Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Huế trong Đà Lạt

Huế trong Đà Lạt
Một ngày cuối mùa xuân, Saigon bắt đầu vào mùa chuyển mưa nên khí hậu rất oi bức. Cái nóng gay gắt làm tôi thèm chi lạ thời tiết mát mẻ của mùa xuân ở Huế. Mà Huế thì xa quá, nên tôi và cô bạn thân từ Cali về quyết định thực hiện một chuyến du lịch Dalat. Vậy là sắp xếp công việc nhà, một chút nũng nịu với đức lang quân, tôi cùng bạn lên Dalat vào một ngày đầu tháng tư, khi Saigon bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa khá khó chịu.
Xe du lịch PHƯƠNG TRANG xuất phát tại bến rất đúng giờ. Tôi và Lan mua vé sớm nên được chỗ ngồi rất tốt trên xe. Tâm trạng hưng phấn làm tôi tạm quên đi những nỗi ưu tư của cuộc sống đời thường. Những giới hạn của tuổi tác vào thời điểm này cũng không còn ý nghĩa, tôi cảm thấy mình trẻ lại gần bốn mươi năm về trước.
Xe ra khỏi thành phố là bắt đầu tăng tốc. Cảnh vật trên đường lao vun vút theo tốc độ của xe. Tôi mỉm cười quay sang nhìn Lan. Cô bạn thân ở Cali về đang say xe, nhìn như con mèo ướt. Nhưng dù bạn như thế nào, tôi vẫn cảm thấy lòng mình thật hân hoan. Tôi an ủi bạn: “Không răng mô, say xe một xí, lên đến nơi là khỏe liền hì hì … “Lan lây niềm vui của tôi nên cũng cười theo, dù nụ cười của Lan méo xệch vì mệt…
Hành trình của chúng tôi rất thú vị. Cảnh vật hai bên đường thật đẹp và thơ mộng. Núi rừng xanh xanh, trùng trùng điệp điệp. Non sông Việt Nam nên thơ quá. Giang sơn cẩm tú của tôi đây. Bao nhiêu tháng ngày thăm con cháu ở Tokyo, sống trong cảnh văn minh nhất nhì thế giới, nhưng lòng tôi luôn hướng về quê hương Việt Nam, nơi có những người thân yêu nhất cuộc đời tôi đang sống, nơi đong đầy kỷ niệm của một thời, tuy đã xa quá là xa. Vì vậy, tuy rất thương con cháu, nhưng tôi vẫn chối từ một cuộc sống định cư ở nước ngoài, để trở về quê hương thân yêu, trở về Huế, và trở về để gửi gắm nắm tro tàn khi thật sự lìa xa cõi trần thế.
Xe ghé vào trạm dừng chân đầu tiên. Tôi và Lan bước xuống xe cho bạn lấy lại chút sinh khí. Lan có vẻ khỏe hơn khi hít thở không khí trong lành. Tôi vươn vai nói vui: Lan nì, làm răng mà người ta nghĩ tụi mình chỉ mới ba mươi thôi, chứ èo uột như ri là họ tưởng hai mụ già tám mươi đi du lịch thì chết… Lan cười hi hi, rồi lấy tay đập vào vai tôi một cái đau điếng: Khỉ, khi mô cũng liếng khỉ, tau mệt muốn chết mà còn chọc tau cười...
Mười phút dừng chân trôi qua. Trở lên xe lần này, Lan có vẻ tươi hơn. Tôi khuyên bạn nhắm mắt ngủ một chút. Còn tôi, vẫn căng mắt nhìn về hai bên đường. Cảnh vật êm đềm, nên thơ như trong cõi mộng. Tôi quên đi những lo toan của cuộc sống, tận hưởng những phút giây êm ái. Hạnh phúc thật giản đơn.
Bên tôi, Lan bắt đầu ngủ. Nghe tiếng ngáy nhè nhẹ của bạn tôi cảm thấy an lòng. Tôi cầm điện thoại lên và gọi cho Hòa, một cô bạn học chung trường Đồng Khánh ngày xưa. Hòa học 12A1, còn tôi học A2. Tình cờ gặp lại nhau nhân ngày họp mặt, chúng tôi đã trao đổi số điện thoại cho nhau. Tiếng Hòa trong điện thoại nghe vụn vỡ. Hòa đang bệnh, viêm thanh quản nên nói không thành tiếng. Tôi ríu rít: “Hòa ơi, tiếc quá, T lên Dalat chơi, gọi cho Hòa mà Hòa lại bệnh rồi thì làm răng mà gặp nhau được. Thôi đành hẹn lại dịp khác“. Giọng Hòa cũng đầy tiếc nuối rồi cúp máy.
Khoảng hai giờ đồng hồ sau, chuông điện thoại của tôi lại vang lên. Tôi cầm máy lên xem. Hòa gọi. Tôi ngạc nhiên thì Hòa nói liền liền trong máy như sợ tôi không hiểu: “T ơi! Khi T gọi Hòa đang sốt, chừ thì uống thuốc bớt rồi. Hòa phải gặp T chứ, không gặp răng được. Đau cũng ráng uống thuốc cho lành mà gặp nhau chứ. Mấy giờ T đến nơi?? Để Hòa liên lạc với các bạn Dalat rồi hẹn với T nhé“. Tôi cười rạng rỡ: “4 giờ 30 chiều nay T đến Dalat. Nhưng phải nghỉ ngơi, thăm gia đình đã Hòa ạ. Ngày mai tụi mình gặp nhau nhé, vì mốt T về lại Saigon rồi.” Hòa vui vẻ nhận lời, còn trách tôi sao mà vội vàng về nhà vậy.
Chúng tôi đến Dalat vào buổi chiều chưa tắt nắng. Nắng chiều loang loáng trên cành cây, trong tiết trời se se lạnh. Lan quàng chiếc khăn len cho ấm cổ, còn tôi, cứng đầu cứng cổ đến mấy cũng phải khoác chiếc áo jean vào người. Xe trung chuyển đưa chúng tôi về nhà. Anh tài xế hỏi tôi địa chỉ. Tôi nhẹ nhàng nói anh đưa chúng tôi về dốc đá, trên đường Phù Đổng Thiên Vương. Anh ta vui vẻ hỏi tôi: Có gần nhà BS Bình không chị?? Tôi vui vẻ trả lời: Ngay nhà BS Bình anh ạ. Cậu ta là em tôi. Một vài người khách trong xe cùng reo lên với bác tài: A, BS Bình là tụi tôi biết rồi. Tôi hay chữa bệnh tại phòng mạch ông ấy lắm. Bác Bình mát tay lắm. Một điểm son cho chuyến du lịch ngẫu hứng của chúng tôi. Bình là em trai thứ sáu của tôi, cũng tốt nghiệp Đại học Y KHOA HUẾ, hành nghề ở Dalat cũng gần hai mươi năm.
Vợ chồng Bình hân hoan đón tiếp chúng tôi. Hai đứa cháu rụt rè nhìn chúng tôi. Lâu lắm rồi tôi không gặp hai cháu, mặc dù mối dây thâm tình cốt nhục. Khoảng cách địa lý tuy không xa, nhưng hoàn cảnh và nhiều lo toan của cuộc sống khiến tôi không có nhiều cơ hội để gần gũi các em và các cháu. Tôi dang tay ra và gọi hai cháu lại. Hai đứa rụt rè đến gần tôi, rồi đưa đôi cánh tay nhỏ xíu ôm lấy cổ tôi. Tôi cảm động, nước mắt của ngày vui hội ngộ lại muốn dâng trào lên khóe mắt. Tôi hôn vào đôi má phính phính màu hồng của hai cháu để che dấu niềm xúc động đang tràn ngập tâm hồn.
Em dâu tôi nấu một nồi cháo gà để chiêu đãi. Lan vui mừng lắm, vì món ăn rất hợp khẩu vị, và làm cho Lan bớt mệt sau khi bị say xe. Lan thật tình thưởng thức làm vợ chồng Bình rất vui.
Ăn uống xong, tôi rủ Lan đi ra Hồ Xuân Hương dạo chơi. Lan đã khỏe hơn nên hưởng ứng ngay. Cảnh Hồ Xuân Hương buổi tối thật êm đềm. Ánh đèn đường chiếu lên mặt hồ, soi rọi cảnh vật mờ mờ ảo ảo. Mặt nước phẳng lặng. Từng hàng cây hai bên đường nhẹ lay động mỗi khi có một cơn gió thoảng qua. Xa xa là nhà Thủy tạ ẩn hiện dưới ánh đèn màu. Hai đứa dạo bước quanh bờ hồ. Không khí mát lạnh, thanh tao, làm chúng tôi quên đi thực tại. Quên mất mình đã bước vào tuổi lục tuần, quên mất mình đã trở thành bà nội, bà ngoại, quên mất mình còn gánh nhiều trọng trách trên vai. Quên tất cả. Đường quanh bờ hồ thơ mộng như con đường dọc theo bờ Sông Hương. Tôi và Lan đều im lặng bước nhẹ bên nhau. Hình như cả hai chúng tôi đều sợ bất cứ lời nói, hay tiếng ồn nào cũng phá tan cõi mộng.
Ghé vào một gánh sữa đậu nành nóng bên bờ hồ, chúng tôi ngồi xuống. Hai ly sữa đậu nành nóng hổi, thơm ngát mùi lá dứa được bưng ra. Chúng tôi húp từng ngụm sữa nhỏ, nghe mùi thơm quê hương đọng lại trên môi, ngọt ngào, sâu lắng. Ôi, hạnh phúc đơn sơ mà êm đềm biết bao!!!!.
Rồi đây, khi trở về thực tại, trở về cuộc sống thường nhật, chắc chắn tôi và Lan đều sẽ khó quên những giây phút tuyệt vời này. Có khi kỷ niệm này sẽ theo chúng tôi mãi mãi.
Đêm về nhiệt độ càng xuống thấp hơn. Tôi bất chợt rùng mình. Cảm giác mùa đông của Huế lại sống dậy trong lòng tôi. Nhớ ngày nào ngồi bên cạnh mẹ, ôm lấy chiếc lồng ấp đầy than hồng của mẹ vào lòng mà xuýt xoa vì trời lạnh. Nhớ ngày nào cuộn chăn nằm trên giường, biếng nhác như con mèo lười mùa đông, làm nũng với mẹ khi mẹ kêu dậy chuẩn bị đi học. Ôi, biết bao nhiêu là nhớ, biết bao nhiêu yêu thương, biết bao nhiêu là kỷ niệm của một thời Đồng Khánh Huế…
Trở về nhà cũng gần mười giờ đêm. Chỉ có Bình còn thức đợi chúng tôi. Em ân cần hỏi: Hai chị đi chơi có vui không?? Lan cười toét miệng, không còn vẻ mệt mỏi ban chiều: Vui quá, thích quá, cám ơn em.
Hai chúng tôi về phòng. Căn phòng được Bình chu đáo sắp xếp đầy đủ chăn êm nệm ấm. Giấc ngủ đến với chúng tôi thật nhẹ nhàng, không mộng mị…
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm. Không khí buổi ban mai trong lành làm tôi cảm thấy thật khỏe và hưng phấn. Sửa soạn trang điểm xong chúng tôi xuống nhà. Thư ân cần mời chúng tôi cùng ăn sáng, nhưng tôi lại muốn thưởng thức món bún bò Huế nổi tiếng ở Dalat: Bún CÔNG. Quán bún này cũng nằm gần nhà nên chúng tôi thả bộ cùng nhau. Hai tô bún bò Huế thật thơm mùi sả ruốc, từng lát thịt bò mỏng xếp đều trên mặt sợi bún trắng phau và màu nước ớt đỏ tươi hòa lẫn với màu xanh của hành lá làm chúng tôi rất thích thú. Tôi và Lan thật tình thưởng thức món ăn độc đáo của quê hương. Món bún bò ở đây cũng làm chúng tôi nhắc nhớ đến quán Bún bò Duy Tân ngày trước. Tôi còn nhớ sau mỗi ca trực đêm tại Bệnh Viện Huế, buổi sáng trước khi về nhà để ngủ bù là tôi đều ghé đến quán bún bò đường Duy Tân để thưởng thức món bún gân thật tuyệt hảo, mà hương vị ấy theo tôi đến hàng chục năm sau cũng chẳng dễ phai nhòa.
Ăn sáng xong thì chúng tôi trở về nhà để chờ xe du lịch đến đón. Tôi đăng ký một tour du lịch quanh thành phố Dalat. Cùng đi với chúng tôi là ba bạn nữ xinh xắn, trong trang phục là những chiếc áo đầm hoa rực rỡ. Tôi nói nhỏ bên tai Lan: “Ba cái bình hoa di động đó mi“. Lan cười ngặt nghẽo, cười chảy cả nước mắt. Anh chàng hướng dẫn viên và ba cô bạn đồng hành chẳng hiểu sao mà Lan lại cười nhiều đến như vậy. Nhưng cười đúng là một cảm xúc rất dễ lây lan, nên tất cả chúng tôi đều cười theo Lan, dù chẳng biết là cười chuyện gì. Cảm giác dè dặt ban đầu theo tiếng cười tan biến mất. Chỉ còn lại những chân tình của ngày hạnh ngộ tình cờ.
Chương trình đưa chúng tôi thăm viếng rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Dalat. Nhưng ấn tượng nhất trong tôi vẫn là Hồ Tuyền Lâm, Thung Lũng Tình yêu và Thung lũng Vàng. Cảnh vật êm đềm, hài hòa giữa núi xanh, nước biếc tạo nên cảnh quang sơn thủy hữu tình. Điểm nhấn của phong cảnh là Hoa, muôn màu muôn sắc hoa khoe mình trong ánh nắng. Ngàn hoa lả lơi trong gió, trong ánh sáng mặt trời. Đủ các loại hoa tìm thấy ở Dalat, nơi được mệnh danh là Thành Phố Hoa. Thung lũng Vàng rất đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên được bàn tay con người tôn tạo nên càng quyến rũ hơn. Tôi và Lan rảo bước trên con đường vào thung lũng. Con đường làm chúng tôi liên tưởng đến đồi Thiên An và đồi Vọng Cảnh ở Huế. Thiên An và Vọng Cảnh còn nguyên những nét thiên nhiên hoang sơ. Từng hàng thông trên đồi Thiên An là chứng nhân lịch sử cho biết bao nhiêu mối tình học trò một thời vụng dại. Thiên An và Vọng Cảnh như nét mộc mạc của một thiếu nữ dậy thì, chưa biết làm duyên khoe sắc. Còn ở đây, cảnh sắc như người con gái đã biết tô son điểm phấn để tôn vinh thêm lên vẻ đẹp mỹ miều mà tạo hóa đã ân sủng ban tặng. Chúng tôi tung tăng trên đồi, chọn lựa những khung cảnh để chụp hình. Nơi này chúng tôi đặt tên là Vết lăn trầm, bên kia là Phiến đá sầu, xa hơn nữa nơi những cụm hoa vàng khoe sắc thắm thì chúng tôi đặt tên là Hoa vàng mấy độ… “Ba bình hoa di động“ cũng vui theo chúng tôi, tạo nên những tràng cười khanh khách, làm chúng tôi cứ ngỡ mình đang sống lại tuổi học trò ngày xa xưa ấy.
Một điểm khá nổi bật ở Dalat là những cây Phượng tím. Cách đây khoảng gần mười năm, khi lên Dalat, tôi chỉ thấy có vài cây Phượng tím khoe sắc một cách nhẹ nhàng, kín đáo, thì giờ đây, Phượng tím được trồng rất nhiều trên những con đường. Nhiều cây nở đầy hoa, khoe màu tím trang nhã, màu của những người con gái Huế, màu của sự thủy chung, son sắt. Tôi yêu màu tím biết bao, nên trước hình ảnh những cây Phượng tím, tôi không thể nén được sự trầm trồ vì ngưỡng mộ và thích thú.
Chiều hôm đó Hòa và các bạn Đồng Khánh hẹn chúng tôi để gặp nhau. Các bạn mời chúng tôi một bữa ăn nem nướng trên đường Phan đình Phùng thật ngon. Có cả chị Kim Kê là một đàn chị, và cả bạn Túy Ngọc ở Huế vào Dalat nữa. Hòa kéo thêm Mộng Hà, Túy Vân. Chao ôi!! Túy Vân là bạn cùng lớp 12A2 của tôi niên khóa 1970 - 1971. Bốn mươi năm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau. Cuộc hội ngộ nhiều tiếng cười nhưng khá cảm động. Chúng tôi cầm tay nhau, bùi ngùi nhìn nhau. Mới hôm nào còn là những thiếu nữ xinh tươi, trong trắng, mà bây chừ tóc đã pha màu sương khói, nhiều vết thời gian đã hằn lên khóe mắt, đôi môi… Biết bao nhiêu điều muốn nói với nhau, nhưng ngôn từ gần như vô nghĩa vì không thể chuyển tải hết được những ý nghĩa của ngày vui hội ngộ.
Ăn xong tôi và Lan muốn mời các bạn đi phòng trà ca nhạc hát với nhau. Chị Kim Kê hưng phấn đề nghị đến Trà quán Dương Tùng. Tất cả hưởng ứng thật nhiệt tình, cả Hòa cũng vậy, dù trên gương mặt Hòa vẫn còn nhiều nét mệt mỏi vì bệnh.
Trà quán được thiết kế rất trang nhã. Cả nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh chúng tôi đều thích thú trong một không gian thật lãng mạn. Cô ca sĩ của phòng trà mở đầu chương trình ca nhạc bằng những tình khúc của một thời con gái chúng tôi. Nghe bồng bềnh trong âm nhạc, chúng tôi lặng mình thưởng thức.
Đến khi MC giới thiệu các “ca lẻ“, chị Kim Kê nhanh nhẹn lên sân khấu say sưa hát một tình khúc tiền chiến. Chúng tôi vỗ tay thật dài. Cả khán phòng cũng hòa theo niềm hưng phấn của nhóm chúng tôi. Đến phiên tôi thì Lan khều nhẹ “Tìm Đâu nghe T, Lan thèm nghe bài hát nớ lắm“ Tôi chiều ý Lan, cất tiếng thật nhẹ, khác hẳn với phong cách hàng ngày của tôi:
“Niềm thương dù cho xa cách muôn trùng không phai mờ.
Ngày tháng vấn vương theo áng mây trôi đi bơ vơ…“
Nhìn xuống các bạn ngồi bên dưới, tôi nhận được nét mặt cảm động của Lan và tất cả đều im lặng như nuốt từng lời ca. Tiếng vỗ tay thật dài, và các bạn chạy lên sân khấu tặng tôi rất nhiều cánh hoa hồng. Tôi cao hứng cất tiếng: “Xin phép tất cả quý khách có mặt hôm nay cho tôi có dịp hát thêm một bài hát nữa để tặng bạn tôi, đặc biệt là Túy Vân, một cô bạn đã hơn bốn mươi năm xa cách, nay tình cờ gặp lại nhau…“
Cả phòng ồ lên kinh ngạc, tôi nghe có tiếng nói lao xao bên dưới: Bốn mươi năm!!! Thật không ngờ, quá hay...
Tôi chọn bài Tiếng Sông Hương của Nhạc sĩ Phạm đình Chương. Tiếng Sông Hương là tiếng lòng của tôi. Thời con gái, tôi thích nghêu ngao hát bài này, khi làm mẹ, tiếng sông Hương lại thay lời ru con ngủ. Rồi những lúc xa quê hương, xa Huế, có dịp hát trước bạn bè là tôi lại hát bài hát này. Tôi yêu Huế, nên yêu luôn: “Em sinh em bé tên là Hương Giang… Quê hương em nghèo lắm ai ơi!! Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn…“
Cả khán phòng vỗ tay hát theo điệp khúc: “Hò ơi!! ai là qua là thôn vắng... “Khách hưởng ứng thật nhiệt tình và tôi cũng say sưa hát. Tiếng vỗ tay không muốn dứt. Tôi bắt gặp những ánh mắt ngưỡng mộ, có lẽ ánh mắt ngưỡng mộ dành cho một thời Đồng Khánh của chúng tôi.
Âm vang Dalat vang vọng trong tâm hồn tôi. Giọng Huế của tôi và các bạn không pha màu thời gian, không phai nhạt vì khoảng cách địa lý. Tôi và Lan đã có một chuyến du lịch thật thú vị: Huế trong Dalat. Chia tay nhau mà tôi vẫn chưa muốn rời xa, này Hòa, này Túy Vân, này Mộng Hà… Ôi, những cô bạn của một thời thơ ấu…
Đà Lạt tháng 4 năm 2011

Mai Băng Thanh

Theo https://tiengsonghuong.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...