Tiểu thuyết Đọa đầy của nhà văn Vi Hồng
Tiểu thuyết Đọa đầy của nhà văn Vi Hồng (1936 -
1997) là một thế giới mà ở đó có cả cái đẹp, cái xấu; cái thiện, cái ác;
cái yêu thương và cái đáng căm giận. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái
ác bao giờ cũng quyết liệt nhưng cuối cùng cái thiện cũng chiến
thắng cái ác. Hãy yêu thương và biết yêu thương cái đẹp, cái cao cả,
đồng thời hãy đem hết sức mình ra để diệt trừ cái xấu, cái thấp hèn.
Đây chính là triết lý sống và cũng là tâm niệm của nhà văn Vi Hồng trong quá
trình sáng tạo nghệ thuật của ông.
1. Đọa đầy là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà
văn Vi Hồng (1936 - 1997). Tác giả hoàn thành nó tại xóm Bờ Ao - thành phố Thái
Nguyên vào mùa Xuân năm Giáp Tuất (1994) và được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc,
Hà Nội ấn hành vào năm 1997. Qua tiểu thuyết Đọa đầy người đọc có thể
thấy được quy luật của sự tương sinh, tương khắc; của cái hữu hạn với cái vô hạn;
của cái kết thúc với cái bắt đầu. Và trên hết là cảm nhận được một triết lý
nhân sinh mà một nhà văn, một nhà giáo đã đúc kết gửi lại cho đời.
2. “Hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, nhất
là những con người đẹp, cao cả, đồng thời đem hết sức mình ra diệt trừ cái ác,
kẻ ác” (Vi Hồng - Ngả văn chương). Đây chính là tâm niệm của nhà văn
trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó trở thành một nguồn mạch cảm xúc chảy
suốt trong các tác phẩm của ông.
Tiểu thuyết Đọa đầy là một thế giới mà ở đó có cả
cái đẹp, cái xấu; cái thiện, cái ác; cái yêu thương và cả cái đáng căm giận. Ở
xứ mường Nặm Khao có những con người hiền lành, chân thật, cả tin, đáng trân trọng
nhưng cũng có những kẻ độc ác, gian trá, lừa lọc đáng lên án. Ở đâu có cái đẹp
sinh ra thì ở đó cũng có những cái xấu xuất hiện ngăn trở. Và khi cái xấu lộng
hành thì đó cũng là lúc cái tốt, cái đẹp xuất hiện khắc chế… Cuộc đấu tranh giữa cái
thiện và cái ác bao giờ cũng quyết liệt, nhiều khi đến mức khốc
liệt.
Với cái nhìn sắc sảo của một nhà văn hoá, cái tinh tế của
một nhà văn và cái nhân bản của một nhà giáo, Vi Hồng đã thể hiện
cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác; cái cao cả với cái
thấp hèn thông qua các hệ thống nhân vật đại diện cho: bóng tối và ánh
sáng; cái đẹp và cái xấu.
Đại diện cho cái đẹp, cái cao cả trong tiểu
thuyết Đọa đầy là các nhân vật: Đào Tha Đát, Lài Cải, Ki Nọi, Quỳnh
The, Ki Eng, Bội Hoan… Họ là những con người hoàn thiện cả hình thức lẫn tâm hồn:
đàn ông thì to khoẻ, hiền lành, chịu khó, thông minh, ham học; đàn bà thì xinh
đẹp, thuỷ chung, nhân hậu…
Đào Tha Đát là một biểu tượng của người đàn ông khoẻ mạnh,
chăm chỉ cần mẫn với công việc. Và trên hết, ông là một người có tấm lòng bao
dung. Theo Tha Đát, con người “trước hết phải lấy tấm lòng làm gốc, lấy đức
độ con người làm nguồn mạch. Mọi cái đều có thể bị đổ vỡ, tiền bạc, vàng ngọc
có thể chất đống trong nhà và cũng có thể mất hết nhưng có cái đạo làm người một
cách tốt đẹp thì không bao giờ mất”. Cái đẹp tâm hồn của người đàn
ông này đã để lại ấn tượng tốt cho mọi người. Ông có lòng tin ở mọi người xung
quanh. Khi bị rơi vào cảnh tù đày (vì có kẻ chôn thuốc phiện, giấu truyền đơn
chống chính quyền trong nhà ông, vu tội cho ông), ông vẫn không nghĩ ra ai mà
thù ghét. Ra tù, trở về với gia đình ông “cảm thấy mình mất hết cơ nghiệp
và địa vị của dòng họ là do những con người trước kia ông quý nhất. Đó là thằng
Đăm Đông và tảo Pá Ngạn. Nhiều người nói cho biết như vậy. Nhưng dù sao ông vẫn
nửa tin nửa ngờ”. Có lẽ “những con người thật thà như vợ chồng ông
Đào Tha Đát thì không thể hiểu được nỗi nham hiểm của lòng người. Bởi ông bà
không thể tưởng tượng được những thủ đoạn, những hành động của con người lại có
thể độc ác đến mức độ ấy”…
Ki Nọi là chàng trai mạnh mẽ “tính khí kiên cường, nghị
lực rắn giỏi”; thông minh “có đủ chữ trong bụng để mà đọc thông, viết
thạo”. Anh không chỉ có sức mạnh giết hổ dữ mà còn có thể “cất tiếng lượn
làm nhiều cô gái mê hồn”. Ki Nọi luôn biết đâu là phải, là trái. Anh nói với Bội
Hoan: “Bầu trời hạnh phúc của chúng ta có trong xanh hay không. Vầng hạnh
phúc của chúng ta có nở hoa bảy sắc hay không, tất cả đều ở anh”….
Những người phụ nữ trong Đọa đầy có một vẻ đẹp kỳ lạ.
Bà Lài Cải“ là bông hoa “vặc viền”…”; Quỳnh The “đẹp như một nàng
tiên rực rỡ, như một đoá hoa tiên, hoa thánh nơi vách đá, bốn mùa tắm gội giữa
mây trời”; Bội Hoan “đẹp như một bông hoa rơi lạc vào dòng trái khoáy
của mường Nậm Khao”… Ẩn chứa bên trong vẻ đẹp thánh thiện ấy là sự trong
trắng, đức hy sinh… Bà Lài Cải chấp nhận cuộc sống bị đọa đày, nhục
nhã vì sự bình yên cho những đứa con bé bỏng; Bội Hoan mạnh dạn từ bỏ người cha
độc ác chạy theo tiếng gọi của tình yêu chân chính. Quỳnh The cố gắng vượt qua
mọi thử thách để chứng minh “Sức mạnh tuyệt vời của tình yêu lý tưởng sẽ
không bao giờ chết. Trăm thằng Pá Ngạn, nghĩa là một trăm thằng độc ác hợp sức
lại cũng chẳng thể giết được tình yêu và hạnh phúc đã tan chảy và hoà quyện giữa
âm và dương, giữa đực và cái, giữa trai và gái”. Cái đẹp về tâm hồn ấy đã
tạo cho họ có một sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, đớn đau…
Có thể nói nhà văn Vi Hồng đã dành hết tình cảm yêu thương và
trân trọng để ca ngợi họ, viết về họ. Viết về cái thánh thiện.
Bên cạnh cái đẹp, cái thiện, bao giờ cũng có cái xấu, cái ác.
Vi Hồng đã phơi bày đến tận cùng cái xấu, cái ác trong xã hội thực
dân, phong kiến ở vùng miền núi phía Bắc những năm trước Cách mạng tháng Tám. Ở
đó cường quyền và thần quyền cấu kết chặt chẽ với nhau để
ăn tươi, nuốt sống những kiếp người nô lệ.
Nói đến lũ cường quyền (chúa mường, quan phủ), Vi Hồng muốn
nhấn mạnh đến lũ người độc ác, tham lam, vũ phu, dốt nát như La Đăm Đông, Xu
Đai…
Độc ác dường như là điều không thể thiếu trong con người
La Đăm Đông. Bởi vì: “… họ La là họ độc ác. Độc ác từ ông tổ ông tông, không sống
ở quê hương cũ được, nên mới chạy đến mường Nặm Khao xin họ Đào cư ngụ và đùm bọc”. “Những
người họ La, con trai cũng như con gái thường xấu xí không tật nọ cũng khuyết
kia. Người ta bảo vì họ La là một họ độc ác từ trong xương máu, không thể sửa đổi
được. Cho nên trời phạt. Những người họ La tính tình độc ác, nói năng thô tục”.
La Đăm Đông là điển hình của sự tham lam, ti tiện. Vì tiền, lão có thể làm những
việc bất nghĩa với những người đã cưu mang lão. Lão gắp lửa bỏ tay người bằng
cách: chôn thuốc phiện, bỏ truyền đơn vào nhà Đào Tha Đát… Lão ty tiện đến mức
muốn chiếm đoạt thể xác của người phụ nữ một thời là chủ của hắn (khi người đàn
bà này đang rơi vào tình cảnh bế tắc). Hắn nói với bà Lài Cải:“… ta chẳng thiếu
gì gái trẻ và xinh đẹp. Ta chỉ muốn thưởng thức bà để bù lại những ngày ta còn
là “tua khỏi” của bà. Bà là bông hoa “vặc viền” nơi vách núi cao xa vời vợi đối
với tôi.
Nay tôi phải xem, phải thấy tận mắt đóa hoa “vặc viền” một thời tôi mơ ước và khát khao”. Lão không chỉ độc ác với người bên ngoài mà còn độc ác hơn cả thú vật với cả người thân của lão. “Lão sai các “tua khỏi” đem con gái nhốt vào buồng kín, khoá trái cửa lại”. Lão nhẫn tâm đến mức bắt mụ Pá Tàm “đem đứa con có bộ mặt âm dương” vừa mới sinh của lão “xuống đổi lấy đứa con của Lài Cải xinh đẹp và thông minh”.
Nay tôi phải xem, phải thấy tận mắt đóa hoa “vặc viền” một thời tôi mơ ước và khát khao”. Lão không chỉ độc ác với người bên ngoài mà còn độc ác hơn cả thú vật với cả người thân của lão. “Lão sai các “tua khỏi” đem con gái nhốt vào buồng kín, khoá trái cửa lại”. Lão nhẫn tâm đến mức bắt mụ Pá Tàm “đem đứa con có bộ mặt âm dương” vừa mới sinh của lão “xuống đổi lấy đứa con của Lài Cải xinh đẹp và thông minh”.
Song hành với cường quyền là thần quyền. Tảo
Pá Ngạn đã thể hiện đầy đủ bản chất lừa đảo, tàn bạo của những kẻ đội lốt thần
thánh làm những điều bất nhân, bất nghĩa. Cái con người có “cặp môi dày và
trề ra như một cái máng con” đã từng một thời tung hoành đến mức khiến cho
nhiều người ở mường Nặm Khao tin rằng: “… chỉ có tảo Pá Ngạn là có tiếng linh
thiêng hơn cả, có tài phù phép hơn mọi thày mo”. Nhưng thực chất Pá
Ngạn cũng“chỉ biết chút ít chữ Nho, đủ để viết những tờ phướn, tờ bướu, tờ bài
vị…trong các cuộc hành lễ chữa bệnh hay đám ma”. Hắn “chẳng có mũi
“kim xương” nào cả, chẳng có phù phép nào cả”. Hắn chỉ có “mưu mô rắp tâm
làm hại hay bày đặt mưu mẹo để kiếm tiền mà thôi”. Và đặc biệt hơn khi hắn“nghĩ
được một âm mưu nhưng chưa kịp thực hiện thì hắn đã nghĩ đến một âm mưu
khác”.
Cường quyền và thần quyền bám chặt vào nhau để
hút máu những con người hiền lành, vô tội. La Đăm Đông và tảo Pá Ngạn là một cặp
song trùng. “Một thằng tảo đầy mưu mẹo và gian trá để lừa lọc thiên hạ lấy
tiền, lấy gạo… với một thằng chẩu mường mù chữ và hung bạo cười nói với nhau
thoả thê làm nghiêng ngả cả buổi chiều tím bầm rừng núi” là hội tụ của cái
ác, cái xấu…
Mặc dù nói về “Cái thời ấy chẳng còn gì là chân lý với lẽ
phải. Những người sống thật hầu hết rơi vào bi ai, kẻ đa mưu túc kế, đổi trắng
thay đen, uốn éo tấc lưỡi thì trở nên giàu có, sung sướng như bậc vương giả” nhưng
cách cắt nghĩa và lý giải về nó ở nhà văn Vi Hồng vẫn hướng đến một chân lý:
chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về lẽ phải cho dù phải trải qua những đắng cay.
Đào Tha Đát giành lại được vị trí chúa mường, gia đình đoàn tụ nhưng ông đã phải
trải qua những tháng ngày oan ức trong chốn lao tù, gia đình tan nát, vợ con
phiêu bạt. Bà Lài Cải đoàn tụ với chồng nhưng phải trả giá bằng những
tháng ngày nhục nhã, ê chề và thằng con tật nguyền… Ki Nọi, Bội Hoan có được hạnh
phúc cũng phải trải qua những tháng ngày lặn lội giữa rừng sâu, núi thẳm, chống
chọi với thú dữ, mất cả đứa con đầu lòng. Ý chí, nghị lực, tình yêu sẽ giúp cho
Ki Nọi, Bội Hoan vượt lên được tất cả. “Kể cả việc đánh đuổi hổ, giết hổ, luyện
tập con vật trở nên hiểu con người, giúp đắc lực cho con người trong cuộc sống.
Cái chân lý đơn giản và vô cùng dễ hiểu ấy ai cũng biết cả. Nhưng lại chẳng mấy
ai làm được”. Nhà văn Vi Hồng như muốn nhấn mạnh rằng: Cái giá phải trả
cho hạnh phúc càng lớn thì người ta cảm thấy nó càng có ý nghĩa hơn, đẹp hơn.
Phải sống với tận cùng của cảm xúc thì người ta mới cảm thấy hết được giá trị của
cái đẹp.
Một khi cái đẹp, cái thánh thiện đã thắng thế
thì cái xấu, cái ác không còn chỗ tồn tại. La Đăm Đông và Pá Ngạn phải
trả giá cho những tội ác của mình bằng những cái chết đau đớn, nhục nhã. Đăm
Đông đã chết bởi chính bàn tay Tha Moóc, thằng con có bộ mặt âm dương mà
lão nhẫn tâm đổi nó để lấy đứa con của Lài Cải. La Đăm Đông đã chết. “Tuy mấy thằng
nô lệ vẫn còn thấy hai cặp môi tái nhợt của hắn vẫn mấp máy. Con mắt hắn vẫn
không nhắm được. Chắc là lão muốn nói lời cuối cùng xám hối cùng trời đất mường
Nặm Khao, nhưng đã quá muộn”.
Pá Ngạn còn nhục nhã hơn. Hắn “giật thót mình quay lại nhìn, miệng kêu lên những tiếng vừa như kêu cứu lại vừa như tiếng gọi” khi tảo Xu Mi xuất hiện, vạch trần bộ mặt lừa bịp của hắn. Và rồi “Con mắt lão Pá Ngạn không biết động đậy, quai hàm lão cứng lại không nói được nữa”. “Đến khi Quỳnh The xuất hiện, lão Pá Ngạn ngất xỉu như kẻ đã chết. Vì người ta không còn thấy lão thở nữa”.
Pá Ngạn còn nhục nhã hơn. Hắn “giật thót mình quay lại nhìn, miệng kêu lên những tiếng vừa như kêu cứu lại vừa như tiếng gọi” khi tảo Xu Mi xuất hiện, vạch trần bộ mặt lừa bịp của hắn. Và rồi “Con mắt lão Pá Ngạn không biết động đậy, quai hàm lão cứng lại không nói được nữa”. “Đến khi Quỳnh The xuất hiện, lão Pá Ngạn ngất xỉu như kẻ đã chết. Vì người ta không còn thấy lão thở nữa”.
Ảnh hưởng
sâu sắc của triết lý dân gian (nhân nào quả ấy; ác nhân, ác giả; gieo gió,
gặp bão; trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu…) nhà
văn thường tổ chức các biến cố, các sự kiện và xây dựng các nhân vật theo đúng
quy luật của nó. Vì vậy, phần lớn các biến cố, sự kiện và nhân vật trong tiểu
thuyết của nhà văn Vi Hồng đều đi đến một kết thúc có hậu. Cái thiện,
cái đẹp sẽ chiến thắng; cái ác, cái xấu sẽ thất bại… Tuy nhiên,
trong tiểu thuyết Đọa đầy của nhà văn Vi Hồng đã có sự vận động và
thay đổi (dù còn ít) về những vấn đề triết lý nhân sinh xưa, nay. Theo Vi Hồng
không phải bao giờ cái ác cũng sinh ra cái ác (La Bội Hoan là
con La Đăm Đông lại không độc ác giống cha; Thu Ly con của Pá
Ngạn mà không nham hiểm như bố) và không phải bao giờ gần mực cũng đen,
gần đèn cũng rạng (Đăm May ở với gia đình Đăm Đông mà vẫn
giữ được cái thiện; Tha Moóc ở với gia đình Tha Đát nhưng vẫn không mất
đi cái ác). Theo Vi Hồng, cái thiện, cái ác; cái tốt, cái xấu có
trong bản tính mỗi con người.
Bàn về những vấn đề luân lý, đạo đức xã hội, nhà văn Vi Hồng
luôn có cái nhìn biện chứng, không rơi vào tình trạng khuôn mẫu như một số nhà
văn khác. Ông phân tích, lý giải và thể hiện nó một cách giản dị, mộc mạc và cụ
thể nhưng hết sức chặt chẽ. Chẳng hạn: “Con người phải biết làm để của cải
như mạch nguồn chảy ra từ mười đầu ngón tay, đó mới là của cải không bao giờ cạn.
Còn của ăn cướp hay của trời cho dù có cao như núi thì vẫn lở” hay “Chỉ
có giàu có lên thì mới thành người tốt đẹp được. Cố nhiên sự giàu có ấy không
phải bằng sự giết người hay bằng sự ăn cướp mà có”.
Chính vì điều này mà tiểu thuyết Đọa đầy của Vi Hồng
có sức thuyết phục và có sức hấp dẫn đối với người đọc.
3. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Vi Hồng nói chung và tiểu
thuyết Đọa đầy nói riêng đã khẳng định một triết lý sống và sáng tạo
nghệ thuật của ông. Ông luôn luôn đi tìm cái đẹp, cái thật trong cuộc sống và
đưa nó vào trong văn chương. Nói về cái đẹp bao giờ nhà văn cũng thể hiện một
thái độ trân trọng, ngợi ca. Vi Hồng luôn“yêu thương những cái đẹp, nhất là những
con người đẹp, cao cả”. Ông dành những từ ngữ đẹp nhất để ca ngợi con người. Vì
cái đẹp, Vi Hồng đã mạnh dạn đấu tranh với cái xấu,“đem hết sức mình ra diệt trừ
cái ác, kẻ ác”. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác là
một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, đòi hỏi phải có sự hy sinh nhưng chân lý
bao giờ cũng thuộc về lẽ phải, thuộc về cái chân, thiện, mỹ. Điều này
được minh chứng rõ rệt trong tiểu thuyết Đọa đầy.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, 1997, Nhà văn Việt
Nam hiện đại, Nxb. Hội Nhà văn Việt Nam, HN.
2. Vi Hồng, 1994, Ngả văn chương, Tạp chí văn học số
9/1994.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét