Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Lữ khách ngước nhìn một khoảng trời thông

Lữ khách ngước nhìn 
một khoảng trời thông
Nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu có sự chăm chỉ và chịu khó đặc thù của người xứ Nghệ. Và anh cũng có cái thong dong của người phố núi sương mù.
Nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu. Ảnh: NVCC.
Sức quyến rũ của Tây Nguyên đã níu chân nhiều lữ khách. Màu đất đỏ bazan, nét đẹp mái nhà rông, hay rừng thông mờ trong sương, đã khiến nhiều người chọn nơi đây làm quê hương thứ hai.
Nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu cũng vậy. Anh sống với Tây Nguyên và anh viết về Tây Nguyên bằng sự run rẩy “nhớ núi” khôn nguôi!
Sinh ra và lớn lên ở Nghi Lộc - Nghệ An, Uông Thái Biểu sớm thấm thía nỗi mất cha “Bước chân mồ côi lê qua những cánh đồng hiu hắt/ Giọng hót chìa vôi khắc khoải véo vênh”.
Vào được giảng đường đại học thì Uông Thái Biểu cũng chính thức tha hương lập nghiệp. Mảnh đất chôn nhau cắt rốn cồn cào sau lưng: “Quê hương tháng Mười, quê hương tháng Năm/ Quê hương cháy và thét gầm gió bão/ Ngõ vắng em về ánh trăng khuya chao đảo/ Cơn sóng trong mơ gợi nhớ đến nao lòng”.
Uông Thái Biểu cầm bằng cử nhân văn chương, và đi làm báo. Anh đã từng thử việc ở Sài Gòn và nhận công tác ở Hà Nội, ở Đà Nẵng nhưng rồi anh cũng xin quay lại Đà Lạt để được chậm rãi mơ mộng và suy tư: “Có người ngủ dưới tán thông/ Gầy quen hệt sợi cỏ bồng mong manh/ Câu lục theo gió hao hanh/ Chỉ còn câu bát nhập nhành trong sương”.
Đà Lạt đã cho Uông Thái Biểu những cơ hội sáng tạo và Đà Lạt cũng cho Uông Thái Biểu mái ấm gia đình. Hơn 30 năm gắn bó với Đà Lạt, Uông Thái Biểu dạt dào niềm riêng sâu thẳm: “Đà Lạt của tôi vó ngựa chiều mưa/ Lóc cóc dội về quán trọ/ Lữ khách dừng chân giữa đường mưa gió/ Ngước nhìn một khoảng trời thông”.
Còn người mẹ nghèo vẫn lam lũ ở quê xưa, trở thành nỗi nghẹn ngào trong trái tim Uông Thái Biểu: “Trăm câu thơ cứ tang bồng hồ thỉ/ Từ ngữ thì thào những giai điệu kiêu sa/ Chiều nhớ làm thơ gửi mẹ già lội ruộng/ Gọi đến khản hơi con chữ chẳng hiện ra”.
Anh đưa mẹ vào Lâm Đồng để thuận tiện chăm nom thăm viếng. Và anh lại đi, và viết. Đi như kẻ nhàn rỗi, viết như kẻ đọa đày, giữa ngổn ngang tỉnh táo và cuồng si: “Hình như lần ấy mưa/ Em đưa tôi qua như tiễn chiếc lá cuối cùng của mùa thu bên bức tường cổ/ Hình như lần ấy gió/ Gió mài từng sợi tóc/ Trắng trung du”.
Ở Uông Thái Biểu, luôn hiện diện nụ cười điềm đạm và đôi mắt hiền lành. Giọng Nghệ vẫn đậm đặc trong anh. Thế nhưng, nếu nhìn kỹ, bức chân dung Uông Thái Biểu luôn được bổ sung bởi hai mặt ngỡ chừng đối lập, lãng mạn và thực tế, khoan hòa và quyết liệt, thanh thản và sốt ruột.
Vì sao như vậy? Vì anh tìm cách cân bằng giữa nhà thơ và nhà báo, giữa nhà thơ bâng quơ “Bài ca giọng trầm ai hát chiều nay/ Nghiêng nghiêng hoàng hôn lướt tràn mặt phố” và nhà báo đau đáu “Những lời khen thật giả sượng sùng/ Những lời chê thô bạo khoác màu trung thực/ Thật may sự thật không có màu gì cả/ Giấy trắng và mực đen”.
Tác phẩm thể hiện tình yêu cao nguyên 
của Uông Thái Biểu. Ảnh: NVCC.
Với nhiều người, báo hại thơ, hoặc thơ hại báo. Với Uông Thái Biểu, báo và thơ lại sống chung khá ngoạn mục. Đôi khi thơ vụt đến trên đường anh đi tác nghiệp báo chí, mà cũng có lúc đề tài bái chí lại xuất hiện lúc anh chiêm nghiệm thi ca. Để chứng minh điều ấy, hãy tìm sự tương đồng trên hành trình báo - thơ song đôi của Uông Thái Biểu.
Nhà báo Uông Thái Biểu cảm nhận về Đà Lạt: “Sương phủ lên rừng thông, ẩm ướt mái nhà ngái ngủ. Cái lạnh thì tái tê. Trước ly cà phê nóng mỗi sáng, chúng tôi đan tay vào trong bít tất len mà khớp xương buốt nhức.
Thời đó, Đà Lạt chưa phải là vùng có nhiều dự án, chưa đào núi, ủi đồi, chặt cây, lấp hồ. Đà Lạt hồi đó nhiều xanh, bởi chưa bị bọc bởi nhà kính, nhà lưới. Đà Lạt hồi đó lưa thưa bởi công trình xây dựng chưa mọc lên điệp trùng như bây giờ. Đà Lạt hồi đó những cánh rừng nguyên sinh len cả vào nội ô, nơi nào cũng có cây và thảm cỏ…”.
Còn nhà thơ Uông Thái Biểu lả lơi với Đà Lạt: “Đà Lạt của tôi/ Người bạn vong niên/ Gậy trúc khập khênh/ Gõ đá chênh vênh quán nhậu/ Chén rượu ngoại ô/ Ngấm một tiếng khà”
Nhà báo Uông Thái Biểu tỉ mỉ viết về lễ hội của dân tộc thiểu số bản địa: “Ngày buôn làng mở hội. Những bắp chân trần quấn quyện vào nhau, quấn quyện vào ánh lửa, dưới bóng thần linh nguyện cầu cho mùa màng tốt tươi.
Ngày gái trai trao vòng cầu hôn, hai cặp chân trần quỳ bên nhau hẹn thề trăm năm cầm sắt trước thần Sông, thần Núi.
Người mẹ ôm con trẻ sơ sinh nhúng đôi chân măng tơ vào dòng suối ven rừng trong ngày lễ đặt tên Nhu S’đăn cũng mong cho con lớn lên chân cứng đá mềm. Ngày Pơthi đưa hồn người đồng tộc về với cõi Yàng, những đôi chân trần lại quỳ bên nhau khóc tiễn. Người nằm xuống, rũ bỏ tất cả những mùa nhớ, tháng quên, chỉ mang theo đôi chân trần về miền xa thẳm”.
Còn nhà thơ Uông Thái Biểu tranh thủ đu đưa cảm xúc: “Em luân vũ suốt lũy tre lươn lạch/ Ta quẩn quanh trong nghiên bút tò te/ Thì thủng thẳng cho gánh gồng trò chuyện/ Nhì nhằng mộng mơ suốt tháng hội hè”. 
Mảnh đất Tây Nguyên trong mắt nhà báo Uông Thái Biểu rất khoáng đạt: “Tây Nguyên, những tháng gió. Những cơn gió trở mình không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây. Những cơn gió không rít gầm như bão tố ở miền duyên hải.
Gió thổi dài qua núi, qua đồi, qua sông, qua thác chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm. Những cơn gió hoang dại và phóng túng”.
Còn mảnh đất Tây Nguyên trong lòng nhà thơ Uông Thái Biểu lại trầm mặc: “Núi vẫn là núi cũ/ Tôi cũng là tôi xưa/ Núi cũ thì xanh mãi/ Tôi bây giờ héo khô/ Một ngày về ngang núi/ Gió lay bờ lau già/ Tình vương dài khe suối/ Hồn buồn như mưa qua”.
Nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu 
vẫn miệt mài đi và viết. Ảnh: NVCC.
Nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu có sự chăm chỉ và chịu khó đặc thù của người xứ Nghệ. Và anh cũng có cái thong dong của người phố núi sương mù.
Sau những trang báo nóng hổi thời sự, Uông Thái Biểu lại trở về với thi ca để sẻ chia với người tình “Mưa trong đáy mắt hiu buồn/ Những ngón tay nhuộm hoàng hôn úa vàng/ Lầm đò dọc lỡ đò ngang/ Trốn tìm nhau giữa hỗn mang đất trời”, để trăn trở với người dưng “Ta dặn dò nhau lời năm trước/ Cơn gió cầu ao thổi cơ hàn/ Mưa rây giọt mảnh người thấp thoáng/ Chuyện xưa lành lạnh buốt tâm can”.
Nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu có thể xem là một gương mặt thành đạt. Anh đang đảm nhận cương vị Trưởng cơ quan đại diện báo Nhân Dân tại Tây Nguyên. Hàm Vụ trưởng, chứ có phải đùa đâu.
Vậy mà Uông Thái Biểu vẫn rất dung dị, rất bình dân giữa bạn bè và đồng nghiệp. Thỉnh thoảng Uông Thái Biểu lại ghé về ngôi nhà xưa ở Nghi Lộc - Nghệ An để được hân hoan “Người đi về đâu về đâu người ơi/ Chín xứ mười phương biệt chim tăm cá/ Ta nay về đồng/ Về đồng lội ao vớt bèo/ Về đồng gội tóc chiêm bao/ Thịt da thoảng thơm mùi hương rơm rạ” và để có “Khúc tự tình của người trai chân đất” thảng thốt:
“Tôi lại về với tiếng sáo lưng trâu
Nghe mê muội những cánh đồng u tịch
Bạn bè phiêu dạt
Một mình đánh trận ấu thơ
Cố hương ơi, chát trái bần chua
Nghe lòng tím ngắt
Bữa rét tháng mười bữa nắng tháng năm
Tuổi thơ tôi trôi vào cổ tích
Đất khổ phơi mình
Trời nghèo cúi mặt
Tôi nhặt dấu chân mình rơi dưới đáy hoàng hôn”.
Bây giờ, nhà thơ - nhà báo Uông Thái Biểu ở tuổi 54, vẫn báo vẫn thơ mỗi ngày. Và anh nghĩ về chiều kích quá khứ để nhắc nhở tương lai: “Tiếng ngàn đời trong trầm giọng ầu ơ/ Dạy con cháu sinh nhai, dạy đời sau xử thế/ Những dây trầu thân cau nói thay lời đạo nghĩa/ Chim thần trả vàng đáp ơn người trồng khế/ Lòng tham không thể dài hơn túi ba gang/ Học một sàng khôn đi một ngày đàng/ Nhưng giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh/ Những bậc anh hùng, dân tôn thần thánh/ Kẻ cõng rắn cắn gà nhà, dân nguyền rủa không thôi”.
Tâm Huyền
Nguồn: Kiến thức gia đình số 19
Theo https://nongnghiep.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...