qua chiều kích của ngôn ngữ hình tượng, biểu trưng, hơn là Ðáp - Giải bằng Lý. Ông bày ra trên bàn tiệc hình nhi thượng là những cô em phương trời, ông phó Như Lai, bà Trời Trắng; bằng một kỹ thuật dựng hình lổn ngổn, lý luận không biết đâu là Hỏi ra Ðáp vào. Bởi, bày ra câu hỏi cũng chính là một Trả Lời. Trả lời chính là một nan vấn, khẩn thiết một khởi đầu cho một tra vấn mới. Giải mã được: “Vì sao hôm nay đã đánh mất Nguyên Sơ” có nghĩa là “vì sao Sơ Nguyên không là hôm nay”, như thế là ta đã đẩy đưa một sự vụ thật ra đơn giản trở thành ảm đạm rối rắm; ngay lúc ấy ta đắm chìm trong một tưởng mộng sơ nguyên khi đang sống trên một mặt đất trầm trọng với đạn bom thương nhớ, Tại ni hằng thể là ta tự tình. Dưới mái lợp ngàn ngàn tinh tú này luôn hồi vọng những tiếng kêu xanh đen, lạc loài. Và bao nhiêu lời giải đáp là ngần ấy nhân lên những nan vấn kế thừa. Vậy thì, hãy nghe bằng vô ngôn thông vậy.
Vì sao có sự thể vừa tinh mật vừa phồn tạp trong một Bùi Giáng. Chúng ta nên hiểu thêm một con người khác trong ông. Ðó là một Bùi Giáng thông tuệ hãy còn lưu dấu sâu xa cái gốc gác thánh thiện một trẻ thơ lớn lên từ luống cày nương rẫy. Cái thật thà hài thơ ấy đã trở thành bản chất, đã nằm trong bịt bùng tầng tầng vùi lấp của cõi thời gian đời người. Nó được nén chặt, đè kín, được lay-out kỹ càng nơi vô thức nhưng nó có sức bật dậy và phóng bủa mông lung khi được thực tại click vào nó.
Nó đã giúp ông bao năm lang thang giữa phố thị mà vẫn vô tình gắn chặt với hương đồng cỏ nội, với nương rẫy vườn rau lối ngõ quê mùa - cả thơ văn lẫn con người. Phát biểu của ông lắm khi dân dã thật thà, thể hiện một cái Ðẹp trần trụi, khật khùng, thô, không hào nhoáng son phết. Ngôn ngữ Bùi Giáng là mặt bằng của tranh lụa, của tranh sơn dầu, của cả hốc hang một tượng điêu khắc.
Bùi Giáng cũng là người rất mực tình cảm, rất mực thiết tha với bất cứ cái đẹp nào. Sống ở đâu ông cũng lưu lại một nỗi nhớ, một kỷ niệm, một nhắc nhở. Nhưng cái nhớ ấy không cạn cợt mà đã hóa thân là mơ màng, tưởng vọng, bay bổng tiếng kêu chung của phận người. Ông điên giữa phố thị nhưng Mỹ Tho Sài Gòn vẫn là nơi thuận tiện ngắm trời mây, dễ dàng hà tiện, dễ dàng bê bối, không cần thiết nhân danh tháng ngày để tiết kiệm thời gian. Ở đời sáng uống cà phê/ Quán trong hẻm nhỏ như quê quán nhà/ Ngoại ô thành phố phồn hoa/ Ấy Sài Gòn ấy thiết tha bấy chầy.
Tóm lại, cuộc phiêu bạt của Bùi Giáng qua cuộc đời này là hình ảnh của một thiên thần trên chốn lưu đày. Nơi đây ông đã tự thân bày cuộc ngao du, minh triết hí lộng. Ðể chi vậy? Ðể viên mãn: “Cuộc - đời - ờ - nơi - tạm - cư” ; và đánh trả cái nhân danh thiên đàng, lãnh địa của mọi nguồn gốc lưu đày.
Bùi Giáng đã có một đời thơ năm mươi năm sáng tác; hơn hai mươi năm ông đã cùng các nhà thơ lỗi lạc Phương Nam mở ra một vận hội Muôn Màu cho Văn Hóa Phương Nam. Nhưng nhìn ở bất cứ góc cạnh nào ông mãi mãi là một thi hào riêng Cõi, độc lập, một bát ngát tượng đài. Do đó, tôi thấy không nên - không thể quy kết định đặt Bùi Giáng vào một trường phái khuynh hướng, một tổ chức nào cả. Mọi nhãn hiệu có lẽ chỉ vô tình khoanh tròn, thu hẹp, công thức hóa cái thế giới Thi Ca dài rộng mênh mông của Bùi Giáng.
LỜI TẠM BIỆT
Anh Bùi Giáng! Hôm nay anh đã thật sự có ngày tháng ngao du. Anh để lại đây một tượng đài trong lòng người đọc giữa bạn bè anh em; một tượng đài không cần thiết phải xây bằng bê-tông cốt thép mới đời đời bền vững.
Hôm kia tôi ghé Bình Thạnh để thắp anh một nén nhang. Con đường mưa, đầy vườn lá rụng. Tôi nhớ anh Những Ngày. Ngày ở Ðại học Vạn Hạnh. Ngày ngồi cà phê Nắng Mới. Ngày của những Ðêm Ðen Giữa Ban Ngày. Mỗi chúng ta bị thời gian nghiền nát mỗi cách, nhưng anh luôn là một khuôn mẫu tự nghiến nát đặc biệt. Tôi rất khoái cuộc tự hủy mang tính nhiệm mầu tỏa bóng của anh.
Tương lai sẽ nói gì? Đó là quyền của tương lai. Nhưng tương lai sẽ có một thái độ rất trung thực, thanh sạch, và tích cực lưu giữ những gì là tốt đẹp Hôm Nay. Chúng ta không ích kỷ kỳ vọng tương lai nhớ mình, nhưng Ngày Mai sẽ có trách nhiệm lưu giữ anh, soi sáng những gì anh để lại. Chúng ta chưa hề đi vào những con đường hầm không có đầu kia.
Sau cùng, tôi nghiêng mình xin lỗi anh vì đã quá ngớ ngẩn bàn luận về thơ anh, điều mà anh rất ghét kỵ. Anh chẳng bảo: “Thơ chẳng có gì để bàn ra tán vào. Muốn, hãy cứ làm một bài thơ tương phùng nọ để đáp vào tận địa một bài thơ kia”.
Nếu anh trách giận, tôi sẽ cười như niềm vui nhắc bảo và đầm ấm thưa rằng: “Cõi bờ con mắt Hoa Nghiêm/ Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng”.
Mong thượng giới hãy dành một suất tự do để Con Người Chịu Chơi được tiếp tục cuộc tràn lan phiêu bồng.
CUNG TÍCH BIỀN
Ghi chú
(1) Thơ văn Bùi Giáng được trích từ Mưa Nguồn, Ðường Ði Trong Rừng, Mùa Thu Thi Ca, Lễ Hội Tháng Ba, Sa Mạc Trường Ca, Biển Ðông Xe Cát, Trăng Châu Thổ. Ngày Tháng Ngao Du, Rong Rêu, Ðêm Ngắm Trăng, và những bài thơ sau cùng chưa in thành thi tập.
(2) Trên mặt đất này đâu đâu cũng là dòng Mịch La.
(3) Lúc trời chiều đứng ngắm cảnh tự hỏi đâu là quê nhà – Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu.
(4) Sống ở trên đời như giấc mộng lớn, Làm chi cho vất vả thân mình – Xuân nhật túy khởi ngôn chí, Lý Bạch
(4) Sống ở trên đời như giấc mộng lớn, Làm chi cho vất vả thân mình - Xuân nhật túy khởi ngôn chí, Lý Bạch(5) Một tiếng sóng lạnh tiễn đưa kim cổ - Nguyễn Du.
(Theo damau.org)
Kỳ nữ Kim Cương


Kim Cương tại đám tang Bùi Giáng
Tình sử Bùi Giáng - Kim Cương
Theo http://gocong.com/
Thơ Trịnh Cung 
(lần đầu tiên phổ biến)
Ngày 15/2/2012
Ngày cuối năm gặp Bùi Giáng
Trưa ngày cuối năm dần
Ta ngược về gia định
Tìm nhành mai chợ tàn
Giữa dòng người xô đổ
Ngược xuôi lờ hỏi han
Ta tìm mai chẳng thấy
Gặp Bùi Giáng giữa đàng
Áo vá chằng lấm láp
Lưng đeo bó hoa vàng
Miệng cười lòng tuôn chảy
Một dòng thơ thay xuân
Miệng cười hồn treo pháo
Mừng đời thơ thênh thang
29 tháng chạp năm Dần
28.1.87
Trịnh Cung

Bùi Giáng & Đinh Cường 
Trước căn chòi nơi Bùi Giáng ở năm 1989
Đinh Cường & Bùi Giáng
Đinh Cường vẽ Bùi Giáng

Lục bát tặng Đinh Cường
Niềm vui tao ngộ xa dần 
Còn riêng ở lại 
một lần này thôi!
9/8/1986 
Bùi Giáng
Tục gọi là (B.v.Bốn)
Võ Đình vẽ Bùi Giáng






Bùi Giáng hai tháng trước khi qua đời 
vì tai biến mạch máu não, tháng 08/1998
 Mộ phần thi sĩ Bùi Giáng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức
Tọa đàm về Thi sĩ Bùi Giáng
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 
Tp/HCM 14/9/2013
TRIẾT GIA VÀ THI SĨ
Bùi Văn Nam Sơn
Trong Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện (i), nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận định có tính tổng kết về văn nghiệp Bùi Giáng như sau: “Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ”. Thế nào là “trên cơ bản”? Tôi không muốn hiểu câu nhận định trên đây theo nghĩa thông thường của sự phân loại, đánh giá về văn nghiệp của một tác giả: Bùi Giáng trước hết và trên hết, hay, tựu trung, là một nhà thơ, nói khác đi, phần có chân giá trị là sự nghiệp thi ca của ông, còn các phần còn lại là thứ yếu, không “cơ bản”. Thật ra, trong khối lượng đồ sộ và đa tạp của Bùi Giáng “văn xuôi”, dù khó tính đến mấy, ta vẫn có thể chắt lọc ra không ít những trang tuyệt bút từ các Giảng luận văn học (Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan đến Phan Văn Trị/ Tôn Thọ Tường và Tản Đà), các tùy bút văn chương, các nghị luận triết học, đó là chưa kể một số bản dịch thành công khá đặc biệt. Trong chừng mực nào đó, chúng có giá trị tự tại, độc lập với việc có hoặc không có “Bùi Giáng nhà thơ”. Vì thế, tôi muốn thử hiểu nhận định trên đây theo một cách khác: dù là văn xuôi hay thơ, Bùi Giáng vẫn “trên cơ bản, là nhà thơ”, theo nghĩa : Bùi Giáng có ý thức sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa rộng như là “ngôn ngữ thi ca”. Chính điều này tạo nên nét riêng biệt, độc sáng của thi văn Bùi Giáng, và đồng thời mời gọi ta hãy đến với Bùi Giáng theo cách hiểu ấy.
Như ai cũng dễ nhận ra, và như chính Bùi Giáng đã thừa nhận, bút pháp và thơ của Bùi Giáng thoạt đầu xuất phát từ cội nguồn Thơ Mới. Nhưng, do một sự tương ứng sâu thẳm nào đó và cũng là một cơ duyên, việc Bùi Giáng tiếp cận và tiếp thu tư tưởng, nhất là triết học về nghệ thuật, của Heidegger, theo chúng tôi, là một trường hợp khá hy hữu: nó thanh tân, trọn vẹn và chung thủy đến lạ thường. Sự gặp gỡ này còn có sự hiện diện của một nhân vật thứ ba có ý nghĩa quyết định: thi sĩ Đức Friedrich Hölderlin. Heidegger là triết gia, Hölderlin là thi sĩ, sống cách nhau ngót hơn một thế kỷ, nhưng thật lạ lùng khi Heidegger từng nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không còn có thể phân biệt mình với Hölderlin được nữa (ii)! Tự nhận mình đồng nhất với một người khác, nhưng không ai nghĩ rằng Heidegger tự “đánh mất mình” trong mối quan hệ lạ thường ấy. Ta cũng có thể nói hệt như thế về mối quan hệ tay ba : Heidegger - Hölderlin - Bùi Giáng  Trong bài tham luận ngắn này, chúng tôi muốn lưu ý đến mối quan hệ lạ thường này như một nỗ lực góp phần soi sáng quan niệm sống, sáng tác và suy tưởng của Bùi Giáng.
1. Triết gia - thi sĩ:
Quyển Giảng giải về Thơ Hölderlin của Heidegger (iii) (tập 4 trong Toàn tập) chỉ ngót 200 trang, nhưng đã được Bùi Giáng dịch và diễn giải hơn 1000 trang, chia làm hai tập: Lời Cố quận và Lễ Hội Tháng Ba. Có thể nói đây là công trình văn xuôi quan trọng nhất và cũng phức tạp, sâu sắc nhất của Bùi Giáng. Theo một cách nói quen thuộc, chính ở đây, Bùi Giáng đã đi từ “tự phát” đến “tự giác” trong quan niệm sống và sáng tác văn chương.
Hölderlin (1770-1843) là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất của nước Đức, bạn đồng học và có ảnh hưởng sâu đậm đến hai khuôn mặt lớn của triết học Đứ : Schelling và Hegel. Đáng chú ý: Hölderlin cũng có định mệnh tương tự Bùi Giáng: hơn 30 năm cuối đời sống trong trạng thái “điên tam đảo tứ”! Ta biết rằng Heidegger có những bài giảng đầu tiên về Hölderlin vào những năm 1934-35 (ngay trước khi soạn luận văn nổi tiếng: Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (iv)). Ông tiếp tục bàn về Hölderlin cho tới 1946, được tập hợp lại thành sáu luận văn trong tác phẩm vừa kể. Bùi Giáng nhận định: “Mười năm sau Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian, 1927, tác phẩm chính của Heidegger], Hölderlin xuất hiện trên hầu hết những cuốn sách của Heidegger mỗi phen tư tưởng của Heidegger bước tới điểm quyết định”. “Riêng cuốn sách Giảng giải về thơ Hölderlin này mang một ý nghĩa trầm trọng và sâu xa như thế nào trên con đường tư tưởng của Heidegger, thành tựu một cái gì cho Tư tưởng Tây phương, chuẩn bị cho một cuộc hội thoại lặng lẽ mênh mông nào khác, những người theo dõi Heidegger ắt đã từng nhận thấy”. “Người nào đã đọc kỹ từ lâu cuốn sách dị thường ấy của ông Heidegger, ắt đã rõ nguyên do lối sắp đặt thứ tự các bài giảng… Và cũng không ngạc nhiên gì nhiều trước lối dịch và giảng dường như kỳ dị của dịch giả”. Bùi Giáng viết tiếp: “Nhan đề ấy nói gì? Có thể hiểu cưỡng bức theo hai cách:
1. Cuộc tiếp cận (của chúng ta với) Hölderlin
2. Cuộc tiếp cận của Hölderlin
Theo nghĩa thứ hai là thế nào? Hölderlin tiếp cận cái gì? Ấy là: tiếp cận Uyên Nguyên, đi về cận lập với Uyên Nguyên. Sao gọi là Uyên Nguyên? Theo nghĩa thứ nhất: chúng ta tiếp cận? Đi về tiếp cận? Nhưng Hölderlin không phải là một cá nhân. Nguồn thơ thi dựng của ông là một nguồn Thi nhiên hi hữu. Hölderlin là Nguồn Thơ ấy. Vậy thì tiếp cận Hölderlin là tiếp cận nguồn thơ ấy. Nhưng tại sao tiếp cận mà không tắm mình vào? Vì đó là Uyên Nguyên và trong khi chúng ta dò dẫm trên bước tiến lại gần, thì Uyên Nguyên cũng đi về với chúng ta trong thể lệ riêng biệt: gần gũi mà xa xôi” (v)…
Đàng sau cách diễn đạt bay bổng nhưng khá tối tăm ấy là diễn trình tư tưởng của Heidegger được Bùi Giáng theo dõi sát sao và thể nhập trọn vẹn. Có thể chia sự “tiếp cận” của Heidegger với thơ Hölderlin làm hai thời kỳ: thời kỳ sớm từ 1934 đến 1939 và thời kỳ muộn là 1939-1946, với sự khác biệt quan trọng.
Thời kỳ sớm nổi bật với hai luận văn: “Hölderlin và bản chất của thi ca” (Bùi Giáng dịch và giảng trong Lời Cố quận, An Tiêm, 1972, tr. 146-242) và “Siêu hình học nhập môn” (được Bùi Giáng dịch và giảng một phần trong Trăng Châu Thổ (Quế Sơn, Võ Tánh, 1969, tr. 207-308).
Ở thời kỳ này, Heidegger xem Hölderlin là một thi sĩ quan trọng, nhưng không quan trọng với tư cách thi sĩ, mà như là triết gia - thi sĩ, nói khác đi, tuy Hölderlin làm thơ, nhưng nội dung của nó không phân biệt với triết gia. Thật ra, những đại thi hào Tây phương như Homer, Sophockles, Virgil, Dante, Shakespeare và Goethe thực hiện bản chất của thi ca còn phong phú hơn cả Hölderlin, nhưng tại sao Heidegger lại tập trung vào Hölderlin? Lý do là vì, theo ông, Hölderlin là nhà thơ làm thơ về thi ca. Ông gọi Hölderlin là “thi sĩ của những thi sĩ” (vi) không theo nghĩa tôn vinh về đẳng cấp mà chỉ vì Hölderlin là nhà thơ của bản thân thi ca. Hölderlin đã viết những câu thơ về bản thân thi ca như thế nào, trong chừng mực là một thứ “siêu thi ca” mang đầy đủ tư cách của một nhà tư tưởng? Xin điểm lại ngắn gọn năm điểm :
- Hai điểm đầu tiên có vẻ mâu thuẫn với nhau. Hölderlin gọi thi ca là công việc “hồn nhiên thơ dại nhất” (vii), nhưng đồng thời cũng là công việc “nguy hiểm nhất” (viii). Vì lẽ thi ca nảy sinh trong ngôn ngữ, nên câu hỏi có thể đặt lại là: ai làm chủ ngôn ngữ và ngôn ngữ hiểm nguy theo nghĩa nào? Theo Heidegger, ngôn ngữ là cái gì quá “thân thiết” với con người, nó có thể “thôi miên” ta ở vẻ ngoài khiến ta dễ bỏ qua căn cơ, nền tảng. Sự hàm hồ của ngôn ngữ làm cho cái không bản chất trở thành bản chất, đồng thời biến bản chất thành cái gì nông nổi, bì phu. Đối diện với hiểm nguy ấy, Hölderlin đã trả giá bằng sự điên loạn của mình, một sự cố không thể điều trị hay cứu chữa bằng y học. “Điên loạn là số phận của Hölderlin”, vì “những hoa trái đầu mùa bao giờ cũng thuộc về phần của thần linh” và Hölderlin là “hoa trái bi kịch nhất trong lịch sử nước Đức”. Phải chăng ta cũng có thể nói như thế về Bùi Giáng?
- Điểm thứ ba: con người chỉ hiện hữu trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ bao giờ cũng hiện hữu trong đối thoại, trong “nói” và “nghe”. Đó là đặc trưng của con người, bởi chỉ con người mới mang thời tính, tức tìm thấy chính mình ngay trong lòng sự vật khi chúng được từng bước khai mở bằng một cách nào đó. Ngôn ngữ là nơi ta thể nghiệm: hoặc có thể đi sâu vào được vùng ẩn mật, khép kín của thực tại khôn dò, hoặc chỉ phải dừng lại ở bề mặt của sự hiện diện thô sơ.
- Điểm thứ tư là từ chính lời thơ của Hölderlin: “những gì bền vững là do thi sĩ thiết lập nên” (ix). Những gì tưởng như vững bền, thường trụ trong thế gian đều cần được “thiết lập nên, nếu không, chúng sẽ bị chìm lấp, lẫn lộn trong mớ hỗn mang”. Để sự vật hiển hiện ra cho ta, ta phải đứng vào vùng ánh sáng thích hợp. Như thế, con người không chỉ thụ động ngồi nhìn sự vật chung quanh, rồi gọi tên chúng. Ngược lại, chính thi sĩ đặt têncho chúng, và chỉ có việc đặt tên này mới thiết lập nên sự vật. Sự vật và bản thân Tồn tại không bao giờ phơi bày mà phải được sáng tạo và thiết lập. Thi sĩ có vai trò trung tâm trong sự hiện hữu của con người (x).
- Và sau cùng, điểm thứ 5, lại từ một câu thơ khác của Hölderlin: “con người sống trên đời như một thi sĩ” (xi). Sống như một thi sĩ là sống giữa lòng những gì thiêng liêng, vừa ẩn giấu, vừa vẫy gọi, mang ta đến gần bản chất của sự vật. Sự hiện hữu được thi sĩ tạo dựng và thiết lập là một quà tặng được ban cho ta, bên ngoài quyền năng của cá nhân mỗi người. Cũng thế, thi ca không chỉ là một trò chơi với những từ ngữ và ngữ pháp đã có sẵn, trái lại, cấu tạo nên bản chất của ngôn ngữ, qua đó, cấu tạo nên cả mối quan hệ của một dân tộc với vận mệnh lịch sử của mình. Thi sĩ không tái tạo cái khả kiến, trái lại, làm cho nó trở nên khả kiến. Đó cũng là ý của Hölderlin khi nói về Oedipus, nhân vật thần thoại đã tự móc mắt mình: “Có lẽ đức vua Oedipus có thừa một con mắt!”. Như Heidegger nhận xét: có lẽ Hölderlin cũng có thừa một con mắt! Hölderlin là thi sĩ củathời đại khốn khó, khi thế giới cũ không còn mà thế giới mới chưa đến. Sự điên loạn của nhà thơ là kết quả của sự canh giữ cô đơn, của việc sáng tạo nên những sự thật mới mẻ, dù không mấy ai hay biết. Như thế, trong thời kỳ này, Heidegger đánh giá cao chất lượng tư tưởng trong thơ Hölderlin: thi sĩ thiết lập nên những nhu cầu thiết yếu và nghiêm trọng, với “sứ mệnh” khôi phục lại những gì đã suy tàn, gãy đổ của một thời vàng son quá khứ (như nền “nghệ thuật lớn” của “hệ hình Hy Lạp”) (xii).
Heidegger viết những lời mạnh mẽ: “Công việc của chúng ta là mang lại quyền lực cho Hölderlin”. Nói cách khác, ở đây, thi sĩ và triết gia không còn phân biệt về sứ mệnh; họ chỉ khác nhau ở tính cách và phương tiện: một bên dùng lối ẩn dụ, ít nhiều tối tăm, một bên sử dụng khái niệm minh nhiên, sáng sủa. Hölderlin là quan trọng, nhưng chưa phải với tư cách là nghệ sĩ mà như là triết gia: “đứng trên đỉnh núi cao của thời đại, thấu hiểu quá khứ và dự phóng tương lai”. Ta dễ dàng liên tưởng đến thời kỳ đầu của Bùi Giáng Mưa Nguồn, của Bùi Giáng, Heidegger và tư tưởng hiện đại…
“Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại
Giữa hư vô em giữ nhé ngần này…”

Sau một Nietzsche bơ vơ, “mất quê hương”, Heidegger muốn nhìn thấy nơi Hölderlin hình ảnh và lời kêu gọi của kẻ “quy hồi cố quận”, tìm lại được quê hương đã mất.
2. Thi sĩ - Triết gia
Vào thời kỳ muộn, qua việc giảng giải các tụng ca Như trong ngày Lễ hội và Hồi tưởng (Bùi Giáng: Lễ Hội Tháng Ba, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008), Heidegger cho thấy một bước nhận thức sâu hơn về Hölderlin chung quanh bản chất và trách vụ của thi ca. Lần đầu tiên, Hölderlin đích thực xuất hiện “trên cơ bản là nhà thơ” (wesentlich als ein Dichter/essentially as a poet) vì Heidegger thừa nhận rằng ông đã được Hölderlin “dạy dỗ” về bản chất của thi ca theo ngôn ngữ của cái BỐN (Trời, Đất, Con người và Thần linh).
- Tụng ca Như trong ngày Lễ hội (1800) (xiii) là mới mẻ, phong phú khi mô tả sự nghèo nàn tinh thần của thời đại mà Hölderlin gọi là sự thiếu vắng lễ hội. Trong Hồi tưởng (xiv), ta lắng nghe những nhớ tưởng của thi sĩ về “những giấc mộng vàng” (Bùi Giáng: “Giấc vàng long lanh”) trong những “lễ hội” đã qua. Lễ hội là gì? Là ra khỏi nhịp điệu nhàm chán thường ngày. Là ra khỏi vòng kìm tỏa của sự “hữu ích”, “hữu dụng” để sống đích thực là chính mình. Trong thời đại của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, con người bị “đóng khung” (Gestell), khiến cho sự “ưu tư” (Sorge/Care) khó trở thành sự ưu tư đích thực. Thời hiện đại không thể có “lễ hội”, vì ta không còn từ ngữ, không còn ngôn ngữ để làm việc ấy nữa (Bùi Giáng: “Tôi bước qua từ ngữ rụng hai lần”). Đó là cảm thức sâu sắc rằng bản chất cao nhất của thi ca, của người “thi sĩ tương lai” như nói trước đây không thể đạt tới được nữa :
“Đạp thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi Tảo Mộ đà cáo chung”

Bùi Giáng

- Vậy phải làm gì khi “hệ hình Hy Lạp” của nền “nghệ thuật lớn” cổ đại là bất khả phục hồi, một đi không trở lại? Trong Xây Ở Suy Tư (1951), Heidegger cho rằng: ta không thể làm cho thần linh quay trở lại, mà chỉ còn có thể “chăm lo” (schonen) và “chờ đợi” sự lai đáo ấy. Trong Thi sĩ là gì trong thời khốn khó?, khi bình giảng về tụng ca Bánh và Rượu của Hölderlin, Heidegger thấy cần thiết phải tạo nên một “bầu khí” (Ether) thích hợp để đón đợi và làm chỗ cư lưu cho “ thần linh”, bởi “chỉ còn có thần linh mới có thể cứu vớt chúng ta”. “Thần linh” ở đây không được hiểu như là sức mạnh siêu nhiên mà như là những kích thước mới cần được khám phá cho sự hiện hữu của con người. Sự đón đợi ấy là sự chuẩn bị ở trong tư thế lẫn sự chuyển hóa ở trong tâm thức. Heidegger viết: “Là thi sĩ trong thời đại khốn khó có nghĩa là: đón đợi, hát ca, dõi theo sự vẫy gọi của thần linh. Đó là lý do tại sao người thi sĩ trong đêm trường tối tăm của thế giới [Bùi Giáng: “thế dạ”] lại tỏ bày sự linh thánh. Đó là lý do tại sao, trong ngôn ngữ của Hölderlin, đêm trường của thế giới lại là đêm thánh thiêng” (xv). Ta biết rằng, thời hiện đại được gọi là “đêm tối”. Ở thời kỳ đầu, Heidegger đọc Hölderlin qua hình ảnh một đêm trường đầy tối tăm, bế tắc (Siêu hình học nhập môn, tr. 46). Bây giờ, đi sâu hơn, hình ảnh mới lại là hình ảnh của “Tửu thần Dionysos ngao du ca hát trong đêm thánh”. Trên con đường Quy hồi cố quận, bây giờ Hölderlin lại trải nghiệm đêm tối như cái gì “thanh sạch”, “hân hoan”, hay, nói như ngôn ngữ Bùi Giáng, trong “hồn ca vũ địa”.
Tóm lại, khi thử đặt Bùi Giáng vào trong mối quan hệ mật thiết với Heidegger và Hölderlin, qua đó soi sáng phần nào hành trạng, suy tư và sáng tác của ông, ta thấy Bùi Giáng là một trường hợp khá đặc biệt, hiếm có: không chỉ tiếp thu nguồn thi ca, tư tưởng vốn xa lạ theo nghĩa thâm cảm, tri kỷ mà còn tự dấn mình thực hiện trọn vẹn như một biểu trưng: “Trút linh hồn dường như thể như thân”. “Biết ít, vui nhiều, ấy là tặng vật, cho người phù du” (xvi). Bùi Giáng không muốn ai bắt chước mình. Nhưng có lẽ ông muốn mình được đọc, được hiểu như một dấu hiệu của sự TỰ DO trong “thời khốn khó”. Quả thật, Bùi Giáng,  trên cơ bản, là một nhà thơ”.
14.9.2013
Bùi Văn Nam Sơn
NGUỒN: Tham luận tại Tọa đàm Khoa học về Bùi Giáng ngày 14.9.2013 tại Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM.
(i) http://www.talawas.org/
(ii) Martin Heidegger: Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung/ Elucidations of Hölderlin’s Poetry/Minh giải Thi ca Hölderlin, bản tiếng Anh của Keith Hoeller, New York, 2000, tr. 13 và trong The Heidegger Controversy: A Critical Reader, ed. R. Wolin, Cambridge, Mass, 1993: “Tư tưởng của tôi ở trong mối quan hệ quyết định với thi ca của Hölderlin” (tr. 112).
(iii) Martin Heidegger: Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung, Gesamtausgabe, Band 4, Vittorio Klostermann, Frankfurt am Main, 1981.
(iv) Martin Heidegger: Der Ursprung des Kunstwerkes, Reclam 1960, 2008 (BVNS dịch và chú giải, sắp xuất bản).
(v) Bùi Giáng: Lễ Hội Tháng Ba, NXB Văn hóa Sài Gòn, tái bản 2008, tr. 7 và tiếp.
(vi) Martin Heidegger: Hölderlin und das Wesen der Dichtung/ Hölderlin và bản chất của thi ca, Toàn tập, Tập 4, tr. 47.
(vii) F. Hölderlin: “Dichten: diss unschuldigste aller Geschäffte” (III, 77), Sđd. Tr. 31.
(viii) “Darum ist der Güter Gefährlichsten, die Sprache dem Menschen gegeben… damit er zeuge, was er sei…” (IV, 246), Sđd. Tr. 31.
(ix) F. Hölderlin: “Was bleibt aber, stiften die Dichter” (IV, 63), Sđd. tr. 31.
(x) Chuồn chuồn, Châu chấu, Rừng Marylin, Biển Bardot, Ngành Novak, Đóa John Keats, Miền Hà Thanh, Ngành Mật niệm, Đóa U linh, Hồng lĩnh Hạc lâm, Quỳnh Lai Thị Xứ, Nghìn thu Cổ lục, Ngày Hy Nga, Đêm Bé Chị, Hoa trên Ngàn, Sóng Hồng Hoang, Thềm dục vọng… (xem thêm: Mai Thảo, Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng, trong nhiều tuyển tập)
(xi) “Voll Verdienst, doch dichterisch wohnet Der Mensch auf dieser Erde” (VI, 25) Sđd. tr. 31.
(xii) Bùi Giáng: Hư vô và Vĩnh viễn (Mưa Nguồn): “Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa”.
(xiii) F. Hölderlin: “Wie wenn am Feiertage…”, trong M. Heidegger: Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung/Giảng giải Thơ Hölderlin, Toàn tập, Tập 4, tr. 49 và tiếp.
(xiv) F. Hölderlin: “Andenken”, nt, tr. 79 và tiếp.
(xv) Thi sĩ để làm gì?/ Wozu Dichter? / What are poets for? Bản tiếng Anh trong Poetry, Language, Thought, London 1975, tr. 94.
(xvi) F. Hölderlin: “Zu wissen wenig, aber der Freude viel, Ist Sterblichen gegeben…” (IV, 240)/To know little, but of joy much Is given to mortals. Heidegger dùng làm đề từ cho phần bình giảng về Tụng ca“ Quy Hồi Cố quận/ Gửi người thân thuộc” (Heimkunft/ An die Verwandten) của Hölderlin. Sđd. tr. 13, Bùi Giáng: Lời Cố Quận, An Tiêm 1971, tr. 30.
Bùi Giáng: Thơ phơi giữa nắng
Huỳnh Như Phương
Cách đây 15 năm, ngày 7-10-1998, nhà thơ Bùi Giáng phủi nợ trần gian sau một cơn tai biến mạch máu não. Đêm trước ngày tiễn ông về nghĩa trang Gò Dưa, giới văn nghệ Sài Gòn tụ tập ở vãng sanh đường chùa Vĩnh Nghiêm, hát và đọc thơ ông. Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trong khuôn viên Trường Đại học Văn khoa ngày trước, để tưởng nhớ ông.
15 năm qua, hình ảnh Bùi Giáng ngày càng hiện ra đậm nét và tròn đầy trong ký ức văn học của đất nước. Từ ngày hòa bình đến nay, sau Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam, có lẽ Bùi Giáng là tác giả có nhiều tác phẩm được tái bản, đa dạng về thể loại; thơ, tiểu luận văn học, biên khảo triết học, sách giáo khoa, dịch thuật… Theo một thống kê chưa đầy đủ, sách của Bùi Giáng đã xuất bản trong nước và ngoài nước gồm có 25 tập thơ; 26 công trình nghiên cứu triết học, phê bình văn học; 16 dịch phẩm. Đó là chưa kể hiện nay di cảo thơ của ông còn được cất giữ tản mát trong sưu tập của những người yêu thơ, thỉnh thoảng lại được công bố ra ở nơi này nơi khác nhưng chưa được tập hợp đầy đủ. Vì vậy, mặc dù chồng sách Bùi Giáng để lại nay đã cao lắm, nhưng chắc còn lâu nữa những nhà nghiên cứu mới có thể nói đến một “Toàn tập Bùi Giáng”. Có thể nói, đời sống văn học Việt Nam chịu một cái ơn lớn đối với lao động nghệ thuật và học thuật của ông. 
Theo Sơ lược tiểu truyện Bùi Giáng do nhà văn Đặng Tiến soạn, Bùi Giáng quê gốc làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; sau gia đình dời sang làng Thanh Châu bên cạnh và ông sinh ở đó ngày 17-12-1926. Thân phụ là ông Bùi Thuyên, tục danh là Cửu Tý; thân mẫu là bà Huỳnh Thị Kiền, người vợ kế. Cả hai đời vợ, ông Cửu Tý có đến 12 người con, Bùi Giáng thứ năm, nói theo người miền Nam là Sáu Giáng. Bùi Giáng từng làm câu thơ vui:
Có ông Cửu Tý họ Bùi.
Đẻ ra Bùi Giáng đuổi ruồi không bay.
Lớn lên ông đi học ở Hội An, Điện Bàn, vào Quy Nhơn rồi ra Huế, đậu bằng thành chung, sau đó tiếp tục theo học bậc tú tài ở Bồng Sơn và Hà Tĩnh, có lúc về làng Trung Phước chăn dê. Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Giáng tham gia một đơn vị bộ đội công binh, theo lời kể của nhà thơ Tường Linh, một người học trò và đồng hương của ông. Ông lập gia đình với bà Phạm Thị Ninh, nhưng bà mất sớm. Sau khi chịu tang vợ, vì mắt kém, sức khỏe yếu, ông xin xuất ngũ rồi vào Sài Gòn làm nghề dạy học. Từ 1952, Bùi Giáng ở Sài Gòn, vừa dạy Việt văn và Pháp văn cho các trường trung học, vừa làm thơ, soạn sách giáo khoa, dịch văn học Pháp và nghiên cứu văn học, triết học. Năm 1969, sau một vụ hỏa hoạn thiêu rụi bản thảo, tranh và sách báo ở nhà trọ, Bùi Giáng phát bệnh tâm thần, phải vào điều trị ở Dưỡng trí viện Biên Hòa. Từ đó cho đến khi qua đời, ông vừa là thi nhân, vừa là bệnh nhân. Ông sống trong thế giới của riêng ông nhưng vẫn không mất cảm giác về thực tại : đất nước, chiến tranh, hòa bình… Đặc biệt, ông là một người điên hiền lành, không làm hại ai và sức sáng tạo vẫn dồi dào cho đến những năm tháng cuối cùng.
Nguyễn Minh Châu có lần nói rằng Nguyễn Tuân là cả một định nghĩa về người nghệ sĩ. Trong ý tứ ấy, có lẽ nhà văn muốn nhấn mạnh đến tính độc đáo của Nguyễn Tuân, người mà cách sống và cách viết không hề giống ai và cũng không ai giống được. Không thể lấy Bùi Giáng để định nghĩa về người nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, nhưng nói về tính độc đáo thì Bùi Giáng không thua gì, thậm chí có thể nói đó là một “ca” đặc biệt, độc nhất vô nhị, của văn học Việt Nam cả về đời người và đời văn, làm nên căn cước của một văn tài không có “thẻ căn cước”.
Vậy cái độc đáo của Bùi Giáng là ở chỗ nào? Nhiều người đã viết về điều này với những phân tích và dẫn chứng thuyết phục. Nhân đây, cũng xin nói thêm rằng, trong lịch sử tiếp nhận văn học Việt Nam đương đại, ít có tác gia nào gợi cảm hứng cho nhiều bài viết hay như Bùi Giáng. Hai cuốn sách Bùi Giáng Trong cõi người ta và Đười ươi chân kinh nói lên điều đó. Kế thừa ý kiến của những nhà nghiên cứu đi trước, dưới đây chúng tôi xin nêu lên một số đặc điểm khái quát nói lên sự độc đáo của văn và người Bùi Giáng.
Thứ nhất, thơ và người Bùi Giáng là sự kết hợp giữa thiên nhiên nguyên sơ, hoang dã và nhịp đời phố thị. Tuổi thơ Bùi Giáng trải qua một vùng thiên nhiên hào phóng ruộng đồng, non nước, cỏ cây dọc sông Thu Bồn, dưới chân núi Cà Tang. Thơ lục bát của Bùi Giáng hóa kiếp và cho đầu thai để tái sinh cả những cánh bướm, cánh chuồn chuồn, con kiến, con vi trùng, sâu bọ cùng hoa hoang cỏ dại qua ngôn ngữ hiện đại. Ông thi vị hóa và biểu tượng hóa những năm tháng theo đời Tô Vũ những ngày Trung Phước đó. Nhưng ông cũng sớm nhập vào cuộc sống đô thị, bắt đầu từ Hội An, Huế, rồi Sài Gòn:
Anh đi về đô hội.
Ngó phố thị mơ màng.
Ông như một cái cây bị bứng khỏi phù sa Thu Bồn, vất giữa đất Sài Gòn, tưởng thung thổ lạ lẫm mà vẫn hút được dưỡng chất phồn hoa để tồn tại. Những ai từng gặp ông quần áo tả tơi, thổi tu huýt, cầm tàu lá chuối chỉ hướng cho xe cộ ngược xuôi ở một ngã tư giữa trưa nắng Sài Gòn, sẽ thấy sự kết hợp kỳ lạ giữa hình ảnh người nhà quê và văn minh đô thị. Ông vừa lạc lõng giữa đất Sài Gòn lại vừa muốn là một tế bào - tuy là tế bào dị thể - của nó. Thơ ông không dửng dưng với “những đèn khuya phố thị”, “những chiều hôm phố thị”. Có lúc ông tự tránh mình: 
Bây giờ tôi đã quên xưa 
Sài Gòn cám dỗ tôi chưa chịu về. 
Điều kỳ diệu là Bùi Giáng ngao du sơn thủy mà vẫn như trụ chân một chỗ. Sau 37 năm ông mới trở lại quê nhà, nhưng thật ra ông đã có bao chuyến về tâm thức, đúng hơn, chân ông đi xa mà tâm ông còn ở lại: 
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.
Thứ hai, gắn liền với kết hợp Quê - Phố đó là một kết hợp khác trong sự nghiệp Bùi Giáng: kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, Đông phương và Tây phương. Từ một làng quê xứ Quảng, giã từ bầy dê từng được ông choàng hoa và đặt tên, Bùi Giáng và những trang từ điển của ông mở lối lên thành phố và đi ra nhân loại. Rồi ra Trung Niên Thi Sĩ không chỉ thân thiết với Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà…; mà còn làm quen với những tâm hồn xứ lạ của Martin Heidegger, Saint-Exupéry, Gérard de Nerval, André Gide, Albert Camus… Ông chơi với cái cổ điển nhất cũng hết mình như chơi với cái tân kỳ nhất. Ông yêu Thúy Vân trong vẻ đẹp truyền thống nhưng cũng tụng ca Thúy Kiều trên nền nhạc hiện sinh. Nhưng dù là truyền thống hay cách tân, Bùi Giáng vẫn hướng về những giá trị vĩnh cửu. Với ông, cái tĩnh tại uy nghi trường tồn như núi Ngự muôn đời bên bờ sông Hương là đẹp, đồng thời cái biến dịch muôn sắc huy hoàng cũng là đẹp, miễn là chúng ta vĩnh cửu hóa nó bằng nghệ thuật. Nếu làm một thống kê từ vựng trong thơ Bùi Giáng, sẽ thấy rằng bảng pha màu ngôn ngữ của ông đa dạng biết bao ; những từ cổ kính, nghiêm trang đan kết với những từ tân thời, nghịch ngợm. Trục chọn lựa của ông phong phú, đa dạng mà trục kết hợp thì bất ngờ, kỳ lạ. Bản dịch Terre des hommes có nhiều nhan đề tiếng Việt : Giá trị con người, Quê xứ con người, Đất của con người… nhưng phải nhận rằng cái nhan đề do Bùi Giáng lấy từ câu thơ Kiều là hay nhất: Cõi người ta. Tương tự như vậy, theo thiển ý, Hoàng tử bé vẫn hay hơn Cậu hoàng con, Chú bé hoàng tử hay Cậu bé con nhà trời… Có lúc ông tặng cho bạn đọc cả hai nhan đề của cùng một cuốn sách; ai thích thân mật, suồng sã thì chọn Trường học đờn bà; ai muốn nghiêm cẩn, đài các thì lấy Thục nữ học đường. Nếu dùng một từ thời thượng hiện nay là “mở cửa”, “hội nhập”, thì ông nhà quê Bùi Giáng là người “mở cửa”, hội nhập” sớm hơn ai hết. Việc ông giỏi chữ Hán, tiếng Pháp thì không khó hiểu. Nhưng chỉ mười năm ở Sài Gòn, không qua trường lớp nào, mà ông thông thạo tiếng Anh, có thể đọc Shakespeare trong nguyên tác, và am hiểu một cách chuẩn xác, sâu sắc, khi đọc, dịch, trích dẫn Friedrich Hölderlin, Martin Heidegger, như sự xác nhận qua kiểm chứng trong thực tế của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, thì quả là một năng lực ngôn ngữ thâm hậu. 
Thứ ba, một đối cực khác được kết hợp trong tác phẩm và con người Bùi Giáng là sách vở, nhà trường trang nghiêm với cuộc đời nắng gió, bụi bặm, xô bồ. Đó cũng là kết hợp giữa quy cách và phá cách. Xuất thân Bùi Giáng là nhà giáo, ông viết những lời trân trọng về các thầy giáo cũ của mình: Lê Trí Viễn, Cao Xuân Huy, Trần Đình Đàn, Hoài Thanh, Đào Duy Anh... Ông vào trường thi, thi rớt, phải thi lại để có tấm bằng. Nhưng ông cũng sẵn sàng bỏ trường mà đi khi thất vọng về nó. Khi viết sách giáo khoa, ông viết rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết. Khi sáng tác, viết khảo luận và dịch thuật, ông để dòng ý thức của mình lôi ngòi bút đi miên man bất tận. Khó ai nói là đã hiểu đúng, hiểu hết ý tứ của ông, trong thơ và cả trong tiểu luận. Dịch Cõi người ta và Hoàng tử bé, ông có thể thêm vào những câu văn của chính mình để quảng diễn tư tưởng của tác giả, miễn là không trái nghịch với nó, như sự phân tích của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc. Say Truyện Kiều, nên ông tập Kiều rất nhanh để diễn giải một hiện tượng văn học khác, chẳng hạn ông nói về tác phẩm Sylvie của G. de Nerval mà ông dịch là Mùi hương xuân sắc:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Màu Sylvie đã nhuộm màu thời gian
Dặm hồng bụi cuốn chinh an 
Trông vời lịch sử quan san nghiêng mày.
Sách vở giúp Bùi Giáng trở thành trí giả; cuộc đời và số phận biến ông thành hiền giả. Người trí giả phải chịu lép vế trước người hiền giả trong ông. Điều thú vị là chưa nghe ai nói đến học giả Bùi Giáng, như cách dùng phổ biến lâu nay để chỉ những người chuyên sâu về một lĩnh vực học thuật như ông. Người và văn ông không để cho những chuẩn mực câu thúc, ý văn ông tràn ra ngoài những ranh giới của Lý trí, vì ông tin vào Heidegger: “Tư tưởng chỉ bắt đầu tư tưởng, là lúc chúng ta đã lịch nghiệm lĩnh hội được rằng cái Lý trí, vốn từ ba thế kỷ được xiển dương, xưng tụng, chính nó là thù địch ngoan cố nhất của Tư tưởng”. Và như vậy tư tưởng của ông đi theo đường dây của nó, nhảy từ Nerval đến Shakespeare, nhảy từ Shakespeare đến Nguyễn Du, nhảy từ Nguyễn Du đến Gide, rồi lại từ Gide nhảy đến Saint-Exupéry… Qua cái bề ngoài phi lô-gích, văn bản của ông thách đố người đọc đi tìm sự mạch lạc nội tại của nó.
Thứ tư, đứng về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn, nhập nhòa giữa thực và mộng, giữa tỉnh và mê. Thực và mộng, tỉnh và mê không có ranh giới rõ ràng mà thực hòa trong mộng, tỉnh hòa trong mê và ngược lại. Cô Mọi nhỏ, nàng Brigitte Bardot, em Marilyn Monroe, nường công chúa trong rừng…, đó là thực hay mộng, vậy mà ông thầm thì trò chuyện ? Người ta có thể làm thơ trong khi điên, khi mê ; nhưng điên và mê mà viết tiểu luận, biên khảo có được không ? Có những trang thơ, trang sách Bùi Giáng viết như lên đồng, như viết tự động, viết trong giấc thụy du.
Theo lời kể của gia đình, bệnh án Bùi Giáng có ghi ông mắc bệnh “tâm thần phân liệt dạng sáng tạo chữ”. “Máu cuồng và hồn điên” phải chăng là một tố chất nghệ sĩ? Điên là cách thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào trong một thế giới huyễn ảo của tâm hồn. Nói cách khác, điên là lìa xa thế giới của người, ẩn sâu vào thế giới của mình, không còn bị gò bó, vướng bận. Từ khi được/bị xem là điên, Bùi Giáng thong dong đi tiếp con đường của mình, không phải chiều lụy gia đình, xã hội ; không ai và không điều gì có thể níu kéo, làm phiền ông nữa. Điên như Bùi Giáng có hai cái lợi. Một mặt, ông không tùy thuộc vào đời sống vật chất, không theo những quy ước thông thường của con người xã hội. Mặt khác, ông có thể phóng mình vào thi giới của mình, một thi giới mang ít nhiều ảnh tượng của hiện thực nhưng lại do chính ông tái tạo và chế biến. Có thể nói ông là đấng toàn năng, là hoàng đế trong thế giới của riêng ông.
Thứ năm, lao động nghệ thuật của Bùi Giáng là sự kết hợp giữa nghĩ, viết và chơi. Có lẽ ông không phải là “ phu chữ ”, như cách nói của Lê Đạt, mà là “ người nghịch chữ ”. Ngay trong khi nghĩ, ông đã nghịch ngợm những con chữ và khi viết ra thì thực sự là ông bày trò chơi trên trang giấy. Bao vấn đề suy tư triết học, tư tưởng văn học hóc búa, rối rắm, ông diễn đạt tuy rườm rà mà đọc vẫn thấy vui, nhiều khi ta chưa hiểu hết ý của ông mà không thấy mệt óc. Ông là bậc kế tục thượng thừa những trò chơi chữ, nói lái của văn hóa dân gian, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tú Quỳ… Người ta ít thấy trong văn Bùi Giáng vẻ nghiêm nghị, cau có của người tin rằng mình đang nói những điều quan trọng hay đang phát ngôn cho chân lý.
Thứ sáu, đây là điều tế nhị mà cũng khó phân tích đầy đủ, ngôn ngữ Bùi Giáng là sự kết hợp giữa tục và thanh, tục mà thanh, thanh mà tục, trong tục có thanh, trong thanh có tục. Tôi e là sẽ đi quá xa nếu dùng khái niệm ẩn ức của phân tâm học để giải thích sự say mê từ ngữ có tính chất sinh thực khí, nhiều khi đến độ lẳng lơ, của Bùi Giáng. Nhưng đó là một thực tại ngôn từ trong văn bản của ông. Nhiều khi những khái niệm triết lý uyên áo được biểu đạt bằng một từ mà với cách nói lái, người đọc hồ nghi về sự nghiêm túc của nó. Thay vì tìm đường tránh né bằng cách viết tắt, hay lộ liễu nói ra sự vật không che đậy như các nhà văn trẻ bạo liệt hiện nay, Bùi Giáng dùng cách nói lái, có lẽ vì ông cho rằng cách này sẽ không làm mất đi sự vang lên của âm thanh trong tiếp nhận của người đọc, lại vang những hai lần theo hai lối ngược và xuôi. Hẳn nhiên, như đã nói, ông không phải là kẻ khai phá hay sáng chế thú chơi chữ này, nhưng có lẽ ông là người phát huy nó mạnh mẽ và cuồng nhiệt nhất.
Tuy nhiên, Bùi Giáng lại hiếm khi gắn cái sự nghịch ngợm đó khi phác vẽ hình tượng những người nữ yêu mến của ông. Tình yêu của ông với những người nữ ngoài đời hay trong tưởng tượng, từ Cô mọi nhỏ đến những bậc nữ lưu danh giá như Phùng Khánh, Kim Cương, Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot… đều là tình yêu thánh hóa, tình yêu trong ý niệm theo kiểu Platon. Những khát khao dục tính chìm khuất dưới lớp từ ngữ nhiều ẩn dụ. Thành ra Bùi Giáng không ưa làm một thứ văn chương sạch sẽ quá, nhưng văn chương ông vẫn là sang trọng, tục mà không thô.
Sáu đặc điểm đó nói lên rằng Bùi Giáng là một thứ của lạ, của hiếm trong văn học Việt Nam. Ông là thứ quả mà cây văn chương chỉ kết được một lần. Thiên tài bao giờ cũng là một bí ẩn. Hàn Mặc Tử là bí ẩn. Bích Khê là bí ẩn. Nhưng Hàn Mặc Tử chôn kín đời mình trong trại phong Quy Hòa, Bích Khê giam thân trên con đò Trà Giang, mặc cho người đời tìm cách suy đoán, giải mã thế giới nghệ thuật của họ. Bùi Giáng, trái lại, phơi mình giữa nắng gió cuộc đời, rong chơi bất tận giữa đám đông người mà vẫn là bí ẩn trước mắt thiên hạ.
Ai ở Sài Gòn những năm 70, 80, 90 mà không một lần gặp Trung Niên Thi Sĩ. Trên những con đường quanh chợ Trương Minh Giảng. Trước cổng trường Đại học Vạn Hạnh. Trong sân chùa Già Lam. Giữa các con hẻm quanh co của Xóm Gà Gia Định. Chúng tôi có bốn năm là hàng xóm của ông ở Xóm Gà. Một buổi trưa nắng gắt, tôi chạy xe về hẻm 482 Lê Quang Định, thấy ông nằm như thiu ngủ trên một đống cát nhà ai đang xây, bóng cây không che hết gương mặt teo tóp đọng nắng của ông. Vài tờ giấy viết dở vương vãi bên cạnh. Tôi dừng xe lại, chưa biết làm gì ; nhặt giúp ông những tờ bản thảo sắp bay đi hay đánh thức gọi ông vô nhà. Giữa lúc tôi còn phân vân, thì Bùi Giáng, mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng linh cảm có người bên cạnh, đưa bàn tay lên xua qua xua lại, ngầm bảo rằng : hãy đi chơi chỗ khác đi, đừng quấy rầy ông, hãy để ông yên với cơn mê của ông, thế giới của ông.
Chúng ta nói nhiều, viết nhiều về Bùi Giáng, nhưng có lẽ chúng ta vẫn là người xa lạ đối với ông. Cuộc tọa đàm này cần cho chúng ta, để chúng ta thêm một lần đón nhận ông, đón ông về lại với không gian văn hóa này, thậm chí, có thể nói, một cách nào đó là chuộc lỗi với ông, bởi có lần ta đã lạnh nhạt, nếu không muốn nói là xua đuổi ông. Thử tưởng tượng bữa nay Bùi Giáng tinh anh nghe nói có tọa đàm về ông ở trường đại học. Chắc ông sẽ lò dò đến đây, leo lên cầu thang, đứng ngoài cửa ngó vào, nghe lấy đôi câu, rồi hấp háy đôi mắt dưới cặp kính dày cộp mà lẩm bẩm : “ Các con cứ ở đó mà tọa đàm đi, Trẫm rong chơi đây! ”.
Dẫu có như thế, chúng ta cũng đừng phật ý. Ta hãy đáp lại ông bằng ngôn ngữ của chính ông: “Vui thôi mà, thưa Trung Niên Thi Sĩ”.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Nguồn: Tham luận tại Tọa đàm khoa học về Bùi Giáng,
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM, 14.9.2013.
Vài bức tranh mới được tìm thấy của Bùi Giáng




"Vui thôi mà"
"Vui thôi mà"
"Vui thôi mà"
"Vui thôi mà"
Phan Nguyên
Theo http://phannguyenartist.blogspot.com/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...