Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Hoa phượng nở báo hiệu mùa hè về

Hoa phượng nở báo hiệu mùa hè về
Hoa phượng nở báo hiệu mùa hè về, mùa thi đến cũng là lúc chia tay của thời học sinh… Phượng vẫn còn lưu luyến lắm… Những chùm hoa cuối mùa như cố níu lại một thời học sinh, một thời nông nổi dại khờ và cũng rất lãng mạn…
Mùa hè và hoa phượng
Mời các bạn đến với nỗi nhớ nhung của một thời học sinh! Những mùa hoa của ký ức!.
Phượng là biểu tượng cho thời hoa mộng đơn sơ, Phượng là đặc trưng cho vương vấn ngày hè.
Màu đỏ thật tươi nổi bật trên nền lá xanh mượt mà, còn gì đẹp hơn, hỏi hết các chị đã một thời nữ sinh áo trắng có ai chưa từng bối rối, vò nát cánh Phượng trong tay, có ai chưa từng nhặt những cánh phượng ép thành hình bướm tặng nhau?
Phượng vỹ gắn liền với cái tuổi học trò đầy mộng mơ, với biết bao nhiêu kỷ niệm của một thời áo trắng cắp sách đến trường. Nhặt những cánh hoa về, ép vào tập làm “bướm phượng” để tặng cho nhau. Có lẽ vì gắn bó với tuổi thơ và mái trường như vậy nên hoa phượng còn được xem như hoa học trò.
Mùa hè về hoa phương nở báo hiệu mùa thi đến và cũng là mùa chia tay: có những người chia tay thầy giáo, bạn bè và mái trường dấu yêu để đến với cấp học mới, trường học mới, có người lại chia tay với mối tình đầu lãng mạn và ngây thơ …
Bao nhiêu cảm xúc vui buồn ấy để lại những dấu ấn và kỷ niệm không thể phai mờ của thời học trò hồn nhiên. Văng vẳng đâu đây bài hát quen thuộc: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?” trong ca khúc “Phượng hồng” lại hát nghêu ngao mỗi khi hè về.
Phượng hồng
by Kelukhach
Tiếng Ve Mùa Phượng
Tác giả: Nguyễn Công Toàn
Bất chợt trong vòm lá
Một tiếng ve ngân dài…
Tiếng ve vang rộn rã
Đẩy mặt trời lên cao
Phượng ơi sao cứ đỏ
Cho lòng thêm vấn vương
Cho dịu dàng áo trắng
Bay bay khắp nẻo đường.
Tiếng ve, màu phượng thắm
Như nhắc nhở điều gì?
Một mùa thi đang đến,
Một nỗi buồn chia ly…


YÊU RỒI TÌNH KHÚC NGỌT NGÀO THÁNG BA!
Thơ: Toàn Tâm Hòa
Anh về phượng nở tháng ba
Bóng mùa Hạ cũng vừa qua bên đường…
Chiều rơi những ánh tà dương
Dập dìu áo trắng rợp đường… phố xa
Em kiều diễm tựa tiên sa
Giỏ xe chở cả tháng ba phượng hồng
Hồn anh ngơ ngẩn phiêu bồng
Im nghe một khúc tơ lòng nao nao
Không gian chiều hạ lao xao
Lá me rơi đã vướng vào tóc mây
Mình anh lạc giữa chiều say
Ngắm nhìn áo trắng vờn bay giữa dòng
Óng a óng ánh mây hồng
Phía chân trời rực một vòng tím mơ
Quay đều vòng đạp nên thơ
Rung rung nhịp đập tim lờ mờ… yêu
Sài Gòn chiều hạ liêu xiêu
Ta đưa tay chạm bóng chiều đi qua
Uống bao nồng ấm tháng ba
Vân về một khúc tình ca dạt dào
Xa em áo trắng… khi nào!?
Yêu rồi tình khúc ngọt ngào tháng ba!.
Ngày 25/3/2016



TẠM BIỆT THÁNG BA!
Thơ: Trọng Diện
Lưu luyến gì tháng ba dấu yêu nhỉ?…
Tiết trời nồm, âm ỉ những ngày mưa
Mưa trong lòng se sắt buồn dư thừa
Hoa xoan nở như mới vừa hôm qua
Tháng ba đi, phố cũng thêm nhạt nhòa
Nghe đâu đó khúc ca sầu than thở
Tháng tư kia liệu người xa còn nhớ,
Mảnh trăng quê ấp ủ mỗi đêm về...?
Tháng ba qua, ta vẫn nhớ hẹn thề
Vương vấn mãi đêm quê cùng dạo bước
Ghé vai nhau lặng thầm chung mộng ước
Đời dâu bể nào có được niềm mong...?
Tháng ba xa, ào ào con sóng lòng
Biển nhớ ấy trào dâng… nào ai biết
Tháng ba ơi! Càng thêm yêu da diết
Dù xa lắm… biền biệt tận chân mây!.

Về Ði Em
Về đây em ta thăm ngôi trường cũ
Cây bàng già buông lá rũ chờ em
Hàng phượng vỹ tuôn hoa đỏ ngập thềm
Đón gót chân những ngày xưa lưu luyến
Về đây em ta thăm lại bờ biển
Chiều xưa nào sóng vỗ nhịp yêu thương
Gió rì rào trêu chọc đôi má hường
Dạo cung đàn bài ca xuân muôn thuở
Về đây em ta thăm lại xứ sở
Ngắm hàng dừa xanh mướt lá đong đưa
Con đường nhỏ mình đi về sớm trưa
Đang thổn thức chờ bước chân yêu dấu
Về đây em cho tim tình hòa tấu
Bài ca yêu dang dỡ mấy mùa trăng
Cho bờ môi khát khao được một lần
Trao chiếc hôn ngọt ngào hương say đắm
Thương Hoàng

Những cánh hoa phượng đỏ rụng trải đầy trên con đường vắng gợi cho ta nhớ về bao k‎ý ức đẹp đẽ của tuổi học trò.
Source: Wiki & Internet
Hè Về
Uploaded by  Tran Quoc To

Hoa Học Trò
Tác giả: Xuân Diệu
Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang.
Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực. Mỗi hoa chỉ là một phần tử của cái xã hội thắm tươi; người ta quên đóa hoa, chỉ ngó đến cây, đến hàng, đến những tàn lớn xòe ra, trên dậu khít nhau bằng muôn ngàn con bướm thắm.
Ấy là lời kêu kỳ bí của mùa hè; trong nắng chói chang, mùa hè thét lên những tiếng lửa.
Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui, mới thực là nỗi niềm bông phượng. Một làn gió hẩy tới; từng đợt sóng rào rào trên biển hoa….
Người ta hay trồng phượng ngoài thành và trong thành; và người ta hay trồng phượng trong các sân trường. Vì sao? Nhưng dù trồng ở đâu, cũng chỉ có bọn học sinh yêu và hiểu hoa phượng nhất. Hoa phượng là hoa học trò. Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường một ngày hai buổi! Còn ai có linh hồn tươi thắm để chan hòa cùng với phượng thắm tươi?
Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e; dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên màu lá phượng.
Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây báo ra một tin thắm : mùa hoa phượng bắt đầu! Đến giờ chơi, học trò ngạc nhiên nhìn trông : hoa nở lúc nào mà bất ngờ dữ vậy!
Bình minh cùa hoa phượng là một màu đỏ còn non, nếu có mưa, lại càng tươi dịu. ngày xuân dần đến, số hoa tăng, màu cũng đạm dần. Rồi hòa nhịp với mặt trời chói lói, màu phượng mạnh mẽ kêu vang; hè đến rồi!
Khắp thành phố bỗng rực lên, như đến tết nhà nhà đều dán câu đối đỏ.
Sớm mai thức dậy, cậu học trò vào hẳn trong mùa phượng; thôi, nghĩ hè sắp đến đây!
Mùa thi cử sắp đến!
Thi cử cho các anh sắp ra trường, lười biếng cho các em còn ở nhiều năm.
Sự học một bên căng, một bên chùng, đều ghi dấu hoa phượng. Các em ngồi trong lớp làm bài, tay không muốn chạy nhanh. Vì gần nghỉ, nên các em nghỉ ngay từ lúc còn chưa nghỉ. Phượng đỏ thế kia mà! Khắp các cành đều có hoa; hoa nở, hoa rơi, hoa bay, đến cả ngoài vườn xa không có cây mà cũng có hoa phượng.
Các chàng trẻ vui tay nhặt cánh phượng trên cỏ xanh, lẩn thẩn như bùi ngùi. Có người bỏ vào sách ép, có người bỏ cả vào thư gửi đi. Hoa phượng tươi, tươi nhưng mà tươi quá quắt; hoa phượng đẹp, nhưng mà đẹp não nùng. Ai xui hoa phượng nhiều như vậy? Ai dạy cho hoa phượng cái màu xa xăm? Phượng vui; cái vui tươi như là làm cho thái quá để che cái sầu uất.
Cái sầu nghỉ hè, vâng, nhất là đối với những chàng sắp ra trường, mà trước khi ra, phải trải một cuộc thi. Những chàng ấy chăm ngay từ đầu năm; đến lúc hoa phượng đậm màu, lại càng gấp gáp. Vài chàng bấy lâu nhác biếng, nay cũng bị màu hoa phượng đẩy cho ở sau lưng.
Phượng hồng, phượng đỏ, phượng xác pháo, phượng cứ nở, các anh cứ cố học; sắc phượng mệt mỏi lắm sao! Thật đúng với lòng các anh, gắng sức nhưng mà buồn bã. Các anh đã nghĩ đến hè, đến lúc ra trường, đến ngã ba đường phải chọn hướng đi, đến cuộc đời đang rình các anh mà chụp bắt.
Rồi một hôm, trống đánh: các anh ngồi thi. Ôi, bài văn bí quá, bài tính nghĩ mãi không ra, các anh toát mồ hôi, ngó quanh quẩn như cầu cứu; nhìn ra cửa sổ, thấy bóng phượng ở ngoài sân! Rồi kẻ đậu thì bỏ mặc bông phượng mà vui vầy; kẻ hỏng buồn riêng một mình, bạn bè cũng không, chỉ biết thở than cùng bông phượng.
Họ đi giữa đường, dẫm xác bông phượng; họ ngồi thơ thẩn, bông phượng cũng rụng bên mình. Bàn tay mân mê bông phượng, cái sắc đỏ ám ảnh, đỏ một cách tức tối, đỏ một cách tuyệt vọng.
Phượng cứ nở. Phượng cứ tơi. Bao giờ cũng có hoa phượng nở. Nghỉ hè đã đến. Học sinh sửa soạn về nhà. Nhà chưa về, cái vui gia đình đâu chửa thấy, chỉ thấy xa trường, rời bạn; buồn xiết bao! Những cuộc tình duyên giữa bạn bè, đến lúc rẽ chia, cũng rẽ chia dưới màu phượng; dù hữu tâm, dù vô tình, người nào cũng có sắc hoa phượng nằm ở trong hồn. Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt… Nhớ một bãi biển sóng chấp chóa…
Nhớ một trưa hè gà gáy khan…Nhớ một thành xưa son uể oải…Thôi học trò đã về Huế, hoa phượng ở lại một mình. Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường. Hè đang thịnh, mọi nơi đều buồn bã, trường ngủ, cây cối cũng ngủ. Chỉ có hoa phượng thức để làm vui cho cảnh trường. Hoa phượng thức, nhưng thỉnh thoảng cũng mệt nhọc, muốn lim dim. Gió qua, hoa giật mình, một cơn hoa rụng.
Cứ như thế, hoa học trò thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút xa bọn học sinh! Hoa phượng rơi, rơi… Hoa phượng mưa. Hoa phượng khóc. Trường tẻ ngắt, không tiếng trống, không tiếng người. Hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ. Ba tháng trời đằng đẵng. Hoa phượng đẹp với ai, khi học sinh đã đi cả rồi.
Thế là ba tháng qua. Hoa phượng gần xong cái bổn phận của mình. Từng trận, từng cơn, hay từng đóa, từng cánh, phượng đã trải hết mùa hè, thu sang như trút cả gánh hoa, học sinh về đây! Hoa phượng chỉ, còn lưa thưa, lẻ tẻ; ôi các anh em, chúng tôi đã nở đẹp lắm, các anh không đến sớm mà xem, chúng tôi nhớ các anh mà rụng hết rồi, bây giờ còn mấy bông hoa là để dành chờ các anh, chứ đáng lẽ đã rụng tiệt cả.
Anh em học trò nhìn lên cành phượng: lúc đi phượng nở, lúc về, phượng rơi lại, cánh sẫm mục nát. Trên cành, cái vui bông phượng tuy cuối mùa mà đằm thắm biết bao! Hết cái gắt gỏng bề bộn mùa hè, bây giờ hoa phượng lưa thưa, cuộc tình duyên đã dời sang thu, có lẽ vì vậy mà hoa phượng ấm lên gấp bội.
Vài hôm nữa, hoa phượng sẽ nghỉ, sẽ yên lặng để cho anh em học, anh em cố học đi, tìm hái bông lài, bông lý, kiếm ngửi hoa ngâu, hoa hồng; anh em học cho hay, hoa phượng sẽ gặp các anh lúc cuối năm, trong lời chia ly, rẽ rời, và lại nói cùng các anh cái tâm sự thiết tha của mùa hè.
Xuân Diệu




Hoa Học Trò
(Duy Quang và Ngọc Lan)
Người Thầy
Uploaded by Com Nuoc
Sept 10/10/ 2015
Thanh Vân
Nguồn: thanhlinhvien-wordpress
Theo https://tamnhinrong.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...