Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Con người khát khao hạnh phúc trần thế trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

Con người khát khao hạnh phúc 
trần thế trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
Đọc Thơ chữ Hán của Nguyễn Du - THIÊN TÀI MẸ (Bùi Mạnh Nhị) của văn học Việt Nam - chúng ta sẽ bắt gặp “rất nhiều Nguyễn Du trong một Nguyễn Du”: Một con người “có con mắt trông thấy sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân); “con người cô đơn, xót mình đầy tâm trạng” (Trần Đình Sử); “con người tự thương mình” (Mai Quốc Liên); con người khát khao hạnh phúc trần thế…Có thể thấy con người khát khao hạnh phúc trần thế cũng  là một kiểu nhân vật trữ tình ẩn hiện bàng bạc qua các tập thơ Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục của ông.
Các nhà nghiên cứu văn học xưa nay đã từng nhận định rằng than thân, thương thân, xót thân là một trong những chủ đề văn học phổ biến của thơ trữ tình dân gian và thơ ca trung đại Việt Nam. Thời đại của Nguyễn Du, cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ thứ XIX, “thời đại thức tỉnh của chữ thân” (Trần Đình Sử), quan niệm thương thân, xót mình trong thơ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du... đã có một sự nhảy vọt: thân như một thực thể hoàn chỉnh của sự sống, có nhu cầu tồn tại độc lập, có khao khát được thỏa mãn, được hưởng thụ. Quan niệm ấy đã vươn tới sự cân bằng, hòa hợp giữa cái chung và cái riêng, giữa con người vũ trụ và con người đời thường, giữa nhận thức và xúc cảm, lý trí và bản năng…
Tự thương cho cuộc đời già yếu, bệnh tật lại phải kéo lê thân phận tha hương trong gió bụi, lạnh lẽo, do vậy, con người trong thơ Nguyễn Du thường suy ngẫm, khát khao tìm kiếm những lạc thú cuộc đời. Một cuộc sống thực sự, theo tác giả Truyện Kiều, là vui, là sinh thú, là tiếng cười (Đã không biết sống là vui - Kiều). Bản thân chưa có, chưa tạo được niềm vui, nhà thơ thường “nhìn người ta sung sướng” mà ao ước. Đó là hình ảnh ông hàng xóm say sưa với be rượu và hai quả cam (Xuân nhật ngẫu hứng), an nhàn với xe nhỏ, ngựa hèn (Mạn hứng I); người bạn về quê cũ trăng trong, gió mát (Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam qui), người hái củi; người đánh cá cười ngạo nghễ trong cỏ nội, khói hồ (Thôn dạ); chàng thiếu niên đi săn có thịt ngon, rượu quý (Hành lạc từ I); người nằm khểnh bên song cửa sổ phía bắc (Ký hữu); trẻ mục đồng cưỡi trâu ung dung (Lạng Sơn đạo trung); cô láng giềng cười nói ngây thơ (Mộng đắc thái liên III); người cao sĩ vui với đàn, với rượu; cô gái cài hoa cúc xem hội (Thương Ngô trúc chi ca XI)… Những niềm vui này xem ra đều là những niềm vui mộc mạc, bình thường của phần lớn những con người giản dị, bình thường. Ấy vậy mà cái tôi trữ tình trong thơ cũng không có được, đành phải ao ước!
Trong số những con người vui vẻ kia,  có lẽ, hình ảnh chàng trai trẻ đi săn có thịt ngon, rượu quí là gần gũi với con người trong thơ hơn cả (nhà thơ từng tự xưng mình là Hồng sơn liệp bộ - phường săn núi Hồng). Không phải ngẫu nhiên mà thay vì nhắc thoáng qua nhà thơ lại dành hẳn hai bài khá dài trong nhị thủ (hai bài cùng tên) và đặt cho nó một cái nhan đề bay bổng: “Hành lạc từ”. Giọng điệu thơ thực sự sảng khoái, một trong không nhiều nốt nhạc vui của suốt ba tập thơ gần như làm theo điệu “thanh thương” (âm điệu buồn nhất trong ngũ âm của nhạc cổ - chú thích Sơ thu cảm hứng II), hình ảnh thơ giàu cảm giác của con người biết hưởng thụ, cách nói phóng đại, lôi cuốn…bài thơ giúp chúng ta hình dung cụ thể, sinh động con người “cuồng phóng” thời trẻ của nhân vật trữ tình:
- Nam sơn đa hương mi,         Núi phía nam lắm nai hương,
Huyết nhục cam thả phì           Huyết thơm thịt lại béo.
Kim đao thiết ngọc soạn          Dao vàng thái thành món ăn quí,
Mỹ tửu lũy bách chi                  Rượu ngon uống hàng trăm chén.
Nhân sinh vô bách tải              Đời người ai sống trăm tuổi,
Hành lạc đương cập kì            Vui chơi nên kịp thì.
Vô vi thủ bần tiện                     Tội gì giữ nếp nghèo nàn,
Cùng niên bất khai mi              Suốt năm không mở mặt mở mày.
Hữu khuyển thả tu sát             Có chó cứ giết ăn thịt
Hữu tửu thả tu khuynh            Có rượu cứ uống cho hết (Hành lạc từ I)
- Hảo hoa vô bách nhật           - Hoa đẹp không được trăm ngày,
Nhân thọ vô bách tuế              Người sống lâu mấy ai trăm tuổi.
Thế sự đa suy di                     Chuyện đời lắm đổi thay,
Phù sinh hành lạc sự              Sống kiếp phù sinh nên cứ vui chơi.
Tịch thượng hữu kỹ kiều như hoa  Trên tiệc có gái đẹp như hoa,
Hồ trung hữu tửu như kim ba    Trong vò có rượu quý như nổi sóng vàng.
Thuý quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp Tiếng thúy quản, tiếng ngọc tiêu khi mau                                                                                             
khi chậm,
Đắc cao ca xứ thả cao ca  Được dịp hát to cứ hát cho to. (Hành lạc từ II)
(Phiên âm, dịch nghĩa của Trương Chính và Lê Thước)
Không chỉ con người trẻ tuổi mới ham lạc thú, người già cũng thích tìm kiếm những niềm vui cuộc đời. Uống rượu là một trong những lạc thú của người đời xưa nay và cái tôi trữ tình trong thơ cũng hay nhắc đến lạc thú này. Trong ba tập thơ, rượu hiện diện đến 16 lần. Đáng chú ý là hình ảnh rượu thường có mặt ở kết thúc bài thơ (11 lần). Người xưa thường cho rằng cái hay của một bài thơ thường đọng ở câu kết. Những câu kết về rượu trong thơ Nguyễn Du hé mở cho chúng ta nhiều điều về quan niệm nhân sinh của nhân vật trữ tình. Con người trong thơ, ngay từ những năm bước vào “tam thập nhi lập”, đã thầm ao ước có những giây phút vui vẻ, ung dung như ông lão hàng xóm với be rượu, quả cam (Xuân nhật ngẫu hứng). Ao ước được say suốt ngày (Đối tửu); được mua rượu hoài không chán (Tạp thi II), “đầu giường luôn có nậm rượu đầy như cũ” (Tái thứ nguyên vận) cũng chỉ là khát khao được hưởng thụ một trong những thú vui bình thường của những người bình thường. Bởi vì đời người nhiều lắm chỉ là trăm năm, thời gian lại nhanh tựa bóng câu vút qua cửa sổ, những vòng quay cuối cùng của đời anh sắp đến rồi vậy thì “khuyên anh uống rượu rồi vui chơi” (Hành lạc từ II). Nếu “lúc sống  không uống rượu cạn trong bầu” thì chết rồi “có thể uống được một giọt rượu nào trong tiết trùng dương không?” (Mạn hứng). Rượu có thể làm hồng sắc mặt kẻ “đa bệnh đa sầu”, làm ấm lòng người tha hương, có thể giúp ta quên đi “việc đời như mây nổi”, lánh xa hư danh, giữ gìn “thiên tính (Đào hoa đàm Lý Thanh Liên cựu tích), vui niềm vui cùng quê nhà (Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An), tỏ lòng thành với người xưa (Thương Ngô mộ vũ)… Có thể thấy nhân vật trữ tình không uống rượu như một người hưởng thụ thực sự. Vì tuổi già? Vì bệnh tật triền miên? Vì đói nghèo? Chắc có cả ba lý do trên. Con người trong thơ chưa bao giờ là con người hưởng thụ mà chỉ khao khát hưởng thụ hạnh phúc trần thế. Đằng sau câu chuyện uống rượu là quyền sống, quyền được hưởng thụ hạnh phúc trần thế của những con người bình thường, là cả chiều sâu văn hóa bao gồm văn hóa ẩm thực, văn hóa nhân cách, văn hóa tâm linh…
Nhân tìm hiểu về con người khát khao hạnh phúc trần thế trong thơ chữ Hán của nhà thơ tài hoa, đa tình Nguyễn Du, chúng tôi cứ băn khoăn mãi trước một loạt bài thơ miêu tả người đẹp rải rác suốt ba tập thơ. Có thể kể ra: cô gái kéo nước ngày xuân (Sơn thôn); cô gái hái sen (Mộng đắc thái liên III), người đẹp cách tường cao (Ngẫu thư công quán bích I); cô bé cài hoa vàng (Thương Ngô trúc chi ca XI); những cô thiếu nữ quần là áo lụa, tóc búi cao, cài trâm thúy (Thương Ngô trúc chi ca XIV); cô gái người Hồ tay ngọc (Quảng Tế ký thắng)… Giải thích điều này như thế nào đây? Họ không phải là những phụ nữ danh tiếng cũng chẳng phải là những người đàn bà tài hoa, bất hạnh - những kiểu người phụ nữ thường gặp trong thơ Nguyễn Du. Họ chỉ là những mỹ nhân. Cái nhìn của nhân vật trữ tình đối với họ dễ thấy là cái nhìn thích thú, ngưỡng mộ, say mê thậm chí có cả cái nhìn điên đảo! Trong cái nhìn này chắc là có chứa đựng quan niệm của con người trung đại về cặp “tài tử - giai nhân” vốn là cơ sở cho công thức kết cấu truyện Nôm ( Hội ngộ - Lưu lạc - Đoàn viên). Là một nhà nho tài tử, chủ thể trữ tình quan tâm đến giai nhân là điều dĩ nhiên. Nhưng có lẽ không phải không có cái nhìn hưởng thụ của con người thị dân hướng về vẻ đẹp của phụ nữ. Cái nhìn hưởng thụ này rồi sẽ phát triển, bùng nổ trong Phong trào Thơ mới. Phân biệt hai cái nhìn của thơ xưa và Thơ mới, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã tung ra một câu nói khá táo bạo đối với đương thời: “… Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh” [2]. Con người trung đại thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, tìm thấy ở thiên nhiên những hứng thú và lạc thú. Con người hiện đại vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên vừa ngắm nhìn vẻ đẹp con người, đặc biệt là vẻ đẹp của người phụ nữ bởi họ ý thức rằng biết thưởng thức vẻ đẹp phụ nữ cũng là biết hưởng thụ một trong những lạc thú cuộc đời chứ sao!. Có lẽ phải lý giải như thế mới cắt nghĩa được vì sao trong số những phụ nữ danh tiếng, tài hoa, bất hạnh mà nhà thơ tìm hiểu, ngợi ca lại có khá nhiều người đẹp như vậy. Dương Quý Phi, Ngu Cơ, Chiêu Quân, nàng Tiểu Thanh, người ca nữ đất La Thành, người hầu cũ của em, cô Cầm ở đất Long Thành… đều đẹp. Người vợ hiền được gọi là mỹ nhân (Mỹ nhân bất tương kiến - Ký mộng), những người bạn gái trước đây đều là những cô gái xinh đẹp ( Tương thức mỹ nhân khan bão tử - Những cô gái xinh đẹp quen biết nay đều ẵm con - Thăng Long I). Thậm chí nhìn cây thuỳ dương nhân vật trữ tình lại liên tưởng đến người đẹp trong tranh:
- Thùy dương môn ngoại họa trung nhân (Quảng Tế ký thắng)
(Cây thùy dương ngoài cửa như người đẹp trong tranh)
Miêu tả kiểu người khát khao hưởng thụ hạnh phúc trần thế kết hợp với một số kiểu người khác trong thơ chữ Hán Nguyễn Du như con người tha hương, luân lạc; con người tráng khí nguội lạnh, chán chường công danh; con người tóc bạc đáng thương; con người bệnh hoạn, bất lực… như nhiều nhà nghiên cứu con người trong thơ Nguyễn Du xưa nay từng lý giải phải chăng nhà thơ lớn của dân tộc muốn xây dựng một kiểu hình tượng trữ tình mới phù hợp với quan niệm nghệ thuật về con người đời thường khác biệt với con người lý tưởng của thơ ca trung đại? Con người đời thường có thể là con người nhỏ bé, yếu đuối, đáng thương. Những biểu hiện cảm xúc của con người thường tình như chua chát, chán chường, sầu khổ, lo âu, sợ hãi, mơ mộng, khát khao… không làm nó trở nên tầm thường, thấp kém mà càng khiến nó thêm gần gũi, chân thực, đáng được đồng cảm. Có thể nói, cùng với những tác giả của Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Sơ kính tân trang, tác giả Truyện Kiều đã bước đầu xây dựng một nền móng vững chắc cho kiểu con người ý thức cá nhân - kiểu con người rồi đây dần dần sẽ trở thành nhân vật trung tâm của nền văn học Việt Nam hiện đại.  Chú thích:
[1] Hoài Thanh - Hoài Chân (1989) - Thi nhân Việt Nam - Nxb VH, tr. 12. 
15/10/2017
Phan Đình Dũng
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...